Dai Phat Su Tap 1b

ĐẠI PHẬT SỬ TẬP 1.B

Dai Phat Su Tap 1b

 

THERAVĀDA

PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY

ĐẠI PHẬT SỬ

TẬP 1.B

THE GREAT CHRONICLE OF BUDDHAS

(MAHĀ BUDDHAVAṂSA)

VOLUME ONE.B

Nguyên tác: Mingun Sayadaw

(Bhaddanta Vicittasārābhivaṃsa)

Tỳ khưu Minh Huệ biên dịch

( In lần hai )

NHÀ XUẤT BẢN HỒNG ĐỨC

PL. 2562 – DL. 03-2019
[toc]

MỤC LỤC

CHƯƠNG 7Linh tinh 5

  1. Thế nào là các pháp Pāramī (Ba-la-mật)? 6
  2. Tại sao được gọi là Pāramī? 8
  3. Có bao nhiêu pháp Pāramī? 9
  4. Các pháp Pāramī được sắp xếp như thế nào? 9
  5. Thế nào là tướng trạng, phận sự, thành quả và nhân cần thiết
    của các pháp Pāramī? 17
  6. Những điều kiện cơ bản của các pháp Pāramī 25
  7. Các yếu tố nào làm ô nhiễm các pháp Pāramī? 61
  8. Các yếu tố nào làm thanh tịnh các pháp Pāramī? 63
  9. Những yếu tố nào đối nghịch với các pháp Pāramī? 66
  10. Các pháp Pāramī được thực hành như thế nào? 59
  11. Phân loại các pháp Pāramī như thế nào? 96
  12. Các pháp Pāramī được rút gọn như thế nào? 99
  13. Các yếu tố nào làm thành tựu các pháp Pāramī 117
  14. Thời gian cần thiết để thành tựu các pháp Pāramī là
    bao lâu? 124
  15. Những lợi ích nào phát sanh từ các pháp Pāramī? 127
  16. Quả của các pháp Pāramī là gì? 129

CHƯƠNG 8Mười tám bất khả sử xứ 133

CHƯƠNG 9Lịch sử 24 vị Phật Tổ 137

  1. Đức Phật Dīpaṅkarā 137
  2. Đức Phật Koṇdañña 150
  3. Đức Phật Buddhavaṃsa 158
  4. Đức Phật Sumana 173
  5. Đức Phật Revata 180
  6. Đức Phật Sobhita 187
  7. Đức Phật Anomadassī 193
  8. Đức Phật Pudama 199
  9. Đức Phật Nārada 205
  10. Đức Phật Padumuttara 214
  11. Đức Phật Sumeda 222
  12. Đức Phật Sujāta 228
  13. Đức Phật Piyadassī 234
  14. Đức Phật Atthadassī 243
  15. Đức Phật Dhammadassī 249
  16. Đức Phật Siddhattha 254
  17. Đức Phật Tissa 260
  18. Đức Phật Phussa 266
  19. Đức Phật Vipassī 271
  20. Đức Phật Sikhī 281
  21. Đức Phật Vessabhū 287
  22. Đức Phật Kakusandha 293
  23. Đức Phật Koṇāgamana 300
  24. Đức Phật Kassapa 305

Phụ lục:

Tóm tắt về các kiếp sống quá khứ của Đức Phật Gotama 313



NAMO TASSA BHAGAVATO

ARAHATO SAMMĀSAMBUDDHASSA

CHƯƠNG 7

LINH TINH

NHỮNG ĐIỂM CHÚ THÍCH VỀ CÁC PHÁP BA-LA-MẬT NHẰM ĐEM LẠI LỢI ÍCH CHO NHỮNG NGƯỜI CÓ CHÍ NGUYỆN THÀNH PHẬT.

Chúng tôi xin kết thúc câu chuyện về đạo sĩ Sumedha ở đây để trình bày những chú thích cặn kẻ về mười pháp Ba-la-mật (như đã nêu ra trong chú giải của bộ Cariyā Piṭaka), nhằm mục đích đem lại lợi ích cho những ai có chí nguyện thành đạt mục tiêu tối thượng là Chánh Đẳng Giác (Nhất thiết trí) và giúp họ có thể có được sự thiện xảo trong hiểu biết thực hành và tích lũy những pháp cần thiết cho sự giác ngộ.

Ở chương này, những điểm sau đây sẽ được bàn đến:

  1. Thế nào là các pháp Pāramī (Ba-la-mật)?
  2. Tại sao chúng được gọi là Pāramī?
  3. Có bao nhiêu pháp Pāramī?
  4. Các pháp Pāramī được sắp xếp như thế nào?
  5. Thế nào là tướng trạng, phận sự, thành quả và nhân cần thiết của
    các pháp Pāramī?
  6. Những điều kiện cơ bản của các pháp Pāramī là gì?
  7. Các yếu tố nào làm ô nhiễm các pháp Pāramī?
  8. Các nhân tố làm trong sạch các pháp Pāramī là gì?
  9. Những pháp đối nghịch với các pháp Pāramī là gì?
  10. Phương pháp thực hành chi tiết của các pháp Pāramī là gì?
  11. Sự phân tích đầy đủ các pháp Pāramī như thế nào?
  12. Sự tóm tắt các pháp Pāramī như thế nào?
  13. Các yếu tố làm thành tựu các pháp Pāramī là gì?
  14. Thời gian cần thiết để thành tựu các pháp Pāramī là bao lâu?
  15. Những lợi ích phát sanh từ các pháp Pāramī là gì?
  16. Quả của các pháp Pāramī là gì?

    1. Thế nào là các pháp Pāramī ?

      Câu trả lời là: Những đức tánh như bố thí, trì giới, v.v… mà không bị hư hoại bởi ái dục, ngã mạn hoặc tà kiến, được thành lập dựa vào tâm Đại bi và Trí tuệ thiện xảo trong việc tầm cầu các phước lành thì được gọi là Pāramī.
      Giải thích thêm: Ái dục làm lấm nhơ sự bố thí do ý nghĩ: “Đây là sự bố thí của ta.” Do ngã mạn: “Sự bố thí này do ta làm.” Do tà kiến: “Sự bố thí này là tự ngã của ta.” Sự bố thí như vậy được xem là đã bị lấm nhơ do ái dục, ngã mạn và tà kiến. Chỉ loại bố thí nào không bị lấm nhơ bởi ba pháp trên mới được xem là Pāramī. (Cách giải thích này áp dụng cho sự thọ trì giới và những pháp còn lại khác).
      Để được xem là Pāramī, những hành động tạo phước như dāna, sīla, v.v… không chỉ thoát khỏi sự nhiễm ô của ái dục, ngã mạn và tà kiến, mà còn phải dựa trên đức Đại bi (Mahā-karunā) và phương tiện thiện xảo trí (Upāya-kosalla-ñāṇa).

      Đại bi – Mahā karunā

      Vị Bồ tát nên đem hết khả năng của mình để khởi sanh tâm bi mẫn đối với tất cả chúng sanh, ở gần hoặc ở xa, tựa như tất cả họ đều là con ruột của vị ấy. Không phân biệt thân hay thù, vị ấy nên xem tất cả
      chúng sanh là những kẻ khổ đau tội nghiệp trong luân hồi, nơi đó họ ngày đêm bị thiêu đốt bởi các ngọn lửa tham, sân và si. Bởi các ngọn lửa sanh, lão, tử, sầu, bi, khổ và ưu. Quán như vậy, vị ấy nên khởi tâm bi mẫn mãnh liệt đối với họ. Tâm bi mẫn của vị ấy phải rộng lớn bao la để cứu vớt chúng sanh ra khỏi luân hồi, ngay cả hy sinh mạng sống của mình. Tâm bi mẫn như vậy được gọi là tâm đại bi, Mahā-karunā
      – nền tảng của tất cả các pháp pāramī.
      Trong kiếp sanh làm đạo sĩ Sumedha, lúc gặp Đức Phật Nhiên Đăng (Dīpaṅkāra), Bồ tát đã chứng đắc bát thiền và ngũ thông, và có thể chứng đắc đạo quả A-la-hán nếu Ngài muốn. Nhưng là một đại sĩ có lòng bi mẫn cao cả, Ngài chấp nhận chịu khổ trong luân hồi suốt bốn A-tăng-kỳ (asaṅkhyeyya) và một trăm ngàn đại kiếp thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật, ngõ hầu giải thoát chúng sanh khỏi khổ đau.

      Phương tiện thiện xảo trí – Upāya-kosalla-ñāṇa

      Đó là trí tuệ tinh thông trong sự thực hành các việc phước như dānasīla, v.v… nên nó trở thành phương tiện cơ bản và sự hỗ trợ để thành đạt Nhất thiết trí. Vị thiện nam tử có chí nguyện thành Phật nên chuyên tâm vào các việc phước như dānasīla, v.v… với mục tiêu duy nhất là chứng đắc Nhất thiết trí (người ấy không nên mong mỏi những điều mà dẫn đến đau khổ trong luân hồi). Trí tuệ giúp người ấy có thể hướng đến và khởi chí nguyện thành đạt Nhất thiết trí như là quả duy nhất của những việc phước của vị ấy thì được gọi là phương tiện thiện xảo trí, Upāya-kosalla-ñāṇa.
      Đại bi (Mahā-karunā) và Phương tiện thiện xảo trí (Upāya-kosalla- ñāṇa) là hai pháp cơ bản cho sự chứng đắc đạo quả Phật và cho sự thực hành các pháp ba-la-mật. Người có chí nguyện thành Phật, điều đầu tiên là phải cố gắng để thành đạt hai pháp cơ bản này.
      Chỉ những đức tánh như dānasīla, v.v… được tu tập dựa trên hai pháp cơ bản này mới là Ba-la-mật thực sự.

    2. Tại sao được gọi là Pāramī?

      Người ta có lẽ hỏi rằng tại sao mười đức pháp như dānasīla, v.v…
      được gọi là Pāramī.
      Câu trả lời là: Tiếng Pāḷi ‘pāramī’ là sự kết hợp của ‘parama’ và ‘ī’. ‘Parama’ nghĩa là ‘tối cao’ và được dùng ở đây để nói đến chư Bồ tát, vì các Ngài là những chúng sanh cao thượng nhất, có những đức tánh siêu việt như dānasīla, v.v…
      Vì các Ngài thực hành viên mãn và bảo vệ những đức pháp đặc biệt như dānasīla, v.v… vì sự xử sự của các Ngài thu hút và chiêu gọi chúng sanh đến bằng những đức pháp như dānasīla, v.v… vì các Ngài làm thanh tịnh cho người bằng cách đoạn trừ những pháp ô nhiễm của họ với tấm lòng tận tụy hết mình; vì các Ngài đặc biệt tiến đến Niết bàn tối thượng; vì do biết rõ kiếp hiện tại nên các Ngài biết được kiếp sau của chính mình; vì các Ngài thực hành các pháp như dānasīla, v.v… một cách siêu việt, tựa như chúng đã thấm sâu trong dòng tâm thức của các Ngài; vì các Ngài đã loại trừ và tiêu diệt đạo binh phiền não luôn đe dọa các Ngài. Thế nên các vị Bồ tát được gọi là ‘Parama’.
      Không thể so sánh được với Bồ tát vì Ngài có những ân đức đặc biệt như dānasīla, v.v… Đây là lý do có những câu nói rằng: “Người này là vị Bồ tát; vị ấy là ‘bậc Parama’, một con người siêu việt.” Như vậy những đức pháp đặc biệt như danā, sīla v.v…, được gọi là ‘Parama’.
      Lại nữa, chỉ có những vị Bồ tát mới có thể thực hiện các phước lành như dānasīla, v.v… một cách phi thường. Cho nên những phước lành này được gọi là Ba-la-mật (Pāramī), nghĩa là những phận sự của
      các vị Bồ tát (Paramānaṃ kammaṃ Paramī) hay tài sản của các vị Bồ tát (Paramānaṃ ayaṃ Pāramī).

    3. Có bao nhiêu pháp Pāramī?

      Theo đúng với giáo pháp thì:

      Dānaṃ sīlañ ca nekkhammaṃ, Paññā viriyena pañcamaṃ, Khantī saccaṃ’adhiṭṭhānaṃ, Mett’upekkhā ti te dasa.

      Có mười pháp Pāramī đó là: Bố thí, Giới, Xuất gia, Trí tuệ, Tinh
      tấn, Nhẫn nại, Chân thật, Chí nguyện, Tâm từ và Hành xả.

    4. Các pháp Pāramī được sắp xếp như thế nào?

      Có năm cách sắp xếp theo thứ tự liên tiếp:

      1. Pavattikkama (Chuyển khởi thuận thứ)

      2. Pahānakkama (Xả đoạn thuận thứ)

      3. Paṭipattikkama (Hành đạo thuận thứ)

      4. Bhūmikkama (Địa thuận thứ)

      5. Desanākkama (Thuyết thị thuận thứ)

        1. PavattikkamaLiên quan đến thứ tự về các sự kiện đang xảy ra. Ví dụ: nói về sự thụ thai, kinh sách nói rõ rằng: “Paṭhāmaṃ kalalaṃ hoti, Kalalā hoti abbudaṃ,” v.v… Đối với các loại thai sanh thì thời kỳ thứ nhất là giai đoạn chất lỏng kalala tồn tại trong bảy ngày, thời kỳ thứ hai là giai đoạn chất bọt abbuda trong bảy ngày kế tiếp, thời kỳ thứ ba là giai đoạn pesi dưới dạng cục thịt, v.v… Đây là cách sắp xếp theo thứ tự các sự kiện thực sự xảy ra gọi là Chuyển khởi thuận thứ.

        2. Pahānakkama: Liên quan đến thứ tự của sự đoạn trừ. Ví dụ: Nói về các phiền não, kinh sách giải rằng: “Dassanena pahātabbā dhammā, bhāvanāya pahātabbā dhammā,” v.v… Có
          những pháp phải được đoạn trừ bởi giai đoạn thứ nhất của con đường Đạo, có những pháp cần được đoạn trừ qua ba giai đoạn cao hơn của con đường Đạo. Hình thức thuyết giảng theo thứ tự, của những bước đoạn trừ được gọi là Xả đạo thuận thứ.
        3. Paṭipattikkama: Liên quan đến sự hành đạo. Ví dụ: Bảy giai đoạn thanh tịnh gồm có giới thanh tịnh, tâm thanh tịnh, kiến thanh tịnh, v.v… Giai đoạn thứ nhất của pháp hành là làm thanh tịnh giới. Tiếp theo là sự thực hành để làm cho tâm thanh tịnh. Bằng cách này, những giai đoạn thanh tịnh phải tiến triển theo đúng thứ tự của chúng. Sự thuyết giảng theo thứ tự của pháp hành được gọi là Hành đạo thuận thứ .

        4. Bhūmikkama: Liên quan đến thứ tự về các cõi. Thứ tự đầu tiên của pháp thuyết giảng là dục giới (kāmāvacara), tiếp theo là sắc giới (rūpāvacara), rồi đến vô sắc giới (arūpāvacara). Sự sắp xếp trong giáo pháp như vậy được gọi là Địa thuận thứ.
        5. Desanākkama: Thêm vào bốn cách sắp xếp giáo pháp kể trên, còn có cách thứ năm mà trong đó các pháp như sắc uẩn (rūpakkhandha), thọ uẩn (vedanākkhandha), tưởng uần (saññākkhandha), v.v… được thuyết giảng theo thứ tự riêng vì lý do đặc biệt. Sự sắp xếp giáo pháp như vậy, được gọi là thứ tự thuyết giảng của Đức Phật – Thuyết thị thuận thứ.

      Trong bốn cách sắp xếp đầu, mỗi cách đều có lý do riêng của nó để đi theo một thứ tự đặc biệt, vì những giai đoạn hình thành thai nhi thực sự xảy ra trong trình tự đó; vì những phiền não thực sự được đoạn trừ trong trình tự đó; vì những hành động làm thanh tịnh được thực hiện trong trình tự đó; hoặc vì các cõi thực sự ở trong thứ tự đó. Nhưng phương pháp thuyết giảng thứ năm, Thuyết thị thuận thứ (Desanākkama), Đức Phật có lý do đặc biệt, để áp dụng cách sắp xếp trong sự thuyết giảng mỗi nhóm pháp như năm uẩn (khandha), mười hai xứ (āyatana) v.v…
      Trong chương về Pāramī, các pháp Ba-la-mật không được sắp xếp theo thứ tự của sự kiện xảy ra, theo sự đoạn trừ, sự hành đạo hoặc các cõi như trong bốn cách đầu tiên mà chúng được sắp xếp theo phương pháp thứ năm này, Thuyết thị thuận thứ (Desanākkama) do Đức Phật thuyết giảng vì lý do đặc biệt.
      Có thể hỏi rằng: Tại sao Đức Phật sử dụng cách sắp xếp đặc biệt này, tức là bố thí, trì giới, xuất gia, v.v… mà không dùng cách sắp xếp nào khác trong việc thuyết giảng mười pháp Ba-la-mật?
      Câu trả lời là: Khi Bồ tát, tức đạo sĩ Sumedha, lần đầu tiên suy xét về các pháp Pāramī cần được thực hành sau khi nhận được sự thọ ký, Ngài khám phá ra chúng trong một trình tự đặc biệt. Do đó, Ngài đã thực hành chúng theo trình tự ấy và sau khi chứng đắc thành Phật, Ngài thuyết giảng các pháp Pāramī cũng theo thứ tự mà Ngài đã từng thực hành.
      Giải rõ hơn: Trong mười pháp Pāramī. Bố thí giúp phát triển Giới theo cách đặc biệt, ngay cả người không có giới (làm thí chủ trong trường hợp xuất gia sa-di của con trai ông ta) cũng có thể thọ trì giới mà không khó khăn gì và dễ thực hành bố thí hơn (dầu sự trì giới có thể khó thực hành đối với một người nào đó, nhưng sự bố thí thì không khó). Thế nên Bố thí Ba-la-mật (Dāna Pāramī) được nêu ra trước hết.
      Chỉ có Bố thí dựa vào Giới mới có lợi ích nhiều nhất. Bởi vậy theo sau Giới là Bố thí.
      Chỉ có Giới dựa vào sự Xuất ly mới có lợi ích nhiều nhất. Bởi vậy sự Xuất ly được thuyết giảng ngay sau Giới.
      Tương tự, Xuất ly dựa vào Trí tuệ – Trí tuệ dựa vào Tinh tấn – Tinh tấn được dựa vào Nhẫn nại – Nhẫn nại dựa vào Chân thật – Chân thật dựa vào Chí nguyện – Chí nguyện dựa vào Bác ái – Bác ái dựa vào
      Hành xả mới có lợi ích nhiều nhất. Như vậy Hành xả được thuyết giảng sau Bác ái.
      Hành xả có lợi ích chỉ khi nào nó dựa vào đức Bi mẫn. Các vị Bồ tát là những bậc đại sĩ, tất cả các Ngài đều có đức tánh cơ bản là tâm Đại bi.
      Có thể đặt câu hỏi ở đây như thế này: Là những bậc có tâm đại bi, làm sao các vị Bồ tát có thể nhìn chúng sanh bằng tâm xả? (Một số vị A-xà-lê nói rằng: “Không phải trong tất cả mọi trường hợp và mọi lúc mà các vị Bồ tát sử dụng tâm xả đối với chúng sanh. Các Ngài làm như vậy chỉ khi nào cần thiết.”)
      (Một số A-xà-lê khác thì nói rằng: “Các Ngài không tỏ thái độ xả đối với chúng sanh mà chỉ đối với những hành động xúc phạm của chúng sanh mà thôi). Như vậy đức Đại bi và Xả Ba-la-mật không đối nghịch nhau.

      Một cách giải thích khác về thứ tự của các pháp Ba-la-mật

      1. Dāna Pāramī – Bố thí được giảng dạy đầu tiên (a) vì nó có thể xảy ra trong nhiều người nên nó thuộc về tất cả chúng sanh; (b) vì nó không có nhiều quả như giới, v.v… và (c) vì nó dễ thực hành.

      2. Sīla Pāramī – Giới được nêu ra ngay sau bố thí (a) vì giới làm thanh tịnh cho người bố thí và người thọ vật thí, (b) vì sau khi thuyết giảng, pháp đem lại lợi ích cho kẻ khác (như bố thí vật thực), Đức Phật dạy kiên tránh không làm khổ kẻ khác như sát sanh; (c) vì bố thí bao gồm hành động tích cực trong khi giới bao gồm sự thực hành kiên tránh, và Đức Phật muốn dạy sự kiên tránh sau khi dạy hành động tích cực (tức là bố thí); (d) vì bố thí dẫn đến sự thành đạt về của cải, còn giới dẫn đến tái sanh vào các cõi chư thiên và nhân lọai; (e) vì Ngài muốn giảng dạy về sự thành tựu ở cõi người và cõi trời sau khi dạy về sự thành đạt của cải.

      3. Nekkhamma Pāramī – Xuất ly được đề cập ngay sau trì giới

        1. vì qua sự xuất ly, giới mới được thọ trì hoàn hảo; (b) vì Đức Phật muốn giảng dạy thiện hạnh của ý (qua sự xuất ly – sự xuất ly ở đây không những chỉ về sự từ bỏ của cải mà còn chỉ về sự đoạn trừ các phiền não trong tâm) ngay sau khi giảng dạy các thiện hạnh về thân và khẩu (qua giới); (c) vì sự chứng đạt thiền định (xuất ly) dễ dàng đến với người có giới thanh tịnh; (d) tội khởi sanh từ những hành động bất thiện (kamma-paradha) được đoạn trừ qua sự thọ trì giới. Nhờ vậy, sự thanh tịnh của thân và khẩu (payoga-suddhi) được thành tựu. Các phiền não trong tâm (kilesa-paradha) được đoạn trừ qua sự xuất ly. Nhờ vậy, thường kiến (sassata-ditthi) và đoạn kiến (ucchedaditthi) được đoạn diệt và thiên hướng thanh tịnh (āsaya-suddhi) liên quan đến Quán trí (Vipassanā-ñāṇa) và Nghiệp tác trí (Kammassakata- ñāṇa: trí thấy các hành động tạo nghiệp là tài sản của riêng mình) được thành tựu. Vì vậy Đức Phật muốn giảng dạy về sự thanh tịnh của trí do sự xuất ly, theo sau sự thanh tịnh của Giới (payoga-suddhi) (e) vì Đức Phật muốn dạy rằng sự đoạn trừ các phiền não trong tâm ở giai đoạn triền (pariyutthana) do sự xuất ly có thể chỉ xảy ra sau khi đoạn trừ các phiền não trong tâm ở giai đoạn vi phạm (vītikkama) do giới.

          • Có ba giai đoạn trong việc sanh khởi của phiền não (i) giai đoạn ngủ ngầm (anusaya), (ii) giai đoạn triền (pariyutthana), phiền não hiển lộ ở cửa tâm, (iii) giai đoạn vi phạm (vītikkama) ở giai đoạn này, phiền não trở nên dữ dội và không thể kiểm soát được, chúng thể hiện qua hành động bất thiện về thân và lời nói.

          • Sự thọ trì giới ngăn chặn không cho phiền não biến thành hành động bất thiện qua thân và khẩu. Đây là sự đoạn trừ tạm thời các phiền não (tadaṅga-pahana).

          • Sự thực hành thiền định (samathabhāvana) đặc biệt ở giai đoạn đắc định, ngăn chặn sự sanh khởi của phiền não ở cửa tâm (giai đoạn triền). Đây là sự trấn phục xả đoạn (vikkhambhana-pahana).

          • Phiền não hoàn toàn bị đoạn tận do đạo Tuệ. Ở giai đoạn này phiền não ngủ ngầm bị đoạn diệt hoàn toàn. Đây là sự xả đoạn khiến phiền não bị dập tắt vĩnh viễn (samuccheda-pahana).

      4. Paññā Pāramī – Trí tuệ được nêu ra ngay sau pháp xuất ly (a) do trí tuệ nên sự xuất ly được hoàn hảo và thanh tịnh; (b) vì Đức Phật muốn dạy rằng không có trí tuệ nếu không có thiền jhāna (bao gồm sự xuất ly); (e) vì Ngài muốn dạy trí tuệ là nguyên nhân cần thiết của xả, ngay sau khi giảng dạy sự xuất ly là nguyên nhân cần thiết của sự định tâm; và (d) vì Ngài muốn dạy rằng chỉ sự xuất ly với mục đích đem lại phúc lạc cho chúng sanh mới có thể khởi sanh phương tiện thiện xảo trí (Upāya-kosalla-ñāṅa) để làm lợi chúng sanh .
      5. Viriya Pāramī – Tinh tấn được nói đến ngay sau trí tuệ (a) vì trí tuệ được thành tựu do có tinh tấn (b) vì Đức Phật muốn dạy những điều kỳ diệu của tinh tấn vì lợi ích của chúng sanh sau khi dạy về trí tuệ là trí thông hiểu bản chất của thực tại là vô ngã (c) vì Ngài muốn dạy rằng nguyên nhân để thành đạt tinh cần ngay sau nguyên nhân xả, và (d) vì Ngài muốn dạy rằng những lợi ích đặc biệt chỉ phát sanh từ sự cố gắng tinh cần sau khi đã suy xét cẩn thận.

      6. Khanti Pāramī – Nhẫn nại được đề cập ngay sau tinh tấn (a) vì nhẫn nại được thành tựu nhờ tinh tấn (vì chỉ có người tinh tấn mới có thể chịu đựng tất cả đau khổ mà vị ấy gặp phải); (b) vì Đức Phật muốn dạy rằng tinh tấn là vật trang sức của nhẫn nại (sự nhẫn nại của kẻ lười biếng không đáng được khen ngợi, anh ta làm như vậy vì anh ta không thể chiến thắng; ngược lại sự nhẫn nại của người tinh tấn thì đáng được khen ngợi dù anh ta đang ở địa vị của kẻ chiến thắng; (c) vì Ngài muốn giảng dạy nguyên nhân của định ngay sau khi giảng dạy nguyên nhân của tinh tấn (phóng dật do tinh tấn quá mức chỉ được đoạn trừ nhờ thông hiểu pháp qua sự quán xét về nó (dhammanijjhanakkhanti – pháp tự nhẫn); (d) vì Ngài muốn dạy rằng chỉ có người tinh tấn mới thường xuyên nỗ lực cố gắng (vì chỉ có người nhiều nhẫn nại mới không phóng dật và có thể thường xuyên làm các việc phước); (e) vì Ngài muốn dạy rằng khi có chánh niệm thì
        sự khao khát quả phước không khởi sanh trong lúc siêng năng làm việc phước lợi cho kẻ khác (khi quán về pháp để làm những công việc lợi sanh thì không thể có tham ái), và (f) vì Ngài muốn dạy rằng vị Bồ tát kham nhẫn chịu đựng nỗi khổ do kẻ khác gây ra, khi vị ấy không siêng năng làm việc phúc lợi cho kẻ khác (hãy đọc bằng chứng từ truyện bổn sanh Cūla Dhammapāla, v.v…)
      7. Sacca Pāramī – Chân thật được nêu ra ngay sau nhẫn nại (a) nhờ pháp chân thật thì nhẫn nại mới duy trì được lâu dài, nghĩa là nhẫn nại chỉ tồn tại khi nào người ta có pháp chân thật; (b) vì sau khi nêu ra sự nhẫn nại đối với những điều sai trái kẻ khác gây ra, Đức Phật muốn dạy tiếp theo sau là cách mà vị Bồ tát giữ pháp chân thật với quyết định là cứu độ ngay cả những người đã vô ơn phản bội lại Bồ tát. (Vào lúc được thọ ký, Bồ tát khi phát nguyện thành Phật, Ngài nguyện cứu độ tất cả chúng sanh. Trung thành với chí nguyện bất di bất dịch của mình, Ngài cứu độ cho cả những kẻ đã làm khổ Ngài). Để chứng minh, trong bổn sanh Mahākāpi, câu chuyện thứ sáu của chương Timsa Nipāta. Câu chuyện kể về Bồ tát lúc Ngài sanh làm khỉ chúa, đã cứu một vị Bà-la-môn bị rơi xuống khe núi. Bị kiệt sức vì đã cật lực cố gắng cứu người đàn ông thoát khỏi nguy hiểm, Bồ tát tin tưởng người mà Ngài đã cứu, bèn gối đầu lên bụng của ông ta mà ngủ thiếp đi. Ác tâm sanh khởi (muốn ăn thịt kẻ đã cứu giúp mình), tên Bà-la-môn độc ác bèn lấy cục đá đập vào đầu của Bồ tát. Bồ tát không hề khởi chút sân hận mà nhẫn nại chịu đựng cơn đau do thương tích ở đầu và tiếp tục cố gắng giúp người đàn ông thoát khỏi hiểm nguy của thú rừng. Ngài dẫn người đàn ông ra khỏi rừng bằng cách chuyền từ cành cây này sang cành cây khác, để lại những giọt máu trên đất cho người đàn ông lần theo đó mà ra khỏi khu rừng (c) vì Ngài muốn cho thấy rằng vị Bồ tát vốn sẵn có lòng độ lượng bao dung sẽ không bao giờ từ bỏ pháp chân thật dù bị kẻ khác đối xử tệ hại hay xúc phạm, và

        (d) vì sau khi dạy pháp thiền quán để tỏ ngộ lý vô ngã, Đức Phật muốn cho thấy trí tuệ về sự chân thật được tu tập qua quá trình suy quán ấy (dhammanijjhānakkhantī).

      8. Adiṭṭhāna Pāramī – Chí nguyện được nêu ra ngay sau chân thật: (a) chân thật được thành tựu nhờ chí nguyện, nghĩa là sự từ bỏ gian dối được trọn vẹn khi người có chí nguyện quyết tâm nói lời chân thật trước sau như một, cho dù hy sinh cả sanh mạng của mình; (b) vì sau khi giảng dạy về sự chân thật, Ngài muốn dạy về sự trung thành tuyệt đối của vị Bồ tát đối với sự thật mà không chút dao động; và (c) vì sau khi dạy rằng chỉ những người có trí tuệ thấy rõ sự thật của các pháp, mới có thể nguyện thực hành các pháp Ba-la-mật đến chỗ viên thành. Ngài muốn dạy rằng những pháp cần thiết của Ba-la-mật có thể được tu tập viên thành nhờ trí tuệ thấy rõ chân lý.

      9. Mettā Pāramī – Từ ái được nêu ra ngay sau chí nguyện: (a) vì sự tu tập từ ái giúp thành tựu chí nguyện độ sanh; (b) vì sau khi dạy về chí nguyện, Đức Phật muốn dạy pháp đem đến lợi ích cho chúng sanh theo đúng với chí nguyện của Ngài (vì vị Bồ tát trên bước đường thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật, Ngài thường trú ở trong pháp bác ái); (c) vì khi người ta đã an trú vững chắc trong chí nguyện độ sanh, người ta có thể thực hiện chí nguyện ấy bằng pháp bác ái.

      10. Upekkhā Pāramī – Hành xả được nêu ra ngay sau bác ái: (a) vì hành xả làm cho pháp bác ái trở nên thuần khiết (nếu người ta tu tập pháp bác ái mà không có hành xả, người ấy có thể bị dối gạt bởi tình thương thiên vị mang mặt nạ của bác ái). Chỉ khi nào người ta có tu pháp xả, khi ấy họ mới gạt bỏ được cái mặt nạ tham ái ấy; (b) vì sau khi giảng dạy cách đem lại phúc lợi cho chúng sanh bằng pháp bác ái, Đức Phật muốn dạy rằng hành xả phải được duy trì đối với những điều sai trái do chúng sanh đáp trả (vị Bồ tát làm công việc phúc lợi cho chúng sanh bằng pháp bác ái. Ngài giữ tâm bình thản, khoan dung, tha thứ cho tất cả chúng sanh khi họ xúc phạm, ngược đãi Ngài); (c) vì sau khi dạy pháp tu bác ái, Đức Phật muốn dạy về những lợi ích của nó. Vì chỉ sau khi tu tập bác ái, hành xả mới có thể tu tập thành công;

      (d) Đức Phật muốn dạy ân đức kỳ diệu của vị Bồ tát là vị ấy có thể giữ tâm bình thản ngay cả đối với những người tỏ thiện ý đến Ngài.
      Như vậy bậc Đạo sư của chúng ta, Đấng giáo chủ của cõi Sa-bà, đã dạy pháp Ba-la-mật theo đúng trình tự của chúng, như đã mô tả ở trên được sắp xếp đúng nguyên tắc, không ra ngoài nguyên tắc hoặc tự tiện.

    5. Thế nào là tướng trạng, phận sự, sự hiện khởi, và nhân cần thiết của các pháp Pāramī ?

Chúng ta sẽ bắt đầu phần này bằng những bài giải thích về tướng trạng, phận sự, thành quả và nhân cần thiết. Tiếp theo, chúng tôi sẽ bàn về định nghĩa và ý nghĩa chính của các pháp Ba-la-mật cùng với tướng trạng, phận sự, sự hiện khởi và nhân cần thiết chung và riêng của chúng.

Trí tuệ phá ngã kiến (atta-diṭṭhi) chỉ xảy ra nhờ sự thông đạt những thực tại cùng tột của danh (nāma) và sắc (rūpa) qua pháp quán mỗi thực tại về tướng trạng, phận sự, sự hiện khởi và nhân cần thiết của nó. Tương tự, chỉ khi nào người ta biết được tướng trạng, phận sự, sự hiện khởi và nhân cần thiết chung và riêng của các pháp Ba-la-mật, khi đó người ta mới hiểu biết rõ ràng về chúng. Do đó, các bộ kinh thường mô tả bốn cách định nghĩa về các pháp Ba-la-mật.

Lakkhaṇa – Tướng trạng: Chú giải định nghĩa rằng: Sāmaññaṃ vā sabhāvo vā, dhāmmānaṃ lakkhanaṃ mataṃ – Tướng trạng có hai phương diện: (1) tướng chung (sāmañña) và (2) tướng riêng (sabhāva) (ví dụ: địa đại (paṭhavī) có hai loại đặc tánh, đó là (a) thay đổi, vô thường, bất toại nguyện, không chịu sự kiểm soát và (b) tánh cứng. Những đặc tánh trong phần (a) là chung đối với những đại khác, trong khi đó tánh cứng (b) là đặc tánh riêng của địa đại, những đại khác không có đặc tánh này).

Rasa – Phận sự: Chú giải định nghĩa rằng: Kiccaṃ vā tassa sampatti, rasati paridīpaye. Phận sự được giải thích cũng bằng hai cách: kicca

và sampatti. (1) Kicca rasa: phận sự cần phải làm, và (2) Sampatti rasa: phận sự thành tựu.

Paccupaṭṭhāna – Sự hiện khởi: Chú giải định nghĩa rằng: Phalaṃ va paccupaṭṭhānaṃ upaṭṭhānākāropi vā. Bất cứ khi nào người ta quán xét sâu sắc về một đối tượng nào đó của tâm, điều gì thường xuất hiện trong tâm của người ấy liên quan đến bản chất của cảnh pháp (đối tượng của tâm) đang được suy xét, liên quan đến phận sự, nguyên nhân và kết quả của nó. Như vậy, bất cứ ai xuất hiện trong tâm của một người liên quan tới cảnh pháp anh ta đang nghĩ đến, được gọi thành quả hay sự hiện khởi.

Chú thích: Sự hiện khởi nên được hiểu là phala và upaṭṭhānākāra.

(a) phala: quả, là kết quả của các thực tại cùng tột và (b) upaṭṭhānākāra: sự vận hành hiện khởi trong tâm của hành giả (yogī). Bất cứ khi nào vị hành giả quán xét sâu sắc về một thực tại cùng tột nào đó, pháp liên quan đến bản chất, phận sự, nguyên nhân hoặc kết quả của thực tại ấy sẽ xuất hiện trong tâm. Như vậy sự liên hệ đến một trong bốn điều này và xuất hiện trong tâm của hành giả thì được gọi là hiện khởi.

Padaṭṭhāna – Nguyên nhân gần: Chú giải định nghĩa rằng: Asannakāranam yaṁ tu, padaṭṭhānanti tam matam – nhân tố phụ trợ cấp thiết cho sự sanh khởi một thực tại cùng tột (pháp Chân đế) được gọi là nguyên nhân gần.

Như vậy bốn điểm chính của các pháp Ba-la-mật là gì? Câu trả lời

là: Trước hết bàn đến những điểm chung cho cả mười pháp Ba-la-mật,

  1. chúng có đặc tánh là phục vụ lợi ích cho người khác (2) chúng có phận sự (kicca rasa) là giúp đỡ kẻ khác, hoặc thực hiện ngay (sampatti rasa), (3) sự hiện khởi của chúng là sự xuất hiện trong tâm của vị hành giả sự hiểu biết rằng chúng có bản tánh mong mỏi phúc lợi cho kẻ khác hay kết quả được thành Phật; (4) nguyên nhân gần của chúng
    là tâm Đại bi (Mahā-karunā) và Phương tiện thiện xảo trí (Upāya-kosalla- ñāṇa).
    Bốn nét đặc thù của mỗi pháp Ba-la-mật là: Ý chí được thành lập dựa trên Mahā-karunā và Upāya-kosalla-ñāṇa để buông bỏ, bố thí, đem tài sản của mình cho kẻ khác thì được gọi là Bố thí Ba-la-mật (Dāna)

    1. Dāna có đặc tánh buông bỏ; (b) Phận sự của Dāna là tiêu diệt sự tham luyến đối với những vật chất cho đi. (c) Sự hiện khởi của Dāna là trạng thái vô tham xuất hiện trong tâm của hành giả (bản chất của Dāna) hoặc sự giàu sang, thịnh vượng và kiếp sống hạnh phúc (kết quả của Dāna) (d) Nguyên nhân gần là vật cho đi, vì sự bố thí chỉ xảy ra khi nào có vật thí.

  1. Bố thí Ba-la-mật (Dāna Paramī) được hiểu rõ chỉ khi nào nó được nghiên cứu rành mạch qua bốn khía cạnh này. Khi đã nghiên cứu như vậy, nó trở nên rõ ràng và hiểu rằng bố thí là hành động có đặc tính là dứt bỏ. Đồng thời nó tiêu diệt sự tham luyến đối với vật cho. Trong tâm của vị hành giả mà suy xét sâu sắc và cẩn trọng, sẽ xuất hiện trạng thái vô tham đối với những vật bố thí cúng dường hoặc sẽ xuất hiện loại nghiệp mà có thể đem lại một kiếp sống giàu sang và thịnh vượng. Bố thí chỉ xảy ra chỉ khi nào người ta có một cái gì đó để cho đi.
    (Sự suy xét như vậy cũng được áp dụng cho tất cả những pháp Ba- la-mật còn lại).
  2. Hành động thiện về thân và lời nói dựa trên Mahā-karunā và Upāya-kosalla-ñāṇa thì được gọi là Giới Ba-la-mật (Sīla Paramī). Theo tạng Abhidhamma, Giới có nghĩa là kiên tránh những hành động sái quấy không được vi phạm (tức là những Sở hữu giới phần – virati cetasika) và tác ý (cetanā) để làm các phận sự cần phải làm.
    (a) Giới có đặc tánh không cho phép những hành động về thân và lời nói sai trái, mà giữ chúng ở trong con đường thiện. Nó cũng có đặc tánh là làm nền tảng cho tất cả mọi hành động thiện lành. (b) Phận sự của giới là ngăn cản người ta làm những việc đi ngược với đạo đức – tức là ba ác nghiệp về thân và bốn ác nghiệp về khẩu. Hoặc nó giúp người ta đạt đến tình trạng có giới đức với các hành động về thân và lời nói vô tội và trong sạch. (d) Nguyên nhân gần của nó là hổ thẹn (hirī) và ghê sợ tội lỗi (ottapa).
  3. Dựa trên Mahā-karunā và Upāya-kosalla-ñāṇa, nhóm tâm và các sở hữu tâm mong muốn thoát ly các kiếp sống dục trần, sau khi nhận rõ những tội lỗi của vật dục (vatthu kāma), phiền não dục và các kiếp sống khác nhau thì được gọi là Xuất gia Ba-la-mật (Nekhamma Paramī).

    1. Xuất gia Ba-la-mật có đặc tánh thoát ly khỏi các dục và cõi dục.
    2. Phận sự của nó là làm rõ nét những tội lỗi của các dục và cõi dục.
    3. Sự hiện khởi của nó là sự giác ngộ của hành giả, thấy rằng đang từ bỏ, xa lánh những trạng thái này của cõi dục. (d) Nguyên nhân gần của nó là yểm ly trí (saṃvega-ñāṇa). (Saṃvega-ñāṇa – Yểm ly trí là trí được hình thành do sự ghê sợ (ottappa) các khổ nạn như sanh, già, bịnh, chết và các khổ cảnh)
  4. Dựa trên Mahā-karunā và Upāya-kosalla-ñāṇa, sở hữu trí tuệ thông đạt các đặc tánh chung và riêng của các pháp là Trí tuệ Ba-la- mật (Paññā Paramī).
    (a) Trí tuệ Ba-la-mật có đặc tánh thông đạt bản chất thật của các pháp; hoặc nhận biết chính xác các đặc tánh chung và riêng của các đối tượng qua sự suy quán, giống như người bắn cung thiện xảo bắn tên trúng vào mắt của con bò. (b) Phận sự của nó là soi sáng đối tượng giống như ngọn đèn (tiêu diệt bóng tối của vô minh (moha) che dấu bản chất của các đối tượng). (c) Sự hiện khởi của nó (về bản chất) là
    trạng thái không lẫn lộn trong tâm của hành giả, liên quan đến các đối tượng suy quán, như người hướng đạo chỉ đường cho khách bộ hành bị lạc trong rừng. Hoặc về kết quả, nó có kết quả lợi ích là thoát khỏi sự si mê đối với các đối tượng suy quán. (d) Nguyên nhân gần là định (samādhi) hoặc Tứ Thánh đế.
  5. Dựa trên Mahā-karunā và Upāya-kosalla-ñāṇa những cố gắng về thân và tâm vì phúc lợi của người khác thì được gọi là Tinh tấn Ba-la- mật (Viriya Paramī).
    (a) Tinh tấn Ba-la-mật có đặc tánh là nỗ lực (rất cố gắng). (b) Phận sự của nó là hỗ trợ và làm các yếu tố sanh chung với nó tăng lên sức mạnh để chúng không lơi lỏng trong sự thực hành các việc phước thiện. (c) Sự hiện khởi của nó là tánh kiên trì trong tâm của hành giả, có tánh chất đối nghịch với sự dể duôi khi thực hành các việc phước thiện. (d) Nguyên nhân của nó là yểm ly trí (saṃvega-ñāṇa) hoặc tám nhân tố khơi dậy sự tinh tấn (viriyārambha-vatthu).

    Viriyārambha-vatthu: Đại đức Mahā Visuddhārama Sayadaw trong bộ sách Paramattha-sarūpa Bhedani của Ngài, ở phần nói về thiền quán, đã mô tả tám yếu tố khơi dậy tinh tấn (viriyārambha vatthu):hai yếu tố liên quan đến sự sửa sang và duy trì tinh tấn, hai yếu tố liên quan đến cuộc lữ hành, hai yếu tố liên quan đến sức khỏe; và hai yếu tố liên quan đến sự thọ thực.

    Hai yếu tố liên quan đến sự sửa sang và duy trì tinh tấn

    1. Vị tỳ khưu suy nghĩ như vầy: “Ta phải sửa y áo, v.v… Khi bận rộn như vậy, ta sẽ không dễ dàng chuyên tâm vào giáo pháp của Đức Thế Tôn. Ta sẽ cố gắng chuyên tâm học giáo pháp trước khi bắt đầu công việc sửa y áo.”
    2. Sau khi hoàn thành việc sửa y áo, vị ấy lại suy nghĩ: “Ta đã làm xong công việc. Trong khi làm việc ấy, ta không thể chú tâm vào

    giáo pháp của Đức Phật. Bây giờ ta phải siêng năng thực hành giáo pháp để bù vào thời gian phí phạm ấy.”

    Hai yếu tố liên quan đến cuộc lữ hành

    1. Vị ấy suy xét như vầy: “Ta phải đi xa. Trong khi đi xa, ta khó chuyên tâm vào giáo pháp của Đức Phật. Ta sẽ cố gắng thực hành giáo pháp trước khi đi xa.”
    2. Sau khi đến nơi rồi, vị ấy suy xét: “Ta đã trải qua một chuyến lữ hành. Trong khi thực hiện chuyến đi, ta không thể chuyên tâm vào giáo pháp của Đức Phật. Bây giờ ta phải siêng năng thực hành giáo pháp để bù lại thời gian bỏ phí ấy.”

    Hai yếu tố liên quan đến sức khỏe

    1. Lúc bắt đầu bịnh nhẹ, vị ấy suy xét như vầy: “Ta mới bị bịnh nhẹ; bịnh có thể nặng hơn. Vậy trong lúc này ta phải tranh thủ hành đạo trước khi bịnh trở nên nặng hơn.”
    2. Khi đang bình phục, vị ấy suy xét như vầy: “Ta vừa mới khỏi bịnh; nó có thể tái phát bất cứ lúc nào. Ta sẽ tinh tấn hành đạo trước khi bịnh cũ tái phát.”

    Hai yếu tố liên quan đến thọ thực

    1. Khi vật thực đi bát ít ỏi, vị ấy suy xét như vầy: “Ta chỉ nhận được chút ít vật thực sau khi đi bát về. Bữa ăn ít ỏi sẽ làm cho thân ta được nhẹ nhàng, linh hoạt, không lười biếng giải đãi. Ta phải cố gắng hành đạo ngay.”
    2. Khi kiếm được đầy đủ vật thực, vị ấy suy xét như vầy: “Ta đi bát về với đầy đủ vật thực. Nó sẽ giúp ta mạnh khỏe để tinh tấn hành đạo. Ta phải cố gắng hành đạo ngay.”

    Đây là tám yếu tố để tăng cường tinh tấn (viriyārambha-vatthu). Trái ngược với tám yếu tố này, có tám yếu tố khác làm khởi dậy giải đãi (kusīta-vatthu).
    Khi phải làm công việc may vá nào đó, vị tỳ khưu trì hoãn viện cớ rằng: “Làm việc này rất mệt, ta sẽ ngủ một giấc cho khỏe rồi làm.” Khi phải đi xa, vị ấy cũng viện cớ như vậy.
    Khi bắt đầu cảm thấy không khỏe, vị tỳ khưu than phiền về tình trạng khó ở của mình và đi ngủ. Khi vị ấy đã có đủ vật thực, vị ấy cũng nằm ngủ vì nặng bụng. Khi may vá xong, hoặc đi xa về, hoặc vừa mới khỏi bịnh, hoặc có ít vật thực, vị ấy cũng than phiền: “Mệt quá! Ta sẽ nghỉ một lát.” Bằng cách này, vị tỳ khưu đã viện đủ lý do một cách ngớ ngẩn để không cố gắng tu tập các phước lành.
    Tám viriyārambha-vatthu và tám kusīta-vatthu được giải rõ ở bài
    kinh 10-Saṅgīti, Pāthika Vagga của Trường bộ kinh

  6. Dựa trên tâm Đại bi (mahā-karuṇā) và Phương tiện thiện xảo trí (upāya-kosalla-ñāṇa) nhẫn nại chịu đựng những hành động sai trái của kẻ khác (hoặc theo tạng Abhidhamma, nhóm tâm và những sở hữu khởi sanh trong cách nhẫn nại như vậy, dẫn đầu là sở hữu vô sân (adosa) là Kham nhẫn Ba-la-mật (Khanti Paramī).
    (a) Kham nhẫn Ba-la-mật có đặc tánh là chịu đựng bằng sự nhẫn nại; (b) Phận sự của nó là vượt qua cả những cảnh đáng yêu và đáng ghét. (Người không có pháp nhẫn nại thường khởi tâm tham khi gặp cảnh khả ái; và nổi sân khi gặp cảnh trái ý, nghịch lòng. Người như vậy được xem là kẻ bị cuốn theo cảnh. Người có pháp nhẫn nại thường vững vàng, kiểm soát được cả tham lẫn sân. Sự nhẫn nại như vậy được xem là chiến thắng tất cả mọi cảnh dù thuận hay nghịch). (c) Sự hiện khởi của nó trong tâm hành giả là sự nhẫn nại, chịu đựng đối với cả cảnh thuận lẫn cảnh nghịch; (d) Nguyên nhân gần của nó là thấy rõ thật tánh của các pháp.
  7. Dựa trên Mahā-karunā và Upāya-kosalla-ñāṇa, việc nói lời chân thật và giữ lời hứa là Chân thật Ba-la-mật (Sacca Paramī). (Theo tạng Abhidhamma, nó là sở hữu giới phần (viratī cetasika) đồng sanh với sở hữu tư (cetanā cetasika) hoặc sở hữu trí tuệ (paññā cetasika) tùy thuộc vào hoàn cảnh).
    (a) Chân thật Ba-la-mật có đặc tánh chân thật. (b) Phận sự của nó là làm sáng tỏ đúng sự thật. (c) Sự hiện khởi của nó trong tâm hành giả là tánh cao quý, ngọt ngào và dễ chịu. (d) Nguyên nhân gần của nó là sự trong sạch trong hành vi, lời nói và ý nghĩ.
  8. Dựa vào Mahā-karunā và Upāya-kosalla-ñāṇa, quyết tâm bất di bất dịch theo đuổi các việc phước là Chí nguyện Ba-la-mật (Adhiṭṭhāna Paramī). (Theo tạng Abhidhamma, đó là nhóm tâm và sở hữu đồng sanh khởi sanh trong hành động quyết định như vậy).

    1. Chí nguyện Ba-la-mật có đặc tánh là sự quyết tâm bất di bất dịch trong việc thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật, sự hy sinh, và thực hành giới như là những tư lương cho sự giác ngộ. (b) Phận sự của nó là vượt qua những bất thiện pháp đối nghịch với những pháp dẫn đến sự giác ngộ. (c) Sự hiện khởi của nó trong tâm hành giả là tánh kiên định trong việc thực hành viên mãn các pháp dẫn đến giác ngộ. (d) Nguyên nhân gần của nó là những pháp dẫn đến giác ngộ.
  9. Dựa trên Mahā-karunā và Upāya-kosalla-ñāṇa, phục vụ cho lợi ích và hạnh phúc của thế gian là Tâm từ Ba-la-mật (Mettā Paramī). Nó là sở hữu vô sân theo định nghĩa của tạng Abhidhamma. (a) Tâm từ Ba-la-mật có đặc tánh là mong ước sự thịnh vượng đến chúng sanh.

    1. Phận sự của nó là làm các việc lợi sanh để hoàn thành mong ước ấy (hoặc) phận sự của nó là đoạn trừ chín nguyên nhân của sự oán giận (xem ở chương Nhẫn nại Ba-la-mật, cuốn I phần I, Anudīpanī).
    2. Sự hiện khởi của nó trong tâm của hành giả là trạng thái khinh an.
    3. Nguyên nhân gần của nó là nhìn tất cả chúng sanh đều đáng

    thương (sự tu tập tâm từ không thể có kết quả nếu người ta nhìn chúng sanh bằng cặp mắt không thân thiện).

  10. Dựa trên tâm Mahā-karunā và Upāya-kosalla-ñāṇa, thái độ vô tư, không thiên vị đối với những chúng sanh đáng mến và đáng ghét, do đã loại trừ thương và ghét là Hành xả Ba-la-mật (Upekkha Paramī). (Theo tạng Abhidhamma, đó là Sở hữu Hành xả (tatramajjhattatā) sanh lên trong những cách ấy) (a) Hành xả Ba-la- mật có đặc tánh là giữ tâm ở vị trí giữa thương và ghét. (b) Phận sự của nó là có cái nhìn vô tư. (c) Sự hiện khởi của nó trong tâm của hành giả là sự vắng lặng của thương lẫn ghét. (d) Nguyên nhân gần của nó là sự quán xét rằng tất cả chúng sanh đều có nghiệp (kamma) là tài sản riêng của họ.

Mỗi bài mô tả trên về các pháp Ba-la-mật bắt đầu bằng nhóm chữ chỉ điều kiện phải có: “Dựa trên tâm Đại bi (Mahā-karuṇa) và phương tiện thiện xảo trí (Upāya-kosalla-ñāṇa)”. Hai thuộc tánh này hình thành những đức tính cơ bản luôn hiện diện trong dòng tâm của chư vị Bồ tát và chỉ khi nào những hành động như dāna, sīla, v.v… được thực hành dựa trên hai đức này, khi ấy chúng mới được gọi là Pāramī.

6. Những điều kiện cơ bản của các pháp Pāramī?

Nói tóm tắt, đó là:

  1. Abhinihāra – Đại nguyện

  2. Mahā-karuṇa Upāya-kosalla-ñāṇa – Tâm Đại bi và

    phương tiện thiện xảo trí

  3. Buddhabhūmi – Bốn Phật địa

  4. Ajjhāsaya – Mười sáu thiên hướng

  5. Paccavekkhana ñāṇa – Quán sát trí là trí suy xét về những tai hại của việc không bố thí, v.v…và những lợi ích của việc bố thí v.v…

  6. Carana – Mười lăm loại hạnh và năm loại thắng trí –

    Abhiñña, cùng với những nguyên nhân phụ của chúng.

    Giải rộng:

    1. Abhinihāra – Đại nguyện

      (abhi nghĩa là hướng về Nhất thiết trí; nihāra nghĩa là ‘hướng tâm’ hay ‘chuyên tâm’; nghĩa là sự phát nguyện thành đạt quả vị Chánh đẳng giác).
      Ở đây, tám yếu tố cần thiết để được thọ ký thành Phật được mô tả trong Chương nói về ‘Sự xuất hiện hy hữu của một vị Phật’, cuốn I, phần I.
      Trong kiếp sống mà có đầy đủ tám yếu tố (như kiếp của Sumedha), những ý nghĩ sau đây thường xuất hiện trong tâm của chư vị Bồ tát (như bậc trí tuệ Sumedha) mà không khởi dậy trong tâm của bất cứ ai, ngoại trừ những bậc đã có đủ tám yếu tố ấy.
      “Sau khi vượt qua đại dương sanh tử luân hồi bằng chính sự cố gắng của ta, ta cũng sẽ cứu độ chúng sanh. Sau khi đã tự mình thoát khỏi mọi xiềng xích của luân hồi, ta cũng sẽ giải thoát cho chúng sanh. Sau khi ta nhiếp phục các căn, ta cũng sẽ dạy cho chúng sanh cách nhiếp phục các căn; sau khi đã dập tắt các ngọn lửa của phiền não trong chính ta, ta sẽ giúp chúng sanh dập tắt các ngọn lửa trong tâm của họ; sau khi đã đạt được sự an lạc tối thượng của Niết bàn, ta sẽ giúp chúng sanh hưởng sự an lạc ấy; sau khi đã dập tắt trong chính ta những ngọn lửa của ba luân (phiền não luân, nghiệp luân và dị thục luân), ta sẽ dập tắt những ngọn lửa ấy đang rực cháy trong chúng sanh. Sau khi đã tự mình thanh lọc những nhiễm ô của phiền não bằng sự cố gắng của chính mình, ta sẽ đem đến sự thanh tịnh cho chúng sanh; sau khi đã đạt được trí tuệ về Tứ Thánh đế, ta sẽ dạy Tứ Thánh đế ấy đến
      chúng sanh (tóm lại, ta sẽ cố gắng trở thành Phật và độ thoát chúng
      sanh).”
      Như vậy ước nguyện đắc thành Phật quả khởi sanh mãnh liệt, liên tục, là tâm đại thiện (mahā-kusala citta) cùng với những sở hữu đồng sanh của nó; những tâm đại thiện và những sở hữu đồng sanh ấy hướng về Phật quả được gọi là Đại nguyện (abhinihāra), là điều kiện cơ bản của tất cả mười pháp Ba-la-mật.
      Quả thật vậy, chính do sự khởi phát của đại nguyện này mà chư vị Bồ tát mới được thọ ký thành Phật. Sau khi được thọ ký rồi, khởi sanh liên tục sự suy xét về các pháp Ba-la-mật; sự quyết tâm thực hành chúng và những sự thực hành cần thiết để đưa vị ấy đến đỉnh cao của sự thành tựu.
      Đại nguyện này có đặc tánh là sự hướng tâm đến Nhất thiết trí. Phận sự của nó là tha thiết cầu Phật quả và sau khi ước nguyện ấy được xác chứng, hành giả lại mong cầu khả năng đem lại lợi ích và hạnh phúc cho chúng sanh cho đến khi họ chứng đắc Niết bàn. Sự hiện khởi của nó trong tâm của hành giả làm nhân cơ bản cho các pháp dẫn đến giác ngộ. Nguyên nhân gần của nó là tâm Đại bi.
      Đại nguyện này có cảnh của nó là lãnh vực không thể biết được dành cho chư Phật và phúc lợi của vô lượng chúng sanh trong hết thảy thế gian vô tận. Như vậy nó đáng được xem là nền tảng cho các hạnh nghiệp như các pháp Ba-la-mật, các pháp hành và các việc thiện đáng tôn kính nhất có năng lực vô song.
      Năng lực vô song này được giải tóm tắt như sau:
      Ngay sau khi đại nguyện phát khởi, vị Bồ tát sẵn sàng đi vào lãnh vực thực hành để chứng đạt Nhất thiết trí (Mahābodhiyāna paṭipatti). Khi ấy vị Bồ tát quyết định thành Phật. Sự kiên định này trở nên bất thối sau khi đại nguyện đã phát khởi trong tâm vị ấy và nhờ vậy trở
      thành vị Bồ tát thực thụ. (Một người xứng đáng được danh hiệu ‘Bồ
      tát’ chỉ khi nào có được đại nguyện này).
      Từ lúc ấy trở đi, vị Bồ tát hoàn toàn có khuynh hướng nghiêng về Nhất thiết trí và năng lực thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật, sự dứt bỏ (cāga), các công hạnh (cariya). Như vậy, các pháp dẫn đến giác ngộ đã an trú trong tâm vị Bồ tát.
      Vì đã có đại nguyện này nên đạo sĩ Sumedha đã tra xét đúng đắn các pháp Ba-la-mật bằng Ba-la-mật Tư trạch trí (Pāramī-pavicaya- ñāṇa). Loại trí này còn được gọi là Vô sư trí, chính vị ấy có được mà không cần sự giúp đỡ của người thầy; nó cũng được gọi là Tự tồn trí (Sayambhū-ñāṇa), là trí dẫn đường đến quả vị Chánh đẳng giác. Sau khi nghĩ suy và quán xét đến các pháp Ba-la-mật một cách rõ ràng và chính xác, vị ấy tinh tấn thực hành viên mãn chúng trong thời gian dài bốn A-tăng-kỳ (asaṅkhyeyya) và một trăm ngàn đại kiếp.
      Đại nguyện này có:

      1. Paccaya – Bốn duyên

      2. Hetu – Bốn nhân

      3. Bala – Bốn lực

        1. Paccaya – Bốn duyên

          1. Khi vị Đại sĩ phát nguyện thành Phật, trông thấy Đức Phật đang thị hiện song thông, vị ấy suy nghĩ: “Nhất thiết trí có năng lực thật là vĩ đại. Nhờ có được Nhất thiết trí mà Đức Phật đạt được bản tánh kỳ diệu, cao siêu và có được năng lực bất khả tư nghì như vậy.” Sau khi chứng kiến những uy lực của Đức Phật, vị ấy khởi tâm phát nguyện thành Phật.
          2. Dù tự mình không tận mắt trông thấy oai lực vĩ đại của Đức Thế Tôn, nhưng vị ấy nghe người khác nói: “Đức Thế Tôn có những năng lực như vậy, như vậy.” Sau khi nghe thế, vị ấy khởi tâm phát nguyện thành Phật.
          3. Dù vị ấy không chứng kiến, cũng không nghe nói về những oai lực vĩ đại của Đức Thế Tôn, nhưng vị ấy học hỏi được từ những bài pháp nói về oai lực của Đức Phật. Nhờ học hỏi như vậy, vị ấy khởi tâm phát nguyện thành Phật.

          Dù vị ấy không chứng kiến, không nghe người khác nói cũng không nghe thuyết pháp về những oai lực của Đức Thế Tôn, nhưng vốn có thiên hướng cao quý, vị ấy suy nghĩ rằng: “Ta sẽ bảo vệ di sản, dòng dõi, truyền thống và luật lệ của chư Phật.” Do sự tôn kính tột bậc này đối với Pháp (Dhammagaru), vị ấy khởi tâm phát nguyện thành Phật.

        2. Hetu – Bốn nhân

          1. Vị đại sĩ có pháp nương tựa gần nhất – cận y (upanissaya) là đã từng thực hiện những phước lành đặc biệt của chư Phật quá khứ (phước đặc biệt – adhikāra).
          2. Vị ấy vốn có thiên chất thương xót chúng sanh và sẵn sàng làm vơi dịu khổ đau cho chúng sanh dù phải hy sinh cả tánh mạng.

          3. Vị ấy có tinh tấn và sức mạnh để phấn đấu trường kỳ cho đến khi thành đạt mục tiêu tối thượng là Phật quả; không nản chí trước những đau đớn và sầu khổ trong luân hồi hoặc những khó khăn vất vả trong khi làm việc lợi sanh.
          4. Vị ấy hằng vui thích thân giao với bạn tốt, những người bạn này sẽ khuyên ngăn vị ấy không làm điều ác mà nhắc nhở, khuyến khích vị ấy làm các điều thiện.

          Trong bốn nhân này, có pháp nương tựa gần nhất (upanissaya sampadā), nghĩa là do đại sĩ đã nguyện trong tâm hoặc nói ra lời trước sự hiện diện của chư Phật quá khứ (kinh sách không nói bao nhiêu vị) vì Phật quả, vị ấy luôn luôn có chí hướng về thành đạt Nhất thiết trí; vị ấy cũng luôn luôn có khuynh hướng làm việc lợi sanh.
          Nhờ có pháp nương tựa gần nhất như vậy mà vị ấy có thể phân biệt rất chính xác những ai sẽ trở thành Phật Độc giác (Paccekabuddha) hoặc Thinh văn giác (Bích chi Bồ tát hoặc Thanh văn Bồ tát – Sāvaka- bodhisatta) qua (a) các quyền (indriya), (b) các pháp hành đem lại lợi lạc cho chúng sanh, (c) sự thiện xảo trong việc phục vụ lợi ích đến kẻ khác và biết phân biệt thiện ác (Xứ phi xứ thiện xảo trí – thānāthāna- kosallañāṇa). (Từ ba đặc tánh này, có thể kết luận rằng chư Bồ tát đã từng làm những phước lành đặc biệt của chư Phật quá khứ).
          Nói về sự thân cận bạn tốt, bạn tốt ở đây có nghĩa là những người có tám đức tánh: đức tin, giới, nghe nhiều học rộng, dứt bỏ, tinh tấn, chánh niệm, định và tuệ.
          Với đức tin, người bạn tốt có niềm tin vào Nhất thiết trí của Đức Thế Tôn, tin tưởng vào nghiệp của chính mình và quả của nghiệp. Do có đức tin như vậy, vị ấy không từ bỏ ước nguyện vì phúc lợi của chúng sanh. Ước nguyện này là nguyên nhân cơ bản để thành đạt sự Giác ngộ tối cao.
          Là người có giới, vị ấy thân ái với chúng sanh hằng kính trọng vị ấy. Nghe nhiều học rộng, trước hội chúng vị ấy thuyết những bài pháp cao siêu đem lại lợi ích và hạnh phúc cho chúng sanh. Thành tựu pháp dứt bỏ, vị ấy thiểu dục, dễ nuôi, không luyến ái theo dục trần, tâm xả ly đối với chúng.
          Nhờ tinh tấn, vị ấy luôn cố gắng làm tăng trưởng phúc lợi cho chúng sanh. Là người có chánh niệm, vị ấy không bao giờ bỏ qua những việc phước. Nhờ thành tựu về định, vị ấy là người có tâm tập trung, không tán loạn. Nhờ có trí tuệ, vị ấy hiểu các pháp như thật.
          Qua chánh niệm, người bạn tốt xem xét kết quả của những việc phước và những điều tội. Qua trí tuệ, vị ấy hiểu đúng điều gì có lợi hoặc có hại đến chúng sanh. Qua định, vị ấy giữ tâm kiên cố, và qua tinh tấn, vị ấy tránh không làm những điều có hại đến chúng sanh và
          hướng dẫn họ luôn luôn nhiệt tâm cố gắng làm các điều thiện vì sự an lạc của họ.
          Nhờ thân cận và nương tựa bạn tốt, là bậc có tám đức tánh như vậy, vị Bồ tát cố gắng tăng cường sự thành tựu của chính mình về pháp nương tựa (upanissaya-sampatti). Bằng trí tuệ trong sáng và sự thanh tịnh tột bậc của hành vi, lời nói được thành tựu qua những cố gắng kiên trì, vị ấy đắc thành bốn đại lực. Chẳng bao lâu, vị ấy sẽ có đủ tám yếu tố cần thiết cho việc thọ ký. Bồ tát cho thấy khát vọng về đại nguyện (Mahābhinihāra) và an trú vững chắc là một vị Bồ tát thực thụ. Từ đó trở đi, vị ấy không còn nguyện vọng nào khác ngoài sự Giác ngộ tối thượng. Vị ấy trở thành con người cao quý với quyết tâm không thay đổi là trở thành vị Chánh biến tri.

        3. Bala – Bốn đại lực

      1. Ajjhattikabala – Nội lực: (Chí hướng vô bờ bến cầu Nhất thiết trí hoặc Chánh đẳng giác dựa vào khả năng về thể chất của chính mình, với sự tôn kính Pháp (Dhamma gārava), duyên thứ tư trong bốn duyên đã nêu ra ở trên). Khi vận dụng năng lực này, có sự tự lực và tâm hỗ thẹn tội lỗi, vị Bồ tát phát nguyện cầu Phật quả, thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật và chứng ngộ Tối thượng giác.

      2. Bāhirabala – Ngoại lực: (Chí hướng vô bờ bến cầu Nhất thiết trí dựa vào ngoại lực, là ba duyên đầu tiên trong bốn duyên đã mô tả ở trên). Khi sử dụng năng lực này, dựa vào thế giới bên ngoài, được hỗ trợ bởi sự tự tin và lòng tự hào rằng: “Ta là người có đủ các năng lực để chứng đắc Phật quả,” vị Bồ tát phát nguyện cầu Phật quả thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật và chứng ngộ Tối thượng giác.

      3. Upanissaya-bala – Trợ duyên lực: (Chí hướng dũng mãnh cầu Nhất thiết trí dựa vào duyên đầu tiên trong bốn duyên). Khi sử dụng năng lực này, nhờ có các quyền nhạy bén và sự thanh tịnh tự

        nhiên, được hỗ trợ bởi chánh niệm, vị Bồ tát phát nguyện cầu Phật quả, thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật và chứng ngộ Tối thượng giác.

      4. Payoga-bala – Tinh tấn lực (Có sự tinh tấn đầy đủ và thích hợp để chứng đạt Nhất thiết trí, sự theo đuổi tận lực và kiên trì của các duyên hỗ trợ và các việc phước). Khi sử dụng năng lực này với sự thanh tịnh của hành vi và lời nói, thường xuyên chuyên tâm vào các việc phước, vị Bồ tát phát nguyện cầu Phật quả, thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật và chứng đạt Nhất thiết trí.

      Sau khi đã có đủ bốn duyên, bốn nhân và bốn lực, đến thời kỳ mà vị Bồ tát đạt đến giai đoạn phát triển như trong kiếp của bậc trí tuệ Sumedha, vị ấy có được tám yếu tố để được thọ ký thành Phật. Được thúc đẩy bởi sự thành tựu tám yếu tố này, đại nguyện phát khởi: “Ta sẽ nhiệt tâm phấn đấu không ngừng nghỉ để đắc thành Phật quả và tiếp độ chúng sanh.” Đại nguyện (abhinihara) này hình thành điều kiện cơ bản cho tất cả các pháp Ba-la-mật.

      Những đức tánh kỳ diệu

      Khi đại nguyện (abhinihara) này đã khởi phát, những đức tánh kỳ diệu sau đây cũng thường trụ trong tâm Bồ tát: (i) vị ấy hằng thương mến tất cả chúng sanh như con ruột của mình; (ii) tâm của vị ấy không bị các pháp bất thiện làm nhiễm ô; (iii) tất cả mọi ý định, hành vi và lời nói của vị ấy đều hướng về lợi ích và hạnh phúc của chúng sanh; và (iv) viên mãn các pháp pāramī, và thực hành pháp xả ly (caga) và các thiện hạnh (cariya). Thay vì bị suy giảm, các pháp ngày càng thuần thục và mạnh mẽ. Nhờ sự sanh khởi của bốn đức tánh kỳ diệu này, vị Bồ tát trở thành người có ‘nguồn’ thiện pháp và độ lượng cao cả nhất. Kết quả là Ngài trở thành Bậc xứng đáng thọ lãnh những vật thí quý trọng, đáng là ruộng phước điền vô thượng để chúng sanh gieo hạt giống phước bằng sự cúng dường và kính trọng tột bậc.

    2. Mahā-karunā & Upāya-kosalla-ñāṇa

      (Tâm Đại bi & Phương tiện thiện xảo trí)

      Tương tự như đại nguyện (abhinihāra), tâm đại bi (mahā-karuna) và phương tiện thiện xảo trí (upāya-kosalla-ñāṇa) cũng hình thành những điều kiện cơ bản cho các pháp Ba-la-mật (hai điều kiện này đã được bàn kỹ ở trên). Qua hai pháp này, chư vị Bồ tát có thể liên tục làm gia tăng lợi ích và hạnh phúc cho chúng sanh, không quan tâm đến lợi ích của riêng mình. Dù sự thực hành các phận sự của chư Bồ tát vượt xa khả năng của con người bình thường, các Ngài cũng không hề thối chí.
      Do tâm đại bi và phương tiện thiện xảo trí luôn hiện hữu trong tâm chư Bồ tát, nên những người đặt niềm tin nơi các Ngài, có sự tôn kính các Ngài, được gặp các Ngài thường xuyên hoặc luôn tưởng nhớ những ân đức của các Ngài thì lợi ích và hạnh phúc sẽ phát sanh đến họ.

      Giải thêm: Về từ bi và trí tuệ, chính do trí tuệ mà Bồ tát chứng đắc Nhất thiết trí, chính do từ bi mà Ngài thực hành các phận sự của một vị Phật. Nhờ trí tuệ, Ngài có thể vượt qua đại dương luân hồi. Do lòng bi mẫn, Ngài cứu độ chúng sanh. Do trí tuệ, Ngài thông suốt nỗi đau khổ của chúng sanh. Do bi mẫn, Ngài cố gắng làm vơi dịu đau khổ của họ. Do trí tuệ, Ngài chán khổ đau. Do bi mẫn, Ngài chấp nhận đau khổ buồn chán đó như là hạnh phúc để thực hành các công hạnh, ngõ hầu giải thoát chúng sanh. Qua trí tuệ, Ngài ước nguyện Niết bàn. Qua từ bi, Ngài tiếp tục luân chuyển trong luân hồi.

      Như vậy, từ bi và trí tuệ lợi ích về nhiều mặt. Hai pháp này không chỉ làm nền tảng cho các pháp Ba-la-mật, chúng còn là điều kiện cơ bản cho đại nguyện cầu Phật quả.

    3. Buddhabūmi (Bốn Phật địa)

      Tương tự như đại nguyện, từ bi và trí tuệ, bốn Phật địa sau đây làm điều kiện cơ bản cho các pháp Pāramī.

      1. Ussāha: dũng mãnh là sự nỗ lực để thành tựu các pháp Ba-la-

        mật, sự xả ly (cāga) và các thiện hạnh (cariya).

      2. Ummaṅga: Thượng trí là phương tiện thiện xảo trí (upāya kosalla-ñāṇa)
      3. Avaṭṭhāna: Kiên trụ là quyết định kiên cố trong các pháp hành dẫn đến Phật quả.

      4. Hita cariya: Lợi hành là sự tu tập tâm từ và tâm bi.

      Bốn yếu tố này được gọi là Phật địa vì chúng dẫn đến sự sanh khởi của Nhất thiết trí.

    4. Ajjhāsaya (16 Thiên hướng)

      (Thiên hướng có nghĩa là khuynh hướng hay tính khí ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách của con người. Về cơ bản, thiên hướng có hai loại: tốt và xấu). Có mười sáu thiên hướng tốt. Đó là thiên hướng về xuất gia – xuất gia ý lạc (nekkhammajjhāsaya), thiên hướng viễn ly – viễn ly ý lạc (pavivekajjhāsaya), thiên hướng vô tham – vô tham ý lạc (alobhajjhāsaya), thiên hướng vô sân – vô sân ý lạc (adosajjhāsaya), thiên hướng vô si – vô si ý lạc (amohajjhāsaya); thiên hướng xuất ly – xuất ly ý lạc (nissaranajjhāsaya), và thiên hướng về mười Pāramī (dānajjhāsayasīlajjhāsaya v.v…)
      Do có thiên hướng xuất gia mạnh mẽ, các vị Bồ tát thấy sự hiểm nguy trong các dục lạc và đời sống gia đình. Do có thiên hướng viễn ly mạnh mẽ, các Ngài thấy sự hiểm nguy trong đoàn thể và đời sống xã hội. Do có thiên hướng mạnh mẽ về vô tham, vô sân và vô si, các Ngài thấy sự hiểm nguy trong tham, sân và si. Do có thiên hướng xuất ly mạnh mẽ, các Ngài thấy sự hiểm nguy trong các cõi. Các pháp Ba- la-mật không sanh khởi trong người mà không nhìn thấy sự hiểm nguy
      của tham, sân, v.v… Do đó sáu thiên hướng về vô tham, vô sân, v.v… cũng là những điều kiện của các pháp pāramī.
      Cũng vậy, mười thiên hướng về bố thí (dānajjhāsaya) v.v… hình thành những điều kiện của các pháp pāramī. Bố thí ý lạc nghĩa là thiên hướng thường xuyên bố thí qua sức mạnh của vô tham, nhờ thấy sự hiểm nguy trong các pháp đối nghịch của nó.
      Do thiên hướng mạnh mẽ về vô tham, chư Bồ tát thấy sự hiểm nguy trong các pháp đối nghịch của nó như bỏn xẻn, vì thế dẫn đến sự thực hành viên mãn Bố thí Ba-la-mật. Do thiên hướng mạnh mẽ về Giới, các Ngài thấy sự hiểm nguy trong việc suy đồi đạo đức, và vì thế mà thực hành viên mãn Giới Ba-la-mật. Cách suy xét như vậy áp dụng các pháp Ba-la-mật còn lại.
      Nên đặc biệt lưu ý rằng những pháp đối nghịch với thiên hướng xuất gia là dục lạc và đời sống gia đình; đối nghịch với trí tuệ là si mê (moha) và hoài nghi (vicikicchā); đối nghịch với tinh tấn là lười biếng (kosajja), giải đãi; đối nghịch với nhẫn nại là không kham nhẫn, oán giận (akkhanti, dosa); đối nghịch với chân thật là nói dối; đối nghịch với chí nguyện là sự không quyết tâm (không vững vàng trên con đường hành thiện); đối nghịch với từ ái là ác ý; đối nghịch với hành xả là sự dính mắc theo những pháp thăng trầm của thế gian.
      Do thiên hướng mạnh mẽ về Hành xả, chư Bồ tát thấy mối nguy hiểm trong các pháp đối nghịch với nó, đó là sự cột trói theo các pháp thăng trầm của thế gian, nên các Ngài thực hành viên mãn Hành xả Ba-la-mật. Bằng cách này, mười thiên hướng về các pháp Ba-la-mật cũng hình thành điều kiện của các pháp pāramī.

    5. Paccavekkhana ñāṇa (Quán sát trí)

      Trí xem xét về những điều bất lợi do không thực hành mười pháp Ba-la-mật như bố thí, trì giới v.v… và những điều lợi ích nhờ thực hành viên mãn mười pháp Ba-la-mật.
      (Những ai có chí nguyện thành Phật nên nghiên cứu kỹ lưỡng về phần này).

      1. Phương pháp suy xét chi tiết về Bố thí Ba-la-mật

        “Những vật sở hữu như vàng, bạc, gia súc, trâu bò, tôi nam tớ nữ, vợ con, v.v… đem lại tai họa to lớn cho chủ nhân của chúng, những người luyến ái với chúng. Vì chúng là những đối tượng khả ái được mọi người ưa thích nên chúng có thể bị lấy mất hoặc bị hoại bởi năm loại kẻ thù (nước, lửa, vua quan, trộm cướp và những người thừa kế sa đọa), chúng gây ra những cuộc cải vả và tranh chấp. Chúng không có thực tánh. Việc thâu đạt và bảo vệ chúng ắt phải có sự khuấy rối người khác. Sự tiêu hoại của chúng dẫn đến đau khổ khốc liệt như sầu, bi, v.v… Do chấp thủ chúng mà những người bỏn xẻn (macchariya) phải bị tái sanh vào khổ cảnh. Như vậy, những vật sở hữu này đem lại nhiều tai họa cho chủ nhân qua nhiều cách. Bố thí chúng, xa lìa chúng, từ bỏ chúng là cách thoát ly duy nhất để đi đến hạnh phúc. Vị Bồ tát quán theo cách này và thực hành chánh niệm để phát triển việc thực hành bố thí.
        Vị Bồ tát cũng quán xét như vầy, bất cứ khi nào có người đến khất thực: “Đây là người bạn rất thân ái, thường giải bày với ta tất cả những bí mật riêng tư của vị ấy. Vị ấy hướng dẫn ta cách đem theo bên mình – bằng phương tiện bố thí, đem tài sản sang những kiếp sau. Nếu không bằng cách này thì ta phải bỏ lại tất cả tài sản trên thế gian này. Đây là người bạn vĩ đại giúp dời đi tài sản của ta từ thế gian này, như một ngôi nhà đang rực cháy bởi ngọn lửa của thần chết, đến một nơi an toàn. Đối với ta, vị ấy như kho chứa an toàn những tài sản của ta, tránh khỏi sự thiêu đốt tiêu vong” và “Vị ấy là người bạn tốt nhất
        vì tạo điều kiện cho ta làm việc bố thí, vị ấy giúp ta đạt được những pháp chứng đắc khó nhất và thù thắng nhất, đó là sự thành tựu bốn Phật địa (Buddhabhūmi).
        Bồ tát cũng suy xét như vầy: “Người này đã đem lại cho ta cơ hội làm công việc cao quý nhất. Do đó, ta nên nắm bắt cơ hội này, không lơ đễnh. Mạng sống của ta chắc chắn sẽ kết thúc. Do đó, ta nên bố thí ngay cả khi không ai hỏi xin, (quả thật ta nên làm) nhiều hơn ngay cả khi có người hỏi xin. Chư Bồ tát có khuynh hướng mạnh mẽ về bố thí thường tìm người thọ vật thí. Trong trường hợp của ta, người ăn xin đã tự ý đến để nhận vật thí của ta vì phước của ta. Hành động bố thí được thể hiện đến người nhận, đúng với bản chất của nó nhưng sự bố thí chỉ đem lại lợi ích cho ta mà thôi. Ta sẽ đem lợi ích đến tất cả chúng sanh này giống như là đem cho ta vậy. Làm sao ta có thể thực hành viên mãn Bố thí Ba-la-mật nếu không có ai thọ lãnh vật thí của ta? Ta chỉ kiếm được và tích lũy được tài sản khi có người đến xin ta. Khi nào họ sẽ đến và tự do sử dụng tài sản của ta tùy thích mà không cần xin ta? Bằng cách nào để ta kết thân với những người thọ lãnh và làm sao để họ thân thiện với ta. Ta sẽ hoan hỷ như thế nào trong khi bố thí và sau khi bố thí? Làm sao để ta biết tâm của họ và cho họ những gì họ cần mà họ không cần hỏi? Khi ta có vật thí và người thọ vật thí, nếu ta không cho họ thì đó là sự dối gạt to lớn đối với ta. Ta sẽ dứt bỏ tứ chi và mạng sống như thế nào để cho chúng đến những người cần?” Bồ tát nên thường xuyên phát triển thiên hướng bố thí như vậy.
        Cũng như loài côn trùng (kīṭaka) nhảy trở lại với người quăng nó mà không chút quan tâm, những quả thiện sẽ trở lại với người đã bố thí dồi dào mà không mong mỏi quả phước. Bằng cách quán như vậy, vị Bồ tát nên phát triển tâm không ao ước, không mong mỏi chút quả nào từ việc phước của mình (quả ở đây là hạnh phúc của cõi chư thiên và nhân loại, không phải sự chứng đắc Phật quả).

