vườn Phật

Diệt trừ bất thiện pháp giống như diệt trừ cây độc

 

vipassana4

Những người có trí tuệ và Ba-la-mật họ rất sợ trầm luân trong vòng sinh tử , tái sanh từ kiếp này sang kiếp khác. Họ muốn được thoát khỏi khổ cảnh (bốn đọa xứ) [apaya]. Những người này đang hành thiền để có thể thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi. Nhưng chỉ khi bạn diệt tận được những bất thiện pháp của chính mình giống như diệt trừ tận gốc một cây độc, bạn mới có thể thoát khỏi biển trầm luân. Bất thiện Pháp giống như một cây độc, bao gồm: (1) Những hành động bất thiện về thân và khẩu (vitikkama akusala) (2) Nỗi ám ảnh của bất thiện pháp hay phiền não vi tế (pariyutthana akusala) (3) Những hành động bất thiện có từ vô lượng kiếp quá khứ hay phiền não ngủ ngầm (anusaya akusala) (1) Những hành động bất thiện về thân và khẩu (vitikkama akusala) có nghĩa: Giết hại hay tước đoạt mạng sống, lấy của không được cho và tà dâm là ba loại hành động bất thiện thuộc về thân. Nói dối, vu khống, dùng lời thô lỗ hoặc vu khống, nói lời phù phiếm là bốn hành động bất thiện thuộc về khẩu. Đây là bảy loại bất thiện pháp được ví như ngọn của một cây độc. Chúng ta chỉ thấy rõ được nó khi đứng nhìn nó từ đằng xa. Tương tự, những hành động bất thiện về thân và khẩu có thể quan sát và thấy được một cách sống động giống như khi chúng ta đứng từ xa để nhìn ngọn cây độc. Những hành động bất thiện của thân và khẩu được ví như ngọn của cây độc phải được loại trừ bằng giới (sila). Khi chúng ta giữ giới, chúng ta sẽ không phạm những hành động bất thiện về thân như giết hại, trộm cắp cũng như phạm những hành động bất thiện về khẩu như nói dối, vu khống, nói lời thô lỗ, lạm dụng ngôn từ và nói lời phù phiếm . Có nghĩa là chúng ta đã loại trừ những bất thiện pháp này bằng giới. Hay nói cách khác do giữ giới, chúng ta có thể loại trừ các bất thiện pháp này giống như chặt ngọn của cây độc. Châm ngôn: Giữ giới cao thượng giúp loại trừ các hành động bất thiện về thân và khẩu . (2) Nỗi ám ảnh của bất thiện pháp hay phiền não vi tế (pariyutthana akusala) có nghĩa: Sự thèm muốn, khát khao cứ trạo tới, trạo lui trong tâm. Đó là tâm tham (lobha). Khi chúng ta không có được những gì mà chúng ta khao khát, chúng ta trở nên phiền muộn. Và đó là sân. Thân của cây độc và vòng ôm quanh thân cây không thể nhìn thấy chính xác từ đằng xa. Cũng giống như vòng ôm quanh thân cây chỉ có thể được nhìn thấy khi chúng ta đứng ở một cự ly gần, nỗi ám ảnh của bất thiện pháp hay phiền não vi tế (pariyutthana akusala) không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Do chúng chỉ có thể nhận biết được qua sự lý luận, pariyutthana akusala được so sánh với vòng ôm của thân cây độc. Nỗi ám ảnh của bất thiện pháp hay phiền não vi tế (pariyutthana akusal) được ví như thân cây và phải được tiêu diệt bởi thiền chỉ (samatha). Khi chúng ta quán chiếu về các phẩm chất tuyệt vời của Đức Phật hoặc tập trung miên mật trên một đối tượng của giác quan, nỗi ám ảnh của bất thiện pháp hay phiền não vi tế này sẽ không có điều kiện để sinh khởi, có nghĩa là chúng ta đã loại trừ nó bằng thiền chỉ (samatha). Do thiền chỉ giúp loại bỏ các bất thiện pháp này như vậy, nó được ví như chặt, đốn cây ở giữa thân cây. Châm ngôn: Khi các tâm hành bất thiện sinh khởi, hãy loại trừ chúng bằng thiền chỉ cao quý. (3) Những hành động bất thiện có nguồn gốc từ vô số kiếp quá khứ hay phiền não ngủ ngầm (anusaya akusala) có nghĩa: Là những hành động bất thiện hiện diện trong tâm có nguồn gốc từ vô số kiếp quá khứ mà chúng ta không thể xác định được thời gian có mặt của chúng. Bộ rễ truyền sự sống