Điểm xúc chạm đề mục hơi thở trong Đạo Vô Ngại Giải

Điểm xúc chạm đề mục hơi thở trong Đạo Vô Ngại Giải

Điểm xúc chạm đề mục hơi thở trong Đạo Vô Ngại Giải

[Tỷ dụ Lưỡi Cưa]

Dấu hiệu, thở vào, thở ra không phải là đối tượng
của một tâm duy nhất;
Người không biết ba điều này
Tu không tăng tiến. [171]

Nimittaṃ assāsa∙passāsā, an∙ārammaṇam∙eka∙cittassa;
a∙jānato ca tayo dhamme, bhāvanā n∙upalabbhati.”


Dấu hiệu, thở vào, thở ra không phải là đối tượng
của một tâm duy nhất;
Người biết rõ ba điều này
Tu có thể tăng tiến.

  1. Thế nào là nói ba điều này không phải là đối tượng của một tâm duy nhất?, tuy chúng không phải là không được biết tới?, tâm không bị phân tán, vị tỳ kheo thể hiện nỗ lực, làm phận sự và đạt kết quả đặc biệt?

Giả thử có một thân cây đặt nằm trên mặt đất bằng, một người dùng cưa cắt nó. Quán niệm của người ấy được thiết lập nhờ chỗ các răng cưa tiếp xúc với thân cây mà không chú ý tới sự di chuyển tới lui của các răng cưa ấy, cho dù các răng cưa ấy không phải là không được người cưa biết tới khi các răng ấy di chuyển tới lui; và người cưa thể hiện nỗ lực, làm phận sự và đạt kết quả đặc biệt.

Khi thân cây ấy được đặt nằm trên mặt đất bằng thì dấu hiệu buộc quán niệm [8] cũng thế. Các răng cưa như thế nào, các hơi thở vào và hơi thở ra cũng thế. Vì quán niệm của người được thiết lập nhờ chỗ các răng cưa tiếp xúc với thân cây mà không chú ý tới sự di chuyển tới lui của các răng cưa ấy, cho dù các răng cưa ấy không phải là không được người cưa biết tới khi các răng cưa ấy di chuyển tới lui; và như vậy người cưa thể hiện nỗ lực, làm phận sự và đạt kết quả đặc biệt, cũng thế, vị tỳ kheo ngồi, sau khi lập quán niệm ở đỉnh mũi hay môi trên xong, không chú ý tới sự di chuyển vào ra của các hơi thở vào và hơi thở ra, cho dù các hơi thở ấy không phải là không được tỳ kheo biết tới khi các hơi thở vào ra; và như vậy vị ấy thể hiện nỗ lực, làm phận sự và đạt kết quả đặc biệt.

* Ghi chú: Theo lời giải thích trên đây của Đạo Vô Ngại Giải thì ”dấu hiệu (nimita), hơi thở vào, hơi thở ra không phải là đối tượng của tâm duy nhất”. Vì không phải là đối tượng của tâm duy nhất (tâm neo trên đề mục thiền) nên nó không phải là đề mục thiền mà chính là điểm xúc chạm của hơi thở với đầu mũi mới là đề mục thiền .

Nỗ lực là gì? Thân và tâm của người tinh tấn trở nên dễ điều khiển: đây là nỗ lực.

Phận sự là gì? Các bất toàn cần được từ bỏ nơi người tinh tấn, và các tâm hướng về đối tượng của vị ấy đã được êm dịu: đây là phận sự.

Kết quả đặc biệt là gì? Ở người tinh tấn, các kết buộc đi tới tình trạng bị từ bỏ, và các khuynh hướng ngủ ngầm của người ấy đi tới tình trạng bị diệt trừ: đây là kết quả đặc biệt.

Như vậy, ba điều này không phải là đối tượng của một tâm duy nhất, [172] tuy chúng không phải là không được biết tới, tâm không bị phân tán, và vị ấy thể hiện nỗ lực, làm phận sự và đạt kết quả đặc biệt.

Đạo Vô Ngại Giải (Paṭisambhidāmagga)

Bhikkhu Ñāṇamoli dịch từ tiếng Pāḷi sang tiếng Anh:THE PATH OF DISCRIMINATION

Nguyễn Văn Ngân dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt

nguồn: http://www.budsas.org/uni/u-kinh-vng/vng03.htm


Trong Thanh Tịnh Đạo giải thích như sau:

  1. Và ở đây, cái tâm với hơi thở vô là đối tượng là một, tâm lấy hơi thở ra làm đối tượng là một tâm khác, và cái tâm lấy tướng (nimita) làm đối tượng lại là một tâm khác nữa. Với một người không hiểu rõ ba cái này, thì đề mục thiền không đạt đến an chỉ định, cũng không đạt đến cận hành định. Nhưng đề mục đạt đến cận hành định và luôn cả an chỉ định, nếu một người hiểu rõ ba điều này. Vì luận nói:

“Tướng, hơi thở vô,
Hơi thở ra, không phải là
đối tượng của một tâm duy nhất,
Người nào không biết
Ba việc này
Thì sự tu không đạt
Tướng, hơi thở vô,
Hơi thở ra, không phải là đối
Tượng của một tâm duy nhất,
Người nào biết rõ ba việc này
Thì tu có thể đạt”. (Ps. i, 170)

218. Và khi tướng (nimita) đã xuất hiện theo cách trên, vị ấy nên đi đến bậc thầy và thưa: “Bạch đại đức, tướng như vậy đã xuất hiện nơi con” Theo những vị tụng đọc Trường bộ kinh thì vị thầy không nên nói: “Ðó đúng là tướng “mà cũng không nên nó” Ðó không phải là tướng”, mà chỉ nên bảo “Hiền giả, có xảy ra việc như thế” và sau đó hãy nói: “Cứ tiếp tục chú tâm trên đề mục nhiều lần như vậy” Bởi vì, nếu vị thầy bảo: “Ðó là tướng, thì vị tỷ kheo có thể đâm ra tự mãn, bỏ dở ngang đấy (M. i, 193 và kế tiếp). Nếu vị thầy bảo: “Ðó không phải tướng”, thì vị tỷ kheo có thể bị thối tâm và bỏ cuộc. Bởi thế vị thầy nên khuyến khích đệ tử tiếp tục chú tâm mà đừng nói gì cả. Nhưng những vị tụng đọc Trung bộ kinh thì bảo vị thầy nên nói: “Hiền giả, đó là tướng, tốt lắm. Hãy tiếp tục chú tâm trở lại”.

* Ghi chú: Như vậy tướng (nimita) không phải là đề mục thiền mà chỉ là tướng hơi thở sinh lên khi tâm đã neo được vào điểm xúc chạm của hơi thở nơi đầu mũi. Nó là kết quả hay thành tựu của sự chú tâm trên đề mục thiền (điểm xúc chạm của hơi thở với thân). Đề mục thiền là đối tượng để tâm neo vào từ khi bắt đầu thiền cho đến khi nhập định (an chỉ định). Trong khi tướng (nimita) của hơi thở chưa có hoặc chưa thể thấy khi bắt đầu tiền hành thiền định. Đó là lý do các vị thầy luôn nhắc thiền sinh chú tâm vào đề mục thiền thay vì tìm kiếm tướng (nimita) của hơi thở.

Thanh Tịnh Ðạo
Luận sư Buddhaghosa (Phật Âm)
Thích Nữ Trí Hải dịch Việt

http://www.budsas.org/uni/u-thanhtinh-dao/ttd-08c.htm


tham khảo thêm bài viết về điểm xúc chạm đề mục hơi thở: Bước Vào Sơ Thiền