        Thái độ lúc bố thí cúng dường

        Khi người thọ thí là người thân quen, vị ấy nên vui mừng suy xét như vầy: “Người đến xin ta là người thân quen.” Nếu người thọ thí không thân quen, vị ấy nên vui mừng suy xét: “Do sự cúng dường này, chắc chắn ta sẽ có được sự thân thiết với vị ấy.” Nếu người thọ thí là kẻ thù, vị ấy nên đặc biệt vui mừng suy xét như vầy: “Kẻ thù của ta đã khất thực, do sự cúng dường này chắc chắn vị ấy sẽ trở thành người thân thiết với ta.”
        Như vậy, vị ấy nên cúng dường đến người lạ hoặc kẻ thù giống như đến người thân quen bằng tâm bi mẫn do từ ái dẫn đầu.

        Khi gặp khó khăn lớn

        Nếu người có chí nguyện thành Phật nhận thấy mình quá luyến ái với những vật cúng dường, không thể từ bỏ được do sự tham luyến với chúng đã ăn sâu trải qua thời gian dài, vị ấy nên suy xét như vầy: “Hỡi con người tốt, có chí nguyện thành Phật, khi ngươi đã phát nguyện đắc thành Phật quả, để tiếp độ chúng sanh, ngươi đã từ bỏ cả thân mạng của mình. Giờ đây, ngươi lại luyến ái với những vật ngoài thân giống như việc tắm rữa của con voi. Cũng vậy, ngươi không nên ái luyến bất cứ vật gì.”
        (Những con vật khác tắm rữa để làm sạch thân của chúng, loài voi tắm không phải để làm sạch thân của chúng, mà để phát nát hoa sen, chồi sen và ngó sen ở trong hồ. Việc tắm rữa của con voi không đem lại lợi ích gì. Sự luyến ái với những vật ngoài thân không có kết quả gì, không đem lại lợi ích cho việc chứng đắc Phật quả).
        Giả sử có một cây thuốc. Những ai cần rễ của nó thì lấy rễ. Những ai cần nhánh, vỏ, thân, lá, hoa, quả của nó thì lấy bất cứ thứ gì họ cần. Dù bị lấy đi vỏ, thân, rễ, v.v… cây thuốc cũng không thương tiếc mà nghĩ: “Họ đã tước mất những vật sở hữu của ta.”
        Cũng thế, vị Bồ tát nên suy xét như vầy: “Ta, người đã xả thân làm việc lợi sanh, không nên nuôi dưỡng ngay cả một mảy may ý nghĩ sai lầm trong việc phục vụ người khác bằng cách sử dụng tấm thân bất tịnh, đau khổ và bội bạc này. Bốn địa đại dù ở trong thân hoặc ngoài thân, tất cả đều phải bị tan rã, tiêu hoại. Không có sự khác biệt giữa tứ đại trong thân và tứ đại ngoài thân. Nếu không nhận biết như vậy, ý nghĩ chấp thủ tấm thân này: “Thân này là của ta, thân này là ta, thân này là tự ngã của ta.” Rõ ràng là ý nghĩ vô minh. Bởi vậy, không quan tâm đến tay, chân, thịt và máu, giống như những vật ngoài thân, ta nên sẵn sàng cho đi cả tấm thân này với ý nghĩ rằng: “Ai cần thứ gì trong thân này, cứ tùy ý lấy đi.”
        Khi vị ấy suy xét như vậy, không quan tâm đến mạng sống và tứ chi của mình, từ bỏ chúng vì sự giác ngộ tối thượng, hành vi, lời nói và ý nghĩ ngày càng thanh tịnh hơn. Vị Bồ tát đã có sự thanh tịnh về thân, khẩu, ý và như vậy sẽ an trú trong chánh đạo dẫn đến Niết bàn. Vị ấy cũng có được sự thành tựu về trí tuệ phân biệt điều gì tổn hại và điều gì có lợi ích. Kết quả là vị ấy trở thành người có khả năng phụng sự chúng sanh càng ngày càng nhiều hơn bằng những vật thí tốt đẹp (vatthu dāna), những vật thí vô hại (abhayadāna) và cả sự bố thí về pháp (dhammadāna). (Đây là cách suy quán chi tiết của vị Bồ tát về Bố thí Ba-la-mật).

      2. Phương pháp suy xét chi tiết về Giới Ba la mật

        “Giới là loại nước chánh pháp có thể rửa sạch những phiền não trong tâm, là loại ô nhiễm mà không thể dùng nước sông Hằng hay bất cứ loại nước nào để rửa sạch chúng. Giới là loại lương dược đoạn diệt cơn sốt của dục vọng trong khi các loại thuốc khác như bột hoàng đàn, v.v… không thể làm vơi dịu nó được. Giới là vật trang sức của những bậc trí tuệ mà loại trang sức của người bình thường như vòng cổ, dây chuyền, hoa tai, v.v… không thể sánh được.
        Đó là loại hương tự nhiên bay khắp muôn phương và thơm ngát mọi lúc mọi nơi. Đó là loại bùa trói buộc (vasikaraṇa mantra) có năng lực khiến cho hàng thượng sanh như vua chúa, Bà-la-môn, chư thiên cùng Phạm thiên, v.v… phải tôn kính lễ bái. Giới là bậc thang để bước lên cõi chư thiên và Phạm thiên. Giới là phương tiện để chứng đắc thiền và các Thắng trí; là đại lộ dẫn đến đại kinh đô Niết bàn, là nền tảng của ba hình thức Giác ngộ. Vì Giới làm thành tựu tất cả những điều mà người ta mong ước nên Giới quí hơn cả ngọc như ý (cintamani) và cây như ý (kappa rukkha). Vị Bồ tát suy xét những đức tánh của Giới như thế.
        (Chú giải giới thiệu bài kinh Aggikhandhopam, v.v… để suy xét về các tội do không có giới. Sau đây là phần tóm tắt của bài kinh Aggikhandhopama được nêu ra ở chương Sattaka Nipāta, Aṅguttara Nikāya (Tăng chi bộ).
        Một thuở nọ khi Đức Phật đang trên đường đi về miền quê của nước Kosala, có nhiều vị tỳ khưu tháp tùng, Ngài trông thấy một khối lửa đang rực cháy ở một chỗ nọ. Đức Phật rời khỏi con đường chính đến ngồi dưới một gốc cây, trên tấm y bốn lớp do đại đức Ānanda trải sẵn.
        Rồi Đức Phật nói với các vị tỳ khưu:

        1. Này các tỳ khưu, các ngươi hãy xem bên nào tốt hơn: ngồi và nằm ôm lấy khối lửa hừng đỏ hay ngồi và nằm ôm lấy cô thiếu nữ thượng lưu, có thân mềm khả ái, đầy khoái lạc khi chạm vào? Các vị tỳ khưu (thiếu trí) trả lời rằng ôm cô thiếu nữ thì tốt hơn.
          Đức Phật giải thích: Đối với người có Giới, thà ngồi và nằm ôm lấy ngọn lửa hừng cháy đỏ vì nó chỉ làm khổ ta trong một kiếp thôi, trong khi ôm lấy cô thiếu nữ thì sẽ đưa ta xuống các khổ cảnh.
          Ngài tiếp tục hỏi các vị tỳ khưu:
        2. Bên nào tốt hơn: bị một người đàn ông mạnh khỏe cầm cây roi da đánh vào đôi chân của mình cho đến khi xương, thịt và da đều bầm nát hay vui thích trong sự lễ bái, cúng dường của đàn-na tín- thí?

        3. Bên nào tốt hơn: để một người đàn ông mạnh khỏe cầm cây lao đâm xuyên ngực của mình hay vui thích trong sự lễ bái, cúng dường của đàn-na tín-thí ?
        4. Bên nào tốt hơn: để một người đàn ông mạnh khỏe cầm đĩa sắt nóng đỏ đắp lên người của mình hay mặc vào chiếc y do đàn-na tín-thí cúng dường?
        5. Bên nào tốt hơn: há miệng ra và nuốt vào bụng cục sắt nóng đỏ hay ăn vật thực do đàn-na tín-thí cúng dường?
        6. Bên nào tốt hơn: để cho một người đàn ông mạnh khỏe nắm lấy đầu hoặc vai và đè ta xuống trên cái lò sắt cháy đỏ hay nằm, ngồi trên chiếc giường do đàn-na tín-thí thí cúng dường?
        7. Bên nào tốt hơn: để một người đàn ông mạnh khỏe cầm chân treo ngược ta lên và ném ta vào trong cái chảo sắt nóng chảy đang sôi sục hay trú ngụ trong tịnh xá do đàn-na tín-thí cúng dường?

        Đối với câu hỏi này, các vị tỳ khưu (thiếu trí) đều trả lời giống như câu trả lời ở câu hỏi đầu tiên. Đức Phật đưa ra các câu trả lời giống như câu trả lời đầu tiên của Ngài. Nghĩa là đối với người có Giới, thà để người ta đánh vào chân cho bể nát, đâm xuyên qua ngực, v.v… vì chúng chỉ gây đau khổ trong một kiếp thôi. Trong khi đó, vui thích trong sự lễ bái cúng dường của đàn-na tín-thí, ôm cô gái trẻ, v.v… sẽ đưa ta xuống các khổ cảnh đầy cực hình đau đớn trong nhiều kiếp.
        Đức Phật kết thúc thời pháp bằng những lời sau đây:
        Để đem lại lợi ích cao nhất cho những người tín thí đã dâng cúng tứ sự và giúp cho đời sống của vị tỳ khưu trong Tăng đoàn được dễ dàng, vị tỳ khưu nên chuyên tâm thực hành Tam học [Sikkhā -Tăng thượng Giới học (adhisīla sikkhā), Tăng thượng Tâm học (adhicitta sikkhā) và
        Tăng thượng Tuệ học (adhipaññā sikkhā)]. Vị tỳ khưu mong mỏi lợi ích cho chính mình cũng như cho người khác, phải thường xuyên nhiệt tâm chánh niệm.
        Cuối thời pháp, sáu mươi vị tỳ khưu nôn ra máu nóng, sáu mươi vị tỳ khưu phạm giới nhẹ thì xin hoàn tục, sáu mươi vị tỳ khưu có phạm hạnh trong sạch thì chứng đắc đạo quả A-la-hán.

        (Đây là bài tóm tắt của bài kinh Aggikhandhopama)

        Cũng nên suy xét về các đức tánh của Giới theo cách này như vầy: “Người có Giới hoan hỷ trong ý nghĩ: ‘Ta đã thực hiện việc thiện
        lành bảo vệ người ta tránh khỏi điều tai hại.’ Vị ấy không phải trách
        mình hoặc bị các bậc trí tuệ chê trách. Với vị ấy, không thể có cực hình hay sự tái sanh vào khổ cảnh. Vị ấy được các bậc trí tuệ khen ngợi rằng: “Người này có Giới và có thiện hạnh. Không giống như người không giới hạnh, vị ấy hoàn toàn thoát khỏi sự ăn năn, hối hận.”
        Vì Giới là nguyên nhân chính của chánh niệm, đem lại nhiều lợi ích như ngăn chặn sự mất mát tài sản (bhogavyasana) v.v… và vì Giới đoạn diệt các bất thiện pháp nên nó là nguồn tài sản quý nhất và cũng là nguồn hạnh phúc của chúng sanh.
        Dù thuộc giai cấp bần cùng nhưng là người có giới, anh ta vẫn nhận được sự tôn kính và lễ bái từ những người quí tộc, thượng lưu, vua quan, Bà-la-môn, v.v… Như vậy sự thành tựu của Giới vượt trội dòng tộc hoặc địa vị xã hội.
        Tài sản của Giới vượt trội tài sản vật chất bên ngoài vì nó không thể bị nguy hiểm bởi năm loại kẻ thù. Giới đi theo người ta sang kiếp sau. Giới có lợi ích to lớn và làm nền tảng cho định và tuệ.
        Ngay cả những người được gọi là nhà cai trị trong thế gian cũng không thể kiểm soát tâm của họ. Chỉ những người có Giới mới kiểm soát được tâm của họ (cittissariya). Do đó, Giới cao quý hơn cả quyền bá chủ, v.v… Những người có Giới đạt được đức tánh tự chủ (issariya) trong những kiếp sống của họ.
        Giới cao hơn cả chính mạng sống, vì Đức Phật dạy rằng sống một ngày có Giới tốt hơn sống cả trăm năm mà không có Giới, và sống mà không có Giới thì xem như đã chết.
        Vì chính kẻ thù cũng kính trọng người có Giới và vì vị ấy không thể bị già, bịnh và các điều rủi ro tai hại lấn lướt, nên Giới vượt lên cả vẻ đẹp sắc thân của vị ấy. Vì Giới là nền tảng cho các trạng thái hạnh phúc của chư thiên hoặc Niết bàn, nên nó cao quí hơn các tòa lâu đài và cung điện hoặc địa vị cao nhất trong thế gian như vua, quan hoặc thái tử.
        Giới quí hơn cả quyến thuộc và bạn bè, là những người hằng mong mỏi hạnh phúc đến ta vì nó thực sự đẩy mạnh lợi ích và hạnh phúc của ta, và còn theo sát ta sang kiếp sau.
        Giới làm kẻ bảo vệ thân này tránh khỏi bốn loại binh chủng hoặc các thứ độc hại như bùa chú, thuốc độc, v.v….
        Khi người ta suy xét rằng: “Giới có đầy đủ vô số đức tánh” thì Giới chưa hoàn hảo của vị ấy sẽ trở nên hoàn hảo hoặc Giới bất tịnh của người ấy sẽ trở nên thanh tịnh.
        Nếu trạng thái giận ghét trong dòng tâm của vị ấy đối nghịch với Giới và luôn cứ tăng lên với người có chí nguyện thành Phật, vị ấy nên suy xét như vầy:
        “Không phải rằng ngươi đã phát nguyện thành đạt A-la-hán đạo và Nhất thiết trí sao? Nếu Giới của ngươi bị khiếm khuyết thì ngươi
        không thể hưng thịnh ngay cả những vấn đề trong thế gian, nói chi đến pháp siêu thế gian, Nhất thiết trí mà ngươi đã ước nguyện là thành quả cao nhất. Vì Giới là nền tảng của Nhất thiết trí nên Giới của ngươi phải có phẩm chất rất cao. Do đó, ngươi phải là người quan tâm nhiều đến Giới.”
        Hoặc “Ngươi nên thuyết pháp và tế độ chúng sanh bằng ba chiếc xe có những đặc tánh như vô thường (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã (anatta). Ngươi cũng nên giúp chúng sanh chưa cụ túc về ngũ căn (tín, tấn, niệm, định và tuệ) được cụ túc. Như sự chữa trị của bác sĩ cho lầm toa, sự chữa trị ấy không đáng tin cậy, cũng vậy lời nói của người không có Giới không được nhiều người tin tưởng. Do đó, khi suy xét để làm người đáng tin cậy, ngõ hầu giúp chúng sanh đạt đến sự cụ túc các quyền của họ, ngươi phải có Giới trong sạch.”
        Hơn nữa, “Chỉ khi nào ta có những đức tánh đặc biệt như các pháp chứng về thiền, v.v… khi ấy ta mới có thể giúp đỡ kẻ khác và thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật như Trí tuệ, v.v….Và những đức tánh đặc biệt như các pháp chứng về thiền, v.v… không thể xảy ra nếu không có Giới thanh tịnh. Do đó, ngươi phải là người có Giới thanh tịnh tự nhiên.
        Suy xét như vậy, vị Bồ tát nên nhiệt tâm phấn đấu để làm cho Giới của mình được thanh tịnh.
        (Đây là cách suy xét chi tiết về Giới Ba-la-mật)

      3. Phương pháp suy xét chi tiết về Xuất gia Ba la mật

        Vị Bồ tát nên quán xét về những điều bất lợi của đời sống gia đình – trói chặt người ta trong các bổn phận đối với vợ và con, và những lợi ích của đời sống xuất gia, giống như hư không tự do và thênh thang, không bị trói buộc bởi các phận sự như vậy.
        Như đã giải thích trong bài kinh Dukkhakkhandha, trong Majjhima Nikāya, ta nên trú trong sự thật rằng các cảnh dục đem lại nhiều ưu phiền và than thở hơn sự thọ hưởng, v.v Do thôi thúc của dục, trong
        khi cố gắng tìm kiếm các cảnh dục, người ta phải trải qua nhiều đau khổ do tiếp xúc với nóng, lạnh, ruồi, muỗi, gió, nắng, các loài bò sát, rận rệp, v.v…. Sự đau đớn và thất vọng khi khổ công vất vả tìm kiếm dục lạc chấm dứt bằng con số không. Sự bồn chồn, lo âu cho sự an toàn của dục lạc trước năm loại kẻ thù sau khi đã có được chúng. Sự đau khổ vô tận do những cuộc chiến tranh kinh khiếp gây ra vì lòng tham đối với các cảnh dục. Ba mươi hai loại cực hình (kamma karana) trong cuộc sống này, dành sẵn cho những người phạm tội do lòng ham muốn dục lạc. Sự đau đớn kinh khủng ở kiếp sau trong bốn khổ cảnh.
        (Đây là cách quán chi tiết về Xuất gia Ba-la-mật)

      4. Phương pháp suy xét chi tiết về Trí tuệ Ba la mật

        “Không có Trí tuệ thì các pháp Ba-la-mật như bố thí, trì giới, v.v…
        không thể thanh tịnh được; và Tư trong bố thí, Tư trong trì giới, v.v…
        không thể làm phận sự của chúng được. Bằng cách này, ta nên suy xét về các đức tánh của Trí tuệ.
        Không có mạng sống thì guồng máy thân thể này mất đi ý nghĩa của nó và không thể làm đúng phận sự. Không có tâm thức thì các căn như mắt, tai, v.v… không thể làm phận sự thấy, nghe, v.v. Cũng vậy,
        tín quyền, tấn quyền, v.v… không thể làm phận sự riêng của chúng một cách khả quan nếu không có Trí tuệ. Do đó, Trí tuệ là nguyên nhân chính yếu cho sự thành tựu các pháp Ba-la-mật như bố thí, v.v…

        Cách mà Trí tuệ giúp thành tựu các pháp Ba la mật khác

        1. Bởi vì chư Bồ tát giữ con mắt trí tuệ của các Ngài luôn luôn mở ra, ngay khi cho đi tứ chi và các bộ phận thân thể, các Ngài bố thí mà không khen mình hoặc chê người. (Như đã nói ở trên) giống
          như cây thuốc lớn, các Ngài bố thí mà không sanh khởi những ý nghĩ sai lạc, và luôn luôn có sự hoan hỷ trong cả ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai.
          Chỉ khi nào có Trí tuệ người ta mới có được phương tiện thiện xảo trí và bố thí vì lợi ích của kẻ khác. Và chỉ hành động bố thí như vậy mới là Ba-la-mật thật sự. (Không có trí tuệ, người ta có thể bố thí với động cơ tự lợi, hành động bố thí vì lợi ích của riêng mình như vậy giống như việc cho vay lấy lãi).
        2. Giới bị tham, sân, v.v… lấn lướt nếu không có Trí tuệ thì không thể đạt được thanh tịnh, đừng nói đến việc làm nền tảng cho Nhất thiết trí.
        3. Chỉ những người có Trí tuệ mới nhìn thấy những phiền toái của đời sống gia đình và những lợi lạc của đời sống Sa-môn, những tội lỗi trong các dục lạc và những lợi lạc trong việc chứng thiền, các tội lỗi trong luân hồi và những lợi lạc của Niết bàn. Thấy như vậy, vị ấy ra đi sống đời không nhà, chứng thiền và tự mình giác ngộ Niết bàn. Rồi vị ấy cũng có thể giúp người khác xuất gia, an trú trong thiền và Niết bàn.
        4. Tinh tấn mà không có trí tuệ là tà tinh tấn; nó không đem lại mục đích mong muốn (không phấn đấu tốt hơn tà tinh tấn). Khi có trí tuệ đi kèm, sự tinh tấn sẽ đi đúng đường dẫn đến mục đích mong muốn.
        5. Chỉ người có trí tuệ mới có thể nhẫn chịu những điều sái quấy do kẻ khác làm. Đối với người không trí tuệ, những hành động xúc phạm của kẻ khác làm cho vị ấy khởi tâm bất thiện như nóng giận, v.v… đối nghịch với nhẫn nại. Đối với người có trí tuệ, những hành động sái quấy như vậy giúp cho vị ấy tu tập pháp nhẫn nại và phát triển pháp ấy ngày càng mạnh hơn.
        6. Chỉ người có trí tuệ mới thấu hiểu ba sự thật đúng với bản chất của chúng: ly vọng ngữ đế (viratī sacca), ngữ đế (vacī sacca) và trí đế (ñāṇa sacca), những nguyên nhân và những pháp đối
          nghịch của chúng. Sau khi đã tự mình thấu hiểu chúng (bằng cách đoạn trừ điều nên đoạn trừ và tu tập điều nên tu tập), vị ấy có thể giúp kẻ khác đi đúng con đường của chân lý.
        7. Sau khi đã củng cố chính mình bằng sức mạnh của Trí tuệ. Bậc trí tuệ thành tựu được định tâm. Với tâm được tập trung, sự quyết tâm kiên cố thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật có thể xảy ra.
        8. Chỉ người có trí tuệ mới có thể hướng những ý nghĩ từ ái của vị ấy đến ba hạng người mà không phân biệt họ là thân, thù hoặc không thân không thù.
        9. Và chỉ người có trí tuệ mới có thể duy trì trạng thái xả trước những pháp thăng trầm của cuộc sống (dù tốt hoặc xấu) mà không bị ảnh hưởng bởi những pháp ấy.

        Bằng cách này, vị ấy nên suy xét về những đức tánh của trí tuệ, biết nó là nguyên nhân cho sự thanh tịnh của các pháp Ba-la-mật.
        Hoặc vị Bồ tát tự khuyên mình như vầy: “Không có trí tuệ thì không thể có tri kiến hoàn hảo và thanh tịnh. Không có tri kiến hoàn hảo và thanh tịnh thì không thể có giới hoàn hảo và thanh tịnh. Không có giới hoàn hảo và thanh tịnh thì không có định hoàn hảo và thanh tịnh. Không có định thì người ta không thể quyết định làm điều lợi ích cho mình, nói chi cho kẻ khác. Do đó, trong khi thực hành các pháp Ba-la-mật để đem lại lợi ích và hạnh phúc cho kẻ khác, ngươi phải nỗ lực cố gắng trau dồi trí tuệ.”
        Vì do năng lực của trí tuệ mà vị Bồ tát được an trú trong bốn Trụ xứ – Caturadhitthāna: tuệ xứ (paññā), đế xứ (sacca), thí xứ (dāna) và tịch tịnh trụ xứ (upasama) đem lại lợi ích cho tất cả chúng sanh bằng bốn Nhiếp sự (catu saṅgaha vatthu): bố thí (dāna), ái ngữ (peyya vajja), lợi hành (attha cariya) và đồng sự (samānattata), giúp chúng sanh an trú trên con đường giải thoát và khiến ngũ quyền: tín, tấn, niệm, định và tuệ của họ được trưởng thành.
        Cũng vậy, do năng lực của trí tuệ mà vị ấy chuyên tâm vào việc suy xét các thực tại cùng tột như uẩn (khandha), xứ (āyatana) v.v… và nhờ vậy hiểu đúng các tiến trình của luân hồi và sự chấm dứt của nó. Bồ tát gắng sức đưa những việc phước của mình như Bố thí Ba-la-mật v.v… đến mức độ lợi ích nhất và thọ hưởng những lợi lạc của Đạo và Quả. Như vậy, Bồ tát hành đạo để hoàn thành và viên mãn con đường tu tập của chư vị Bồ tát.
        Nhờ thấy rõ nhiều đức tánh của trí tuệ theo cách này, vị ấy nên thường xuyên tu tập Trí tuệ Ba-la-mật.
        (Đây là cách suy xét chi tiết về Trí tuệ Ba-la-mật)

      5. Phương pháp suy xét chi tiết về Tinh tấn Ba la mật

        Ngay cả việc theo đuổi những vấn đề trong thế gian mà kết quả của chúng có thể thấy trước, người ta cũng không thể đạt được mục đích mong muốn nếu không có sự tinh tấn cần thiết. Nhưng với người có sự tinh tấn không mệt mỏi thì không có điều gì mà anh ta không thể đạt được. Ta nên suy xét như vầy: “Người thiếu tinh tấn không thể bắt đầu công việc cứu độ chúng sanh ra khỏi cơn lốc của luân hồi. Người có tinh tấn trung bình sẽ làm công việc ấy nhưng nửa chừng thì bỏ dở, không thể đi đến đích. Chỉ người có tinh tấn thắng ưu, quan tâm đến sự hoàn thành nhiệm vụ, không quan tâm đến lợi ích của riêng mình, sẽ giác ngộ mục đích tối thượng là Nhất thiết trí.
        Lại nữa, nếu không có tinh tấn đầy đủ thì ngay cả những người có chí nguyện thành đạt quả vị Thanh văn giác hoặc Phật Độc giác, muốn giải thoát chính mình ra khỏi luân hồi cũng không thể đạt được mục đích giác ngộ như mong muốn. Làm thế nào một người có chí nguyện thành bậc Chánh đẳng giác có thể tế độ toàn thể thế gian cùng với chư thiên và Phạm thiên nếu không có sự tinh tấn đầy đủ?
        Một đội binh phiền não như tham, sân, v.v… khó điều phục như những con voi đang trong thời kỳ động dục. Các nghiệp (kamma) sanh lên từ những phiền não này, giống như những đao phủ cầm những thanh gươm sẵn sàng giết chết tội nhân. Bốn cõi khổ do những nghiệp này gây ra luôn luôn mở rộng những cánh cửa của chúng. Những bạn ác luôn ở quanh ta để xui khiến ta phạm vào những nghiệp này và đưa ta đến bốn cõi khổ. Bản tánh của kẻ phàm phu thiếu trí là dễ nghe theo những lời khuyên xấu của ác hữu. Do đó, ta nên giữ mình tránh xa những bạn ác, những kẻ ngụy biện cho những hành động sai lầm rằng ‘Nếu sự giải thoát khỏi luân hồi là có thật, thì tự nhiên người ta sẽ đạt được nó mà không cần cố gắng’. Chỉ do năng lực của tinh tấn, người ta mới có thể đoạn trừ những quan điểm sai lầm như vậy.
        Hoặc “Nếu Phật quả có thể đạt được qua sự cố gắng của tự thân, thì khó khăn nào dành cho người có sự tinh tấn như ta.”
        (Đây là cách suy xét chi tiết về Tinh tấn Ba-la-mật)

      6. Phương pháp suy xét chi tiết về Nhẫn nại Ba-la-mật

        “Nhẫn nại loại trừ sân hận là pháp đối nghịch với tất cả các thiện pháp và nó cũng là khí giới bất bại của các thiện nhân trong việc tu tập các thiện pháp. Nhẫn nại cũng là vật trang sức của chư Bồ tát, những bậc có thể điều ngự kẻ khác, là sức mạnh của các bậc Sa-môn và Bà- la-môn, là dòng nước mát dập tắt ngọn lửa sân hận, là lá bùa hộ mạng làm vô hiệu hóa những lời thô thiển hung dữ của những kẻ ác, là thiên hướng tự nhiên của những bậc đã an trú trong pháp thu thúc và của những bậc có trí tuệ tối cao.”
        “Nhẫn nại là căn quyền sâu như đại dương, là bờ biển ngăn chặn mọi cơn sóng của đại dương, là cánh cửa chặn lại con đường đi xuống khổ cảnh, là chiếc thang để bước lên các cõi chư thiên và Phạm thiên, là thánh địa nơi mà các thiện pháp ngự trị, là sự thanh tịnh cao nhất
        của thân ngữ và ý.” Vì thế chúng ta nên suy xét về các đức tánh của nhẫn nại.
        Lại nữa, pháp nhẫn nại nên được tu tập một cách thường xuyên, bằng cách quán xét: “Vì không trú trong pháp nhẫn nại là pháp đem lại an tịnh, những chúng sanh gieo tạo các ác nghiệp, kết quả là họ phải chịu khổ trong kiếp này cũng như trong kiếp sau.”
        “Dù sự thật rằng ta đau khổ do sự sai lầm của người khác, thân này của ta ví như cánh đồng, hành động gieo trồng những hạt giống khổ đau không ai khác ngoài bản thân ta.”
        “Sự nhẫn nại này là phương tiện để trả món nợ khổ đau”.
        “Nếu không có người làm ác thì làm sao ta có thể thực hành viên
        mãn pháp Nhẫn nại Ba-la-mật?”
        “Dù bây giờ người này xúc phạm ta, nhưng trong quá khứ người này đã từng mang lại lợi lạc cho ta.”
        “Hành động sái quấy của kẻ khác là nhân để ta thực hành pháp nhẫn nại và vì vậy nó chứng tỏ có lợi ích đối với ta”.
        “Tất cả những chúng sanh này đều như con ruột của ta, làm sao một người có trí tuệ như ta lại có thể tức giận về những hành động sái quấy của con ruột mình?”
        “Người ấy ngược đãi ta tựa như tâm của họ bị con quỷ nhập vào; ta nên giải cứu cho họ.”
        “Ta cũng là nguyên nhân của hành động sai trái. Chính hành động sai trái này làm sanh khởi đau khổ (vì nếu ta không hiện hữu thì không thể có hành động sai trái).”
        “Chính danh sắc (nāma-rūpa) làm điều sai trái và cũng chính danh sắc khác tiếp thọ hành động sai trái. Nhưng giờ đây hai khối danh sắc đã diệt rồi. Vậy ta nên giận ai đây? Không nên khởi lên sân hận.”
        Và “Nếu hiểu đúng ý nghĩa cùng tột của tất cả các pháp là vô ngã thì không có người sai và không ai thực hiện sai lầm.” Vị Bồ tát tu tập pháp nhẫn nại bằng sự suy xét như trên.
        Nếu sân hận sanh khởi do những điều sai trái của kẻ khác và cứ tiếp tục chế ngự tâm do sức mạnh của thói quen trong một thời gian dài, vị Bồ tát suy xét như vầy:
        “Nhẫn nại là pháp hỗ trợ các pháp hành chống lại những sai trái của kẻ khác.”
        “Những điều sai trái do kẻ khác đem lại đau khổ cho ta, trở thành nhân tố sanh khởi niềm tin trong ta; vì đau khổ là nguyên nhân để sanh khởi niềm tin và cũng là nhân tố của khổ tưởng và bất toại nguyện (anabhirati-saññā) với thế gian.”
        “Bản chất của các căn như mắt v.v.. là phải tiếp xúc với các cảnh, xấu hoặc tốt. Không thể nào mong muốn đừng tiếp xúc với cảnh trái ý nghịch lòng.”
        “Chạy theo sự sai khiến của sân hận, người ta bị thiêu đốt trong những cơn nóng giận. Có lợi ích gì mà bắt chước theo những hành động sai lầm như vậy?
        “Bậc Giác ngộ thương chúng sanh như con ruột của Ngài. Do đó, là người có chí nguyện cầu Giác ngộ, ta không nên tức giận hoặc tuyệt vọng vì họ.”
        “Nếu người hành động sai lầm đối với ta là người có những đức tánh cao quý như giới, thì ta nên suy xét như vầy: “Ta không nên nổi nóng với một người có giới đức như vậy.”
        “Nếu người hành động sai lầm đối với ta là người không có những đức tánh cao quý như giới, thì ta nên suy xét như vầy: “ Đây là người mà ta nên xem xét với lòng bi mẫn”
        “Nóng giận làm giảm thiểu thanh danh và các đức tánh của ta.” “Nóng giận với người khác sẽ làm cho khuôn mặt của ta trở nên
        xấu xí, khiến ta khó ngủ, v.v… làm kẻ thù vui mừng, đắc chí.”
        “Kết quả của nóng giận là mất tài sản, mất bạn bè, người cấp dưới sẽ rời xa mình và sẽ cuối cùng bị tái sanh vào khổ cảnh. (Sattaka Nipāta, Aṅguttara Nikāya – Kinh Tăng chi)
        “Sự nóng giận này là kẻ thù hùng mạnh, đem lại mọi điều tai hại và tiêu diệt tất cả sự thịnh vượng.”
        “Khi một người có pháp nhẫn nại, người ấy sẽ không có kẻ thù.” “Khi nghĩ rằng nhờ nhẫn nại, ta sẽ không gặp phải khổ đau ( khổ
        đau xảy đến với người làm ác). Dùng sân hận để trả thù người kia tức
        là ta đang đi theo bước chân của kẻ thù.”
        “Nếu ta chinh phục được sân hận bằng pháp nhẫn nại thì ta cũng sẽ hoàn toàn chiến thắng kẻ thù – kẻ làm nô lệ cho sân hận.”
        “Từ bỏ pháp nhẫn nại cao quý vì sự nóng giận là điều không đúng” “Làm sao ta có được những đức tánh cao quý như giới, v.v… khi
        sân hận – pháp đối nghịch với tất cả thiện pháp đang sanh khởi trong
        ta? Và nếu vắng mặt những đức tánh như vậy thì làm sao ta có thể giúp đỡ chúng sanh và đạt thành mục tiêu là Phật quả?”
        “Chỉ bằng nhẫn nại, người ta mới có thể giữ tâm không bị cuốn hút bởi ngoại cảnh và tâm được tập trung. Và nhờ tâm được tập trung, người ta mới có thể thấy rõ tất cả pháp hữu vi là vô thường và bất toại nguyện, tất cả các pháp là vô ngã; Niết bàn là pháp vô vi, bất tử, v.v… Và những ân đức của một vị Phật có những năng lực vô song, bất khả tri.”
        Do khả năng như vậy, hành giả an trú trong Tuệ quán (anuloma khanti), nhận ra rằng “Tất cả các pháp là hiện tượng tự nhiên, chẳng có gì liên quan đến ngã. Chúng sanh và diệt theo đúng các duyên riêng biệt của chúng. Chúng chẳng từ đâu đến và chẳng đi về đâu. Chúng không thường tồn như một thực thể. Không có chủ nhân trong nhóm pháp tự nhiên này (vì không có gì gọi là nhân vật riêng biệt ở chỗ đầu tiên cả). Khi giác ngộ các pháp đúng như thật, người ta có thể biết rõ rằng chúng không phải là chỗ trú của ‘cái Ta’. Bằng sự suy xét như vậy, chư Bồ tát vững vàng trong cứu cánh của các Ngài, chắc chắn sẽ thành bậc Chánh đẳng giác.
        (Đây là sự suy xét chi tiết về Nhẫn nại Ba-la-mật).

      7. Phương pháp suy xét chi tiết về Chân thật Ba-la -mật

        Chân thật Ba-la-mật nên suy xét theo cách như vầy:
        “Nếu không có chân thật thì các đức tánh như giới, v.v… không thể xảy ra và không thể có sự thực hành ước nguyện chứng đắc Phật quả.”
        “Khi chân thật bị phá hủy thì tất cả ác pháp đều có thể sanh khởi.” “Người không nói lời chân thật thường xuyên thì được xem là
        không đáng tin cậy trong chính kiếp sống này. Trong những kiếp
        tương lai cũng vậy, lời nói của người ấy sẽ không được mọi người chấp nhận.”
        “Chỉ bằng pháp chân thật, người ta mới có thể tu tập các thiện pháp như giới, v.v…”
        “Chỉ qua pháp chân thật làm nền tảng, người ta mới có thể làm thanh tịnh và thực hành viên mãn các đức tánh cao quý như các pháp Ba-la-mật (pāramī) , xả ly (cāga), tánh hạnh (cariya) – Nhờ chân thật đối với các pháp, người ta có thể thực hành các phận sự về pāramī, cāga, cariya và được an trú trong pháp hành của chư vị Bồ tát
        (Đây là cách suy xét chi tiết về Chân thật Ba-la-mật)

      8. Phương pháp suy xét chi tiết về Chí nguyện Ba- la- mật

        Nếu không có chí nguyện cương quyết thực hành các điều thiện như Bố thí Ba-la-mật, v.v… thì khi gặp phải các pháp đối nghịch của chúng như bỏn xẻn (macchariya), ác giới (dussīlya), v.v… người ta không thể vững tâm để thực hiện những việc thiện như vậy; và nếu không có sự vững tâm, thì người ta không thể thực hành chúng một cách khéo léo và dũng cảm. Và nếu không có sự thiện xảo và dũng cảm thì những pháp Ba-la-mật như bố thí, v.v… là những pháp cần thiết để chứng đắc Nhất thiết trí, không thể thành tựu được.
        “Chỉ khi nào chí nguyện trong việc thực hành các điều thiện như Bố thí Ba-la-mật, v.v… được vững vàng, khi ấy người ta mới có thể vững tâm mà đối mặt với các pháp đối nghịch của chúng như bỏn xẻn, ác giới, v.v. Chỉ khi nào có sự vững tâm kiên định như vậy, người ta
        mới có được sự thiện xảo và dũng cảm trong việc thực hành các điều thiện như vậy. Chỉ khi ấy Bố thí Ba-la-mật, v.v… hình thành những pháp cần thiết cho sự chứng đắc Nhất thiết trí, mới có thể được thành tựu.” Bằng cách này thì Chí nguyện Ba la mật được suy xét đến.
        (Đây là cách suy xét chi tiết về Chí nguyện Ba-la-mật.)

      9. Phương pháp suy xét chi tiết Tâm từ Ba-la-mật

        “Người chỉ quan tâm đến lợi ích và hạnh phúc của riêng mình (người ích kỷ) không thể được hưng thịnh trong kiếp này hoặc kiếp sau nếu không trau dồi tâm từ mong mỏi hạnh phúc cho kẻ khác. Vị Bồ tát luôn mong ước an trú chúng sanh trong hạnh phúc của Niết bàn thì càng phải phát triển tâm từ nhiều hơn. Chỉ bằng cách nuôi dưỡng tâm từ bi vô lượng đối với tất cả chúng sanh, Bồ tát mới có thể an trú họ trong Niết bàn.”
        “Với tâm mong muốn tế độ tất cả chúng sanh đạt được hạnh phúc siêu trần của Niết bàn khi ta thành Phật, thì ngay bây giờ ta nên khởi tâm mong mỏi họ được tăng tiến hưng thịnh trong thế gian.”
        “Nếu bây giờ ta không khởi tâm mong mỏi hạnh phúc cho tất cả chúng sanh, thì biết khi nào ta mới thực hành viên mãn những hành động về lời nói và hành vi để đem lại hạnh phúc cho họ?”
        “Những chúng sanh mà ngay bây giờ được ta nuôi dưỡng bằng pháp từ bi, tương lai sẽ trở thành người thừa kế Giáo pháp của ta.”
        “Nếu không có chúng sanh thì lấy gì để thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật. Do đó, chúng sanh hình thành những điều kiện bổ túc cho sự thành tựu tất cả những ân đức của một vị Phật. Chúng sanh là mảnh ruộng mầu mỡ để gieo tạo những hạt giống phước, là lãnh địa tốt nhất để thực hiện việc phước, là trú xứ độc nhất đáng được tôn kính.”
        Bằng cách này, hành giả nên trau dồi thiện ý đối với tất cả chúng
        sanh.
        Cũng nên suy xét những đức tánh của bác ái theo cách này:
        “Đại bi là pháp hành căn bản đầu tiên nhất trong tất cả những pháp hành dẫn đến đạo quả Phật. Đối với vị Bồ tát hoan hỷ trong việc đem lại lợi ích và hạnh phúc cho tất cả chúng sanh mà không phân biệt thân, thù hoặc không thân không thù (mettā), thì lòng mong mỏi đoạn trừ đau khổ và bất hạnh của chúng sanh (karunā) sẽ trở nên mạnh mẽ và vững vàng. Như vậy tâm từ ái làm nền tảng cho đại bi nên được phát triển đến tất cả chúng sanh.
        (Đây là cách suy xét chi tiết về Từ ái Ba-la-mật .)

      10. Phương pháp suy xét về chi tiết Xả Ba-la-mật

      “Nếu không có tâm xả thì những lời chửi mắng và những hành động xúc phạm của kẻ khác sẽ làm cho tâm ta phiền não. Tâm bị phiền não thì không thể thực hiện các việc phước như bố thí, v.v… là những pháp cần thiết để chứng đắc Phật quả.”
      “Khi tâm bác ái được rải đến chúng sanh mà không có tâm xả đi
      kèm thì các pháp Ba-la-mật không thể thanh tịnh được.”
      “Vị Bồ tát không phân biệt vật thí cũng không phân biệt người thọ lãnh. Điều này không thể xảy ra nếu không có tâm xả.”
      “Nếu tự thân không có pháp xả, và không xem xét đến những nguy cơ xảy đến trong cuộc sống và đời sống phụ thuộc thì người ta không thể hướng đến việc làm cho giới được thanh tịnh.
      “Vượt lên trên những kẻ không thích làm điều thiện và thích đắm chìm trong các khoái lạc, chỉ những người có pháp xả mới đạt được sức mạnh của sự từ bỏ.”
      “Tất cả những phận sự của các pháp cần thiết về ba-la-mật được thành tựu chỉ bằng cách xem xét chúng một cách đúng đắn bằng trí xả (ñāṇupekkhā).”
      “Khi vắng mặt pháp xả thì sự tinh tấn quá mức sẽ làm cho pháp thiền không có kết quả.”
      “ Chỉ có pháp xả, chúng sanh mới có sự kham nhẫn.” “Chỉ do pháp xả, chúng sanh mới có sự chân thật.”
      “Nhờ giữ tâm bình thản trước các pháp thăng trầm của đời sống, chí nguyện thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật của hành giả mới trở nên vững vàng, không dao động.”
      “Chỉ bằng pháp xả, người ta mới có thể bình thản trước những điều sai trái do kẻ khác đem đến; chỉ có sự bình thản như vậy mới đẩy mạnh việc an trú trong bác ái.”
      Tu tập các pháp Ba-la-mật theo cách này, trú vững chắc trong chí nguyện, thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật – Tất cả những điều này chỉ có thể xảy ra nhờ pháp xả.
      ( Đây là cách suy xét chi tiết về Xả Ba-la-mật)
      Những cách quán sát (paccavekkhanā-ñāṇa) về những điều bất lợi do không tạo những việc phước như bố thí, v.v… và về những lợi ích phát sanh từ những việc phước như vậy đã hình thành nền tảng cho các pháp Ba-la-mật.

    6. Mười lăm Hạnh (Carana) và năm Thắng trí (Abhiññā) cùng

      với những chi pháp của chúng

      Cũng như Quán sát trí, mười lăm loại Hạnh và năm Thắng trí cùng với những chi pháp của chúng hình thành nền tảng của các pháp pāramī.
      Mười lăm Hạnh (carana) là:

      1. Sīla saṁvara – Giới thu thúc

      2. Indriyesu guttadvarata – Sự đóng kỹ các căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) bằng chánh niệm để bọn cướp dưới dạng những hành động ác không thể đột nhập vào tâm.

      3. Bhojanamattaññuta – Tiết độ trong thọ thực

      4. Jagariyānuyoga – Trong sáu phần thời gian của ngày và đêm: sáng, trưa, chiều, canh một, canh hai và canh cuối của đêm, chỉ ngủ trong canh hai, còn năm canh còn lại thì hành thiền với hai oai nghi là ngồi và đi kinh hành.

        (5-11) Bảy đức tánh: tín, tấn, niệm, tuệ, văn, tàm và quý.
        (12-15) Bốn thiền (sơ thiền, nhị thiền, tam thiền và tứ thiền).
        Trong mười lăm carana, các thành phần của bốn hạnh đầu tiên là mười ba pháp đầu đà (dhutaṅga) và những đức tánh như tri túc, thiểu dục, v.v….
        Trong bảy đức tánh:

        1. Các yếu tố hình thành đức tin là:

          1. Buddhānussati – Niệm Phật.

          2. Dhammānussati – Niệm Pháp.

          3. Saṅghānussati – Niệm Tăng.

          4. Sīlānussati – Niệm giới.

          5. Cāgānussati – Niệm xả ly.

          6. Devatānussati – Niệm chư thiên.

          7. Upasamānussati – Niệm tịch tịnh.

          8. Lukhapuggala parivajjana – Không thân cận với người thô lỗ, người không có đức tin.

          9. Siniddha-puggala – Thân cận với những người hòa nhã, có đức

            tin.

          10. Pasādanīya dhamma paccavekkhanā – Quán các pháp làm khởi dậy niềm tịnh tín.

          11. Tadadhimuttatā – Có khuynh hướng khởi dậy niềm tin trong mọi

          oai nghi.

        2. Các yếu tố hình thành chánh niệm:

        1. Chánh niệm và giác tỉnh trong bảy tư thế như đi tới, đi lui, v.v….
        2. Không thân cận với những người chểnh mảng, thiếu thận trọng.
        3. Thân cận với những người có chánh niệm.
        4. Có khuynh hướng khởi lên chánh niệm trong mọi oai nghi.

        c-d) Các thành tố của tàm và quý:

        1. Quán về khổ nạn do ác nghiệp gây nên.
        2. Quán về những thân phận khốn khổ trong bốn khổ cảnh.
        3. Quán về đặc tánh nâng đỡ của phước.
        4. Không thân cận với những người không có tàm quý.
        5. Thân cận với những người có tàm quý.
        6. Có khuynh hướng tu tập về tàm và quý.
        1. Các yếu tố tạo nên sự đa văn là:

          1. Kiếp trước thường cố gắng học hỏi.
          2. Thường hay tìm tòi học hỏi.
          3. Thân cận với người thực hành thiện pháp.
          4. Tầm cầu kiến thức chánh đáng.
          5. Có sự chín chắn về các quyền như tín quyền, v.v….
          6. Tránh xa phiền não.
          7. Không thân cận với những kẻ ngu dốt.
          8. Thân cận với những bậc đa văn; và
          9. Có khuynh hướng mở rộng kiến thức trong tất cả mọi oai nghi.
        2. Các yếu tố làm khởi sanh tinh tấn:

          1. Quán về những khổ nạn trong bốn khổ cảnh.
          2. Quán về những lợi ích của sự nỗ lực tinh tấn.
          3. Quán về tánh chất khả ái của con đường mà các bậc giới đức như Đức Phật, v.v… đã đi qua.

          4. Tôn kính vật thí bằng cách siêng năng thực hành chánh pháp.
          5. Quán về di sản cao quý của chánh pháp .
          6. Quán Đức Phật là bậc Tối thượng sư.
          7. Quán rằng ta là người thuộc dòng dõi của Đức Phật.
          8. Quán những đức tánh cao quý trong Pháp bảo.
          9. Không thân cận những kẻ lười biếng.
          10. Thân cận những bậc chuyên cần, tinh tấn và
          11. Có khuynh hướng phát triển tinh tấn trong mọi oai nghi.
        3. Các thành tố của trí tuệ:

          1. Suy đi xét lại về các uẩn (khandha), các xứ (āyatana), các giới
            (dhatu), v.v… của chính mình;
          2. Giữ trong sạch các vật trong thân và ngoài thân;
          3. Giữ quân bình giữa tín và tuệ, giữa tấn và định đúng như câu
            nói:

            “Đức tin thái quá dẫn đến ngoan đạo thái quá. Trí tuệ thái quá dẫn đến xảo biện.

            Tinh tấn thái quá dẫn đến phóng dật. Định thái quá dẫn đến hôn muội.

            Không bao giờ có niệm thái quá.”

          4. Không thân cận với những kẻ ngu si;
          5. Thân cận với các bậc trí tuệ;
          6. Quán về tánh đa dạng của trí tuệ thâm sâu liên quan đến các pháp vi diệu như uẩn, v.v… và
          7. Có khuynh hướng phát triển trí tuệ trong mọi oai nghi.
        4. Các yếu tố để thành tựu bốn tầng thiền:

        1. Bốn hạnh đầu tiên bắt đầu bằng sự trì giới.
        2. Phần đầu của thiền chỉ và
        3. Năm pháp tự tại (vasibhava)

        Qua các hạnh (carana) và các thắng trí (abhiññā), người ta có thể đạt được sự nỗ lực thanh tịnh (payoga-suddhi) và thiên hướng thanh tịnh (āsaya-suddhi). Qua sự nỗ lực thanh tịnh, người ta có thể thực hiện vô úy thí (abhaya-dāna) đến chúng sanh. Qua thiên hướng thanh tịnh, người ta có thể thực hiện tài thí (āmisa dāna), và qua sự thanh tịnh của cả hai, Pháp thí (dhamma-dāna) có thể xảy ra.
        Bằng cách này, người ta có thể hiểu cách mà các Hạnh và các Thắng trí hình thành những pháp cần thiết để thành tựu các pháp pāramī.

        1. Những yếu tố nào làm ô nhiễm các pháp Pāramī?

          Về câu hỏi: “Những yếu tố nào làm ô nhiểm các pháp pāramī?” Câu trả lời chung chung là: Cho rằng các pháp pāramī là “ta”, “của ta” và “tự ngã của ta” do ái dục, ngã mạn và tà kiến, là nguyên nhân làm ô nhiễm các pháp pāramī.
          Tuy nhiên, câu trả lời chính xác theo từng trường hợp đặc biệt là:

          1. Tâm phân biệt vật thí này với vật thí kia, người thọ thí này với người thọ thí kia, là nguyên nhân làm ô nhiễm Bố thí Ba-la-mật. (Vị Bồ tát trong khi thực hành Bố thí Ba-la-mật không nên có sự phân biệt các loại vật thí mà vị ấy có và cũng không nên phân biệt người thọ thí thuộc đối tượng nào. Vị ấy không nên nghĩ về phẩm chất của vật thí, vật thí này quá thấp hèn; vật thí này quá cao sang. Vị ấy cũng không nên nghĩ về người thọ thí như: “Người này không có giới, ta không thể cho họ.” )
            Những ý nghĩ phân biệt như vậy sẽ làm cho Bố thí Ba-la-mật trở nên bất tịnh.
          2. Tâm phân biệt giữa các loại chúng sanh và giữa các trường hợp gây nên sự ô nhiễm cho Giới Ba-la-mật (Giới Ba-la-mật nên được thực hành bất chấp các loại chúng sanh và trường hợp nào, khi nghĩ rằng: “Ta chỉ kiên tránh sát sanh loại chúng sanh đó mà không kiên tránh sát sanh đối với những loại chúng sanh khác. Ta sẽ thọ trì các điều học chỉ trong trường hợp đó, các trường hợp khác thì không.” Suy nghĩ phân biệt như vậy sẽ làm ô nhiễm Giới Ba-la-mật).
          3. Nghĩ rằng hai loại dục (vật dục – vatthu-kāma và phiền não dục – kilesa-kāna) và tam giới (dục giới, sắc giới và vô sắc giới) là khả ái, khả lạc. Sự chấm dứt dục lạc và sanh hữu là không khả ái, không khả lạc. Ý nghĩ như vậy là nguyên nhân làm ô nhiễm Xuất gia Ba-la-mật.
          4. Ý nghĩ sai lầm về ‘ta’ và ‘cái của ta’ là nguyên nhân ô nhiễm Trí
            tuệ Ba-la-mật.
          5. Những ý nghĩ lười biếng làm khởi sanh hôn trầm, thụy miên và trạo hối là nguyên nhân ô nhiễm Tinh tấn Ba-la-mật.
          6. Những ý nghĩ phân biệt mình và kẻ khác (như những người của ta và những người của họ) là nguyên nhân ô nhiễm Nhẫn nại Ba- la-mật.

          7. Những điều chưa thấy, chưa nghe, chưa xúc chạm và chưa biết mà nói rằng đã thấy, đã nghe, đã xúc chạm và đã biết. Những điều đã thấy, đã nghe, đã xúc chạm và đã biết mà nói rằng chưa thấy, chưa nghe, chưa xúc chạm và chưa biết là nguyên nhân ô nhiễm Chân thật Ba-la-mật.
          8. Nghĩ rằng các pháp cần thiết cho sự giác ngộ, các pháp Ba-la- mật và các hạnh là không lợi ích và những pháp đối nghịch với chúng là có lợi ích. Ý nghĩ như vậy là nguyên nhân ô nhiễm Chí nguyện Ba-la-mật.
          9. Nghĩ về người hộ độ của ta và người không hộ độ ta (người thân quen hoặc không thân quen) là nguyên nhân ô nhiễm Từ ái Ba- la-mật.
          10. Tâm phân biệt các cảnh khả ái với các cảnh không khả ái mà người ta trải qua là nguyên nhân ô nhiễm Xả Ba-la-mật.
        2. Những yếu tố nào làm thanh tịnh các pháp Pāramī ?

          Đối với câu hỏi ‘Những yếu tố nào làm thanh tịnh các pháp Ba-la- mật?’ Câu trả lời là: “Không bị hủy hoại, lấm nhơ bởi ái dục, ngã mạn và tà kiến, và (như đã trình bày ở trên) không có những ý nghĩ phân biệt giữa các vật thí và giữa những người thọ lãnh, hình thành nguyên nhân làm thanh tịnh các pháp Ba-la-mật.
          Thực tế thì các pháp Ba-la-mật được thanh tịnh chỉ khi nào chúng không bị ô nhiễm bởi các phiền não như ái dục, ngã mạn, tà kiến, v.v… và không có những ý nghĩ phân biệt về các loại vật thí và các đối tượng thọ nhận.

        3. Những yếu tố nào đối nghịch với các pháp Pāramī ?

          Đối với câu hỏi: “Những yếu tố nào đối nghịch với các pháp Ba-la- mật?” Câu trả lời là: “Xét chung thì tất cả những yếu tố gây ô nhiễm và tất cả những pháp bất thiện là những pháp đối nghịch với các pháp Ba-la-mật.”
          Xét chi tiết thì ái đối với vật thí và tánh keo kiệt là pháp đối nghịch với Bố thí Ba-la-mật. Những hành động bất thiện về thân, ngữ và ý là pháp đối nghịch với Trì giới Ba-la-mật. Tâm vui thích trong các cảnh dục, các phiền não dục và các sanh hữu là pháp đối nghịch với Xuất gia Ba-la-mật. Si mê quá độ là pháp đối nghịch với Trí tuệ Ba-la-mật. Tám trường hợp lười biếng đã được kể ra ở trước là những pháp đối nghịch với Tinh tấn Ba-la-mật. Tâm cố chấp do tham muốn các cảnh vừa lòng hoặc giận ghét các cảnh trái ý là pháp đối nghịch với Nhẫn
          nại Ba-la-mật. Không nói lời chân thật là pháp đối nghịch với Chân thật Ba-la-mật. Không có khả năng thắng phục các pháp đối nghịch với các pháp Ba-la-mật (không thực hành chúng một cách thành công) là pháp đối nghịch với Chí nguyện Ba-la-mật. Chín hình thức làm sanh khởi hận thù là pháp đối nghịch với Bác ái Ba-la-mật. Không có cái nhìn bình thản trước các cảnh vừa lòng và Phật ý là pháp đối nghịch với Xả Ba-la-mật.
          Chi tiết hơn:

          1. Luyến ái các vật thực cho đi (lobha – tham), không có thiện cảm với những người thọ nhận (dosa – sân) và không hiểu biết về bố thí và những quả phước của nó (moha – si mê) là những pháp đối nghịch với pháp Bố thí. Chỉ khi nào vắng mặt những trạng thái tham, sân và si như vậy thì sự bố thí mới được thành tựu mỹ mãn.
          2. Thập ác nghiệp là những pháp đối nghịch với Giới Ba-la-mật vì sự thọ trì giới được thành tựu chỉ khi nào người ta thoát khỏi những điều ác về thân, ngữ và ý.
          3. Sự xuất gia là hành động cao quý, từ bỏ: các dục lạc, ngược đãi kẻ khác và tự làm khổ mình. Đắm chìm trong dục lạc (lobha), ngược đãi kẻ khác (dosa) và làm khổ mình (moha) là những pháp đối nghịch với Xuất gia Ba-la-mật.
          4. Trí tuệ đem lại ánh sáng cho những chúng sanh bị mù quáng bởi tham ái, sân hận và si mê. Do đó, ba yếu tố bất thiện này đối nghịch với Trí tuệ Ba-la-mật.

          5. Qua tham ái, người ta lưỡng lự trước các việc phước. Qua sân hận người ta không thể an trú trong các phước thiện và qua si mê, người ta không thể phấn đấu trong con đường chánh. Nhờ tinh tấn mà người ta làm các việc phước không chùn bước, an trú trong chúng và tiến bộ theo phương hướng đúng đắn. Do đó, ba yếu tố bất thiện này đối nghịch với Tinh tấn Ba-la-mật.
          6. Chỉ do nhẫn nại, người ta khiến tham ái vắng mặt đối với những cảnh vừa lòng và khiến sân hận bị loại trừ đối với những cảnh
            trái ý. Nhờ vậy, người ta có thể nhận biết tánh vô ngã và trống rỗng của các hiện tượng tự nhiên. Như vậy tham, sân và si không thể nhận biết bản chất không của các hiện tượng pháp, nên chúng là những pháp đối nghịch với Nhẫn nại Ba-la-mật.
          7. Không có chân thật, người ta có thể thiên vị do luyến ái đối với những người tốt với mình, hoặc giận ghét vì họ đã làm hại mình. Trong những hoàn cảnh như vậy, chân thật không thể hiện hữu một cách mạnh mẽ. Chỉ bằng pháp chân thật, người ta mới có thể thoát khỏi sự thiên vị do tham, sân hoặc si, là những pháp ngăn chặn sự hiện khởi của pháp Chân thật. Như vậy ba yếu tố bất thiện này là những pháp đối nghịch với pháp Chân thật.
          8. Bằng chí nguyện, người ta có thể vượt qua những pháp thăng trầm của cuộc sống và giữ tâm kiên cố trong việc thực hành pháp Ba-la-mật. Do đó, tham, sân và si mê – là những pháp lụy đắm theo những thăng trầm của cuộc sống, là những pháp đối nghịch với Chí nguyện Ba-la-mật.
          9. Sự phát triển tâm từ có thể loại trừ những chướng ngại của con đường tiến bộ tâm linh. Do đó, ba yếu tố bất thiện này, tạo nên những chướng ngại, là những pháp đối nghịch với Bác ái Ba- la-mật.

          10. Không có xả thì tham đối với những cảnh khả ái, và sân hận đối với những cảnh trái ý mà không thể loại trừ, ngăn chặn. Người ta cũng không thể nhìn đối cảnh với tâm bình thản. Chỉ khi có pháp Xả người ta mới nhìn đối cảnh với tâm bình thản được. Do đó, ba yếu tố bất thiện này là những pháp đối nghịch với Xả Ba-la-mật.

        4. Các pháp Pāramī được thực hành như thế nào?

          Đối với câu hỏi: “Các pháp Ba-la-mật được thực hành như thế nào? Các vị Bồ tát thực hành các pháp Ba-la-mật như thế nào?” Câu trả lời là:

          Xét về Dāna Pāramī

          Chư Bồ tát thực hành Bố thí Ba-la-mật bằng nhiều cách như đem lại lợi ích cho chúng sanh, chăm lo phúc lợi cho họ, từ bỏ tứ chi và mạng sống, hóa giải những điều tai họa sẽ xảy đến với họ, dạy pháp cho họ, v.v….
          Câu trả lời chi tiết là: Bố thí có ba loại: (a) āmisa-dāna – tài thí, (b)

          abhaya-dāna – vô úy thí, và (c) dhamma-dāna – pháp thí.

          1. Āmisa-dāna – Tài thí

            Āmisa-dāna – Tài thí là sự bố thí vật chất, chia làm hai loại: (a) vật trong thân, (b) vật ngoài thân.

            Theo Kinh, vật thí ngoài thân gồm có mười loại: thức ăn, nước uống, y phục, xe thuyền, hoa, dầu, giường chiếu, chỗ ngụ và đồ thắp sáng. Vật thí này trở nên nhiều loại chi tiết hơn khi mỗi thứ được chia ra thành nhiều loại như vật thực loại cứng, vật thực loại mềm, v.v….
            Theo Abhidhamma, vật thí có 6 loại theo sáu cảnh trần, đó là vật thí
            về những cái thấy được, vật thí về âm thanh, v.v. Sáu loại vật thí này trở thành nhiều loại chi tiết hơn, ví dụ, những vật thấy được có thể là vật màu xanh, màu vàng, màu đỏ, v.v….
            Tương tự có những vật vô tri như vàng, bạc, ngọc, ngọc trai, san hô, v.v… hoặc ruộng vườn, công viên, v.v. và cũng có những vật hữu
            tình như tôi trai, tớ gái, gia súc, v.v. Như vậy có rất nhiều loại vật thí
            ngoài thân.

            Sự bố thí vật ngoài thân được thực hiện như thế nào?

            Khi vị Bồ tát bố thí vật ngoài thân, Ngài cho bất cứ thứ gì mà người xin cần đến. Nếu Ngài biết nhu cầu của họ thì không cần người kia hỏi
            xin, Ngài cũng cho đúng món hàng ấy và còn nhiều hơn thế nếu được hỏi xin. Ngài cho đi các vật thí một cách hào phóng mà không cần bất cứ điều kiện nào.
            Khi có đủ các loại vật thí, Ngài trao chúng đến người xin một cách đầy đủ, dồi dào. Khi không có đủ, Ngài chia (thành những phần bằng nhau), vật gì có thể phân chia rồi đem phân phát.
            Có một điểm đặc biệt cần lưu ý, Ngài không cho những thứ gây tổn hại đến kẻ khác như khí giới, chất độc và các loại chất say. Ngài cũng không cho những thứ để vui chơi không đem lại lợi ích, chỉ đem lại sự dễ duôi, sự ham thích vui đùa.
            Đối với người bịnh, Ngài không cho đồ ăn hoặc thức uống không thích hợp, Ngài chỉ cho cái gì thích hợp và đúng số lượng.
            Cũng vậy, khi được hỏi xin, Ngài trao cho các gia chủ những thứ thích hợp với họ và đến các vị tỳ khưu những thứ thích hợp với các vị ấy. Ngài cho các vật thí mà không gây phiền phức cho những người thân với Ngài như mẹ, cha, quyến thuộc, bạn bè, vợ con, người hầu.
            Sau khi hứa sẽ cho vật thí đắc giá, Ngài không cho vật gì ít giá trị hơn. Ngài bố thí mà không cầu danh lợi, sự tôn kính hoặc quả báu của nó. Ngài cũng không mong được tái sanh vào cõi hạnh phúc, sang giàu và thịnh vượng. Ngài chỉ có một ước nguyện duy nhất là chứng đắc Nhất thiết trí.
            Ngài không bố thí với tâm coi thường người thọ thí hoặc vật thí. Ngay cả đối với những người thọ thí bất kính đối với Ngài, Ngài cũng không bố thí với tâm trạng buồn giận. Ngài luôn luôn bố thí với thái độ tôn kính, tâm thanh tịnh và lòng bi mẫn. Sự bố thí của Ngài kết hợp với niềm tin nhân quả.
            Ngài bố thí mà không khiến người thọ nhận phải hạ mình hoặc tỏ thái độ tôn kính đến Ngài. Ngài không dùng những lời nói thô lỗ, cũng không tỏ thái độ buồn bực. Ngài bố thí với thái độ thân ái, kèm theo lời nói dịu dàng, khuôn mặt tươi vui và thiên hướng thanh tịnh.
            Khi có sự luyến ái quá mức đối với vật nào đó do phẩm chất quí giá của nó hoặc do đã dùng nó trong thời gian dài hay do tánh ưa thích những vật quí giá, tuyệt hảo. Vị Bồ tát nhận biết tâm dính mắc nên nhanh chóng loại trừ nó và tìm kiếm người thọ nhận và cho ngay vật ấy.
            Giả sử vị Bồ tát sắp thọ thực mà phần ăn chỉ đủ cho một người và có người đến trước mặt ấy xin vật thực. Trong hoàn cảnh như vậy, Ngàì sẽ cho ngay người xin phần ăn của mình một cách đầy tôn kính.
            Khi ai hỏi xin vợ con, người hầu, v.v… trước hết Bồ tát giải thích cho họ hiểu hành động bố thí của mình; chỉ khi nào họ đã thông suốt và vui vẻ, Ngài mới cho họ đến người xin. Nhưng Ngài không thực hiện sự bố thí như vậy đến loài phi nhân như dạ xoa, v.v….
            Cũng vậy, vị Bồ tát sẽ không cho vương quốc của mình đến những người sẽ làm hại hoặc làm khổ dân chúng, những người đi ngược với lợi ích của dân chúng. Ngài chỉ cho đến những người bảo vệ họ bằng sự cai trị đúng đắn.
            Đây là cách thực hành bố thí những vật ngoài thân của vị Bồ tát. Sự bố thí những vật trong thân được thực hiện như thế nào? Vị Bồ tát bố thí vật trong thân theo hai cách:

              1. Cũng như một người, vì muốn có đồ ăn và y phục mà bán thân làm nô lệ cho kẻ khác. Tuy nhiên, vị Bồ tát xả thân phục vụ mọi người không mong cầu dục lạc hoặc thiện thú, chỉ cầu lợi ích và
                hạnh phúc cao nhất cho chúng sanh và sự viên mãn Bố thí Ba- la-mật ở mức cao nhất ví như sự bố thí toàn thân.
              2. Ngài không do dự cũng không dao động khi cho đi tứ chi và các bộ phận trong thân thể của Ngài như tay, chân, mắt, v.v… đến bất cứ ai cần đến. Cũng như đối với những vật ngoài thân, Ngài không có sự luyến ái đối với tứ chi và các bộ phận trong thân , Ngài cũng không chút miễn cưỡng khi bố thí chúng ví như sự bố thí tứ chi và các bộ phận trong thân.

                Hai mục đích của sự bố thí

                Trong việc dứt bỏ tứ chi và các bộ phận hoặc cả thân, Bồ tát có hai mục đích: (i) thỏa mãn ước muốn của người thọ thí và cho họ hưởng bất cứ cái gì mà họ cần, và (ii) đạt sự thiện xảo trong việc thực hành các pháp Ba-la-mật bằng cách bố thí hào phóng mà không chút luyến ái đối với các vật thí. Vị Bồ tát bố thí những vật trong thân với niềm tin “Qua sự bố thí như vậy, chắc chắn ta sẽ chứng đắc Nhất thiết trí.”
                Trong những hành động bố thí này, Ngài chỉ cho cái gì thực sự đem lại lợi ích cho người thọ thí. Đặc biệt đối với Ma vương hoặc tùy tùng của Ma vương, những kẻ muốn làm hại Bồ tát, thì Ngài sẽ không cho thân mạng và các bộ phận cơ thể của Ngài. Nhưng đối với tất cả những người khác đến xin chúng thì Ngài cho ngay, vì đó là dịp bố thí hiếm hoi.

          2. Abhaya-dāna – Vô úy thí

            Vị Bồ tát bố thí sự không sợ hãi bằng cách bảo vệ chúng sanh và giải cứu cho họ dù phải hy sinh tánh mạng của Ngài. Khi họ gặp phải rủi ro và tai họa gây ra bởi vua quan, đạo tặc, lửa, nước, kẻ thù, thú dữ như sư tử, cọp, rắn, dạ xoa, v.v…

          3. Dhamma-dāna – Pháp thí

        Bố thí Pháp có nghĩa là thuyết giảng chân lý một cách rõ ràng, với tâm thanh tịnh không bị ô nhiễm bởi tham, sân, v.v….
        Đối với những người cần quả vị Thanh văn giác, Bồ tát thuyết pháp về Tam quy, giới thu thúc lục căn, sự tiết độ trong ăn uống, sự tỉnh giác, bảy thiện pháp, sự thực hành thiền chỉ và thiền quá, bảy bước thanh tịnh, trí tuệ về bốn Đạo (magga-ñāṇa), Tam minh (vijjā), sáu Thắng trí (abhiññā), bốn Tuệ phân tích (patisambhidhā-ñāṇa) và sự Giác ngộ của vị Thanh văn (sāvaka bodhi).
        Ngài bố thí pháp bằng cách giảng giải chi tiết nội dung của những để tài kể trên, an trú trong Tam quy, giới, v.v cho những người chưa
        được an trú và giúp những người đã an trú rồi làm thanh tịnh những pháp hành của họ.
        Cũng vậy, đối với những người có chí nguyện thành đạt quả vị Bích chi Phật (Paccekabuddha) và Toàn giác Phật (Sammāsambuddha), Bồ tát thuyết pháp bằng cách giải thích cho họ hiểu rõ các đặc tánh, các phận sự, v.v… của 10 pháp Ba-la-mật với oai lực của chư vị Bồ tát trong ba cõi – lúc thành tựu viên mãn các pháp Ba-la-mật, lúc trở thành Phật và viên mãn các phận sự của một vị Phật, an trú họ trong các pháp hành dẫn đến quả vị Độc giác và Toàn giác, và giúp làm thanh tịnh các pháp hành của những vị đã an trú trong đó.

        Phân loại Thập bố thí kinh

        Khi vị Bồ tát bố thí vật chất, Ngài cho vật thực với ước muốn: “Do sự bố thí này, mong rằng ta có thể giúp đỡ chúng sanh đạt được sự trường thọ, sắc đẹp, hạnh phúc, sức mạnh, trí tuệ và chứng đắc quả vị cao nhất là đạo quả A-la-hán.”
        Tương tự, Ngài cho thức uống để làm vơi dịu cơn khát về phiền não dục của chúng sanh.
        Ngài bố thí y để có được nước da màu vàng ròng và vật trang sức là tàm và quí; bố thí xe thuyền để được thành tựu về các loại thần thông và hạnh phúc của Niết bàn; bố thí vật thơm để tạo ra hương thơm của giới vô song; bố thí hoa và các loại dầu thơm để có được tất cả những đức tánh của một vị Phật; bố thí sàng tọa để có được bồ đoàn giác ngộ dưới cội cây bồ đề; bố thí giường ngủ để có được thế nằm của một vị Phật khi Ngài nhập tứ thiền đúng với câu nói: “Nằm nghiêng bên trái là thế nằm của người tham dục, nằm nghiêng bên phải là thế nằm của con sư tử, nằm ngửa là thế nằm của loài ngạ quỷ, nhập vào tứ thiền gọi là thế nằm của một vị Phật; bố thí chỗ ngụ như nhà nghỉ, v.v… để trở thành nơi nương tựa của chúng sanh; và bố thí đèn sáng để có được ngũ nhãn.

        Các loại bố thí và mục đích của chúng

        Vị Bồ tát bố thí màu sắc (rūpa-dāna) để có được hào quang thường xuyên tỏa rộng quanh vị Phật ra tám mươi hắc tay, ngay cả trong bóng tối của khu rừng rậm hoặc đêm ba mươi với mây đen dày đặc che phủ cả bầu trời. Bố thí âm thanh để có được giọng nói của Phạm thiên; bố thí các vị (nếm) trở thành người thân ái với tất cả chúng sanh; bố thí vật xúc chạm để có được tánh dịu dàng của một vị Phật; bố thí trái cây để chứng đạt Niết bàn, không già không chết; bố thí sự tự do cho những người nô lệ để thoát khỏi sự nô lệ phiền não; bố thí trò tiêu khiển trong sạch để có sự vui thích trong chánh pháp; bố thí con để khiến cho tất cả chúng sanh trở thành những đứa con bậc Thánh (bằng cách cho họ xuất gia trong Tăng chúng); bố thí vợ như hoàng hậu Maddi để trở thành chúa tể của tất cả thế gian, (trong bổn sanh Vessantara, hoàng hậu Maddi là vợ của Bồ tát Vessantara); bố thí mười loại của báu (như vàng, ngọc, san hô, v.v…) để đạt được 32 hảo tướng của bậc đại trượng phu; bố thí đồ trang sức để đạt được 80 tướng phụ của bậc đại trượng phu; bố thí tài sản trong thế gian để có được kho tàng chánh pháp; bố thí vương quốc để trở thành vị pháp vương; bố thí vườn ngoạn cảnh, hồ nước mát và rừng cây để đạt được
        những pháp cao siêu như các tầng thiền, đạo quả và giải thoát; bố thí chân đến bất cứ ai cần chúng để sau này Ngài có thể tự mình đi đến cội cây Bồ đề với đôi chân mang hảo tướng hình bánh xe; bố thí đôi tay của Ngài vì Ngài muốn mở rộng bàn tay chánh pháp để giúp đỡ chúng sanh vượt qua bốn trận bộc lưu (dục, hữu, tà kiến và vô minh); bố thí tai, mũi, v.v… để có được phổ nhãn của vị Phật (Samanta cakkhu) tức là Nhất thiết trí; bố thí thịt và máu với tâm mong ước rằng: “Mong rằng tấm thân của ta sẽ đem lại lợi ích và hạnh phúc cho tất cả chúng sanh trong tất cả mọi thời, ngay cả khi ta đang nhìn, đang nghe, đang hồi tưởng hoặc đang làm công việc cá nhân. Mong rằng nó sẽ là phương tiện để che chở cho toàn thể thế gian”; bố thí đầu, phần cao nhất của thân, để trở thành bậc tối thượng trên thế gian.
        Trong những việc bố thí như vậy, vị Bồ tát làm không tầm cầu phương tiện bất chánh; không phải để ngược đãi kẻ khác; không phải vì sợ hãi, hoặc xấu hổ; không phải để gây phiền phức cho người thọ thí. Ngài không bố thí vật xấu và giữ lại vật tốt; Ngài cũng không khen mình và chê người; Ngài cũng không cầu mong thành quả nào khác ngoài Nhất thiết trí; Ngài không bố thí với tâm trạng ghét bỏ, khinh khi. Thực tế thì Ngài bố thí sau khi đã chuẩn bị lễ vật một cách cẩn thận bằng chính đôi tay của Ngài, hợp thời, có sự tôn kính đúng mức đối với người thọ thí, không có sự phân biệt, đầy hoan hỷ trong cả ba thời (trước khi, trong khi và sau khi bố thí).
        Do đó, sau khi bố thí, Bồ tát không hề có chút hối tiếc. Ngài không kiêu ngạo hoặc có thái độ khinh khi đối với những người thọ thí mà nói với họ lời thân ái. Khi bố thí Ngài còn cho thêm vật phụ của nó cho đủ bộ.
        Ví dụ: Khi Ngài muốn bố thí vật thực, Ngài nghĩ rằng: “Ta sẽ bố thí vật thực này cùng với những thứ phụ thuộc thích hợp khác và cũng bố thí thức uống, y phục, v.v…” và khi Ngài muốn bố thí y phục, Ngài nghĩ rằng: “Ta sẽ thực hiện sự bố thí y phục này với những thứ phụ
        thuộc thích hợp khác và cũng bố thí vật thực, v.v…” Ngài cho các loại vật thí khác cũng như thế.
        Bất cứ khi nào Ngài bố thí hình sắc (rūpa dāna) Ngài cũng bố thí những thứ phụ theo nó như âm thanh (sadda dāna), v.v… Về sự bố thí âm thanh, v.v… cũng như thế.
        Theo cách bố thí trong tạng Kinh, vật thí là những thứ dễ nhận biết. Nhưng cách bố thí theo tạng Abhidhamma, đó là những vật thí thuộc về đối tượng của các căn như sắc, thinh, v.v…. Người ta khó có thể biết được cái gì tạo thành sắc thí (rūpa dāna) và bằng cách nào để người ta thực hiện sự bố thí về sắc. Dưới đây là cách thực hiện cách bố thí như vậy.

        Sáu loại bố thí theo tạng Abhidhamma

        Rūpa dāna – Sắc thí

        Trong sáu loại vật thí theo tạng Abhidhamma, sự bố thí sắc nên được hiểu như vầy: Sau khi kiếm được những vật thí như hoa, y phục, những khoáng chất có màu xanh, vàng, đỏ, trắng, v.v… người ta xem chúng chỉ là màu sắc và nghĩ rằng: “Ta sẽ bố thí màu sắc. Đây là sự bố thí của ta về màu sắc.” Những vật thí được cho với ý nghĩ như vậy được gọi là sắc thí (rūpa dāna).
        Không thể nào xảy ra nếu người ta muốn bố thí riêng một màu nào đó bằng cách tách rời nó ra khỏi vật thí mang màu sắc ấy. Muốn bố thí màu sắc, người ta có thể bố thí hoa, y phục hoặc khoáng chất có màu sắc mà đã chọn với ý nghĩ rằng. Đây là cách bố thí sắc (rūpa dāna).

        Sadda dāna – Thinh thí

        Bố thí âm thanh như âm thanh của trống, v.v… Khi bố thí như vậy, người ta không thể nào cho âm thanh giống như cho ngó sen và củ sen
        sau khi nhổ chúng lên hoặc bó hoa sen bằng cách đặt nó trong tay người thọ thí. Người ta bố thí âm thanh bằng cách cho những vật phát ra âm thanh như chuông hoặc trống với ý nghĩ rằng: “Ta sẽ bố thí âm thanh.” Vị ấy làm lễ Tam bảo bằng cách tự mình chơi một trong những nhạc cụ này hoặc bảo người khác làm như thế hoặc nghĩ rằng: “Đây là sự bố thí của ta về âm thanh,” người bố thí đặt cái chuông, cái trống đồng trên một cái giá đã định sẵn trong chùa hoặc bảo người khác làm như vậy. Hoặc bằng cách cúng dường đến người thuyết pháp những thứ bồi bổ giọng nói của các Ngài như mật ong, mật đường, v.v… Bằng sự thông báo và mời mọi người đến nghe pháp hoặc bằng cách thuyết pháp, luận đạo với những người đã đến với mình. Hoặc bày tỏ sự hoan hỷ những việc phước như cúng dường vật thực đến vị tỳ khưu hoặc xây dựng tịnh xá hoặc khuyến khích người khác làm như vậy. Sự bố thí như vậy được gọi là Thinh thí – Sadda dāna.

        Gandha dāna – Hương thí

        Cũng vậy, sự bố thí hương thơm được thực hiện sau khi đã kiếm được những vật thơm khả ái dưới dạng củ, nhánh hoặc bột, xem nó là hương thơm và nghĩ rằng: “Ta sẽ bố thí hương thơm. Đây là sự bố thí của ta về hương thơm,” vị ấy cúng dường nó đến Tam bảo. Sự bố thí như vậy được gọi là Hương thí – Gandha dāna

        Rasa dāna – Vị thí

        Tương tự, sự bố thí vị được thực hiện sau khi kiếm được những thứ có vị ngon như hạt, củ, trái cây, v.v… xem nó chỉ là vị và nghĩ rằng: “Ta sẽ bố thí vị. Đây là sự bố thí của ta về vị.” Người bố thí dâng cúng nó đến người thọ thí. Hoặc bố thí vật thực, có vị ngon như cơm, bắp, đậu, sữa, v.v… Sự bố thí như vậy được goị là Vị thí – Rasa dāna

        Phoṭṭhabba dāna – Xúc thí

        Đó là sự bố thí những vật xúc chạm như giường, ghế, nệm, võng, v.v… và các loại đồ trải như mùng, mền, chiếu, gối, v.v…. Sau khi kiếm được những vật xúc chạm mềm mại, khả ái như ghế, khăn trải giường, chăn v.v… xem chúng chỉ là vật xúc chạm và nghĩ rằng: “Ta sẽ bố thí vật xúc chạm. Đây là sự bố thí của ta về vật xúc chạm,” Sự bố thí như vậy được gọi là Xúc thí – Phoṭṭhabba dāna

        Dhamma dāna – Pháp thí

        Pháp thí ở đây ám chỉ sự bố thí cảnh pháp (dhamma rammana), một trong sáu cảnh trần. Theo đúng với câu châm ngôn: “Dưỡng chất (oja), ẩm chất (pāna), sanh mạng (jīvita) được xem là Pháp thí.
        Giải thích thêm:
        Sau khi kiếm được vật thí nào đó như bơ, sữa, v.v… giàu chất dinh dưỡng (oja), xem chúng chỉ là chất dinh dưỡng. Thực sự là cảnh pháp, và nghĩ rằng: “Ta sẽ bố thí cảnh pháp. Đây là sự bố thí của ta về cảnh pháp,” vị ấy bố thí bơ, sữa, v.v… hoặc bố thí tám loại thuốc uống (pāna) được sửa soạn từ trái cây, hoặc các loại củ, hoặc nghĩ rằng “Đây là sự bố thí sanh mạng,” vị ấy bố thí những thứ đem lại sự trường thọ như vật thực bằng phiếu thực phẩm v.v… hoặc mời thầy thuốc về nhà chạy chữa cho người bịnh; hoặc hủy bỏ những chiếc bẫy thú, những lưới cá, những lồng chim; hoặc phóng thích, giải thoát cho những người bị tù đày; hoặc sai người đánh cồng chiêng loan báo “Cấm giết thú và đánh cá để bán thịt.” Rồi tự mình thi hành hoặc bảo kẻ khác làm như vậy để bảo vệ sanh mạng của chúng sanh. Sự bố thí như vậy được gọi là Pháp thí – dhamma-dāna

        Chú thích:

            1. Dhammārammaṇa: Theo cuốn sách về Abhidhamma do trưởng lão Narada biên soạn thì “Dhammārammana (Cảnh pháp) bao gồm tất cả những đối tượng của tâm ý. Pháp gồm cả những hiện tượng tâm

              lý và vật lý. Bộ sách triết học khái lược của U-shwe-Zan – Aung mô tả cảnh của ý thức là “cảnh của các căn hoặc cảnh của tâm.” Bộ sách còn giải thích thêm rằng “cảnh của tâm cũng bao gồm năm loại tâm phụ: (i) tâm (citta),(ii) sở hữu tâm (cetasika); (iii) sắc thần kinh (pasāda rūpa) và sắc vi tế (sukhuma rūpa), (iv)khái niệm (paññatti: tên gọi, ý niệm, quan niệm, khuynh hướng); và (v) Niết bàn.