cho cây độc, nếu đứng từ xa, có thể không nhìn thấy được . Cho dẫu bạn đi đến gần hơn, bạn cũng không thể nhìn thấy nó bằng mắt thường. Bạn chỉ có thể nhận thức được nó qua sự lý luận. Cây độc sống được bởi vì có bộ rễ nằm bên dưới mặt đất đang nuôi dưỡng sự sống cho nó. Bạn thấy được nó là nhờ trí tuệ có được từ sự quan sát trực tiếp (trực quan). Tương tự, anusaya akusala có thể nhận thức được thông qua lý luận và do đó nó được so sánh với bộ rễ truyền sự sống của cây độc. Vì vậy bộ rễ truyền sự sống cho cây độc được so sánh với phiền não ngủ ngầm (anusaya akusala) là loại phiền não có nguồn gốc từ vô lượng kiếp quá khứ và nó phải được diệt trừ bằng Tuệ Đạo (Magga Nana) của thiền Tứ Niệm Xứ. Mặc dù người ta nói rằng nó có thể được loại trừ bởi thiền nội quán Vipassana và Tuệ Đạo, nhưng chỉ có Tuệ Đạo mới có thể diệt trừ nó tận gốc. Để đạt được Tuệ Đạo ( Magga Nana) , chúng ta phải thực hành Tứ Niệm Xứ (Vipassana). Chỉ khi nào tuệ Minh sát (Vipassana Nana) được của bạn được viên mãn, bạn mới đạt được Tuệ Đạo (Magga Nana). Một khi bạn đạt đến Nhập Lưu Đạo Tuệ (Sotapatti Magga Nana ), rễ của cây độc, hay rễ của các loại phiền não như tà kiến tùy miên (nusaya dittha) và hoài nghi tùy miên (vicikicchā nusaya ) hoàn toàn bị tiêu diệt. Tham, sân, si đưa bạn tới khổ cảnh cũng giảm bớt. Những hành động xuẩn ngốc và bất thiện đươc làm trong nhiều kiếp quá khứ, lẽ ra sẽ dẫn chúng ta đến khổ cảnh đều bị tiêu diệt. Do sự tiêu diệt này , làm một bậc thánh Nhập lưu (Sotapanna), bạn được giải thoát khỏi mọi khổ cảnh của vòng sinh tử luân hồi. Khi hành giả thực hành thiền một cách liên tục để đạt đến Nhất Lai Đạo Tuệ (Sakadagami Magga Nana), bộ rễ truyền sự sống cho cây độc là các phiền não như tình dục ngủ ngầm ( kamaraganusaya) [ tham (lobha)], sân tùy miên (patiganusaya [sân (dosa) ]và vô minh ngủ ngầm (avijjanusaya) [ si ( moha)] mặc dù chưa được diệt trừ hoàn toàn nhưng đã suy yếu dần. Vì vậy, khi trở thành bậc thánh Nhất lai (Sakadagami), hành giả chỉ còn tái sinh một lần nữa trong cõi giới của nghiệp. Sau đó, hành giả sẽ được giải thoát khỏi sự trầm luân trong các cõi giới của nghiệp và tất cả mọi loại đau khổ. Khi hành giả tiếp tục thực hành, hành giả sẽ chứng đắc Bất Lai Đạo Tuệ (Anagami Magga Nana). Đạo tuệ này tiêu hủy hoàn toàn bộ rễ truyền sự sống cho cây độc. Đó là những pháp bất thiện như tình dục ngủ ngầm ( kamaraganusaya) [ tham (lobha)], sân tùy miên (patiganusaya) [sân (dosa)]. Do đó trở thành một bậc thánh Bất lai (Anagami), hành giả không còn quay trở lại các cõi giới của nghiệp và hoàn toàn được giải thoát khỏi tất cả các khổ cảnh của các cõi giới này. Nếu hành giả vẫn tiếp tục thực hành Tứ Niệm Xứ, hành giả sẽ chứnn g đắc A-la-hán Đạo Tuệ. Đạo Tuệ này tiêu diệt hoàn toàn phần sâu nhất của bộ rễ truyền sự sống cho cây độc là các loại phiền não như ưa thích tam giới ngủ ngầm (bhavaraganusaya ) [tham (lobha)], cống cao ngã mạn ngủ ngầm ( mananusaya ) [sân (dosa)], vô minh ngủ ngầm (avijjanusaya) [si ( moha)] . Do đó, trở thành một bậc thánh A –la-hán, hành giả được giải thoát tất cả mọi thứ đau khổ của vòng luân hồi sinh tử. Châm ngôn: Bất thiện pháp, những hành động bất thiện hiện tồn tại trong các kiếp sống quá khứ, hiện tại và vị lại bị diệt tận bằng trí tuệ cao thượng. Trong thời Đức Phật còn tại thế, có một Phạm thiên đã loại trừ được các hành động bất thiện qua thân và khẩu (Vitikkama akusala) qua việc giữ giới (sila) – những bất thiện pháp này được ví như là ngọn của cây độc. Vị Phạm thiên này cũng loại trừ những phiền não vi tế (pariyutthana akusala) – được so sánh với thân cây độc – bằng