            2. Tám loại thức uống (pāna): Nước xoài, nước táo, nước chuối, nước trái chuối lá, nước trái cây mật ong, nước nho, nước củ sen hay súng, nước trái pharusaka.

            3. Sự bố thí vật thực bằng phiếu thực phẩmsalāka bhatta, xem trang 94, cuốn 1, phần 1.

              Vị Bồ tát cống hiến tất cả những thành quả của sự bố thí kể trên cho lợi ích và hạnh phúc của chúng sanh trong khắp thế gian cho đến khi họ chứng đắc Niết bàn. Ngài làm như vậy để tạo ra những pháp cần thiết cho sự chứng đắc pháp giác ngộ tối thượng, cho ý chí không thối chuyển (chanda), sự tinh tấn (vīriya), định (samādhi), tuệ (pañña) và giải thoát (vimutti) của Ngài qua A-la-hán quả.
              Trong việc thực hành Bố thí Ba-la-mật, Bồ tát tu tập tưởng vô thường liên quan đến mạng sống của Ngài và liên quan đến những vật sở hữu của Ngài. Ngài xem những vật sở hữu này thuộc về người khác. Ngài luôn phát triển tâm đại bi đến chúng sanh. Trong việc tăng trưởng tâm đại bi như vậy, Bồ tát tích lũy công đức được rút ra từ tài sản giá trị của Ngài. Như một người có căn nhà đang cháy bèn tự thoát thân và mang theo tất cả những của cải có giá trị nhất đến chỗ an toàn. Bồ tát tự cứu mình và đem những tài sản có giá trị của mình ra khỏi ngôi nhà lớn của ba cõi (dục giới, sắc giới và vô sắc giới), ngôi nhà đang bị đốt cháy bởi 11 loại lửa (lửa tham, lửa sân, lửa si, lửa già, lửa chết, lửa sầu, lửa bi, lửa đau đớn, lửa ưu và lửa tuyệt vọng, v.v…) bằng cách cho đi tất cả tài sản ấy không giữ lại dù một chút. Ngài bố thí mà không quan tâm, không phân biệt cái nào đem cho và cái nào để dùng.

              1. Giới Ba-la-mật được thực hành viên mãn như thế nào?

                Muốn giúp đỡ kẻ khác bằng tài sản vật chất, trước hết người ta phải cố gắng tích lũy của cải. Cũng vậy, muốn tô điểm lên người của chúng sanh bằng những vật trang sức của giới, vị Bồ tát phải bắt đầu làm trong sạch giới của chính mình.
                Ở đây, giới được làm trong sạch theo 4 cách:

                • Ajjhāsaya-visuddhi – bằng thiên hướng thanh tịnh

                • Samādāna – bằng sự thọ trì giới

                • Avītikkamana – bằng sự không vi phạm

                • Paṭipakatika-karana – bằng sự sám hối sau khi đã phạm giới

                1. Ajjhāsaya-visuddhi – Một người qua thiên hướng thanh tịnh của chính mình, tự nhiên ghê tởm điều ác. Người ấy có thể có giới rất thanh tịnh, trong anh ta khởi dậy cảm giác hỗ thẹn tội lỗi (hiri).
                2. Samādāna – Người đã thọ giới từ bậc trì giới suy xét rằng: “Ta đang thọ trì giới từ vị thầy như vậy.” Và nhờ có sự kính trọng những kẻ khác, người ta có thể được thanh tịnh về giới nhờ khởi dậy cảm giác ghê sợ tội lỗi (ottappa).
                3. Avītikkamana – Khi đã có tàm và quí rồi thì không thể có sự vi phạm giới. Nhờ không vi phạm giới, người ta được thanh tịnh.

                4. Paṭipakatika-karana – Do thiếu cẩn trọng, đôi khi người ta cũng phạm một hoặc hai giới. Sau đó do cảm hỗ thẹn và ghê sợ tội lỗi, người ta nhanh chóng làm trong sạch chúng bằng sự sám hối.

                Vāritta sīla (Chỉ trì giới) & Cāritta sīla (Tác trì giới)

                Giới được thanh tịnh theo bốn cách kể trên gồm có hai loại, đó là

                Vāritta sīla (Chỉ trì giới) và Cāritta sīla (Tác trì giới):

                1. Vāritta sīla: Không làm điều gì do Đức Phật đã cấm qua lời dạy: “Điều này là sai. Điều này không nên làm. Nên kiên tránh việc làm như vậy.” Như vậy tránh xa mười ác nghiệp như sát sanh, v.v… được gọi là Vāritta sīla – Chỉ trì giới.

                2. Cāritta sīla: Tôn kính những bậc đáng kính như các vị thầy của mình, cha mẹ hoặc những bạn tốt và thực hành những phục vụ hữu ích và không thể chê trách đối với những bậc đáng kính ấy thì được gọi là Cāritta sīla – Tác trì giới.

                Vị Bồ tát thọ trì Vāritta sīla – Chỉ trì giới như thế nào?

                1. Vị Bồ tát có tâm từ bi rất lớn đối với tất cả chúng sanh nên Ngài không có lòng oán hận đối với bất cứ ai ngay cả trong giấc ngủ. Ngài cũng kiên tránh sự sát sanh.
                2. Vì Ngài luôn luôn tận tâm giúp đỡ kẻ khác nên thà Ngài cầm lấy con rắn độc hơn là lấy cắp tài sản của kẻ khác.
                3. Trong những kiếp mà Bồ tát làm tỳ khưu hoặc đạo sĩ, Ngài luôn luôn tránh xa việc tà hạnh. Ngoài ra, Ngài còn tránh xa bảy pháp liên quan đến dục lạc (trong Aṅguttara Nikāya) đó là:

                  1. Thích được người nữ mát-xa, xoa bóp.
                  2. Thích đùa giỡn với người nữ;
                  3. Thích liếc nhìn người nữ;
                  4. Thích nghe người nữ nói, cười, hát từ bên kia vách tường;
                  5. Thích tưởng lại những hành động tình dục mà mình đã trải
                    qua.
                  6. Thích nhìn kẻ khác thọ hưởng dục lạc và mong muốn những
                    khoái lạc như vậy; và
                  7. Sống cuộc đời phạm hạnh với mong ước được tái sanh về cõi chư thiên để hưởng dục.

                Ngay cả bảy pháp liên quan đến dục lạc cũng tránh xa, nên sự phạm giới tà hạnh không thể xảy ra đối với vị Bồ tát.
                Trong những kiếp sanh làm gia chủ, Bồ tát không hề có ý nghĩ về tà
                hạnh đối với vợ của người.
                (d,e,f,g) Khi nói, Ngài tránh không phạm vào 4 loại ác ngữ và chỉ nói lời chân thật, nói những lời đem lại sự hòa hợp giữa hai bên, nói lời thân ái và có dịp Ngài chỉ nói pháp một cách vừa phải.
                (h,i,j) Tâm của Ngài luôn luôn vắng mặt tham ác và sân độc, Ngài hằng có trí biết rằng mỗi người là chủ nhân các nghiệp của chính mình (kammassakata ñāṇa). Ngài luôn có niềm tin và thiện ý đối với bậc Sa-môn đang thực hành chánh hạnh.
                Ngài xa lìa bất thiện nghiệp dẫn đến 4 khổ cảnh, và Ngài an trú trong thiện nghiệp dẫn đến cõi chư thiên và Niết bàn. Do sự thanh tịnh trong các thiên hướng của Ngài, và do sự thanh tịnh của thân nghiệp và khẩu nghiệp của Ngài, tất cả ước muốn của vị Bồ tát mong ước lợi ích và hạnh phúc cho chúng sanh đều được thành tựu nhanh chóng. Ngài đạt được thành tựu viên mãn các pháp Ba-la-mật.

                Những lợi ích của việc kiên tránh các ác nghiệp

                Bằng cách kiên tránh sự sát sanh (pānātipāta), vị Bồ tát bố thí sự vô hại đến tất cả chúng sanh. Ngài thành tựu trong việc phát triển tâm bác ái một cách dễ dàng và hưởng được 11 lợi ích từ sự tu tập pháp Bác ái. Cùng với những lợi ích khác như sức khỏe, trường thọ và sự an vui to lớn, Ngài có được các hảo tướng của bậc Đại nhân như ngón tay và ngón chân thon và dài. Ngài có thể đoạn trừ khuynh hướng tự nhiên về sân (dosa-vāsana).
                Do sự tránh xa trộm cắp (adinnadāna), vị Bồ tát có được tài sản và của cải vững bền, không bị tàn hại bởi năm loại kẻ thù. Mọi người đều tin tưởng Ngài. Ngài hiền hòa, thân mến và đáng tin cậy. Với khuynh hướng xả ly, Ngài có thể đoạn diệt các khuynh hướng tự nhiên về tham (lobha-vāsana).
                Nhờ tránh xa lối sống phi phạm hạnh (abrahmacariya), vị Bồ tát giữ tâm thanh tịnh và thân hành đứng đắn, thân ái, hài hòa với tất cả chúng sanh; Ngài nhận được tiếng tốt. Ngài không tham luyến với nữ giới. Nhờ khuynh hướng xả ly, Ngài có thể đoạn diệt các khuynh hướng về tham (lobha-vāsana).
                Do tránh xa nói dối (musa-vada), vị Bồ tát rất được kính trọng, được chúng sanh tin cậy. Lời nói của Ngài được chấp nhận ngay và có ảnh hưởng lớn đến mọi người, Ngài được chư thiên yêu mến. Miệng của Ngài luôn luôn tỏa ra hương thơm. Lời nói và hành vi của Ngài được hộ phòng nghiêm ngặt. Ngài có những hảo tướng đặc biệt của bậc Đại nhân như mỗi lỗ chân lông trên thân chỉ có một sợi lông, v.v… Ngài có thể đoạn trừ các khuynh hướng tự nhiên về các phiền não (kilesa- vāsana).
                Nhờ tránh xa lời nói ly gián (pisuna-vācā), vị Bồ tát có thân không thể bị hại và tùy tùng không bị chia rẻ bởi thủ đoạn của kẻ khác. Ngài có niềm tin vững chắc trong chánh pháp. Ngài là người bạn rất chung thủy, thân ái với tất cả chúng sanh, hưởng được các lợi ích là ít phiền não (kilesa).
                Nhờ tránh xa lời nói thô ác (pharusa-vācā), nên vị Bồ tát thân ái với chúng sanh. Nhờ tánh vui vẻ, ôn hòa, giọng nói ngọt ngào, Ngài được chúng sanh kính trọng hết mức, Ngài có được tám đặc tánh của giọng nói(1).
                image

                (1) Tám đặc tánh của giọng nói: Theo bài kinh Mahāgovinda sutta của Đại Phẩm, Trường bộ kinh, tám đặc tánh của giọng nói mà Phạm thiên Sanankumāra có được là: (1) giọng nói thanh tịnh, (2) rõ ràng, dễ hiểu; (3) êm tai, (4) dịu dàng,

      5. tròn đầy, (6) không bị phân tán, lộn xộn, (7) vang dội, sâu lắng, và (8) vừa đủ nghe; giống như vị Phạm thiên, chư vị Bồ tát cũng có giọng nói mang tám đặc tánh này.

Do kiên tránh lời nói phù phiếm, vô ích (samphappalāpa-vāca), vị Bồ tát thân ái và gần gũi với tất cả chúng sanh, được chúng sanh tôn kính, trọng vọng. Thận trọng trước khi nói nên lời nói của Ngài được hoan hỷ chấp nhận và có ảnh hưởng lớn đến mọi người. Ngài vận dụng ảnh hưởng và có khả năng trả lời ngay những câu hỏi của kẻ khác. Khi thành Phật, Ngài có khả năng trả lời tất cả những câu hỏi của chúng sanh bằng nhiều loại ngôn ngữ. Ngài trả lời bằng tiếng Magadhi, ngôn ngữ của các bậc Thánh (ariyavācā). (Câu trả lời bằng tiếng Magadhi khiến cho thính chúng với một trăm lẻ một ngôn ngữ khác nhau, đều hiểu được như đang nghe ngôn ngữ của chính mình).

Do kiên tránh tham dục (abhijjhā), vị Bồ tát có được bất cứ cái gì Ngài mong ước không chút khó khăn, Ngài có được những của báu thù thắng, khả ái, Ngài được các tầng lớp vua chúa, Bà-la-môn, và các gia chủ tôn trọng cùng kính nể. Ngài không bao giờ bị kẻ thù đánh bại; Ngài không bị khuyết tật về các căn như mắt, tai, mũi, v.v… và trở thành người không ai có thể sánh bằng.

Do kiên tránh sân độc (vyāpāda), vị Bồ tát trở thành người dịu dàng, dễ mến và được mọi người yêu quý nên họ tin tưởng Ngài một cách dễ dàng. Ngài không xúc phạm kẻ khác, chỉ trú trong pháp bác ái và có oai lực lớn.

Nhờ phủ nhận tà kiến và chỉ tu tập chánh kiến, vị Bồ tát có được những người bạn tốt. Ngài không phạm vào điều ác dù bị đe dọa đến tánh mạng. Với tri kiến vững chắc rằng là chủ nhân của các nghiệp của chính mình, Ngài không tin vào các điềm tướng có tính chất mê tín (diṭṭha suta mutamaṅgala: niềm tin của những kẻ thiếu học, tin vào sự may mắn hoặc rủi ro của năm cảnh khi họ thấy, nghe hoặc va chạm trong điều kiện và hoàn cảnh nào đó). Ngài có niềm tin vững chắc trong Chánh pháp và Nhất thiết trí của chư Phật (cũng như con thiên nga chúa không ưa thích phân bò). Ngài cũng không ưa thích các loại tín ngưỡng nào khác ngoài Chánh kiến (sammā-diṭṭhi). Ngài hiểu rõ

ba đặc tánh vô thường, khổ và vô ngã. Trong kiếp cuối cùng khi Ngài thành Phật, Ngài đạt được Vô chướng trí (Anāvarana-ñāṇa), (biết mọi thứ mà không gặp bất cứ chướng ngại nào). Trước khi thành Phật, Ngài cũng là người đứng đầu chúng sanh trong bất cứ kiếp nào mà Ngài sanh ra và Ngài đạt được những điều may mắn cao nhất.

“Giới là nền tảng của tất cả mọi thành quả. Giới là nguồn gốc của tất cả mọi đức tánh của vị Phật, là pháp khởi đầu của tất cả các pháp Ba-la-mật.” Suy xét như vậy và rất quý trọng giới, vị Bồ tát phát triển chánh niệm và giác tỉnh trong bốn lãnh vực – kiểm soát thân nghiệp và khẩu nghiệp, thu thúc lục căn, nuôi mạng thanh tịnh, và việc sử dụng bốn món vật dụng. Ngài thực hành viên mãn sự thọ trì giới bằng sự cẩn trọng đúng mức, xem lợi lộc và danh tiếng là kẻ thù đội trong lốt của người bạn.

(Đây là cách thọ trì Chỉ trì giới – Varitta Sīla)

Cāritta Sīla – Tác trì giới của vị Bồ tát

Vị Bồ tát luôn niềm nở với những người bạn thiện lành, chắp tay tôn kính đón chào và tiếp đãi họ lịch sự. Ngài đích thân chăm sóc người bịnh và cung cấp cho họ những nhu cầu cần thiết. Sau khi nghe Pháp, Ngài bày tỏ sự hoan hỷ tán thán. Ngài nói lời tán dương các phẩm hạnh của những bậc giới đức. Ngài nhẫn nại chịu đựng những điều sai trái do kẻ khác đem đến và thường xuyên ghi nhớ những điều tốt mà họ đã làm cho Ngài. Ngài hoan hỷ trong những việc phước của người khác và cống hiến những việc phước của mình cho sự Giác ngộ tối thượng. Ngài hằng trú trong thiện pháp không một chút dễ duôi. Nếu bất cẩn phạm phải điều ác nào, Ngài thành thật nhận lỗi và sám hối với các pháp lữ. Ngài tu tập thiện pháp ngày một sâu rộng hơn và thành đạt được các pháp chứng cao hơn.

Cũng vậy, Ngài có sự thiện xảo và sốt sắng trong việc phục vụ chúng sanh về các vấn đề có lợi cho họ và đem lại sự hoan hỷ cho

Ngài. Khi chúng sanh gặp khó khăn như bịnh tật, v.v… Ngài cố gắng xoa dịu họ bằng hết khả năng của Ngài. Khi có chuyện không may (vyasana) xảy đến với họ, liên quan đến quyến thuộc, tài sản, sức khỏe, giới hạnh và niềm tin, Ngài đoạn trừ sầu khổ cho họ bằng sự xoa dịu. Ngài khiển trách đúng pháp những người đáng bị khiển trách chỉ để giúp họ tránh khỏi điều ác và an trú họ trong thiện pháp. Đối với những người xứng đáng được nâng đỡ, Ngài cho họ sự giúp đỡ đúng pháp.

Khi nghe những pháp hành tối thượng của chư vị Bồ tát trong quá khứ, mà nhờ những pháp hành này làm cho các Ngài hoàn thiện các pháp Ba-la-mật, sự xả ly, các hạnh và những pháp hành khó thực hiện, có năng lực bất khả tư nghì, đem lại lợi ích và hạnh phúc cho chúng sanh, Bồ tát không chút sợ hãi hoặc nản lòng..

Ngài suy xét: “Tất cả các vị Bồ tát trong quá khứ giống như ta, tất cả chỉ là con người, thế mà nhờ thường xuyên tu tập về giới, định và tuệ, các vị đã chứng đạt sự Giác ngộ tối thượng. Cũng như các vị đại Bồ tát thuở xưa, ta cũng sẽ trải qua sự tu tập đầy đủ về giới, định và tuệ. Bằng cách này, sau khi thành tựu viên mãn ba pháp tu tập, cuối cùng ta cũng sẽ chứng đạt mục tiêu là Nhất thiết trí. Như vậy, với sự siêng năng không suy giảm, Ngài thực hành viên mãn các pháp tu tập về giới, v.v….

Tương tự, vị Bồ tát không khoe khoang những việc thiện của mình, thay vào đó Ngài thú nhận những lỗi lầm của Ngài không hề che giấu. Ngài có sự thiểu dục, dễ thỏa mãn, thích nơi vắng vẻ. Ngài chịu đựng mọi khó khăn vất vả, không tham muốn vật này hay vật nọ, không dao động. Ngài không tự cao, không ngã mạn, không tự phụ, không lăng mạ và không nói quá lời. Ngài sống vắng lặng, không hành động lừa đảo, gian dối để kiếm sống.

Ngài có thân hạnh và khẩu hạnh chân chánh và có những đề mục thiền quán. Ngài thấy nguy hiểm ngay cả trong lỗi lầm nhỏ nhất và thọ trì giới luật một cách cẩn trọng. Không luyến ái với tấm thân hoặc sanh mạng, Ngài chỉ hướng tâm đến sự chứng đạt Nhất thiết trí và Niết bàn, không ngừng chuyên tâm vào sự thực hành các thiện pháp. Ngài không chút luyến ái với tấm thân hay sanh mạng, thay vào đó Ngài xả bỏ chúng. Ngài cũng loại trừ các pháp làm ô nhiễm giới như sân hận, v.v…

Ngài không tự mãn với những thành quả bậc thấp, mà cố gắng đạt được những pháp chứng cao hơn. Do những nỗ lực, cố gắng như vậy, thành quả của Ngài về thiền, v.v… không bị suy giảm hoặc trì trệ, mà dần dần tăng trưởng lên những tầng bậc cao hơn,

Cũng vậy, Bồ tát giúp người mù đi đến chỗ họ muốn đến hoặc dẫn họ đi đúng đường; Ngài trao đổi, chuyện trò với người câm và người điếc bằng những cử chỉ, điệu bộ. Ngài cung cấp phương tiện đi lại đến những người què, hoặc tự Ngài cõng họ trên lưng đến bất cứ nơi nào họ muốn.

Ngài làm việc thiện rất chăm chỉ khiến những người kém đức tin, có thể phát triển đức tin, những kẻ lười biếng trở nên tinh tấn, những kẻ bất cẩn, thiếu chánh niệm có thể phát triển chánh niệm, những kẻ phóng dật, hay lo lắng có thể phát triển sự định tâm, và những kẻ ngu si, thiếu học có thể tu tập về trí tuệ. Ngài cố gắng làm cho người gặp khó khăn với những chướng ngại có thể đoạn trừ những chướng ngại ấy và những người hay khởi lên các tà tư duy về dục, sân và hại có thể đoạn trừ những tà tư duy ấy.

Đối với những người đã từng giúp đỡ Ngài, Ngài tỏ thái độ biết ơn, đón chào họ bằng những lời thân thiện, đền đáp họ bằng những lợi ích tương tự hoặc nhiều hơn những lợi ích mà họ đã cho Ngài. Trong lúc họ gặp rủi ro, Ngài giúp đỡ họ như một người bạn thân thiết.

Nhờ biết được thiên hướng tánh khí tự nhiên của chúng sanh, Ngài giúp họ thoát khỏi điều bất thiện và an trú họ trong thiện pháp. Ngài giúp đỡ họ bằng cách đáp ứng những nhu cầu và mong ước của họ. (Điều muốn nói ở đây là Ngài tìm cách kết bạn với họ để giúp họ thoát khỏi ác pháp và giúp họ an trú trong các thiện pháp bằng cách bố thí đến những người thích vật thí, nói lời từ ái với những người thích nhỏ nhẹ, chỉ ra lối sống hữu ích (atthacariyā) đến những người thích sống như vậy, đối xử công bằng (sāmanattatā) đối với những người muốn được đối xử như vậy).

Cũng vậy, với ý muốn đem lại lợi ích cho chúng sanh, Ngài không làm tổn thương hay tranh cãi với họ, không làm họ bẽ mặt, hoặc khiến họ phải ân hận. Ngài không tìm lỗi lầm của kẻ khác hay xem thường họ. Ngài khiêm cung khi tiếp xúc với những người khiêm hạ.

Ngài không hoàn toàn tách biệt với mọi người, cũng không thân thiện quá mức hoặc giao du với họ lúc phi thời. Ngài chỉ đến với những người đáng thân cận đúng lúc và đúng nơi. Ngài không nói xấu kẻ khác trước mặt bạn bè của họ, hoặc khen ngợi những người mà không có quan hệ tốt với họ. Ngài không kết thân với những bạn xấu.

Ngài không từ chối lời mời chính đáng cũng không đưa ra những yêu cầu thái quá, cũng không nhận nhiều hơn những gì Ngài cần đến. Ngài bày tỏ sự hoan hỷ và khích lệ đến những người có tín tâm bằng cách thuyết pháp đến họ về những lợi ích của đức tin. Cũng vậy, Ngài bày tỏ sự hoan hỷ, khích lệ những người có giới, bố thí, nghe nhiều học rộng và trí tuệ bằng cách thuyết giảng về những quả phước của những đức tánh này.

Ở vào kiếp mà Bồ tát xuất gia, chứng thiền và các pháp thần thông, Ngài thị hiện những pháp thần thông này làm khởi dậy sự kinh cảm trong những người cố chấp không chịu làm các việc thiện, bằng cách cho thấy những sự đau đớn kinh khủng trong các khổ cảnh. Ngài

khiến những người không có đức tin và các thiện tánh khác an trú trong đức tin, v.v… và mở ra cho họ con đường tiếp cận giáo pháp của Đức Phật. Đối với những người đã có đức tin, v.v… Ngài giúp họ đạt được sự tiến bộ trong những thiện pháp ấy.

Bằng cách này, Tác trì giới của vị Bồ tát trải qua nhiều kiếp giống như “cơn lũ” càng lúc càng lớn mạnh hơn.

(Đây là phương pháp thực hành Giới ba-la-mật).

        1. Xuất gia Ba-la-mật được thực hành viên mãn như thế nào?

          Như đã giải thích ở trên, Xuất gia Ba-la-mật là nhóm tâm và sở hữu tâm muốn thoát khỏi các dục lạc và các kiếp sống, sự xuất gia ấy được thành lập dựa trên tâm Đại bi (Mahā-karunā) và phương tiện thiện xảo trí (Upāya-kosalla-ñāṇa), trước nó là trí nhờm gớm và ghê sợ các tội trong chúng. Do đó, vị Bồ tát trước hết phải thấy rõ các tội trong các dục lạc và các kiếp sống bằng trí nhờm gớm và ghê sợ (Quá hoạn trí – adīnava-ñāṇa)
          Ngài suy xét về các tội ấy như vầy: “Vì đời sống gia đình là chỗ trú ngụ của tất cả các loại phiền não do những chướng ngại như vợ con, v.v… hạn chế sự thực hiện các việc phước vì người ta bận rộn với nhiều công việc như buôn bán, cấy cày, v.v… nên đó không phải là chỗ thích hợp mà sự hạnh phúc của việc xuất gia đạt được.”
          Các dục lạc của loài người giống như giọt mật trên đầu lưỡi kiếm, nhiều tai họa hơn vui sướng. Sự thọ hưởng dục lạc ngắn ngủi như tia chớp chợt lóe chợt tắt. Chúng giả tạm như vật ngụy trang che giấu đống phân, như đứa bé mút hoài ngón tay mà không thỏa mãn, tai hại như người ăn nhiều vật thực gây ra rủi ro bất hạnh, như miếng mồi trên cái móc câu, gây đau khổ trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai, như sức nóng của ngọn lửa đang thiêu đốt. Chúng có tánh chất hút dính như mủ mít, là phương tiện để che dấu những vật hủy hoại như
          áo khoác của kẻ sát nhân. Như vậy, trước hết hãy suy xét những điều bất lợi trong các dục lạc và các kiếp sống, rồi suy xét tiếp về những lợi ích của sự thoát ly, tức là sự xuất gia, vị Bồ tát thực hành viên mãn Xuất gia Ba-la-mật.
          Vì từ bỏ đời sống gia đình là nền tảng của Xuất gia Ba-la-mật vào thời kỳ không có giáo pháp của Đức Phật, và để thực hành viên mãn Ba-la-mật này, vị Bồ tát sống cuộc đời đạo sĩ, duy trì chủ thuyết về nghiệp (kamma-vādī) và quả nghiệp (kiriya-vādī). Tuy nhiên, khi Đức Phật xuất hiện trong thế gian, vị Bồ tát gia nhập vào Tăng đoàn trong giáo pháp của Đức Phật.
          Sau khi đã xuất gia, Ngài thọ trì Chỉ trì giới (Vāritta sīla) và Tác trì giới (Cāritta sīla) , và để làm thanh tịnh hai loại giới này Ngài thực hành các pháp đầu đà (dhutaṅga)
          Vị Bồ tát sau khi đã tẩy sạch các pháp ô nhiễm bằng nước sạch của giới, củng cố bằng các pháp đầu đà, Ngài sẽ có được thân hạnh và khẩu hạnh thanh tịnh. Ngài hài lòng với bất cứ loại y phục, vật thực và chỗ ngụ nào có được. Sau khi đã thực hành theo ba pháp đầu tiên trong bốn pháp truyền thống của bậc Thánh (ariya-vaṃsattaya), Ngài phấn đấu để đạt được pháp thứ tư, là sự vui thích trong thiền định (bhāvanārāma) bằng cách thực hành một đề mục thích hợp từ bốn mươi đề mục của thiền định, cho đến khi Ngài chứng được Cận định (Upacāra) và Nhập định (Appanā). Sự chứng đắc các tầng thiền chính là sự thực hành viên mãn Xuất gia Ba-la-mật của vị Bồ tát.
          (Đây là phương pháp thực hành Xuất gia Ba-la-mật.)

        2. Trí tuệ Ba-la-mật được thực hành như thế nào?

          Vì ánh sáng của trí tuệ không thể ở chung với bóng tối của vô minh (moha) nên vị Bồ tát thực hành Trí tuệ Ba-la-mật tránh các nguyên nhân của si mê như ghét điều thiện (arati), lười biếng, ham ngủ, v.v…
          và chuyên tâm thực hành các pháp đem lại trí tuệ sâu rộng, chứng đắc các tầng thiền, v.v….
          Trí tuệ có 3 loại: Văn sở thành tuệ (Sutamaya Paññā), Tư sở thành
          tuệ (Cintāmaya Paññā) và Tu sở thành tuệ (Bhavanāmaya Paññā).

          1. Sutamayā Paññā – Văn sở thành tuệ

            Để làm cho Văn sở thành tuệ / Văn tuệ (Sutamayā paññā) hay Đa trí (bāhusacca) được lớn mạnh, trưởng thành, Bồ tát tu tập nó bằng sự nghiên cứu cẩn thận, nghe nhiều, tìm tòi học hỏi, ghi nhớ, tra hỏi bằng chánh niệm, tinh tấn và trí tuệ, đi trước là Phương tiện thiện xảo trí (Upāya-kosalla-ñāṇa). Phạm vi của Văn tuệ biết được là: (i) Ngũ uẩn, Thập nhị xứ, Thập bát giới, Tứ diệu đế, Hai mươi hai quyền, Luật duyên khởi, các phương pháp Niệm, v.v… những pháp này tạo thành các yếu tố giác ngộ, cũng như nhiều loại Pháp như thiện, bất thiện, v.v…. Và (ii) những hình thức của trí tuệ hợp thế, trong sạch làm gia tăng lợi ích và hạnh phúc của chúng sanh. Bằng cách này, vị Bồ tát tu tập Văn sở thành tuệ (Sutamayā paññā) và trở thành người có trí tuệ, tự mình tìm tòi học hỏi toàn bộ lãnh vực của nó và cũng giúp kẻ khác có được nó.
            Cũng vậy, để phục vụ lợi ích của chúng sanh, vị Bồ tát tu tập trí tuệ khởi sanh ngay tại chỗ để tìm kiếm Phương tiện thích hợp (Thānuppaṭṭika paṭibhāna ñāṇa), còn được gọi là Phương tiện thiện xảo trí (Upāya-kosalla ñāṇa). Do trí này mà vị Bồ tát có thể phân biệt các yếu tố đẩy mạnh sự tăng trưởng và hưng thịnh với các yếu tố gây ra sự tiêu diệt và tàn rụi trong nhiều loại công việc của chúng sanh.

          2. Cintāmaya Paññā – Tư sở thành tuệ

            Tương tự, vị Bồ tát tu tập Tư sở thành tuệ/ Tư tuệ (Cintāmaya Paññā) bằng cách quán sâu vào các pháp tự nhiên, các thực tại cùng tột như các uẩn, v.v….
            (Nghiên cứu cẩn thận, lắng nghe, học hỏi, ghi nhớ các pháp tự nhiên như các uẩn, v.v… là Văn sở thành tuệ – Sutamayā paññā. Trước tiên suy nghĩ rồi quán xét các pháp tự nhiên mà người ta đã nghiên cứu, học hỏi và ghi nhớ, là Tư sở thành tuệ – Cintāmaya paññā).

          3. Bhāvanāmaya paññā – Tu sở thành tuệ

            Tương tự, vị Bồ tát, người đã tu tập các loại trí thuộc thế tục về các pháp tự nhiên như các uẩn, v.v… qua việc phân biệt các tướng riêng cũng như tướng chung, và thực hành viên mãn phần đầu tiên của trí tuệ qua pháp thiền quán (Bhāvanāmaya paññā), đó là chín loại Tuệ quán (vipassanā-ñāṇa) như trí thấy rõ các pháp hữu vi (sammasana- ñāṇa), tánh vô thường, khổ và vô ngã của chúng, v.v…
            Nhờ thành tựu viên mãn Tuệ quán như vậy, vị Bồ tát thông hiểu đầy đủ về các đối tượng trong thân và ngoài thân chỉ là hiện tượng danh và sắc: “ Nhóm của hiện tượng chỉ là danh sắc, sanh khởi và hoại diệt tùy thuộc vào các duyên. Thực tế không có ai tạo ra chúng. Danh sắc là thực tại, sanh khởi chỉ để hoại diệt. Vì vậy nó có tánh vô thường; có tánh bất toại nguyện vì sự sanh diệt liên tục của nó; không thể kiểm soát và điều khiển nó thế nên nó vô ngã.” Nhờ thông hiểu bản chất thật của các pháp trong thân và ngoài thân không có sự khác biệt, Ngài từ bỏ luyến ái đối với chúng và giúp chúng sanh cũng được như vậy.
            Suốt thời gian này trước khi chứng Phật quả, vị Bồ tát, với tâm đại bi, giúp chúng sanh bước vào ba cỗ xe đạo hành (paṭipatti) (nhờ đó mà chúng sanh có thể đạt được sự trưởng thành trong ba loại Giác ngộ) hoặc đạt đến sự trưởng thành trong pháp hành của họ nếu họ đã bước vào ba cỗ xe ấy.
            Riêng về vị Bồ tát, Ngài cố gắng thành đạt năm pháp thuần thục trong thiền hợp thế và các loại thần thông, với sự hỗ trợ to lớn của
            Định kết hợp với các tầng thiền và thần thông, Ngài đạt đến đỉnh cao của Trí tuệ.
            (Về phương pháp tu tập các tầng thiền Hợp thế, các loại thần thông và mười loại Tuệ quán, bộ Thanh tịnh đạo (Vishuddhi-magga) sẽ giải thích rõ. Điều đặc biệt nên chú ý là trong sự tu tập trí tuệ của vị Thinh văn tương lai được giải thích là lên đến giai đoạn đắc đạo. Tuy nhiên trong bộ sách Thanh tịnh đạo, tất cả những cố gắng của vị Bồ tát trong việc tu tập thiền quán, có nền tảng là tâm Đại bi (Mahākarunā) và Phương tiện thiện xảo trí (Upāya-kosalla ñāṇa), chỉ đạt đến pháp Thanh tịnh thứ sáu (Patipadāñānadassana-visudhi) thì dừng lại, không tiến sâu vào Đạo Quả (Ñānadassana-visudhi). Về mười giai đoạn của Tuệ quán, sự tu tập trí tuệ chỉ được thực hiện đến phần đầu của Hành xả trí (Saṅkhārupekkhā ñāṇa) mà thôi, chỉ chú ý đến chín giai đoạn thấp hơn của Tuệ quán).
            (Đây là phương pháp thực hành Trí tuệ Ba-la-mật)

        3. Phương pháp tu tập viên mãn Tinh tấn Ba-la-mật

Như vị tướng soái, nhằm mục đích chiến thắng kẻ thù đã cố gắng không ngừng. Cũng vậy, vị Bồ tát tự mình tìm cách chinh phục kẻ thù phiền não và muốn những kẻ khác cũng làm những cuộc chinh phục tương tự với sự tinh tấn để thành tựu viên mãn các Pháp Ba-la-mật.

Do đó, vị Bồ tát thường xuyên chánh niệm suy xét như vầy: “Ngày hôm nay ta đã tích lũy trí tuệ nào và các việc phước nào? Ngày hôm nay ta đã làm được việc gì để đem lại phúc lợi cho mọi người.” Quán xét như vậy mỗi ngày, vị ấy tinh tấn làm việc để phục vụ chúng sanh.

Để phục vụ chúng sanh, Ngài bố thí rộng rãi tất cả những vật sở hữu của mình, kể cả tứ chi và mạng sống. Tất cả mọi hành động về thân và khẩu của Ngài đều không ngoài mục đích là chứng đạt Nhất

thiết trí. Tất cả những việc phước phát sanh từ những hành động như vậy đều được Ngài cống hiến cho sự chứng đạt Giác ngộ tối thượng.

Ngài quay lưng với dục lạc bằng tâm thoát ly chúng dù chúng tốt đẹp và đáng quí đến đâu chăng nữa.

Trong mọi công việc, Ngài phát triển và ứng dụng Phương tiện thiện xảo trí (Upāya-kosalla ñāṇa)

Ngài luôn siêng năng phục vụ lợi ích cho chúng sanh.

Ngài nhẫn nại với tất cả mọi cảnh dù khả ái hay trái ý nghịch lòng.

Ngài vững vàng trong pháp chân thật, không rời khỏi nó dù phải hy sinh cả tánh mạng.

Ngài rải tâm từ đến tất cả chúng sanh không có sự phân biệt thân, thù hoặc không thân không thù. Cũng như người cha muốn lãnh lấy mọi phiền khổ của đứa con, Ngài muốn lãnh lấy tất cả mọi phiền khổ của chúng sanh.

Ngài hoan hỷ với những việc phước của tất cả chúng sanh. Ngài luôn luôn quán niệm về tánh chất vĩ đại của chư Phật và oai lực vĩ đại của các Ngài. Bất cứ hành động nào về thân hay khẩu, tâm của Ngài chỉ hướng về Giác ngộ Ba la mật.

Bằng cách này, vị Bồ tát do thường xuyên chuyên tâm vào các việc phước như bố thí, v.v… Ngày qua ngày Ngài tích lũy phước báu và trí tuệ không ngừng.

Hơn nữa, sau khi từ bỏ tứ chi và mạng sống để bảo vệ chúng sanh và cho họ tùy ý sử dụng chúng, Ngài tìm mọi phương sách để xoa dịu đau khổ của chúng sanh như đói, khát, lạnh, nóng, gió, nắng, v.v….

Bất cứ hạnh phúc nào mà Ngài có được do đoạn trừ những nỗi khổ của chúng sanh, sự an lạc của thân và tâm do kết quả của sự trú ngụ ở những khu vườn khả ái, những hồ nước trong, những chỗ ngụ trong rừng, sự an lạc trong thiền định của chư Phật, chư Phật Độc giác, chư Thinh văn đệ tử và chư vị Bồ tát sau khi xuất gia, mà Ngài đã nghe người khác nói, Ngài muốn đem tất cả hạnh phúc này đến tất cả chúng sanh không phân biệt.

Khi Ngài đã chứng đắc các tầng thiền, Ngài tinh tấn ban phát hạnh phúc của chúng như hỉ, lạc, tịnh, định, trí thông hiểu các pháp như thật cho chúng sanh để họ cũng được thọ hưởng giống như Ngài.

Hơn nữa, Ngài thấy chúng sanh bị dập vùi trong cái khổ lớn của luân hồi (saṃsāra vaṭṭa dukkha), trong nỗi khổ do phiền não gây ra (kilesa dukkha), và trong nỗi khổ do nghiệp hành gây ra (abhisaṅkhāra dukkha).

Đây là cách Ngài trông thấy chúng sanh bị đau khổ: Ngài thấy rõ chúng sanh tạo tội đang lãnh chịu đau đớn tàn khốc ở các khổ cảnh (niriya), bị đâm, chém, cắt xẻo, nghiền nát, bị thiêu đốt nóng cháy liên tục trong thời gian dài

Ngài trông thấy chúng sanh làm súc sanh đang trải qua nỗi khổ đau do thù địch nhau, áp bức nhau, gây ra sự thương tổn, giết hại nhau – hoặc phải làm việc vất vả để phục vụ kẻ khác.

Ngài thấy rõ chúng sanh làm ngạ quỷ bị bao phủ trong những ngọn lửa hung tàn, bị thiêu đốt và héo úa bởi sự đói khát, gió nắng, v.v… sống bằng cái gì bị nôn ra, sống bằng nước dãi, đàm, mủ v.v… đang vật vã kêu gào.

Ngài trông thấy một số chúng sanh đang tầm cầu phương tiện kiếm sống gây héo tàn thân xác, bị các loại cực hình như chặt tay, chặt chân, v.v… do những tội lỗi mà họ phạm phải; trông hung tợn, xấu xí

và khuyết tật; bị lún sâu trong vũng lầy đau khổ không khác gì nỗi khổ của những tội đồ trong địa ngục. Một số người bị hành hạ bởi sự đói và khát do thiếu vật thực, đang chịu khổ giống như loài ngạ quỷ. Một số chúng sanh đông đảo và nghèo hèn bị chèn ép bởi những người có thế lực hơn, bị ép phải phục dịch cho họ và phải lệ thuộc vào người chủ để kiếm miếng cơm manh áo. Ngài thấy nỗi khổ của họ không khác gì nỗi khổ của loài súc sanh.

Ngài trông thấy chư thiên của sáu cõi dục (là chúng sanh mà loài người xem là những kẻ hạnh phúc) đang đau khổ trong phóng dật vì họ đã nuốt ‘chất độc’ của dục lạc và đang bị đốt cháy bởi những ngọn lửa tham, sân và si, giống như một đống củi khô đang cháy lại bị những luồng gió mạnh thổi vào, không phút nào được an tịnh, luôn luôn chiến đấu trong tuyệt vọng và lệ thuộc những kẻ khác chỉ để tồn tại.

Ngài thấy các vị Phạm thiên ở các cõi hữu sắc và vô sắc – sau khi sống ở đó, trong thời gian tám mươi bốn ngàn đại kiếp (mahā-kappa), cũng phải chịu định luật tự nhiên của vô thường và cuối cùng cũng phải chìm vào trong vòng luân hồi khổ đau của sanh, già và chết giống như những con chim bị năng lực khổng lồ đẩy vào hư không hoặc những cây tên được người đàn ông khỏe mạnh bắn vào hư không.

Trông thấy sự đau khổ của họ một cách sống động như vậy, Bồ tát cảm thấy kinh cảm (saṃvega), và rải tâm từ của Ngài đến tất cả chúng sanh trong ba mươi mốt cõi.

Bồ tát liên tục tích lũy các pháp cần thiết cho sự Giác ngộ bằng các thiện nghiệp về thân, ngữ và ý, bằng sự cố gắng không ngừng để tất cả các pháp Ba-la-mật của Ngài đạt đến đỉnh cao của sự thành tựu viên mãn.

Lại nữa, pháp Tinh tấn có phận sự đưa Ngài đến Phật quả – nơi tích

tụ những ân đức thanh tịnh, hùng mạnh vô song và bất khả tư nghì.

Người bình thường chỉ nghe về sự tinh tấn này của vị Bồ tát cũng

không dám, nói chi đến việc thực hành.

Giải thích thêm:

Chỉ do năng lực của sự tinh tấn này mà Bồ tát phát triển, tích lũy và viên mãn các pháp cần thiết cho sự Giác ngộ – Ba đại nguyện về đạo quả Toàn giác Phật: Chứng đắc Phật quả (Buddho bodheyyaṃ), đạt sự giải thoát (mutto moceyyam) và vượt qua đại dương luân hồi (tiṇṇo tāreyyaṃ), bốn Phật địa, Tứ nhiếp pháp, đại bi, sự quán xét về duyên vô song đối với đạo quả Phật do sự giác ngộ các Phật tánh, không bị ô nhiễm bởi ái dục, ngã mạn và tà kiến liên quan đến tất cả các pháp; xem tất cả chúng sanh như con ruột của mình; không có sự chán nản vì cái khổ của luân hồi trong khi phấn đấu cho mục tiêu đạo quả Phật. Chuyên tâm tu tập Tăng thượng giới, Tăng thượng định và Tăng thượng tuệ, không lay chuyển trong sự thực hành ba pháp học này. Đầy hạnh phúc và hoan hỷ đối với các việc phước. Có khuynh hướng nghiêng về ba pháp viễn ly (Thân viễn ly – kāya viveka: xa lìa hội chúng, phe nhóm; Tâm viễn ly – citta viveka: xa lìa những ý nghĩ về dục lạc; Ý viễn ly – upadhi viveka: xa lìa phiền não). Chuyên tâm tu tập các tầng thiền. Không hề thỏa mãn với các pháp không thể chê trách được. Thuyết pháp đến người nghe với thiện ý. Nỗ lực cố gắng nhiều đối với các việc phước để thành tựu viên mãn các pháp Ba-la- mật. Cố gắng liên tục đầy can đảm, không buồn phiền trước những lời chỉ trích và những lỗi lầm của kẻ khác. An trú vững chắc trong pháp chân thật. Thuần thục trong các tầng thiền (jhāna). Chứng đắc các pháp thần thông (abhiññā). Thông đạt ba đặc tánh (anicca, dukkhaanatta). Tích lũy những pháp cần thiết cho sự chứng đạt bốn đạo siêu thế qua sự thực hành Tứ niệm xứ (Satipatthāna), v.v…. Thành tựu chín pháp siêu thế (bốn Đạo, bốn Quả và Niết bàn). Tất cả những cố gắng trong sự tu tập, tích lũy và thành tựu các pháp cần thiết cho sự giác ngộ chỉ có thể xảy ra do năng lực của tinh tấn. Do đó, khi chứng đắc Phật quả, Bồ tát tu tập để thành tựu pháp Tinh tấn một cách đầy

đủ, không ngừng nghỉ, đầy nhiệt tâm, nhờ đó Ngài có thể tiến bộ ngày một cao hơn trong các pháp ưu việc.

Khi pháp Tinh tấn Ba-la-mật đầy dũng cảm này đã được thành tựu viên mãn thì các pháp Ba-la-mật theo sau nó như Nhẫn nại, Chân thật, v.v… cũng như các pháp Ba-la-mật đi trước nó như Bố thí, Giới, v.v… tất cả được thành tựu viên mãn nhờ vào pháp Tinh tấn. Do đó, sự thành tựu viên mãn Nhẫn nại Ba-la-mật và những pháp Ba-la-mật khác nên được hiểu theo cách này.

Như vậy, dứt bỏ của cải để bố thí ngõ hầu đem lại lợi ích và hạnh

phúc cho kẻ khác là sự thành tựu quả Bố thí.

Không hủy hoại mà bảo vệ mạng sống tài sản và gia đình của chúng sanh, không gây ra sự bất đồng ý kiến, nói lời thân ái, có lợi ích, v.v… là sự thành tựu của Giới.

Cũng thế, làm nhiều việc lợi ích như thọ nhận bốn món vật dụng do chúng sanh dâng cúng và bố thí pháp đến họ là sự thành tựu của pháp Xuất gia. Thiện xảo trong các phương tiện làm gia tăng phúc lợi cho chúng sanh là sự thành tựu của pháp Trí tuệ. Nhiệt tâm phấn đấu, trải qua những khó khăn và không lơi là trong việc sử dụng phương tiện thiện xảo ấy là sự thành tựu của pháp Tinh tấn. Chịu đựng tất cả những điều sai trái của chúng sanh là sự thành tựu của pháp Nhẫn nại. Không dối gạt, không phá vỡ những điều đã hứa vì lợi ích của chúng sanh là sự thành tựu pháp Chân thật. Giữ tâm không bị lay chuyển dù phải chịu thiệt thòi về quyền lợi của mình, trong khi phục vụ chúng sanh là sự thành tựu pháp Chí nguyện. Thường xuyên quán niệm về lợi ích và hạnh phúc của chúng sanh là sự thành tựu pháp Bác ái; tâm bình thản, không dao động khi được giúp đỡ hoặc bị quấy rầy bởi kẻ khác là sự thành tựu về pháp Xả.

Như vậy, Bồ tát tinh tấn tu tập để tích lũy phước và trí tuệ vô song mà người bình thường không thể làm được, vì vô lượng chúng sanh và

sự thành tựu triệt để những điều kiện căn bản của các pháp Ba-la-mật như đã nêu ra ở trên – tất cả những công việc này có thể được xem là sự thực hành pháp thành tựu của các pháp Ba-la-mật.

11. Phân loại các pháp Pāramī

Đối với câu hỏi, “Có bao nhiêu pháp Ba-la-mật?” Câu trả lời tóm tắt là “Có ba mươi pháp Ba-la-mật, đó là mười Ba-la-mật bậc hạ (Pāramī), mười Ba-la-mật bậc trung (Upapāramī) và mười Ba-la-mật bậc thượng (Paramattha pāramī).

(Về Bố thí Ba la mật, có ba bậc, đó là Dāna pāramī, Dāna Upapāramī và Dāna Paramattha-pāramī. Chín Ba-la-mật còn lại cũng như thế, như vậy cả thảy là ba mươi Ba-la-mật.)

Pāramī, Upapāramī & Paramattha-pāramī

Đối với câu hỏi: “Thế nào là Pāramī, Upapāramī và Paramattha- pāramī?” Câu trả lời được tìm thấy trong Chương Tạp phẩm của Chú giải bộ Cariyā Piṭaka. Trong đó, nhà Chú giải đưa ra câu trả lời rất chi tiết, nhiều cách diễn giải, nhiều quan điểm và những bài bình luận khác nhau của các vị A-xà-lê. Nếu đưa hết chúng vào trong tác phẩm này thì chỉ làm cho người đọc thêm rối rắm. Thế nên chúng tôi chỉ nêu ra quan điểm rõ ràng nhất, được chọn lọc bởi nhà Chú giải Mahā Dhammapāla Thera.

  1. Bố thí những vật ngoài thân như tài sản, vợ và con là Dāna- pāramī. Bố thí các phần của cơ thể như tay, chân, v.v… là Dāna Upapāramī. Bố thí sanh mạng của chính mình là Dāna Paramattha-pāramī.
  2. Tương tự, thọ trì giới và không vì những vật ngoài thân như vợ, con và tài sản mà phạm giới là Sīla-pāramī. Thọ trì giới và không vì các phần của thân thể mà phạm giới là Sīla Upapāramī.
    Thọ trì giới và không vì mạng sống của chính mình mà phạm giới là Sīla Paramattha-pāramī.
  3. Cắt đứt luyến ái đối với những vật ngoài thân và ra khỏi đời sống gia đình là Nekkhamma Pāramī. Cắt đứt luyến ái đối với các phần của thân thể và ra khỏi đời sống gia đình là Nekkhamma Upapāramī. Cắt đứt luyến ái đối với sanh mạng của chính mình và ra khỏi đời sống gia đình là Nekkhamma Paramattha-pāramī.
  4. Đoạn trừ luyến ái đối với những vật ngoài thân quyết định kỹ lưỡng điều gì có lợi cho chúng sanh và điều gì không có lợi là Paññā Pāramī. Đoạn trừ luyến ái đối với các phần của cơ thể và quyết định kỹ lưỡng điều gì có lợi ích cho chúng sanh và điều gì không có lợi ích là Paññā Upapāramī. Đoạn trừ luyến ái đối với sanh mạng của chính mình và quyết định kỹ lưỡng điều gì có lợi ích cho chúng sanh và điều gì không có lợi là Paññā Paramattha-pāramī.
  5. Tinh tấn thực hành viên mãn và thành tựu các pāramī kể trên và những pāramī sẽ được nêu sau là Vīriya Pāramī. Tinh tấn thực hành viên mãn và thành tựu các Upapāramī kể trên và những upapāramī sẽ được nêu ra sau là Vīriya Upapāramī. Tinh tấn thực hành viên mãn và thành tựu các paramattha-pāramī kể trên và những paramattha-pāramī sẽ được nêu ra sau là Vīriya– Paramattha-pāramī.
  6. Nhẫn nại chịu đựng những pháp thăng trầm gây nguy hiểm cho những vật ngoài thân của mình là Khantī Pāramī. Nhẫn nại chịu đựng những pháp thăng trầm gây nguy hiểm cho các phần của thân thể là Khantī Upa-pāramī. Nhẫn nại chịu đựng những pháp thăng trầm gây nguy hiểm cho tánh mạng của chính mình là Khantī Paramattha-pāramī.
  7. Không từ bỏ pháp chân thật vì những vật ngoài thân là Sacca Pāramī. Không từ bỏ pháp chân thật vì các phần thân thể như tay, chân, v.v… là Sacca Upapāramī. Không từ bỏ pháp chân thật vì sanh mạng của chính mình là Sacca Paramattha-pāramī.
  8. Quyết định không lay chuyễn, bất chấp sự tổn thất các vật ngoài thân với niềm tin vững chắc rằng ‘các pháp ba-la-mật như bố thí, v.v…, có thể được thực hành viên mãn chỉ nhờ quyết định bất khả hoại’ là Adhiṭṭhāna Pāramī. Qưyết định không lay chuyển, bất chấp sự tổn thương các phần của cơ thể như tay, chân, v.v… là Adhiṭṭhāna Upapāramī. Quyết định không lay chuyển dầu phải mất cả mạng sống là Adhiṭṭhāna Paramattha-pāramī.
  9. Không từ bỏ pháp bác ái đối với chúng sanh (liên tục rải tâm từ đến chúng sanh) dù họ đã từng gây thiệt hại đến những vật ngoài thân của mình là Mettā Pāramī. Không từ bỏ pháp bác ái đối với chúng sanh dù họ đã từng gây tổn thương đến các phần cơ thể của mình như tay, chân, v.v… là Mettā Upapāramī. Không từ bỏ pháp bác ái đối với chúng sanh dù họ đã từng gây tai hại đến sinh mạng của chính mình là Mettā Pāramattha- pāramī.
  10. Giữ thái độ bình thản đối với những hành vi cố ý của chúng sanh dù họ đã từng giúp đỡ hoặc làm tổn hại những vật ngoài thân của mình là Upekkhā Pāramī. Giữ tâm bình thản đối với chúng sanh và những hành vi cố ý của họ dù họ đã từng giúp đỡ hoặc làm tổn thương các phần thân thể của ta như tay, chân, v.v… là Upekkhā Upapāramī. Giữ tâm bình thản đối với chúng sanh và những hành vi cố ý của họ dù họ đã từng giúp đỡ hoặc làm hại đến tính mạng của ta là Upekkhā Paramattha-pāramī.
    (Đây là cách phân loại các pháp Ba-la-mật)

    12. Các pháp Pāramī được rút gọn như thế nào?

    Đối với câu hỏi: “Các pháp pāramī được rút gọn như thế nào?, câu
    trả lời là:
    Ba mươi pháp Ba-la-mật được thâu gọn lại thành mười bằng cách gom các pháp cùng đặc tánh lại thành một nhóm (tức là gom ba loại Dāna Pāramī thành một, ba loại Sīla Pāramī thành một, v.v…). Tương
    tự, mười pháp này có thể cô đọng lại thành sáu bằng cách gom các pháp Ba-la-mật có liên quan thành một nhóm, đó là Dāna Pāramī, Sīla Pāramī, Khantī Pāramī, Vīriya Pāramī, Jhāna Pāramī và Paññā Pāramī (Bố thí, Trì giới, Nhẫn nại, Tinh tấn, Thiền định và Trí tuệ).
    Đây là cách cô đọng các pháp Ba-la-mật: Xuất gia nghĩa là sống cuộc đời Sa-môn, tu thiền định và các việc phước khác. Ở đây, xuất gia là sống cuộc đời Sa-môn, nên được xem là Sīla Pāramī vì chúng có bản chất giống nhau. Cũng vậy, xuất gia là thiền định, thoát khỏi năm triền cái, nên được xem là Jhāna Pāramī, và xuất gia là việc phước phổ biến, có mặt trong cả sáu pháp Ba-la-mật.
    Chân thật có ba loại: lời nói chân thật (vacī-sacca); xa lìa sự gian dối, hư ngụy (virati-sacca), là sở hữu Chánh ngữ (Sammā-vācā) và trí tuệ chân thật (ñāṇa-sacca), là sở hữu trí tuệ (paññā). Trong ba loại này, vacī-sacca và virati-sacca liên quan đến sīla nên được xem là Sīla Pāramī; còn ñāṇa-sacca là sở hữu trí tuệ nên được xem là Paññā Pāramī.

    Mettā Pāramī có bản chất tương tự với Jhāna Pāramī nên được bao gồm trong Jhāna Pāramī.

    Upekkhā Pāramī bao gồm sở hữu Tatramajjhattatā và PaññāTatramajjhattatā nên được xem là Jhāna Pāramī vì nó có liên quan. Còn sở hữu Trí tuệ giống như Ñāṇupekkhā nên được xem là Paññā Pāramī.

    Adhiṭṭhānana Pāramī nên được bao gồm trong cả 6 pháp Ba-la- mật: Dāna, Sīla, Khantī, Vīriya, Jhāna và Paññā vì trong sáu pháp Ba-la-mật này đều có Adhiṭṭhāna (Quyết định không lay chuyển).

    Lợi ích của 6 pháp Ba-la-mật được ghép thành từng cặp

    Trước hết 6 pháp Ba-la-mật đã được rút gọn: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nại, Tinh tấn, Thiền định và Trí tuệ có thể được ghép thành 15 cặp như sau:

    1. Dāna & Sīla – Bố thí và Trì giới.

    2. Dāna & Khantī – Bố thí và Nhẫn nại.

    3. Dāna & Viriya – Bố thí và Tinh tấn.

    4. Dāna & Jhāna – Bố thí và Thiền định.

    5. Dāna & Paññā – Bố thí và Trí tuệ.

    6. Sīla & Khantī – Trì giới và Nhẫn nại.

    7. Sīla & Viriya – Trì giới và Tinh tấn.

    8. Sīla & Jhāna – Trì giới và Thiền định.

    9. Sīla & Paññā – Trì giới và Trí tuệ.

    10. Khanti & Viriya – Nhẫn nại và Tinh tấn.

    11. Khantī & Jhāna – Nhẫn nại và Thiền định.

    12. Khantī & Paññā – Nhẫn nại và Trí tuệ.

    13. Vīriya & Jhāna – Tinh tấn và Thiền định.

    14. Vīriya & Paññā – Tinh tấn và Trí tuệ.

    15. Jhāna & Paññā – Thiền định và Trí tuệ. Bồ Tát thành tựu qua hai cặp:

  1. Dāna & Sīla, Bồ tát thành tựu hai điều phước là làm những việc lợi ích cho chúng sanh và xa lìa những điều có hại cho họ.

  2. Dāna & Khantī, Bồ tát thành tựu hai lợi ích là vô tham và vô

    sân.

  3. Dāna & Viriya, Bồ tát thành tựu hai điều phước là tánh hào

    phóng và đa văn.

  4. Dāna & Jhāna, Bồ tát thành tựu hai điều phước là từ bỏ dục lạc và sân hận.

  5. Dāna & Paññā, Bồ tát thành tựu hai điều phước là sự định tâm và thiền quán; và hai điều phước khác là pháp học về giáo pháp (pariyatti) và thiền quán.

  6. Sīla & Khantī, Bồ tát thành tựu hai phước báu lợi ích là thân

    hạnh, khẩu hạnh thanh tịnh và thiên hướng thanh tịnh.

  7. Sīla & Vīriya, Bồ tát thành tựu hai điều phước là sự định tâm và thiền quán.

  8. Sīla & Jhāna, Bồ tát thành tựu hai điều phước là đoạn trừ phiền não (vītikkama kilesa) và triền phiền não (pariyaṭṭhāna kilesa) (Sīla và Jhāna đoạn trừ triền phiền não).

  9. Sīla & Paññā, Bồ tát thành tựu hai việc phước là vô úy thí (abhaya dāna) và pháp thí (dhamma dāna); vô úy thí có thể xảy ra chỉ khi nào có Sīla; và pháp thí có thể xảy ra chỉ khi nào có Paññā.

  10. Khantī & Viriya, Bồ tát thành tựu hai đức tánh là nhẫn nại và kiên trì; (các pháp thăng trầm của đời sống chỉ có thể vượt qua bằng nhẫn nại, và chỉ khi nào có tinh tấn, các việc phước mới được làm một cách tận tâm tận ý).

  11. Khantī & Jhāna, Bồ tát thành tựu hai lợi ích là đoạn trừ thù địch khởi sanh từ sân hận và sự thiên vị khởi sanh từ tham (không có Khantī, người ta có khuynh hướng chống lại những điều không khả ái trong thế gian vì sự sanh khởi của sân hận; không có Jhāna, người ta dễ nghiêng về những cảnh khả ái trong thế gian vì sự sanh khởi của tâm tham).

  12. Khantī & Paññā, Bồ tát thành tựu hai lợi ích là thấu hiểu tánh vô ngã trong danh sắc (nāma và rūpa) và tuệ quán thông đạt Niết bàn.

  13. Viriya & Jhāna, Bồ tát thành tựu hai lợi ích là tinh cần

    (paggaha) và tâm bất tán loạn (avikkhepa).

  14. Vīriya & Paññā , Bồ tát thành tựu hai lợi ích là làm chỗ dựa cho chúng sanh và chỗ dựa cho chính mình (chỗ nương tựa

    cho chúng sanh nhờ Vīriya, chỗ nương tựa cho chính mình nhờ Paññā).

  15. Jhāna & Paññā, Bồ tát thành tựu hai lợi ích là sự định tâm

và quán Tuệ.

Lợi ích phát sanh từ những nhóm ba

Bồ tát thành tựu ba lợi ích do:

  1. đoạn trừ tham, sân và si là ba căn cội của mọi điều ác, nhờ

    dāna, sīla và khantī.

  2. rút ra tinh hoa từ tài sản, thân sắc và mạng sống của mình (vì chúng kết hợp với năm loại kẻ thù, nên tài sản và của cải không có những giá trị nội tại, giá trị thực của chúng là cho chúng đi – dāna). Vì phải chịu nhiều loại bịnh nên thân không có thực chất mà thực chất của nó là sự thọ trì giới – sīla. Cuối cùng khi kết thúc bằng sự hoại vong, mạng sống cũng không có thực chất. Thực chất của nó là sự tu tập thiền quán – Vipassanā.
  3. các việc phước về bố thí, trì giới và tu thiền nhờ nhóm ba

    dāna, sīla và jhāna.

  4. tài thí, vô úy thí và pháp thí nhờ dāna, sīla và paññā.

Tương tự, các lợi ích còn lại của nhóm 3 và 4 Ba-la-mật có thể suy ra từ các nhóm hai.

Bốn Trụ xứ (Adhiṭṭhāna)

Sau khi cho thấy mười Ba-la-mật được rút gọn thành sáu bằng cách đưa các pháp tương tự về chung một mối, sáu Ba-la-mật này lại được bao gồm trong bốn Trụ xứ.

  • Saccādhiṭṭhā – Đế trụ xứ

  • Cāgādhiṭṭhāna – Xả đoạn trụ xứ

  • Upasamādhiṭṭhāna – Tịch tịnh trụ xứ

  • Paññādhiṭṭhāna – Trí tuệ trụ xứ.

(i) Saccādhiṭṭhā – Đế trụ xứ: Niết bàn là Chân lý tuyệt đối (Paramattha Sacca) cùng với những pháp hành khởi đầu dẫn đến Niết bàn (pubbabhāga paṭipadā), là ngữ đế (vacisacca); ly vọng ngữ đế (virati sacca) là sở hữu chánh ngữ (sammāvācā); và trí đế (ñāṇa sacca) là sở hữu trí tuệ (paññā). (Ngữ đế, Ly vọng ngữ đế và Trí đế tạo thành trụ xứ nâng đỡ cho Bồ tát trụ vào trong suốt những kiếp luân hồi, thực hành các pháp Ba-la-mật và trong kiếp Ngài thành Phật. Niết bàn là chân lý tuyệt đối tạo thành trụ xứ cho vị Bồ tát khi Ngài thành Phật. Do đó, chúng tạo thành Đế trụ xứ (Saccādhiṭṭhāna.)

  1. Cāgādhiṭṭhāna – Xả đoạn trụ xứ là sự đoạn tất cả phiền não không dư sót bằng A-la-hán đạo và xả đoạn các cảnh dục và các dục ái qua sự thực hành các pháp Ba-la-mật như dāna, v.v… ở giai đoạn đầu khi Ngài là vị Bồ tát. (Bồ tát trong khi thực hành các pháp Ba-la-mật không thể đoạn tận tất cả phiền não mà không còn dư sót. Ngài chỉ có thể xả ly các cảnh dục trong khả năng của Ngài qua pháp Bố thí Ba-la-mật, v.v… và xả đoạn các phiền não dục một cách tạm thời (tadaṅga-pahāna) và xả đoạn chúng bằng sự trấn phục (vikkhambhana-pahāna), Bồ tát xây dựng trụ xứ cho mình chỉ bằng cách này. Chỉ khi Ngài chứng đắc A-la-hán quả và Nhất thiết trí trở thành một vị Phật, Ngài mới an trú vững chắc trong trụ xứ, xả đoạn hoàn toàn tất cả phiền não không còn dư sót. Do đó, sự xả đoạn toàn bộ phiền não bằng A-la-hán đạo, sự xả đoạn các cảnh dục và phiền não dục có tánh cách tạm thời và trấn phục, tất cả những sự xả đoạn này tạo thành Xả đoạn trụ xứ – Cāgādhiṭṭhāna.
  2. Upasamādhiṭṭhāna – Tịch tịnh trụ xứ là sự vắng lặng hoàn toàn tất cả phiền não bằng A-la-hán đạo, sự lắng dịu khổ đau trong luân hồi khi giác ngộ Niết bàn, sự xả đoạn các phiền não tạm thời hoặc sự trấn phục qua việc thực hành các pháp Ba-la-mật như

    dāna, v.v… trong khi là Bồ tát. (Khi vị Bồ tát đang thực hành các pháp Ba-la-mật, các phiền não và khổ của luân hồi chưa thể dập tắt triệt để được. Do đó, qua các pháp Ba-la-mật như dāna, v.v… tạo thành phương tiện làm lắng dịu phiền não, vị Bồ tát chỉ xả đoạn chúng tạm thời và bằng sự trấn phục mà thôi. Bằng những pháp hành như vậy, vị Bồ tát xây dựng cho chính Ngài trụ xứ tạm thời. Đến khi chứng đắc Phật quả, Ngài mới an trú vững chắc trong trụ xứ qua việc đoạn tận hoàn toàn các phiền não và khổ luân hồi. Cho nên sự vắng lặng các phiền não và khổ luân hồi tạo thành Tịch tịnh trụ xứ – Upasamādhiṭṭhāna.

  3. Paññādhiṭṭhāna – Trí tuệ trụ xứ là A-la-hán quả tuệ (Arahatta- phala) và Nhất thiết trí và tất cả các loại trí tuệ như phương tiện thiện xảo trí, v.v… đã khởi sanh trước kia trong dòng tâm của vị Bồ tát. (Trong những kiếp là Bồ tát, Ngài trú trong các loại trí tuệ như phương tiện thiện xảo trí, v.v… Đến khi chứng đắc đạo quả Phật, Ngài mới an trú vững chắc trong trụ xứ của A-la-hán quả tuệ và Nhất thiết trí. Do đó, tất cả các loại trí tuệ đã nêu ra ở trên tạo thành Trí tuệ trụ xứ – Paññādhiṭṭhāna).

Đối với những kẻ phàm phu thiểu trí, chỉ biết nương tựa vào các cảnh dục và phiền não dục. Những cảnh dục và phiền não dục này tạo thành chỗ nương tựa của họ. Đối với vị Bồ tát thấy rõ mối nguy hiểm trong chúng, Ngài an trú trong bốn trụ xứ của chân thật (sacca), xả đoạn (cāga), tịch tịnh (upasama) và trí tuệ (paññā). Những trụ xứ này đưa Ngài từ các cảnh dục, phiền não dục đến chỗ giải thoát, tức Niết bàn. Do đó, bốn yếu tố này tạo thành những trụ xứ dành cho vị Bồ tát.

Sự thành tựu bốn Trụ xứ xảy ra trong dòng tâm của vị Bồ tát như thế nào

Sau khi nhận được sự thọ ký thành Phật, Bồ tát suy xét các pháp Ba-la-mật bằng Ba-la-mật Tư trạch trí (Pāramī-pavicaga ñāṇa). Sau khi đã làm như vậy, Ngài phát nguyện thực hành viên mãn tất cả các

pháp Ba-la-mật. Rồi Ngài tiếp tục thực hành viên mãn chúng đúng với lời nguyện này. Như vậy Đế trụ xứ (Saccādhiṭṭhā) hiện khởi trong dòng tâm của vị Bồ tát.

Trong khi các pháp Ba-la-mật đang được thực hành viên mãn thì có sự xả đoạn các phiền não đối nghịch với chúng và cũng xảy ra sự xả đoạn các cảnh dục và phiền não. Như vậy Xả đoạn trụ xứ (Cāgādhiṭṭhāna) cũng hiện khởi.

Vì có sự diệt tắt các phiền não do oai đức của các pháp Ba-la-mật

nên Tịch tịnh trụ xứ (Upasamādhiṭṭhāna) cũng hiện khởi.

Qua những pháp Ba-la-mật này, Bồ tát có được Phương tiện thiện xảo trí (Upāya-kosalla ñāṇa) và Trí tuệ trụ xứ (Paññādhiṭṭhāna) cũng hiện khởi.

(Điều muốn nói ở đây là : Bất cứ khi nào vị Bồ tát thực hành 10 pháp Ba-la-mật hoặc 6 Ba-la-mật, hoặc bất cứ khi nào Ngài thực hiện các việc phước có liên quan đến các pháp Ba-la-mật thì có sự hiện khởi trong dòng tâm của vị Bồ tát: (i) Saccādhiṭṭhā – Đế trụ xứ là sự cố gắng không suy thối để thực hành lời nguyện của Ngài; (ii) Cāgādhiṭṭhāna – Xả đoạn trụ xứ là sự đoạn trừ các phiền não đối nghịch với các pháp Ba-la-mật; (iii) Upasamādhiṭṭhāna – Tịch tịnh trụ xứ là sự tắt lịm các phiền não; (iv) Paññādhiṭṭhāna – Trí tuệ trụ xứ là thiện xảo trong các phương tiện đem lại phúc lợi cho chúng sanh. Do đó, sáu pāramī được cô đọng thành bốn trụ xứ (adhiṭṭhana): chân thật (sacca), xả đoạn (cāga), tịch tịnh (upasama) và trí tuệ (paññā).

Khi một người chuyên tâm vào một công việc kinh doanh trong sạch, thấy nó có lợi như đã dự định, người ấy tiếp tục đeo đuổi công việc kinh doanh ấy với sự siêng năng và nhiều tinh tấn hơn. Ở đây lợi ích phát sanh từ công việc kinh doanh ban đầu là nguyên nhân, sự siêng năng và tinh tấn gia tăng trong việc theo đuổi công việc là kết quả của nguyên nhân ấy.

Tương tự, khi Bồ tát bắt tay thực hiện những việc phước thuộc Ba- la-mật, Ngài thọ hưởng lợi ích của những việc phước này dưới dạng Bốn trụ xứ, đó là vị ngọt của ngữ chơn thật (vacissacca); sự đoạn trừ các phiền não (cāga); sự diệt tắt ngọn lửa phiền não (upasamā); và phương tiện thiện xảo trí (upāya-kosalla ñāṇa). Ngài tiếp tục làm những việc phước về Ba-la-mật này với sự siêng năng và gia tăng sức tinh tấn từ kiếp này sang kiếp khác. Ở đây lợi ích của những việc phước này dưới dạng Bốn trụ xứ là nguyên nhân và những việc phước về Ba-la-mật được lập đi lập lại bằng sự siêng năng và sức tinh tấn gia tăng là kết quả của nguyên nhân ấy. Nên hiểu rằng sự xảy ra của những việc phước về Ba-la-mật và sự xảy ra của bốn Trụ xứ là một, chỉ khác nhau về cách gọi mà thôi.

Mô tả chi tiết hơn:

(i) Trong quá trình thực hiện các việc phước về Dāna Pāramī, Bồ tát hướng những lợi ích phát sanh từ (a) Saccādiṭṭhāna – Đế trụ xứ là sự thực hành bố thí vững chắc theo đúng ý nguyện của Ngài: “Ta sẽ bố thí khi thấy người tầm cầu vật thí”; (b) Cāgādhiṭṭhāna – Xả đoạn trụ xứ là sự đoạn tận bỏn xẻn, v.v… đối nghịch với pháp bố thí; (c) Upasamādhiṭṭhāna – Tịch tịnh trụ xứ là sự diệt tắt tâm tham đối với các vật thí, tâm sân (xảy ra đối với những người miễn cưỡng bố thí) đối với những người đến xin vật thí; tâm si về sự bố thí (trạng thái si mê thường hay xảy ra đối với người không quen bố thí) vì sợ hao tổn; (d) Paññādhiṭṭhāna – Trí tuệ trụ xứ là sự bố thí đúng lúc như đã dự định, do trí tuệ hướng đạo.

Sau khi hưởng lợi ích của Bốn trụ xứ này, vị Bồ tát tiếp tục phát triển pháp Bồ tát Ba-la-mật nhiều hơn nữa.

  1. Tương tự, trong quá trình thực hành Sīla Pāramī, Bồ tát thọ hưởng lợi ích phát sanh từ (a) Saccādiṭṭhāna là sự không vi phạm các giới cấm đúng theo lời nguyện của Ngài; (b) Cāgādhiṭṭhāna 
    sự đoạn trừ bất thiện tư và các tội ác; (c) Upasamādhiṭṭhāna là sự diệt tắt điều tai hại do các bất thiện nghiệp gây ra; (d) Paññādhiṭṭhāna là trí tuệ giữ vai trò chủ chốt.
    Sau khi hưởng lợi ích của Bốn trụ xứ này, vị Bồ tát càng tu tập Giới
    Ba-la-mật hơn nữa.
  2. Trong quá trình thực hành pháp Khantī Pāramī, Bồ tát thọ hưởng lợi ích phát sanh từ (a) Saccādiṭṭhāna là sự thực hành pháp nhẫn nại một cách bền bỉ đúng với lời nguyện của Ngài; (b) Cāgādhiṭṭhāna là sự đoạn trừ những ý nghĩ bất thiện gây ra bởi hành vi và lời nói ác của kẻ khác; (c) Upasamādhiṭṭhāna là sự diệt tắt sân ác; (d) Paññādhiṭṭhāna là trí tuệ giữ vai trò chủ chốt.
    Sau khi hưởng lợi ích của Bốn trụ xứ này, Bồ tát tiếp tục phát triển Nhẫn nại Ba-la-mật nhiều hơn nữa.
  3. Trong quá trình thực hành pháp Viriya Pāramī, Bồ tát thọ hưởng lợi ích phát sanh từ (a) Saccādiṭṭhāna là công việc đem phúc lợi đến chúng sanh đúng với lời nguyện của Ngài; (b) Cāgādhiṭṭhāna là sự đoạn trừ tánh dễ duôi, làm việc dang dở. (c) Upasamādhiṭṭhāna là sự diệt tắt của sự tổn hại do bất thiện pháp gây ra; (d) Paññādhiṭṭhāna là trí tuệ giữ vai trò chủ chốt.
    Sau khi hưởng lợi ích của Bốn trụ xứ này, vị Bồ tát tiếp tục phát triển Tinh tấn Ba-la-mật nhiều hơn nữa.
  4. Trong quá trình thực hành Jhāna Pāramī, Bồ tát thọ hưởng lợi ích phát sanh từ (a) Saccādiṭṭhāna là sự suy nghĩ sâu sắc và tầm cầu phúc lợi cho toàn thể thế gian đúng với lời nguyện của Ngài;
    (b) Cāgādhiṭṭhāna là sự đoạn trừ các triền cái; (c) Upasamādhiṭṭhāna là sự an tịnh của tâm; (d) Paññādhiṭṭhāna là trí tuệ giữ vai trò chủ chốt.
    Sau khi hưởng lợi ích của Bốn trụ xứ này, Bồ tát tiếp tục phát triển
    Thiền định Ba-la-mật nhiều hơn nữa.
  5. Trong quá trình thực hành pháp Paññā Pāramī, Bồ tát thọ hưởng lợi ích phát sanh từ (a) Saccādiṭṭhāna là sự thiện xảo trong các phương tiện đem lại lợi ích cho chúng sanh đúng với lời nguyện của Ngài; (b) Cāgādhiṭṭhāna là sự đoạn trừ các tà đạo và các ác nghiệp; (c) Upasamādhiṭṭhāna là sự diệt tắt mọi hình thức lo âu, bồn chồn do vô minh gây ra, (d) Paññādhiṭṭhāna là trí tuệ đóng vai trò chủ chốt.

Sau khi hưởng lợi ích của bốn Trụ xứ (adhiṭṭhana) này, Bồ tát tiếp tục phát triển Trí tuệ Ba-la-mật (Paññā Pāramī) nhiều hơn nữa.

Như vậy trong mọi việc phước về pāramī đều có sự hiện diện của bốn Trụ xứ (adhiṭṭhana), cho nên có thể nói rằng sáu pāramī được bao gồm trong bốn Trụ xứ (adhiṭṭhana).

Bốn Trụ xứ được xem là Một Trụ xứ

Cũng như sáu pháp pāramī được bao gồm trong bốn Trụ xứ, cũng vậy mỗi trụ xứ có thể được xem là bao trùm ba trụ xứ còn lại. Sau đây là cách bao gồm mỗi trụ xứ (adhiṭṭhana).

Như Đế trụ xứ (Saccādiṭṭhāna), các trụ xứ Xả đoạn (Cāgādhiṭṭhāna), Tịch tịnh (Upasamādhiṭṭhāna) và Trí tuệ (Paññādhiṭṭhāna) có bản chất thi hành trung thực đúng với lời nguyện nên có thể được bao gồm trong Đế trụ xứ (Saccādiṭṭhāna).

Như CāgādhiṭṭhānaSaccādiṭṭhānaUpasamādhiṭṭhāna và Paññādhiṭṭhāna vì có bản chất đoạn trừ các yếu tố đối nghịch và là kết quả của sự từ bỏ hoàn toàn nên có thể được bao gồm trong Cāgādhiṭṭhāna

Như UpasamādhiṭṭhānaSaccādiṭṭhānaCāgādhiṭṭhāna và Paññādhiṭṭhāna vì có bản chất diệt tắt sức nóng của các ác nghiệp và phiền não gây ra, nên có thể được bao gồm trong Upasamādhiṭṭhāna.

SaccādiṭṭhānaCāgādhiṭṭhāna và Upasamādhiṭṭhāna đi theo kẻ hướng đạo là paññā nên có thể được bao gồm trong Paññādhiṭṭhāna.

Các Trụ xứ đem lại lợi ích như thế nào?

Như vậy tất cả các pháp pāramī đều có sự khởi đầu bằng Đế trụ xứ (Saccādiṭṭhāna) – chúng hiện khởi qua Xả đoạn trụ xứ (Cāgādhiṭṭhāna), lớn mạnh do nhờ Tịch tịnh trụ xứ (Upasamādhiṭṭhāna), xa lìa các phiền não nhờ Trí tuệ trụ xứ (Paññādhiṭṭhāna) và trở nên thanh tịnh.

Hơn nữa, trong giai đoạn đầu của các pháp pāramīSaccādiṭṭhāna giữ vai trò chủ đạo, chỉ với Saccādiṭṭhāna, sự thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật mới có thể bắt đầu. Ở giai đoạn giữa, Cāgādhiṭṭhāna giữ vai trò chủ đạo, sau khi bắt đầu thực hành viên mãn các pháp pāramī bằng Saccādiṭṭhāna, nó được tiếp tục ở giai đoạn giữa bằng sự xả ly cả thân và mạng sống của chính mình để đem lại lợi ích cho chúng sanh bằng Cāgādhiṭṭhāna. Ở giai đoạn cuối, Upasamādhiṭṭhāna giữ vai trò chủ đạo, bằng sự diệt tắt tất cả đau khổ của luân hồi, phận sự thực hành viên mãn các pháp pāramī mới kết thúc.

Paññādhiṭṭhāna tối cao trong cả ba thời kỳ đầu, giữa và cuối. Chỉ với trí tuệ, các pháp pāramī mới có thể bắt đầu, sự xả ly toàn bộ thân thể và mạng sống của ta mới có thể thực hiện được và sự diệt tắt rốt ráo đau khổ của luân hồi mới có thể xảy ra.