thiền định, nhưng không loại trừ các hành động bất thiện có nguồn gốc từ nhiều đời kiếp trước hay bất thiện ngủ ngầm (anusaya akusala), đó là bộ rễ truyền sự sống cho cây độc. Do vậy, vị Phạm thiên này đã tái sinh làm một con heo nái. Lần nọ, Đức Phật ngụ tại tu viện Veluvana gần thành Vương Xá (Rajagaha). Một hôm, cùng với Ashin Ananda và Tăng đoàn, Đức Phật đã đi vào thành Rajagah để khất thực. Trên đường đi, nhìn thấy con heo nái ở lối vào thị trấn, Đức Phật mỉm cười và ngài Ashin Ananda đã hỏi Đức Phật tại sao Ngài mỉm cười như vậy. Đức Phật đáp Ngài mỉm cười do Ngài thấy con heo nái nhỏ đó là kết quả của một sự tái sinh từ cõi Phạm thiên. Nó đã từng làm một con gà mái ở gần trai đường của Tăng đoàn trong thời kỳ Đức Phật Kakusandha. Do hàng ngày nghe chư Tăng tụng về chiếu kiến nghiệp xứ ( vipassana kamatthana ), con gà mái này sau khi chết, đã tái sinh làm một công chúa trong trong cõi người. Nàng công chúa xuất gia và trở thành một Tỳ kheo ni. Tỳ khưu ni này giữ giới rất nghiêm ngặt, việc này cũng như chặt bỏ ngọn của cây độc. Một ngày nọ, nhờ thực hành thiền định với đề mục bất tịnh khi nhìn thấy giòi trong nhà vệ sinh, Tỳ kheo ni này chặt được thân cây- đoạn giữa – và đắc tầng thiền. Cô đã sống một cuộc sống an lạc do sơ thiền đem lại. Sau khi chết, cô được tái sinh vào cõi Phạm thiên . Sau khi hết tuổi thọ ở cõi Phạm thiên, cô tái sanh làm con gái của một người đàn ông giàu có. Là con gái của gia đình giàu có, cô đã làm một số việc bất thiện, và giờ đây, cô ta trở thành một con heo nái nhỏ đứng tại cổng thành Rajagaha trong thời kỳ giác ngộ của Đức Phật Thích Ca. Các vị Tỳ kheo đều cảm thấy tiếc cho con heo ấy sau khi nghe Đức Phật giải thích như vậy. Lý do tại sao cô từ một vị Pham thiên cao quý trở thành một con vật thấp kém là do khi cô làm một Tỳ kheo ni và thực hành Pháp (Dhamma), cô chỉ giữ giới (sila). Việc này ví như cắt ngọn của cây độc. Tiếp đến cô thực hành thiền định, và loại thiền này chỉ giúp cô chặt được phần thân của cây độc. Cô đã không thực hành Tứ niệm xứ để nhổ tận gốc cây độc cho đến khi đạt được Đạo Tuệ. Châm ngôn: Không nhổ tận gốc phiền não ngủ ngầm, tái sanh làm con heo nái. Biết tâm của các Tỳ kheo đầy thương cảm cho con heo, Đức Phật đã dạy như sau: “Này các Tỳ kheo, nếu chỉ có các nhánh cây bị chặt, gốc rễ vẫn còn, chưa được cắt hoặc chưa được nhổ tận gốc, các nhánh sẽ mọc và phát triển mạnh trở lại. Tương tự như vậy, các hành động bất thiện của thân và khẩu (vitikkama akusala) được ví như là ngọn của cây độc vàì nó được loại trừ bởi giới. Nỗi ám ảnh của bất thiện pháp hay phiền não vi tế (pariyutthana akusala) ví như thân cây, nó bị đốn, chặt bởi thiền chỉ. Nhưng nếu phiền não ngủ ngầm (anusaya akusal), được ví như rễ cái của cây độc không tiêu diệt bởi Đạo Tuệ (Magga Nana), chúng sanh sẽ trầm luân và không ngừng đau khổ, chịu tất cả các loại khổ đau như tái sinh, già, bệnh, chết, sầu, bi v.v…” (Pháp Cú 2/332 ) Tất cả các vị Tỳ khưu lắng nghe lời dạy của Đức Phật đã thực hànhh Tứ niệm xứ cho đến khi họ đạt được Đạo Tu, nhờ vậy họ đã có thể nhổ tận gốc rễ của những bất thiện pháp có từ vô số kiếp quá khứ (anusaya akusala), họ trở thành các bậc thánh Dự lưu và thoát khỏi khổ cảnh của vòng sinh tử luân hồi. Châm ngôn: Chỉ chặt nhánh, không nhổ tận gốc, nhánh của cây độc sẽ phát triển mạnh trở lại. Không tận diệt phiền não ngủ ngầm, đau khổ sẽ quay trở lại. Tận diệt phiền não ngủ ngầm, giải thoát khỏi đau khổ. Muốn tận diệt phiền não ngủ ngầm, phải thực hành Tứ Niệm Xứ.

Theo: Dhamma Padetha Eradicate Akusala Like a Poison Tree

Chuyển ngữ: Supanna Thiện Trí

Visits: 616