Tất cả bốn trụ xứ này thường xuyên làm gia tăng lợi ích cho chính mình và mọi người, được mọi người yêu mến và kính trọng. Trong bốn trụ xứ này, qua Saccādiṭṭhāna và Cāgādhiṭṭhāna, Bồ tát khi là cư sĩ đem lại lợi ích cho chúng sanh bằng sự bố thí vật chất. Qua

UpasamādhiṭṭhānaPaññādhiṭṭhāna – khi là đạo sĩ, Bồ tát đã bố thí

Pháp đến chúng sanh.

Sự thành tựu bốn Trụ xứ xảy ra trong kiếp chót của Bồ tát khi Ngài thành một vị Phật như thế nào

GHI CHÚ MỞ ĐẦU:

Trong việc giải thích các quan điểm khác nhau của các vị A-xà-lê trong các luận thuyết, chúng được gọi là Eke vāda hay Aññe vāda khi các vị A-xà-lê này có những khả năng chuyên môn xứng đáng làm thầy của tác giả. Khi họ có những khả năng chuyên môn bằng với tác giả, thì tác giả gọi những quan điểm của họ là Apare vādä Nếu họ kém hơn tác giả thì tác giả gọi quan điểm của họ là Keci vāda.

Phương pháp ghi chép theo truyền thống này được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Eke hay aññe có nghĩa là những người xứng đáng làm thầy của tác giả. Apare nghĩa là những người có khả năng chuyên môn bằng với tác giả, và Keci ám chỉ những người kém hơn tác giả.

Eke vāda

Nói về sự thành tựu của bốn Trụ xứ (Adiṭṭhāna) xảy ra trong kiếp chót của Bồ tát, các vị A-xà-lê bậc thầy cho rằng bốn Trụ xứ đã được thành tựu viên mãn vào lúc Bồ tát nhập thai (sự nhập thai của Bồ tát trong kiếp chót của Ngài chỉ xảy ra khi các pháp Ba-la-mật đã được thành tựu viên mãn, cũng vậy nó chỉ xảy ra khi nào bốn Trụ xứ đạt đến chỗ thành tựu viên mãn).

Lời giải thích của các vị a-xà-lê bậc thầy này là – Sau khi đã thành tựu viên mãn Trí tuệ trụ xứ (Paññādhiṭṭhāna) vào lúc giáng sanh vào lòng mẹ, trong khi nằm mười tháng trong bào thai và khi ra khỏi bào thai, Bồ tát luôn luôn có chánh niệm và giác tỉnh. Những kẻ phàm phu

không biết họ đang tái sanh vào lòng mẹ, họ cũng không biết mình đang ở trong bào thai mẹ và lúc được sanh ra. Tám mươi vị Thinh văn tương lai cũng biết rõ sự kiện sanh vào lòng mẹ của họ, nhưng họ không biết thời gian ở trong bào thai và lúc ra khỏi bào thai. Hai vị Đại đệ tử tương lai và chư Phật Độc giác tương lai biết rõ lúc họ tái sanh vào lòng mẹ và trong khi ở trong bào thai, nhưng không biết rõ lúc ra khỏi bào thai. Thực tế thì những Đại đệ tử đương lai và chư đương lai Phật độc giác, khi gần tới thời kỳ sanh nở, bị sức ép bên trong bào thai đẩy ra cửa mình của người mẹ, bị nhào lộn tựa như đang chìm xuống vực sâu; rồi họ phải chịu đau đớn cùng cực khi đang ra khỏi cửa mình của người mẹ, giống như con voi lớn ra khỏi cái hang có cửa hẹp. Những vị Đại đệ tử đương lai và chư đương lai Phật Độc giác không biết rằng họ đang ra khỏi bào thai của mẹ. Bằng cách này, ta nên có sự kinh cảm sâu sắc bằng cách quán sự khổ cùng cực của sự sanh như sau: “Ngay cả những nhân vật đã thành tựu các pháp Pāramī cũng phải chịu đau đớn mãnh liệt trong trường hợp như vậy!”

Tuy nhiên đối với chư vị Bồ tát sẽ thành Phật trong kiếp chót, các Ngài biết rõ ba sự kiện liên quan đến sự thọ sanh vào lòng mẹ, lúc ở trong bào thai và lúc đản sanh. Sức ép bên trong bào thai không đủ khả năng làm đảo lộn thân xác của các Ngài. Vào lúc sanh, các Ngài luôn ra khỏi lòng mẹ với hai tay duỗi thẳng, mắt mở và đứng thẳng vững chắc. Ngoài chư Phật đương lai, không một ai có chánh niệm về ba biến cố này. Do đó, vào lúc thọ sanh vào lòng mẹ và lúc đản sanh, mười ngàn luân vi thế giới đều chấn động dữ dội (Chú giải bộ Dīgha Nikāya, cuốn 3).

Sau khi đã thành tựu viên mãn Saccādiṭṭhāna – Đế trụ xứ, vừa sanh ra, Bồ tát đi bảy bước về hướng bắc, và sau khi dò xét tất cả các hướng một cách dũng cảm, Ngài ba lần phát chơn ngôn uy dũng như tiếng gầm của chúa tể sơn lâm: “Ta là bậc Tối thượng trong thế gian (aggo’haṃ asmi lokassa). Ta là bậc Tối thắng trong thế gian

(jettho’haṃ asmi lokassa). Ta là bậc Tối thượng tôn trong thế gian

(settho’haṃ asmi lokassa).”

Sau khi thành tựu viên mãn Upassamādiṭṭhāna – Tịch tịnh trụ xứ, khi Ngài thấy bốn điềm tướng, người già, người bịnh, người chết, và người xuất gia thì tánh ngã mạn do tuổi trẻ, sức mạnh, sự trường thọ và phú quý diệt ngay trong dòng tâm của Bồ tát vì Ngài có sự hiểu biết sâu sắc về bốn phần Giáo pháp (Dhammuddesa) – là sự đau khổ của thân do bởi tuổi già, bịnh tật, sự chết, và cách thoát khỏi tình trạng nô lệ do lòng tham đối với các dục lạc và tài sản, không thể có được cách thoát nếu không có sự xả ly hoàn toàn lòng tham ấy (được đưa ra trong Ratthapāla Sutta).

Sau khi đã thành tựu viên mãn Cāgādiṭṭhāna – Xả đoạn trụ xứ, Bồ tát bỏ lại tất cả thân thích và quyến thuộc trong hoàng cung không chút quan tâm. Ngài từ bỏ vương quyền mà Ngài đang thọ hưởng và quyền bá chủ của vị Chuyển luân vương sắp đến với Ngài.

Đây là phần trình bày của các vị A-xà-lê bậc thầy. Nhà Chú giải

Mahā Dhammapāla không bình luận gì về Eke vāda này.

Keci vāda

Theo các vị A-xà-lê, bốn Trụ xứ (Adiṭṭhāna) được thành tựu viên mãn chỉ khi nào chứng đắc Phật quả. Các vị giải thích là: Khi Ngài thành Phật (sự chứng đắc A-la-hán đạo tuệ và Nhất thiết trí) do nhờ sự tích lũy Saccādiṭṭhāna – Đế trụ xứ trong quá khứ đúng với lời nguyện của Ngài, Ngài thông đạt Tứ thánh đế, Saccādiṭṭhāna được thành tựu viên mãn vào lúc ấy. Do nhờ Xả đoạn trụ xứ, Cāgādiṭṭhāna được được tích lũy trong quá khứ nên Ngài đoạn tận tất cả phiền não, cho nên Xả đoạn trụ xứ được thành tựu viên mãn vào lúc ấy. Do nhờ Tịch tịnh trụ xứ, Upassamādiṭṭhāna đã tích lũy trong quá khứ, Ngài đạt được sự an lạc siêu phàm nhất của Niết bàn khi thành Phật, cho nên Tịch tịnh trụ xứ được thành tựu viên mãn vào lúc ấy. Do nhờ Trí tuệ trụ xứ,

Paññādhiṭṭhāna đã được tích lũy trong quá khứ, Ngài đạt được Vô chướng trí (anāvaraṇa ñāṇa) biết rõ tất cả những gì cần biết, cho nên Trí tuệ trụ xứ, Paññādhiṭṭhāna được thành tựu viên mãn vào lúc ấy.

Nhà chú giải Mahā Dhammapāla có nhận xét về bài giải thích này như sau: “Lời giải thích của họ không được hoàn hảo bởi vì Chánh đẳng giác (Abhisambodhi), tức A-la-hán đạo tuệ hay Nhất thiết trí, là thực tại tuyệt đối. Vì Tịch tịnh trụ xứ, Upassamādiṭṭhāna có nghĩa là sự diệt tắt hoàn toàn do khổ luân hồi không còn sanh khởi hay do sự an lạc hoàn toàn và vì điều này có thể đạt được chỉ vào lúc tịch diệt (parinibbāna).”

Aññe vāda

Tuy nhiên các vị thầy Aññe thì cho rằng bốn Trụ xứ (Adiṭṭhāna) được thành tựu viên mãn trong trường hợp bài kinh Chuyển pháp luân được thuyết giảng (khi Đức Phật vận dụng Thuyết thị trí – Desanā ñāṇa).

Đây là bài giải thích của các vị thầy Aññe: “Saccādiṭṭhāna – Đế trụ xứ mà Đức Phật đã tích lũy trong quá khứ được thành tựu trong luồng tâm thức của Ngài qua sự thuyết giảng Tứ Thánh đế theo ba cách là saccañāṇa (trí biết về chân đế), kiccañāṇa (trí biết về việc phải làm) và katañāṇa (trí biết về việc đã làm) đối với mỗi đế trong Tứ thánh đế. Cāgādiṭṭhāna – Xả đoạn trụ xứ mà Đức Phật đã tích lũy trong quá khứ được thành tựu viên mãn trong luồng tâm thức của Ngài qua sự bố thí vĩ đại về chánh pháp. Upassamādiṭṭhāna – Tịch tịnh trụ xứ mà Đức Phật tích lũy trong quá khứ được thành tựu viên mãn trong luồng tâm thức của Ngài sau khi tự mình chứng đạt sự an lạc của giải thoát tất cả phiền não và giúp những kẻ khác cũng đạt được như thế. Paññādhiṭṭhāna – Trí tuệ trụ xứ mà Đức Phật đã tích lũy trong quá khứ được thành tựu viên mãn trong luồng tâm thức của Ngài qua sự thấy biết đầy đủ tất cả thiên hướng của chúng sanh.

Nhà Chú giải Mahā Dhammapāla có nhận xét về bài giải thích quan điểm của các vị thầy aññe như sau: “Lời giải thích của các vị thầy aññe cũng không hoàn hảo vì bốn Trụ xứ được thành tựu viên mãn chỉ khi nào các phận sự của một vị Phật đã xong. Qua sự thuyết giảng bài kinh Chuyển pháp luân, Đức Phật chỉ mới bắt đầu làm các phận sự của Ngài, Ngài chưa làm xong các phận sự ấy. Cho nên lời giải thích của các vị thầy aññe vẫn chưa đầy đủ.

Apare vāda

Các vị thầy Apare cho rằng bốn Trụ xứ được thành tựu viên mãn vào lúc Đức Phật tịch diệt (parinibbāna).

Đây là lời giải thích của các vị thầy apare: “Trong bốn phương diện Đế trụ xứ thì Niết bàn, tức Paramattha Saccādhiṭṭhāna, là đệ nhất, phận sự của nó chưa hoàn thành do chỉ chứng đắc A-la-hán đạo qua sự diệt tắt các phiền não (kilesa parinibbāna).

Phận sự của nó được hoàn thành chỉ khi nào kiếp sống chấm dứt bằng sự diệt tắt các uẩn (khandha parinibbāna). Chỉ khi ấy Saccādhiṭṭhāna – Đế trụ xứ mới được viên thành. Vào lúc ấy, tất cả bốn uẩn, là dục uẩn (kāmupadhi), thân uẩn (khandhupadhi), phiền não uẩn (kilesupadhi) và hành uẩn (abhisaṅkhārupadhi) đều bị loại bỏ nên Cāgādiṭṭhāna – Xả đoạn trụ xứ được viên thành. Khi ấy vì tất cả các hành đều diệt nên Upassamādiṭṭhāna – Tịch tịnh trụ xứ được viên thành. Cũng vào thời điểm đó, tất cả mục đích của trí tuệ đều đạt được nên Paññādhiṭṭhāna – Trí tuệ trụ xứ được viên thành”. Đây là quan điểm của các vị thầy apare. Nhà chú giải Mahā Dhammapāla không có lời bình luận nào về quan điểm của họ nhưng đưa ra lời giải thích riêng của mình để bổ túc vào đó: (a) Sự thành tựu viên mãn Saccādhiṭṭhāna đặc biệt rõ ràng vào lúc đản sanh; (b) Sự thành tựu viên mãn Paññādhiṭṭhāna đặc biệt rõ ràng vào lúc Ngài thành đạo; (c) Sự thành tựu viên mãn Cāgādiṭṭhāna đặc biệt rõ ràng khi Ngài thực

hiện sự bố thí vĩ đại về Pháp qua sự thuyết giảng bài kinh Chuyển pháp luân, (d) Sự thành tựu viên mãn Upassamādiṭṭhāna đặc biệt rõ ràng khi Ngài giác ngộ Niết bàn .

Tóm tắt quan điểm của những vị A-xà-lê

  1. Các vị thầy Eke cho rằng bốn Trụ xứ được thành tựu viên mãn trong trường hợp đầu tiên khi sự thọ sanh vào lòng mẹ xảy ra trong kiếp chót.
  2. Các vị thầy Keci cho rằng bốn Trụ xứ được thành tựu viên mãn trong trường hợp thứ hai khi thành đạo.
  3. Các vị thầy Aññe cho rằng bốn Trụ xứ được thành tựu viên mãn trong trường hợp thứ ba khi bài kinh Chuyển pháp luân được thuyết giảng.
  4. Các vị thầy Apare cho rằng bốn Trụ xứ được thành tựu viên mãn trong trường hợp thứ tư khi Đức Phật viên tịch Đại bát Niết bàn.
    Tuân theo truyền thống của các tác giả là nói lên quan điểm của mình ở cuốí tác Phẩm, đại đức Mahā Dhammapāla nêu ra quan điểm cuối cùng, là apare vāda, vì vị ấy tán đồng quan điểm ấy và chấp nhận nó bằng lời nhận xét bổ túc như sau: “Bốn Trụ xứ được thành tựu viên mãn chỉ trong trường hợp thứ tư khi Đức Phật viên tịch Đại-bát-Niết- bàn đúng như lời giải thích của các vị thầy Apare. Tuy nhiên, điều đặc biệt rõ ràng là Saccādhiṭṭhā được thành tựu viên mãn ở trưởng hợp thứ nhất; Paññādhiṭṭhāna ở trường hợp thứ hai; Cāgādhiṭṭhāna ở trường hợp thứ ba; Và Upasamādhiṭṭhāna ở trường hợp thứ tư.”

    Những lợi ích của các Trụ xứ

    Qua Saccādiṭṭhāna thì giới thanh tịnh, qua Cagādiṭṭhāna thì sự nuôi mạng được thanh tịnh, qua Upasamādiṭṭhāna thì tâm thanh tịnh, qua Paññādiṭṭhāna thì trí tuệ thanh tịnh.
    Hơn nữa, qua Saccādiṭṭhāna (vì không đi lệch khỏi pháp chân thật), Ngài không theo cách hành xử sai lệch của sân. Qua Cagādiṭṭhāna (vì không bị tham luyến vào các vật dục), Ngài không theo cách hành xử sai trái của tham. Qua Upasamādiṭṭhāna (vì hoàn thiện) và vì không có gì để sợ hãi nên Ngài không theo cách hành xử sai lầm của sợ hãi; và qua Paññādiṭṭhāna (vì thấy các pháp như thật), Ngài không theo cách hành xử sai lầm của si mê.
    Thêm nữa, qua Saccādiṭṭhāna, Ngài có thể chịu đựng không chút nóng giận với các điều phiền toái do lạnh, nóng, đói khát gây ra; do tiếp xúc với ruồi muỗi, gió nắng, các loài bò sát; những lời mắng chửi, càu nhàu của kẻ khác và những chứng bịnh đau đớn. Qua Cagādiṭṭhāna, Ngài sử dụng bốn món vật dụng là y phục, vật thực, chỗ ngụ và thuốc men mà không có sự chấp thủ sanh khởi do tham. Qua Upasamādiṭṭhāna, Ngài tránh được các nguy hiểm do voi dữ, ngựa hoang, chó dữ và thú hoang gây ra nhờ giữ tâm vắng lặng tuyệt đối. Qua Paññādiṭṭhāna, Ngài sáng suốt loại trừ những ý nghĩ tà vạy về dục lạc, sân, hại cũng như những yếu tố bất thiện.
    Qua Saccādiṭṭhāna, Ngài đạt được hạnh phúc của sự xuất gia. Qua Cagādiṭṭhāna, Ngài hưởng được hạnh phúc của đời sống độc cư. Qua Upasamādiṭṭhāna, Ngài hưởng được sự an lạc và qua Paññādiṭṭhāna, Ngài hưởng được hạnh phúc kết hợp với bốn phần trí tuệ về Đạo.
    Qua Saccādiṭṭhāna, Ngài đạt được hạnh phúc của sơ thiền. Qua Cagādiṭṭhāna, Ngài đạt được hạnh phúc của nhị thiền. Qua Upasamādiṭṭhāna, Ngài đạt được hạnh phúc của tam thiền và qua Paññādiṭṭhāna, Ngài đạt được hạnh phúc của tứ thiền.

    Các pháp Pāramī rút gọn còn hai pháp

    Cũng như tất cả các pháp pāramī đều được bao gồm trong bốn Trụ xứ, chúng cũng được xem là hai pháp: Từ bi (Karunā) và Trí tuệ (Paññā). Thực tế thì chỉ phẩm hạnh như dāna, v.v… được thành lập
    dựa trên nền tảng là karunā và paññā, là hai pháp cần thiết cho sự giác ngộ Chánh đẳng giác, dẫn đến kết quả là Nhất thiết trí.
    Những điểm đã được trình bày trong chương này là:
    Sự rút gọn 30 pháp Pāramī thành 10. Sự rút gọn 10 Pāramī thành 6: Dāna, Sīla, KhantīViriyaJhanā và Paññā. Rồi sự rút gọn 6 Pāramī thành 4 Trụ xứ – Adhiṭṭhāna và cuối cùng tất cả Pāramī được cô đọng trong hai pháp: Karunā và Paññā.

    1. Những yếu tố nào làm thành tựu các pháp Pāramī ?

      Với câu hỏi: “Những yếu tố nào làm thành tựu các pháp pāramī?” Câu trả lời: Những yếu tố nấy là:

      1. Tu tập bốn loại bhāvanā,
      2. Quán tưởng những pháp đối nghịch với Pāramī và loại trừ
        chúng,
      3. Hiến dâng thân mạng của mình đến Đức Phật.

Tóm lại, phương tiện làm thành tựu các pháp pāramī là (a) diệt tắt tự ái và (b) phát triển tình thương đối với tất cả chúng sanh.

Giải rõ:

  1. Bốn phương tiện tốt để làm thành tựu các pháp pāramī là sự tu tập và tích lũy tất cả những pháp cần thiết như Ba-la-mật (paramī), xả ly (cāga), hạnh (cariya), không bỏ sót một pháp nào với mục đích duy nhất là chứng đạt Nhất thiết trí (Sabbasambhāra-bhāvanā); với sự tôn kính hết mức (Sakkacca-bhāvanā); kiếp này qua kiếp khác không có sự gián đoạn (Nirantara-bhāvanā); trải qua thời gian dài mà không có sự giải đãi trước khi thành Phật (Cirakāla- bhāvanā).
  2. Vị Bồ tát trước hết phải xả ly tất cả sở hữu riêng tư của mình, ngay trước khi những người khất thực đến đứng trước cửa nhà, với quyết định: “Ta sẽ bố thí mạng sống cũng như tài sản của cải mà ta sở hữu nếu có người đến xin chúng. Sau khi đã cho đi, Ta sẽ dùng cái gì còn lại.”
    Bằng cách này, Ngài đã quyết định trước để xả ly mọi tài sản của cải mà Ngài sở hữu. Nhưng có bốn yếu tố gây chướng ngại cho sự bố thí của Ngài (dāna vinibandha – bố thí phược):

    1. Không quen thực hành bố thí trong quá khứ.
    2. Không có đầy đủ vật sở hữu.
    3. Tài sản sở hữu quá quí giá không thể cho đi được.
    4. Lo sợ tiền bạc của cải bị cạn kiệt.

      1. Khi Bồ tát có những thứ để cho và những người hành khất đã đứng trước cửa nhà nhưng tâm của Bồ tát không có khuynh hướng muốn cho, Ngài nhận ra rằng: “Quả thật ta đã không có thói quen bố thí trong quá khứ cho nên giờ đây ước muốn bố thí không sanh khởi trong những hoàn cảnh như vậy.” Rồi Ngài quán xét:
        “Dầu ước muốn bố thí không sanh khởi trong ta, ta cũng bố thí để tạo ra thói quen và vui thích với nó. Từ nay trở đi ta sẽ bố thí rộng rãi. Không phải rằng ta đã phát nguyện bố thí rồi đó sao?”
        Sau khi quán xét như vậy, Ngài bố thí rất rộng rãi, đầy hoan hỷ. Bằng những sự bố thí như vậy, vị Bồ tát đoạn trừ chướng ngại thứ nhất – “Không có thói quen thực hành bố thí trong quá khứ.”
      2. Khi không có đủ tiền bạc, của cải, vị Bồ tát suy xét như vầy: “Vì trong kiếp trước ta không thực hành bố thí nên kiếp này ta bị thiếu thốn của cải. Do đó, ta nên bố thí bất cứ cái gì mà ta có, dầu ít ỏi hoặc thấp hèn, cho dù làm như vậy sẽ làm cho đời sống của ta khó
        khăn hơn. Bằng sự bố thí như vậy, chắc chắn tương lai ta sẽ đạt đến đỉnh cao của Bố thí Ba-la-mật.”
        Sau khi đã quán xét như vậy, Ngài bố thí một cách rộng rãi, đầy hoan hỷ bất cứ thứ gì mà Ngài có. Qua những sự bố thí như vậy, Bồ tát đoạn trừ chướng ngại thứ hai – “thiếu thốn tiền bạc và của cải.”
      3. Khi không có khuynh hướng muốn bố thí vì phẩm chất của các vật sở hữu quí giá, Bồ tát suy xét như vầy: “Này thiện nhân, há không phải rằng ngươi đã phát nguyện cầu sự Giác ngộ tối thượng, cao quí nhất và tuyệt hảo nhất đó sao? Muốn đạt được sự giác ngộ tối thượng, cao quí nhất và tuyệt hảo nhất, điều thích hợp duy nhất là ngươi phải bố thí những thứ quý báu nhất và tuyệt hảo nhất.”
        Sau khi quán xét như vậy, Bồ tát bố thí những vật thí quý báu nhất và tuyệt hảo nhất. Khi thực hành như thế, Bồ tát đã loại bỏ chướng ngại thứ ba – “tài sản sở hữu quý giá không thể cho đi được.”
      4. Khi Bồ tát nhận thấy tiền bạc, của cải sẽ bị cạn kiệt nếu bố thí chúng đi, Ngài suy xét như vầy: “Bị tiêu họai và mất mát là bản chất tài sản và các vật sở hữu. Chính vì ta đã không làm các việc phước về bố thí trong quá khứ nên bây giờ ta mới chịu thiếu thốn về các vật thí, mà chính quả phước của bố thí sẽ cho tài sản và các vật sở hữu không bao giờ cạn kiệt. Ta sẽ bố thí bất cứ vật gì ta có được dù ít hoặc nhiều. Bằng những sự bố thí như vậy, trong tương lai ta sẽ đạt đến đỉnh cao về Bố thí Ba-la-mật.”

      Sau khi đã suy xét như vậy, Bồ tát cho đi bất cứ thứ gì Ngài có được một cách rộng rãi và đầy hoan hỷ. Qua những sự bố thí như vậy, Bồ tát đoạn trừ chướng ngại thứ tư – “lo sợ cạn kiệt các vật sở hữu của mình.”
      Đoạn trừ các chướng ngại của sự bố thí bằng cách quán xét về chúng với bất cứ phương cách nào thích hợp sẽ hình thành phương
      tiện chánh đáng để thành tựu Bố thí Ba-la-mật. Phương pháp này cũng áp dụng cho các Ba-la-mật khác như trì giới, v.v….

  3. Hơn nữa, trước hết Bồ tát tự dâng hiến thân mạng của mình đến Đức Phật với câu nói: “Con xin dâng hiến thân mạng này của con đến Đức Phật (imāhaṃ attabhāvaṃ. Buddhānaṃ niyyādemi)”. Sự hiến dâng thân mạng này được thực hiện đến Đức Phật là phương pháp tốt để thực hành viên mãn Ba-la-mật.

Thực ra, Bồ tát đã hiến dâng thân mạng của Ngài đến Đức Phật rồi, Ngài quán xét: “Ta đã dâng hiến chính thân mạng này của ta đến Đức Phật rồi nên có điều gì xảy ra cũng vậy thôi.” Khi đối diện với các nghịch cảnh có thể làm nguy hiểm đến thân và mạng sống của Ngài hoặc khó chịu đựng, hoặc khi Ngài đang bị thương tích đau đớn do chúng sanh gây ra, có thể tước mất mạng sống của Ngài trong khi thực hành các pháp Ba-la-mật trải qua nhiều kiếp. Sau khi đã quán xét như vậy, Ngài giữ tâm bất động tuyệt đối, không bị lay chuyển khi đối diện với các nghịch cảnh có thể làm hại đến cả mạng sống của Ngài và kiên quyết tích lũy các việc phước về Ba-la-mật.

Bằng cách này, sự hiến dâng thân mạng của chính mình đến Đức Phật trước tiên là phương tiện tốt để thực hành viên mãn tất cả các pháp Ba-la-mật.

Nói tóm lại, các phương tiện để làm thành tựu các pháp Ba-la-mật

là: (a) diệt tự ái và (b) phát triển từ bi đối với tất cả chúng sanh.

Giải rõ:

Nhờ hiểu biết đầy đủ bản chất chân thật của các Pháp, vị Bồ tát – người có chí nguyện thành đạt Nhất thiết trí giữ tâm không bị ô nhiễm bởi ái dục, ngã mạn và tà kiến. Nhờ thấy thân của mình chỉ là khối uẩn của hiện tượng tự nhiên nên sự tự tôn, tự đại càng ngày càng giảm thiểu và diệt tắt.

Do thường xuyên tu tập pháp Đại bi, Ngài xem tất cả chúng sanh như con ruột của chính mình. Tâm từ ái và bi mẫn của Ngài đối với họ càng ngày càng sâu rộng.

Bồ tát – người đã diệt trừ tánh bỏn xẻn, v.v… là những pháp đối nghịch với các pháp Ba-la-mật. Sau khi tạm thời thoát khỏi tham, sân, si liên quan đến chính mình và những kẻ khác, đã cứu độ chúng sanh bằng Bốn nhiếp pháp (saṅgaha vatthu): bố thí (dāna), ái ngữ (piyavācā), lợi hành (atthacariya) và đồng sự (samānattata). Bốn pháp này luôn luôn đi chung với bốn Trụ xứ. Rồi Ngài giúp đỡ chúng sanh bằng ba thừa hành (sīla, samādhi, paññā) là những cỗ xe dẫn họ đi đến ba chỗ Giác ngộ, đối với những người chưa vào ba cỗ xe ấy thì đưa họ vào, còn những người đã vào rồi thì giúp họ đạt đến chỗ thành thục.

Thực ra, từ bi và trí tuệ của Bồ tát được tô điểm bởi hành động bố thí, một trong bốn Nhiếp pháp (từ bi và trí tuệ không bao giờ tự hiện khởi mà không có bố thí, cả hai cùng hiện khởi khi các hành động bố thí xảy ra). Bố thí được tô điểm bởi ái ngữ, vì Bồ tát không bao giờ nói lời trách móc hoặc lớn tiếng trong khi bố thí cho những người đến xin vật thí và cho người hầu kẻ hạ, chỉ nói những lời chan chứa từ ái mà thôi. Lời nói từ ái được tô điểm bởi lợi hành, vì Bồ tát nói lời từ ái không chỉ đem lại sự hài lòng mà nói với lòng chân thành, thiện ý là đem lại lợi ích cho kẻ khác (vì sự thực hành các pháp cần thiết cho sự giác ngộ, là những pháp như pāramīcāga, cariya, có nghĩa là sự thực hành đem lại lợi ích và hạnh phúc cho chúng sanh. Do đó, sự thực hành ấy được gọi là lợi hành, một trong bốn nhiếp pháp). Lợi hành được tô điểm bởi đồng sự, vì trong sự thực hành các pháp cần thiết cho sự giác ngộ, Bồ tát đối xử với tất cả chúng sanh với tâm bình đẳng, xem họ như người ngang hàng với chính Ngài bất chấp mọi hoàn cảnh vui vẻ hay khổ đau.

Khi Ngài thành Phật, phận sự hóa độ và thuyết pháp của Ngài được thành tựu bằng cách sử dụng bốn nhiếp pháp để đem lại lợi ích cho chúng sanh. Bốn nhiếp pháp này được tu tập viên thành nhờ sự thành tựu viên mãn bốn Trụ xứ.

Giải rõ:

Đối với Đức Phật, hành động bố thí được viên thành nhờ Cāgādhiṭṭhāna, ái ngữ được viên thành nhờ Saccadhiṭṭhāna, lợi hành được viên thành nhờ Paññādhiṭṭhāna, và đồng sự được viên thành nhờ Upasamādhiṭṭhāna.

Liên quan đến bốn adhiṭṭhāna và bốn Nhiếp pháp, Chú giải bộ Hạnh Tạng (Cariyā Piṭaka) có nêu ra bốn câu kệ tán dương các ân Đức Phật.

  1. Sacco cāgī upasanto paññavā anukampako sambhatasabbasambhāro kaṃ nāmatthaṃ na sādhaye.

    Đức Phật, Bậc đã đạt đến đỉnh cao của sự thành tựu bốn loại Đế trụ xứ – Saccadhiṭṭhāna, Bậc đã thành tựu hoàn toàn các Xả đoạn trụ xứ – Saccadhiṭṭhāna, Bậc đã dập tắt các ngọn lửa phiền não. Bậc thành đạt Nhất thiết trí và Bậc chăm sóc chúng sanh bằng tâm đại bi, có đầy đủ tất cả các pháp cần thiết về pāramī, có điều gì mà Ngài không thể đạt được?

  2. Mahākāruniko satthā

    hitesī ca upekkhako nirapekkha ca sabbattha aho acchariyi jino.

    Đức Phật, là thầy của chư thiên và nhân loại, bậc có tâm đại bi, tầm cầu lợi ích và hạnh phúc cho chúng sanh cho đến khi họ giác ngộ Niết bàn. Ngài giữ tâm bình thản trước các pháp thăng trầm của cuộc sống. Thoát khỏi ái dục đối với mọi pháp trong thân và ngoài thân. Kỳ diệu thay Đức Phật! Bậc Thắng phục ngũ ma (marā).
    [Ngũ ma: 5 loại chướng ngại – (1) Thiên ma (devaputta māra), chư thiên chiến đấu với Đức Phật về chỗ ngồi trí tuệ, vây quanh Ngài là những đoàn binh ma. (2) Phiền não ma (kilesa māra), các loại phiền não trong tâm. (3) Hành tác ma (abhisaṅkhāra māra) các hành vi tạo nghiệp dẫn đến sự tái sanh. (4) Ấm ma (khandha māra), các danh sắc uẩn xuất hiện trong tất cả các kiếp sống trước khi chứng đắc Niết bàn.
    (5) Tử ma (maccu māra)].

  3. Virato sabbadhammesu sattesu ca upekkhako sadā sattahite yutto aho acchariyo jino.

    Tuy đã ly ái tất cả các pháp và tâm đã bình thản trước tất cả chúng sanh, Ngài vẫn chuyên tâm ngày đêm đem lại hạnh phúc cho chúng sanh. Ôi, kỳ diệu thay Đức Phật, Bậc Thắng phục ngũ ma!

  4. Sabbadā sabbasattānaṃ

hitāya ca sukhāya ca uyyutto akitāsū ca aho acchariya jino.

Luôn đem lại lợi ích và hạnh phúc cho chúng sanh – nhân loại, chư thiên, Phạm thiên – và chăm lo năm phận sự của vị Phật ngày đêm không ngừng nghỉ. Thế mà Ngài vẫn không có dấu hiệu tỏ ra mệt mỏi. Ôi, kỳ diệu thay Đức Phật, Bậc Thắng phục ngũ ma!

(Chấm dứt chương nói về những yếu tố tạo nên sự thành tựu các pháp Ba la mật)

  1. Thời gian cần thiết để thành tựu các pháp Pāramī là bao lâu?

    Với câu hỏi: “Thời gian cần thiết để thành tựu các pháp pāramī là bao lâu?” Câu trả lời là:
    Thời gian tối thiểu cần thiết cho sự thành tựu viên mãn các pháp Ba-la-mật là bốn A-tăng-kỳ (asankheyya) và một trăm ngàn đại kiếp. Thời gian trung bình là tám A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp, và thời gian lâu nhất là mười sáu A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp sau khi được thọ ký thành Phật (Chỉ sau khi thành tựu viên mãn các pháp pāramī trong những chuỗi dài thời gian như vậy, người ta mới có thể thành Phật).
    Ba chuỗi thời gian khác nhau này liên quan đến ba loại Đương lai Phật, đó là Paññādhika Đương lai Phật (Trí tuệ Đương lai Phật) , Saddhādhika Đương lai Phật (Đức tin Đương lai Phật) và Viriyādhika Đương lai Phật (Tinh tấn Đương lai Phật) (vị Paññādhika Đương lai Phật phải trải qua 4 A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp; vị Saddhādhika Đương lai Phật phải trải qua 8 A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp, và vị Viriyādhika Đương lai Phật phải trải qua 16 A- tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp để thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật.
    Với câu hỏi: “Tất cả ba loại Bồ tát này đều là những vị Đương lai Phật, tại sao lại có ba chuỗi thời gian khác nhau để thực hành viên mãn các pháp pāramī?” Câu trả lời là:
    Vị Paññādhika Đương lai Phật yếu về đức tin nhưng mạnh về trí tuệ. Vị Saddhadhika Đương lai Phật mạnh về đức tin nhưng trung bình về trí tuệ. Vị Viriyādhika Đương lai Phật yếu về trí tuệ nhưng mạnh về tinh tấn. Chỉ qua sức mạnh về trí tuệ, người ta mới chứng đạt
    Nhất thiết trí. Trí tuệ mạnh thì thời gian chứng đạt Nhất thiết trí sẽ nhanh. Trí tuệ yếu thì thời gian chứng đạt Nhất thiết trí sẽ chậm. Sự khác nhau về mức độ sức mạnh của trí tuệ giải thích lý do về những chuỗi thời gian khác nhau để thực hành viên mãn các pháp pāramī. (câu trả lời này được trích ra từ Chú giải).
    Các vị thầy Apare cho rằng sự khác biệt giữa ba thời gian căn cứ
    vào ba mức độ của sự tinh tấn : mạnh, trung bình và yếu.
    Lại nữa, các vị A-xà-lê khác thì nói rằng chính do sự khác biệt về các mức độ mạnh, yếu và trung bình của sự thành thục các pháp pāramī dẫn đến giải thoát.
    Trong ba quan điểm này, quan điểm của nhà Chú giải tỏ ra thích hợp nhất khi chúng ta xét sự phân chia các vị Bồ tát thành ba loại như sau:

    Ba dạng Bồ tát

    Giải rõ:

    Ngay vào lúc được thọ ký như trong trường hợp của đạo sĩ Sumedha, các vị Bồ tát có ba dạng: (1) Lược khai trí Bồ tát (Ugghaṭitaññā Bodhisatta), (2) Quảng viễn trí Bồ tát (Vipañcitaññā Bodhisatta) và (3) Sở dẫn đạo Bồ tát (Neyya Bodhisatta).
    Ugghaṭitaññā Bodhisatta – Lược khai trí Bồ tát là những bậc nếu muốn chứng đắc pháp giác ngộ của vị Thinh văn (Sāvaka Bodhi) trong chính kiếp sống mà họ được thọ ký, sẽ có phước hỗ trợ đặc biệt để chứng đắc đạo quả A-la-hán cùng với sáu Thắng trí (Abhiññā) và bốn Tuệ phân tích (Paṭisambhidā ñāṇa), ngay trước khi kết thúc câu kệ thứ ba của bài kệ gồm bốn câu do Đức Phật thuyết. Lược khai trí Bồ tát này cũng được gọi là Paññādhika Bồ tát. Dạng Bồ tát này có trí tuệ mạnh nhất.
    Vipañcitaññā Bodhisatta – Quãng viễn trí Bồ tát là những vị mà nếu muốn chứng đắc sự giác ngộ của vị Thinh văn trong chính kiếp sống mà họ được thọ ký, thì sẽ có phước hỗ trợ đặc biệt để chứng đắc đạo quả A-la-hán cùng với Lục thông và bốn loại Tuệ phân tích, trước khi kết thúc câu kệ thứ tư của bài kệ gồm bốn câu do Đức Phật thuyết. Dạng Bồ tát này cũng được gọi là Saddhādhika – có trí tuệ trung bình.
    Neyya Bodhisatta – Sở dẫn đạo Bồ tát là những vị mà nếu muốn chứng đạt sự giác ngộ của vị Thinh văn trong chính kiếp sống mà họ được thọ ký, sẽ có phước hỗ trợ đặc biệt để chứng đắc đạo quả A-la- hán cùng với Lục thông và bốn loại Tuệ phân tích, vào lúc kết thúc cả bài kệ gồm bốn câu do Đức Phật thuyết. Dạng Bồ tát này cũng được gọi là Viriyādhika Bồ tát – có trí tuệ yếu nhất.
    Cả ba dạng Bồ tát đều đã phát nguyện thành Phật trong vô số đại kiếp, trước khi được Đức Phật thọ ký. Tuy nhiên, sau khi được thọ ký rồi, họ thực hành các pháp pāramī trải qua đúng thời gian đã được giải rõ ở trên và chứng đạt Nhất thiết trí.

    Chứng đắc Phật quả sớm hơn là điều không thể được

    Lúa ra hoa, đậu ra hạt và chín chỉ sau một thời gian nhất định. Ngay cả khi có sự chăm sóc hết mức như tưới nước nhiều, v.v… cũng không thể cho quả sớm hơn thời gian tự nhiên được. Tương tự vậy, tất cả các dạng Bồ tát không cách nào chứng đạt đạo quả Phật trước khi thực hành viên mãn các pháp pāramī trong thời gian nhất định, dù hằng ngày họ thể hiện sự tinh tấn nhiều hơn trong sự thực hành các pháp Ba-la-mật, sự xả ly và các hạnh, vì trí tuệ của các vị chưa đạt đến chỗ thành thục và sự tích lũy các nhân tố thành Phật chưa được viên mãn.
    Do đó, nên hiểu rằng các pháp pāramī được thành tựu viên mãn đúng với thời gian đã được nêu trên.

  2. Những lợi ích nào phát sanh từ các pháp Pāramī ?

Với câu hỏi: “Những lợi ích nào phát sanh từ các pháp pāramī?” Câu trả lời tóm tắt là:

Những lợi ích phát sanh từ các pháp pāramī là không tái sanh vào A-tỳ-địa ngục, v.v…

Giải thích chi tiết:

Những lợi ích phát sanh từ các pháp pāramī là: không tái sanh trong mười tám loại kiếp sống bất hạnh (abhabbaṭṭhāna) như A-tỳ-địa ngục (Avīci), v.v… (sẽ được bàn đến ở cuối tập phẩm này); khả năng thực hành các pháp lợi sanh; hai mươi điều kỳ diệu (như đã được mô tả trong bài kinh Acchariya Abbhuta, của phẩm Suññata Vagga, Uparipaṇṇāsa, trong Majjhima Nikāya); sự thành tựu ước nguyện của vị Bồ tát; và tất cả những lợi ích khác như sự thành thạo trong nghệ thuật và các nghề thủ công, v.v… mà chúng ta thường thấy trong các bài kinh Bổn sanh (Jataka), các Phật sử (Buddhavaṁsa), v.v….

(Những lợi ích liên quan đến 15 cặp Pāramī được nêu ra ở mục số

12. Bài “Các pháp pāramī được rút gọn như thế nào?” cũng được xem là những lợi ích phát sanh từ các pháp pāramī).

Hơn nữa, những điều sau đây cũng là những lợi ích do các pāramī đem lại – Từ khi phát nguyện thành Phật, Bồ tát với lòng mong ước hạnh phúc cho chúng sanh đã trở thành giống như người cha của họ. Có những đức tánh siêu việt, Ngài xứng đáng thọ lãnh những vật cúng dường, đáng được tôn kính. Ngài giống như mảnh ruộng phì nhiêu để gieo vào những hạt giống phước. Ngài được chư thiên và nhân loại thương mến. Tâm của Ngài chan chứa từ bi nên Ngài không thể bị hại bởi các loài thú dữ như cọp, báo, sư tử, v.v. Là người có phước phi

thường ở bất cứ nơi nào Ngài sanh ra, Ngài vượt trội những kẻ khác về sắc đẹp, danh vọng, hạnh phúc, sức mạnh và quyền lực. Ngài thoát khỏi các chứng bịnh. Ngài có niềm tin rất thanh tịnh, sự tinh tấn, chánh niệm, định và trí tuệ. Ngài có ít phiền não, kết quả Ngài trở

thành người dễ chịu. Ngài nhẫn nại và vui thích trong các việc thiện. Ngài không tỏ thái độ nóng giận hay thù hằn, cũng không gièm pha kẻ khác. Ngài không có tánh thù địch, đố kỵ, xảo quyệt, đạo đức giả. Ngài không tự cao hay ngạo mạn. Ngài vắng lặng, thanh tịnh. Ngài luôn lưu tâm đến việc phước, nhẫn nại chịu đựng sự hành hạ của kẻ khác. Ngài không gây đau khổ cho họ. Dù ở bất cứ nơi nào, thị trấn, làng mạc hay các vùng, nơi Ngài ở đều thoát khỏi mọi nguy hiểm, tai họa. Bất cứ nơi nào Ngài sanh vào (ví dụ như trong kiếp trước khi Ngài sanh làm hoàng tử Temi) dù ở trong các cõi khổ như địa ngục Ussada (Đột khởi địa ngục) không giống như những tội đồ khác, Ngài không tỏ thái độ đau đớn trước những cực hình khủng khiếp, mà phát triển kinh cảm trí mỗi lúc một mạnh hơn.

Hơn nữa, sự thành tựu về thọ mạng (āyu-sampadā), sự thành tựu về sắc thân (rūpa-sampadā), sự thành tựu về quyến thuộc (kula- sampada), sự thành tựu về chủ quyền (issariya-sampadā), tánh khả nhận của lời nói (adeyyavacanatā), tánh vĩ đại của oai lực (mahānubhāvatā) cũng là lợi ích của các pháp pāramī.

Sự thành tựu về āyu-sampadā – thọ mạng là sự trường thọ trong bất cứ kiếp sống nào Ngài sanh ra. Với sự thành tựu này, Bồ tát làm được nhiều việc phước càng ngày càng to lớn hơn.

Sự thành tựu về rūpa-sampadā – sắc thân là sắc đẹp của thân. Với sự thành tựu này, Bồ tát khiến cho chúng sanh ngưỡng mộ và coi trọng vẻ đẹp của thân có niềm tin và sự kính trọng đối với Ngài.

Sự thành tựu về kula-sampada – quyến thuộc là sự tái sanh vào gia đình thuộc giai cấp cao. Với sự thành tựu này, ngay cả những người say mê, chấp thủ địa vị cũng đến với Ngài. Do đó, Ngài có thể tế độ họ, giúp họ tẩy trừ tánh ngã mạn của họ.

Sự thành tựu về issariya-sampadā – chủ quyền là tài sản to lớn, quyền lực to lớn và tùy tùng đông đảo. Do sự thành tựu này, Bồ tát có

thể ban những lợi ích đến những người xứng đáng qua tứ nhiếp pháp của Ngài và dẫn dắt những người cần được điều phục vào con đường chân chánh.

Adeyyavacanatā – tánh khả nhận của lời nói là làm người có lời nói đáng tin cậy. Với sự thành tựu này, Bồ tát được mọi người tin cậy như tin vào sự công bằng của chiếc cân.

Mahānubhāvatā – tánh vĩ đại của oai lực là sự tỏa sáng của oai lực. Bằng sự thành tựu này, Ngài không bị đánh bại trong khi Ngài nhiếp phục người khác theo chánh pháp.

Chính những sự thành tựu này là nguyên nhân cho sự trưởng thành của vô số pháp cần thiết về phước và là phương tiện mà nhờ đó chúng sanh bước vào ba cỗ xe, và cũng nhờ đó mà những người đã bước vào ba cỗ xe ấy đạt đến chỗ thành thục.

16. Quả của các pháp Pāramī là gì?

Đối với câu hỏi: “Quả của các pháp pāramī là gì?” Câu trả lời tóm tắt là:

Quả của các pháp pāramī là vô số ân đức của Đức Phật dẫn đầu bởi A-la-hán đạo trí (Arahattamagga) và Nhất thiết trí là sự Giác ngộ tối thượng. Nghĩa là sự chứng đắc đạo quả Phật là quả của những pháp pāramī.

Giải rõ:

Đó là sự hoạch đắc về sắc thân (rūpa-kāya) được tô điểm bởi nhiều đặc điểm như 32 hảo tướng của bậc đại trượng phu, tám mươi tướng phụ (sẽ được nói rõ trong bài lịch sử của Đức Phật Gotama). Hào quang từ thân của Ngài tỏa rộng tám mươi hắc tay ngay cả trong bốn điều kiện tối tăm (4 điều kiện tối tăm là – nửa đêm, tối ba mươi, trong

khu rừng rậm và dưới bầu trời dày đặc mây đen không có ánh sáng), sự hoạch đắc pháp thân (dhamma kāya) được thành lập dựa vào sắc thân và rực rỡ với vô số ân đức như Mười lực (Dasabala ñāṇa); Tứ tín tuệ (Catu vesārajja ñāṇa); Lục bất cộng trí (Cha-asādhārana ñāṇa); và Thập bát bất cộng pháp (Āvenika dhamma).

[Thập bát bất cộng pháp (Āvenika-dhamma):(i) Quá khứ vô chướng trí; (ii) Hiện tại vô chướng trí; (iii) Tương lai vô chướng trí; (iv) Trí tuệ dẫn đầu trong tất cả mọi hành vi của thân; (v) Trí tuệ đứng đầu trong tất cả mọi hành vi của lời nói; (vi) Trí tuệ đứng đầu trong tất cả mọi hành vi của ý; (vii) Không có sự thối giảm trong quyết định; (viii) Không có sự thối giảm trong tinh tấn; (ix) Không có sự thối giảm trong định; (x) Không có sự thối giảm trong trí tuệ;

(xi) Không có sự thối giảm trong việc thuyết pháp; (xii) Không có

sự thối giảm trong giải thoát; (xiii) Không say mê trong vui đùa;

  1. Không tạo ra những lỗi lầm ngốc nghếch; (xv) Mọi việc đều có thể phán đoán bằng trí tuệ; (xvi) Không có điều gì cần phải vội vã; (xvii) Không bao giờ chểnh mãng, dễ duôi; (xviii) Làm tất cả mọi việc phải suy xét đúng đắn.]

    Hơn nữa, các nhà Chú giải đã trích dẫn câu kệ sau đây để tóm tắt tất cả ân đức của một vị Phật:

    Buddhopi buddhassa bhaṇeyya vaṇṇaṃ kappaṃ pice aññaṃ abhasamāno

    khiyetha kappo cira dīghaṃ antare vaṇṇo na khiyetha tathāgatassa.

    “Những ân đức của một vị Phật rất nhiều đến nỗi ngay cả một vị Phật khác bỏ hết cả thời gian chẳng làm gì ngoài việc trú trong những ân đức của vị Phật ấy suốt cuộc đời, cũng không thể kể ra hết tất cả những ân đức ấy. Tất cả những ân đức như vậy của một vị Phật là Quả của các pháp pāramī.
    Vào lúc này, để khơi dậy niềm tịnh tín và kính ngưỡng đến vô lượng ân đức của Đức Phật, để giúp người đọc tác phẩm này tăng trưởng phước báu dẫn đến trí tuệ, tôi sẽ kết luận tập phẩm này bằng cách nhắc lại ba bài kệ của đạo sĩ Suruci, tiền thân của đại đức Sāriputta, tán dương Đức Phật Anomadassī:

    1. Sakkā samudde udakaṃ. pametum āḷhakena vā

      na tveva tava sabbaññū ñānaṃ sakkā pametave.

      Bằng cách nào đó người ta có thể đo được lượng nước mênh mông của đại dương. Tuy nhiên, không một ai dù là người hay chư thiên mà có thể dò được trí tuệ của Đấng Tối Tôn – Đức Phật Chánh biến tri,

    2. Dhāretuṃ pathaviṃ sakkā

      thapetvā tulamandale na tveva tava sabbaññū ñāṇaṃ sakkā dharetave

      Bằng cách nào đó, người ta có thể cân được toàn bộ khối lượng của đại địa này. Tuy nhiên, không ai dù là người hay chư thiên mà có thể dò được trí tuệ sâu rộng của Đấng Tối Tôn – Đức Phật Chánh biến tri.

    3. Ākāso minitum sakkā

rajjuyā angulena vā

na tveva tava sabbaññū ñāṇaṃ sakkā pametave.

Bằng bàn tay hay thước dây, người ta có thể tính được khoảng rộng của hư không. Tuy nhiên, không ai dù là người hay chư thiên mà có thể dò được trí tuệ sâu rộng của Đấng Tối Tôn – Đức Phật Chánh biến tri.

KẾT THÚC CHƯƠNG 7

TẠP PHẨM BÀN VỀ Ý NGHĨA VÀ CÁC VẤN ĐỀ KHÁC LIÊN QUAN ĐẾN CÁC PHÁP PĀRAMĪ



CHƯƠNG 8

MƯỜI TÁM BẤT KHẢ SỬ XỨ

ABHABBAṬṬHĀNA

Đây là mười tám loại kiếp sống mà vị Bồ tát đã được thọ ký sẽ không tái sanh vào. Những vị Bồ tát giống như đạo sĩ Sumedha đều có tám đặc tánh để được thọ ký thành Phật, và sau khi được thọ ký rồi thì không sanh vào 18 loại kiếp sống này trong suốt chuỗi dài luân hồi cho đến khi thành Phật. Những kiếp sống này được nêu ra trong bài diễn giải về kinh Khaggavisana ở bộ Chú giải Sutta Nipāta.

Mười tám kiếp sống là:

  1. Kiếp sanh ra bị mù.
  2. Kiếp sanh ra bị điếc.
  3. Kiếp sanh ra làm người điên dại.
  4. Kiếp sanh ra bị câm.
  5. Kiếp sanh ra bị què.
  6. Kiếp sanh làm người man rợ (bộ lạc).
  7. Kiếp sanh ra từ nữ nô lệ.
  8. Kiếp sanh làm người có tà kiếp cực đoan.
  9. Kiếp sanh làm người có giới tánh chuyển đổi (từ nam qua nữ)
  10. Kiếp sanh làm người phạm ngũ nghịch đại tội.
  11. Kiếp sanh làm người bị phong cùi.
  12. Kiếp sanh làm loài vật nhỏ hơn chim cút.
  13. Kiếp sanh làm ngạ quỷ khuppipāsikanijjhāmatanhika và A- tu-la kāla-kañcika [khuppipāsika (cơ khát ngạ quỷ) là loài ngạ quỷ luôn luôn bị đói; nijjhāmatanhika (thiêu khát ngạ quỷ) là một loài quỉ khác nữa luôn cảm thọ sự nóng cháy vì thân của nó luôn luôn bốc lửa. Đây là những loại quỉ mà trong kiếp trước chúng đã sanh làm vị tỳ khưu; những loại này đại đức Mục-kiền-liên đã gặp ở trên núi Kỳ xà quật (Gijjhakūta). Kāla
    kañcika là tên một loại A-tu-la có thân hình cao 3 gāvuta (1 gāvuta = ¼ do tuần, gần 4 km), nhưng vì có ít thịt và máu nên nước da của nó có màu lá úa vàng vỏ, nhợt nhạt, đôi mắt của nó nằm ở trên đầu, lồi ra như mắt của con tôm, miệng của nó nhỏ như cái lỗ khâu kim, cũng nằm trên đầu nên nó phải khom người tới trước để nhặt lấy vật thực.
  14. Kiếp trước sanh vào địa ngục vô gián (avicī) và địa ngục trung gian thế giới (lokantarika nằm giữa ba thế giới sa-bà, đó là chỗ mà những người làm ác phải chịu khổ vì những ác nghiệp mà họ đã gieo tạo trong kiếp trước nên được gọi là trung gian thế giới địa ngục).
  15. Kiếp sanh làm Ma vương (māra) ở cõi trời Tha hóa tự tại.
  16. Kiếp sanh làm Phạm thiên vô tưởng (Asaññasatta) và Phạm thiên ở các cõi Ngũ tịnh cư (Suddhāvāsa)
  17. Kiếp sanh vào các cõi Phạm thiên vô sắc (Arūpa) , và
  18. Kiếp sanh vào thế giới sa-bà khác.

Trong việc liệt kê 18 bất khả sử xứ, bộ Chú giải Aṭṭhasālinī và Chú giải Buddhavaṁsa có một số điểm tương đồng và nhiều điểm tương đồng với bộ Chú giải Sutta nipāta. Trong phần liệt kê 18 chỗ của bộ Chú giải Sutta nipāta, tám chỗ sau đây không có trong bộ Chú giải Aṭṭhasālinī:

  1. Kiếp sanh làm người điên.
  2. Kiếp sanh làm người què bẩm sinh.
  3. Kiếp sanh làm người man rợ.
  4. Kiếp sanh làm người có giới tánh thay đổi.
  5. Kiếp sanh ra từ bào thai của nữ nô lệ.
  6. Kiếp sanh làm người bị phong cùi, và
  7. Kiếp sanh làm Ma vương, và
  8. Kiếp sanh vào thế giới sa-bà khác.

Bộ Chú giải Aṭṭhasālinī không nêu ra con số chính xác về những kiếp sống này và những kiếp sống được liệt kê trong đó mà không có trong bộ Chú giải Sutta Nipāta là:

  1. Kiếp sanh làm nữ nhân.
  2. Kiếp sanh làm người có hai bộ phận sinh dục, một của nam và một của nữ.
  3. Kiếp làm người bị thiến.

(Bảng liệt kê của bộ Chú giải Buddhavaṁsa giống như của bộ Chú giải Aṭṭhālinī.)

Chữ Pāli gọi người có hai bộ phận sinh dục là ubhato vyañjanaka (ubhato nghĩa là “do bởi hai loại nghiệp trong quá khứ, người tạo ra nữ giới tánh và nam giới tánh; vyañjanaka nghĩa là “người có hai bộ phận sinh dục khác nhau”). Người có hai bộ phận sinh dục cũng có hai loại: người nữ và người nam.

Ở người nữ có hai bộ phận sinh dục, những đặc tánh của nữ giới xuất hiện trội hơn; ở người nam có hai bộ phận sinh dục, những đặc tánh của nam giới rõ nét hơn.

Khi người đàn bà có hai bộ phận sinh dục muốn hành dâm với một người đàn bà khác thì bộ phận sinh dục nữ sẽ biến mất và bộ phận sinh dục nam xuất hiện. Khi người đàn ông có hai bộ phận sinh dục muốn hành dâm với người đàn ông khác thì bộ sinh dục nam của anh ta biến mất và bộ sinh dục nữ tự hiện bày.

Người nữ có hai bộ sinh dục có thể mang thai và cũng có thể làm cho người đàn bà khác có thai. Người đàn ông có hai bộ phận sinh dục không thể mang thai, nhưng anh ta có thể làm cho người đàn bà có thai (Chú giải bộ Vinaya Mahāvagga).

Người bị thiến, chữ Pāḷi là paṇdaka (nghĩa là người có bộ phận sinh dục không hữu hiệu), dù là người nam nhưng anh ta không giống với những người đàn ông khác, ở chỗ anh ta không có sự hiệu nghiệm trong các hành động tình dục với nữ giới. Người bị thiến có năm loại:

  1. asitta-paṇḍaka: người làm thỏa mãn tình dục bằng cách nút dương vật của người đàn ông khác hoặc dùng miệng nút tinh khí của người đàn ông kia.

  2. ussuyya-paṇḍaka: người làm thỏa mãn tình dục của mình bằng cách trộm nhìn đôi nam nữ làm tình và cảm thọ khoái lac trong sự ganh tỵ với họ.

  3. opakkamika-paṇḍaka: người bị thiến như các vị họan quan.

  4. pakkha-paṇḍaka: người nổi cơn tình dục trong nửa tháng hạ huyền và tạm lắng tình dục trong nửa tháng thượng huyền.

  5. napumsaka-paṇḍaka: người sanh ra không có những đặc tánh về tình dục (đó là người sanh không có mười yếu tố về giới tính, có thể gọi là người phi nam phi nữ). Năm loại người này được rút ra từ Chú giải của bộ Vinaya Mahāvagga.

    (Nhóm 10 sắc tính gồm có: bốn nguyên chất là đất, nước, lửa, gió cộng thêm màu sắc, mùi, vị, dưỡng chất hay sắc vật thực, mạng quyền và sắc nam hay sắc nữ.)

    KẾT THÚC CHƯƠNG 8 MƯỜI TÁM BẤT KHẢ SỬ XỨ
    ABHABBAṬṬHĀNA

    

    CHƯƠNG 9

    LỊCH SỬ 24 VỊ PHẬT TỔ

    1. Dīpaṅkarā Buddhavaṁsa (Lịch sử Đức Phật Nhiên Đăng)

      Tác giả bàn sơ về chữ Miến Buddhavan, bắt nguồn từ chữ Pāḷi Buddhavaṁsa. Rồi tác giả nói tiếp như sau: Định nghĩa về chữ Buddhavaṁsa là như thế này: Ito heṭṭha kappasatasahassādhikesu catūsu asaṅkhyeyyesu uppaññānaṃ pañcavīsatiyā Buddhānam, uppaññkappādi paricchedavasena paveniviṭṭhārakathā Buddhavaṁso nāma.
      Từ định nghĩa này, ý nghĩa của chữ Buddhavaṃsa nên được hiểu là “Sự mô tả và trình bày về dòng dõi của 25 vị Phật, những bậc đã xuất hiện trải qua 4 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp, với 32 chi tiết như các đại kiếp có liên quan, tên của các Ngài, thọ tộc (họ), gia đình, v.v… là Buddhavaṃsa.”
      Đầu biên niên sử của tất cả những vị Phật này cùng với những chi tiết về các Ngài như các đại kiếp, v.v… được gọi là Buddhavaṃsa. Khi mỗi Ngài được nói đến thì chữ Buddhavaṃsa cũng có thể áp dụng cho tiểu sử của mỗi vị Phật. Ví dụ: Chữ Tăng (Saṅgha) là từ dùng để gọi hội chúng các bậc Thánh, tuy nhiên mỗi vị Thánh cũng có thể được gọi là Tăng hay Thánh Tăng.
      Do đó, nên hiểu rằng trong phần Dīpaṅkārā Buddhavaṁsa này, tiểu sử (với đại kiếp mà Đức Phật xuất hiện, v.v…) của Đức Phật Nhiên Đăng sẽ được đề cập đến.
      Trong bộ kinh Buddhavaṃsa, tiểu sử về Đức Phật Nhiên Đăng không nói rõ chi tiết về những sự kiện xảy ra vào lúc thọ sanh và vào lúc chào đời. Chỉ bấy nhiêu đây được đề cập về Ngài trong Sumedhakathā – Câu chuyện về ẩn sĩ Sumedha.

      Evaṃ me siddhipattassa vasibhutassa sāsane Dīpaṅkaro nāma jino uppajji lokanāyako Uppajjante ca jāyate bujjhante dhammadesane caturo nimitte nāddasiṃ jhānarati samappito.

      (Bồ tát Sumedha, vị ẩn sĩ, nói rằng: “Khi ta được thành tựu về Sa- môn pháp như vậy (thiền định và thần thông) thì Đức Phật Nhiên Đăng, Đức Thế Tôn xuất hiện.
      Vì mãi nhiếp tâm trong sự an lạc của thiền định nên ta đã bỏ qua không chứng kiến được những hiện tượng kỳ diệu xảy ra trong bốn trường hợp thọ sanh, đản sanh, thành đạo và chuyển pháp luân của Ngài.”
      Như vậy bộ kinh Buddhavaṃsa chỉ nói tóm tắt về sự xuất hiện của Đức Phật Nhiên Đăng trong câu chuyện về ẩn sĩ Sumedha. Chỉ trong bộ Chú giải Buddhavaṃsa chúng ta mới thấy được câu chuyện đầy đủ về Đức Phật Nhiên Đăng, với các chi tiết về các biến cố được sắp theo thứ tự bắt đầu từ chương nói về sự tái sanh của Ngài ở cõi trời Đâu suất đà (Tusitā).
      Cách đây (kiếp hiện tại này là Hiền kiếp – Bhadda kappa) bốn A- tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp, trong đại kiếp Saramanda (là kiếp có bốn vị Phật xuất hiện) có ba vị Phật lần lượt xuất hiện trong thế
      gian, đó là Đức Phật Taṅhankara, Đức Phật Medhankara và Đức Phật Saranankara. Sau đó đến trung kiếp Antara kappa, đó là kiếp suy vì thọ mạng của loài người giảm còn một trăm ngàn tuổi.
      Khi ấy tại kinh đô Ramavati, đức vua trị vì là Sudeva. Suốt thời gian trị vì của vị vua ấy, Bồ tát Nhiên Đăng đang thọ hưởng hạnh phúc của đời sống chư thiên ở cung trời Đâu Suất đà (Tusitā) sau khi Ngài đã thực hành viên mãn tất cả các pháp Ba-la-mật. Chư thiên từ mười ngàn thế giới đồng cu hội trước Bồ tát Nhiên Đăng và thỉnh cầu Ngài giáng sanh trần thế để thành Phật cứu độ chúng sanh. Đáp lại lời thỉnh cầu của họ, Bồ tát thọ sanh vào lòng của hoàng hậu Sumedhā, là chánh hậu của vua Sudeva, vào ngày rằm của tháng Āsalha (khoảng tháng 6 dương lịch), lúc mặt trăng giao hội với sao Uttarāsalha. Sau khi được chăm sóc kỹ lưỡng bởi đông đảo tùy tùng thị nữ và sau mười tháng tròn, Bồ tát chào đời.
      Vào lúc thọ sanh và lúc đản sanh của Ngài, xuất hiện ba mươi hai hiện tượng kiết tường như mười ngàn thế giới rung chuyển, v.v….
      Ba mươi hai hiện tượng này thường xảy ra trong bốn trường hợp thọ sanh, đản sanh, thành đạo và chuyển pháp luân của mỗi vị Bồ tát. Những hiện tượng này có chung đối với tất cả các vị Bồ tát và sẽ được mô tả khi đến phần kể về lịch sử của Đức Phật Gotama. Tuy nhiên trong bộ Chú giải kinh Buddhavaṃsa, ba mươi hai hiện tượng này và những sự kiện phụ được kể chi tiết ở chương nói về sự thọ sanh của Bồ tát Nhiên Đăng.
      Sau đó, Thái tử Nhiên Đăng được nuôi dưỡng và lớn lên trong cung vàng điện ngọc, và khi đến tuổi trưởng thành Ngài bước lên kế thừa ngôi vị đế vương.
      Khi thành vị hoàng đế, Ngài sống trong ba cung điện bằng vàng – cung điện thiên nga (haṃsa pāsāda), cung điện chim cò (koñca pāsāda) và cung điện chim công (mayūra pāsāda), luân phiên như vậy
      suốt mười ngàn năm. Có khoảng ba trăm ngàn nữ hầu xinh đẹp, trang sức lộng lẫy. Chánh hậu của Ngài là hoàng hậu Padumā và con trai là hoàng tử Usabhakkhandha.
      Khi đang thọ hưởng đời sống đế vương trong ba cung điện như ở cõi chư thiên, Thái tử Nhiên Đăng trên đường đi dạo chơi ở vườn thượng uyển, Ngài trông thấy một người già, một người bịnh và một người chết do các thiên sứ hóa hiện. Đầy kinh cảm (saṁvega), Ngài rời khỏi vườn thượng uyển và trở về hoàng cung. Ba lần như vậy, Ngài đều trông thấy các cảnh già, bịnh và chết. Khi muốn trở lại vườn thượng uyển lần thứ tư, Ngài cho gọi quản tượng đến và nói rằng: “Hôm nay ta sẽ đến ngoạn cảnh ở vườn thượng uyển. Hãy khởi tập những con voi.” “Thưa vâng, tâu bệ hạ,” người quản tượng nói và trở về sắp xếp đoàn voi. Mặc bộ y phục rực rỡ do vị thiên Vissakamma dâng, với tám mươi bốn ngàn con voi và một đoàn đại hùng binh theo hầu, Ngài cỡi trên con voi kiết tường và đi đến vườn thượng uyển. Sau khi xuống khỏi lưng con voi và đi ngoạn cảnh khắp khu vườn, ngồi trên tảng đá mát lạnh, dễ chịu, Ngài khởi chí xuất trần từ bỏ thế gian. Rồi Phạm thiên Mahā Brahmā, một vị A-la-hán ở cõi Ngũ tịnh cư (Suddhāvāsa), đem đến tám món vật dụng và đặt ở một chỗ để Bồ tát có thể trông thấy. Trông thấy tám món vật dụng, Bồ tát hỏi chúng là gì. Khi biết đó là đồ dùng cá nhân của vị Sa-môn, Ngài bèn cởi bỏ long bào, áo mão và trao cho vị quan quản khố, rồi dùng thanh kiếm cắt tóc và ném lên không trung.
      Khi ấy, Sakka, vua của chư thiên, cầm cái ô bằng vàng hứng lấy mớ tóc và tôn trí trong bảo tháp Makuta. Bảo tháp ấy bằng ngọc lục bảo, rộng ba do tuần, được xây dựng trên đỉnh núi Tu-di (Meru).
      Bồ tát mặc những chiếc y do Phạm thiên dâng cúng, rồi tung lên trời bộ y phục cũ của Ngài, được Phạm thiên tiếp nhận và đem tôn trí trong bảo tháp Dussa, cao mười hai do tuần, ở cõi Ngũ tịnh cư.
      Mười triệu người nghe tin thái tử đã xuất gia cũng noi theo gương
      Ngài xuất gia làm Sa-môn.
      Cùng với những vị Sa-môn đã đi theo gương của Ngài, Bồ tát thực hành pháp khổ hạnh gọi là Dukkaracariyā. Vào ngày rằm tháng tư (Vesākha) là ngày mà Ngài sẽ thành Phật, Bồ tát đi vào thị trấn để khất thực. Đó là ngày trùng hợp với ngày mà dân chúng trong thị trấn sửa soạn món cơm sữa để cúng thần. Tuy nhiên vật thực ấy lại được dâng cúng đến Bồ tát và mười triệu tùy tùng của Ngài.
      Sau khi độ xong món cơm sữa, Bồ tát trải qua suốt ngày trong rừng cây sa-la ở vùng lân cận và đến chiều, sau khi bỏ lại tất cả tùy tùng, Ngài một mình đi đến cây đại bồ đề.

      Sự Thành đạo và Chuyển pháp luân

      Trên đường đi, Bồ tát nhận lấy tám nắm cỏ từ một người dị giáo tên là Sunanda, và ngay khi mớ cỏ vừa rải xong dưới cội cây bồ đề thì Vô địch bảo tọa (Aparājitapallaṅka) có kích thước năm mươi ba hắc tay xuất hiện.
      (Nói về bảo tọa có kích thước năm mươi ba hắc tay, một số vị cho rằng kích thước ở đây ám chỉ bề cao và số khác thì cho rằng đó là bề rộng như đã được tìm thấy trong các bộ Phụ chú giải dưới thời kỳ Inwa. Những lời giải thích chi tiết này sẽ được bàn đến khi chúng ta đi đến câu chuyện về Đức Phật Gotama).
      Ngồi kiết già trên ‘vô địch bảo tọa’ dưới cội cây Bồ-đề, Bồ tát thể hiện bốn mức độ tinh tấn và chiến thắng Ma-vương cùng đồng bọn. (Bốn mức độ tinh tấn nghĩa là sự tinh tấn ở bốn mức độ khi (i) da, (ii) gân, (iii) xương, và (iv) thịt và máu khô cạn). Trong canh đầu Ngài chứng đắc Túc mạng trí, Pubbenivāsa ñāṇa ( trí giúp người ta có thể biết được những kiếp quá khứ). Canh giữa, Ngài chứng Thiên nhãn trí, Dibbacakkhu ñāṇa (trí thấy được những cái vi tế ở rất xa mà mắt
      thường không thể thấy được). Vào canh cuối, Ngài quán pháp Duyên khởi, Paticcasamuppada theo thứ tự xuôi và ngược rồi dừng lại. Sau đó Ngài nhập vào tứ thiền qua pháp niệm Hơi thở (Ānāpāna) ; xuất khỏi tứ thiền và quán về năm uẩn, Ngài thấy rõ năm mươi đặc tính liên quan đến sự sanh và diệt của các uẩn này và rồi phát triển Minh sát tuệ (Vipassanā) đến Tuệ chuyển tộc (Gotrabhū ñāṇa). Khi mặt trời vừa mọc thì pháp này dẫn đến sự thông đạt đạo quả A-la-hán tất cả những ân đức của một vị Phật và dẫn đến Phật quả tối thượng trong 3 cõi.
      Sau khi đã chứng đắc Phật quả, Đức Phật trải qua bảy ngày ở từng nơi trong bảy chỗ quanh cây bồ đề, thọ hưởng sự an lạc của Quả Định (Phala-samāpatti). Rồi nhận lời thỉnh cầu của Phạm thiên, Đức Phật thuyết bài pháp đầu tiên, Chuyển pháp luân kinh (Dhammacakka- pavattana Sutta), ở tại khu rừng Sunandārāma và sau thời pháp có một ngàn triệu nhân loại, chư thiên và Phạm thiên giác ngộ Tứ Diệu Đế.
      Vào lúc thành đạo và lúc Chuyển pháp luân của Ngài, ba mươi hai hiện tượng kiết tường xảy ra.
      Nhưng hiện tượng này (ở bốn trường hợp khi Bồ tát Nhiên Đăng thọ sanh, đản sanh, thành đạo và chuyển pháp luân) đã xảy ra mà ẩn sĩ Sumedha không hề hay biết vì vị ấy mãi an trú trong sự an lạc của thiền định.

      Chuyến hành trình của Đức Phật

      Sau khi thuyết giảng bài pháp đầu tiên, Đức Phật Dīpaṅkarā khởi hành để đem lại lợi ích cho nhân loại, chư thiên và Phạm thiên. Trong khi đang ngụ ở tịnh xá Sudassana trong thành Rammavatī, theo lời mời của cư dân, Đức Phật đi để thọ lãnh vật thực của họ. Trong khi Ngài đang độ thực thì quả đất chấn động dữ dội do kết quả của sự quán xét về các pháp Ba-la-mật của ẩn sĩ Sumedha. Dân chúng lấy làm kinh sợ và hỏi Đức Phật về nguyên nhân của trận động đất. Đức
      Phật dạy rằng không có gì phải sợ hãi vì nguyên nhân là do sự quán xét về các pháp Ba-la-mật của ẩn sĩ Sumedha, dân chúng bèn kéo nhau đến viếng ẩn sĩ và tán dương vị ấy không ngớt lời. Sau đó ẩn sĩ Sumedha trở về chỗ ngụ của vị ấy ở trong rừng. Tất cả những điều này được kể lại trong câu chuyện Sumedha. Những chi tiết còn lại là như sau:
      Khi dân chúng thành Rammavati đã cúng dường vật thực đến Đức Phật Dīpaṅkarā và bốn trăm ngàn vị tỳ khưu của Ngài, họ bày tỏ sự tôn kính Đức Phật bằng những bông hoa, vật thơm, v.v… và rồi ngồi xuống ở chỗ ngồi phải lẽ để lắng nghe Ngài thuyết pháp.
      Rồi Đức Phật Dīpaṅkarā thuyết giảng đến hội chúng như vầy:

      1. Dānaṃ nāma sukhādīnaṃ nidānaṃ paramaṃ mataṃ dibbānaṃ, pana bhogānaṃ patiṭṭhāti pavuccatī.

        Dāna nên được hiểu là nguyên nhân cao quý để đem lại hạnh phúc ở cõi người, cõi trời và Niết bàn. Nó được xem là nền tảng cho những thú vui ở cõi chư thiên.

        “Bắt đầu bằng những lời này, bài pháp thoại khả ái về sự thực hành bố thí (dānakathā) được ban ra.”

      2. Sīlaṃ nām etaṃ idhaloka-paraloka sampatīnaṃ mūlaṃ.

        Sīla là nguồn gốc của mọi hình thức thịnh vượng ở đời này và đời

        sau.
        Bằng cách này và nhiều cách khác, bài pháp thoại về giới
        (sīlakathā) được nói ra một cách chi tiết.

      3. Tiếp theo, Đức Phật Dīpaṅkarā thuyết giảng về các chỗ ngụ chư
        thiên (Saggakathā) để giải thích về giới dẫn đến hạnh phúc ở cõi chư
        thiên. “Cõi chư thiên khả ái, khả lạc, khả hỉ và thật sự hạnh phúc. Cõi chư thiên này đem lại sự vui sướng và hoan hỷ miên viễn. Chư thiên ở cõi Tứ đại thiên vương (Catumahārājika deva) hưởng hạnh phúc suốt chín triệu năm theo cách tính của loài người.” Nhân đây, Đức Phật thuyết giảng sự thành đạt hạnh phúc của chư thiên.
      4. Sau khi khiến mọi người khởi tâm tịnh tín và hưng phấn bằng pháp thọai này để họ có sự vui thích trong sự thực hành bố thí và trì giới, Đức Phật tiếp tục giảng dạy rằng ngay cả hạnh phúc của chư thiên cũng không vĩnh hằng, cho nên ta không nên quá tham luyến nó. Bằng cách này, Đức Phật chỉ ra những điều bất lợi, tánh bất tịnh và tánh chất không xứng đáng của các dục lạc, đồng thời Ngài cũng dạy những lợi ích từ sự xả ly chúng. Ngài kết thúc thời thuyết giảng bằng bài pháp thoại về Niết bàn bất tử.
        Qua pháp thoại này, Đức Phật đã tiếp độ toàn thể hội chúng tham dự thính pháp, một số được an trú trong Tam quy, một số trong Ngũ giới, số khác chứng quả Nhập lưu (Sotāpatti-phala), Nhất lai (Sakadāgāmiphala), Bất lai (Anāgāmi-phala) và một số an trú trong A-la-hán đạo quả (Arahatta-phala). Một số được an trú trong Tam minh, số thì an trú trong Lục thông và số khác an trú trong Bát thiền. Rồi Đức Phật rời khỏi thành Rammavati và trở về tịnh xá Sudassana.

        Ba Thắng thời thuyết pháp của Đức Phật Dīpankāra (Dhammābhisamaya)

        Sau khi trải qua bốn mươi chín ngày quanh khu vực của đại thọ Bồ đề, Đức Phật Dīpaṅkarā thuyết giảng bài pháp đầu tiên – Chuyển pháp luân kinh trong khu rừng Sunandārāma theo lời thỉnh cầu của Đại Phạm thiên và đã ban phát Diệu pháp, nước bất tử đến một ngàn triệu chư thiên và nhân loại.
        (Đây là Dhammābhisamaya thứ nhất)
        Tiếp theo, khi biết rằng con trai của Ngài là hoàng tử Usabhakkhandha có trí tuệ đã thành thục, Đức Phật Dīpaṅkarā bèn thuyết pháp và ban phát Diệu pháp, nước bất tử, đến chín trăm triệu chư thiên và nhân loại (cũng như Đức Phật của chúng ta đã thuyết bài kinh Cūla Rahulovāda và an trú cho hoàng tử Rāhula trong quả thánh A-la-hán).
        (Đây là Dhammābhisamaya thứ hai)
        Cuối cùng, sau khi đã thắng phục các ngoại đạo sư gần cây Sirīsa tại cổng thành Rammavati và thị hiện Song thông gồm nước và lửa, Đức Phật đã thuyết giảng Tạng A-tỳ-đàm (Abhidhamma) khi đang ngồi trên tảng đá Paṇḍukambala dưới cội cây Pāricchattaka ở cung trời Đao lợi thiên (Tāvatiṃsa), và đã ban phát Diệu pháp, nước bất tử, đến chín trăm triệu chư thiên và nhân loại dẫn đầu là vị thiên mà trong kiếp trước của ngài, là mẹ của Đức Phật.
        (Đây là Dhammābhisamaya thứ ba).

        Ba kỳ đại hội Thánh Tăng – Sannipāta

        Có ba trường hợp đại hội của chư Thinh văn đệ tử của Đức Phật Nhiên Đăng, một là ở khu rừng Sunandārāma, ở đó các vị A-la-hán từ khắp các miền đến dự hội, số lượng lên đến một ngàn triệu vị.
        (Đây là Sannipāta thứ nhất)
        Tiếp theo là kỳ họp của các vị Thanh văn đệ tử diễn ra tại núi Nārada. Một lần nọ, trong khi đang trên đường du hành hóa độ chúng sanh cùng với bốn trăm ngàn vị tỳ khưu, Đức Phật Dīpaṅkarā đã đến tại ngọn núi xinh đẹp Nārada – nơi có đầy đủ những đặc tánh kỳ diệu.
        Ngọn núi này do một vị Dạ xoa tên là Nāradeva chiếm cứ và hằng năm dân chúng thường đem người đến tế lễ.
        Thấy rằng dân chúng cần được tế độ vì những phước báu của họ trong quá khứ, Đức Phật bỏ lại chúng tỳ khưu rồi một mình đi lên ngọn núi ấy. Dạ xoa nổi giận và làm cho ngọn núi rung chuyển để dọa Đức Phật bỏ đi. Khi thấy Đức Phật vẫn bình thản uy nghiêm dù đã dùng đủ cách để dọa dẫm Ngài, vị ấy tự nghĩ rằng: “Vị đại Sa-môn này quả thật phi thường! Vị ấy quả thật hùng mạnh! Quả của những điều ác mà ta đã làm sẽ dội trở lại với ta. Không có chỗ nương tựa nào khác dành cho ta ngoài vị đại Sa-môn này, như một người bị trượt té trên đất phải nương vào chính chỗ đó mà đứng dậy, giờ đây ta sẽ quy y với vị Sa-môn này.”
        Với ý nghĩ này, dạ xoa dập đầu dưới chân Đức Phật, hai lòng bàn chân của Ngài có một trăm lẻ tám hảo tướng, rồi dạ xoa sám hối và xin quy y với Ngài. Đức Phật ban bài thoại Dānakathā, Sīlakathā, v.v… theo tuần tự. Cuối thời pháp của Ngài, Naradeva và tùy tùng gồm mười ngàn dạ xoa đều được an trú trong quả thánh Nhập lưu.
        Vào ngày Naradeva chứng Nhập lưu thánh quả, dân chúng từ khắp xứ Jambudīpa, mỗi làng đem đến một người để tế lễ dạ xoa. Họ cũng mang theo những lượng lớn dầu mè, gạo, các loại đậu, bơ, sữa, mật ong, mật đường, v.v…. Naradeva đã trả lại tất cả thực phẩm cúng tế cho chủ của chúng, còn những người là vật tế thì vị ấy dâng đến Đức Phật.
        Rồi Đức Phật truyền phép xuất gia ‘Thiện lai tỳ khưu – Ehi- bhikkhu’ cho những người này và giúp họ chứng đạt đạo quả A-la-hán trong vòng bảy ngày. Vào ngày rằm tháng giêng (Magha), giữa hội chúng gồm một ngàn triệu vị A-la-hán, Đức Phật ban lời giáo huấn về Pāṭimokkha đến hội chúng Thánh Tăng có bốn đặc điểm.
        Vị Ehi-bhikkhu không cần phải kiếm y, bát, v.v… để trở thành vị
        Sa-môn, khi được Đức Phật gọi câu “Hãy đến, này tỳ khưu” thì tướng
        mạo cư sĩ của vị này biến mất, vị này tự nhiên có tướng mạo của vị sa- môn chửng chạc, sáu mươi hạ tỳ khưu.
        Bốn đặc điểm là:

        1. Tất cả những người tham dự đều là những vị thiện lai tỳ khưu;
        2. Tất cả những vị tham dự đều có Lục thông;
        3. Tất cả những vị tham dự đều đến mà không cần đến sự triệu gọi của Đức Phật.
        4. Đại hội diễn ra vào ngày rằm, ngày lễ Uposattha. (Đây là Sannipāta lần thứ hai)

      Một dạo nọ, Đức Phật Dīpaṅkarā an cư kiết hạ ở núi Sudassana. Khi mùa an cư đã qua, dân chúng của xứ Diêm phù đề (Jambudīpa) đi đến núi để tổ chức lễ hội hằng năm. Tình cờ họ gặp Đức Phật, nghe Ngài thuyết pháp và đầy hoan hỷ họ xuất gia trở thành những vị Sa- môn. Khi Đức Phật thuyết pháp cho họ một lần nữa vào ngày Đại tự tứ (Mahā pavāranā) (trăng tròn tháng Assayuja – tháng 9) thì các tỳ khưu mới xuất gia đều chứng đắc đạo quả A-la-hán, qua các giai đoạn của Tuệ quán và Đạo là quả của sự thiền quán của họ về các pháp hữu vi trong ba cõi. Đức Phật tổ chức lễ Tự tứ với chín trăm ngàn triệu vị A-la-hán.
      (Đây là Sannipāta lần thứ ba)
      Những bài pháp thông thường do Đức Phật Dīpaṅkarā thuyết, dẫn đến sự giác ngộ Tứ Diệu Đế cho vô số chúng sanh.
      Lúc bấy giờ, giáo pháp hoàn toàn thanh tịnh của Đức Phật đã lan truyền khắp nơi. Vô số chúng sanh – nhân loại, chư thiên và Phạm thiên đã lãnh hội giáo pháp ấy. Giáo pháp toàn vẹn và hoàn hảo bởi những ân đức tương tự như vậy.
      Đức Phật Dīpaṅkarā, bậc thông suốt Tam giới, luôn có bốn trăm ngàn vị A-la-hán Thanh văn đệ tử theo hầu – các Ngài là những bậc rất uy lực, có đầy đủ lục thông.
      Trong suốt thời kỳ giáo pháp của Đức Phật Dīpaṅkarā, những người chết mà vẫn còn là bậc hữu học (sekkha) khi đang phấn đấu để chứng đắc đạo quả A-la-hán nhưng không thành, tất cả đều bị xem thường.
      Giáo pháp của Đức Phật Dīpaṅkarā phổ cập khắp thế gian và tiếp tục chói sáng chừng nào còn những vị A-la-hán, những bậc đã chiến thắng kẻ thù phiền não, vô nhiễm đối với các cảnh dục và đã thoát khỏi các pháp bất tịnh và các lậu hoặc.

      Những chi tiết đặc biệt về Đức Phật Dīpankarā

      Nơi đản sanh của Đức Phật Dīpaṅkarā là thành phố Rammavatī. Phụ vương là vua Sudeva và mẫu hậu là hoàng hậu Sumedhā.
      Hai đại đệ tử tay trái và tay mặt là trưởng lão Sumaṅgala và trưởng
      lão Tissa.
      Thị giả là trưởng lão Sāgata.
      Hai đại đệ tử nữ là trưởng lão Ni Nandā và trưởng lão Ni Sunandā. Cây đại bồ đề là cây Pipphala.
      Hai cận sự nam là Tapussa và Bhallika. Hai cận sự nữ là Sirimā và
      Soṇā.
      Ngài cao tám mươi hắc tay. Ngài rực rỡ như cột lửa phát sáng, như cây đại sala đang độ nở hoa.
      (Lợi ích của những chi tiết đặc biệt này là – Nếu không có những chi tiết này thì người ta dễ hiểu lầm rằng Ngài là vị chư thiên, ma vương, dạ xoa hoặc Phạm thiên. Người ta có thể nghĩ rằng, đối với
      một vị thiên như vậy thì những sự kiện phi thường có xảy ra cũng không lạ lùng gì. Điều này sẽ dẫn đến quan niệm sai lầm là giáo pháp của Ngài không đáng nghe. Như vậy sẽ không có sự Giác ngộ chân lý (sự chứng đạt giải thoát). Ngược lại, những chi tiết đặc biệt sẽ làm khởi sanh niềm tin chân chánh rằng: “Đây quả thật là một con người đầy hùng lực.” Với niềm tin như thế, chúng sanh sẽ lắng nghe Giáo pháp của Ngài và nhờ đó giác ngộ được chân lý giải thoát luân hồi.)
      Hào quang tự nhiên từ thân của Đức Phật Dīpaṅkarā tỏa rộng khắp các hướng, xa mười hai do tuần. Thọ mạng của Ngài là một trăm ngàn năm.
      Thêm một chi tiết đặc biệt khác, được nêu ra trong các bộ Chú giải nhưng không có trong chánh kinh.
      Khi còn sống cuộc đời thế tục, Đức Phật Dīpaṅkarā có ba cung
      điện: Haṃsa, Koñca và Mayūra.
      Ngài có ba trăm ngàn cung nữ. Chánh hậu là Padumā Devī, con trai
      là Usabhakkhandha. Thời gian trị vì của Bồ tát là mười ngàn năm.
      Khi Ngài từ bỏ thế gian, Ngài ra đi bằng voi. Khi thành Phật, Ngài
      sống ở khu vườn Nandārāma.
      Sống trải qua thời gian dài như vậy, Đức Phật đã cứu độ cho vô số chúng sanh thoát khỏi đau khổ.
      Sau khi đã làm cho ba phần của Giáo pháp như pháp Học (Pariyatti), pháp Hành (Patipatti) và pháp Thông đạt (Pativedha) chiếu sáng khắp thế gian, và sau khi đã giải thoát cho vô số chúng sanh, Đức Phật Dīpaṅkarā và chúng Thinh văn đệ tử của Ngài cuối cùng cũng viên tịch Đại Niết bàn, như ngọn lửa lớn chợt tắt sau khi đã chiếu sáng rực rỡ khắp mười phương.

      Quán về Vô thường, v.v… ( Saṃvega )

      Sự chói sáng của Đức Phật Dīpaṅkarā, những tướng hảo của hai bàn chân, và hội chúng của Ngài gồm bốn trăm ngàn vị Thánh thanh văn đệ tử – tất cả đều là những vị A-la-hán – Tất cả đều diệt mất. Ôi, tất cả pháp hữu vi đều vô thường! Chúng quả thật là vô ngã!

      Sự xây dựng bảo tháp

      Như vậy Đức Phật Dīpaṅkarā, bậc đã thông đạt Tứ Thánh Đế, cuối cùng đã viên tịch đại Niết bàn tại khu vườn Nandārāma. Cũng trong khu vườn ấy, ngôi bảo tháp (cetiya) đã được dựng lên, cao ba mươi do tuần, dành cho Đức Phật Nhiên Đăng, Dīpaṅkarā – Xá lợi của Ngài được tôn trí trong đó. Dân chúng khắp xứ Diêm phù đề đã kéo đến để đóng góp vào việc xây dựng bảo tháp bằng bảy loại ngọc.

      Chấm dứt lịch sử Đức Phật Nhiên Đăng 

      Dīpaṅkarā Buddhavaṃsa

      

    2. Koṇḍañña Buddhavaṁsa

      (Lịch sử Đức Phật Kiều Trần Như)

      Kiếp mà Đức Phật Dīpaṅkarā xuất hiện cuối cùng đã kết thúc. Khi A-tăng-kỳ kiếp (asaṅkheyya) đã trôi qua, sau đó một kiếp mới Đức Phật Kiều Trần Như, Koṇḍañña xuất hiện.
      (Dù A-tăng-kỳ là con số không thể tính đếm được, thời gian giữa Đức Phật Nhiên Đăng và Đức Phật Kiều Trần Như, gọi là Buddhantara-asaṅkheyya được hiểu là khoảng thời gian giữa hai vị Phật).
      Đây là cách mà Đức Phật Koṇḍañña xuất hiện: Sau khi đã thành tựu viên mãn các pháp Ba-la-mật trải qua 60 asaṅkheyya (A-tăng-kỳ)
      và một trăm ngàn đại kiếp và đang thọ hưởng cuộc sống ở cung trời Đâu Suất (Tusitā), là truyền thống của chư vị Bồ tát. Khi được chư thiên thỉnh cầu giáng sanh cõi người để thành Phật, Ngài đã giáng trần thọ sanh vào lòng của hoàng hậu Sujātā trong hoàng cung của vua Sananda, kinh đô là Rammavati.
      (Vào lúc Ngài giáng sanh, ba mươi hai hiện tượng kiết tường đã xảy ra).
      Sau mười tháng, Bồ tát đản sanh. Vào lúc Ngài đản sanh, ba mươi hai hiện tượng kiết tường và những sự kiện kỳ diệu khác cũng xảy ra.
      (Tất cả những điều này sẽ được nói rõ khi chúng ta đến phần lịch sử của Đức Phật Gotama.)

      Đời sống trong hoàng cung

      Bởi vì Bồ tát thuộc dòng họ Koṇḍañña nên Ngài có tên là Thái tử Koṇḍañña (Kiều Trần Như). Khi đến tuổi trưởng thành, Ngài thọ hưởng đời sống đế vương trong mười ngàn năm. Sống trong ba cung điện vàng khả ái nhất, là Suci, Suruci và Subha với chánh hậu tên Ruci Devī và được hầu hạ, chăm sóc bởi ba trăm ngàn cung nữ và vũ nữ.

      Sự xuất gia

      Trong khi thái tử Koṇḍañña đang sống như vậy thì hoàng hậu Ruci Devī hạ sanh một hoàng nam tên Vijitasena. Khi trông thấy bốn điềm tướng: một người già, một người bịnh, một người chết và một vị sa- môn, Bồ tát từ bỏ thế gian, cỡi trên chiếc xe do bốn con tuấn mã kéo.
      Sự xuất gia của Thái tử Koṇḍañña khiến cho một trăm triệu người theo gương Ngài xuất gia làm Sa-môn.
      Bồ tát Koṇḍañña cùng một trăm triệu Sa-môn thực hành pháp khổ hạnh. Vào ngày Ngài sắp thành đạo, Bồ tát độ món cơm sữa do Yasodharā, con gái của vị trưởng giả ở ngôi làng Sunanda dâng cúng. Ngài trải qua suốt ngày trong rừng cây Sala của ngôi làng ấy, và đến chiều Ngài bỏ lại tất cả những vị Sa-môn tùy tùng, một mình đi đến cây bồ đề. Trên đường đi, Ngài nhận tám nắm cỏ do một người dị giáo tên Sunanda dâng cúng, và ngay khi vừa trải xong mớ cỏ dưới cội cây Salakalyāni thì Vô địch bảo tọa (Aparājita Pallaṇka), cao năm mươi bảy hắc tay xuất hiện.

      Sự thành đạo

      Ngồi kiết già trên bảo tọa, Bồ tát thể hiện tinh tấn ở bốn mức độ và chiến thắng Ma vương cùng với đông đảo binh ma. Ngài chứng Túc mạng thông (Pubbenivāsa ñāṇa) trong canh đầu và Thiên nhãn thông (Dibbacakkhu ñāṇa) trong canh giữa. Trong canh cuối Ngài quán pháp Duyên khởi (Paticcasamuppāda) theo thứ tự xuôi và ngược. Sau đó Ngài nhập vào tứ thiền qua phép niệm Hơi thở (Ānāpāna), xuất khỏi tứ thiền và trong khi quán về Ngũ uẩn, Ngài phân biệt rõ năm mươi đặc tánh liên quan đến sự sanh và diệt của các uẩn và phát triển Tuệ minh sát (Vipassanā) đến Chuyển tộc tuệ (Gotrabhū ñāṇa), chứng đắc A-la-hán đạo tuệ (Arahatta-magga ñāṇa) và thông đạt tất cả mọi ân đức của một vị Phật. Ngài chứng Phật quả tối thượng vào lúc mặt trời vừa mọc.

      Ba Thắng thời thuyết pháp của Đức Phật Koṇḍañña Dhammābhisamaya

      Sau khi chứng đắc Phật quả, Đức Phật trải qua bốn mươi chín ngày trong bảy chỗ quanh khu vực của cây bồ đề, mỗi chỗ bảy ngày. Trong tuần lễ thứ tám, Ngài nhận lời thỉnh cầu của Phạm thiên để thuyết pháp độ sanh và suy xét ai sẽ được tiếp độ trước nhất. Ngài nhớ đến một trăm triệu Sa-môn đã theo Ngài xuất gia và suy xét về chỗ ở của
      họ, thấy rằng họ đang ngụ ở khu rừng Devavana, Thiên lâm, của thị trấn Arudhavati, cách cây bồ đề mười tám do tuần. Ngài đem theo y bát và vận dụng thần thông đi đến chỗ của họ.
      Nhìn thấy Đức Phật Koṇḍañña từ xa đến, với lòng đầy niềm tịnh tín, một trăm triệu Sa-môn đã đón tiếp Ngài hết mực tôn kính, đỡ lấy y bát của Ngài, sắp xếp chỗ ngồi và cung kính làm lễ Ngài. Sau đó họ ngồi xuống nơi thích hợp, vây quanh Đức Phật.
      Đức Phật thuyết bài kinh Chuyển pháp luân (Dhammacakkapavattana Sutta), theo qui luật tất cả chư Phật quá khứ đều làm như vậy.
      Đức Phật Koṇḍañña có oai lực vô lượng; có tùy tùng và danh tiếng vô song; có vô số ân đức; tướng mạo của Ngài khiến những kẻ hống hách phải kinh sợ; có sự nhẫn nại như đại địa; giới mạnh mẽ như nước trong đại dương, định vững chắc như núi Tu-di; trí tuệ vô cùng như hư không bao la; luôn luôn chuyên tâm vào việc thuyết giảng Ngũ căn (indriya), Ngũ lực (bala), Thất bồ đề phần (bojjhaṅga), Bát chánh đạo phần (maggaṅga), Tứ Diệu Đế (sacca), là những pháp dẫn đến Giác ngộ, vì lợi ích cho đông đảo chúng sanh.
      Trong thời pháp này, một ngàn triệu chư thiên và nhân loại, dẫn đầu là một trăm triệu vị tỳ khưu đều giác ngộ Tứ Thánh Đế.
      (Đây là Dhammābhisamaya lần thứ nhất mà trong đó Đức Phật thuyết Tứ Diệu Đế đến nhân loại, chư thiên và Phạm thiên).
      (2) Vào một dịp khác, Đức Phật thuyết bài kinh Maṅgala Sutta giữa hội chúng đông đảo có chư thiên và Phạm thiên từ mười ngàn thế giới đến dự (với cơ thể tinh tế nên đủ chỗ cho họ trong vũ trụ). Tại đạo tràng này, một vị thiên đã nêu lên câu hỏi về các điều hạnh phúc, điều gì mang lại đời sống an lành. Để trả lời vị thiên ấy, Đức Phật thuyết bài kinh Maṅgala Sutta.
      Trong thời pháp ấy, chín trăm ngàn triệu chư thiên và nhân loại chứng đắc đạo quả A-la-hán, những vị chứng đạt những quả Thánh thấp hơn thì vô số.
      (Đây là Dhammābhisamaya lần thứ hai của Đức Phật về Tứ Diệu Đế đến nhân loại, chư thiên và Phạm thiên).
      Sau khi thắng phục các ngoại đạo sư, Đức Phật thị hiện Song thông gồm nước và lửa khi đang đứng giữa hư không, Ngài thuyết pháp khiến tám trăm ngàn triệu nhân loại, chư thiên và Phạm thiên đều chứng đắc đạo quả A-la-hán. Những vị được an trú trong các tầng Thánh thấp hơn thì vô số.
      (Đây là Dhammābhisamaya lần thứ ba của Đức Phật về Tứ Diệu Đế đến nhân loại, chư thiên và Phạm thiên).

      Ba kỳ Đại hội Thánh Tăng – Sannipāta

      Cũng có ba kỳ đại hội, là những cuộc hội họp của những vị Thinh văn đệ tử của Đức Phật Koṇḍañña.
      Kỳ đại hội thứ nhất diễn ra ở khu rừng Canda, Candavati là thành phố bảo hộ Đức Phật khi Ngài an cư kiết hạ lần đầu tiên sau khi thông đạt Tứ Thánh đế, chứng đắc Phật quả.
      Trong thành phố ấy có hai chàng trai, một là Bhadda – con trai của Sucindhara, và thứ hai là Subhadda – con trai của Yasodhara; cha của họ đều thuộc dòng dõi gia đình Bà-la-môn rất giàu có. Khi nghe Đức Phật Koṇḍañña thuyết pháp, kết quả hai chàng thanh niên đã phát triển tâm tịnh tín cùng với mười ngàn chàng trai khác xuất gia trước Đức Phật và chứng đắc đạo quả A-la-hán. Ở đó, hội chúng gồm một ngàn triệu vị A-la-hán, dẫn đầu là trưởng lão Subhadda. Đức Phật đã tụng Pāṭimokkha vào ngày rằm tháng năm (Jettha).
      (Đây là Sannipāta lần thứ nhất)
      Một thời gian sau, con trai của Đức Phật – hoàng tử Vijitasena, sau khi trở thành vị tỳ khưu đã chứng đắc đạo quả A-la-hán. Đức Phật tụng Pāṭimokkha giữa hội chúng gồm một ngàn triệu vị A-la-hán do trưởng lão Vijitasena dẫn đầu.
      (Đây là Sannipāta lần thứ hai)
      Cuối cùng, vào một dịp khác khi đang du hành về quê hương, Đức Phật Koṇḍañña đã truyền phép xuất gia cho đức vua Udena và tùy tùng của vị ấy. Khi tất cả họ đều chứng đắc đạo quả A-la-hán, Đức Phật cùng chín trăm triệu vị A-la-hán, dẫn đầu là trưởng lão Udena, đã tụng Pāṭimokkha.
      (Đây là Sannipāta lần thứ ba)

      Đức Phật Koṇḍañña- Kiều Trần Như thọ ký cho Chuyển luân

      vương Vijitāvī, tức Bồ tát Gotama

      Lúc bấy giờ Bồ tát Gotama của chúng ta là Chuyển luân vương tên là Vijitāvī, trị vì ở kinh đô Candavati, có đông đảo tùy tùng xuất sắc, vị ấy nắm quyền cai trị toàn thể các dãy đất trên thế giới đến tận cùng bốn đại dương bằng đạo lý chân chánh, không bằng vũ lực hay khí giới.
      Đức Phật Koṇḍañña khi đang trên đường du hành cùng với chúng đệ tử gồm một ngàn triệu vị A-la-hán, đã đến thành phố Candavatī. Nghe tin Đức Phật đã đến kinh đô, đức vua Vijitāvī tiếp đón Ngài một cách nồng hậu, sắp xếp chỗ ngụ cho Ngài, mời Ngài và chúng đệ tử đến độ thực vào ngày hôm sau. Vào ngày hôm sau, nhà vua cho sửa soạn vật thực thích hợp và tổ chức lễ cúng dường vật thực rất công phu.
      Sau khi độ thực xong, Đức Phật ban pháp thọai để tán dương sự bố thí cúng dường. Cuối thời pháp, đức vua nói lời thỉnh cầu: “Cầu xin chư đại đức Tăng hãy an cư kiết hạ tại thành phố này để ban ân huệ cho bá tánh.” Và vị ấy đã tổ chức những cuộc lễ vô song thí đến chúng tỳ khưu có Đức Phật chủ tọa, trong suốt mùa an cư.
      Rồi Đức Phật Koṇḍañña công bố lời tiên tri: “Sau ba và một trăm ngàn đại kiếp kể từ bây giờ, đại vương nhất định sẽ thành Phật.” (Lời tiên tri giống như lời tiên tri của Đức Phật Nhiên Đăng được nêu ra đầy đủ chi tiết trong kinh tạng Pāḷi, đề cập về sự thực hành khổ hạnh và những sự kiện khác; nhưng không được nhắc lại ở đây vì đã được nêu ra trong câu chuyện về ẩn sĩ Sumedha.)
      Sau khi đã công bố lời tiên tri, Đức Phật Koṇḍañña tiếp tục thuyết pháp. Khi nghe xong thời pháp, niềm tin của đức vua đối với Đức Phật tăng trưởng mạnh mẽ và vì muốn thành đạt đạo quả Phật, đức vua cúng dường toàn thể vương quốc rộng lớn đến Đức Phật và xuất gia sa-môn trước mặt Ngài. Sau khi đã thông suốt Tam tạng, vị ấy chứng Bát thiền và Ngũ thông. Nhờ vậy khi thân họai mạng chung, Bồ tát tái sanh về cõi Phạm thiên.

      Những chi tiết đặc biệt về Đức Phật Koṇḍañña

      Nơi đản sanh của Đức Phật Koṇḍañña là thành phố Rammavatī,
      Phụ vương là vua Sunanda, và mẫu hậu là hoàng hậu Sujātā. Hai đại đệ tử là trưởng lão Bhadda và trưởng lão Subhadda. Thị giả là trưởng lão Anuruddha.
      Hai đại đệ tử nữ là trưởng lão Ni Tissā và trưởng lão Ni Upatissā.
      Cây Bồ đề giác ngộ là cây Sālakalyāni.
      Hai cận sự nam là Soṇa và Upasoṇa. Hai cận sự nữ là Nandā và Sirimā.
      Thân của Ngài cao tám mươi tám hắc tay và chiếu sáng như trăng rằm hoặc như mặt trời giữa trưa.
      Thọ mạng của Ngài lúc bấy giờ là một trăm ngàn năm và suốt thời gian dài ấy Ngài cứu độ vô số chúng sanh gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên, đưa họ ra khỏi những cơn lũ của luân hồi và đặt họ lên miền Niết bàn tịch tịnh.
      Đức Phật Koṇḍañña khi còn ở thế tục, Ngài có ba cung điện bằng vàng: Suci, Suruci và Subha. Ngài có ba trăm ngàn cung nữ. Chánh hậu tên Rucī và con trai là Vijitasena. Ngài trị vì trong mười ngàn năm.
      Ngài đi xuất gia bằng xe tuấn mã. Ngài ngụ ở khu vườn Candārāma khi thành Phật.
      Trong thời kỳ giáo pháp của Đức Phật Koṇḍañña, quả đất đầy bóng y vàng của những vị A-la-hán, những bậc đã đoạn diệt các lậu hoặc, đã tẩy sạch các pháp ô nhiễm, sáng ngời như bầu trời quang đãng đầy trăng sao.
      Các vị A-la-hán là những bậc cao quí nhất. Tâm của các Ngài không còn bị dao động bởi các pháp thăng trầm trong cuộc sống. Những kẻ hung dữ khó đến gần các Ngài. Khi những vị A-la-hán danh tiếng muốn viên tịch, các Ngài bay vào không trung, cao khoảng bảy cây thốt nốt (tựa như ánh chớp xẹt sáng giữa những đám mây đen), các Ngài nhập thiền Kasina với đề mục lửa, rồi thân của các Ngài bốc lửa, phát sáng và các Ngài viên tịch giữa hư không.

      Kinh cảm trí – Saṃvega

      Oai lực vô song của Đức Phật Koṇḍañña và tâm kiên định thông đạt Nhất thiết trí của Ngài, tất cả đều diệt mất. Các pháp hữu vi quả thật vô ngã, không bền vững!

      Bảo tháp

      Đức Phật Koṇḍañña, bậc giác ngộ hoàn toàn Tứ Diệu Đế, đã viên tịch đại Niết bàn tại khu vườn Candārāma. Cũng trong khu vườn ấy, ngôi bảo tháp cao bảy do tuần được dựng lên dành cho Ngài.
      Xá lợi không thể tan vỡ của Đức Phật đúng với bản chất của các đấng Giác Ngộ có thọ mạng lâu dài, rắn chắc như những pho tượng vàng, không bị vỡ vụn. Những viên Xá lợi này được tôn trí trong bảo tháp và dân chúng khắp nơi của xứ Diêm phù đề đã hoàn thành công việc trang trí bảo tháp với bảy loại đá quí.

      Chấm dứt lịch sử Đức Phật Kiều Trần Như –

      Koṇḍañña Buddhavaṃsa

      

    3. Maṅgala Buddhavaṁsa

      (Lịch sử Đức Phật Ma-gia-la)

      Khi vô số đại kiếp đã trôi qua sau đại kiếp của Đức Phật Koṇḍañña,
      đến một kiếp nọ có xuất hiện lần lượt bốn vị Phật, đó là (1) Maṅgala,
      (2) Sumana, (3) Revata và (4) Sobhita. Vị Phật đầu tiên trong bốn vị Phật này là Đức Phật Maṅgala.

      Sự thọ sanh

      Sau khi đã thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật trong mười sáu A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp, Bồ tát Maṅgala tái sanh vào cung trời Đâu suất đà (Tusitā) theo thông lệ của tất cả chư Phật đương lai.
      Khi đang thọ hưởng đời sống của chư thiên, Ngài chấp nhận lời thỉnh cầu của chư thiên, giáng sanh xuống cõi nhân loại và thọ sanh vào lòng của Uttarā, hoàng hậu của vua Uttara, trong kinh đô Uttara.

      Thân phát sáng của người mẹ

      Từ lúc Bồ tát thọ sanh, ánh sáng từ thân của hoàng hậu phát ra tám hắc tay khắp quanh, vượt trội cả ánh sáng của mặt trời và mặt trăng. Không cần đến bất cứ loại ánh sáng nào khác, hoàng hậu cùng tùy tùng di chuyển bằng chính ánh sáng của bà.

      Bồ tát đản sanh

      Chư thiên bảo vệ thai bào Bồ tát, khi mười tháng trôi qua, Bồ tát đản sanh trong khu vườn Uttaramadhura xinh đẹp và thù thắng.

      Đời sống đế vương

      Khi Bồ tát Maṅgala đến tuổi trưởng thành, Ngài bước lên ngai vàng, sống trong ba cung điện – cung điện Yasavanta nổi tiếng, cung điện Rucimanta khả ái và cung điện Sirimanta lộng lẫy – cùng với chánh hậu Yasavatī với ba mươi ngàn nữ tỳ trang điểm lộng lẫy vây quanh. Như thế, Bồ tát thọ hưởng phú quý xa hoa như những khoái lạc ở cõi chư thiên trong chín ngàn năm

      Sự xuất gia

      Khi hoàng hậu Yasavatī hạ sanh hoàng tử tên là Sīlava, Bồ tát thấy bốn điềm tướng: một người già, một người bịnh, một người chết và
      một vị Sa-môn; Ngài bèn từ bỏ thế gian, ra đi với con tuấn mã Pandara và trở thành vị Sa-môn.
      Ba mươi triệu người theo gương Ngài đều xuất gia Sa-môn.
      Cùng với ba chục triệu vị Sa-môn này, Bồ tát Maṅgala thực hành pháp khổ hạnh (dukkaracariyā) trong tám tháng. Vào ngày rằm tháng tư (Vesākha) khi sắp thành đạo, Ngài độ món cơm sữa do Uttarā, con gái của một vị trưởng giả ở ngôi làng Uttara dâng cúng. Sau khi trải qua suốt ngày trong rừng cây sa-la, Ngài rời bỏ chúng Sa-môn và một mình đi đến cây đại bồ đề vào lúc chiều tối. Trên đường đi Ngài nhận tám nắm cỏ do một người dị giáo tên Uttara dâng cúng.
      Ngay khi vừa rải mớ cỏ dưới cội cây bồ đề tên Nāga thì Vô địch bảo tọa (Aparajita) cao năm mươi tám hắc tay hiện ra.

      Sự thành đạo

      Ngồi kiết già trên bảo tọa, Bồ tát thể hiện tinh tấn ở bốn mức độ và chiến thắng Ma-vương cùng đông đảo binh ma. Rồi Ngài chứng Túc mạng thông (Pubbenivasa ñāṇa) trong canh đầu và Thiên nhãn thông (Dibbacakkhu ñāṇa) trong canh giữa. Trong canh cuối Ngài quán pháp Duyên (Paticcassamuppāda) khởi theo thứ tự xuôi và ngược. Sau đó Ngài nhập vào Tứ thiền qua pháp niệm Hơi thở (Ānāpāna); xuất khỏi Tứ thiền và quán về Ngũ uẩn, Ngài nhận biết rõ năm mươi đặc tánh liên quan đến sự sanh và diệt của các uẩn và phát triển tuệ Minh sát (Vipassanā) đến Chuyển tộc tuệ (Gotrabhu ñāṇa), chứng đắc A-la-hán đạo tuệ (Arahattamagga ñāṇa) và thông đạt tất cả mọi ân đức của một vị Phật. Ngài chứng đắc Phật quả tối thượng vào lúc mặt trời vừa mọc.

      Hào quang cực kỳ sáng chói của thân

      Hào quang của Đức Phật Maṇgala phát ra mạnh mẽ hơn hào quang của những vị Phật khác. Hào quang của những vị Phật khác phát ra một cách tự nhiên mà không có năng lực siêu nhiên chỉ xa khoảng tám mươi hắc tay hoặc một sãi tay. Nhưng hào quang của Đức Phật Maṅgala chiếu sáng cả đêm lẫn ngày khắp mười ngàn thế giới. Do sáng chói như vậy, không chỉ tất cả những vật chung quanh như cây cối, đất đai, rừng núi, sông biển, v.v… được chiếu sáng. Nhưng người ta nói rằng, ngay cả nồi chảo bị dính bụi và bám khói đen cũng được chiếu sáng tựa như chúng được phủ bên ngoài một lớp vàng.
      Thọ mạng của dân chúng trong thời kỳ của Đức Phật Maṅgala là chín chục ngàn năm, và trong suốt thời kỳ ấy mọi thứ đều có sắc vàng như vậy. Suốt thời kỳ giáo pháp của Ngài mặt trăng, mặt trời, các tinh tú đều không có ánh sáng. Vì không có ánh sáng của mặt trời nên người ta không thể phân biệt giữa ngày và đêm. Tuy nhiên, dân chúng đi lại làm việc bằng ánh sáng tỏa ra từ Đức Phật. Người ta phân biệt ngày và đêm nhờ nghe tiếng chim hót báo hiệu một ngày mới và nhìn vào những loại hoa thường nở vào lúc chiều tối
      Câu hỏi có thể đặt ra, phải chăng những vị Phật khác không có những năng lực như vậy? Câu trả lời là: Không phải thế. Thực ra, các Ngài đều có những năng lực như vậy. Các Ngài có thể tỏa hào quang chiếu khắp mười ngàn thế giới nếu các Ngài muốn. Các vị Phật khác có hào quang tự nhiên phát ra từ thân chỉ trong một sải tay, thì hào quang từ thân của Đức Phật Maṅgala luôn tỏa ra chiếu khắp mười ngàn thế giới mà không cần phải chủ tâm tạo ra, vì đó là kết quả của ước nguyện mà Ngài đã thực hiện trong kiếp quá khứ.

      Ước nguyện của Bồ tát Maṅgala trong một kiếp quá khứ

      Khi Đức Phật Maṅgala còn là một vị Bồ tát trong một kiếp nọ giống như kiếp của Bồ tát Vessantara của chúng ta, Ngài sống với vợ và các con tại một nơi giống như Vaṅkapabbata.
      Nghe tin Bồ tát bố thí rất rộng rãi, một vị dạ xoa nọ tên là Kharadāthika, giả dạng một Bà-la-môn đi đến xin hai đứa con trai và con gái của Ngài.
      Bồ tát trao con trai và con gái của Ngài cho vị Bà-la-môn một cách hoan hỷ nhất và đại địa rộng hai trăm bốn chục ngàn gāvuta (gāvuta – league = 1 lý = 3 dặm = 4,8km) đã rùng mình rung chuyển.
      Khi đang đứng tựa vào tấm ván bên con đường mòn, dạ xoa nuốt chửng hai đứa bé vào miệng và nhai chúng tựa như đang nhai những ngó sen, trong khi Bồ tát đứng nhìn chăm chú.
      Khi nhìn như vậy, Ngài trông thấy máu tươi như những tia lửa phọt ra từ miệng của dạ xoa, nhưng chẳng chút sầu khổ nào khởi sanh trong Ngài. Thay vào đó, Ngài vô cùng hoan hỷ và hạnh phúc, nghĩ rằng “Đây là hành động bố thí tối thượng của ta.”
      Rồi Bồ tát bày tỏ ước nguyện: “Do kết quả của hành động bố thí này, nguyện rằng trong tương lai thân của tôi sẽ phát ra những tia hào quang sáng rực như máu (từ miệng của dạ-xoa).” Cho nên ước nguyện ấy đã thành tựu vào lúc Ngài chứng đắc Phật quả, khiến hào quang sáng chói tự nhiên phát ra từ thân của Đức Phật Maṅgala chiếu khắp mười ngàn thế giới.
      Ngoài ra, một ước nguyện khác được Đức Phật Maṅgala thực hiện trong một kiếp quá khứ – một thời nọ khi Ngài còn là Bồ tát, Ngài có cơ hội cúng dường đến bảo tháp của một vị Phật quá khứ. Khi nghĩ rằng: “Ta sẽ hy sinh mạng sống của ta đến Đức Phật Chánh Biến Tri.” Ngài đắp vào người mảnh vải đã được tẩm dầu. Ngài đổ đầy thục tô vào trong một cái bát bằng vàng, cái bát trị giá một trăm ngàn đồng tiền vàng. Trong cái bát vàng, Ngài thắp một ngàn cái tim bấc và đội bát lên đầu, Ngài đốt cháy cơ thể của mình và dành cả đêm nhiễu quanh bảo tháp thiêng liêng.
      Tuy Bồ tát đảnh lễ đến rạng sáng, sức nóng không thể chạm đến ngay cả một sợi lông trên thân của Ngài, cứ như Ngài đang ngự giữa hoa sen đang nở. Quả thật vậy, bản chất của Pháp luôn hộ trì, ngăn chặn mọi nguy hiểm cho người thực hành pháp. Do đó, Đức Phật dạy rằng:

      Dhammo have rakkhati dhammacārim

      Dhammo suciṇṇo sukhaṃ avahati

      esānisaṃsa dhamme suciṇṇe

      na duggatiṃ gacchati dhammacāri.

      Cũng do kết quả của việc phước này mà hào quang tự nhiên từ thân của Đức Phật Maṅgala chiếu khắp mười ngàn thế giới.

      Ba Thắng thời thuyết pháp của Đức Phật Maṅgala

      (Dhammābhisamaya)
      Sau khi thành đạo, Đức Phật Maṅgala trải qua bảy chỗ, mỗi nơi bảy ngày gần cây bồ đề. Rồi Ngài nhận lời thỉnh cầu của Phạm thiên thuyết pháp độ sanh. Và khi quán xét xem sẽ thuyết pháp đến ai trước tiên, Ngài thấy ba chục triệu vị Sa-môn đã đắp y theo gương Ngài, các vị có nhân duyên đầy đủ (upanissaya) để chứng đắc Đạo Quả.
      Khi nghĩ rằng sẽ thuyết pháp đến họ trước tiên, Đức Phật cũng xem xét về chỗ ngụ của họ và thấy rằng họ đang ngụ ở trong khu rừng Sirivana, thuộc thành phố Sirivaddhana, cách cây đại thọ bồ đề tám mươi gāvuta. Đức Phật mang y bát và vận dụng thần thông lập tức bay đến khu rừng Sirivana.
      Khi nhìn thấy Đức Phật đang tiến đến, ba chục triệu vị Sa-môn với tâm tịnh tín đã ân cần đón tiếp Ngài, đỡ lấy y và bát từ tay Ngài, sữa soạn chỗ ngồi cho Ngài rồi cung kính làm lễ. Khi tất cả mọi phận sự của họ đối với Đức Phật đã được thực hiện xong, họ ngồi xuống ở nơi ngồi phải lẽ.
      Đức Phật thuyết bài kinh Chuyển pháp luân theo đúng thông lệ của nhiều đời chư Phật. Kết quả là ba chục triệu vị tỳ khưu chứng đắc đạo quả A-la-hán. Chư thiên và nhân loại con số lên đến một trăm ngàn người được giác ngộ Tứ Diệu Đế (Họ được giải thoát)
      (Đây là Dhammābhisamaya lần thứ nhất)
      Ngay trước khi Đức Phật thuyết giảng A-tỳ-đàm, Ngài đang ngụ gần thành phố Citta, nơi Ngài đến khất thực. Như Đức Phật Gotama của chúng ta thị hiện Song thông gồm nước và lửa gần cây xoài của người làm vườn Kanda, gần cổng thành Sāvatthi, và đánh bại các ngoại đạo sư; Đức Phật Maṅgala cũng thị hiện Song thông sau khi đánh bại các ngoại đạo sư ở cổng thành Citta. Rồi Ngài đi đến cung trời Đao lợi thiên (Tāvasiṃsa), nơi đây Ngài ngồi trên tảng đá cẩm thạch paṇḍukambala, dưới cội cây Paricchattaka và thuyết Tạng A-tỳ- đàm đến chư thiên và Phạm thiên.
      Lần thuyết pháp này có mười trăm ngàn triệu chư thiên và Phạm thiên giác ngộ Tứ Diệu Đế.
      (Đây là Dhammābhisamaya lần thứ hai)
      Trước khi Đức Phật Maṅgala xuất hiện, tại kinh đô Surabhi, nhà vua trị vì tên Sunanda, đã thực hiện các phận sự cần thiết để họach đắc xe báu (một trong bảy báu vật của vị Chuyển luân vương). Sau khi đã thành tựu các phận sự, thì xe báu xuất hiện đến đức vua.
      Khi Đức Phật Maṅgala xuất hiện thì xe báu trượt đi khỏi chỗ của nó. Thấy vậy, vua Sunanda rất buồn phiền và hỏi các vị quan cố vấn: “Tại sao xe báu xuất hiện do năng lực phước báu của ta lại trượt khỏi chỗ của nó?”
      Các vị Bà-la-môn đáp lại:
      “Tâu bệ hạ, xe báu trượt đi vì mạng của vị Chuyển luân vương sắp kết thúc hoặc khi vị Chuyển luân vương trở thành vị Sa-môn, hay có Đức Phật xuất hiện.
      “Chắc chắn bệ hạ không có sự kết thúc thọ mạng. Bệ hạ sẽ sống rất thọ.”
      “Quả thật hiện giờ Đức Phật Maṅgala đã xuất hiện trong thế gian.
      Đó là lý do khiến xe báu của bệ hạ trượt đi.”
      Sau khi nghe câu trả lời của các vị Bà-la-môn, Chuyển luân vương cùng với tùy tùng bày tỏ sự tôn kính đến xe báu rồi nói lời yêu cầu như vầy “Hỡi xe báu, do oai lực của Đức Phật Maṅgala, ta sẽ đến đảnh lễ Ngài. Xe báu! Hãy khoan biến mất.” Rồi xe báu trở lại chỗ cũ của nó.
      Đầy vui sướng, Chuyển luân vương Sunanda cùng với số tùy tùng đông đảo chiếm đến ba mươi gāvuta (4,8km x 30 = 144km) , đi đến Đức Phật Maṅgala – Bậc đem lại hạnh phúc, may mắn cho toàn thể thế gian. Đức vua cúng dường vật thực dồi dào đến Đức Phật và chúng Tăng. Nhà vua dâng y bằng vải lụa Kāsi đến một trăm ngàn vị A-la- hán và tất cả những vật dụng cần thiết đến Đức Phật. Sau lễ bố thí, nhà vua và hoàng tử Anurāja – con trai của Chuyển luân vương, ngồi ở nơi phải lẽ để nghe Đức Phật thuyết pháp.
      Đức Phật thuyết pháp tuần tự đến đại chúng do đức vua dẫn đầu. Sau thời pháp, đức vua và đoàn tùy tùng gồm chín trăm triệu người, tất cả chứng đắc Đạo Quả A-la-hán cùng với bốn Tuệ phân tích.
      Khi xem xét những việc phước mà họ đã làm trong kiếp quá khứ, Ngài thấy những thiện nghiệp quá khứ của họ sẽ hóa ra y bát cho họ mà không cần tìm kiếm. Thế nên, Đức Phật duỗi cánh tay phải và nói rằng: “Etha Bhikkhavo – Hãy đến, này các tỳ khưu!”. Ngay tức thì tất cả hội chúng đều trở thành Sa-môn, tóc trên đầu của họ ngắn lại chỉ
      còn hai lóng tay, trên người có y và bát và có tướng mạo của những vị đại trưởng lão đã trải qua một trăm hạ lạp. Và cuối cùng họ vây quanh Đức Phật.
      (Đây là Dhammābhisamaya lần thứ ba)

      Ba kỳ đại hội Thánh Tăng – Sannipāta

      Trong khi Đức Phật Maṅgala đang lưu trú ở thành phố Mekhala, thì hai đệ tử tương lai của Ngài – Sudeva và Dhammasena – mỗi người đều có một ngàn người bạn (theo Chú giải tiếng Sinhalese thì con số là mười ngàn), họ trở thành những vị thiện lai tỳ khưu trước Đức Phật. Khi họ chứng đắc Đạo Quả vào ngày rằm tháng giêng (Magha) thì Đức Phật ban lời chỉ giáo Ovāda Pātimokkha giữa hội chúng tỳ khưu gồm mười trăm ngàn triệu vị.
      (Đây là Sannipāta lần thứ nhất)
      Lại nữa, Đức Phật cũng tụng Pātimokkha trong một Đại hội Thánh Tăng khác gồm mười ngàn triệu vị, tất cả đều đã xuất gia tại đại hội quyến thuộc của Đức Phật, diễn ra ở khu vườn Uttara.
      (Đây là Sannipāta lần thứ hai)
      Giữa chín trăm triệu vị tỳ khưu tham dự đại hội, dẫn đầu là vị tỳ khưu trước kia là Chuyển luân vương Sunanda, Đức Phật đã tụng Pātimokkha.
      (Đây là Sannipāta lần thứ ba)

      Đức Phật Maṅgala thọ ký cho Bà-la-môn Suruci, tức Bồ tát

      Gotama

      Vào thời của Đức Phật Maṅgala, Bồ tát của chúng ta là vị Bà-la- môn Suruci, ở ngôi làng Suruci. Ngài thông thạo các bộ kinh Phệ đà, bộ ngữ vựng (nighantu), tu từ học (ketubha), bộ văn phạm (akkharapabheda) và bộ sử thi (itihāsa).
      Ngài rất thông thạo về nghệ thuật viết và đọc thơ (padaka) cũng như văn xuôi (veyyākarana).
      Ngài thông thạo về triết học thế gian, không liên quan đến những vấn để tâm linh mà chỉ liên quan đến các công việc thế tục và cũng rành mạch khoa tướng học – biết rõ các tướng trên thân của bậc đại nhân.
      Sau khi nghe bài pháp thoại của Đức Phật, Bà-la-môn Suruci khởi tâm tịnh tín và quy y Tam bảo. Rồi vị ấy thỉnh Đức Phật và chúng Tăng: “Xin thỉnh các Ngài đến nhà con thọ thực vào ngày mai.”
      “Này Bà-la-môn, ngươi muốn thỉnh bao nhiêu vị tỳ khưu?” Đức Phật hỏi. “Bạch Đức Thế Tôn, có bao nhiêu vị tỳ khưu ạ?” “Có tất cả mười trăm ngàn triệu”. “Thế thì bạch Thế Tôn, con xin thỉnh tất cả. Xin hãy thọ lãnh lễ cúng dường vật thực của con.” Đức Phật im lặng nhận lời.
      Sau khi thỉnh Phật và chúng Tăng, Bồ tát về nhà và suy nghĩ như vầy: “Về vật thực và y phục thì ta có thể bố thí đủ cho chừng ấy tỳ khưu. Nhưng làm sao có thể sắp xếp đủ chỗ ngồi cho các Ngài đây?”
      Ý nghĩ của Bồ tát khiến chỗ ngồi của Sakka, vua của chư thiên, cao
      tám mươi bốn ngàn gāvuta ở trên núi Tu-di nóng lên.
      Rồi Sakka suy xét: “Kẻ nào đã làm cho ta rời khỏi chỗ này?” Khi vị ấy tìm kiếm nguyên nhân thì trông thấy Bà-la-môn Suruci. Đế Thích suy nghĩ: “Vị Bồ tát này đã thỉnh chư Tăng, có Đức Phật dẫn đầu đến nhà thọ thực và đang lo lắng về chỗ ngồi và các tiện nghi khác. Ta sẽ
      đến đó và tham dự một phần công đức.” Đế Thích hóa thành người thợ mộc với cây rìu trong tay và xuất hiện trước mặt Bồ tát.
      Người thợ mộc, tức Sakka, dò hỏi: “Có việc gì cho tôi làm không, thưa Ngài.” Trông thấy người thợ mộc, Bồ tát hỏi: “Ông có thể làm được những gì?” “Không có việc gì mà tôi không biết làm. Nếu có ai muốn xây dựng nhà mát, cung điện hay bất cứ công trình xây dựng nào khác thì đó là công việc của tôi.” “Thế thì tôi có một số công việc dành cho ông đây.” “Việc gì thế?” “Tôi đã thỉnh mười trăm ngàn triệu vị tỳ khưu đến thọ thực vào ngày mai. Ông có thể dựng cho tôi một nhà mát để đón tiếp các Ngài.” “Được, tôi có thể, miễn sao ông trả công cho tôi.” “Này ông bạn, được thôi.” “Tốt lắm, tôi sẽ xây dựng nó đúng với tiền công mà ông trả cho tôi.” Đoạn Đế Thích nhìn quanh để tìm kiếm chỗ đất thích hợp.

      Ngôi nhà châu báu mọc lên từ lòng đất

      Chỗ đất rộng mười hai gāvuta mà Đế Thích đã chọn trở nên bằng phẳng như đề mục Kasina. Rồi Đế Thích nhìn quanh và ước nguyện: “Xin cho nhà đại giải ốc bằng bảy loại châu báu, tráng lệ và xinh đẹp hiện ra từ lòng đất.” Và trong khi vị ấy nhìn vào đó thì đại giả ốc bằng bảy báu từ dưới đất trồi lên. Những cột trụ bằng vàng của nó có những cái bình đựng hoa sen bằng bạc; những cột trụ bằng bạc thì có những cái bình đựng hoa sen bằng vàng; những cột trụ bằng hồng ngọc có những cái bình đựng hoa sen bằng san-hô; những cột trụ bằng san hô thì có những cái bình đựng hoa sen bằng hồng ngọc; và những cột trụ bằng bảy báu thì có những cái bình hoa sen bằng bảy báu.
      Nhân đó, Đế Thích nhìn vào đại giả ốc và ước nguyện: “Xin hãy xuất hiện những dãy chuông bằng vàng treo lơ lửng giữa cột này với cột kia.” Khi vị ấy đang nhìn thì những dãy chuông bằng vàng treo lơ lửng giữa cột trụ này với cột trụ kia xuất hiện. Những làn gió nhẹ lùa qua làm những cái chuông treo làm phát ra âm thanh nhẹ nhàng như
      âm thanh phát ra từ năm loại nhạc cụ mà chư thiên ở cõi trời biểu diễn
      trong buổi hòa nhạc.
      Đế Thích tiếp tục ước nguyện: “Xin cho những chuỗi vật thơm, những tràng hoa và những chuỗi lá ở cõi chư thiên hãy buông xuống.” Ngay khi ấy những chuỗi vật thơm, hoa và lá ở cõi chư thiên xuất hiện.
      Lại nữa, vị ấy ước nguyện: “Xin cho những chỗ ngồi dành cho mười trăm ngàn triệu vị tỳ khưu, những tấm trải đắt giá và những cái đế để bát, hãy từ đất mà hiện lên.” Ngay tức thì những thứ ấy xuất hiện.
      Đế Thích ước nguyện tiếp: “Những cái chum khổng lồ ở mỗi góc hãy hiện ra.” Ngay tức thì những cái chum đựng nước khổng lồ xuất hiện.
      Khi tất cả mọi thứ đã được hình thành, Đế Thích đi đến Bồ tát và nói rằng: “Nào, thưa ông Bà-la-môn, hãy nhìn xem giả ốc và hãy trả tiền đúng mức cho tôi.” Bồ tát đi đến giả ốc và toàn thân của Ngài tràn ngập năm loại hỷ lạc khi ngắm nhìn giả ốc.

      Lễ Đại thí

      Khi Bồ tát ngắm nhìn đại giả ốc, Ngài chợt nghĩ: “Con người không thể làm được đại giả ốc này. Do ước muốn thiện lành của ta là tổ chức một cuộc bố thí vĩ đại và những đức tánh của ta, chắc chắn chỗ ngồi của Đế Thích đã nóng lên. Sự nóng bức này ắt đã dẫn Đế Thích, vua của chư thiên, đến xây dựng đại giả ốc này. Có được đại giả ốc như thế này mà ta bố thí cúng dường trong một ngày thì thật không thích hợp. Ta sẽ thực hiện cuộc bố thí cúng dường to lớn trong bảy ngày.” Rồi vị ấy đón tiếp chúng Tăng có Đức Phật dẫn đầu vào đại giả ốc trong bảy ngày và cúng dường đến các Ngài món cơm sữa được nấu rất công phu.
      Khi món cơm sữa được dâng cúng, vì loài người không đủ khả năng để phục vụ hết chúng Tăng. Do đó, bên cạnh mỗi người đều có một vị thiên tham dự vào công việc phục vụ. Một khu vực rộng mười hai hoặc mười ba gāvuta không đủ rộng để chứa hết tất cả các vị tỳ khưu. Do đó, các Ngài phải vận dụng thần thông để đi vào chỗ ngồi của mình.

      Sự cúng dường vật thực làm thuốc chữa bệnh và tam y

      Thời gian cúng dường vật thực đã qua, tất cả bình bát của các vị tỳ khưu đều được rửa sạch. Bồ tát lại cúng dường vật thực làm thuốc chữa bịnh bằng cách bỏ đầy bát của các Ngài bơ, sữa, mật ong, mật đường và cũng cúng dường những bộ tam y đến các Ngài. Những bộ tam y được dâng đến các vị tỳ khưu nhỏ hạ nhất trị giá một trăm ngàn đồng tiền vàng.

      Đức Phật Maṅgala công bố lời tiên tri

      Khi Đức Phật Maṅgala đang ban thời pháp thọai để tán dương về những vật thí được cúng được đến Ngài, bằng trí tuệ nhìn về tương lai, Đức Phật suy xét: “Người này đã thực hiện hành động bố thí vĩ đại, tương lai người ấy sẽ thành đạt quả gì?” Rồi Đức Phật thấy trước rằng, vị này nhất định sẽ thành Phật tên là Gotama trong một hiền kiếp sau hai A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp kể từ hôm nay. Đức Phật gọi Bà-la-môn Suruci và nói lời tiên tri: “Khi hai A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp đã trôi qua, ngươi nhất định sẽ thành Phật tên là Gotama.”
      Nghe lời tiên tri của Đức Phật Maṅgala, Bồ tát phấn khởi và vui sướng, rồi chợt nghĩ: “Đức Phật đã tiên tri rằng ta chắc chắn sẽ thành Phật, vậy đời sống tại gia còn có ích gì đối với ta. Ta sẽ xuất gia ngay bây giờ.” Sau khi từ bỏ tài sản của một vị Bà-la-môn giàu có, tựa như nhổ nước bọt, Bồ tát xuất gia tỳ khưu dưới chân Đức Phật Maṅgala, thông thuộc Tam tạng kinh điển, chứng đắc Bát thiền và Ngũ thông.
      Nhờ không bị hoại thiền nên sau khi thân họai mạng chung, Bồ tát tái
      sanh vào cõi Phạm thiên.

      Những chi tiết đặc biệt về Đức Phật Maṅgala

      Nơi sanh của Đức Phật Maṅgala là Uttara.
      Phụ vương là vua Uttara và mẹ là hoàng hậu Uttarā. Hai đại đệ tử là Trưởng lão Sudeva và Dhammasena. Thị giả là Trưởng lão Pālita.
      Hai đại đệ tử nữ là trưởng lão Ni Sivalā và trưởng lão ni Asokā.
      Cây giác ngộ là cây Nāga.
      Hai cận sự nam là trưởng giả Nanda và trưởng giả Visakha. Hai cận sự nữ là Anulā và Sutanā.
      Đức Phật Maṅgala cao tám mươi tám hắc tay. Hào quang từ thân của Ngài luôn luôn chiếu sáng rực rỡ khắp mười ngàn thế giới, đôi khi chúng còn chiếu xa hơn mười ngàn thế giới, nghĩa là hằng trăm ngàn thế giới.
      Thọ mạng của dân chúng trong thời của Ngài là chín mươi ngàn năm, và Đức Phật đã sống suốt thời gian ấy, tế độ cho vô số chúng sanh gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên, đưa họ ra khỏi những cơn lũ của luân hồi và đặt họ lên miền đất Niết bàn tịch tịnh.
      Khi ở thế tục, Ngài sống trong ba cung điện bằng vàng: cung điện Yasavati, cung điện Rucimanta và cung điện Sirimanta. Ngài có ba chục ngàn cung nữ, chánh hậu là Yasavatī, con trai là Sīvala. Ngài trị vì trong chín ngàn năm.
      Ngài đi xuất gia bằng con tuấn mã Pandava. Ngài ngụ ở khu vườn Uttara sau khi thành đạo .
      Như những con sóng đại dương không thể nào đếm được, số Thanh văn đệ tử của Đức Phật Maṅgala cũng không thể nào ước lượng.
      Suốt cuộc đời và thời kỳ giáo pháp của Đức Phật Maṅgala, Bậc chuyên chở cả ba loại chúng sanh đến Niết bàn, không hề có một vị Sa-môn nào chết mà vẫn còn ô nhiễm (tất cả đều là những vị A-la-hán và đã viên tịch khi hết thọ mạng).
      Đức Phật Maṅgala có danh tiếng lớn và tùy tùng vô số kể, đã thắp lên ngọn đèn Chánh pháp và đã cứu độ hằng hà chúng sanh khỏi những cơn lũ của luân hồi đến bờ bên kia của Niết bàn tịch tịnh. Như một khối lửa khổng lồ rực sáng bị lịm tắt giống như mặt trời đã khuất bên kia bờ Tây – Đức Phật cũng vậy, đã viên tịch đại Niết bàn để chúng sanh gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên thấy rằng các pháp hữu vi là vô thường, khổ và vô ngã.
      Khi Đức Phật Maṅgala vừa viên tịch, thì hào quang từ thân của Ngài cũng biến mất, và toàn thể mười ngàn thế giới trở nên tối đen. Tiếng ta thán của chúng sanh vang dội khắp các thế giới.

      Kinh cảm trí – Saṁvega

      Oai lực vô song và tâm an định của Đức Phật Maṅgala, là tâm thông đạt Nhất thiết trí. Tất cả đều biến mất. Tất cả các pháp hữu vi quả thật vô dụng và không thực tánh!

      Bảo tháp

      Đức Phật Maṅgala, Bậc đã hoàn toàn giác ngộ Tứ Thánh đế, đã viên tịch Đại Niết bàn. Như vậy tại khu vườn Uttara (Uttara nghĩa là bậc nhất vì cây trong khu vườn ấy ra hoa và kết trái nhiều hơn các loại
      cây trong những khu vườn khác), một bảo tháp cao ba mươi do tuần đã được xây dựng để cúng dường Đức Phật Maṅgala.
      Xá lợi bất hoại của Đức Phật, đúng với bản chất của những vị Chánh biến tri có thọ mạng lâu dài, vẫn rắn chắc như pho tượng không thể bị vỡ vụn. Những viên Xá lợi này được tôn trí trong bảo tháp và dân chúng từ khắp nơi trong xứ Diêm phù đã hoàn thành công trình xây dựng bảo tháp bằng bảy loại đá quí.

      Kết thúc lịch sử Đức Phật Maṅgala – Maṅgala Buddhavaṃsa

      

    4. Sumana Buddhavamsa

      (Lịch sử Đức Phật Sumana)

      Như vậy, Đức Phật Maṅgala với hào quang từ thân của Ngài trội hẳn, lấn át các loại hào quang của mặt trời, mặt trăng và các tinh tú, chư thiên và Phạm thiên khắp mười ngàn thế giới thuộc Sanh đản sát thổ (1) (Jatikhetta), không thể phân biệt giữa ban ngày và ban đêm, và cuối cùng Ngài cũng đã viên tịch đại Niết bàn khiến trời đất tối đen mù mịt.
      Thọ mạng chín chục ngàn năm của loài người trong thời Đức Phật Maṅgala dần dần giảm còn mười năm; rồi thọ mạng lại tăng lên đến chín chục ngàn năm. Thời điểm này, Bồ tát Sumana sau khi đã thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật đã tái sanh vào cung trời Đâu suất (Tusitā), Ngài nhận lời thỉnh cầu của chư thiên và Phạm thiên giáng sanh xuống cõi nhân loại và thọ sanh vào lòng của bà Sirimā, hoàng hậu của vua Sudatta, kinh đô Mekhala.
      ( Ba xứ liên quan đến Đức Phật là (i) Sanh đản sát thổ (Jāti khetta): mười ngàn thế giới rung chuyển vào lúc Ngài thọ sanh, đản sanh, Thành đạo, từ bỏ thọ hành và lúc viên tịch đại Niết bàn. (ii) Oai lệnh sát thổ (Ānā khetta): giáo pháp của Ngài lan truyền đến một trăm ngàn thế giới, và (iii) Cảnh (sở duyên) sát thổ (Visaya-khetta): vô lượng thế giới hình thành cảnh để Nhất thiết trí của Ngài soi xét.)
      Thời gian Đức Phật được thọ thai, 32 hiện tượng kỳ diệu xuất hiện. Sau 10 tháng, ngày Đức Phật đản sanh, số hiện tượng kỳ diệu tương tự cũng xuất hiện và những hiện tượng này cũng xảy ra đối với tất cả các vị Bồ tát)
      Khi đến tuổi trưởng thành, thái tử Sumana vào ở trong ba cung điện bằng vàng: cung điện Canda, cung điện Sucanda và cung điện Vatamsa. Nơi này, Ngài thọ hưởng đời sống đế vương trong chín mươi ngàn năm cùng với chánh hậu là Vataṃsika (được hầu hạ bởi sáu triệu ba trăm ngàn cung nữ xinh đẹp)
      Khi hoàng hậu Vataṃsika hạ sanh hoàng nam Anupama thì Bồ tát gặp bốn điềm tướng: một người già, một người bịnh, một người chết và một vị sa-môn. Ngài từ bỏ thế gian trong bộ y phục do chư thiên dâng tặng và cỡi trên con voi kiết tường. Ba trăm triệu người khác noi theo gương xuất gia của Ngài mà trở thành Sa-môn.
      Bồ tát Sumana cùng với ba trăm triệu vị Sa-môn này đi vào thực hành pháp khổ hạnh (dukkacarariyā), vào ngày rằm tháng tư (Vesākha). Sau khi độ món cơm sữa do Anupamā, con gái của vị trưởng giả ở ngôi làng Anoma dâng cúng, Ngài trải qua một ngày trong rừng cây sala ở gần đó. Buổi chiều Ngài rời bỏ tùy tùng và một mình đi đến cây bồ đề. Trên đường đi Ngài nhận tám nắm cỏ do một người dị giáo tên Anupama dâng cúng, ngay khi Ngài trải mớ cỏ ấy dưới cội cây bồ đề thì Vô địch bảo tọa cao ba mươi hắc tay xuất hiện.
      Ngồi kiết già trên bảo tọa, Ngài chiến thắng Ma vương và đông đảo binh ma, chứng ngộ vô thượng Chánh đẳng giác, và ngâm bài kệ khải hoàn bắt đầu bằng câu Anekajātisaṃsarām mà mỗi vị Phật trong quá khứ luôn thốt lên.

      Ba Thắng thời thuyết pháp của Đức Phật Sumana (Dhammābhisamaya)

      Sau khi chứng đắc Phật quả và trải qua bốn mươi chín ngày ở bảy chỗ quanh cây bồ đề, Đức Phật nhận lời thỉnh cầu của Phạm thiên và quán xét xem Ngài thuyết pháp tế độ ai đầu tiên. Ngài thấy ba trăm triệu vị Sa-môn đã từng xuất gia chung với Ngài, người em khác mẹ là hoàng tử Sarana và chàng trai Bhavitatta, con trai của vị Purohita, những người này có đầy đủ phước duyên đã được gieo tạo trong quá khứ, có thể chứng đắc Đạo Quả và Niết bàn. Ngài nghĩ rằng: “Ta sẽ thuyết pháp đến họ trước.” Ngài xem xét về chỗ ở của họ và thấy rằng họ đang sống ở khu vườn Mekhala thuộc thành phố Mekhala, cách cây đại Bồ đề mười tám gāvuta. Đức Phật mang theo y bát đi đến khu vườn Mekhala bằng con đường hư không.
      Khi trông thấy Đức Phật Sumana đang tiến gần, ba trăm triệu vị Sa- môn với tâm đầy tịnh tín đã đón tiếp Ngài, thỉnh y và bát của Ngài, sửa soạn chỗ ngồi rồi trân trọng đảnh lễ Đức Phật. Khi tất cả phận sự đã được thực hiện xong, họ ngồi xuống ở chỗ phải lẽ quanh Đức Phật.
      Đức Phật bảo người làm vườn đi gọi hoàng tử Sarana và chàng trai Bhavitatta, con trai của quốc sư Purohita. Rồi Ngài thuyết bài kinh Chuyển pháp luân đến hội chúng gồm hoàng tử Sarana và chàng trai Bhavitatta cùng với bảy trăm triệu tùy tùng của họ. Ba trăm triệu vị sa-môn đã xuất gia với Ngài cùng đông đảo chư thiên và nhân loại. Đây là bài pháp đầu tiên được thuyết giảng bởi chư Phật quá khứ. Đức Phật Sumana đã thuyết bài kinh ấy như gióng lên tiếng trống Chánh pháp gồm chín thành phần, như trỗi lên tiếng tù và Tứ Diệu Đế.
      Điều đáng chú ý ở đây là: Sau khi chứng đắc Nhất thiết trí, Đức Phật Sumana muốn hoàn thành lời thỉnh cầu của Phạm thiên để giải thoát chúng sanh gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên ra khỏi ngục tù của tam giới, và để bảo vệ chúng sanh khỏi bị bọn cướp phiền não cướp đi kho tàng công đức của họ, Ngài xây dựng thành phố Niết bàn bất tử với những bức tường thành là Giới (Silā), những hào lũy bao quanh là Định (Samādhi) và cổng thành là Tuệ quán (Vipassanā Ñāṇa), những cánh cửa Chánh niệm (Sati), những ngôi nhà lớn trong đó là Bát thiền (Samāpatti) và trú ngụ trong đó là những cư dân phạm hạnh với các pháp Trợ bồ đề (Bodhipakkhiya Dhamma)
      Sau khi đã xây dựng thành phố Niết bàn, Đức Phật Sumana tạo ra một đại lộ thẳng tắp, xinh đẹp, rộng rãi và dài là Tứ niệm xứ (Satipaṭṭhāna). Ở bên kia đại lộ, Ngài tạo ra những dãy cửa hàng khả ái và an lạc là Pháp (Dhamma) để những người muốn các vật báu là bốn Quả (Phala), bốn Tuệ phân tích (Patisambhidā Ñāṇa), tám tầng Thiền (Samāpatti) và Lục thông (Abhiññāna) có thể mua chúng tùy thích bằng những đồng tiền là chánh niệm (sati), tinh tấn (vīriya), tàm (hirī) và quý (ottapa). Sau khi đã xây dựng thành phố Pháp bảo và lập nên thị trường Dhamma, Đức Phật Sumana gióng lên tiếng trống Chánh pháp bằng cách thuyết bài pháp đầu tiên – bài Chuyển pháp luân kinh, và đem lại sự giải thoát cho mười trăm ngàn triệu nhân loại, chư thiên và Phạm thiên.
      (Đây là Dhammābhisamaya lần đầu tiên)
      Để nhiếp phục tánh ngã mạn của các ngoại đạo sư rất hống hách và có tà kiến tại xứ Sunandavati, Đức Phật Sumana đã thị hiện Song thông gồm nước và lửa ở gần cây xoài và ban bố Chánh pháp – nước bất tử, đến nhân loại, chư thiên và Phạm thiên. Khi ấy có một ngàn triệu chúng sanh giác ngộ Tứ Diệu Đế.
      (Đây là Dhammābhisamaya lần thứ hai)
      Vào một dịp khác, chư thiên và Phạm thiên từ mười ngàn thế giới đến gặp nhân loại, chư thiên và Phạm thiên ở thế giới này bàn về thiền Diệt Thọ Tưởng Định (Nirodha-samāpatti) – “Bằng cách nào người ta có thể nhập vào thiền Nirodha-samāpatti? Bằng cách nào đắc được thiền ấy? Bằng cách nào người ta có thể xuất khỏi thiền ấy?” Vì họ không thể giải được những vấn đề như vậy, tất cả thấu đến chín cõi Phạm thiên đều khởi lên hoài nghi và tự chia thành hai nhóm. Cùng vua Arindama, chúa tể của loài người, họ đi đến Đức Phật Sumana, chúa tể của ba cõi, và nêu ra những câu hỏi trên. Đức Phật đã giải quyết vấn đề bằng cách ban ra những bài pháp thích hợp, nhờ đó có chín trăm triệu nhân loại, chư thiên và Phạm thiên giác ngộ Tứ Diệu Đế.
      (Đây là Dhammābhisamaya lần thứ ba)

      Ba kỳ đại hội Thánh Tăng – Sannipāta

      Đại hội lần thứ nhất xảy ra khi Đức Phật cùng với mười trăm ngàn triệu vị A-la-hán, tất cả đều là Thiện lai tỳ khưu, sau khi an cư kiết hạ gần thành phố Mekhala và khi kết thúc mùa an cư, vào ngày Tự tứ, Ngài tụng Pāṭimokkha vào ngày rằm tháng Assayuja.
      (Đây là Sannipāta lần thứ nhất)
      Vào một dịp nọ, khi Đức Phật đang lưu trú trên ngọn núi vàng ròng cao một gāvuta, qua những bài pháp thù thắng Ngài khuyến giáo đến đức vua cùng với chín trăm ngàn triệu tùy tùng của vị ấy. Đức Phật truyền phép xuất gia thiện lai tỳ khưu đến họ và giữa những vị A-la- hán thiện lai tỳ khưu này, Ngài tụng Pāṭimokkha giữa hội chúng có bốn đặc tánh.
      (4 đặc tánh này được đề cập trong kinh Dighanakha, Chú giải của kinh Trung bộ: 1) Đại hội được tổ chức vào ngày rằm tháng Magha (tháng 1). 2) Đại hội được tổ chức với sự tham dự của các vị A-la-hán
      mà không cần phải triệu thỉnh. 3) Tất cả tỳ khưu tham dự đại hội là những vị A-la-hán đã chứng đắc Lục thông. 4) Tất cả các vị đều là Thiện lai tỳ khưu – Ehi-bhikkhu)
      (Đây là Sannipāta lần thứ ba)

      Đức Phật Sumana thọ ký cho long vương Atula, tức Bồ tát Gotama

      Trong thời gian Đức Phật Sumana còn tại tiền, Bồ tát Gotama tái sanh làm long vương có đầy quyền lực. Khi hay tin rằng Đức Phật đã xuất hiện trong ba cõi và có bà con quyến thuộc theo Ngài, Long vương bèn ra khỏi chỗ ngụ của vị ấy và làm các việc phước đến Đức Phật và chúng đệ tử của Ngài gồm mười trăm ngàn triệu tỳ khưu như xướng lên âm nhạc và cúng dường đồ ăn, thức uống. Vị ấy cũng dâng y đến mỗi vị tỳ khưu và sau đó quy y Tam bảo.
      Nhân đó Đức Phật ban lời tiên tri: ‘Vị Long vương này trong tương lai sẽ thành một vị Phật danh hiệu là Gotama.’
      Khi nghe lời tiên tri của Đức Phật Sumana, Long vương Atula rất phấn chấn và vững chắc quyết tâm thể hiện tinh tấn nhiều hơn nữa, trong việc thực hành viên mãn mười pháp Ba-la-mật.

      Những chi tiết đặc biệt về Đức Phật Sumana

      Nơi sanh của Đức Phật Sumana là kinh đô Mekhala. Cha là vua Sudatta và mẹ là hoàng hậu Sirimā.
      Ngài trị vì chín ngàn năm và ba cung điện của Ngài là Canda, Sucanda và Vataṃsa.
      Chánh hậu là Vataṃsikā với sáu triệu ba trăm ngàn cung nữ hầu hạ.
      Con trai là hoàng tử Anupama.
      Hai đại đệ tử là trưởng lão Sarana và trưởng lão Bhāvitatta. Thị giả là trưởng lão Udena.
      Hai đại đệ tử nữ là trưởng lão ni Soṇā và trưởng lão ni Upasoṇā.
      Cây giác ngộ là cây Nāga.
      Hai cận sự nam là trưởng giả Varuna và trưởng giả Sarana. Hai cận sự nữ là Cālā và Upacālā.
      Đức Phật Sumana cao chín mươi hắc tay. Giống như cột trụ bằng vàng để thờ cúng, thân Ngài phát ánh hào quang rực rỡ chiếu khắp thế giới.
      Thọ mạng trong thời của Ngài là chín chục ngàn năm và suốt những năm tháng này, Ngài đã tế độ cho vô số chúng sanh gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên, đưa họ ra khỏi đại dương của luân hồi và đặt họ bên kia bờ của Niết bàn.
      Sau khi giải thoát cho những chúng sanh đáng được giải thoát ra khỏi đại dương luân hồi và thuyết giảng đến những chúng sanh đáng được nghe thuyết giảng về Tứ Diệu Đế, Đức Phật Sumana viên tịch đại Niết bàn như mặt trăng chìm lặn.
      Chúng Thinh văn đệ tử của Ngài, những vị A-la-hán, bậc đã đoạn trừ tất cả lậu hoặc; và Đức Phật, bậc vô song trong tam giới, đã chiếu sáng thế gian bằng ánh sáng vô song của Chánh pháp – tất cả rồi cũng viên tịch, để lại bóng đêm dày đặc cho thế gian.

      Kinh cảm quán

      Nhất thiết trí vô địch của Đức Phật Sumana, những kho tàng pháp bảo vô song của Ngài như bốn Quả, bốn Tuệ phân tích, v.v… tất cả đều biến mất. Các pháp hữu vi quả thật vô dụng, không thực tánh!

      Bảo tháp

      Như vậy Đức Phật Sumana, bậc đã hoàn toàn giác ngộ Tứ diệu đế, thành đạt danh tiếng lớn, đã viên tịch đại Niết bàn tại khu vườn Aṅga. Trong chính khu vườn ấy, một bảo tháp được xây dựng, cao bốn do tuần để cúng dường Ngài.
      Theo thông lệ đối với chư Phật có thọ mạng lâu dài, Xá lợi của Đức Phật Sumana không thể bị tan vỡ, rắn chắc như pho tượng vàng. Những viên Xá lợi này được tôn trí trong bảo tháp ấy, dân cư khắp xứ Diêm phù đề đã đem đến bảy loại châu báu để trang trí giúp hoàn thành công trình xây dựng.

      Kết thúc lịch sử Đức Phật Suman – Sumana Dudhavaṃsa

      

    5. Revata Buddhavaṁsa

      ( Lịch sử Đức Phật Ly-bà-đa)

      Sau khi Đức Phật Sumana viên tịch, thọ mạng của loài người giảm từ chín chục ngàn năm xuống còn mười năm; và từ mười năm thọ mạng lại tăng lên đến A-tăng-kỳ tuổi. Khi thọ mạng lại giảm xuống sáu mươi ngàn năm thì Bồ tát Revata (Ly-bà-đa) lúc ấy đã thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật và đang ở cung trời Đâu suất đà (Tusitā
      ) theo đúng thông lệ của chư vị Bồ tát. Khi đang thọ hưởng đời sống chư thiên ở đó, Ngài nhận lời thỉnh cầu của chư thiên và Phạm thiên, xuống cõi nhân loại và thọ sanh vào lòng của hoàng hậu Vipulā, là
      hoàng hậu của vua Vipula, tại kinh đô Sudhaññavatī. Mười tháng trôi qua, Ngài ra khỏi lòng mẹ như thiên nga chúa xuất hiện trên đỉnh núi Citta.

      Đời sống ở vương cung

      Khi Bồ tát, tức thái tử Revata đến tuổi trưởng thành, Ngài sống trong ba cung điện xinh đẹp bậc nhất, đó là Sudassana, Ratanagghi và Āvela – ba cung điện này xuất hiện do quả phước Ba-la-mật của Ngài trong quá khứ. Ngài thọ hưởng đời sống đế vương giống như ở thiên cung trong sáu ngàn năm cùng với chánh hậu là Sudassanā, được hầu hạ, phục dịch bởi ba mươi ba ngàn cung nữ.

      Sự xuất gia

      Sống trong cảnh cao sang quyền quý như vậy cho đến một hôm, hoàng hậu Sudassanā hạ sanh một hoàng nam tên là Varuṇa. Sau khi trông thấy bốn điềm tướng, trong bộ y rực rỡ do chư thiên dâng tặng – nét đặc thù của chư vị Bồ tát, Ngài ra đi xuất gia cỡi trên chiếc xe tuấn mã với một đoàn cận vệ đông đảo gồm bốn loại binh chủng: tượng binh, mã binh, xa binh và bộ binh – giống như mặt trăng trong đêm rằm được vây quanh bởi các tinh tú; giống như Đế Thích, vua của chư thiên với đông đảo chư thiên theo hầu; hoặc giống như Harita, vua của Phạm thiên, có chúng Phạm thiên theo hầu. Khi đến một khu rừng nọ, Ngài trao y cho vị quan giữ kho, tự cắt tóc rồi quăng lên hư không.
      Mớ tóc ấy được Đế Thích đỡ lấy trong một cái bát bằng vàng và được tôn trí trong một bảo tháp bằng bảy báu ở trên đỉnh núi Tudi, thuộc cung trời Đao lợi (Tāvatiṃsa).
      Sau khi đã mặc vào chiếc y hoa sen do Phạm thiên dâng tặng và trở thành vị Sa-môn, mười triệu nhân loại cũng theo gương Ngài mà xuất gia làm sa-môn.
      Rồi Bồ tát Revata tinh tấn thực hành pháp khổ hạnh (dukkharacariyā) cùng với mười triệu Sa-môn tùy tùng trong bảy tháng.

      Sự thành đạo

      Sau khi đã hoàn thành pháp khổ hạnh, vào ngày rằm tháng tư (Vesakha) – ngày Thành đạo, Ngài độ món cơm sữa do Sādhu Devī, con gái của một vị trưởng giả dâng cúng, và trải qua suốt ngày trong rừng cây sala. Buổi chiều Ngài rời chúng Sa-môn tùy tùng và một mình lặng lẽ đi đến cội cây bồ đề. Trên đường đi, Ngài nhận tám nắm cỏ do một người dị giáo tên Varunindhara dâng cúng. Ngay khi Ngài trải nó dưới cội cây bồ đề, Vô địch bảo tọa (Aparajita Pallaṅka) cao năm mươi ba hắc tay xuất hiện.
      Ngồi kiết già trên bảo tọa, Ngài thể hiện bốn mức độ tinh tấn, chiến thắng Ma vương và tùy tùng của ma vương. Rồi Ngài chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng giác, thành bậc Thế Tôn của tam giới.

      Ba Thắng thời thuyết pháp của Đức Phật Revata (Dhammābhisamaya)

      Sau khi thành đạo và trải qua bốn mươi chín ngày ở bảy chỗ quanh cây bồ đề, Đức Phật Revata nhận lời thỉnh cầu của Phạm thiên thuyết pháp độ sanh. Khi suy xét ai sẽ được tế độ trước tiên, Ngài thấy mười triệu vị sa-môn trước kia đã cùng Ngài xuất gia, chư thiên và nhân loại
      – những người đã gieo tạo đầy đủ phước duyên để có thể chứng đắc Đạo Quả và Niết bàn. Quán xét về chỗ ở của họ, Ngài biết rằng họ đang ở tại khu vườn Varuna, cách cây bồ đề mười tám gāvuta. Sau khi đem theo y và bát, Ngài lập tức đi đến chỗ ngụ của họ tại khu vườn Varuna bằng con đường hư không.
      (Xin lượt bỏ phần nói về các vị Sa-môn đón tiếp Đức Phật). Rồi Đức Phật Revata thuyết bài kinh Chuyển pháp luân đến mười triệu vị
      sa-môn và giúp họ giác ngộ Tứ diệu đế. Chúng sanh chứng đắc các tầng thánh Đạo và Quả thấp hơn thì vô số.
      (Đây là Dhammābhisamaya thứ nhất)
      Một dịp khác, Đức Phật Revata đến viếng thành phố Uttara – sở dĩ có tên như vậy vì đó là thành phố nổi trội hơn các thành phố khác và cũng là kinh đô của vua Arindama. Hay tin Đức Phật đến kinh đô của mình, đức vua cùng với ba chục triệu tùy tùng đã ra nghinh tiếp và mời Ngài cùng chúng Tăng đến thọ thực vào ngày mai. Trong bảy ngày đức vua đã phục vụ Đức Phật và chúng Tăng bằng những cuộc bố thí vĩ đại và tổ chức lễ hội đốt đèn khắp ba gāvuta để cúng dường Đức Phật. Đức Phật thuyết giảng những bài pháp thích hợp với căn tánh của đức vua. Trong dịp thuyết pháp ấy, mười ngàn triệu chư thiên và nhân lọai đã giác ngộ Tứ Diệu Đế, thoát khỏi luân hồi.
      (Đây là Dhammābhisamaya thứ hai)
      Lại một dịp khác, khi đang lưu trú gần thị trấn Uttara, nơi khất thực của Ngài, Đức Phật Revata đã nhập thiền Diệt (Nirodhasamapatti) trong bảy ngày. Dân thị trấn mang món cơm dẽo, những loại vật thực khác và thức uống đem dâng đến chư Tăng. Họ hỏi chư Tăng: “Bạch chư đại đức, hiện giờ Đức Phật đang ở đâu?” Các vị tỳ khưu đáp lại: “Đức Phật đang nhập thiền Diệt Thọ Tưởng Định.” Bảy ngày trôi qua, họ có cơ hội gặp Đức Phật và hỏi Ngài về những lợi ích của loại thiền ấy. Nhân đó, Đức Phật giảng giải về những lợi ích của thiền Diệt; khi ấy có một ngàn triệu chư thiên và nhân loại được an trú trong đạo quả A-la-hán.
      (Đây là Dhammābhisamaya thứ ba)

      Ba kỳ đại hội Thánh Tăng- Sannipāta

      Có ba kỳ Đại hội của chư Thinh văn đệ tử của Đức Phật, kỳ thứ nhất diễn ra tại thành phố Sudhannavatī, ở đó Đức Phật Revata tụng Pāṭimokkha lần đầu tiên đến các vị A-la-hán, tất cả đều là Thiện lai tỳ khưu và số lượng không thể nghĩ bàn.
      (Đây là Sannipāta lần thứ nhất)
      Về sau, đại hội được tổ chức ở thành phố Mekhala, Đức Phật tụng Pāṭimokkha đến mười trăm ngàn triệu vị A-la-hán, tất cả đều là Thiện lai tỳ khưu.
      (Đây là Sannipāta lần thứ hai)
      Tại Đại hội Thánh Tăng lần thứ ba, Đức Phật Revata giảng giải về ba đặc tánh vô thường, khổ và vô ngã đến dân chúng khi họ đến để thăm hỏi bịnh tình của đại trưởng lão Varuṇa – vị đại đệ tử cánh tay phải của Đức Phật, bậc tướng quân của chánh pháp vì vị ấy có khả năng làm cho bánh xe Pháp thường xuyên luân chuyển. Tình trạng của trưởng lão lúc bấy giờ rất trầm trọng khiến nhiều người phải lo lắng và thắc mắc: “Liệu Ngài có sống được không?” Tại đại hội ấy, Đức Phật cũng truyền phép xuất gia Thiện lai tỳ khưu cho một trăm ngàn người và an trú họ trong Đạo Quả A-la-hán. Ngài tụng Pāṭimokkha giữa hội chúng Thánh Tăng Thiện lai tỳ khưu ấy.
      (Đây là Sannipāta lần thứ ba)

      Đức Phật Revata thọ ký cho Bà la môn Atideva Bồ tát Gotama

      Lúc bấy giờ Bồ tát Gotama là Bà-la-môn Atideva, đã thông suốt tất cả kiến thức trong bà-la-môn giáo được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác qua những vị giáo sư nổi tiếng. Sau khi được yết kiến Đức Phật Revata và nghe pháp của Ngài, Bồ tát quy y Tam bảo và xướng lên một ngàn câu kệ để tán dương các ân đức của Đức Phật như giới,
      định và tuệ của Ngài và dâng cúng chiếc áo khoác
      trị giá một ngàn đồng tiền vàng của vị ấy.
      Nhân đó, Đức Phật Revata công bố lời tiên tri: “Sau hai A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp kể từ đại kiếp hiện tại này, ngươi sẽ thành một vị Phật danh hiệu là Gotama.”
      Được Đức Phật thọ ký như vậy, tâm của Bồ tát trở nên phấn chấn hơn và vị ấy dũng cảm quyết tâm nỗ lực nhiều hơn nữa để thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật với chí nguyện: “Ta sẽ quán tưởng và tu tập các pháp Ba-la-mật và cố gắng thành đạt Phật quả mà ta đã hằng mong ước.”

      Những chi tiết đặc biệt về Đức Phật Revata

      Nơi sanh của Ngài là kinh đô Sudhañña,.
      Phụ vương là vua Vipula, mẫu hậu là hoàng hậu Vipulā.
      Ngài cai trị vương quốc trong sáu ngàn năm và ba cung điện của
      Ngài là Sudassana, Ratanagghi và Āvela.
      Hoàng hậu là Sudaddanā, có 33 ngàn cung nữ hầu hạ. Con trai là
      Varuna.
      Sau khi trông thấy bốn điềm tướng, Ngài từ bỏ thế gian ra đi bằng
      xe song mã, thực hành khổ hạnh trong bảy tháng.
      Hai đại đệ tử là trưởng lão Varuṇa và trưởng lão Brahmadeva. Thị giả là trưởng lão Sambhava.
      Hai đại đệ tử nữ là trưởng lão ni Bhaddā và trưởng lão ni Subhaddā.
      Cây giác ngộ là cây Nāga.
      Hai cận sự nam bậc thánh là trưởng giả Paduma và trưởng giả Kuñjara. Hai cận sự nữ bậc thánh là Sirimā và Yasavatī.
      Đức Phật Revata cao tám mươi hắc tay. Ngài chiếu sáng khắp phương như lá cờ của Đế Thích. Thân Ngài tỏa hào quang khắp quanh một gāvuta, cả ngày lẫn đêm.
      Thọ mạng trong thời kỳ của Ngài là sáu chục ngàn năm. Ngài sống bốn phần năm thời kỳ thọ mạng này, cứu độ vô số chúng sanh gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên, đưa họ ra khỏi những cơn lũ của luân hồi và đặt họ bên kia bờ Niết bàn.
      Sau khi đã thuyết giảng Giáo pháp bất tử đến thế gian bằng cách thể hiện Thập lực của các đấng Chánh biến tri, Đức Phật Revata viên tịch đại Niết bàn như ngọn lửa khổng lồ vụt tắt khi nhiên liệu đã cạn hết

      Kinh cảm quán

      Kim thân ấy của Đức Phật Revata giống như viên bảo ngọc rắn và giáo pháp vô song của Ngài tất cả biến mất. Các pháp hữu vi quả thật vô dụng và không thực chất!
      Khi sắp viên tịch, Đức Phật Revata nguyện rằng: “Nguyện cho Xá lợi của Ta không kết thành một khối mà rời ra thành những viên nhỏ và truyền đến nhiều nơi để khi Ta viên tịch thì Xá-lợi giúp cho tất cả chúng sanh có thể đạt đến các cõi chư thiên và Niết bàn (theo quả của chúng).
      Ngài viên tịch tại rừng cây Nāga, không gần cũng không xa thành phố. Xá lợi của Ngài không kết lại thành một khối mà phân tán đi khắp nơi trong xứ Diêm phù đề theo đúng với ý nguyện của Ngài và được nhân loại, chư thiên và Phạm thiên ngày đêm lễ bái cúng dường.

      Kết thúc lịch sử của Đức Phật Revata – Revata Buddhavaṃsa

      

    6. Sobhita Buddhavaṁsa

      (Lịch sử Đức Phật Tô-bì-đa)

      Sau khi Đức Phật Revata viên tịch, thọ mạng của loài người dần dần giảm từ sáu chục ngàn năm xuống còn mười năm rồi lại tăng lên đến A-tăng-kỳ tuổi. Khi thọ mạng loài người lại giảm xuống lần thứ hai còn chín mươi ngàn năm, Bồ tát Sobhita sau khi thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật trong bốn A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp, đã tái sanh ở cung trời Đâu suất, là đặc điểm của chư vị Bồ tát. Khi đang sống ở đó, Ngài nhận lời thỉnh cầu của chư thiên xuống cõi nhân loại và thọ sanh vào lòng bà Sudhammā, chánh hậu của vua Sudhamma, trong kinh đô có cùng tên. Sau mười tháng, Bồ tát ra khỏi lòng mẹ tại khu vườn Sudhamma, giống như trăng rằm ra khỏi những đám mây đen.

      Đời sống trong vương cung

      Khi Bồ tát thái tử Sobhita đến tuổi trưởng thành, Ngài sống trong ba cung điện bằng vàng, đó là Kumuda, Nalina và Paduma, một cuộc sống đế vương như ở cõi chư thiên, chánh hậu Manila, và được hầu hạ bởi ba mươi bảy ngàn cung nữ.

      Sự xuất gia

      Khi đang sống trong cảnh vui sướng như vậy thì chánh hậu Manila hạ sanh một hoàng nam tên là Sīha. Sau khi thấy bốn điềm tướng, Bồ tát Sobhita khởi tâm xúc động mãnh liệt. Ngay tại hoàng cung Ngài sống cuộc đời của một vị Sa-môn và thực hành pháp thiền niệm hơi thở (ānāpāna-bhāvanā) cho đến khi Ngài chứng đắc tứ thiền. Ngài đã
      thực hành pháp khổ hạnh (dukkaracariyā) trong bảy ngày ngay tại
      hoàng cung.
      Vào ngày rằm tháng tư (Vesākha), ngày Thành đạo, Ngài độ món cơm sữa do chính tay của chánh hậu Manila dâng đến. Với ý chí xuất trần, Ngài phát nguyện:
      “Xin cho cung điện này, với tất cả mọi tiện nghi và cảnh trí thường ngày của nó hãy bay vào không trung trong khi dân chúng đang ngắm nhìn, rồi đáp xuống đất và cây đại Bồ đề xuất hiện giữa trung tâm. Khi ta đến gần cây bồ đề, xin cho tất cả cung nữ rời khỏi cung điện theo ý thích của họ mà ta không cần phải ra lệnh.”
      Bồ tát vừa phát nguyện xong thì cung điện từ sân triều của vua cha Sudhamma liền bay lên bầu trời có màu xanh đậm. Cung điện được trang trí bởi những tràng hoa thơm chiếu sáng rực rỡ, như mặt trời tỏa ra ánh sắc vàng hoặc như mặt trăng tròn tỏa sáng đêm rằm mùa thu. Cung điện bay khắp vòm trời trước sự vui thích của dân chúng với màu sắc rực rỡ của những nhánh cây và châu báu.
      Cung điện ấy cũng có nhiều loại chuông nhỏ được treo rũ xuống thật tuyệt đẹp. Chỉ cần một làn gió nhẹ thoảng qua là dãy chuông phát ra âm thanh du dương như tiếng của năm loại nhạc khí do những nhạc công tài ba tấu lên. Âm thanh trầm bỗng của tiếng chuông đã thu hút mọi người dù họ đang đứng bất cứ nơi nào, trong nhà hay ngoài phố, tất cả đều ca ngợi và tán thán. Âm thanh tựa như đang công bố các đặc tánh của những việc phước mà Bồ tát đã gieo tạo trong quá khứ.
      Những vũ nữ trong cung điện đang lơ lửng trên không trung cũng xướng lên những bài ca với giọng khả ái hòa cùng tiếng nhạc làm say đắm người nghe, họ xướng lên những lời ca ngợi Bồ tát. Bốn đội binh đứng quanh hoàng cung trên bầu trời như đang đứng trên đất liền. Họ giống như những đội binh của chư thiên sáng chói gươm đao và áo giáp.
      Sau khi đã bay trên vòm trời như vậy, cung điện của Bồ tát đáp xuống mặt đất tạo ra cây bồ đề Nāga ở giữa trung tâm. Cây bồ đề cao tám mươi tám hắc tay, thân thẳng, rộng, tròn đều và rực rỡ với những chùm hoa, cành lá và chồi non. Rồi các cung nữ rời cung điện, ra đi theo ý thích của họ.

      Sự thành đạo

      Sáng chói với nhiều đức tính và được vây quanh bởi những đoàn người, Đức Phật Sobhita đã chứng đắc tam minh suốt ba canh của đêm. Binh ma cũng đến như thường lệ. Tuy nhiên cung điện vẫn ở yên nơi đó.

      Ba Thắng thời thuyết pháp của Đức Phật Sobhita (Dhammābhisamaya)

      Sau khi giác ngộ Chánh đẳng giác, Đức Phật Sobhita trải qua bốn mươi chín ngày ở bảy chỗ quanh khu vực của cây đại Bồ đề. Nhận lời thỉnh cầu của Phạm thiên, Ngài suy xét ai sẽ được thuyết pháp tế độ trước tiên và với thiên nhãn, Ngài thấy hai người em khác mẹ của Ngài, là hoàng tử Asama và hoàng tử Sunetta. Khi biết rằng họ có phước hộ trì (upanissaya) và có thể lãnh hội giáo pháp thậm thâm và vi diệu, Ngài quyết định thuyết pháp đến họ. Ngài vận thần thông bay qua hư không và đáp xuống tại vườn thượng uyển Sudhamma. Đức Phật bảo người giữ vườn đi gọi hai vị hoàng tử. Giữa hội chúng gồm hai vị hoàng tử và tùy tùng của họ, nhân loại, chư thiên và Phạm thiên khắp các cõi từ cõi Hữu đỉnh thiên (bhavagga) xuống đến cõi địa ngục A-tỳ (avici), Đức Phật thuyết bài kinh Chuyển pháp luân (Dhammacakka-pavattana Sutta), kết quả là vô số nhân loại, chư thiên và Phạm thiên đều thông đạt Tứ Diệu Đế.
      (Đây là Dhammābhisamaya lần thứ nhất)
      Vào một dịp khác, sau khi thị hiện Song thông gồm nước và lửa gần cây Cittapatali cực kỳ xinh đẹp, gần cổng thành Sudassana, ngồi trên tảng đá Pandukambala bằng ngọc lục bảo dưới cây san hô, Đức Phật thuyết tạng A-tỳ-đàm. Vào lúc kết thúc thời pháp, chín trăm ngàn triệu chư thiên và Phạm thiên đều thông đạt Tứ Diệu Đế, và thoát khỏi luân hồi.
      (Đây là Dhammābhisamaya lần thứ hai)
      Lại một dịp khác, hoàng tử Jayasena xây dựng một tịnh xá trong một khu vườn tại Sudassana, nơi đây vị ấy cho trồng những cây quí như asoka, assakanna, v.v… cây này nối tiếp cây kia. Hoàng tử dâng tịnh xá cùng với khu vườn đến chúng Tăng có Đức Phật chứng minh. Tại đại lễ dâng cúng tịnh xá, Đức Phật Sobhita thuyết pháp tán dương sự cúng dường ấy. Vào lúc kết thúc của thời pháp, mười trăm ngàn triệu chúng sanh gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên đều thông đạt Tứ Diệu Đế.
      (Đây là Dhammābhisamaya lần thứ ba)

      Ba kỳ đại hội Thánh Tăng – Sannipāta

      Một lễ dâng cúng khác về tịnh xá Sunandārāma tại kinh đô Sunanda do vua Uggata dâng cúng đến chúng Tăng có Đức Phật chứng minh. Trong đại hội này có một ngàn triệu vị A-la-hán thiện lai tỳ khưu tham dự. Đức Phật đã tụng bài chỉ giáo Pāṭimokkha đến họ.
      (Đây là Sannipāta lần thứ nhất)
      Lại nữa, một nhóm người có giới đức gọi là Dhammagana đã xây dựng một tịnh xá tên là Gaṇārāma tại thành phố Mekhala và dâng nó đến chúng Tăng có Đức Phật chứng minh. Họ cũng bố thí cúng dường các món vật dụng khác. Trong dịp này có chín trăm triệu vị A-la-hán
      thiện lai tỳ khưu tham dự và Đức Phật đã ban lời giáo giới Pāṭimokkha đến họ.
      (Đây là Sannipāta lần thứ hai).
      Sau khi thuyết giảng tạng A-tỳ-đàm và trú ngụ suốt mùa an cư tại cung trời Đao lợi với chư thiên và Phạm thiên theo hầu. Đức Phật trở về cõi nhân loại để làm lễ Tự tứ và ban lời giáo giới Pāṭimokkha đến hội chúng, gồm tám trăm triệu vị A-la-hán thiện lai tỳ khưu.
      (Đây là Sannipāta lần thứ ba).

      Đức Phật Sobhita thọ ký cho Bà-la-môn Sujāta (Bồ tát Gotama)

      Lúc bấy giờ Bồ tát Gotama sanh làm vị Bà-la-môn tên là Sujāta, cha mẹ thuộc dòng dõi Bà-la-môn ở tại thành phố Rammavati. Sau khi nghe pháp của Đức Phật Sobhita, Bồ tát quy y Tam bảo. Vị ấy bố thí vật thực rất rộng rãi đến Đức Phật và chúng Tăng trong ba tháng an cư. Rồi Đức Phật Sobhita công bố lời tiên tri về Bà-la-môn Sujāta: “Người này trong tương lai sẽ thành một vị Phật danh hiệu Gotama.”

      Những đức tánh đặc biệt về Đức Phật Sobhita Nơi đản sanh của Đức Phật Sobhita là kinh đô Sudhamma. Cha là vua Sudhamma và mẹ là hoàng hậu Sudhammā.

      Ngài trị vì vương quốc trong chín ngàn năm. Ba cung điện của Ngài
      là Kamuda, Nalina và Paduma.
      Chánh hậu Manilā, với ba mươi bảy ngàn cung nữ. Con trai là Sīha.
      Phương tiện chuyên chở của Ngài vào dịp xuất gia sau khi trông thấy bốn điềm tướng là hoàng cung. Ngài thực hành khổ hạnh chỉ trong bảy ngày tại hoàng cung này.
      Hai đại đệ tử là trưởng lão Asama và trưởng lão Sunetta. Thị giả là trưởng lão Anoma.
      Hai đại đệ tử nữ là trưởng lão ni Nakulā và trưởng lão ni Sujātā.
      Cây giác ngộ là cây Nāga.
      Hai cận sự nam bậc thánh là trưởng giả Ramma và trưởng giả
      Sudatta.
      Hai cận sự nữ bậc thánh là tín nữ Nakulā và tín nữ Mittā.
      Đức Phật Sobhita cao năm mươi tám hắc tay. Như mặt trời ban mai, hào quang phát ra từ thân có thể chiếu sáng khắp mười phương, xa bao nhiêu tùy ý của Ngài.
      Giống như khu rừng lớn đầy hoa và tỏa ra nhiều loại hương thơm ngát, khu rừng giáo pháp của Đức Phật Sobhita thơm ngát những loại hương của giới hạnh.
      Một ví dụ so sánh khác: Giống như những con sóng của đại dương ngày đêm xô dạt vào bờ không biết chán; cũng vậy, chúng sanh gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên cũng không biết chán khi nghe những lời giảng dạy của Đức Phật Sobhita.
      Thọ mạng trong thời của Đức Phật Sobhita là chín chục ngàn năm và suốt bốn phần năm của thọ mạng, Ngài đã cứu vớt vô số chúng sanh gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên ra khỏi những dòng thác lũ của luân hồi và đặt họ bên kia bờ Niết bàn.
      Sau khi để lại giáo pháp thù thắng đa dạng, ngắn có dài có, cho chúng sanh trong tương lai mà chưa chứng đạt giải thoát khi Ngài còn tại tiền, Đức Phật Sobhita cùng với chúng Thanh văn đệ tử đã chấm dứt kiếp sống luân hồi, viên tịch đại Niết bàn như ngọn lửa lớn chợt tắt lịm.

      Kinh cảm quán

      Đức Phật Sobhita ngang bằng với chư Phật quá khứ, và chúng đệ tử A-la-hán của Ngài, những bậc có lục thông và những năng lực khác, tất cả đều biến mất. Các pháp hữu vi thật vô dụng, không thực tánh!
      Trước khi viên tịch đại Niết bàn, Đức Phật Sobhita chú nguyện rằng: “Khi Ta viên tịch rồi, Xá lợi của Ta không tụ thành một khối mà thành nhiều ngôi nhỏ và phân tán khắp nơi.” Và sự viên tịch của Ngài xảy ra ở khu vườn Sīha. Xá lợi của Ngài phân tán đi khắp xứ diêm phù đề được nhân loại, chư thiên và Phạm thiên ngày đêm lễ bái cúng dường.

      Kết thúc lịch sử của Đức Phật Sobhita- Sobhita Buddhavaṃsa

      

    7. Anomadassī Buddhavaṁsa

      (Lịch sử Đức Phật Cao Kiến)

      Sau đại kiếp có Đức Phật Sobhita xuất hiện thì vô số đại kiếp tiếp theo không có chư Phật xuất hiện, tức Không kiếp (suññata kappa). Và sau vô số không kiếp này đến một đại kiếp, trong đó có ba vị Phật lần lượt xuât hiện, đó là Đức Phật Anomadassī (Cao Kiến), Đức Phật Paduma (Hồng Liên) và Đức Phật Naradā (Na-la-đà).
      Vị Phật đầu tiên trong ba vị Phật này là Đức Phật Anomadassī (Cao Kiến).
      Sau khi đã thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật trong mười sáu A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp và cũng như các vị Bồ tát khác, Bồ tát Anomadassī tái sanh vào cung trời Đâu suất. Được chư thiên và Phạm thiên thỉnh cầu, Bồ tát xuống cõi nhân loại và thọ sanh vào lòng của hoàng hậu Yasodharā, vợ của vua Yasavā, tại kinh đô Candavatī.
      Một điều kỳ diệu xảy ra. Ngay khi hoàng tử Anomadassī vừa thọ sanh, do phước quá khứ của hoàng tử, ánh sáng phát ra rộng tám mươi hắc tay, vượt trội cả ánh sáng của mặt trời và mặt trăng.
      Hoàng hậu hạ sanh hoàng tử Anomadassī tại khu vườn Sucandana sau mười tháng.
      Khi Bồ tát còn ở trong bào thai thì châu báu trên trời liên tục rơi xuống gọi là Anoma nên vào ngày đặt tên, hoàng tử được các bậc trí tuệ đặt tên là Anomadassī.

      Đời sống ở vương cung

      Khi thái tử Anoma đến tuổi trưởng thành, Ngài sống trong ba cung điện: Sirī, Upasirī và Vaḍḍha giống như cung điện ở cõi chư thiên. Bên cạnh là chánh hậu Sirimā với hai mươi ba ngàn cung nữ hầu hạ và thời gian Ngài trị vì vương quốc trong mười ngàn năm.

      Sự xuất gia

      Khi Ngài đang sống như vậy thì hoàng hậu Sirimā hạ sanh một hoàng nam tên là Upavāṇa. Trông thấy bốn điềm tướng, Bồ tát thái tử Anomadassī từ bỏ đời sống gia đình, ra đi xuất gia trên chiếc kiệu và trở thành vị Sa-môn. Ba chục triệu người cảm kích về hành động xuất
      gia của Ngài cũng ra đi xuất gia Sa-môn. Cùng với những vị sa-môn này, Bồ tát thực hành pháp khổ hạnh trong mười tháng.

      Sự thành đạo

      Sau khi đã thực hành xong pháp khổ hạnh vào ngày rằm tháng tư (Vesākha), ngày thành đạo của Ngài, Ngài đi đến ngôi làng của trưởng giả Anupama để khất thực và độ món cơm sữa do Anopamā, con gái của vị trưởng giả dâng cúng. Trải qua suốt ngày trong khu vườn Sala của ngôi làng ấy và buổi chiều Ngài một mình đi đến cây đại bồ đề. Trên đường đi, Ngài nhận tám nắm cỏ do một người dị giáo tên Anoma dâng cúng. Khi Ngài vừa rải mớ cỏ ấy dưới cội cây Ajjuna thì Vô địch bảo tọa cao ba mươi tám hắc tay xuất hiện. Ngồi kiết già trên bảo tọa, Ngài vận dụng bốn mức độ tinh tấn, chiến thắng binh ma và trên hết, chứng đắc Phật quả, thành bậc Thế Tôn của tam giới.
      Sau khi đã cắt đứt những sợi dây ái dục đối với luân hồi và vượt qua các nghiệp dẫn đến ba cõi bằng Nghiệp tận trí của Ngài (kammakkhaya), Đức Phật Anomadassī giờ đây có thể khai thị giáo pháp từ Bát Thánh đạo dẫn đến Niết bàn.
      Đức Phật giống như đại dương, có những ân đức không thể nghĩ bàn. Với những ân đức này khiến những kẻ ngang ngạnh khó có thể đến gần Ngài, giống như ngọn núi Meru. Ngài cũng như bầu trời bao la vì những ân đức của Ngài thì vô tận. Rực rỡ với ba mươi hai hảo tướng và tám mươi tướng phụ, Ngài như cây sala nở đầy hoa, tỏa hương thơm ngát.
      Chúng sanh hoan hỷ với Đức Phật Anomadassī, nghe Ngài thuyết pháp và chứng đắc Niết bàn vô sanh bất diệt.

      Ba Thắng thời thuyết pháp của Đức Phật Anomadassī

      (Dhammābhisamaya)

      Sau khi thành đạo, Đức Phật trải qua bốn mươi chín ngày ở bảy chỗ quanh khu vực cây bồ đề. Ngài nhận lời thỉnh cầu của Phạm thiên và dò xét chúng sanh trong thế gian bằng Phật nhãn của Ngài – Ý lạc tùy miên trí (Āsayānusaya ñāṇa: trí nhận biết khuynh hướng và căn tánh của chúng sanh); và Căn thượng hạ trí (Indriyaparopariyatti ñāṇa: trí nhận biết các quyền của chúng sanh đã thành thục và chưa thành thục). Rồi Ngài trông thấy ba chục triệu tùy tùng đã cùng xuất gia với Ngài, là những người đã tích tập đầy đủ phước báu trong quá khứ có thể chứng đắc Đạo Quả và Niết bàn. Ngài thấy họ đang trú ngụ trong khu vườn Sudassana, gần thành phố Subhavatī, Ngài đi đến đó bằng đường hư không và đáp xuống khu vườn. Và giữa ba chục triệu vị sa- môn, Ngài thuyết bài kinh Chuyển pháp luân với hội chúng gồm nhân loại và chư thiên. Trong dịp ấy, một ngàn triệu chúng sanh thông đạt Tứ Diệu Đế, thoát khỏi luân hồi.
      (Đây là Dhammābhisamaya lần thứ nhất)
      Một dịp khác, khi Ngài đã thị hiện Song thông gần cây Asana, cạnh thành phố; ngồi trên tảng đá bằng ngọc lục bảo, Ngài đã rưới cơn mưa Abhidhamma suốt ba tháng mùa an cư. Khi ấy có tám trăm triệu chúng sanh thông đạt Tứ Diệu Đế, chứng đắc giải thoát.
      (Đây là Dhammābhisamaya lần thứ hai)
      Lại một dịp khác, khi Đức Phật thuyết giảng bài kinh Maṅgala, Hạnh phúc kinh, thì có bảy trăm tám chục triệu chúng sanh tỏ ngộ Tứ Diệu Đế, chứng đạt giải thoát.
      (Đây là Dhammābhisamaya lần thứ ba)

      Ba kỳ đại hội Thánh Tăng – Sannipāta

      Trong kỳ đại hội Thánh Tăng lần thứ nhất, Đức Phật Anomadassī tụng bài chỉ giáo Pāṭmokkha giữa tám trăm ngàn các vị A-la-hán, những
      bậc đã trở thành thiện lai tỳ khưu (ehi bhikkhu) nhờ niềm tịnh tín. Vào thời điểm đó, Ngài cũng thuyết Pháp đến nhà vua Isidatta, tại thành phố Soreyya.
      (Đây là Sannipāta lần thứ nhất)
      Lần nữa, Đức Phật đang thuyết pháp đến nhà vua Sundarindhara (Madhurindhara), tại thành phố Rādhavati, Ngài tụng bài chỉ giáo Pāṭmokkha giữa bảy trăm ngàn các vị A-la-hán, những bậc đã trở thành thiện lai tỳ khưu nhờ niềm tịnh tín.
      (Đây là Sannipāta lần thứ hai)
      Lần khác nữa, Đức Phật tụng bài chỉ giáo Pāṭmokkha giữa sáu trăm ngàn các vị A-la-hán, những bậc đã trở thành thiện lai tỳ khưu cùng với vua Soreyya, trong thành phố Soreyya.
      (Đây là Sannipāta lần thứ ba)

      Bồ tát Gotama làm nguyên soái dạ xoa được Đức Phật Anomadassī thọ ký

      Trong thời kỳ giáo pháp của Đức Phật Anomadassī, Bồ tát Gotama của chúng ta làm nguyên soái dạ xoa, cai quản hằng chục triệu dạ xoa oai lực hùng mạnh. Khi nghe tin Đức Phật đã xuất hiện trong thế gian, vị ấy đến yết kiến Đức Phật và tạo ra ngôi giả ốc lộng lẫy, được trang trí bởi loại ngọc xinh đẹp, trong đó vị ấy cúng dường vật thực, thức uống, v.v… đến Đức Phật và chúng Tăng trong bảy ngày.
      Trong khi nguyên soái dạ xoa đang nghe Đức Phật thuyết Pháp để tán dương sự bố thí cúng dường ấy, đồng thời Đức Phật cũng công bố lời tiên tri: “Kể từ đại kiếp này, một A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp nữa, vị nguyên soái dạ xoa này chắc chắn sẽ thành Phật danh hiệu là Gotama.”

      Những chi tiết đặc biệt về Đức Phật Anomadassī

      Nơi sanh của Đức Phật Anomadassī là kinh đô Candavati.
      Phụ vương là vua Yasavā và mẫu hậu là hoàng hậu Yasodharā.
      Ngài cai trị vương quốc trong mười ngàn năm; ba cung điện của
      Ngài là Sirī, Upasirī và Vaḍḍha.
      Chánh hậu Sirimā có hai mươi ba ngàn cung nữ hầu hạ; con trai là hoàng tử Upavāna.
      Ngài đi xuất gia bằng kiệu khiêng, ngài xuất ly thế gian sau khi trông thấy 4 điềm tướng và thực hành khổ hạnh trong mười tháng.
      Hai đại đệ tử là trưởng lão Nisabha và trưởng lão Anoma.
      Thị giả là trưởng lão Varuṇa.
      Hai đại đệ tử nữ là trưởng lão ni Sundarī và trưởng lão ni Sumanā.
      Cây giác ngộ là cây Ajjuna.
      Hai cận sự nam là Nandivaḍḍhana và Sirivaḍḍhana. Hai cận sự nữ là Ưu-bà-di Uppalā và Ưu-bà-di Padumā.
      Đức Phật Anomadassī cao năm mươi tám hắc tay. Như ánh sáng mặt trời ban mai, thân Ngài hào quang chiếu sáng xa mười hai do tuần.
      Thọ mạng trong thời Đức Phật Anomadassī là một trăm ngàn năm. Suốt bốn phần năm của thọ mạng, Ngài đã cứu độ chúng sanh gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên ra khỏi những cơn lũ của luân hồi và đặt họ bên kia bờ Niết bàn.
      Thời kỳ giáo pháp của Đức Phật Anomadassī luôn luôn sáng rực rỡ màu y vàng của những vị A-la-hán, những bậc Thánh không còn bị dao động trước những vui buồn của thế gian, đã thoát khỏi các phiền não và lậu hoặc.

      Kinh cảm quán

      Đức Phật Anomadassī, bậc có đồ chúng và danh vọng vô hạn, cùng với hai đại đệ tử và những Thanh văn đệ tử khác là những bậc có những đức tánh siêu việt, tất cả đều không còn nữa. Các pháp hữu vi quả thật vô dụng và không thực tánh!

      Bảo tháp

      Đức Phật Anomadassī, bậc chiến thắng ngũ ma, đã viên tịch đại Niết bàn tại khu vườn Dhammārāma. Bảo tháp được xây dựng dành cho Ngài cao hai mươi lăm do tuần.
      (Hai vị là tiền thân của trưởng lão Sāriputta và trưởng lão Moggallāna, đã phát nguyện trở thành đại đệ tử trước Đức Phật Anomadassī. Điều này sẽ được kể lại ở phần lịch sử Đức Phật Gotama.)

      Kết thúc lịch sử Đức Phật Anomadassī – Anomadassī

      Buddhavaṃsa

      

    8. Paduma Buddhavaṁsa

      (Lịch sử Đức Phật Hồng Liên)

      Sau khi Đức Phật Anomadassī viên tịch đại Niết bàn, thọ mạng của loài người giảm từ một trăm ngàn năm xuống còn mười tuổi, rồi lại
      tăng lên đến A-tăng-kỳ tuổi và lại giảm dần xuống. Khi thọ mạng của loài người giảm xuống một trăm ngàn tuổi, lúc đó Bồ tát Paduma đã thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật và đang thọ hưởng cuộc sống chư thiên ở cung trời Đâu suất đà theo đúng truyền thống của chư vị Bồ tát. Khi nhận lời thỉnh cầu của chư thiên và Phạm thiên, Ngài xuống cõi nhân loại và thọ sanh vào lòng của bà Asamā, chánh hậu của vua Asama. Bồ tát đản sanh trong rừng cây Campaka sau mười tháng
      Vào lúc Bồ tát Paduma đản sanh, hoa sen từ trên bầu trời rơi xuống khắp cõi Diêm phù đề bao phủ các vùng biển chung quanh. Do đó, vào ngày đặt tên, các học giả và quyến thuộc gọi Ngài là Mahāpaduma (Hồng liên hay Đại Liên hoa).

      Đời sống ở vương cung

      Khi Bồ tát Mahāpaduma đến tuổi trưởng thành, Ngài vào sống trong ba cung điện Nanduttara, Vasuttara và Yasuttara, được hầu hạ bởi ba mươi ngàn cung nữ đứng đầu là chánh hậu Uttarā. Ngài sống cuộc đời vương giả giống như ở cõi chư thiên trong mười ngàn năm.

      Sự xuất gia

      Khi đang sống như vậy thì hoàng hậu Uttarā hạ sanh một hoàng nam tên là Ramma. Sau khi thấy bốn điềm tướng, Ngài đi xuất gia trong bộ y phục của chư thiên, bằng xe song mã và trở thành Sa-môn. Noi gương Ngài có mười triệu người khác cũng xuất gia Sa-môn. Cùng với những vị Sa-môn này, Bồ tát Paduma thực hành khổ hạnh trong tám tháng.

      Sự thành đạo

      Sau khi tinh tấn thực hành khổ hạnh trong tám tháng, ngày thành
      đạo của Bồ tát, Ngài độ món cơm sữa do Dhaññavatī dâng cúng, con
      gái của một vị trưởng giả tên là Sudhaññavati, ở thành phố Dhaññavatī. Sau nửa ngày trong rừng cây Sala ở gần đó, đến chiều Ngài rời bỏ đồ chúng, một mình đi đến cây đại bồ đề. Trên đường đi, Ngài nhận tám nắm cỏ do một người dị giáo tên Titthaka dâng cúng, và ngay khi trải mớ cỏ dưới cội cây bồ đề Sona, thì Vô địch bảo toạ cao ba mươi hắc tay từ dưới lòng đất xuất hiện. Ngồi kiết già trên bảo toạ và vận dụng bốn mức độ tinh tấn, Bồ tát chiến thắng binh ma và chứng đắc Nhất thiết trí, trở thành một vị Phật, Thế Tôn của ba cõi.

      Ba Thắng thời thuyết pháp của Đức Phật Paduma (Dhammābhisamaya)

      Sau khi thành đạo, Đức Phật Chánh biến tri Paduma trải qua bốn mươi chín ngày ở bảy chỗ quanh khu vực cây bồ đề. Nhận lời thỉnh cầu của Phạm thiên, Ngài quán xét xem nên thuyết pháp ai trước và trông thấy các vị Sa-môn đồ chúng của Ngài, số lượng mười triệu. Bằng Phật nhãn, Ngài thấy họ đang trú ngụ ở khu vườn Dhanañjaya, gần thành phố Dhaññavatī. Ngài mang y bát và lập tức xuất hiện ở khu vườn.
      Khi thấy Đức Phật đi đến từ xa, các vị Sa-môn với tâm tịnh tín đã đón tiếp Ngài một cách nồng hậu, thỉnh y bát của Ngài, thỉnh Ngài ngồi vào chỗ ngồi đã được sửa soạn chu đáo, rồi họ đảnh lễ Đức Phật và ngồi quanh Ngài. Cũng như chư Phật quá khứ, Đức Phật Paduma thuyết bài kinh Chuyển pháp luân giữa hội chúng gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên. Trong dịp ấy có một ngàn triệu nhân loại, chư thiên và Phạm thiên tỏ ngộ Tứ Diệu Đế, chứng đạt giải thoát.
      (Đây là Dhammābhisamaya lần thứ nhất)
      Một dịp khác, Đức Phật về hoàng cung tiếp độ quyến thuộc.Ngài truyền phép xuất gia cho hai người em khác mẹ là hoàng tử Sāla và
      hoàng tử Upasāla cùng tùy tùng của họ, và thuyết pháp đến chín trăm triệu nhân loại và chư thiên, giúp họ chứng đạt Đạo Quả tối thượng.
      (Đây là Dhammābhisamaya thứ hai)
      Lại một dịp khác, Đức Phật Paduma thuyết pháp giáo giới đến tôn giả Ramma và chúng sanh tham dự thời pháp ấy với số lượng tám trăm triệu, gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên, tất cả điều tỏ ngộ Tứ Diệu Đế, chứng đạt giải thoát.
      (Đây là Dhammābhisamaya lần thứ ba)

      Ba kỳ đại hội Thánh Tăng Paduma – Sannipāta

      Có ba kỳ đại hội của những vị Thinh văn đệ tử Đức Phật. Ở kỳ đại hội thứ nhất, vua Suphāvivatta với một ngàn triệu tùy tùng đều trở thành thiện lai tỳ khưu và trong hội chúng ấy, Đức Phật Paduma đã ban lời giáo giới Ovāda Pātimokkha.
      (Đây là Sannipāta lần thứ nhất)
      Trong một dịp khác Đức Phật an cư kiết hạ và chỗ Ngài đến khất thực là Usabhavati. Ngài đã thuyết pháp những cư dân đến yết kiến Ngài, nhiều người khởi tâm tịnh tín với Đức Phật xuất gia tỳ khưu
      .Vào ngày rằm tháng giêng (Assayuja), Đức Phật Paduma làm lễ Tự tứ với những vị tỳ khưu trong thành phố Usaphavati và những vị tỳ khưu khác, số lượng là ba trăm ngàn vị A-la-hán thiện lai tỳ khưu.
      (Đây là Sannipāta lần thứ hai)
      Khi những cư sĩ của thành phố nghe nói về các phước báu của lễ dâng y Kathina, họ bèn dâng y Kathina đến chúng Tăng. Chúng Tăng chỉ định trưởng lão Saha đứng ra thọ lãnh y Kathina, trưởng lão là đại đệ tử cánh tay phải của Đức Phật Paduma, là bậc tướng quân chánh
      pháp (Dhammasenāpati). Rồi các vị tỳ khưu phụ nhau may xong lá y trong ngày.Vì đây là việc làm của chư Tăng nên Đức Phật cũng tham dự một phần công việc là xâu chỉ luồng kim. Khi công việc đã xong, Đức Phật cùng ba trăm ngàn vị tỳ khưu khởi hành lên đường. Sau đó Đức Phật an cư kiết hạ tại một khu rừng giống như khu rừng Gosinga đầy những cây Sala.Trong khi Đức Phật lưu trú ở đó thì dân chúng đến viếng thăm Ngài. Sau khi nghe Đức Phật thuyết pháp thì tâm tịnh tín của họ gia tăng và muốn trở thành Sa-môn. Nhân đó Đức Phật trưyền pháp xuất gia thiện lai tỳ khưu cho họ ngay tại đó. Rồi Đức Phật làm lễ Tự tứ giữa hai trăm ngàn vị tỳ khưu.
      (Đây là Sannipāta thứ ba)

      Bồ tát Gotama làm sư tử vương và được Đức Phật Paduma thọ ký

      Khi Đức Phật Paduma đang ngụ ở khu rừng Gosinga, thì Bồ tát của chúng ta làm chúa của loài sư tử. Thấy Đức Phật đang nhập thiền Diệt (Nirodhasamāpatti), sư tử vương bèn khởi tâm tịnh tín nên tỏ sự cung kính bằng cách đi quanh Ngài ba vòng. Đầy hoan hỷ, vị ấy trỗi lên tiếng rống ba lần và nằm hầu suốt bảy ngày với tâm an trú trong hình ảnh của Đức Phật, không đi kiếm vật thực, vị ấy ở bên cạnh Đức Phật với tâm thành kính với nguy cơ phải mất mạng vì đói.
      Bảy ngày trôi qua và sau khi xuất khỏi thiền Diệt, Ngài trông thấy sư tử và nguyện rằng: “Nguyện cho sư tử này cũng có lòng tịnh tín đối với chư Tăng.” Đồng thời Ngài cũng nguyện cho chư Tăng đến gần Ngài: “Nguyện cho các vị tỳ khưu hãy đến đây.” Ngay tức thì hàng chục triệu tỳ khưu đến tại chỗ ấy. Bồ Tát cũng khởi tâm tịnh tín đối với chúng Tăng. Sau khi dò xét và biết được tâm của Bồ tát, Đức Phật Paduma công bố lời tiên tri: “Trong tương lai vị sư tử vương này sẽ thành Phật danh hiệu là Gotama.”
      Sau khi nghe lời tiên tri của Đức Phật. Bồ Tát đầy phấn chấn và quyết tâm tinh tấn thực hành viên mãn mười pháp Ba la mật.

      Những chi tiết đặc biệt về Đức Phật Paduma Nơi sanh của Đức Phật Paduma là khu kinh đô Campaka. Phụ vương là Asama và mẫu hậu là Asamā.

      Ngài cai trị vương quốc mười ngàn năm. Ba cung điện của Ngài là Nanduttara, Vasuttara và Yasuttara.
      Chánh hậu là Uttarā có ba mươi ngàn cung nữ hầu hạ. Con trai là
      hoàng tử Ramma.
      Ngài đi xuất gia bằng xe song mã và thực hành khổ hạnh trong tám
      tháng.
      Hai đại đệ tử là trưởng lão Sāla và trưởng lão Upasāla. Thị giả là trưởng lão Varuṇa.
      Hai đại đệ tử nữ là trưởng lão ni Rādhā và trưởng lão ni Surādha.
      Cây giác ngộ là cây Mahāsona.
      Hai cận sự nam bậc thánh là trưởng giả Bhiyya và trưởng giả
      Asama, hai cận sự nữ là ưu bà di Ruci và ưu bà di Nandarāmā.
      Đức Phật Pamuda cao năm mươi tám hắc tay. Hào quang từ thân của Ngài tỏa ra bao nhiêu, tùy theo ý muốn của Ngài.
      Các loại ánh sáng của mặt trăng, mặt trời, châu báu, lửa và các loại ngọc đều biến mất khi gặp ánh sáng của Đức Phật .
      Thọ mạng trong thời kỳ Đức Phật Pamuda là một trăm ngàn năm và sống khoảng bốn phần năm của thọ mạng, Ngài đã cứu vớt chúng sanh, gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên ra khỏi biển luân hồi và đặt họ trên bờ Niết bàn.
      Ngài giúp cho những chúng sanh có ngũ quyền thành tựu được Tứ Diệu Đế ngay trong lúc sanh thời, không bỏ sót một ai và sau khi chỉ dạy cho những chúng sanh khác giữa nhân loại, chư thiên và Phạm thiên để họ có thể giác ngộ Tứ Diệu Đế, Đức Phật Pamuda cùng với chư Thinh văn đệ tử của Ngài đã viên tịch. Như con rắn lột bỏ lớp da cũ, như cây loại bỏ những chiếc lá vàng, như ngọn lửa cháy hết sau khi nhiên liệu đã cạn kiệt, cũng vậy Đức Phật Pamuda đã viên tịch đại Niết bàn – từ bỏ tất cả các pháp hữu vi, trong thân và ngoài thân.
      Như vậy Đức Phật Pamuda đã chiến thắng ngũ ma, đã viên tịch tại khu vườn Phammārāma.Theo đúng với nguyện vọng của Ngài, Xá-lợi được phân tán đi khắp cõi Diêm phù đề và được nhân loại, chư thiên và Phạm thiên ngày đêm lễ bái, cúng dường.

      Kết thúc lịch sử Đức Phật Pamuda – Pamuda Budhavaṃsa

      

    9. Nārada Buddhavaṁsa

      (Lịch sử Đức Phật Nārada)

      Sau khi Đức Phật Pamuda viên tịch, thọ mạng một trăm ngàn năm của loài người dần dần giảm còn mười năm rồi lại tăng lên đến A- tăng-kỳ tuổi. Khi thọ mạng loài người giảm xuống chín chục ngàn năm, lúc ấy Bồ tát Nārada đã thực hành viên mãn các pháp Ba-La-Mật và đang thọ hưởng đời sống chư thiên ở cung trời Đâu Suất Đà. Sau
      khi nhận lời thỉnh cầu của chư thiên và Phạm thiên, Bồ tát xuống cõi nhân loaị và thọ sanh vào lòng của bà Anomā, chánh hậu của Chuyển- luân-vương Sudeva tại kinh đô Dhaññavatī. Sau mười tháng Bồ tát đản sanh tại khu vườn Dhanañjaya.
      Vào ngày đặt tên, khi sắp đến giờ đặt tên của Ngài, từ trên trời, từ những cây như ý trên đường, v.v… nhiều loại y phục, trang sức quý giá rơi xuống mặt đất như cơn mưa rào. Nhân đó Ngài được đặt tên là Nārada – “Nara” có nghĩa là những vật trang sức thích hợp với mọi người và “da” là người cho.

      Đời sống ở vương cung

      Khi thái tử Nārada đến tuổi trưởng thành, Ngài sống trong cung điện Jita, Vijita và Abhirama; được hầu hạ bởi một triệu hai trăm ngàn cung nữ, dẫn đầu là chánh hậu Vijitasenā. Như vậy Ngài sống cuộc đời đế vương như ở cõi chư thiên suốt chín ngàn năm.

      Sự xuất gia

      Khi thái tử Nārada đang thọ hưởng đời sống đế vương như vậy thì công nương Vijitasenā hạ sanh một hoàng nam tên là Nanduttara. Sau khi thấy bốn điềm tướng, Ngài mặc vào bộ y phục xinh đẹp, thoa nước thơm, mang tràng hoa, v.v… vây quanh bởi bốn đoàn hùng binh, Ngài đi bộ đến vườn thượng uyển. Sau khi cởi bỏ đồ trang sức trên người và trao chúng cho vị quan thủ kho, Ngài tự tay cắt tóc của mình và ném vào không trung.
      Sakka, vua của chư thiên, hứng lấy mớ tóc ấy trong một cái hộp bằng vàng và tôn trí trong bảo tháp bằng bảy loại châu báu, cao ba do tuần, ở trên đỉnh núi Tu-di-sơn (Meru) thuộc cung trời Đao lợi (Tavatiṃsa). Sau khi mặc vào bộ y phục của vị ẩn sĩ do Phạm thiên dâng cúng, Bồ tát trở thành vị Sa-môn ngay tại khu vườn đó. Một trăm ngàn người cùng xuất gia với Ngài.
      (Điều đáng chú ý ở đây là: những vị Bồ tát khác trông thấy các điềm tướng khi họ đang đến vườn thượng uyển để vui chơi. Khi thấy các điềm tướng và khởi tâm kinh cảm thì các Ngài ra đi, không đến nơi vui chơi thường ngày mà đến rừng núi xa xôi để từ bỏ thế gian. Nơi nhìn thấy các điềm tướng và nơi từ bỏ thế gian là hai nơi khác nhau. Vì hai nơi ấy thường cách xa nhau nên các Ngài dùng phương tiện vận chuyển như voi, ngựa, xe, v.v….
      Tuy nhiên trong trường hợp của Đức Phật Nārada thì khác – Ngài thấy bốn điềm tướng ở vườn thượng uyển và xuất gia ngay đó. Chú giải nói rằng khu vườn Dhaññajaya nằm ở vùng phụ cận của kinh đô.)

      Sự thành đạo

      Bồ tát Nārada thực hành khổ hạnh (Dukkaracariya) tại vườn thượng uyển trong bảy ngày. Vào ngày rằm tháng tư, ngày thành đạo của Ngài, Bồ tát độ món cơm sữa do hoàng hậu Vijitasenā dâng cúng và trải qua suốt ngày trong khu vườn ấy. Buổi chiều Ngài rời bỏ đoàn tùy tùng và một mình đi đến cây bồ đề. Trên đường đi Ngài nhận tám nắm cỏ từ người giữ vườn Sudassana. Khi Ngài vừa trải xong mớ cỏ dưới cội cây bồ đề Sona thì Vô địch bảo tọa cao năm mươi bảy hắc tay xuất hiện. Ngồi kiết già trên bảo tọa, Bồ tát vận dụng bốn mức độ tinh tấn, chiến thắng binh ma và chứng đắc Nhất thiết trí, thành bậc Chánh đẳng giác, Thế Tôn của ba cõi.
      (Bộ chú giải Buddhavaṃsa nhấn mạnh về cây đại bồ đề Sona của Đức Phật Nārada: “Cây đại Sona cao chín mươi hắc tay, thân tròn nhẵn, có nhiều nhánh lớn xòe ra mọc những nhánh nhỏ đều đặn và cân đối, các tán lá dày đặc, màu xanh đậm, bóng râm chằng chịt không có kẽ hở. Được thọ thần bảo vệ nên chim chóc không thể đến làm tổ, cây được xem là thọ vương, chúa của cây cối trên mặt đất – có những bông hoa đỏ thắm, tươi tắn và đẹp mắt. Như vậy, cây ấy đem lại sự an vui
      lâu dài cho bất cứ ai – nhân loại hoặc chư thiên được may mắn đến chiêm ngưỡng).

      Ba Thắng thời thuyết pháp của Đức Phật Nārada (Dhammābhisamaya)

      Sau khi thành đạo, Đức Phật Nārada trải qua bốn mươi chín ngày ở bảy chỗ quanh khu vực cây bồ đề. Sau khi nhận lời thỉnh cầu thuyết pháp của Phạm thiên, Ngài quán xem nên thưyết pháp đến ai trước. Rồi Ngài thấy những vị Sa-môn đã từng hành đạo chung với Ngài, có đầy đủ phước duyên để chứng đắc Đạo Quả giải thoát. Sau khi xem xét về chỗ ngụ của họ, Ngài biết rằng họ đang ngụ ở khu vườn Dhanañjaya. Do đó, Đức Phật mang y bát và vận dụng thần thông lập tức xuất hiện ở khu vườn.
      Trông thấy Đức Phật từ xa, mười triệu Sa-môn với tâm tịnh tín đã đón tiếp Ngài rất chu đáo, thỉnh y và bát của Ngài, thỉnh Ngài an tọa vào chỗ đã được sắp sẵn, đảnh lễ Ngài rồi ngồi xuống ở nơi phải lẽ. Đức Phật thuyết bài kinh Chuyển pháp luân (Dhammacakkapavattana Sutta) giữa chúng Sa-môn và hội chúng gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên. Trong dịp ấy có một ngàn triệu nhân loại, chư thiên và Phạm thiên giác ngộ pháp tối thượng là Đạo Quả và Niết bàn.
      (Đây là Dhammābhisamaya lần thứ nhất)
      Một lần nọ, Long vương Doṇa đang cai quản ở các bờ của sông Hằng (Gaṅgā), gần thành phố Mahādoṇa. Vị ấy có nhiều quyền lực, được tôn trọng và kính nể. Nếu dân địa phương không làm hài lòng bằng sự cúng tế thì long vương sẽ giáng họa xuống dân chúng bằng cách gây ra hạn hán hoặc tạo ra những cơn mưa lớn hay mưa đá.
      Đức Phật Nārada sau khi nhận biết rằng nếu Ngài đi nhiếp phục long vương Doṇa thì sẽ có nhiều chúng sanh được giác ngộ Đạo Quả và Niết bàn, nhờ túc duyên mà họ đã gieo tạo trong quá khứ. Do đó,
      Đức Phật đi đến chỗ ngụ của long vương cùng chúng tỳ khưu theo
      hầu.
      Dân chúng yêu cầu Ngài đừng đi đến đó: “Thưa Đức Phật quang vinh, ở đây có vị long vương rất hung dữ và hùng mạnh cai quản vùng này. Xin đừng đến đấy, e rằng Ngài sẽ bị hại.” Tuy nhiên, Đức Phật vẫn đi tựa như không nghe thấy lời nài nỉ của họ và ngồi trên bảo tọa được kết bằng hoa dành cho long vương.
      Dân chúng kéo đến, nghĩ rằng: “Giờ chúng ta sẽ chứng kiến cuộc chiến giữa Đức Phật, chúa của Thánh hiền, và long vương Doṇa.” Khi trông thấy Đức Phật đang ngồi trên bảo tọa bằng hoa dành cho mình, long vương không thể kiềm chế cơn giận dữ đang sôi sục trong người, bèn hiện ra và phun khói mù mịt. Đức Phật cũng dùng thần thông phun khói đáp trả. Rồi long vương phun ra những ngọn lửa lớn, Đức Phật cũng đáp lại bằng những ngọn lửa lớn. Bị những ngọn lửa nóng hơn phát ra từ Đức Phật, long vương không thể chịu đựng nổi, bèn nghĩ rằng: “Ta sẽ giết chết vị đại Sa-môn này bằng chất độc của ta.” Rồi long vương phun độc.
      Dầu chất độc của long vương có khả năng tiêu diệt toàn cõi Diêm phù đề, tuy nhiên nó không đủ sức để làm hại ngay cả một sợi lông trên người của Đức Phật. Long vương ngạc nhiên: “Vị đại Sa-môn này có oai lực như thế nào? Vị ấy là ai?” Khi dò xét như vậy, long vương nhìn thấy gương mặt bình thản của Đức Phật, sáng chói bởi hào quang sáu màu như mặt trời, như trăng rằm của tháng mười giữa mùa thu. Rồi vị ấy tự nghĩ: “Vị đại Sa-môn này quả thật có oai lực; không lượng được sức mình, ta đã cư xử không phải với Ngài.” Long vương bèn sám hối và quy y Phật. Sau khi nhiếp phục long vương, Đức Phật thị hiện Song thông gồm nước và lửa để khơi dậy niềm tịnh tín của hội chúng đang tụ họp ở đó. Lúc bấy giờ có chín trăm ngàn triệu nhân loại và chư thiên được an trú trong đạo quả A-la-hán.
      (Đây là Dhammābhisamaya lần thứ hai)
      Một dịp khác, Đức Phật Nārada ban lời giáo giới đến con trai của Ngài, hoàng tử Nanduttara. Tám chục ngàn chư thiên và nhân loại chứng đạt pháp tối thượng là Đạo Quả và Niết bàn.
      (Đây là Dhammābhisamaya lần thứ ba)

      Ba kỳ đại hội Thánh Tăng – Sannipāta

      Có ba kỳ Đại hội Thánh Tăng đệ tử của Đức Phật Nārada. Kỳ thứ nhất diễn ra ở thành phố Thulla-kotthita, ở đó hai vị Bà-la-môn đại đệ tử tương lai, Bhaddasāla và Vijitamitta đến yết kiến Đức Phật Nārada khi Ngài đang ngồi giữa hội chúng. Họ đang tìm kiếm hồ nước Pháp bất tử. Khi hai chàng trai trông thấy ba mươi hai hảo tướng của bậc đại nhân trên người của Đức Phật, họ kết luận rằng: “Đây chắc chắn là Đức Phật, bậc đã đoạn diệt màn đêm vô minh của thế gian”. Sau khi khởi tâm tịnh tín đối với Đức Phật, họ cùng với tùy tùng xuất gia trở thành những vị tỳ khưu. Sau khi an trú họ trong thánh quả A-la-hán, Đức Phật tụng Ovāda Pāṭimokkha giữa hội chúng gồm mười trăm ngàn triệu tỳ khưu.
      (Đây là Sannipāta lần thứ nhất)
      Một dịp khác, trong hội chúng gồm những quyến thuộc của Ngài, Đức Phật Nārada kể lại câu chuyện về cuộc đời của Ngài bắt đầu từ khi Ngài phát nguyện thành Phật. Khi ấy có mặt chín trăm ngàn triệu vị A-la-hán.
      (Đây là Sannipāta lần thứ hai)
      Lại một dịp khác, khi Đức Phật Nārada nhiếp phục long vương Mahādoṇa, chúa rồng Verocana khởi tâm tịnh tín đối với Đức Phật, đã hóa ra một giả ốc to lớn bằng bảy báu, rộng ba gāvuta, rồi thỉnh Đức
      Phật và chúng Tăng vào an ngự trong đó. Vị ấy cũng mời các quan của mình cùng dân chúng địa phương đến viếng giả ốc. Sau khi cho các nữ rồng ăn mặc xinh đẹp và trang sức lộng lẫy múa hát để cúng dường Đức Phật, long vương đã bố thí vật thực một cách dồi dào đến Đức Phật và chúng Tăng.
      Sau buổi thọ thực, Đức Phật thuyết pháp để tán dương sự cúng dường vật thực ấy. Sau khi nghe pháp, dân chúng khởi tâm tịnh tín nơi Đức Phật và xin xuất gia Sa-môn. Đức Phật truyền phép xuất gia Thiện lai tỳ khưu đến họ và giữa hội chúng gồm tám triệu vị Thiện lai tỳ khưu, Đức Phật tụng Ovāda Pāṭimokkha.
      (Đây là Sannipāta lần thứ ba)

      Bồ tát Gotama làm ẩn sĩ và được Đức Phật Nārada thọ ký

      Lúc bấy giờ Bồ tát của chúng ta là một ẩn sĩ sống trong một ẩn xá tại Hy mã lạp sơn, đã chứng đắc Bát thiền (Samāpatti) và Ngũ thông (Anhiññā). Vì lòng bi mẫn đối với Bồ tát đạo sĩ, Đức Phật Nārada đã đến viếng ẩn xá cùng với tám trăm triệu cư sĩ, tất cả đều là những vị A-na-hàm (Anāgāmī).
      Ẩn sĩ rất vui sướng được gặp Đức Phật. Rồi vị ấy tạo ra một chỗ ngụ khác dành cho Đức Phật và chúng tỳ khưu. Suốt đêm ẩn sĩ tán dương tất cả những ân đức của Đức Phật và nghe Ngài thuyết pháp. Sáng hôm sau ẩn sĩ đi đến cõi Bắc Câu Lưu Châu (bằng thần thông) đem về món cơm và những loại vật thực khác dâng cúng đến Đức Phật và chúng đệ tử xuất gia và tại gia của Ngài.
      Bồ tát đã cúng dường vật thực theo cách như thế trong bảy ngày và để tỏ lòng tôn kính vô hạn đến Đức Phật, vị ấy đã dâng đến Ngài miếng gỗ chiên đàn vô giá lấy từ Hy-mã-lạp-sơn. Đức Phật sau khi
      ban bài pháp thọai đã công bố lời tiên tri: “Trong tương lai người này chắc chắn sẽ thành Phật.”
      Nghe lời tiên tri của Đức Phật, Bồ tát rất vui sướng và nguyện thực
      hành viên mãn các pháp Ba-la-mật càng tinh tấn hơn.

      Những chi tiết đặc biệt về Đức Phật Nārada

      Nơi sanh của Đức Phật Nārada là Dhaññavatī, cha là Chuyển luân vương Sudeva và mẹ là hoàng hậu Anomā.
      Ngài cai trị vương quốc trong chín ngàn năm, ba cung điện của
      Ngài là Jita, Vajita và Abhirama.
      Chánh hậu là Vijisenā với bốn mươi ba ngàn cung nữ hầu hạ. Con trai là hoàng tử Nanduttara.
      Sau khi thấy bốn điều tướng, Ngài đi xuất gia bằng cách đi bộ mà không cần phương tiện chuyên chở nào. Ngài thực hành khổ hạnh trong bảy ngày.
      Hai vị đại đệ tử là trưởng lão Bhaddasāla và trưởng lão Vijitamitta.
      Thị giả là trưởng lão Vāseṭṭha.
      Hai đại đệ tử nữ là trưởng lão ni Uttarā và trưởng lão ni Phaggunī.
      Cây giác ngộ là cây Sona.
      Hai cận sự nam bậc thánh là trưởng giả Uggarinda và trưởng giả Vasabha, hai cận sự nữ bậc thánh là Ưu-bà-di Indāvarī và Ưu-bà-di Vaṇḍī (Gandī).
      Đức Phật Nārada cao tám mươi tám hắc tay. Ngài là bậc chí tôn trong mười ngàn thế giới thuộc sanh đản sát thổ (jātikhetta), giống như cột trụ bằng vàng được dựng lên làm vật thờ cúng. Ngoài ra, thân
      Ngài phát hào quang xa một do tuần cả ngày lẫn đêm không gián đoạn.
      Khi Đức Phật Nārada còn tại tiền, do thân Ngài thường xuyên phát ra hào quang rực rỡ nên dân chúng cư ngụ quanh một do tuần không cần phải dùng đến đèn đuốc.
      Thọ mạng trong thời của Đức Phật Nārada là chín chục ngàn năm, sống trong suốt bốn phần năm của thọ mạng, Ngài đã cứu vớt vô số chúng sanh gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên ra khỏi biển luân hồi và đặt họ bên kia bờ Niết bàn.
      Như bầu trời rực rỡ các vì sao, giáo pháp của Đức Phật Nārada sáng
      chói bóng y vàng của những vị A-la-hán.
      Đối với những người (ngoài những bậc A-la-hán) vẫn còn là phàm phu và bậc hữu học (sekkhā), Đức Phật Nārada bắt chiếc cầu Thánh đạo (Magga) cho họ vượt qua dòng nước luân hồi. Sau khi đã làm tất cả phận sự của một vị Phật, Ngài viên tịch đại Niết bàn cùng với chư Thánh Tăng A-la-hán.

      Kinh cảm quán

      Đức Phật Nārada, bậc ngang bằng với chư Phật Vô thượng tôn và những vị A-la-hán, những bậc có năng lực vô song, tất cả đều biến mất. Tất cả các pháp hữu vi quả thật vô dụng, không thực chất!

      Bảo tháp

      Như vậy, Đức Phật Nārada, bậc chiến thắng ngũ ma, đã viên tịch đại Niết bàn tại thành phố Sudassana. Cũng tại thành phố ấy, một bảo tháp cao bốn do tuần được dựng lên dành cho Đức Phật Nārada.

      Kết thúc lịch sử Đức Phật Nārada – Nārada Buddhavaṃsa

      

    10. Padumuttara Buddhavaṁsa

      (Lịch sử Đức Phật Padumuttara)

      Kiếp có một vị Phật xuất hiện gọi là Sāra kappa, kiếp có hai vị Phật gọi là Manda kappa, kiếp có ba vị Phật gọi là Vara kappa, kiếp có bốn vị Phật thì gọi là Sāramanda, kiếp Bhaddaka kappa có năm vị Phật; nếu không có vị Phật nào thì đó là kiếp Suñña (Không kiếp).
      Do đó, đại kiếp có ba vị Phật xuất hiện, đó là Đức Phật Anomadassī, Đức Phật Paduma và Đức Phật Nārada, thì được gọi là Vara kappa.
      Sau đại kiếp Vara kappa có ba vị Phật xuất hiện đã kết thúc, thì vô số A-tăng-kỳ kiếp trôi qua. Rồi trong một đại kiếp cách đây một trăm ngàn đại kiếp, Đức Phật Padumuttara (Tối thắng Bạch liên) xuất hiện.
      (Đại kiếp đặc biệt này là đại kiếp Sāra kappa vì chỉ có một vị Phật xuất hiện – Đức Phật Padumuttara. Tuy nhiên nó giống như kiếp Manda kappa có hai vị Phật vì những nét đặc thù của nó. Trong đại kiếp của Đức Phật Padumuttara, loài người có rất nhiều phước).
      Lịch sử về sự xuất hiện của Đức Phật Padumuttara như sau – Sau khi đã thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật, Bồ tát Padumuttara tái sanh vào cung trời Đâu suất đà (Tusita) theo truyền thống của chư vị Bồ tát. Nhận lời thỉnh cầu của chư thiên và Phạm thiên, Ngài xuống cõi nhân loại và thọ sanh vào lòng bà Sujātā, hoàng hậu của vua Ananda, tại kinh đô Haṁsavatī. Bồ tát đản sanh tại vườn thượng uyển Haṁsavatī sau mười tháng.
      Khi Thái tử Padumuttara đản sanh, có đám mưa hoa sen Paduma
      rơi xuống nên quyến thuộc đặt tên cho thái tử là Padumuttara.

      Đời sống ở vương cung

      Khi đến tuổi trưởng thành, Thái tử Padumuttara thọ hưởng cuộc sống đế vương giống như ở cõi chư thiên, sống mười ngàn năm trong ba cung điện Naravahana, Yasavahana và Vasavatti, được hầu hạ bởi một trăm hai chục ngàn cung nữ dẫn đầu là chánh hậu Vasudattā.

      Sự xuất gia

      Khi Thái tử Padumuttara đang sống cuộc đời đế vương, thì công nương Vasudattā hạ sanh một hoàng nam tên là Uttara. Trông thấy bốn điềm tướng Ngài quyết định xuất gia từ bỏ thế gian. Ngay khi Ngài vừa quyết định như vậy thì cung điện Vasavatti tự quay tròn và bay lên không trung rồi di chuyển như các vì sao và những thiên thể khác, và đáp xuống đất với cây đại bồ đề xuất hiện giữa trung tâm.
      Bồ tát từ trên cung điện bước xuống và mặc vào bộ y hoa sen do Phạm thiên dâng cúng và trở thành vị Sa-môn ngay cung điện ấy. Cung điện trở lại kinh đô và đáp xuống chỗ cũ của nó. Tất cả những người đi chung với Bồ tát đều trở thành Sa-môn, ngoại trừ nữ giới.

      Sự thành đạo

      Bồ tát Padumuttara cùng với đồ chúng sa-môn thực hành pháp khổ hạnh trong bảy ngày. Vào ngày rằm tháng tư, ngày thành đạo của Ngài, Bồ tát độ món cơm sữa do Rucanandā dâng cúng, con gái của vị trưởng giả ở ngôi làng Ujjeni Nigama. Sau khi trải qua suốt ngày ở rừng cây sa-la, đến chiều Ngài một mình đi đến cây đại thọ bồ đề. Trên đường đi, Ngài nhận tám nắm cỏ do một người dị giáo tên Sumitta dâng cúng và ngay khi mớ cỏ được trải ra dưới cội cây bồ đề thì Vô địch bảo toạ cao ba mươi tám hắc tay xuất hiện. Ngồi kiết già
      trên bảo toạ, Ngài vận dụng bốn mức độ tinh tấn và chiến thắng binh ma. Ngài chứng đắc Túc-mạng-minh (Pubbenivasa ñāṇa) trong canh đầu, Thiên nhãn minh (Dibbacakkhu ñāṇa) trong canh giữa và quán pháp Duyên khởi (Paticcasamuppāda) trong canh ba. Sau khi quán xong, Bồ tát nhập vào Tứ thiền, rồi xuất khỏi tứ thiền và quán năm uẩn với các đặc tánh của chúng. Bằng Sanh diệt trí (udayabbaya ñāṇa) của các pháp hữu vi, Ngài quán tánh vô thường của chúng theo 50 cách.
      [Mười cách cho mỗi uẩn. Mười cách được nêu ra trong bộ Chú giải Paṭisambhidā Magga như sau: Vô thường (anicca), suy họai (paloka), không bền vững (cala), họai diệt (pabhangu), không chắc chắn (addhuva), hay thay đổi (viparināma dhamma), không có thực chất (asara), có tánh rỗng không (vibhava) và có thể tử vong bất cứ lúc nào (marana dhamma).]

      Và phát triển Tuệ quán đến Chuyển tộc tuệ (Gotrabhū-ñāṇa – trí tuệ vượt qua những trói buộc của thế gian). Qua Thánh Đạo (Ariya Magga), Ngài chứng ngộ tất cả mọi ân đức của chư Phật (tức là Ngài chứng đắc Phật quả) và thốt lên cảm hứng kệ “Anekajāti saṃsāraṃ… tanhanaṃ khayamajjhajā.” Đây là thông lệ của chư Phật.
      Khi Bồ tát vừa thành Phật thì mưa hoa sen đổ xuống tựa như để tô điểm vạn vật trong mười ngàn thế giới.
      Điều đặc biệt đáng chú ý ở đây là:
      Sau khi thành bậc Chánh đẳng giác, Đức Phật trú trong thiền quả (phala-samāpatti) bảy ngày dưới cội cây bồ đề (trong tuần lễ đầu tiên). Vào ngày thứ tám Ngài nghĩ sẽ đặt chân xuống đất, và khi chân phải của Ngài vừa chạm đất thì những hoa sen Paduma bỗng nhiên từ dưới đất hiện lên một cách diệu kỳ, đỡ lấy bàn chân của Ngài.
      Mỗi lá sen rộng chín hắc tay, mỗi sợi phấn hoa dài từ mười hai đến ba mươi hắc tay, và mỗi hoa sen có lượng phấn có thể đổ đầy chín cái chum đựng nước.
      Đức Phật Padumuttara cao năm mươi tám hắc tay; kích thước giữa hai cánh tay là mười tám hắc tay. Trán của Ngài rộng năm hắc tay và mỗi bàn chân, bàn tay rộng mười một hắc tay. Khi Đức Phật bước trên mỗi hoa sen thì phấn của hoa phủ lấy toàn thân của Ngài. Chính vì đặc điểm này mà Đức Phật có danh hiệu là Padumuttara.
      (Đây là bài mô tả của bộ Samyutta Nikāya).

      Ba Thắng thời thuyết pháp của Đức Phật Padumuttara (Dhammābhisamaya)

      Sau khi thành đạo, Đức Phật Padumuttara trải qua bốn mươi chín ngày, ở bảy chỗ quanh khu vực cây đại thọ bồ đề (Salala). Và sau khi suy xét nên thuyết đến ai trước, Ngài trông thấy hai vị hoàng tử Devala và Sujata (hai Đại đệ tử tương lai), họ là những người có đủ túc duyên để chứng đắc Đạo Quả và Niết bàn. Khi suy xét về chỗ ngụ của họ và biết rằng họ đang trú ngụ ở Mithilā, Ngài đem theo y bát và vận dụng thần thông lập tức xuất hiện nơi ngụ của họ.
      Rồi Đức Phật Padumuttara bảo người giữ vườn đi gọi hai vị hoàng tử. Nghe tin, họ bàn luận với nhau rằng: “Thái tử Padumuttara, con trai của cậu chúng ta, sau khi thành Phật đã đến tại thành phố Mithila. Bây giờ chúng ta sẽ đến yết kiến Ngài.” Rồi cùng với tùy tùng, họ đi đến Đức Phật và ngồi xuống ở chỗ thích hợp.
      Đức Phật xuất hiện rực rỡ giữa những vị hoàng tử quanh Ngài như trăng rằm giữa các vì sao, và thuyết bài kinh Chuyển pháp luân đến hội chúng gồm nhân loại và chư thiên do hai hoàng tử dẫn đầu. Trong dịp này có mười trăm ngàn triệu chư thiên và nhân loại chứng đắc Đạo Quả và Niết bàn.
      (Đây là Dhammābhisamaya lần thứ nhất)
      Một dịp khác, đạo sĩ Sarada, người xuất hiện trước Đức Phật Padumuttara, đã thuyết giảng đến tín đồ của vị ấy về các chủ thuyết mà sẽ dẫn đến tái sanh khổ cảnh. Đức Phật đi đến hội chúng của Sarada và thuyết giảng giáo pháp của Ngài đến đông đảo mọi người, chỉ ra những nguy hiểm của sự tái sanh trong địa ngục. Trong dịp ấy có ba triệu bảy trăm ngàn chư thiên và nhân loại, gồm cả những tín đồ của đạo sĩ Sarada, tất cả đều chứng đắc Đạo Quả và Niết bàn.
      (Đây là Dhammābhisamaya lần thứ hai)
      Lại một dịp khác, trong khi Đức Phật Padumuttara đang ngụ ở Mithilā thì phụ vương của Ngài, vua Ānanda, bèn sai hai mươi ngàn người đi thỉnh Đức Phật về kinh đô Haṃsavatī. Sau khi thuyết pháp, trước hai chục vị quan và hai chục ngàn tùy tùng, Đức Phật bèn gọi: “Hãy đến, này các tỳ khưu” – tất cả họ đều trở thành những vị Thiện lai tỳ khưu. Được tháp tùng bởi những vị tỳ khưu này, Đức Phật lên đường đi đến Haṃsavatī và trú ngụ tại kinh đô để làm tăng trưởng tinh thần cho phụ vương.
      Giống như Đức Phật Gotama của chúng ta viếng thăm Kapilavatthu và kể lại lịch sử của chư Phật quá khứ giữa hội chúng quyến thuộc, Đức Phật Padumuttara cũng thuyết Buddhavaṃsa giữa hội chúng quyến thuộc của Ngài trong khi đang đi lại trên con đường châu báu giữa hư không. Lúc bấy giờ, có năm triệu chư thiên và nhân loại chứng đắc Đạo Quả và Niết bàn.
      (Đây là Dhammābhisamaya lần thứ ba)

      Ba kỳ đại hội Thánh Tăng – Sannipāta

      Đại hội của chư Thánh Tăng đệ tử của Đức Phật Padumuttara cũng diễn ra ba lần. Ở kỳ đại hội thứ nhất, Đức Phật Padumuttara đã tụng
      Ovāda Pātimokkha giữa hội chúng gồm mười trăm ngàn triệu vị Thiện lai tỳ khưu, vào ngày rằm tháng Magha, trong khu vườn ở gần thành phố Mithilā.
      (Đây là Sannipāta lần thứ nhất)
      Một dịp khác, sau khi an cư kiết hạ ở trên núi Vebhāra, Đức Phật đã thuyết pháp tế độ cho nhiều người đến với Ngài. Khi được Đức Phật gọi: “Hãy đến, này các tỳ khưu.” – có chín trăm triệu người trở thành Thiện lai tỳ khưu. Rồi Đức Phật tụng Ovāda Pātimokkha giữa hội chúng tỳ khưu này.
      (Đây là Sannipāta lần thứ hai)
      Lại một dịp khác, Đức Phật Padumuttara, Thế tôn của ba cõi, trong khi đang du hành để giúp đỡ chúng sanh thoát khỏi các xiềng xích của phiền não, đã tụng Ovāda Pātimokkha giữa hội chúng gồm tám chục ngàn vị tỳ khưu – là những cư sĩ ra đi xuất gia từ nhiều làng mạc. thị trấn, châu quận và quốc độ khác nhau.
      (Đây là Sannipāta lần thứ ba)

      Bồ tát Gotama làm quan Tổng đốc Phủ doãn, được Đức Phật Padumuttara thọ ký

      Lúc bấy giờ Bồ tát Gotama của chúng ta là một vị quan Tổng đốc Phủ doãn, tên là Jālita, rất giàu có. Vị ấy tổ chức bố thí to lớn gồm vật thực và y phục đến chúng Tăng có Đức Phật chủ tọa. Sau khi thuyết pháp tán dương công đức bố thí của Bồ tát, Đức Phật công bố lời tiên tri: “Sau một trăm ngàn đại kiếp nữa, người này chắc chắn sẽ thành một vị Phật danh hiệu là Gotama.”
      Nghe lời tiên tri của Đức Phật, Bồ tát vô cùng vui sướng và quyết tâm thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật càng tinh tấn hơn.

      Những đặc điểm khác thường trong thời kỳ Đức Phật

      Padumuttara

      Khi Đức Phật Padumuttara xuất hiện, các ngoại đạo sư vì chấp chặt tà kiến nên sầu khổ, mất quyền lực và bị suy tàn. Họ không nhận được sự tôn kính cúng dường và những điều tương tự khác. Trên thực tế, họ bị trục xuất ra khỏi bất cứ chỗ nào mà họ đến.
      Rồi các ngoại đạo sư gặp nhau và cùng đi đến Đức Phật với những lời này: “Bạch Đức Thế Tôn, bậc anh hùng, bậc tinh tấn đệ nhất, xin Ngài hãy làm nơi nương tựa của chúng con.”
      Đức Phật Padumuttara vì lòng bi mẫn đối với các ngoại đạo sư đã đến với Ngài nên đã an trú họ trong Tam quy và Ngũ giới.
      Như vậy trong thời kỳ giáo pháp của Đức Phật Padumuttara không còn các ngoại đạo sư cố chấp tà kiến. Điều kỳ diệu là giáo pháp của Ngài sáng chói bởi những vị A-la-hán đã thành tựu năm pháp tự tại, không bị tác động bởi những pháp thăng trầm của thế gian, lại có những đức tánh cao quý như Giới (Sīla), Định (Samādhi), Tuệ (Paññā) và Nhẫn nại (Khantī).

      Những chi tiết đặc biệt của Đức Phật Padumuttara

      Nơi sanh của Đức Phật Padumuttara là kinh đô Haṃsavatī, phụ vương là vua Ānanda và mẫu hậu là hoàng hậu Sujātā.
      Ngài trị vì vương quốc trong mười ngàn năm. Ba cung điện của
      Ngài là Naravāhana, Yasavāhana và Vasavattī.
      Chánh hậu Vasudattā có bốn mươi ba ngàn cung nữ hầu hạ. Con
      trai là hoàng tử Uttara.
      (Trong bài “Đời sống ở vương cung” thì số cung nữ hầu hạ là một trăm hai chục ngàn, nhưng ở đây con số được nêu ra là bốn mươi ba ngàn – hai con số này xem ra không nhất quán. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng con số trước là tổng số cung nữ hầu hạ công chúa, còn con số sau là số cung nữ của mỗi đợt hầu hạ công chúa trong một thời gian nào đó).
      Phương tiện chuyên chở Bồ tát đi xuất gia sau khi trông thấy bốn điềm tướng là cung điện. Ngài thực hành khổ hạnh trong bảy ngày.
      Hai đại đệ tử là trưởng lão Devala và trưởng lão Sujāta. Thị giả là trưởng lão Sumana.
      Hai đại đệ tử nữ là trưởng lão ni Amitā và trưởng lão ni Asamā.
      Cây giác ngộ là cây Salala.
      Hai cận sự nam bậc thánh là hai vị trưởng giả Vitiṇṇa và Tissa. Hai
      cận sự nữ bậc thánh là Ưu bà di Haṭṭhā và Ưu bà di Vicittā.
      Đức Phật Padumuttara cao năm mươi tám hắc tay.Với ba mươi hai hảo tướng của bậc đại nhân, Ngài giống như cột trụ bằng vàng được dựng lên để mọi người chiêm bái.
      Hào quang từ thân Đức Phật tỏa ra không bị ngăn cản bởi những cánh cửa, vách tường, cây cối, đồi núi, v.v…. Thực tế, hào quang ấy chiếu sáng xa mười hai do tuần.
      Thọ mạng trong thời kỳ của Đức Phật Padumuttara là một trăm ngàn năm. Suốt tám chục ngàn năm, tức bốn phần năm của thọ mạng, Ngài đã cứu vớt cho vô số chúng sanh gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên ra khỏi biển trầm luân và đặt họ trên bờ của Niết bàn.

      Kinh cảm quán

      Sau khi đoạn tận tất cả mọi hoài nghi trong chúng sanh mà Ngài độ đến Niết bàn, Đức Phật Padumuttara cùng với chúng Thanh văn đệ tử của Ngài đi đến chỗ kết thúc sanh hữu (giống như khối lửa lớn vụt tắt sau khi đã cháy sáng rực rỡ)!

      Bảo tháp

      Như vậy Đức Phật Padumuttara, Bậc Chiến thắng ngũ ma, đã viên tịch Đại Niết bàn tại khu vườn Nanda. Cũng tại khu vườn ấy, một bảo tháp cao mười hai do tuần được xây dựng để cúng dường Đức Phật.
      Kết thúc lịch sử Đức Phật Padumuttara – Padumuttara Buddhavaṃsa

      

    11. Sumedha Buddhavaṁsa

      (Lịch sử Đức Phật Sumedha)

      Sau quãng thời gian của đại kiếp mà trong đó Đức Phật Padumuttara xuất hiện, trải qua bảy chục ngàn Không kiếp (Suñña kappa – kiếp không có chư Phật). Rồi vào một đại kiếp cách đây ba chục ngàn đại kiếp xuất hiện hai vị Phật: Sumedha và Sujata (Manda kappa – kiếp có hai vị Phật).
      Trong hai vị Phật này, vị Sumedha, sau khi đã thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật khi là Bồ tát, Ngài tái sanh vào cung trời Đâu suất đà theo đúng truyền thống của chư vị Bồ tát. Nhận lời thỉnh cầu của chư thiên và Phạm thiên để thành Phật, Ngài xuống cõi nhân loại và thọ sanh vào lòng bà Sudattā, hoàng hậu của vua Sudatta. Mười tháng trôi qua, Bồ tát đản sanh tại vườn thượng uyển Sudassana.

      Đời sống ở vương cung

      Khi đến tuổi trưởng thành, thái tử Sumedha sống trong ba cung điện Sucandana, Kancana và Sirivaddhana, được hầu hạ bởi bốn mươi tám ngàn cung nữ dẫn đầu là chánh hậu Sumana. Như vậy Bồ tát thọ hưởng cuộc đời đế vương giống như ở cõi chư thiên trong chín ngàn năm.

      Sự xuất gia

      Khi đang thọ hưởng cuộc đời đế vương như vậy thì chánh hậu Sumanā hạ sanh một hoàng nam tên là Punabbasu. Thấy bốn điềm tướng, Ngài ra đi xuất gia cỡi trên con voi kiết tường và trở thành vị Sa-môn. Theo gương của Ngài, một ngàn triệu người khác cũng trở thành Sa-môn.

      Sự thành đạo

      Bồ tát Sumedha thực hành khổ hạnh cùng với một ngàn triệu vị sa- môn trong mười lăm ngày (theo bài kệ tiếng Sinhalese thì thời gian là tám tháng). Vào ngày rằm tháng tư, ngày Thành đạo, Ngài độ món cơm sữa do Nakulā dâng cúng, con gái của vị trưởng giả ở ngôi làng Nakula và trải qua suốt ngày trong rừng cây sala của ngôi làng ấy. Đến chiều Ngài rời đồ chúng và một mình đi đến đại thọ bồ đề. Trên đường đi, Ngài nhận tám nắm cỏ do một người dị giáo tên Sirivaddhana dâng cúng. Mớ cỏ vừa được rải xuống cội cây bồ đề thì Vô địch bảo tọa cao năm mươi bảy hắc tay từ dưới đất hiện lên. Ngồi kiết già trên bồ đoàn giác ngộ, Bồ tát vận dụng bốn mức độ Tinh tấn, chiến thắng và chứng đắc Phật quả, thành bậc Chánh biến tri, Thế Tôn của ba cõi.

      Ba Thắng thời thuyết pháp của Đức Phật Sumedha (Dhammābhisamaya)

      Sau khi thành đạo, Đức Phật Sumedha trải qua bốn mươi chín ngày ở bảy chỗ gần cây Đại bồ đề. Nhận lời thỉnh cầu của Phạm thiên, Ngài xem xét nên thuyết pháp tế độ ai trước và thấy hai người em khác mẹ, hoàng tử Sarana và hoàng tử Sabbakama (là hai Đại đệ tử tương lai) và một ngàn vị Sa-môn đã từng xuất gia chung với Ngài. Đức Phật mang y bát và vận dụng thần thông lập tức xuất hiện nơi ngụ của họ, ở vườn thượng uyển Sudassana gần kinh đô Sudassana.
      Thấy Đức Phật đi đến từ xa, một ngàn triệu vị Sa-môn khởi tâm tịnh tín và đón tiếp Ngài một cách chu đáo, thỉnh lấy y bát, sắp xếp chỗ ngồi trang trọng, thỉnh Ngài an tọa rồi cùng nhau đảnh lễ và ngồi xuống quanh Ngài. Khi ấy Đức Phật bảo người giữ vườn đi gọi hai vị hoàng tử. Khi có mặt đông đủ, Đức Phật thuyết bài kinh Chuyển pháp luân (Dhammacakkapavattana Sutta) đến tất cả, bao gồm nhân loại và chư thiên – có mười trăm ngàn triệu chư thiên và nhân loại chứng đắc Đạo Quả và Niết bàn.
      (Đây là Dhammābhisamaya lần thứ nhất)
      Một dịp khác, sau khi nhập vào Đại bi định (Mahā-karunā samapatti) vào buổi sáng và dò xét những chúng sanh nào có đủ căn duyên để thành đạt giải thoát, Đức Phật trông thấy một Dạ xoa tên là Kumbhakaṇṇa – một con quỉ ăn thịt người có tướng mạo dữ tợn, xuất hiện ở lối vào khu rừng rậm, làm cho những lối đi trong khu rừng trở nên hoang vắng. Đức Phật Sumedha một mình đi đến chỗ ngụ của Dạ- xoa. Ngài đi vào, ngồi trên chỗ ngồi đã được sắp sẵn.
      Dạ xoa Kumbhakaṇṇa rất phẫn nộ giống như một con rắn độc bị đánh bởi cây gậy và để đe dọa Đức Phật, dạ xoa hóa ra hình tướng hung tợn với cái đầu như quả núi; đôi mắt mở lớn và rực lửa như những tia sáng của mặt trời; hai cái nanh dài và lớn như hai lưỡi cày; lớp da bụng của nó có màu xanh đậm, lòng thòng lắc lư; cái mũi của nó cúp xuống ở giữa trông rất dị hợm; miệng thì há hốc và đỏ lòm như
      hốc núi đá; tóc thì bù xù rậm rạp. Với hình tướng đầy kinh khiếp, dạ xoa đứng trước Đức Phật, phun khói và lửa đến Ngài và tưới xuống cơn mưa đá, lửa, nước nóng, bùn nóng, tro nóng, khí giới, than đỏ và cát nóng. Với cơn mưa gồm chín loại khí giới này, dạ xoa cũng không thể làm gì được Đức Phật, ngay cả chạm đến một sợi lông trên thân của Ngài. Dạ xoa suy nghĩ: “Ta sẽ giết vị đại Sa-môn này bằng cách đặt ra một câu hỏi.” Dạ xoa nêu câu hỏi giống như câu hỏi của dạ xoa Ālavaka. Sau khi giải đáp thỏa đáng câu hỏi, Đức Phật đã nhiếp phục được dạ xoa.
      Ngày hôm sau, ngày mà đứa con trai của nhà cai trị vùng lân cận sẽ được giao nạp cho dạ xoa, dân chúng đem vật thực cả cỗ xe bò cùng vị hoàng tử và dâng đến dạ xoa. Dạ xoa bèn trao vị hoàng tử cho Đức Phật. Nghe tin tốt lành, dân chúng đang đứng đợi ở cổng rừng bèn đi đến Đức Phật. Trong hội chúng ấy, Đức Phật đã thuyết pháp thích hợp với căn tánh của dạ xoa và giúp chín trăm triệu chúng sanh chứng đắc Đạo Quả giải thoát.
      (Đây là Dhammābhisamaya lần thứ hai)
      Vào một dịp khác, Đức Phật Sumedha thuyết giảng Tứ Diệu Đế đến chư thiên và nhân loại tại khu rừng của xứ Sirinandana, gần thành phố Upakari. Lúc bấy giờ có tám trăm ngàn triệu chúng sanh chứng đắc Đạo Quả giải thoát.
      (Đây là Dhammābhisamaya lần thứ ba).

      Ba kỳ đại hội Thánh Tăng – Sannipāta

      Có ba kỳ đại hội chư Tăng đệ tử Phật. Ở đại hội thứ nhất, Đức Phật ở tại thành phố Sudassana. Khi ấy có một ngàn triệu vị A-la-hán đến tham dự.
      (Đây là Sannipāta thứ nhất)
      Vào một dịp khác, Đức Phật an cư kiết hạ ở trên núi Deva. Khi lễ Kaṭhina được tổ chức sau mùa an cư, có chín trăm triệu vị tỳ khưu tụ hội.
      (Đây là Sannipāta lần thứ hai)
      Lại một dịp khác Đức Phật lên đường hóa độ chúng sanh. Khi ấy tám trăm triệu vị tỳ khưu theo hầu Đức Phật đã tụ hội.
      (Đây là Sannipāta lần thứ ba)

      Bồ tát Gotama là thanh niên Uttara được Đức Phật Sumedha thọ ký

      Lúc bấy giờ Bồ tát của chúng ta là một thanh niên tên Uttara (Tối thượng), nghĩa là người vượt trội kẻ khác về các giới đức. Vị ấy cúng dường đến chư Tăng có Đức Phật chủ tọa với số tài sản được tích lũy trị giá tám trăm triệu đồng tiền vàng. Sau khi nghe pháp của Đức Phật, Bồ tát quy y Tam bảo và trở thành vị tỳ khưu trong giáo pháp của Đức Phật. Sau thời pháp thoại tán dương công đức Bồ tát này, Đức Phật Sumedha công bố lời tiên tri: “Chàng trai Uttara này quả thật sẽ thành một vị Phật danh hiệu là Gotama.”
      Nghe lời tiên tri của Đức Phật, Bồ tát vô cùng vui sướng và quyết
      tâm thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật nhiều hơn nữa.
      Uttara trở thành vị tỳ khưu và gánh vác nhiều phận sự trong giáo pháp của Đức Phật. Vị ấy thông suốt Tam tạng gồm Kinh và Luật, làm cho giáo pháp của Đức Phật sáng chói hơn.
      Nhờ tu tập chánh niệm, phát triển các Sa-môn hạnh, thực hành pháp Đầu đà ngăn oai nghi nằm (chỉ ngồi, đi và đứng), Bồ tát không chỉ chứng đắc Bát thiền mà còn thành đạt Ngũ thông. Thế nên, sau khi thân họai mạng chung, Ngài tái sanh vào Phạm thiên giới.

      Những chi tiết đặc biệt về Đức Phật Sumedha

      Nơi sanh của Đức Phật Sumedha là Sudassana, phụ vương là vua Sudatta và mẫu hậu là hoàng hậu Sudattā.
      Ngài trị vì vương quốc trong chín ngàn năm. Ba cung điện của Ngài là Sucandana, Kañcana và Sirivaḍḍhana.
      Chánh hậu là Sumanā, có tám mươi bốn ngàn cung nữ hầu hạ. Con trai là hoàng tử Panabbasu.
      Hai đại đệ tử của Đức Phật là trưởng lão Saraṇa và trưởng lão Sabbakāma. Thị giả là trưởng lão Sāgara.
      Hai đại đệ tử nữ là trưởng lão ni Ramā và trưởng lão ni Suramā.
      Cây giác ngộ là cây Mahānīpa.
      Hai cận sự nam bậc thánh là trưởng giả Uruvela và trưởng giả Yasavā. Hai cận sự nữ bậc thánh là Ưu bà di Yasodharā và Ưu-bà-di Sirimā.
      Đức Phật Sumedha cao tám mươi tám hắc tay. Thân Ngài chiếu hào quang khắp các hướng như mặt trăng chiếu sáng bầu trời và các vì sao của nó.
      Hào quang từ thân Ngài tỏa sáng khắp nơi giống như viên hồng ngọc của vị Chuyển luân vương chiếu sáng, xa một do tuần.
      Thọ mạng thời kỳ của Đức Phật Sumedha là chín chục ngàn năm, Ngài sống suốt bốn phần năm của thọ mạng cứu vớt vô số chúng sanh gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên ra khỏi đại dương luân hồi và đặt họ bên kia bờ Niết bàn.
      Thời kỳ giáo pháp của Đức Phật Sumedha rực rỡ, các vị A-la-hán có mặt ở khắp nơi trong thời kỳ giáo pháp của Ngài, những bậc có Tam minh và Lục thông, tinh tấn không chao động trước các pháp thăng trầm của thế gian, có khả năng nhìn các pháp lạc và bất lạc đều như nhau.

      Kinh cảm quán – Saṁvega

      Tất cả những vị thánh A-la-hán có danh tiếng vô song đều đã thoát khỏi các phiền não và bốn Upadhi, là các nền tảng của kiếp sống. Các bậc A-la-hán Thanh văn đệ tử ấy của Đức Phật Sumedha có đồ chúng đông đảo, tỏa sáng bằng ánh sáng trí tuệ của các Ngài và cuối cùng đã viên tịch đại niết bàn.

      Bảo tháp

      Như vậy Đức Phật Sumedha, Bậc Chiến thắng ngũ ma, đã viên tịch đại Niết bàn tại vườn Medha. Xá lợi phân tán theo ý nguyện của Ngài và có mặt khắp cõi Diêm phù đề, được các hàng chúng sanh gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên ngày đêm lễ bái, cúng dường.

      Kết thúc lịch sử Đức Phật Sumedha- Sumedha Buddhavaṃsa

      

    12. Sujāta Buddhavaṁsa

      (Lịch sử Đức Phật Sujatā)

      Sau khi Đức Phật Sumedha viên tịch, thọ mạng của loài người dần dần giảm từ chín chục ngàn tuổi xuống còn mười tuổi, rồi lại tăng dần lên đến A-tăng-kỳ tuổi. Khi thọ mạng của loài người giảm xuống đến
      chín chục ngàn tuổi thì Bồ tát Sujāta đã thực hành viên mãn các pháp ba-la-mật và tái sanh ở cung trời Đâu-suất-đà theo truyền thống của chư vị Bồ tát. Nhận lời thỉnh cầu của chư thiên và Phạm thiên để thành Phật tế độ chúng sanh, Ngài giáng sanh xuống cõi nhân loại và thọ sanh vào lòng bà Pabhavatī, hoàng hậu của vua Uggaha, tại kinh đô Sumaṅgala. Sau mười tháng Bồ tát đản sanh.
      Vào ngày đặt tên của thái tử, vì lúc thái tử ra đời, tất cả mọi người đều được an lạc cả thân lẫn tâm nên các bậc trí tuệ đặt tên cho Ngài là Sujāta (Thiện Sanh).

      Đời sống ở vương cung

      Đến tuổi trưởng thành, thái tử sống trong ba cung điện là Siri, Upasiri và Nanda, được hầu cận chăm sóc bởi công chúa Sirinandā và hai mươi ba ngàn cung nữ của nàng trong chín chục ngàn năm.

      Sự xuất gia

      Sau khi Bồ tát trông thấy bốn điềm tướng và khi công chúa Sirinandā đã hạ sanh một hoàng nam tên là Upasena, Ngài đi xuất gia cỡi trên con tuấn mã Haṃsavāha và trở thành vị Sa-môn. Mười triệu người noi theo gương của Ngài cũng trở thành những vị Sa-môn.

      Sự thành đạo

      Bồ tát Sujāta cùng với mười triệu vị Sa-môn ấy thực hành pháp khổ hạnh trong chín tháng. Vào ngày rằm tháng tư, ngày Thành đạo của Ngài, Bồ tát độ món cơm sữa do con gái của vị trưởng giả Sirinandana, ở thành phố Sirinanda dâng cúng và trải qua suốt ngày trong rừng cây sala ở gần đó. Buổi chiều Ngài một mình đi đến đại thọ bồ đề. Trên đường đi, Ngài nhận tám nắm cỏ do một người dị giáo tên Sunanda dâng cúng. Khi Ngài vừa rải mớ cỏ xuống cội cây bồ đề, tức cây Mahā Veḷu, thì Vô địch bảo tọa cao ba mươi ba hắc tay xuất hiện.
      Ngồi kiết già trên bảo tọa, Ngài thể hiện bốn mức độ tinh tấn, chiến thắng Ma vương và chứng đắc Phật quả, thành bậc Chánh biến tri, Thế Tôn của ba cõi.

      Ba Thắng thời thuyết pháp của Đức Phật Sumedha (Dhammābhisamaya)

      Sau khi thành đạo, Đức Phật trải qua bốn mươi chín ngày ở bảy chỗ gần cây Bồ-đề. Nhận lời thỉnh cầu của chư thiên, Ngài xem xét nên thuyết pháp tế độ ai trước và thấy người em trai khác mẹ là hoàng tử Sudassana và chàng thanh niên Sudeva – đứa con trai của vị quốc sư. Hai chàng trai này đã gieo tạo nhiều phước đức trong quá khứ dẫn đến chứng đắc Đạo Quả và Niết bàn. Đức Phật vận dụng thần thông bay đến vườn Sumaṅgala, gần thành phố Sumaṅgala, bảo người giữ vườn đi gọi hoàng tử Sudassana và thanh niên Sudeva. Trước hội chúng gồm chư thiên và nhân loại do hai vị hoàng tử dẫn đầu, Đức Phật thuyết bài kinh Chuyển pháp luân đúng với thông lệ của chư Phật quá khứ. Lúc bấy giờ có tám trăm triệu chư thiên và nhân loại chứng đắc giải thoát.
      (Đây là Dhammābhisamaya lần thứ nhất)
      Một dịp khác, Đức Phật Sujāta đánh bại các ngoại đạo sư bằng cách thị hiện Song thông gồm nước và lửa gần cây Sala, sát với cổng của vườn thượng uyển Sudassana. Khi an cư kiết hạ, ngồi trên tảng đá bằng ngọc lục bảo dưới cội cây Pāricchattaka, chỗ ngụ của Đế thích thuộc cõi Đao lợi thiên, Đức Phật thuyết Tạng A-tỳ-đàm. Trong dịp ấy có ba triệu bảy trăm ngàn chư thiên và Phạm thiên chứng đắc đạo quả giải thoát.
      (Đây là Dhammābhisamaya lần thứ hai)
      Lại một dịp khác, Đức Phật Sujāta về thăm phụ vương ở kinh đô Sumaṅgala. Khi ấy có sáu triệu chư thiên và nhân loại chứng đắc Đạo Quả giải thoát.
      (Đây là Dhammābhisamaya lần thứ ba)

      Ba kỳ đại hội Thánh Tăng – Sannipāta

      Có ba kỳ Đại hội Thánh Tăng đệ tử Đức Phật Sujāta. Kỳ thứ nhất diễn ra ở Sudhamma, gần thành phố Sudhammavatī. Nơi đây, Đức Phật dạy Pháp cho những người đến yết kiến Ngài, thâu nhận sáu triệu người vào Tăng chúng bằng cách truyền phép xuất gia ‘Thiện lai tỳ khưu’ đến họ, rồi Đức Phật tụng Ovāda Pātimokkha giữa hội chúng tỳ khưu ấy.
      (Đây là Sannipāta lần thứ nhất)
      Một dịp khác khi Đức Phật đi xuống từ cung trời Đao lợi
      (Tavatiṃsa), một đại hội gồm năm triệu vị tỳ khưu diễn ra. (Đây là Sannipāta lần thứ hai)
      Lại một dịp khác nữa, khi đại đệ tử cánh tay phải của Đức Phật, trưởng lão Sudassana, dẫn bốn trăm ngàn người đến yết kiến Đức Phật, những người này đã quyết định với nhau là sẽ xuất gia khi nghe tin người em của Đức Phật, hoàng tử Sudassana, đã trở thành vị tỳ khưu trước Đức Phật và đã chứng đắc Đạo Quả A-la-hán. Đức Phật ban lời giáo huấn đến họ, tế độ họ thành những vị Thiện lai tỳ khưu và tụng Ovāda Pātimokkha giữa hội chúng có bốn đặc tánh ấy.
      (Đây là Sannipāta lần thứ ba)

      Bồ tát Gotama là vị Chuyển luân vương và được Đức Phật Sujāta thọ ký

      Lúc bấy giờ Bồ tát của chúng ta là vị Chuyển luân vương, nghe tin Đức Phật đã xuất hiện trong thế gian, vị ấy đi đến Đức Phật, nghe pháp, dâng hiến vương quyền cùng với bảy loại vật báu đến chúng Tăng có Đức Phật chủ tọa, rồi trở thành vị Sa-môn. Dân cư xứ Diêm phù đề tự nguyện làm người hộ độ chúng Tăng, thâu thuế và lấy đó để phục vụ Đức Phật và chúng Tăng qua hình thức bốn món vật dụng: vật thực, y phục, chỗ ngụ và thuốc men.
      Rồi Đức Phật Sujāta công bố lời tiên tri: “Trong tương lai người này sẽ thành một vị Phật, danh hiệu là Gotama.”
      Khi được Đức Phật thọ ký, Bồ tát vô cùng vui sướng và quyết tâm thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật càng tinh tấn hơn.
      Bồ tát đã gia nhập vào Tăng chúng và thành tựu các lãnh vực trong giáo pháp của Đức Phật gồm Kinh và Luật. Như vậy Bồ tát đã đóng góp vào việc hoằng dương giáo pháp của Đức Phật Sujāta.
      Sau khi tu tập pháp thiền Tứ vô lượng tâm, pháp thiền dẫn đến tái sanh ở cõi Phạm thiên, luôn chánh niệm trong ba oai nghi đi, đứng và ngồi (không nằm), Bồ tát đạt đến đỉnh cao của pháp hành là Bát thiền và Ngũ thông. Vì vậy sau khi thân hoại mạng chung, Bồ tát tái sanh về Phạm thiên giới.

      Những chi tiết đặc biệt về Đức Phật Sujāta

      Nơi sanh của Đức Phật Sujāta là kinh đô Sumaṅgala, phụ vương là vua Uggata và mẫu hậu là hoàng hậu Pabhāvatī.
      Ngài trị vì vương quốc trong chín ngàn năm. Ba cung điện của Ngài
      là Sirī, Upasirī và Nanda.
      Chánh hậu Sirinandā, nàng có hai mươi ba ngàn cung nữ hầu hạ.
      Con trai là hoàng tử Upasena.
      Ngài đi xuất gia cỡi trên con tuấn mã và hành khổ hạnh trong chín
      tháng.
      Hai vị Thượng thủ Thinh văn của Ngài là trưởng lão Sudassana và trưởng lão Sudeva; thị giả của Ngài là trưởng lão Nārada.
      Hai đại đệ tử nữ của Ngài là trưởng lão ni Nāgā và trưởng lão ni Nāgasamālā. Cây bồ-đề là cây Mahāvelu (cây tre lớn)
      (Cây tre có thân to lớn, cành lá xum xuê và rợp bóng đến nỗi không có kẽ hở nào để ánh nắng mặt trời chiếu qua. Cây rất đẹp, thẳng tắp và hấp dẫn. Thân tre chỉ có một đốt và từ đốt này những nhánh lá mọc ra rất xinh đẹp như lông đuôi của con chim công và thân hoàn toàn không có gai, các nhánh chỉa ra bốn hướng, che phủ dày đặc)
      Hai cận sự nam bậc thánh là trưởng giả Sudatta và trưởng giả Citta. Hai cận sự nữ bậc thánh là Ưu-bà-di Subhaddā và Ưu-bà-di Padumā.
      Đức Phật Sujāta cao năm mươi hắc tay. Ngài có tất cả những hảo tướng của một vị Phật.
      Hào quang từ thân Ngài chiếu sáng khắp phương, xa bao nhiêu tùy ý . Không có loại ánh sáng nào có thể sánh bằng hào quang của Ngài.
      Thọ mạng trong thời kỳ của Đức Phật Sujāta là chín chục ngàn năm và trải qua bốn phần năm của thọ mạng, Đức Phật đã cứu vớt cho vô số chúng sanh gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên thoát khỏi đại dương luân hồi và đặt họ bên kia bờ Niết bàn.
      Như những con sóng trong đại dương trông thật kỳ diệu, như các vì sao và các hành tinh lấp lánh, chiếu sáng trong bầu trời thật kỳ ảo, giáo pháp của Đức Phật Sujāta cũng chiếu sáng một cách kỳ diệu bởi những vị A-la-hán.

      Kinh cảm quán

      Đức Phật Sujāta ấy giống như chư Phật vô thượng trong quá khứ và những ân đức của Đức Phật Sujāta ấy tất cả đều đã biến mất. Tất cả các pháp hữu vi quả thật vô ích và không thực chất!

      Bảo tháp

      Như vậy Đức Phật Sujāta, bậc chiến thắng Ngũ ma, đã viên tịch đại Niết bàn tại vườn Sīlarāma. Tại khu vườn này, một bảo tháp cao ba gāvuta được xây dựng để cúng dường Đức Phật.

      Kết thúc lịch sử Đức Phật Sujāta – Sujāta Buddhavaṃsa

      • 

    13. Piyadassī Buddhavaṁsa

      (Lịch sử Đức Phật Piyadassī)

      Đại kiếp mà Đức Phật Sujāta xuất hiện đã kết thúc và cách đây một ngàn tám trăm đại kiếp, trong một đại kiếp nọ – đại kiếp Varakappa có ba vị Phật lần lượt xuất hiện: Piyadassī, Aṭṭhadassī và Dhammadassī. Câu chuyện về Đức Phật Piyadassī, vị Phật đầu tiên trong ba vị Phật như sau:
      Sau khi thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật, Bồ tát Piyadassī tái sanh vào cung trời Đâu suất đà. Theo truyền thống của chư vị Bồ tát nhận lời thỉnh cầu của chư thiên và Phạm thiên để thành Phật tế độ chúng sanh, Ngài xuống cõi nhân loại và thọ sanh vào lòng hoàng hậu Candā, chánh hậu của vua Sudatta trong kinh đô Sudhaññavatī. Mười tháng trôi qua, Bồ tát đản sanh ở vườn Varuna.
      Bồ tát được đặt tên là Piyadassī vì những điều kỳ diệu kiết tường xảy ra trong ngày đặt tên của Ngài.

      Đời sống ở vương cung

      Khi Bồ tát đến tuổi trưởng thành, Ngài sống trong ba cung điện Sunimmala, Vimula và Giriguha, được hầu hạ chăm sóc bởi công chúa Vimalā và ba mươi ba ngàn cung nữ trong chín ngàn năm. Ngài thọ hưởng cuộc sống ở vương cung như ở cõi chư thiên.

      Sự xuất gia

      Nhìn thấy bốn điềm tướng và sau khi công chúa Vimalā hạ sanh một hoàng nam tên Kañcanavela. Ngài đi xuất gia bằng xe ngựa kéo. Mười triệu người khác cũng noi theo gương của Ngài mà trở thành sa- môn.

      Sự thành đạo

      Bồ tát Piyadassī hành pháp khổ hạnh cùng với mười triệu vị sa-môn trong sáu tháng. Vào ngày rằm tháng tư, ngày thành đạo của Bồ tát, Ngài độ món cơm sữa do con gái của vị Bà-la-môn Vasabha dâng cúng, ở ngôi làng Bà-la-môn Varuna và trải qua suốt ngày trong rừng cây sala ở gần đó. Đến chiều. Ngài một mình đi đến cây Đại bồ-đề và nhận tám nắm cỏ trên đường đi từ một người dị giáo tên Sujāta. Khi Ngài vừa trải xong mớ cỏ dưới cội cây bồ-đề, cây kakudha, thì Vô địch bảo tọa cao năm mươi ba hắc tay xuất hiện. Bồ tát ngồi kiết già trên bảo tọa này, thể hiện bốn mức độ tinh tấn, chiến thắng Ma vương và chứng đắc Phật quả, thành bậc Chánh biến tri, Thế Tôn của ba cõi.

      Ba Thắng thời thuyết pháp của Đức Phật Piyadassī (Dhammābhisamaya)

      Sau khi thành đạo, Đức Phật Piyadassī trải qua bốn mươi chín ngày ở bảy chỗ gần cây đại Bồ-đề. Như các chư Phật đã làm, nhận lời của Phạm thiên, Ngài xét thấy mười triệu Sa-môn đã xuất gia cùng với Ngài, họ có phước quá khứ dẫn đến chứng đắc Đạo Quả và Niết bàn. Rồi Ngài vận dụng thần thông lập tức xuất hiện nơi ẩn cư của họ trong vườn thượng uyển thuộc thành phố Usabhavatī. Theo đúng truyền thống của chư Phật quá khứ, giữa mười triệu vị Sa-môn, Đức Phật thuyết bài kinh Chuyển pháp luân. Nhân loại, chư thiên và Phạm thiên đã hội họp ở đó để nghe Ngài thuyết pháp.
      (Đây là Dhammābhisamaya lần thứ nhất)
      Lần thuyết pháp thứ hai của Đức Phật Piyadassī diễn ra ở trên núi Sudassana, gần thành phố Usabhavatī. Vị thiên Sudassana của ngọn núi là kẻ cố chấp tà kiến nên dân chúng sống trong xứ Diêm phù đề hằng năm đều đem lễ vật trị giá cả trăm ngàn đồng tiền vàng dâng cúng cho vị thiên này.
      Lúc bấy giờ, sau khi suy nghĩ sẽ đoạn trừ tà kiến của vị thiên Sudassana, Đức Phật Piyadassī bèn đi đến cung điện của vị thiên. Lúc này vị thiên đi tham dự lễ hội các Dạ-xoa, Đức Phật ngồi trên bảo tọa lộng lẫy của vị này, phát ra hào quang sáu màu như mặt trời xuất hiện trên đỉnh núi Yugandhara trong tháng Kattikā (tháng mười âm lịch) của mùa thu. Rồi thiên chúng tùy tùng của Sudassana bèn cúng dường đến Đức Phật các loại hoa, vật thơm, v.v… và vây quanh Ngài.
      Sau khi dự hội dạ-xoa về, Sudassana trông thấy hào quang sáu màu phát ra từ cung điện của mình. Vị ấy suy nghĩ: “Trước kia ta chưa bao giờ trông thấy hào quang sáu màu chiếu sáng rực rỡ như vậy. Người này là ai mà dám chiếm cứ chỗ của ta? Người hay chư thiên?” Đang dò xét như vậy, vị ấy trông thấy Đức Phật với mạng lưới hào quang sáu màu giống như mặt trời mọc lên từ ngọn núi Yugandhara. “Vị Sa- môn đầu trọc đang ngồi trên bảo tọa của ta, lại được vây quanh bởi tùy
      tùng của ta.” Sudassana tự nhủ với tâm đầy tức tối, “Được, ta sẽ phô diễn sức mạnh của ta đến vị Sa-môn này.” Nghĩ vậy vị ấy biến toàn thể ngọn núi thành một khối lửa khổng lồ.
      Sau khi đã làm như vậy, vị ấy dò xét: “Hiện giờ vị Sa-môn đầu trọc này đã biến thành tro bụi trong ngọn lửa hay chưa?” Nhưng nhìn thấy Đức Phật với gương mặt bình lặng và kim thân của Ngài đang tỏa ra những tia sáng rực rỡ do mạng lưới hào quang tạp sắc. “Vị sa-môn này có thể chịu được ngọn lửa thiêu đốt,” vị ấy suy nghĩ. “Được, ta sẽ nhận chìm vị ấy trong cơn đại hồng thủy.” Rồi Sudassana biến ra khối nước khổng lồ làm ngập cung điện. Tuy vậy, Đức Phật vẫn ngồi yên trong cung điện ngập nước, và ngay cả một sợi chỉ trên chiếc y của Ngài hay một sợi lông trên thân của Ngài cũng không bị ướt chút nào.
      Sau đó, vua dạ-xoa Sudassana suy nghĩ cách khác để làm ngạt thở Đức Phật và giết chết Ngài. Vị ấy bao vây Đức Phật bằng khối nước lớn, Ngài vẫn rực rỡ trong khối nước màu xanh nhạt với ánh sáng phát ra từ mạng lưới hào quang của Ngài và như ánh sáng mặt trăng đêm rằm, ngồii ung dung giữa các quan thần của vua dạ-xoa Sudassana. Không thể kiềm chế được sân hận, dạ-xoa suy nghĩ: “Bằng mọi cách, ta sẽ giết chết vị đại Sa-môn này.” Bèn tạo ra cơn mưa với chín loại khí giới rơi xuống Đức Phật. Với oai lực của một vị Phật, tất cả những khí giới đều hóa thành các loại hoa xinh đẹp, thơm ngát và rơi xuống chân của Ngài.
      Trông thấy hiện tượng kỳ lạ, Sudassana càng tức giận và hung hăng nhiều hơn (thay vì kính phục và tịnh tín), dạ xoa với cả hai tay nắm lấy hai chân của Đức Phật và nhấc bỗng Ngài lên. Vượt qua đại dương, hắn bay vút đến các rặng núi đánh dấu chỗ tận cùng của thế giới Sa-bà (cakkavāla) vì hắn muốn Đức Phật đi khỏi chỗ ngụ của hắn. “Vị Sa-môn này như thế nào rồi? Đã chết hay còn sống?” Suy nghĩ như vậy, hắn nhìn vào Đức Phật và (tựa như giấc mơ) thấy Ngài vẫn ngồi yên chỗ cũ trong cung điện. Dạ-xoa suy nghĩ: “Ồ, vị đại Sa-
      môn này rất uy lực, ta không thể kéo vị ấy ra khỏi chỗ ngụ của ta. Nếu ai đó biết được điều mà ta đang làm thì thật nhục nhã cho ta. Do đó, trước khi có ai đó trông thấy, ta sẽ trốn đi, bỏ lại vị Sa-môn lẫn cung điện này.”
      Đức Phật biết được ý nghĩ của dạ-xoa Sudassana, Ngài khởi nguyện để chư thiên và nhân loại chư thiên trông thấy dạ xoa đang ôm lấy chân của Đức Phật. Đúng như ý nguyện của Ngài, Sudassana không thể rời khỏi chỗ ngụ như đã dự định và vẫn ở đó hai tay ôm lấy chân của Đức Phật.
      Ngày hôm ấy là ngày một trăm lẻ một vị vua của toàn cõi Diêm phù đề đem lễ vật đến cúng nạp dạ-xoa Sudassana. Họ trông thấy Sudassana đang ôm lấy chân của Đức Phật và đầy ngạc nhiên, họ hô to: “Vua dạ-xoa của chúng ta đang thoa bóp chân vua của các vị Sa- môn. Ồ, chư Phật quả rất kỳ diệu! Ân đức của các Ngài quả thật kỳ diệu!” Với tâm đầy tịnh tín và tôn kính, họ chấp tay lên trán để tỏ thái độ tôn kính Đức Phật.
      Trước đám đông ấy, Đức Phật Piyadassī ban huấn từ giáo pháp. Khi ấy có chín trăm ngàn triệu chư thiên và nhân loại chứng đắc đạo quả A-la-hán.
      (Đây là Dhammābhisamaya lần thứ hai)
      Một dịp khác, tại thành phố Kumuda rộng chín do tuần, một ác Tăng tên Sona, là kẻ đối địch với Đức Phật Piyadassī (giống như Devadatta (Đề-bà-đạt-đa) trong thời kỳ Đức Phật Gotama của chúng ta), sau khi thuyết phục được con trai của đức vua – thái tử Mahāpaduma, đã xúi dục vị ấy giết phụ vương. Sau nhiều lần cố gắng để giết chết Đức Phật bị thất bại, Sona xúi dục quan quản tượng của vua với lời chỉ dẫn: “Khi Đức Phật Piyadassī vào thành phố để khất thực, hãy thả voi chúa Donamukha tấn công và giết chết vị ấy.”
      Vị quan quản tượng là người thiếu trí, không phân biệt điều gì có lợi và điều không có lợi ích, ông ta suy nghĩ như vầy: “Vị Sa-môn Sona này là bạn thân của vua. Nếu vị ấy không ưa ta thì ta sẽ bị mất việc.” Bởi vậy ông ta chấp nhận lời đề nghị của Sona. Ngày hôm sau, ông ta cho voi Donamukha uống rượu đến say xỉn và thả voi tấn công Đức Phật Piyadassī khi Ngài vừa vào thành khất thực.
      Vừa được thả ra, voi Donamukha điên cuồng tấn công những con voi khác, ngựa, trâu bò, đàn ông, đàn bà mà nó thấy trên đường đi, phá sập các ngôi nhà ở hai bên đường. Cuối cùng, vừa thấy Đức Phật từ xa, nó phóng nhanh đến để tấn công Ngài.
      Với tâm vô cùng khiếp đảm, dân cư trong thành phố bỏ chạy tán loạn để tìm chỗ ẩn náu. Khi voi Donamukha xông đến Đức Phật Piyadassī – Đức Tượng Vương Phật, Ngài với tâm hoàn toàn thanh tịnh, phóng ra những luồng mettā (từ lực của tâm bác ái vô lượng) đến voi Donamukha. Như người đi vào hồ nước mát, như đứa bé thơ sà vào vòng tay của mẹ, voi Donamukha trở nên hiền dịu, tỉnh táo, thấy được lỗi lầm của chính mình và quá xấu hổ, nó không thể đứng bình thường mà quì mọp dưới chân Đức Phật, tựa như sắp chui xuống đất.
      Trông thấy cảnh tượng kỳ diệu khác thường, dân cư của thành phố đầy hoan hỷ và cất lên tiếng tung hô vang dội như tiếng rống của con sư tử. Họ cũng tôn vinh con voi bằng nhiều cách như hoa thơm, bột thơm, đồ trang sức, v.v… Họ còn tung lên trời mũ, nón, khăn trùm đầu của họ; tiếng trống của chư thiên cũng vang dội cả không trung.
      Đức Phật xoa đầu voi đang nằm phục dưới chân Ngài và ban những lời giáo huấn thích hợp với tâm tánh của nó. Sau khi được khuyên dạy, voi tỉnh táo lên và trở nên thuần thục, giờ đây trông nó như một đệ tử của Đức Phật dễ dạy và dễ bảo. Sau khi đã khuyên dạy voi Donamukha tuân theo Luật tạng, Đức Phật thuyết pháp đến hội chúng
      đang tụ họp ở đó. Vào lúc kết thúc thời pháp, có tám trăm ngàn triệu người chứng đắc Đạo Quả A-la-hán.
      (Đây là Dhammābhisamaya lần thứ ba).

      Ba kỳ đại hội Thánh Tăng – Sannipāta

      Có ba kỳ đại hội Thánh Tăng đệ tử Đức Phật. Ở kỳ thứ nhất, Đức Phật Piyadassī viếng thăm thành phố Sumaṅgala và đôi bạn – hoàng tử Pālita và chàng thanh niên con trai của vị quốc sư. Nghe tin Đức Phật đến viếng kinh thành, họ cùng với mười trăm ngàn triệu tùy tùng long trọng đón tiếp Đức Phật, nghe Ngài thuyết pháp và tổ chức bố vật thực trong bảy ngày. Vào ngày thứ bảy, Đức Phật ban pháp thoại để tán dương sự bố thí ấy. Cuối thời pháp thoại, hai người bạn cùng với mười trăm ngàn triệu tùy tùng của họ đều trở thành Thiện lai tỳ khưu và chứng đắc Đạo Quả A-la-hán. Giữa hội chúng tỳ khưu, Đức Phật tụng Ovāda Pātimokkha.
      (Đây là Sannipāta lần thứ nhất)
      Một dịp khác khi Đức Phật nhiếp phục dạ xoa Sudassana, có chín trăm triệu người trở thành tỳ khưu và chứng đắc Đạo Quả A-la-hán. Giữa hội chúng chín trăm triệu tỳ khưu này, Đức Phật tụng Ovāda Pātimokkha.
      (Đây là Sannipāta lần thứ hai)
      Một dịp khác, khi Đức Phật nhiếp phục voi Donamukkha, có tám mươi người xuất gia và chứng đắc đạo quả A-la-hán. Giữa hội chúng tám mươi vị A-la-hán này, Đức Phật tụng Ovāda Pātimokkha.
      (Đây là Sannipāta lần thứ ba)

      Bồ tát của chúng ta sanh làm Bà-la-môn Kassapa và

      được Đức Phật Piyadassī thọ ký

      Lúc bấy giờ Bồ tát của chúng ta là chàng thanh niên Bà-la-môn tên là Kassapa, đã thông suốt Tam phệ đà. Sau khi nghe Đức Phật Piyadassī thuyết pháp, đầy tịnh tín vị ấy đã xây dựng một tịnh xá to lớn trị giá một trăm ngàn đồng tiền vàng và dâng đến chư Tăng có Đức Phật chủ trì. Hoan hỉ với việc phước đã làm, vị ấy quy y Tam bảo và thọ trì Ngũ giới rất nghiêm ngặt, không hề dễ duôi.
      Ngồi giữa chúng Tăng, Đức Phật Piyadassī công bố lời tiên tri về chàng thanh niên Kassapa: “Sau một ngàn tám trăm đại kiếp kể từ đại kiếp này, chàng thanh niên Kassapa này chắc chắn sẽ thành Phật, danh hiệu là Gotama.”
      Sau khi nghe lời tiên tri của Đức Phật Piyadassī, Bồ tát vô cùng vui sướng và quyết tâm thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật.

      Những chi tiết đặc biệt về Đức Phật Piyadassī

      Nơi sanh của Đức Phật Piyadassī là thành phố Suddhaññavatī. Phụ vương là vua Sudatta và mẫu hậu là hoàng hậu Candā.
      Ngài trị vì vương quốc trong chín ngàn năm. Ba cung điện của Ngài
      là Sunimala, Vimala và Giriguha.
      Chánh hậu là Vimalā có ba mươi ba ngàn nữ hầu. Con trai là hoàng tử Kañcanavela.
      Sau khi nhìn thấy 4 điềm tướng, Ngài đi xuất gia bằng xe tuấn mã.
      Ngài thực hành khổ hạnh (dukkaracariyā) trong sáu tháng.
      Hai vị Thượng thủ Thinh văn là trưởng lão Palita Thera và trưởng lão Sabbadassi. Thị giả là trưởng lão Sobhita.
      Hai đại đệ tử nữ là trưởng lão ni Sujāta và trưởng lão ni Dhammadina. Cây giác ngộ là cây Kakudha.
      Hai cận sự nam bậc thánh là trưởng giả Sundaka và Dhammaka. Hai cận sự nữ bậc thánh là Ưu-bà-di Visakha và Ưu-bà-di Dhammadinna.
      Đức Phật Piyadassī có vô số đệ tử và danh tiếng tốt. Ngài có ba mươi hai hảo tướng. Ngài cao tám mươi hắc tay, như cây sala vĩ đại đang nở hoa.
      Không có ánh sáng ngọn đèn, ánh sáng mặt trăng hay ánh sáng mặt trời có thể vượt qua hào quang rực rỡ phát ra từ thân Ngài.
      Thọ mạng trong thời của Ngài là chín mươi ngàn năm. Ngài sống bằng bốn phần năm của thọ mạng, Ngài cứu giúp chúng sanh gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên thoát khỏi đại dương luân hồi và đặt họ bên kia bờ Niết bàn.

      Kinh cảm quán – Saṁvega

      Đức Phật Piyadassī như tất cả chư Phật vô song trong quá khứ và hai vị đại đệ tử Thượng thủ Thinh văn, v.v… tất cả đã biến mất. Tất cả pháp hữu vi quả thật vô ích và không thực chất!

      Bảo tháp

      Thế là Đức Phật Piyadassī, bậc Đại Sa-môn đã viên tịch đại Niết bàn tại vườn cây Assattha. Tại khu vườn ấy một bảo tháp cao ba do tuần được dựng lên để cúng dường Đức Phật.

      Kết thúc lịch sử Đức Phật Piyadassī – Piyadassī Buddhavaṃsa

      

    14. Atthadassī Buddhavaṁsa (Lịch sử Đức Phật Atthadassī)

      Sau khi Đức Phật Piyadassī viên tịch đại Niết bàn, thọ mạng của loài người suy giảm dần từ chín chục ngàn tuổi còn mười tuổi, rồi lại tăng lên đến A-tăng-kỳ tuổi. Rồi khi thọ mạng loài người từ A-tăng-kỳ tuổi giảm còn một trăm ngàn tuổi, lúc ấy Bồ tát Atthadassī đã thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật và đã tái sanh vào cung trời Đâu suất đà theo đúng truyền thống của chư vị Bồ tát. Nhận lời thỉnh cầu của chư thiên và Phạm thiên để thành Phật cứu độ chúng sanh, Bồ tát xuống cõi nhân loại và thọ sanh vào lòng của bà Sudassanā, hoàng hậu của vua Sāgara, tại kinh đô Sobhana. Sau mười tháng, Bồ tát đản sanh ở vườn Sucindhana.
      Vào ngày đặt tên của Bồ tát, các bậc trí tuệ gọi Ngài là Atthadassī bởi vì các chủ nhân của các kho báu mà đã bị vùi lấp dưới lòng đất trải qua nhiều thế hệ nay lại tìm thấy chỗ chôn giấu của chúng.

      Đời sống ở vương cung

      Khi Bồ tát Atthadassī đến tuổi trưởng thành. Ngài sống trong ba cung điện Amaragiri, Sugiri và Vāhana, được hầu hạ bởi ba mươi ba ngàn cung nữ dẫn đầu là chánh hậu Visākhā, và sống cuộc đời đế vương như ở cõi chư thiên trong mười ngàn năm.

      Sự xuất gia

      Khi Bồ tát trông thấy bốn điềm tướng và sau khi hoàng hậu Visākhā hạ sanh một hoàng nam đặt tên Sela, thì Ngài đi xuất gia cỡi trên con tuấn mã Sudassana. Chín chục triệu người khác noi theo gương Ngài cũng trở thành những vị sa-môn.

      Sự thành đạo

      Cùng với chín chục triệu vị Sa-môn này, Bồ tát Atthadassī thực hành khổ hạnh trong tám tháng. Vào ngày rằm tháng tư, ngày thành đạo của Ngài, dân chúng đem món cơm sữa đến cúng long nữ Sucindharā. Nhưng nàng không ăn. Hiện hình trước mặt mọi người, nàng đem món cơm sữa đựng trong bát bằng vàng đến dâng cúng Bồ tát. Bồ tát độ món cơm sữa và trải qua suốt ngày tại rừng cây sala ở gần đó. Đến chiều, Ngài một mình đi đến cây đại bồ-đề và trên đường đi nhận tám nắm cỏ do chúa rồng Mahāruci dâng tặng. Khi Ngài vừa rải mớ cỏ xuống cây đại thọ bồ-đề – cây Campaka, thì Vô địch bảo tọa cao năm mươi ba hắc tay từ lòng đất hiện lên. Ngồi kiết già trên bảo toạ, Ngài vận dụng bốn mức độ tinh tấn, chiến thắng Ma vương và chứng đắc Phật quả, thành bậc Chánh đẳng giác, Thế Tôn của ba cõi.

      Ba Thắng thời thuyết pháp của Đức Phật Atthadassī

      (Dhammābhasamaya)

      Sau khi thành đạo, Đức Phật trải bốn mươi chín ngày ở bảy chỗ gần cây bồ-đề. Nhận lời thỉnh cầu của Phạm thiên và quán xét nên tiếp độ ai trước, Đức Phật trông thấy chín chục triệu vị Sa-môn đã theo Ngài xuất gia và có đầy đủ phước quá khứ để dẫn đến chứng đắc Đạo Quả giải thoát. Và sau khi suy xét về chỗ ở của họ, Ngài thấy họ đang trú ngụ ở vườn Anoma, gần thành phố Anoma. Bằng uy lực thần thông, Ngài xuất hiện tại vườn Anoma.
      Lúc bấy giờ chín chục triệu vị Sa-môn trông thấy Đức Phật đang đi đến từ xa, tất cả đều khởi tâm tịnh tín và niềm nở tiếp đón Đức Phật rồi ngồi xuống ở quanh Ngài. Nhân đó Đức Phật Atthadassī thuyết bài kinh Chuyển pháp luân giống như chư Phật quá khứ đã từng làm. Cuối thời pháp có mười trăm ngàn triệu chúng sanh chứng đắc Đạo Quả giải thoát.
      (Đây là Dhammābhasamaya lần thứ nhất)
      Một dịp khác, Đức Phật Atthadassī du hành lên cõi Đao lợi thiên và giảng dạy Vi-diệu-pháp đến chư thiên và Phạm thiên. Một trăm ngàn chư thiên và Phạm thiên chứng đắc Đạo Quả từ thời pháp ấy.
      (Đây là Dhammābhasamaya lần thứ hai)
      Lại một dịp khác, như Đức Phật Gotama của chúng ta về thăm vua cha tại kinh thành Kapilavatthu và kể lại Phật sử Buddhavaṃsa, cũng thế Đức Phật Atthadassī về thăm kinh đô Sobhana và giảng Pháp đến quyến thuộc do vua cha dẫn đầu. trong dịp ấy có mười trăm ngàn triệu chúng sanh chứng đắc Đạo Quả.
      (Đây là Dhammābhasamaya lần thứ ba)

      Ba kỳ đại hội Thánh Tăng – Sannipāta

      Có ba kỳ đại hội của chư Thinh văn đệ tử Phật. Kỳ thứ nhất diễn ra tại Sucanda, tại đó Thái tử Santa và Upassanta – con trai của vị quốc sư Purohita (là hai Đại đệ tử tương lai) vì không tìm thấy tinh hoa trong Tam phệ đà cũng như trong các giáo lý khác, bèn chỉ định bốn người có trí và một số người canh gác tinh nhuệ đứng ở bốn cổng thành với lời dặn dò: “Hãy thông báo cho chúng ta biết nếu các ngươi thấy hay nghe có người nào đã giác ngộ, dù người ấy là Sa-môn hay Bà-la-môn.”
      Khi Đức Phật Atthadassī, chúa của ba loại chúng sanh, cùng với chúng đệ tử đi đến kinh thành Sucandaka, thì những người được chỉ định ấy báo tin cho Thái tử và con trai vị quốc sư về việc đi đến của Đức Phật. Khi hay tin ấy, đầy vui sướng cả hai vội vã ra khỏi kinh thành cùng với tùy tùng gồm một ngàn người tiếp đón Đức Phật rồi cung thỉnh Ngài vào kinh đô. Sau khi đã cung thỉnh Đức Phật và chúng Tăng, họ trở về tổ chức một cuộc vô song thí (asadisa mahādanā) để cúng dường chúng Tăng có Đức Phật dẫn đầu. Vào ngày thứ bảy, họ cùng với dân cư trong thành nghe Đức Phật thuyết
      pháp. Vào ngày ấy chín mươi tám ngàn người, khi nghe câu “Hãy đến, này các tỳ khưu” thì tất cả đều trở thành Thiện lai tỳ khưu (Ehi- bhikkhu) v.v… chứng đắc đạo quả A-la-hán. Giữa hội chúng Thiện lai tỳ khưu ấy, Đức Phật tụng Ovāda Pāṭimokkha.
      (Đây là Sannipāta lần thứ nhất).
      Một dịp khác, khi Đức Phật ban lời giáo giới đến con trai của Ngài, đại đức Sela, tám mươi tám ngàn người khởi tâm tịnh tín và xin Đức Phật gia nhập chúng Tăng. Khi ấy Đức Phật ban Phật ngôn: “Hãy đến, này các tỳ khưu” và tất cả họ đều trở thành “Thiện lai tỳ khưu” và chứng đắc Đạo Quả A-la-hán. Giữa hội chúng tỳ khưu ấy, Đức Phật tụng Ovāda Patimokkha.
      (Đây là Sannipāta lần thứ hai)
      Lại một dịp khác, vào ngày rằm tháng Magha, khi chúng sanh ba cõi gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên cu hội để nghe bài pháp Mahā maṅgala, Đức Phật đã thuyết bài pháp ấy và độ cho bảy mươi tám ngàn người chứng đắc đạo quả A-la-hán. Giữa hội chúng tỳ khưu ấy, Đức Phật tụng Ovāda Pātimokkha.
      (Đây là Sannipāta lần thứ ba)

      Bồ tát Gotama của chúng ta là ẩn sĩ Susīma và được Đức Phật Atthadassī thọ ký

      Lúc bấy giờ, Bồ tát của chúng ta là một vị Bà-la-môn giàu có tên là Susīma, được thiên hạ công nhận là người có giới đức. Sau khi bố thí tất cả của cải đến những người nghèo, người cô thân, khách vãng lai và những người khác, Bồ tát đến Hy-mã-lạp sơn và sống cuộc đời ẩn sĩ. Sống ở đó và tinh tấn hành thiền, Bồ tát đã chứng đắc Bát thiền và Ngũ thông. Rồi vị ấy giảng dạy dân chúng về phước và tội của định luật Nghiệp báo và chờ đợi Đức Phật xuất hiện.
      Khi Đức Phật Atthadassī xuất hiện trong thế gian và ‘tưới xuống thế gian cơn mưa bất tử’ giữa hội chúng gồm tám hạng người. Đạo sĩ Susīma cũng có mặt ở đó và nghe Đức Phật thuyết pháp. Rồi vị ấy lên cõi chư thiên và đem về những thiên hoa như hoa sen, hoa Mạn-đà-la, v.v… từ cõi chư thiên. Vì muốn thị hiện thần thông của mình, vị ấy xuất hiện giữa không trung và tạo ra cơn mưa hoa đổ xuống khắp bốn phương như cơn mưa lớn đổ xuống khắp bốn châu. Vị ấy cũng hóa ra một giả ốc bằng hoa, bốn mặt đều được trang trí bằng hoa, đặt một cái cổng tháp vòm ở lối vào với những cái cột và những mạng lưới đều được trang trí bằng hoa. Rồi Bồ tát cúng dường Đức Phật một cái lọng bằng hoa Mạn-đà-la. Khi ấy Đức Phật công bố lời tiên tri về đạo sĩ Susīma: “Trong tương lai trải qua một ngàn tám trăm đại kiếp, vị đạo sĩ Susīma này sẽ thành một vị Phật danh hiệu là Gotama.”
      Nghe lời tiên tri của Đức Phật, Bồ tát vô cùng vui sướng và quyết tâm thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật tinh tấn nhiều hơn, để không trở nên dễ duôi.

      Những chi tiết đặc biệt về Đức Phật Atthadassī

      Nơi sanh của Đức Phật Atthadassī là kinh đô Sobhana; phụ vương là vua Sāgara và mẫu hậu là hoàng hậu Sudassanā.
      Ngài trị vì vương quốc trong mười ngàn năm. Ba cung điện là
      Amaragiri, Sugiri và Vāhana.
      Chánh hậu là Visākhā, có ba mươi ba ngàn nữ hầu. Con trai là
      hoàng tử Sela.
      Ngài đi xuất gia bằng tuấn mã Sudassana và thực hành khổ hạnh
      trong tám tháng.
      Hai vị Thượng thủ Thinh văn là trưởng lão Santa và trưởng lão
      Upasanta. Thị giả là trưởng lão Abhaya.
      Hai đại đệ tử nữ là trưởng lão ni Dhammā và trưởng lão ni Sudhammā. Cây giác ngộ là cây Campaka.
      Hai cận sự nam bậc thánh là trưởng giả Nisabha và Nakula. Hai cận sự nữ bậc thánh là Ưu-bà-di Makilā và Ưu-bà-di Sanandā.
      Đức Phật Atthadassī cao tám mươi hắc tay, oai nghi như cây đại Sala trong thời nở hoa hoặc như trăng rằm, là vua của các vì sao và tinh tú.
      Hào quang phát ra từ thân của Đức Phật Atthadassī thường xuyên chiếu sáng khắp các phương trên và dưới xa một do-tuần. (Tùy theo ý của Ngài, ánh sáng có thể phát tán khắp mười muôn cõi thế giới)
      Vượt trội chúng sanh, Đức Phật Atthadassī có năm mắt. Thọ mạng trong thời của Ngài là một trăm ngàn năm, Ngài sống bốn phần năm của thọ mạng.

      Kinh cảm quán

      Sau khi chiếu sáng khắp thế gian gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên bằng ánh sáng vô song diệu pháp, Đức Phật Atthadassī đã viên tịch đại Niết bàn như khối lửa chợt tắt do hết nhiên liệu.

      Bảo tháp

      Thế là Đức Phật Atthadassī, Bậc chiến thắng ngũ ma, đã viên tịch đại Niết bàn tại vườn Anoma. Theo đúng ý nguyện của Ngài, Xá lợi đã phân tán đi khắp cõi Diêm phù đề và được chúng sanh gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên ngày đêm lễ bái cúng dường.

      Kết thúc lịch sử Đức Phật Atthadassī- Atthadassī Buddhavaṃsa

      

    15. Dhammadassī Buddhavaṁsa (Lịch sử Đức Phật Dhammadassī)

      Sau khi Đức Phật Atthadassī viên tịch thì thọ mạng của loài người dần dần giảm từ một trăm ngàn tuổi còn mười tuổi, rồi lại tăng lên đến A-tăng-kỳ tuổi. Rồi khi thọ mạng loài người từ A-tăng-kỳ tuổi giảm xuống một trăm ngàn tuổi thì Bồ tát Dhammadassī đã tái sanh vào cung trời Đâu suất đà. Nhận lời thỉnh cầu của chư thiên và Phạm thiên để thành Phật độ thoát chúng sanh, Ngài xuống cõi nhân loại và thọ sanh vào lòng của bà Sunandā, hoàng hậu của vua Sarana, tại kinh đô Sarana. Trải qua mười tháng, Bồ tát đản sanh tại vườn thượng uyển Sarana.
      Khi Ngài sanh ra, các điều khoản không hợp lý và bất chánh trong bộ luật của vương quốc tự nhiên biến mất, chỉ còn lại những điều khoản đúng pháp và hợp lý. Do đó, vào ngày đặt tên của Ngài, các nhà tướng số thông thái và quyến thuộc đặt cho Ngài cái tên là Dhammadassī.

      Đời sống ở vương cung

      Khi Bồ tát Dhammadassī đến tuổi trưởng thành, Ngài sống trong ba cung điện Araja, Viraja và Sudassana, được hầu hạ bởi bốn mươi ba ngàn cung nữ dẫn đầu là công chúa Vicikoli và sống cuộc đời đế vương như ở cõi chư thiên trong tám ngàn năm.

      Sự xuất gia

      Sau khi trông thấy bốn điềm tướng và chánh hậu Vicikoli hạ sanh một hoàng nam là Puññavaḍḍhana. Bồ tát Dhammadassī, người thanh thoát như một vị thiên, đang sống cuộc đời của chư thiên. Thức giấc vào nửa đêm, ngồi trên giường và trông thấy những cảnh tượng đáng nhờm gớm của các cung nữ đang nằm ngủ ngã nghiêng. Với tâm nhàm chán đến cực độ, Ngài khởi tâm từ bỏ thế gian. Vừa khởi lên ý
      nghĩ ấy thì cung điện Sudassana mà Ngài đang ở có bốn loại quân binh canh gác bèn bay bỗng lên hư không và di chuyển như mặt trời thứ hai đang di chuyển, rồi đáp xuống gần cây bồ-đề Bimbijala.
      Bồ tát mặc vào y phục hoa sen do Phạm thiên cúng dường; khi rời khỏi cung điện, Ngài đứng không xa cung điện. Cung điện lại bay lên hư không và đáp xuống ở chỗ đất có cây bồ-đề. Các nữ quan và tùy tùng của họ bèn xuống khỏi cung điện và đứng ở một quãng xa nửa gāvuta. Giữa những người ấy, những người nam bèn mặc vào những chiếc y vàng theo gương của Bồ tát và trở thành những vị Sa-môn, số lượng mười trăm ngàn triệu.

      Sự thành đạo

      Sau khi thực hành pháp khổ hạnh trong bảy ngày, Bồ tát Dhammadassī độ món cơm sữa do công chúa Vicikoli dâng cúng vào ngày rằm tháng tư – ngày thành đạo của Ngài và trải qua suốt ngày tại vườn cây Badara (cây mận) ở gần đó. Đến chiều, Ngài một mình đi đến cây đại Bồ-đề và Ngài nhận tám nắm cỏ từ người giữ ruộng lúa mạch tên Sirivaddha trên đường đi. Khi Bồ tát vừa rải mớ cỏ xuống cội cây Bồ-đề thì Vô địch bảo tọa cao năm mươi ba hắc tay xuất hiện. Ngồi kiết già trên bảo tọa, Ngài chứng đắc Phật quả như chư Phật quá khứ.

      Ba Thắng thời thuyết pháp của Đức Phật Dhammadassī –

      Dhammābhisamaya

      Sau khi thành đạo, Đức Phật trú ngụ ở bảy chỗ quanh khu vực cây Bồ-đề. Nhận lời thỉnh cầu của Phạm thiên để thuyết pháp tế độ chúng sanh, Ngài xem xét nên tiếp độ ai trước và trông thấy mười trăm ngàn triệu vị sa-môn đã xuất gia cùng với Ngài, có đầy đủ túc duyên để dẫn đến chứng đắc Đạo Quả và Niết bàn. Ngay lập tức, với uy lực thần thông Ngài xuất hiện tại vườn Lộc giả, nơi các vị Sa-môn đang trú ngụ, cách cây Bồ-đề mười tám do tuần.
      Khi thấy Đức Phật từ xa, các vị Sa-môn niềm nở đón tiếp Đức Phật làm các phận sự cần thiết đối với Ngài, rồi ngồi xuống ở nơi phải lẽ. Lúc ấy, cũng như chư Phật quá khứ đã từng làm, Đức Phật Dhammadassī thuyết bài kinh Chuyển pháp luân đến các Sa-môn, và tất cả chư thiên cùng Phạm thiên đã đến dự thính. Cuối thời khóa, có mười trăm ngàn triệu chúng sanh chứng đắc Đạo Quả.
      (Đây là Dhammābhisamaya lần thứ nhất)
      Một dịp khác, tại kinh đô Tagara, sau khi trông thấy những điều bất lợi của ngũ dục và những lợi ích của sự xuất gia vua Sañjaya đã trở thành vị đạo sĩ. Chín trăm triệu người cũng theo gương vị ấy mà trở thành sa-môn. Tất cả họ đều chứng đắc năm Thắng trí và Bát thiền. Thấy họ có đầy đủ túc duyên để dẫn đến chứng đắc đạo quả, Đức Phật bèn đi xuyên qua hư không và đến ẩn xá của Sañjaya, Ngài đứng giữa hư không và thuyết pháp thích hợp với căn tánh của họ. Như vậy Đức Phật đã giúp đỡ họ chứng đắc đạo tuệ, là con mắt của Pháp bảo (dhammacakkhu).
      (Đây là Dhammābhisamaya lần thứ hai)
      Lại một dịp khác, Sakka, chúa của chư thiên với ước muốn nghe pháp nên dẫn theo tùy tùng đi đến Đức Phật. Khi Đức Phật thuyết pháp đến họ, có tám trăm triệu vị chư thiên chứng đắc Đạo Quả.
      (Đây là Dhammābhisamaya lần thứ ba)

      Ba kỳ đại hội Thánh Tăng – Sannipāta

      Có ba kỳ đại hội của chư Thánh Tăng đệ tử Đức Phật Dhammadassī. Kỳ đại hội thứ nhất xảy ra ở kinh đô Sarana, Đức Phật Dhammadassī đã truyền phép xuất gia Thiện lai tỳ khưu đến hai người em khác mẹ của Ngài, là hoàng tử Paduma và hoàng tử Phussa, và tùy tùng của họ, rồi an cư kiết hạ trong kinh đô ấy. Cuối mùa an cư kiết
      hạ, giữa hội chúng gồm một ngàn triệu tỳ khưu, tất cả đều là A-la-hán,
      Đức Phật đã làm lễ tự tứ Visuddhi Pavāranā.
      (Đây là Sannipāta lần thứ nhất)
      Một dịp khác, Đức Phật Dhammadassī dạy A-tỳ-đàm ở cõi trời Đạo lợi (Tavatiṃsa) rồi xuống lại cõi nhân loại. Khi ấy có một ngàn triệu vị tỳ khưu cu hội.
      (Đây là Sannipāta lần thứ hai)
      Lại một dịp khác, Đức Phật Dhammadassī giải thích về các lợi ích của mười ba pháp đầu đà (dhutaṅga) và công bố rằng vị đại đệ tử Harita, bậc A-la-hán là vị tối thắng nhất về các pháp đầu đà. Khi ấy giữa hội chúng gồm tám trăm triệu vị tỳ khưu, Đức Phật tụng Ovāda Patimokkha.
      (Đây là Sannipāta lần thứ ba)

      Bồ tát Gotama sanh làm Sakka và được Đức Phật Dhammadassī thọ ký

      Lúc bấy giờ, Bồ tát của chúng ta là Sakka, vua của chư thiên, cùng với thiên chúng ở hai cõi Tứ thiên vương (Catumahārajika) và Đao lợi (Tāvatiṃsa), vị ấy đi đến Đức Phật và tôn vinh Ngài bằng những loại hoa trời v.v… và trổi lên những bản nhạc của chư thiên. Đức Phật công bố lời tiên tri: “Vị Sakka này trong tương lai chắc chắn sẽ thành một vị Phật, danh hiệu là Gotama.”
      Sau khi nghe lời tiên tri của Đức Phật Dhammadassī, Bồ tát Sakka vô cùng vui sướng và quyết tâm thực hành viên mãn các pháp Ba-la- mật tinh tấn hơn.

      Những chi tiết đặc biệt về Đức Phật Dhammadassī

      Nơi sanh của Đức Phật Dhammadassī là kinh đô Sarana, phụ vương là vua Sarana và mẫu hậu là hoàng hậu Sunandā.
      Ngài trị vì vương quốc trong tám ngàn năm. Ba cung điện của Ngài là Araja, Viraja và Sudassana.
      Chánh hậu là Vicikoli có bốn mươi ba ngàn cung nữ hầu hạ. Con trai là Puññavaddhana.
      Phương tiện chuyên chở Ngài đi xuất gia là cung điện. Ngài thực hành khổ hạnh trong bảy ngày.
      Hai vị Thượng thủ Thinh văn là trưởng lão Paduma và trưởng lão
      Phussal. Thị giả là trưởng lão Sunetta.
      Hai đại đệ tử nữ là trưởng lão ni Khemā và trưởng lão ni Saccanamā. Cây giác ngộ là cây Bimbijāla.
      Hai cận sự nam bậc thánh là trưởng giả Subhadda và trưởng giả Katissaha; hai cận nữ bậc thánh là Ưu-bà-di Sāliyā và Ưu-bà-di Kaliyā.
      Đức Phật Dhammadassī cao tám mươi hắc tay. Oai lực của Ngài
      rực rỡ khắp mười ngàn thế giới.
      Đức Phật Dhammadassī uy nghi như cây đại Sala đang thời nở hoa hoặc như ánh sáng của mặt trời lúc giữa trưa chiếu sáng cả bầu trời.
      Đức Phật Dhammadassī, Bậc có ngũ nhãn, đã sống hết cuộc đời của
      Ngài trong một trăm ngàn năm.

      Kinh cảm quán

      Sau khi chiếu sáng thế gian bằng giáo pháp thanh tịnh của Ngài, Đức Phật Dhammadassī cùng chúng Thanh văn đệ tử của Ngài tất cả đều biến mất như mặt trăng biến mất sau khi chiếu sáng bầu trời.

      Bảo tháp

      Thế là Đức Phật Dhammadassī đã viên tịch đại Niết bàn ở vườn Sala, thành phố Sālavatī. Tại đó một bảo tháp cao ba do tuần được xây dựng để cúng dường Đức Phật.

      Kết thúc lịch sử Đức Phật Dhammadassī – Dhammadassī Buddhavaṃsa

      

    16. Siddhattha Buddhavaṁsa

      (Lịch sử Đức Phật Siddhattha)

      Đại kiếp mà Đức Phật Dhammadassī xuất hiện đã kết thúc, thì hết đại kiếp này sang đại kiếp khác, trải qua một ngàn bảy trăm lẻ đại kiếp không có chư Phật xuất hiện. Như vậy cách đây chín mươi bốn đại kiếp duy nhất có một vị Phật xuất hiện, đó là Đức Phật Siddhattha.
      Lúc bấy giờ, cách đây chín mươi bốn đại kiếp, khi thọ mạng của loài người từ A-tăng-kỳ tuổi giảm xuống còn một trăm ngàn tuổi thì Bồ tát Siddhattha – sau khi đã thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật, theo truyền thống của chư vị Bồ tát, đã tái sanh vào cung trời Đâu suất đà. Nhận lời thỉnh cầu của chư thiên và Phạm thiên, Ngài xuống cõi nhân loại và thọ sanh vào lòng của bà Suphassā, chánh hậu của vua Udena, tại kinh đô Vebhara. Sau mười tháng, Bồ tát đản sanh tại vườn Viriya.
      Vào ngày đặt tên, các nhà tướng số thông thái và quyền thuộc của Bồ tát đặt tên cho Ngài là Siddhattha, vì vào lúc Ngài ra đời, những ước muốn lớn nhỏ của mọi người đều được thành tựu.

      Đời sống ở vương cung

      Khi đến tuổi trưởng thành, Bồ tát Siddhattha sống trong ba cung điện Kola, Suppaha và Kokanada, được hầu hạ và chăm sóc bởi bốn mươi tám ngàn cung nữ, dẫn đầu là công chúa Somanassā và sống cuộc đời đế vương như ở cõi chư thiên trong mười năm.

      Sự xuất gia

      Khi Bồ tát Siddhattha trông thấy bốn điềm tướng và sau khi công chúa Somanassā hạ sanh một hoàng nam đặt tên là Anupama, Ngài bèn đi xuất gia trong chiếc kiệu vàng vào ngày rằm tháng Āsalhi, và trở thành vị Sa-môn tại vườn Viriya. Noi theo gương Ngài, mười trăm ngàn triệu người khác cũng trở thành Sa-môn.

      Sự thành đạo

      Cùng với mười trăm ngàn triệu vị Sa-môn, Bồ tát Siddhattha thực hành khổ hạnh trong mười tháng. Vào ngày rằm tháng tư, ngày thành đạo của Ngài, Ngài độ món cơm sữa do thiếu nữ Bà-la-môn Sunettā, ở làng Asadisa dâng cúng và Ngài trải qua suốt ngày trong rừng cây Badara ở gần đó. Đến chiều, Ngài một mình đi đến cây đại Bồ đề Kanilāra và trên đường đi nhận tám nắm cỏ từ một người canh giữ ruộng lúa tên Varuṇa. Khi Ngài vừa rải mớ cỏ xuống cội cây bồ đề thì Vô địch bảo tọa cao bốn mươi hắc tay xuất hiện. Ngồi kiết già trên bảo tọa, Ngài chứng đắc Phật quả như chư Phật quá khứ.

      Ba Thắng thời thuyết pháp của Đức Phật Siddhattha (Dhammābhisamaya)

      Sau khi thành đạo, Đức Phật Siddhattha trải qua bốn mươi chín ngày ở bảy chỗ gần cây Bồ đề. Nhận lời thỉnh cầu của đại Phạm thiên, Ngài quán xét xem nên thuyết pháp tiếp độ ai trước, Ngài trông thấy mười trăm ngàn triệu vị Sa-môn đã xuất gia chung với Ngài là những người đã gieo tạo đầy đủ phước báu có thể chứng đắc Đạo Quả giải thoát. Khi nghĩ rằng: “Ta sẽ thuyết pháp đến họ trước,” Ngài quán xét về chỗ ngụ của họ và trông thấy họ đang ngụ tại vườn Nai, cách đại thọ Bồ đề mười tám do-tuần. Với thần thông, Ngài xuất hiện lập tức ở vườn Nai
      Trông thấy Đức Phật từ xa đến, mười trăm ngàn triệu vị sa-môn đã tín thành đón tiếp Ngài và làm các phận sự thích hợp, rồi ngồi quanh Đức Phật. Khi ấy Đức Phật thuyết bài kinh Chuyển pháp luân đến họ bao gồm chư thiên và Phạm thiên đã cu hội để thính pháp. Lúc bấy giờ có mười trăm ngàn triệu chúng sanh chứng đắc Đạo Quả giải thoát.
      (Đây là Dhammābhisamaya lần thứ nhất)
      Một dịp khác, theo lời mời của vua Bhīmaratha của kinh đô Bhīmaratha, Đức Phật Siddhattha đến viếng kinh đô và trú ngụ trong giả ốc của hoàng gia được dựng lên ở một bãi đất rộng, giữa trung tâm của kinh đô, Đức Phật Siddhattha có giọng nói như chim Ca-lăng-tần- già (karavīka) hoặc như của Phạm thiên, giọng nói ngọt ngào, làm đẹp lòng người nghe và thu hút sự lắng nghe của các bậc trí. Bằng sự thuyết pháp thấu khắp bốn phương như vậy, Ngài đã đánh lên tiếng trống bất tử. Lúc bấy giờ có chín trăm triệu chúng sanh chứng đắc Đạo Quả giải thoát.
      (Đây là Dhammābhisamaya lần thứ hai)
      Lại một dịp khác, Đức Phật Siddhattha viếng thăm quê nhà của Ngài ở Vebhāra và giữa hội chúng gồm quyến thuộc của Ngài, dẫn đầu là phụ vương Udena, Ngài đã kể lại lịch sử của chư Phật quá khứ.
      Lúc bấy giờ có chín trăm triệu chúng sanh chứng đắc Đạo Quả giải
      thoát.
      (Đây là Dhammābhisamaya lần thứ ba)

      Ba kỳ đại hội Thánh Tăng – Sannipāta

      Có ba kỳ đại hội Thánh Tăng đệ tử của Đức Phật Siddhattha. Kỳ đại hội thứ nhất diễn ra ở thành phố Amara xinh đẹp, làm say mê người thưởng ngoạn ví như thành phố chư thiên ở cõi trời Ba-mươi ba (Tāvatiṃsa). Ở tại kinh đô ấy có hai anh em, cũng là hai vị Thượng thủ Thinh văn tương lai của Đức Phật – thái tử Sambala và thái tử Sumitta, họ trị vì chung một vương quốc như các vị thái tử Licchavi trong thời của Đức Phật chúng ta. Thấy rằng hai vị thái tử này có tiềm năng phước báu trong quá khứ dẫn đến Đạo Quả giải thoát, Đức Phật Siddhattha bèn đi xuyên qua hư không đến trung tâm của kinh đô Amara. Khi đáp xuống mặt đất, Ngài in lại dấu chân bằng phẳng có một trăm lẻ tám hảo tướng, rồi Ngài đi đến vườn Amara và ngồi trên tảng đá trông như pho tượng bằng vàng.
      Hai vị thái tử trông thấy các dấu chân (padacetiya), họ cùng với tùy tùng lần theo dấu vết và đến gần Đức Phật, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống ở quanh Ngài. Khi Đức Phật thuyết pháp thích hợp với căn tánh của họ, họ khởi tâm tịnh tín nơi Ngài và sau khi được Đức Phật truyền phép xuất gia Thiện lai tỳ khưu, tất cả họ đều chứng đắc Đạo Quả A- la-hán. Giữa hội chúng gồm một ngàn triệu vị tỳ khưu ấy, Đức Phật tụng Ovāda Pātimokkha.
      (Đây là Sannipāta lần thứ nhất)
      Một dịp khác, giữa hội chúng tỳ khưu gồm chín trăm triệu người, là những quyến thuộc của Ngài, tại Vebhāra, Đức Phật tụng Ovāda Pātimokkha.
      (Đây là Sannipāta lần thứ hai)
      Lại một dịp khác, giữa hội chúng gồm tám trăm triệu vị tỳ khưu đã cu hội ở tịnh xá Sudassana, Đức Phật tụng Ovāda Pātimokkha.
      (Đây là Sannipāta lần thứ ba)

      Bồ tát Gotama của chúng ta làm ẩn sĩ Maṅgala và được Đức Phật Siddhattha thọ ký

      Lúc bấy giờ Bồ tát của chúng ta là một thanh niên Bà-la-môn tên Maṅgala ở tại thành phố Sūrasena, thông thuộc cổ văn Phệ đà cũng như những lãnh vực văn chương của chúng. Vị ấy bố thí tất cả tài sản của mình trị giá hằng chục triệu đồng tiền vàng đến người nghèo và người không nơi nương tựa, rồi xuất gia làm ẩn sĩ. Nhờ chứng đắc Bát thiền và Ngũ thông, nên vị ấy có những năng lực mà không ai có thể làm hại được vị ấy. Trong khi Bồ tát đang sống như vậy thì nghe tin ‘Đức Phật Siddhattha đã xuất hiện trong thế gian.’ Do đó, vị ấy đi đến Đức Phật và cung kính đảnh lễ Ngài. Sau khi nghe Đức Phật thuyết pháp, đạo sĩ rất hoan hỷ, bèn mang về các trái cây từ cây táo hồng của xứ Diêm phù đề bằng năng lực thần thông, đạo sĩ đã cúng dường đến Đức Phật Siddhattha cùng chúng Tăng gồm chín trăm triệu vị A-la- hán tại tịnh xá Sūrasena. Sau khi độ món trái cây, Đức Phật Siddhattha công bố lời tiên tri: “Vị đại sĩ Maṅgala này trong tương lai sau chín mươi bốn đại kiếp kể từ nay sẽ thành một vị Phật danh hiệu là Gotama.”
      Nghe lời tiên tri của Đức Phật, Bồ tát Maṅgala rất vui sướng và nguyện thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật tinh tấn hơn.

      Những chi tiết đặc biệt của Đức Phật Siddhattha

      Nơi sanh của Đức Phật Siddhattha là kinh đô Vebhāra, phụ vương là vua Udena và mẫu hậu là hoàng hậu Suphassa.
      Ngài trị vì vương quốc trong mười ngàn năm; ba cung điện của
      Ngài Koka, Suppala và Kokadana.
      Chánh hậu là Somanassā, có bốn mươi tám ngàn cung nữ hầu hạ.
      Con trai là hoàng tử Anupama.
      Ngài đi xuất gia bằng kiệu, thực hành khổ hạnh trong mười tháng. Hai vị Thượng thủ Thinh văn là trưởng lão Sambala và trưởng lão
      Sunitta. Thị giả là trưởng lão Revata.
      Hai đại đệ tử nữ là trưởng lão ni Sīvala và trưởng lão ni Suramā.
      Cây giác ngộ là cây Kanikāra.
      Hai cận sự nam bậc thánh là hai vị trưởng giả Suppiya và Samudda.
      Hai cận sự nữ bậc thánh là Ưu bà-di Rammā và Ưu-bà-di Surammā.
      Đức Phật cao sáu mươi hắc tay. Ngài chiếu sáng khắp mười ngàn thế giới như cột trụ bằng bảy báu được dựng lên để tôn thờ, lễ bái.
      Giống như chư Phật vô thượng trong quá khứ, vô song, vô địch và có ngũ nhãn, Đức Phật sống thọ một trăm ngàn tuổi.

      Kinh cảm quán

      Sau khi thị hiện hào quang ưu việt từ kim thân của Ngài cũng như ánh sáng của trí tuệ, khiến cho đạo quả nở hoa trong chúng Thanh văn đệ tử của Ngài, và sau khi làm cho họ trở nên sáng chói bằng những pháp hợp thế và siêu thế, Đức Phật Siddhattha cùng với chúng đệ tử tất cả đều viên tịch đại Niết bàn và kết thúc kiếp sống cuối cùng.

      Bảo tháp

      Thế là Đức Phật Siddhattha, vị thánh vương của hàng sa-môn, đã viên tịch đại Niết bàn tại vườn Anoma, gần thành phố Kancanavelu.
      Tại khu vườn ấy, một bảo tháp bằng bảy báu cao bốn do-tuần được xây dựng để cúng dường Đức Phật Siddhattha.

      Kết thúc lịch sử Đức Phật Siddhattha-Siddhattha Buddhavaṃsa

      

    17. Tissa Buddhavaṁsa

      (Lịch sử Đức Phật Tissa)

      Khi đại kiếp mà Đức Phật Siddhatha xuất hiện kết thúc, tiếp theo là Không kiếp – kiếp không có chư Phật xuất hiện. Khi Không kiếp ấy đã trôi qua và cách đây chín mươi hai đại kiếp có hai vị Phật, Đức Phật Tissa và Đức Phật Phussa xuất hiện (đó là Manda kappa)
      Lịch sử của Đức Phật Tissa-diễn ra như sau: Cách đây chín mươi hai đại kiếp, thọ mạng của loài người giảm từ A-tăng-kỳ tuổi xuống còn một trăm tuổi, khi ấy Bồ tát Tissa tái sanh vào cung trời Đâu suất đà sau khi đã thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật. Nhận lời thỉnh cầu của chư thiên và Phạm thiên để thành Phật, Ngài xuống cõi nhân loại và thọ sanh vào lòng của bà Padumā, chánh hậu của vua Janasandha, ở kinh đô Khemaka. Mười tháng trôi qua, Bồ tát đản sanh ở vườn Anoma.
      Vào ngày đặt tên, các nhà tướng số thông thái và quyến thuộc đặt tên cho Ngài là Tissa (có hai loại tên: anvattha và rulhi. Tên được đặt dựa vào một biến cố đặc biệt hay một ý nghĩa đặc biệt là anvattha. Tên được đặt không dựa vào biến cố đặc biệt hoặc ý nghĩa đặc biệt mà được đặt cho thuận tiện thì gọi là rulhi. Ở đây tên Tissa được đặt cho Bồ tát thuộc loại rulhi).

      Đời sống ở vương cung

      Khi Bồ tát đến tuổi trưởng thành, Ngài sống trong ba cung điện Guhasela, Narisaya và Nisabha, được chăm sóc hầu hạ bởi ba mươi ngàn cung nữ, dẫn đầu là công chúa Subhaddā và sống cuộc đời đế vương giống như ở cõi chư thiên trong bảy ngàn năm.

      Sự xuất gia

      Khi Bồ tát trông thấy bốn điềm tướng và sau khi công chúa Subhaddā đã hạ sanh một hoàng nam đặt tên là Ānanda, Ngài bèn đi xuất gia cỡi trên tuấn mã Sonuttara và trở thành Sa-môn. Mười triệu người đã noi theo gương của Ngài cũng xuất gia Sa-môn.

      Sự thành đạo

      Cùng với mười triệu vị Sa-môn này, Bồ tát Tissa thực hành khổ hạnh trong tám tháng. Vào ngày rằm tháng tư, ngày thành đạo của Ngài, Ngài độ món cơm sữa do Virā dâng cúng, con gái của vị trưởng giả ở thị trấn Vīra, và trải qua suốt ngày trong rừng cây sala của địa phương. Đến chiều, Ngài một mình đi đến cây đại bồ đề. Trên đường đi, Ngài nhận tám nắm cỏ do người giữ ruộng lúa, tên Vijisaṅgāmaka dâng cúng. Khi Bồ tát Tissa vừa rải mớ cỏ xuống cội cây bồ đề Asana thì Vô địch bảo tọa, cao bốn mươi hắc tay xuất hiện. Ngồi kiết già trên bảo tọa, Ngài chứng đắc Phật quả giống như các chư Phật trong quá khứ.

      Ba Thắng thời thuyết pháp của Đức Phật Tissa (Dhammābhisamaya)

      Sau khi thành đạo, Đức Phật Tissa trú ở gần cây Đại bồ đề trong bốn mươi chín ngày. Nhận lời thỉnh cầu của Phạm thiên để thuyết pháp tế độ chúng sanh, Ngài quán xem nên thuyết pháp tiếp độ ai trước và trông thấy hai vị Thượng thủ Thinh văn tương lai – hoàng tử Brahmadeva và hoàng tử Udaya, đang sống ở Yasavatī, hai người này cùng với tùy tùng đều có phước trong quá khứ dẫn đến Đạo Quả. Ngài
      vận dụng thần thông bay xuyên qua hư không và đáp xuống ở khu rừng Nai gần Yasavatī, rồi bảo người giữ vườn đi gọi hai vị hoàng tử. Khi hai vị hoàng từ cùng tùy tùng đến, theo thông lệ của chư Phật quá khứ, Đức Phật Tissa thuyết bài kinh Chuyển pháp luân đến nhân loại và chư thiên đã theo hai vị hoàng từ đến thính pháp. Đức Phật đã chuyển giáo pháp đi khắp mười ngàn thế giới bằng giọng nói như Đại phạm thiên – trong suốt, dịu dàng và vang xa. Khi ấy có một trăm ngàn chúng sanh gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên chứng đắc Đạo Quả giải thoát.
      (Đây là Dhammābhisamaya lần thứ nhất)
      Một dịp khác, khi mười triệu vị Sa-môn, là những người cùng xuất gia với Ngài, nghe tin Ngài đã thuyết bài kinh Chuyển pháp luân, bèn đi đến vườn Nai gần Yasavatī. Đến nơi, họ đảnh lễ Đức Phật và ngồi xuống ở quanh Ngài. Khi Đức Phật thuyết pháp đến những vị Sa-môn này và những chúng sanh khác đến để thính pháp, có chín trăm triệu chúng sanh, dẫn đầu là mười triệu vị này, tất cả đều chứng đắc Đạo Quả giải thoát.
      (Đây là Dhammābhisamaya lần thứ hai)
      Lại một dịp khác, khi nhân loại và chư thiên tranh luận về những điều hạnh phúc (maṅgala) dẫn đến sự hưng thịnh trong thế gian, nhưng không thể có câu trả lời thỏa đáng cho tất cả. Họ nêu ra câu hỏi này đến Đức Phật, Ngài bèn thuyết đến họ bài kinh Hạnh phúc. Cuối thời pháp có sáu trăm triệu chư thiên và nhân loại chứng đắc Đạo Quả giải thoát.
      (Đây là Dhammābhisamaya lần thứ ba).

      Ba kỳ đại hội Thánh Tăng – Sannipāta

      Có ba kỳ đại hội chư Thánh Tăng, đệ tử của Đức Phật Tissa – kỳ đại hội thứ nhất diễn ra tại Yasavatī, ở đó Đức Phật cùng với một trăm ngàn vị A-la-hán, những vị đã xuất gia tỳ khưu lúc bắt đầu mùa an cư và chứng đắc đạo quả A-la-hán trong mùa an cư, đã làm lễ tự tứ Visuddhi Pavarana vào ngày rằm tháng Assayuja.
      (Đây là Sannipāta lần thứ nhất)
      Một dịp khác, khi Đức Phật đang trên đường du hành đã đến tại kinh đô Narivahana, thái tử Narivahana, con trai của vua Sujata ở tại kinh đô cùng với tùy tùng, đã đón tiếp Đức Phật rồi tổ chức Vô song thí cúng dường vật thực đến Đức Phật và chúng Tăng trong bảy ngày. Sau khi trao vương quốc cho con trai, vị ấy cùng tùy tùng xin Đức Phật truyền phép xuất gia. Đức Phật Tissa gọi họ: “Hãy đến, này các tỳ khưu”. Và tất cả họ đều trở thành những vị Thiện lai tỳ khưu. Khi tin tức về sự xuất gia của vua Narivahana được truyền đi, dân chúng từ khắp bốn phương đi đến và cũng theo gương vị ấy. Rồi giữa hội chúng tỳ khưu gồm chín triệu vị, Đức Phật Tissa tụng Ovāda Pātimokkha.
      (Đây là Sannipāta lần thứ hai)
      Lại một dịp khác tại kinh đô Khemavatī, giữa hội chúng quyến thuộc của Đức Phật, sau khi nghe Đức Phật Tissa kể về lịch sử của chư Phật, tám triệu người đã trở thành Thiện lai tỳ khưu trước sự chứng minh của Đức Phật và chứng đắc đạo quả A-la-hán. Giữa hội chúng những vị tỳ khưu này, Đức Phật Tissa tụng Ovāda Pātimokkha.
      (Đây là Sannipāta lần thứ ba)

      Bồ tát Gotama của chúng ta là ẩn sĩ Sujata và được Đức Phật Tissa thọ ký

      Lúc bấy giờ Bồ tát của chúng ta là vua Sujāta ở kinh đô Yasavatī, kinh đô của vị ấy rất thịnh vượng, tài sản của vua trị giá nhiều chục triệu đồng tiền vàng và tùy tùng thì luôn luôn tình nguyện phục vụ vị ấy. Thế mà đức vua đã buông bỏ không chút luyến ái, xem chúng như lau sậy. Với tâm ghê sợ cái khổ của tái sanh, v.v… nên đức vua đã từ bỏ thế gian và trở thành ẩn sĩ (ngay trước khi Đức Phật Tissa xuất hiện) và đạt được đại thần thông lực cùng danh tiếng. Nghe tin “Đức Phật đã xuất hiện,” toàn thân của vị ấy tràn ngập năm loại phỷ lạc với tâm đầy kính ngưỡng, vị ấy đi đến Đức Phật và đảnh lễ Ngài, nghĩ rằng: “Ta sẽ tôn vinh Đức Phật bằng những loại hoa như salalaparicchattaka và những loại hoa khác.” Vị ấy vận dụng thần thông đi đến cõi chư thiên và đi vào vườn Cittalata, ở đó người ấy bỏ đầy cái giỏ lớn một gāvuta những loại thiên hoa ấy và đem nó bay xuyên qua bầu trời, rồi đem cúng dường Đức Phật những loài hoa cực kỳ thơm ngát.
      Ngoài ra, giữa hội chúng gồm bốn hạng người, Bồ tát đứng che Đức Phật bằng cái lọng Paduma, đó là cái lọng bằng những phấn hoa kết lại thơm ngát, cán lọng bằng hồng ngọc. Vị ấy đã tôn vinh Đức Phật như thế. Rồi Đức Phật Tissa công bố lời tiên tri đến Bồ tát, đạo sĩ Sujāta: “Sau chín mươi hai đại kiếp kể từ nay, vị đạo sĩ Sujāta này sẽ trở thành một vị Phật, danh hiệu là Gotama.”
      Được nghe lời tiên tri của Đức Phật, Bồ tát Sujāta rất tin tưởng và vô cùng vui sướng, nguyện thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật tinh tấn hơn.

      Những chi tiết đặc biệt về Đức Phật Tissa

      Nơi sanh của Đức Phật Tissa là kinh đô Khemaka; phụ vương là vua Janasandha và mẫu hậu là hoàng hậu Padumā.
      Ngài trị vì vương quốc trong bảy ngàn năm. Ba cung điện của Ngài
      là Guhāsela, Nārisaya và Nisabha.
      Chánh hậu là Subhaddā, có ba mươi ngàn cung nữ hầu hạ. Con trai
      là hoàng tử Ānanda.
      Sau khi trông thấy bốn điềm tướng, Ngài đi xuất gia cỡi trên tuấn
      mã Sonuttara. Ngài thực hành khổ hạnh trong tám tháng.
      Hai vị Thượng thủ Thinh văn là trưởng lão Brahmadeva và trưởng
      lão Udaya. Thị giả là trưởng lão Samanga.
      Hai đại đệ tử nữ là trưởng lão ni Phussā và trưởng lão ni Sudattā.
      Cây giác ngộ là cây Asana.
      Hai cận sự nam bậc thánh là hai vị trưởng giả Sambala và Sirimā. Hai cận sự nữ bậc thánh là Ưu-bà-di Kisā Gotamī và Ưu-bà-di Upasena.
      Đức Phật Tissa cao mười hắc tay, Ngài xuất hiện trước mọi người như ngọn núi ở dãy Hy-mã-lạp-sơn.
      Đức Phật Tissa, bậc có thần thông lực vô song, có thọ mạng không quá ngắn cũng không quá dài. Đức Phật Tissa, bậc có ngũ nhãn, sống trong thế gian thọ một trăm ngàn tuổi.

      Kinh cảm quán

      Đức Phật Tissa, bậc đã xua tan bóng tối của vô minh, sau khi thành đạt danh tiếng lớn vượt trội danh tiếng của những bậc cao nhân, đã viên tịch đại Niết bàn cùng với chúng Thanh văn đệ tử A-la-hán của Ngài như khối lửa lớn đã tắt lịm sau khi đã cháy sáng rực rỡ.

      Bảo tháp

      Như vậy, Đức Phật Tissa, bậc chiến thắng Ngũ ma, đã viên tịch đại Niết bàn ở vườn Nanda, gần thành phố Sunandavatī. Tại khu vườn
      này, một bảo tháp cao ba do tuần được xây dựng để tôn thờ Xá-lợi của Đức Phật tissa.

      Kết thúc lịch sử Đức Phật Tissa – Tissa Buddhavaṃsa

      

    18. Phussa Buddhavaṁsa

      (Lịch sử Đức Phật Phussa)

      Sau khi Đức Phật Tissa viên tịch Đại Niết bàn, trong đại kiếp Manda kappa có hai vị Phật ấy, thọ mạng của loài người giảm dần từ một trăm ngàn tuổi còn mười tuổi và lại tăng lên đến A-tăng-kỳ tuổi. khi thọ mạng loài người giảm xuống chín chục ngàn tuổi, lúc ấy Bồ tát Phussa đã tái sanh vào cung trời Đâu suất đà sau khi đã thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật. Nhận lời thỉnh cầu của chư thiên và Phạm thiên để thành Phật, Bồ tát xuống cõi nhân loại và thọ sanh vào lòng của bà Sirimā, chánh hậu của vua Jayasena, tại kinh đô Kāsika. Mười tháng trôi qua, Bồ tát đản sanh tại vườn Sirima.

      Đời sống ở vương cung

      Khi thái tử Phussa đến tuổi trưởng thành, Ngài sống trong ba cung điện Garulapekkha, Haṁsa và Suvaṇṇabhāra, được hầu hạ bởi ba chục ngàn cung nữ, dẫn đầu là công chúa Kisā Gotamī. Ngài sống cuộc đời đế vương như ở cõi chư thiên trong chín ngàn năm.

      Sự xuất gia

      Khi Bồ tát thái tử trông thấy bốn điềm tướng và sau khi công chúa Kisā Gotamī đã hạ sanh một hoàng nam đặt tên là Anupama, Ngài đi
      xuất gia cỡi trên con voi kiết tường. Mười triệu người cũng noi theo gương Ngài mà trở thành những vị Sa-môn.

      Sự thành đạo

      Cùng với mười triệu vị Sa-môn này, Bồ tát Phussa thực hành khổ hạnh trong sáu tháng. Sau đó rời bỏ đồ chúng, Ngài hành pháp độc cư trong bảy ngày. Vào ngày rằm tháng tư, ngày thành đạo của Ngài, Bồ tát Phussa độ món cơm sữa do Sirivaḍḍhā dâng cúng, con gái của một vị trưởng giả ở một thọ trấn nọ và trải qua suốt ngày trong rừng cây Samsapa của địa phương. Đến chiều, Ngài một mình đi đến cây đại bồ đề Āmaṇḍa và trên đường đi nhận tám nắm cỏ do đạo sĩ Sirivaḍḍha dâng tặng. Khi Ngài vừa rải mớ cỏ xuống cội cây bồ đề thì Vô địch bảo tọa cao ba mươi tám hắc tay xuất hiện. Ngồi kiết già trên bảo tọa, Ngài chứng đắc Phật quả cùng cách của các chư Phật trong quá khứ..

      Ba Thắng thời thuyết pháp của Đức Phật Phussa (Dhammābhisamaya)

      Sau khi thành đạo, Đức Phật Phussa trú ngụ ở bảy chổ quanh khu vực cây đại Bồ đề trong bốn mươi chín ngày. Nhận lời thỉnh cầu của Đại phạm thiên để thuyết pháp tế độ chúng sanh, Ngài quán xét xem nên thuyết pháp đến ai trước và trông thấy mười triệu vị Sa-môn là những người đã từng xuất gia theo Ngài, có đầy đủ phước quá khứ dẫn đến Đạo Quả. Rồi Ngài lập tức bay xuyên qua hư không đến khu vườn nai Isipatana, gần thành phố Sankhassa. Giữa những vị Sa-môn ấy, Đức Phật thuyết bài kinh Chuyển pháp luân đến tất cả đồ chúng như chư Phật quá khứ đã từng làm. Khi ấy có mười trăm ngàn triệu chư thiên và nhân loại chứng đắc Đạo Quả giải thoát.
      (Đây là Dhammābhisamaya lần thứ nhất)
      Một dịp khác, vua Sirivaḍḍhā của xứ Bārāṇasī, sau khi từ bỏ tài sản
      giàu có của mình, xuất gia làm Sa-môn và chín triệu người cũng xuất
      gia theo nhà vua. Đức Phật Phussa đi đến chỗ ngụ của những vị đạo sĩ này và thuyết pháp đến họ. Chín triệu chúng sanh đã chứng đắc Đạo Quả giải thoát sau khi nghe thời pháp của Đức Phật.
      (Đây là Dhammābhisamaya lần thứ hai)
      Lại một dịp khác, Đức Phật Phussa thuyết pháp đến con trai của Ngài, là hoàng tử Anupama. Khi ấy có tám triệu chư thiên và nhân loại chứng đắc Đạo Quả giải thoát.
      (Đây là Dhammābhisamaya lần thứ ba)

      Ba kỳ đại hội Thánh Tăng – Sannipāta

      Có ba kỳ đại hội Thánh Tăng đệ tử của Đức Phật Phussa. Kỳ đại hội thứ nhất diễn ra ở Kaṇṇakujja, ở đó thái tử Surakkhita và chàng thanh niên Dhammasena – con trai của vị quốc sư, là hai vị Thượng thủ Thinh văn tương lai và dân cư, sáu triệu người đã đón tiếp Đức Phật nhân chuyến viếng thăm của Ngài đến kinh đô. Họ cũng thiết trai tăng cúng dường Đức Phật và chúng Tăng trong bảy ngày. Sau khi nghe Đức Phật thuyết pháp, hai vị hoàng tử khởi tâm tịnh tín và trở thành sa-môn cùng với sáu triệu tùy tùng đều chứng đắc đạo quả A-la- hán. Giữa hội chúng những vị A-la-hán ấy, Đức Phật Phussa tụng Ovāda Pātimokkha.
      (Đây là Sannipāta lần thứ nhất)
      Một dịp khác, trong hội chúng quyến thuộc của Ngài dẫn đầu là phụ vương Jayasena của Ngài ở kinh đô Kasika, Đức Phật kể lại lịch sử của chư Phật. Sau khi nghe Phật sử kinh, năm triệu người đã trở thành Thiện lai tỳ khưu và chứng đắc đạo quả A-la-hán. Giữa hội chúng gồm năm triệu vị A-la-hán này, Đức Phật tụng Ovāda Pātimokkha.
      (Đây là Sannipāta lần thứ hai)
      Lại một dịp khác, khi nhân loại và chư thiên bàn về những điều hạnh phúc dẫn đến sự hưng thịnh trong thế gian nhưng không thể có được câu trả lời thỏa đáng cho tất cả, và khi họ nêu ra câu hỏi ấy đến Đức Phật Phussa, Ngài bèn thuyết bài kinh Hạnh phúc Maṅgala Sutta. Sau khi nghe bài kinh ấy, bốn triệu người đã trở thành Thiện lai tỳ khưu và chứng đắc đạo quả A-la-hán. Giữa hội chúng những vị A-la- hán này, Đức Phật tụng Ovāda Pātimokkha.
      (Đây là Sannipāta lần thứ ba)

      Bồ tát Gotama của chúng ta là vua Vijitāvī và được Đức Phật Phussa thọ ký

      Lúc bấy giờ, Bồ tát của chúng ta là vua Vijitāvī, ở kinh đô Arindama. Sau khi nghe Đức Phật thuyết pháp, vị ấy khởi tâm tịnh tín nơi Đức Phật, thiết lễ đại thí cúng dường vật thực, từ bỏ vương quốc, trở thành vị tỳ khưu và thông thuộc Tam tạng. Nhờ thông suốt Tam tạng, vị ấy truyền bá giáo pháp đến tất cả mọi người. Bồ tát cũng thực hành viên mãn giới Ba-la-mật.
      Đức Phật Phussa, bậc Thế Tôn của ba cõi, công bố lời tiên tri về Bồ tát Vijitāvī như sau: “Sau chín mươi hai đại kiếp kể từ nay, vị tỳ khưu Vijitāvī này sẽ trở thành một vị Phật, danh hiệu là Gotama.”
      Được nghe lời tiên tri của Đức Phật Phussa, Bồ tát Vijitāvī đầy tin tưởng và nguyện thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật tinh tấn hơn.
      Sau khi trở thành vị tỳ khưu và người hầu trong giáo pháp của Đức Phật Phussa và thông suốt chín phần giáo pháp của Đức Phật cùng với Kinh và Luật, Bồ tát đã góp phần làm sáng chói Giáo pháp của Đức Phật.

      Những chi tiết đặc biệt về Đức Phật Phussa

      Nơi sanh của Đức Phật Phussa là kinh đô Kāsika, phụ vương là vua Jayasena và mẫu hậu là hoàng hậu Sirimā.
      Ngài trị vì vương quốc chín ngàn năm. Ba cung điện là
      Garulapakkha, Haṃsa và Suvaṇṇabhāra.
      Chánh hậu là Kisā Gotamī, dẫn đầu ba mươi ngàn cung nữ. Con trai
      là hoàng tử Anupama.
      Ngài đi xuất gia cỡi trên con voi và hành khổ hạnh trong sáu tháng.
      Hai vị Thượng thủ Thinh văn là trưởng lão Surakkhita và trưởng lão Dhammasena.Thị giả là trưởng lão Sabhiya.
      Hai đại đệ nữ là trưởng lão ni Cāla và trưởng lão ni Upacāla. Cây giác ngộ là cây Āmanda.
      Hai cận sự nam bậc Thánh là hai vị trưởng giả Dhanañjaya và Visakha. Hai cận sự nữ bậc Thánh là Ưu-bà-di Padumā và Ưu-bà-di Nagā.
      Đức Phật Phussa cao năm mươi tám hắc tay. Ngài chiếu sáng như mặt trời và có những phẩm chất khả ái như mặt trăng.
      Thọ mạng trong đại kiếp mà Ngài xuất hiện là chín chục ngàn năm. Sống suốt bốn phần năm của thọ mạng, Đức Phật Phussa đã cứu vớt cho vô số chúng sanh gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên thoát khỏi những dòng nước lũ luân hồi và đặt họ lên miền đất Niết bàn.

      Kinh cảm quán

      Đức Phật Phussa có danh tiếng vô song cùng nhiều vị Thanh văn đệ tử A-la-hán đã viên tịch đại Niết bàn và đã chấm dứt kiếp sống cuối cùng.

      Bảo tháp

      Như vậy Đức Phật Phussa, Bậc chiến thắng ngũ ma, đã viên tịch đại Niết bàn tại vườn Sena, gần thành phố Kusināra. Theo đúng với ý nguyện của Ngài, như đã giải thích ở trước, Xá lợi được phân tán và có mặt ở khắp cõi diêm phù đề, được nhân loại, chư thiên và Phạm thiên ngày đêm lễ bái cúng dường.

      Kết thúc lịch sử Đức Phật Phussa – Phussa Buddhavaṃsa

      

    19. Vipassī Buddhavaṁsa

      (Lịch sử Đức Phật Vipassī)

      Khi đại kiếp mà Đức Phật Phussa xuất hiện đã kết thúc, cách kiếp hiện tại này chín mươi mốt đại kiếp, Đức Phật Vipassī xuất hiện trong đại kiếp ấy. Lịch sử của Đức Phật Vipassī diễn ra như sau:

      Trong đại kiếp thứ chín mươi mốt, khi thọ mạng của loài người giảm từ A-tăng-kỳ tuổi còn tám chục ngàn tuổi thì Bồ tát Vipassī sau khi đã thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật đã tái sanh vào cõi trời Đâu suất đà theo đúng truyền thống của chư vị Bồ tát. Nhận lời thỉnh cầu của chư thiên và Phạm thiên để thành Phật, Bồ tát Vipassī xuống cõi nhân loại và thọ sanh vào lòng bà Bandhumatī, chánh hậu của vua Bandhuma, ở kinh đô Bandhumatī. Khi mười tháng trôi qua, Bồ tát đản sanh ở vườn Migadāya, một khu vườn đầy nai mang tên Khema.

      Hiện tượng kỳ diệu

      Khi Bồ tát đản sanh, bất cứ nơi nào Ngài đến dù ban ngày hoặc ban đêm, luôn luôn có cái lọng trắng khổng lồ của chư thiên che trên đầu Ngài để bảo vệ Ngài khỏi bị nóng và lạnh, bụi bậm và sương giá. Bồ tát hằng được mọi người tôn kính. Ngài luôn được nuôi dưỡng trong vòng tay người vú nuôi này đến người vú nuôi khác, không có cơ hội để đặt chân xuống đất.

      Ý nghĩa của tên gọi Vipassī

      Từ khi sanh ra Ngài có đôi mắt khác thường gọi là kammavipākaja (đôi mắt sanh lên do kết quả của những phước nghiệp quá khứ của Ngài), kỳ diệu như đôi mắt của chư thiên. Với đôi mắt này, Bồ tát có thể trông thấy xa một do tuần mà không bị bất cứ vật gì ngăn ngại dù ngày hoặc đêm. Cũng như chư thiên ở cõi Đao lợi thiên thấy sự vật với đôi mắt luôn luôn mở, Bồ tát cũng nhìn thấy các sự vật với đôi mắt không bao giờ nhắm lại mà luôn luôn mở kể từ khi sanh ra. Vì vậy cái tên nổi tiếng của Ngài được người ta đặt cho là Vipassī.
      Ngoài ra, một hôm nọ trong khi một vụ kiện đang được xét xử giữa triều đình với sự tham dự của vua Bandhuma, thái tử Vipassī với y phục chỉnh tề được trao đến đức vua. Đức vua để thái tử ngồi trên đùi của mình và trong khi thái tử đang đùa giỡn với nhà vua thì các quan phán xử bác bỏ quyền sở hữu tài sản của một chủ nhân nọ, phán rằng ông ta không phải là sở hữu chủ. Không hài lòng với quyết định bất công, thái tử đột nhiên khóc ré lên. Đức vua yêu các quan tìm hiểu nguyên nhân, nói rằng: “Tại sao con trai của trẫm lại khóc như thế? Hãy tìm hiểu vấn đề.” Khi họ tra xét thì thấy rằng không có nguyên nhân nào khác ngoài việc các quan đã phán xét sai lầm. Bởi vậy các quan phải phán quyết ngược lại, công nhận quyền sở hữu của chủ nhân tài sản. Khi ấy thái tử vừa lòng với lời phán quyết, bèn ngưng không khóc nữa. Để tìm hiểu xem “Liệu có phải thái tử khóc do biết
      rõ vụ kiện đó không?” họ bèn phán quyết như lúc ban đầu. Và thái tử lại khóc như trước. khi ấy chỉ vua cha mới nhận ra rằng: “Con trai của ta quả thật biết điều gì đúng, điều gì sai.” Kể từ đó đức vua trị vì vương quốc không hề khinh suất.
      Từ đó trở đi, tên Vipassī của Bồ tát càng nổi tiếng hơn do khả năng phân biệt đúng sai của Ngài.

      Đời sống ở vương cung

      Khi thái tử Vipassī đến tuổi trưởng thành, Ngài sống trong ba cung điện Nanda, Sunanda và Sirimā, được hầu hạ bởi các cung nữ, dẫn đầu là công chúa Sudassanā (hay Sutanu). Ngài thọ hưởng hạnh phúc của cuộc đời đế vương như hạnh phúc của chư thiên trong tám ngàn năm.

      Bốn điềm tướng

      Một hôm nọ thái tử Vipassī gọi người đánh xe của Ngài đến và nói rằng: “Ta muốn ngoạn cảnh ở vườn thượng uyển. Ta sẽ đi đến đó.” Trên đường đi đến vườn thượng uyển trên chiếc xe song mã, Bồ tát trông thấy một người già do chư thiên hóa hiện ra. (Vì Ngài chưa bao giờ thấy người già như vậy nên rất lạ lùng), thái tử hỏi: “Này xa phu, người này đang làm gì thế? Đầu tóc cũng như thân thể của người ấy trông không giống những người khác.”
      “Thưa Thái tử điện hạ, đây là người già.” Xa phu trả lời. Thái tử lại hỏi:
      “Thế nào là người già?” Xa phu đáp:

      • Thưa Thái tử điện hạ, người già là người cao tuổi. Ông ta không thể sống lâu hơn nữa.
      • Này xa phu, ta có già không? Phải chăng ta cũng sẽ già?
      • Thưa Thái tử, vâng. Thái tử, hạ thần và tất cả mọi người đều phải già. Không ai có thể thoát khỏi tuổi già.
        Rồi Bồ tát nói:
      • Ta không muốn ngoạn cảnh nữa. Hãy cho xe quay về hoàng

      cung.”
      Khi trở về hoàng cung, Bồ tát nghiền ngẫm: “Ôi, sự sanh thật đáng chán. Khi có sanh ắt phải có già.” Suy nghĩ như vậy, Thái tử trở nên rất ưu tư.
      Sau khi nghe phu xa tâu lại vấn đề, vua cha truyền cung cấp nhiều phương tiện thọ hưởng dục lạc hơn truóc để ngăn Thái tử đi xuất gia.
      Nhiều ngàn năm sau đó, khi Thái tử đi đến vườn thượng uyển lần thứ hai và thấy một người bịnh trên đường đi, Ngài không đi tiếp mà quay trở về hoàng cung như trước. Khi vua cha biết được trạng thái ưu tư và trầm ngâm của con trai, vị ấy lại đem đến cho Thái tử nhiều dục lạc hơn nữa.
      Trong chuyến đi đến vườn thượng uyển lần thứ ba cũng sau nhiều ngàn năm, sau khi trông thấy một người chết, Thái tử cũng quay về hoàng cung như trước.
      Lại nhiều năm sau khi Thái tử đi đến vườn thượng uyển lần thứ tư, Ngài tình cờ gặp một vị Sa-môn trên đường đi và hỏi phu xa về vị sa- môn. Khi biết được Sa-môn là người như thế nào rồi, Thái tử rất vui sướng và cho xe đi về hướng vị Sa-môn.
      Khi đến gần vị Sa-môn, Thái tử hỏi chi tiết về đời sống Sa-môn và lấy làm vui sướng hơn. Do đó, Thái tử bảo xa phu: “Này xa phu, hãy đem xe về hoàng cung và để nó ở đó. Ta sẽ xuất gia Sa-môn ngay tại chỗ này.” Thái tử đã cho xa phu trở về như vậy. Cũng vào ngày hôm
      ấy, công chúa Sudassanā hạ sanh một hoàng nam đặt tên là
      Samvattakkhandha.
      Sau khi cho xa phu trở về, Thái từ Vipassī cắt tóc, mặc vào chiếc y vàng và trở thành vị sa-môn. (dầu không thấy đề cập y và bát do đâu mà có, nhưng chúng ta nên hiểu là theo đúng truyền thống, chúng được các vị Phạm thiên ở cõi Ngũ tịnh cư (Suddhavāsā Brahma) dâng tặng).
      Khi ấy có tám mươi bốn ngàn dân cư của thành phố Bandhumatī, sau khi nghe tin Thái tử đã xuất gia, cũng theo gương vị ấy và xuất gia sa-môn.

      Sự thành đạo

      Cùng với tám mươi bốn ngàn vị Sa-môn này, Bồ tát Vipassī du hành qua các làng mạc, thị trấn và phố phường. Bất cứ nơi nào Ngài đi đến dân chúng đều dựng lên những giả ốc, và tổ chức cúng dường vật thực to lớn. Nhưng Bồ tát không còn thích thú trong những cuộc bố thí như vậy nữa. Tám tháng sau, vào ngày mười bốn tháng tư, Ngài bỗng có ý nghĩ như vầy: “Thật không thích hợp để sống chung với những tùy tùng của ta. Ta cần phải sống một mình và tách lìa họ.” Bồ tát xa rời đồ chúng. Vào ngày rằm tháng tư, ngày thành đạo của Ngài, Bồ tát Vipassī độ món cơm sữa do Sudassanā dâng cúng, con gái một vị trưởng giả nọ và trải qua suốt ngày trong rừng cây sala ở gần đó. Đến chiều Ngài đi đến cây đại bồ đề Pātali và trên đường đi, nhận tám nắm cỏ từ một người canh giữ ruộng lúa tên Sujata. Khi Ngài vừa rải mớ cỏ xuống cội cây bồ đề thì Vô địch bảo tọa cao năm mươi ba hắc tay xuất hiện.
      Thân của cây Pātali cao năm mươi hắc tay, những cành nhánh chính của nó cũng dài năm mươi hắc tay; Như vậy, cây này cao một trăm hắc tay. Ngày Bồ tát đi đến cây Pātali , trông nó tựa như được bao phủ từ gốc tới ngọn bởi những bông hoa thơm ngát. Cây tỏa ra
      những mùi hương cõi thiên giới. Vào ngày hôm ấy, không chỉ cây Bồ đề Pātali mà tất cả cây cối trong mười ngàn thế giới đều ra hoa.
      Ngồi kiết già trên bảo tọa, Bồ tát vận dụng bốn mức độ tinh tấn và chứng đắc Phật quả theo cách diễn đạt của chư Phật quá khứ.

      Ba Thắng thời thuyết pháp của Đức Phật Vipassī (Dhammābhisamaya)

      Sau khi thành đạo, Đức Phật trú ngụ ở bảy chỗ quanh khu vực cây Bồ đề trong bốn mươi chín ngày. Sau khi nhận lời thỉnh cầu của Phạm thiên, Ngài suy xét nên thuyết pháp đến ai trước và trông thấy người em khác mẹ, hoàng tử Khandha và chàng thanh niên Tissa, con trai của vị quốc sư – Họ là những vị Thượng thủ Thinh văn tương lai có đầy đủ phước quá khứ dẫn đến sự chứng đắc Đạo Quả, Đức Phật Vipassī lập tức vận dụng thần thông đi xuyên qua hư không đến khu vườn nai Khema. Sau khi đến đó, Ngài bảo người giữ vườn đi gọi hoàng tử Khandha và chàng thanh niên Tissa. Khi họ đến, Ngài khuyên họ hãy xuất gia và thuyết giảng bài kinh Chuyển pháp luân đến tất cả chư thiên, nhân loại và Phạm thiên đã cu hội ở đó để thính pháp. Khi ấy có vô số chư thiên và nhân loại, dẫn đầu là hoàng tử Khandha và chàng thanh niên Tissa. Tất cả đều chứng Đạo Quả giải thoát.
      Đặc biệt, hoàng tử Khandha và thiện nam tử Tissa đã trở thành Thiện lai tỳ khưu và chứng đắc đạo quả A-la-hán không lâu sau đó.
      (Đây là Dhammābhisamaya lần thứ nhất)
      Một dịp khác, hay tin “Đức Phật Vipassī đã đến vườn nai, gần Bandhumatī” và “hoàng tử Khaṇḍha cùng chàng trai Tissa, con trai của vị quốc sư đã xuất gia tỳ khưu trước sự chứng minh của Đức Phật, tám mươi bốn ngàn thiện nam tử của thành phố Bandhumatī cũng đi
      đến và xuất gia tỳ khưu. Đức Phật ban bố ‘nước bất tử’ đến tám mươi bốn ngàn vị Sa-môn này.
      (Đây là Dhammābhisamaya lần thứ hai)
      Tám mươi bốn ngàn người thuộc nhóm tùy tùng trong khi Đức Phật Vipassī còn là thái tử đã đến hầu hạ Ngài lúc sáng sớm, ngày mà Bồ tát đi đến vườn thượng uyển lần thứ tư và cũng là ngày xuất gia. Khi họ không thấy Thái tử ở hoàng cung, họ bèn trở về nhà để dùng bữa ăn sáng. Sau khi ăn xong, họ đi dò hỏi về Thái tử thì hay tin rằng Thái tử đã đi đến vườn thượng uyển, họ bèn đi đến đó để gặp Thái tử.
      Trên đường đi họ gặp vị xa phu của Thái tử và biết được rằng Ngài đã xuất gia. Ngay tại chỗ đó, họ bèn cởi bỏ tất cả y phục của người cư sĩ, cạo râu tóc và trở thành Sa-môn trong chiếc y mua ở chợ về. Tám mươi bốn ngàn vị Sa-môn này đi đến Bồ tát Vipassī và ngồi xuống quanh Ngài. Giữa các vị Sa-môn, Bồ tát thực hành khổ hạnh trong tám tháng. Vào ngày mười bốn tháng tư, Bồ tát cảm thấy không muốn ở chung với đồ chúng và suy nghĩ: “Ta đã ở chung với họ quá lâu rồi. Khi còn là Thái tử, bất cứ đi đâu cũng có tám mươi bốn ngàn người này theo ta. Bây giờ thì không thích hợp để họ đi chung với ta. Nhóm người như vậy có ích gì.” Bồ tát suy nghĩ: “Ta sẽ rời bỏ họ ngay ngày hôm nay.” Nhưng Ngài lại thay đổi ý nghĩ: “Hôm nay hầu như không còn thời gian để làm việc đó. Nếu ta đi bây giờ thì tất cả họ sẽ biết. Tốt hơn ta nên đi vào ngày mai.”
      Lúc bấy giờ, dân cư của một ngôi làng nọ đang bận rộn nấu món cơm sữa để cúng dường Bồ tát và 84 ngàn đồ chúng của Ngài vào hôm sau. Và đến ngày hôm sau, nhằm ngày rằm tháng tư, Bồ tát Vipassī cùng tùy tùng độ món cơm sữa rồi trở về chỗ ngụ ở trong rừng.
      Về đến đó, các vị Sa-môn sau khi làm các phận sự đến Bồ tát, họ rút về chỗ ngụ riêng của mình. Khi ấy, Bồ tát đang ở trong thảo am
      mới quyết định “Đây là lúc thuận tiện nhất để ta ra đi.” Ngài rời khỏi thảo am, đóng cửa và đi đến cây đại Bồ đề.
      Đến chiều các vị Sa-môn đi đên tịnh thất của Bồ tát để hầu hạ Ngài và đứng đợi quanh thảo am, chờ gặp vị thầy của họ. Sau một thời gian dài, họ nói với nhau rằng: “Lâu quá rồi mà không thấy đạo sư của chúng ta. Chúng ta hãy tìm xem.” Rồi họ mở cửa thảo am và nhìn vào trong nhưng không thấy Bồ tát. Họ tự hỏi: “Đạo sư của chúng ta đã đi đâu?” rồi cùng ra sức tìm kiếm Ngài. “Chắc đạo sư không muốn ở chung với chúng ta và thích ở một mình. Chúng ta sẽ gặp lại Ngài khi Ngài đã thành Phật.” Với những ý nghĩ như vậy, họ rời khỏi chỗ ngụ và đi vào nội địa của xứ Diêm phù đề.
      Về sau khi nghe tin, “Thái tử Vipassī đã thành Phật và đã thuyết bài kinh Chuyển pháp luân”, tất cả bèn đi đến khu vườn nai Khema, gần thành phố Bandhumatī. Đức Phật thuyết pháp đến họ. Cuối thời pháp, tám mươi bốn ngàn vị Sa-môn chứng đắc Đạo Quả giải thoát.
      (Đây là Dhammābhisamaya lần thứ ba)

      Ba kỳ đại hội Thánh Tăng – Sannipāta

      Có ba kỳ Đại hội Thánh Tăng đệ tử của Đức Phật Vipassī, kỳ Đại hội thứ nhất diễn ra ở vườn Nai Khema. Giữa hội chúng gồm tám mươi bốn ngàn vị tỳ khưu, là những vị đã từng đi theo Đức Phật và tám mươi bốn ngàn vị tỳ khưu thuộc hội chúng của hoàng tử Khandha và hoàng tử Tissa – con trai của vị quốc sư; tổng cộng một trăm sáu chục ngàn tỳ khưu. Đức Phật Vipassī đã tụng Ovāda Pātimokkha giữa hội chúng này.
      (Đây là Sannipāta lần thứ nhất)
      Một dịp khác, giữa đại hội gồm một một trăm ngàn vị tỳ khưu đã xuất gia sau khi chứng kiến Đức Phật thị hiện Song thông.
      (Đây là Sannipāta lần thứ hai)
      Lại một dịp khác, ba người em cùng cha khác mẹ của Đức Phật Vipassī nhân chuyến trở về sau khi dẹp yên cuộc nổi loạn ở biên giới, được phụ vương của họ ban cho các đặc ân mong muốn. Các vị hoàng tử bèn nói rằng: “Chúng con được phép nói ra lời cầu ước. Vậy chúng con không xin đặc ân nào khác ngoài việc được hầu hạ người anh cả của chúng con.” Được phụ vương chấp nhận, họ thỉnh Đức Phật về các thị trấn và làng mạc dưới quyền của họ rồi thiết lễ cúng dường Ngài. Đức Phật thuyết pháp đến họ, kết quả là có tám chục ngàn người trở thành Thiện lai tỳ khưu và chứng đắc đạo quả A-la-hán.
      Tại khu vườn nai Khemaka, giữa hội chúng gồm tám chục ngàn vị
      A-la-hán ấy, Đức Phật Vipassī đã tụng Ovāda Pātimokkha.
      (Đây là Sannipāta lần thứ ba)

      Bồ tát Gotama của chúng ta sanh làm Long vương Atula và được Đức Phật Vipassī thọ ký

      Lúc bấy giờ, Bồ tát của chúng ta là Long vương Atula có đại thần thông lực. Trong hội chúng gồm nhiều chục triệu vị rồng đang tấu những khúc nhạc thần tiên, Bồ tát đi đến Đức Phật Vipassī. Tôn vinh Đức Phật và chúng Tăng, vị ấy thỉnh chư Tăng có Đức Phật dẫn đầu về chỗ ngụ của vị ấy. Long vương đã xây dựng một giả ốc được trang hoàng bằng bảy loại châu báu, trông xinh đẹp như vầng trăng rằm. Trong giả ốc ấy, Long vương đã tổ chức lễ bố thí cúng dường đến Đức Phật và chúng Tăng trong bảy ngày. Vị ấy cũng cúng dường đến Đức Phật một chiếc trường kỷ trang hoàng rất lộng lẫy.
      Ngồi giữa chúng Tăng, Đức Phật ban bố một thời pháp để tán dương công đức bố thí cúng dường của Long vương. Lúc kết thúc thời pháp, Đức Phật công bố lời tiên tri về Long vương Atula: “Sau chín
      mươi mốt đại kiếp kể từ nay, vị Long vương này sẽ thành Phật, danh
      hiệu là Gotama.”
      Sau khi nghe lời tiên tri của Đức Phật, Bồ tát Atula rất hoan hỷ và nguyện thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật tinh tấn hơn.

      Những chi tiết đặc biệt về Đức Phật Vipassī

      Nơi sanh của Đức Phật Vipassī là kinh đô Bandhumatī, phụ vương là vua Bandhuma và mẫu hậu là hoàng hậu Bandhumatī.
      Ngài trị vì vương quốc trong tám ngàn năm. Ba cung điện là Nanda, Sananda và Sirimā.
      Chánh hậu là Sudassanā, người có một trăm hai chục ngàn cung nữ hầu hạ. Con trai là hoàng tử Samavattakkhandha.
      Sau khi trông thấy bốn điềm tướng Ngài đi xuất gia bằng xe song mã và thực hành khổ hạnh trong tám tháng.
      Hai vị Thượng thủ Thinh văn là trưởng lão Khaṇḍha và trưởng lão
      Tissa. Thị giả là trưởng lão Asoka.
      Hai đại đệ tử nữ là trưởng lão ni Candā và trưởng lão ni Candamittā. Cây giác ngộ là cây Pātali.
      Hai cận sự nam bậc Thánh là hai vị trưởng giả Punabbasumitta và
      Nāga. Hai cận sự nữ bậc thánh là Ưu-bà-di Sirimā và Ưu-bà-di Uttarā.
      Đức Phật Vipassī, Đức Thế Tôn của ba cõi, Ngài cao tám mươi hắc
      tay. Hào quang tự nhiên từ thân của Ngài chiếu xa bảy do tuần.
      Thọ mạng trong thời kỳ của Đức Phật Vipassī là tám chục ngàn tuổi. Sống suốt bốn phần năm của thọ mạng, Ngài cứu vớt cho vô số
      chúng sanh gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên thoát khỏi những cơn lũ của luân hồi và đặt họ trên miền đất Niết bàn.
      Sau khi chiếu sáng bằng ánh sáng của giáo pháp và thuyết giảng về Niết bàn bất tử, Đức Phật Vipassī cùng với chúng Thinh văn đệ tử A- la-hán cuối cùng đã viên tịch đại Niết bàn như khối lửa lớn chợt tắt sau khi tỏa sáng rực rỡ.

      Kinh cảm quán

      Oai lực tôn quý, sự vinh quang tôn quý của Đức Phật Vipassī, kim thân của Ngài với ba mươi hai hảo tướng và tám mươi tướng phụ, tất cả đều biến mất. Các pháp hữu vi quả thật vô ích và không thực chất!

      Bảo tháp

      Như vậy Đức Phật Vipassī, bậc chiến thắng ngũ ma, đã viên tịch Đại Niết bàn tại vườn Sumitta. Một bảo tháp cao bảy do tuần được xây dựng tại chính khu vườn ấy để cúng dường đến Đức Phật Vipassī.

      Kết thúc lịch sử Đức Phật Vipassī – Vipassī Buddhavaṃsa

      

    20. Sikhī Buddhavaṁsa

      (Lịch sử Đức Phật Sikhī)

      Sau đại kiếp mà Đức Phật Vipassī xuất hiện đã kết thúc, trải qua năm mươi chín đại kiếp không có chư Phật xuất hiện. Vì đó là những Không kiếp, không có ánh sáng của chánh pháp. Thực ra, chỉ có bóng tối của vô minh giăng phủ dày đặc, thiên Ma và phiền não ma ngự trị khắp thế gian mà không có gì đối kháng cả.
      Năm mươi chín Không kiếp này trôi qua, cách đại kiếp hiện tại này ba mươi mốt đại kiếp, có hai vị Phật là Phật Sikhī và Phật Vessabhū xuất hiện (đó là Manda kappa – kiếp có hai vị Phật).
      Lịch sử của Đức Phật Sikhī diễn ra như sau: Trong đại kiếp thứ ba mươi mốt ấy, khi thọ mạng của loài người giảm từ A-tăng-kỳ tuổi còn bảy chục ngàn tuổi; sau khi thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật, Bồ tát Sikhī tái sanh vào cung trời Đâu-suất-đà. Nhận lời thỉnh cầu của chư thiên và Phạm thiên để thành Phật, Ngài xuống cõi nhân loại và thọ sanh vào lòng của bà Pabhavatī. Khi mười tháng trôi qua, Bồ tát đản sanh ở vườn Nisabha.
      Vào ngày đặt tên của Thái tử, các nhà tướng số thông thái và quyến thuộc của Ngài đặt tên cho Ngài là Sikhī bởi vì chiếc khăn trùm đầu của Ngài, giống như phần thịt ở trên trán (uṇhīsa) chúng thẳng lên như cái mào của con chim công.

      Đời sống ở vương cung

      Khi đến tuổi trưởng thành, Bồ tát sống trong ba cung điện tên Sucandaka, Giri và Vasabha. Có hai mươi bốn ngàn cung nữ theo hầu dưới sự hướng dẫn của công chúa Sabbakāmā. Ngài thọ hưởng cuộc sống vương giả như cõi chư thiên trong bảy ngàn năm.

      Xuất gia

      Khi Bồ tát Sikhī trông thấy bốn điềm tướng và sau khi công chúa Sabbakāmā hạ sanh một hoàng nam đặt tên là Atula, Ngài đi xuất gia cỡi trên con voi kiết tường. Bảy triệu người cũng theo gương Ngài và xuất gia làm Sa-môn.

      Sự thành đạo

      Cùng với bảy triệu vị Sa-môn này, Bồ tát Sikhī hành pháp khổ hạnh trong tám tháng. Vào ngày rằm tháng tư, ngày thành đạo của Ngài, Ngài rời bỏ các vị Sa-môn ấy, độ món cơm sữa do Piyadassī dâng cúng, con gái của vị trưởng giả ở thị trấn Sudassanā, và trải qua suốt ngày trong rừng cây keo của địa phương. Đến chiều Ngài một mình đi đến cây đại Bồ đề và trên đường đi nhận tám nắm cỏ do một đạo sĩ tên Anomadassī dâng tặng. Khi Bồ tát vừa rải mớ cỏ xuống cội cây Bồ đề thì Vô địch bảo tọa cao hai mươi ba hắc tay xuất hiện.
      Kích thước của cây Bồ-đề Puṇḍarīka giống như kích thước của cây Bồ-đề Pātali của Đức Phật Vipassī. Thân của nó cao năm mươi hắc tay và các nhánh chính của nó cũng dài năm mươi hắc tay tính vào ngày Bồ tát đi đến đó. Nó đứng tựa như được bao phủ bởi những bông hoa thơm ngát của chư thiên. Không chỉ có hoa thôi mà cả quả của nó chen chúc đầy cả cây. Trái non thì nằm bên trong, trái già ở giữa và trái chín ở ngoài có hương vị thơm ngon tựa như chư thiên truyền hương vị ở cõi trời vào trong chúng. Thực ra, tất cả chúng đều có màu sắc và hương vị khác thường. Tương tự, tất cả những cây ăn trái và những cây hoa trong mười ngàn thế giới, đều ra hoa và trái, trong chính ngày hôm ấy.

      Ba Thắng thời thuyết pháp của Đức Phật Sikhī (Dhammābhisamaya)

      Sau khi thành đạo, Đức Phật Sikhī trú ngụ ở bảy chỗ quanh khu vực cây Bồ-đề Puṇḍrīka trong bốn mươi chín ngày. Nhận lời thỉnh cầu của Phạm thiên để thuyết pháp tế độ chúng sanh, Ngài xem xét nên thuyết pháp đến ai trước, và trông thấy bảy triệu vị Sa-môn kia là những người có đầy đủ phước quá khứ dẫn đến Đạo Quả giải thoát. Đức Phật liền bay qua hư không và đáp xuống ở vườn Migājina, nơi mà họ đang trú ngụ, gần kinh đô Arunavatī. Ngồi uy nghiêm giữa hội chúng gồm bảy triệu vị sa-môn, Đức Phật Sikhī thuyết bài kinh Chuyển pháp luân giống như chư Phật quá khứ đã từng thuyết đến chư thiên và nhân loại
      đã hội họp ở đó để thính pháp. Khi ấy có mười trăm ngàn triệu chư thiên và nhân loại chứng đắc Đạo Quả giải thoát.
      (Đây là Dhammābhisamaya lần thứ nhất)
      Về sau cũng tại kinh đô Arunavatī, Đức Phật Sikhī dạy pháp cho hai vị Thượng thủ Thinh văn tương lai là hoàng từ Abhibhu và hoàng từ Sambhava cùng với tùy tùng và ban phát ‘nước bất tử’ đến chín chục ngàn chư thiên và nhân loại.
      (Đây là Dhammābhisamaya lần thứ hai)
      Lại một dịp khác gần cây Campaka, Đức Phật thị hiện Song thông và thuyết pháp để chế phục tánh kiêu ngạo của các ngoại đạo sư và để giải thoát chúng sanh ra khỏi các trói buộc của phiền não. Lúc bấy giờ, có tám trăm ngàn triệu chư thiên và nhân loại chứng đắc Đạo Quả giải thoát.
      (Đây là Dhammābhisamaya lần thứ ba)

      Ba kỳ đại hội Thánh Tăng – Sannipāta

      Có ba kỳ Đại hội chư Thánh Tăng đệ tử của Đức Phật Sikhī. Ở kỳ đại hội thứ nhất, giữa hội chúng gồm một trăm ngàn vị A-la-hán – tùy tùng trước kia của hai vị hoàng tử Abhibhu và Sambhava, Đức Phật Sikhī tụng Ovāda Pātimokkha.
      (Đây là Sannipāta lần thứ nhất)
      Về sau giữa hội chúng gồm tám chục ngàn vị tỳ khưu đã xuất gia trong dịp Đức Phật viếng thăm quyến thuộc ở kinh đô Arunavati, Đức Phật đã tụng Ovāda Pātimokkha.
      (Đây là Sannipāta lần thứ hai)
      Lại một dịp khác, giữa hội chúng gồm bảy chục ngàn vị tỳ khưu đã xuất gia trong dịp Đức Phật cảm thắng voi Dhanapālaka ở kinh đô Dhanañjaya, Đức Phật đã tụng Ovāda Pātimokkha.
      (Đây là Sannipāta lần thứ ba)

      Bồ tát Gotama của chúng ta sanh làm vua Arindama và được Đức Phật Sikhī thọ ký

      Lúc bấy giờ bồ tát của chúng ta là vua Arindama ỏ kinh đô Paribhutta. Khi Đức Phật Sikhī cùng Tăng chúng viếng thăm kinh đô, đức vua đã đón tiếp Đức Phật. Vị ấy cung kính đảnh lễ Đức Phật và thỉnh Ngài đến hoàng cung, ở đó đức vua tổ chức đại lễ bố thí cúng dường Đức Phật và chúng Tăng.
      Đức vua mở ra kho chứa y phục và dâng cúng đến chúng Tăng có Đức Phật dẫn đầu hằng chục triệu chiếc y.
      Hơn nữa vua Arindama cũng cúng dường đến Đức Phật con voi kiết tường của vị ấy – là con vật có sức mạnh, sắc đẹp, hảo tướng và tốc độ, lại được trang sức những tràng hoa và một mạng lưới bằng vàng. Vị ấy cũng dâng cúng chúng Tăng có Đức Phật dẫn đầu các món vật dụng thích hợp với vị Sa-môn.
      Rồi Đức Phật Sikhī công bố lời tiên tri về Bồ tát Arindama: “Sau mười ba đại kiếp kể từ nay, vị vua Arindama này sẽ thành Phật, danh hiệu là Gotama.”

      Những chi tiết đặc biệt về Đức Phật Sikhī

      Nơi sanh của Đức Phật Sikhī là kinh đô Arunavatī; phụ vương là
      vua Aruṇa và mẫu hậu là hoàng hậu Pabhāvatī.
      Ngài trị vì vương quốc trong bảy ngàn năm. Ba cung điện là
      Sucandaka, Giri và Vasabha.
      Chánh hậu là Sabbakāmā, có hai mươi bốn ngàn cung nữ hầu hạ.
      Con trai là hoàng tử Atula.
      Ngài đi xuất gia bằng voi sau khi thấy bốn điềm tướng và thực hành khổ hạnh trong tám tháng.
      Hai vị Thượng thủ Thinh văn là trưởng lão Abhibhu và trưởng lão
      Sambhava. Thị giả là trưởng lão Khemaṅkara.
      Hai đại đệ tử nữ là trưởng lão ni Sakhilā và trưởng lão ni Padumā.
      Cây giác ngộ là cây Puṇḍarīka.
      Hai cận sự nam bậc thánh của Đức Phật là hai vị trưởng giả Sirivaḍḍha và Nanda; hai cận sự nữ bậc thánh của Ngài là ưu-bà-di Cittā và ưu-bà-di Suguttā.
      Đức Phật Sikhī cao bảy mươi hắc tay. Ngài giống như cột trụ bằng vàng được dựng lên để làm vật tôn thờ, Ngài có ba mươi hai hảo tướng của bậc thượng nhân.
      Hào quang từ thân của Đức Phật Sikhī chiếu sáng cả đêm lẫn ngày không gián đoạn, xa ba mươi do tuần.
      Thọ mạng trong thời của Đức Phật Sikhī là bảy chục ngàn năm. Trải qua bốn phần năm của thọ mạng, Ngài đưa chúng sanh gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên ra khỏi những cơn lũ của luân hồi và đặt họ trên miền đất Niết bàn.
      Sau khi tưới xuống những cơn mưa của chánh pháp, Đức Phật Sikhī đã làm cho tất cả chúng sanh thấm nhuần nước thanh tịnh của chánh
      pháp, giúp họ đạt đến Niết bàn, chấm dứt khổ luân hồi; và cuối cùng
      Ngài và chư Thinh văn đệ tử A-la-hán viên tịch đại Niết bàn.

      Kinh cảm quán

      Kim thân của Đức Phật với tám mươi tướng phụ như ngón tay, ngón chân đỏ hồng, được trang sức bởi ba mươi hai hảo tướng của bậc thượng nhân, tất cả đều biến mất. Các pháp hữu vi quả thật vô dụng và không thực chất!

      Bảo tháp

      Đức Phật Sikhī đã viên tịch đại Niết bàn tại khu vườn Assa, gần thành phố Sīlavatī; Xá lợi của Ngài kết lại thành một khối không phân tán. Dân chúng khắp cõi Diêm phù đề đã kiến tạo một bảo tháp bằng bảy báu, cao ba do tuần để tôn thờ Xá lợi của Ngài.

      Kết thúc lịch sử của Đức Phật Sikhī – Sikhī Buddhavaṃsa

      

    21. Vessabhū Buddhavaṁsa

      (Lịch sử Đức Phật Vessabhū)

      Sau khi Đức Phật Sikhī viên tịch trong chính đại kiếp có hai vị Phật ấy, thọ mạng của loài người giảm từ bảy chục ngàn tuổi còn mười tuổi. Rồi nó lại tăng dần đến A-tăng-kỳ tuổi, và khi thọ mạng loài người lại giảm xuống còn sáu chục ngàn tuổi, khi ấy Bồ tát Vessabhū đã tái sanh vào cung trời Đâu-suất-đà sau khi đã thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật. Chư thiên và Phạm thiên thỉnh cầu Ngài thành Phật, Bồ tát nhận lời và xuống cõi nhân loại, thọ sanh vào lòng của bà
      Yasavatī, chánh hậu của vua Supattita ở kinh đô Anoma. Khi mười
      tháng trôi qua, Bồ tát đản sanh ở vườn Anupama.
      Khi Bồ tát đản sanh, Ngài thốt lên thắng ngữ như: “Aggo’haṃ’asmi lokassa,” v.v… làm hoan hỷ mọi người. Vì thế vào ngày đặt tên của Ngài, các nhà tướng số thông thái và quyến thuộc của Ngài đặt tên cho Ngài là Vessabhū.

      Đời sống ở vương cung

      Khi Bồ tát đến tuổi trưởng thành, Ngài sống trong ba cung điện Ruci, Suruci và Rativaddhana, được hầu hạ bởi ba chục ngàn cung nữ dẫn đầu là công chúa Sucittā và hưởng cuộc đời đế vương trong sáu ngàn năm.

      Sự xuất gia

      Khi Bồ tát đã trông thấy bốn điềm tướng và sau khi công chúa Sucittā hạ sanh một hoàng nam đặt tên là Suppabuddha, thì Bồ tát đi xuất gia bằng chiếc kiệu vàng đến vườn thượng uyển. Ngài mặc vào bộ y do Phạm thiên dâng cúng và trở thành Sa-môn. Ba mươi bảy ngàn người cũng tự xuất gia theo gương của Bồ tát.

      Sự thành đạo

      Cùng với ba mươi bảy ngàn vị Sa-môn ấy, Bồ tát thực hành pháp khổ hạnh trong sáu tháng. Vào ngày rằm tháng tư, ngày mà Ngài sẽ thành Phật, Bồ tát Vessabhū độ món cơm sữa do Sirivaddhanā dâng cúng, một cư dân của thị trấn Sucitta và trải qua suốt ngày trong rừng cây sa-la của địa phương. Đến chiều Ngài một mình đi đến cây đại Bồ-đề Sāla. Trên đường đi, Ngài nhận tám nắm cỏ do chúa rồng Narinda dâng tặng và khi Ngài vừa rải mớ cỏ xuống cội cây bồ-đề thì Vô địch bảo tọa cao bốn mươi hắc tay xuất hiện.
      Ngồi kiết già trên bảo toạ, Bồ tát vận dụng bốn mức độ tinh tấn và chứng đắc Phật quả, theo cách chư Phật quá khứ.

      Ba Thắng thời thuyết pháp của Đức Phật Vessabhū Dhammābhisamaya

      Sau khi thành đạo, Đức Phật Vessabhū trú ngụ ở bảy chỗ quanh khu vực cây bồ-đề trong bốn mươi chín ngày. Nhận lời thỉnh cầu của Phạm thiên để thuyết pháp, Đức Phật xem xét nên thuyết pháp đến ai trước và trông thấy hai người em khác mẹ, hoàng tử Sona và hoàng tử Uttara, là hai vị Thượng thủ Thinh văn tương lai có đầy đủ phước báu dẫn đến Đạo Quả giải thoát, Đức Phật vận dụng thần thông lập tức đi xuyên qua hư không đến tại vườn Aruna, gần thành phố Anupama. Đức Phật bảo người giữ vườn đi gọi hai vị hoàng tử. Giữa hội chúng gồm hai vị hoàng tử và tùy tùng, Đức Phật thuyết bài kinh Chuyển pháp luân như chư Phật quá khứ đã từng thuyết, chư thiên và Phạm thiên cũng đến cung kính thính pháp. Trong dịp ấy có tám trăm ngàn triệu chư thiên và nhân loại chứng đắc Đạo Quả giải thoát.
      (Đây là Dhammābhisamaya lần thứ nhất)
      Thời gian sau đó, khi Đức Phật Vessabhū du hành qua các thị trấn để thuyết pháp độ sanh, Ngài đã an trú cho bảy chục ngàn chư thiên và nhân loại trong Đạo Quả giải thoát.
      (Đây là Dhammābhisamaya lần thứ hai)
      Lại một dịp khác cũng tại thành phố Anupama, Đức Phật Vessabhū đã đoạn diệt các tà kiến, rối ren như mắc lưới và rất tai hại. Bằng cách này, Ngài đã kéo xuống lá cờ vô minh của các ngoại đạo sư và giương lên ngọn cờ của chánh pháp. Giữa nhân loại, trong một không gian rộng chín do tuần và vô số chư thiên cùng Phạm thiên, Đức Phật Vessabhū đã thị hiện Song thông gồm nước và lửa khơi dậy niềm tịnh
      tín trong những người chứng kiến. Sáu trăm triệu chư thiên và nhân loại hân hoan hưởng được ‘nước bất tử’ do Đức Phật ban phát.
      (Đây là Dhammābhisamaya lần thứ ba)

      Ba kỳ đại hội Thánh Tăng – Sannipāta

      Có ba kỳ Đại hội chư Thánh Tăng đệ tử của Đức Phật Vessabhū. Kỳ đại hội thứ nhất diễn ra vào ngày rằm tháng Magha. Lúc bấy giờ, giữa hội chúng gồm tám trăm ngàn triệu vị A-la-hán mà trước kia đã xuất gia tỳ khưu trong hội chúng của hai vị trưởng lão Sona và Uttara (là hai vị Thượng thủ Thinh văn của Đức Phật). Đức Phật Vessabhū đã tụng Ovāda Pātimokkha.
      (Đây là Sannipāta lần thứ nhất)
      Một dịp khác, tại thị trấn Soreyya, có một hội chúng gồm ba mươi bảy ngàn vị Sa-môn, họ là những người đã xuất gia Sa-môn theo gương của Bồ tát Vessabhū khi Ngài đi xuất gia. Khi Bồ tát rời khỏi họ đi nơi khác, họ vẫn tiếp tục đi trong cõi ta-bà. Khi hay tin Đức Phật đã thuyết bài pháp Chuyển pháp luân, họ đi đến Soreyya và đảnh lễ Đức Phật. Ngài thuyết pháp đến họ và truyền phép xuất gia khiến những vị sa-môn này trở thành những vị Thiện lai tỳ khưu. Giữa hội chúng có bốn đặc điểm, Đức Phật tụng Ovāda Pātimokkha.
      (Đây là Sannipāta lần thứ hai)
      Lại một dịp khác, Đức Phật Vessabhū viếng thăm kinh đô Narivahana để ban phước cho nhà cai trị Upasanta. Nghe tin Đức Phật đến viếng kinh đô, vua Upasanta và tùy tùng lập tức ra đón chào Đức Phật và thỉnh Ngài vào hoàng cung, rồi thiết lễ trai Tăng cúng dường. Sau khi nghe Đức Phật thuyết pháp, đức vua khởi tâm tịnh tín và xin Ngài truyền phép xuất gia. Nối gót đức vua, sáu chục ngàn tùy tùng cũng xuất gia. Cùng với đức vua Upasanta, tất cả họ đều chứng đắc
      đạo quả A-la-hán. Giữa hội chúng của những vị tỳ khưu này, Đức Phật tụng Ovāda Pātimōkkha.
      (Đây là Sannipāta lần thứ ba)

      Bồ tát Gotama của chúng ta sanh làm vua Sudassana và được Đức Phật Vesabhū thọ ký

      Lúc bấy giờ Bồ tát của chúng ta là vua Sudassana có tướng mạo xinh đẹp, tuấn tú, ở tại kinh đô Sarabhavatī. Khi Đức Phật Vessabhū, Thế tôn của ba cõi, viếng thăm kinh đô, vị ấy nghe Đức Phật thuyết pháp và hoan hỷ đến nỗi chấp hai tay đưa lên trán. Đức vua cũng bố thí to lớn đến chúng Tăng có Đức Phật dẫn đầu lễ trai Tăng và cúng dường y phục. Tại chính kinh đô Sarabhavatī, đức vua đã cho xây dựng một hương phòng dành cho Đức Phật và một ngàn tịnh xá bao quanh dành cho chúng Tăng.
      Vì Bồ tát rất hoan hỷ với giáo pháp cao siêu mà Đức Phật Vessabhū đã thuyết giảng nên vị ấy rất muốn xuất gia làm tỳ khưu. Do đó, vị ấy dâng hiến tất cả tài sản của cải của mình cho giáo pháp của Đức Phật, rồi xuất gia làm tỳ khưu, thực hành giáo pháp đêm ngày không dễ duôi. Sau khi trở thành tỳ khưu, Bồ tát thực hành tất cả mười ba pháp đầu đà và sống hạnh phúc trong giáo pháp của Đức Phật để thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật.
      Đầy hoan hỷ và tịnh tín, Bồ tát đảnh lễ Đức Phật Vessabhū. Ước nguyện thành đạt Nhất thiết trí khởi sanh trong vị ấy, Đức Phật Vessabhū biết rằng Bồ tát tỳ khưu có sự tinh tấn không suy giảm, bèn công bố lời tiên tri: “Sau ba mươi mốt đại kiếp kể từ nay, đến hiền kiếp Bhadda kappa (kiếp có 5 vị Phật), vị tỳ khưu Sudassana này sẽ thành một vị Phật, danh hiệu là Gotama.”
      Sau khi nghe lời tiên tri của Đức Phật Vessabhū, Bồ tát rất hoan hỷ và nguyện thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật tinh tấn hơn.

      Những chi tiết đặc biệt về Đức Phật Vessabhū

      Nơi sanh của Đức Phật Vessabhū là kinh đô Anoma; phụ vương là vua Suppatita và mẫu hậu là hoàng hậu Yasavatī.
      Ngài trị vì vương quốc trong sáu ngàn năm. Ba cung điện là Ruci,
      Suruci và Rativaddhana.
      Chánh hậu là Sucittā với ba chục ngàn cung nữ hầu hạ. Con trai là
      hoàng tử Suppabuddha.
      Sau khi trông thấy bốn điềm tướng, Ngài đi xuất gia trong chiếc kiệu vàng và hành pháp khổ hạnh trong sáu tháng.
      Hai vị Thượng thủ Thinh văn là trưởng lão Sona và trưởng lão
      Uttara. Thị giả là trưởng lão Upasanta.
      Hai đại đệ tử nữ là trưởng lão ni Rāmā và trưởng lão ni Samālā.
      Cây Bồ-đề là cây Mahāsāla.
      Hai vị cận sự nam bậc thánh là hai vị trưởng giả Sottika và
      Rambha. Hai cận sự nữ là Ưu-bà-di Gotamī và Ưu-bà-di Sirimā.
      Đức Phật Vessabhū cao sáu mươi hắc tay, rực rỡ quang minh như cột trụ bằng vàng. Hào quang từ thân của Ngài toả sáng rực rỡ như khối lửa trên đỉnh đồi lúc ban đêm.
      Thọ mạng trong thời kỳ của Đức Phật Vessabhū là sáu chục ngàn tuổi; Ngài sống suốt bốn phần năm của thọ mạng để cứu vớt chúng sanh gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên thoát khỏi những cơn lũ luân hồi và đặt họ trên miền đất Niết bàn.
      Đức Phật Vessabhū hằng giảng giải cặn kẽ chánh pháp đến nhiều người theo đúng căn cơ của họ. Sau khi hạ thủy chiếc thuyền chánh
      pháp vượt qua đại dương luân hồi để đem lại lợi ích cho nhiều thế hệ chúng sanh, Đức Phật Vessabhū cùng với chúng Thánh văn đệ tử A- la-hán của Ngài đã viên tịch đại Niết bàn.

      Kinh cảm quán

      Đức Phật Vessabhū và chúng đệ tử La-hán của Ngài đáng được nhân loại, chư thiên và Phạm thiên tôn kính lễ bái, những ngôi nhà chánh pháp Ngài và các đệ tử A-la-hán, tất cả đều biến mất. Tất cả các pháp hữu vi quả thật vô dụng và không thực chất!

      Bảo tháp

      Như vậy, Đức Phật Vessabhū, Bậc chiến thắng ngũ ma, bậc Thiên nhân sư, đã viên tịch đại Niết bàn ở vườn Khema, gần thành phố Usabhavati. Theo đúng nguyện của Ngài, Xá lợi đã được phân tán và đi khắp mọi nơi trong cõi Diêm phù đề, được tôn trí trong các bảo tháp và được nhân loại, chư thiên và Phạm thiên ngày đêm lễ bái cúng dường.

      Kết thúc lịch sử Đức Phật Vesabhū – Vesabhū Buddhavaṃsa

      

    22. Kakusandha Buddhavaṁva

      (Lịch sử Đức Phật Kakusandha)

      Đức Phật Vessabhū viên tịch đại Niết bàn, đại kiếp mà Ngài xuất hiện đã kết thúc. Trải qua hai mươi chín Không kiếp, là những đại kiếp không có chư Phật xuất hiện. Sau đó là đại kiếp của chúng ta, được gọi là Hiền kiếp (bhadda kappa) vì trong đại kiếp này có năm vị Phật xuất hiện – Kakusandha, Konāgamana, Kassapa và Gotama và
      Đức Phật cuối cùng sẽ xuất hiện trong đại kiếp này là Đức Phật Di-lặc (Metteyya).
      Lịch sử của Đức Phật Kakusandha, vị đầu tiên trong năm đại kiếp này, diễn ra như sau: Hiền kiếp gồm có sáu mươi bốn trung kiếp (antara kappa). (Ở trung kiếp thứ tám theo bộ Mahā Rajavaṃsa hay ở trung kiếp thứ nhất theo bộ Hamannan Rajavaṃsa), khi thọ mạng của loài người giảm từ A-tăng-kỳ tuổi xuống còn bốn mươi ngàn tuổi thì Bồ tát Kakusandha – sau khi đã thực hành viên mãn các pháp Ba-la- mật, tái sanh vào cõi trời Đâu-suất-đà. Nhận lời thỉnh cầu của chư thiên và Phạm thiên để thành Phật, Ngài xuống cõi nhân loại và thọ sanh vào lòng của nữ Bà-la-môn Visākha, vợ của vị quốc sư Aggidatta, là quan cố vấn của vua Khenaṅkara ở kinh đô. Sau mười tháng, Bồ tát đản sanh ở vườn Khemavati.

      Ghi chú: Như đã trình bày ở trước, tất cả những vị Phật từ Đức Phật Dīpaṅkara đến Đức Phật Vessabhū đều xuất thân từ dòng vua chúa (Sát-đế-lỵ), nhưng Đức Phật Kakusandha thì xuất thân từ dòng Bà-la-môn.

      Ngày xưa tại Ấn độ, xã hội bao gồm bốn giai cấp: Sát đế lỵ (vua chúa), Bà-la-môn, giai cấp thương nhân và giai cấp hạ đẳng. Đối với một vị Phật trong kiếp chót, Ngài không bao giờ thọ sanh vào hai giai cấp sau.

      Về giai cấp Sát đế lỵ và Bà-la-môn, đôi khi những vị Sát đế lỵ đứng đầu trong xã hội và đôi khi các vị Bà-la-môn chiếm địa vị thượng đẳng. Trong thời kỳ mà dân chúng kính trọng các vị Sát-đế-lỵ hơn hết thì Bồ tát sanh ra trong giai cấp Sát-đế-lỵ, vì họ được xem là những người cao quý nhất trong xã hội. Nhưng vào thời kỳ khác, khi dân chúng có sự tôn kính cao nhất đến các vị Bà-la-môn thì Bồ tát sanh ra trong dòng dõi Bà-la-môn, vì họ được xem là những người cao quý nhất.

      Như vậy, chư Phật chỉ xuất thân từ một trong hai giai cấp cao nhất trong xã hội, đó là Sát-đế-lỵ và Bà-la-môn. Vì giai cấp Sát đế lỵ thường được công nhận là cao quý nhất, nên chư Phật thường xuất thân từ giai cấp này.Chỉ khi nào giai cấp Bà-la-môn chiếm địa vị tối ưu trong xã hội, khi ấy chư Phật mới xuất thân từ giai cấp Bà-la-môn. Cho nên số lượng chư Phật xuất thân từ giai cấp Sát đế lỵ thì nhiều hơn, còn số chư Phật xuất thân từ giai cấp Bà-la-môn thì ít hơn.

      Đời sống ở vương cung

      Khi Bồ tát Kakusandha đến tuổi trưởng thành, Ngài sống trong ba cung điện Kāma, Kāmavaṇṇa và Kāmasuddhi, được hầu hạ và phục vụ bởi người vợ Bà-la-môn tên là Rucinī cùng với ba chục ngàn thiếu nữ bà-la-môn hầu hạ. Ngài sống cuộc đời thế tục như thần tiên trong bốn ngàn năm.

      Sự xuất gia

      Khi trông thấy bốn điềm tướng và sau khi Rocinī hạ sanh một bé trai đặt tên là Uttara thì Bà-la-môn Kakusandha đi xuất gia, ngồi trên chiếc xe song mã và trở thành vị Sa-môn. Noi theo gương của Ngài có bốn chục ngàn người cũng trở thành Sa-môn.

      Sự thành đạo

      Cùng với bốn mươi ngàn vị Sa-môn này, Bồ tát Kakusandha thực hành khổ hạnh trong tám tháng. Vào ngày rằm tháng tư, ngày mà Ngài sẽ thành Phật, Bồ tát độ món cơm sữa do nữ Bà-la-môn Vajirindā dâng cúng, ở thị trấn Vajirinda, và trải qua suốt ngày trong rừng cây Keo của địa phương. Đến chiều Ngài đi một mình đến cây đại Bồ-đề và nhận tám nắm cỏ trên đường đi từ một người giữ ruộng tên Subhadda. Khi Bồ tát vừa rải mớ cỏ xuống cây bồ-đề Sirisa thì Vô địch bảo tọa cao hai sáu hắc tay xuất hiện. Ngồi kiết già trên bảo tọa,
      Ngài vận dụng bốn mức độ tinh tấn và chứng đắc Phật quả theo cách chư Phật trong quá khứ.

      Ba Thắng thời thuyết pháp của Đức Phật Kakusandha

      (Dhammābhisamaya)

      Sau khi chứng đắc Phật quả, Đức Phật Kakusandha trú ngụ ở bảy chỗ quanh khu vực cây bồ-đề Sirisa trong bốn mươi chín ngày. Nhận lời thỉnh cầu thuyết pháp của Phạm thiên, Đức Phật xem xét nên thuyết pháp đến ai trước và trông thấy những vị Sa-môn đã từng xuất gia theo Ngài. Ngài xuất hiện ngay lập tức nơi trú ngụ của họ, khu rừng Nai Isipatana gần thị trấn Makita. Giữa hội chúng ấy có sự tham dự của chư thiên và Phạm thiên, Đức Phật thuyết bài kinh Chuyển pháp luân giống như chư Phật quá khứ. Lúc bấy giờ có bốn trăm ngàn triệu chư thiên và nhân loại chứng đắc Đạo Quả giải thoát.
      (Đây là Dhammābhisamaya lần thứ nhất)
      Một dịp khác về sau, Đức Phật Kakusandha thị hiện Song thông ở gần cây Sala, cạnh cổng thành Kannakajja và thuyết pháp. Ba trăm ngàn triệu chư thiên và nhân loại đã thông đạt Tứ Diệu Đế và giải thoát.
      (Đây là Dhammābhisamaya lần thứ hai)
      Lại một dịp khác, Thắng thời thuyết pháp diễn ra như sau: ở một miếu thần, không quá xa thị trấn Khemavatī có một vị Dạ-xoa tên là Naradeva sống ở đó. Vào mùa cúng tế miếu thần, dạ xoa hiện nguyên hình để lãnh thọ lễ vật mà dân chúng đem đến cúng kiến. Tuy nhiên, thói quen của dạ xoa là buộc những người đi qua khu rừng đường sá trắc trở, phải đi đến một cái hồ lớn ở giữa rừng để nghỉ ngơi và kiếm các loại sen. Nếu không ai đến đó thì dạ xoa trở lại chỗ ngụ của mình trong rừng và bắt những người tình cờ đi ngang qua và ăn thịt họ.
      Thực ra, con đường xuyên qua khu rừng nổi tiếng là rất hiểm trở. Một dạo, dân cư ở cả hai bên khu rừng đã bàn bạc với nhau về cách thức để đi xuyên qua khu rừng hoang. Lúc bấy giờ, sau khi xuất khỏi đại định vào lúc sáng sớm, Đức Phật Kakusandha dò xét thế gian và thấy rằng dạ xoa Naradeva và những dân cư ấy đã lọt vào võng trí của Ngài. Bởi vậy Ngài dùng thần thông đi xuyên qua hư không và trong khi mọi người nhìn lên, Ngài thị hiện nhiều phép lạ rồi đáp xuống trong cung điện của dạ xoa Naradeva và ngồi trên bảo tọa quý báu của dạ xoa.
      Dạ xoa Naradeva lấy làm hoan hỷ khi trông thấy Đức Phật đang đi đến bằng con đường hư không và phát ra hào quang sáu màu từ thân của Ngài, vì vị ấy tự nghĩ: “Đức Phật đến đây do lòng bi mẫn của Ngài đối với ta.” Cùng với các vị dạ xoa tùy tùng, vị ấy đi đến Hy-mã- lạp sơn và đem về đủ loại hoa xinh đẹp và thơm ngát mọc lên từ dưới nước và trên đất, rồi dâng cúng đến Đức Phật. Sau khi ngâm lên bài kệ tán thán Đức Phật, dạ-xoa Naradeva đứng và chấp tay đưa lên trán với thái độ đầy tôn kính.
      Thấy những phép lạ của Đức Phật, tâm của mọi người trở nên tịnh tín và tất cả họ cùng kéo đến Đức Phật, đảnh lễ Ngài rồi ngồi xuống. Bằng sự giảng giải các thiện nghiệp cho quả lành như thế nào, Đức Phật Kakusandha đã khiến cho dạ xoa ưa thích các việc thiện và qua bài pháp nói về các cõi khổ, Ngài đã khiến cho dạ xoa khởi tâm ghê sợ. Sau đó Đức Phật thuyết giảng về Tứ Thánh đế. Lúc bấy giờ có vô số chư thiên và nhân loại thông đạt Tứ Diệu Đế và chứng Quả giải thoát.
      (Đây là Dhammābhisamaya lần thứ ba)

      Nhất kỳ đại hội Thánh Tăng – Sannipāta

      Chỉ có độc nhất một kỳ Đại hội Thánh Tăng đệ tử Đức Phật Kakusandha. Đó là kỳ Đại hội của những vị A-la-hán mà trước kia đã
      từng theo Bồ tát Kakusandha xuất gia làm Sa-môn, diễn ra tại khu rừng nai Isipatana, gần thành phố Kaṇṇakujja vào ngày rằm tháng Magha, và giữa hội chúng tỳ khưu này Đức Phật Kakusandha đã tụng Ovāda Pātimokkha.

      Bồ tát sanh làm vua Khema và được Đức Phật Kakusandha thọ ký

      Lúc bấy giờ Bồ tát Gotama của chúng ta là vua Khema. Sau khi tổ chức bố thí to lớn gồm y và bát đến chúng Tăng có Đức Phật dẫn đầu, đồng thời cúng dường các loại dược chất như thuốc nhỏ mắt, v.v… Bồ tát rất hoan hỷ với thời pháp của Đức Phật đến nỗi vị ấy đã từ bỏ thế gian và xuất gia làm tỳ khưu trước sự chứng kiến của Đức Phật. Rồi Đức Phật công bố lời tiên tri: “Trong chính hiền kiếp Bhadda kappa này, vị tỳ khưu Khema này sẽ thành Phật, danh hiệu là Gotama.”
      Sau khi nghe lời tiên tri của Đức Phật, Bồ tát Khema rất hoan hỷ và
      nguyện thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật tinh tấn hơn.

      Những chi tiết đặc biệt về Đức Phật Kakusandha

      Nơi sanh của Đức Phật Kakusandha là kinh đô Khemavatī. Cha là bà-la-môn Aggidatta, quốc sư của vua Khemakara và mẹ là nữ Bà-la- môn Visakha.
      Ngài sống cuộc đời thế tục trong bốn ngàn năm. Ba cung điện của
      Ngài là Kāma, Kāmavaṇṇa và Kāmasuddhi.
      Vợ là thiếu nữ Bà-la-môn Rocinī với ba chục ngàn nữ hầu. Con trai tên Uttara.
      Ngài đi xuất gia bằng xe ngựa kéo và thực hành khổ hạnh trong tám
      tháng.
      Hai vị Thượng thủ Thinh văn là trưởng lão Vidhura và trưởng lão Sanjīvä. Thị giả là trưởng lão Buddhija.
      Hai đại đệ tử nữ là trưởng lão ni Sāmā và trưởng lão ni Campā. Cây
      bồ-đề là cây Sirisa.
      Hai cận sự nam bậc Thánh là hai vị trưởng giả Accuta và Sumana.
      Hai cận sự nữ của Ngài là Ưu-bà-di Nandā và Ưu-bà-di Sunandā.
      Đức Phật Kakusandha cao bốn mươi hắc tay. Hào quang từ thân của Ngài tỏa sáng khắp quanh, xa mười do tuần.
      Thọ mạng của loài người trong thời kỳ của Ngài là bốn chục ngàn tuổi, Ngài sống suốt bốn phần năm của thọ mạng cứu vớt cho vô số chúng sanh gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên ra khỏi đại dương của luân hồi và đặt họ trên miền đất của Niết bàn.
      Trong thế gian gồm nhân loại và chư thiên, Đức Phật Kakusandha đã mở ra cánh cửa đi vào lâu đài của chánh pháp dành cho những người có giới đức, nam cũng như nữ và hùng dũng rống tiếng rống của con sư tử: “Ta đích thực là Đức Phật Chánh đẳng giác.” Tất cả phiền não và lậu hoặc đã được đoạn tận trong ta. Sau đó, cùng với chúng Thinh văn đệ tử của Ngài, Đức Phật Kakusandha đã viên tịch đại Niết bàn.

      Kinh cảm quán

      Đức Phật Kakusandha, bậc có giọng nói mang tám đặc tánh như rõ ràng, hiền dịu, trong trẻo, khả ái, vững vàng, ấm áp và vang dội. Hai vị Thượng thủ thinh văn đệ tử của Ngài cùng với những vị Thinh văn đệ tử khác, những bậc luôn luôn có giới trong sạch – tất cả đều biến mất. Các pháp hữu vi quả thật vô dụng và không thực chất!

      Bảo tháp

      Như vậy Đức Phật Kakusandha đã viên tịch tại vườn Khema. Cũng chính tại khu vườn ấy một bảo tháp cao một do tuần được xây dựng để tôn thờ Xá lợi của Ngài.

      Kết thúc lịch sử Đức Phật Kakusandha

      Kakusandha Buddhavaṃsa

      

    23. Koṇāgamana Buddhavaṁsa

      (Lịch sử Đức Phật Koṇāgamana)

      Sau khi Đức Phật Kakusandha viên tịch, trong hiền kiếp này, thọ mạng của loài người giảm dần từ bốn chục ngàn tuổi còn mười tuổi, rồi lại tăng lên đến A-tăng-kỳ tuổi. Sau khi thọ mạng của loài người lại giảm còn ba chục ngàn tuổi thì Bồ tát Koṇāgamana, sau khi thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật đã tái sanh vào cõi trời Đâu-suất- đà. Nhận lời thỉnh cầu của chư thiên và Phạm thiên để thành Phật, Ngài xuống cõi nhân loại và thọ sanh vào lòng của nữ bà-la-môn Uttarā, vợ của Bà-la-môn Yaññadatta, ở kinh đô Sobhavati. Khi mười tháng trôi qua, Bồ tát đản sanh ở vườn Subhavatī.
      Vào lúc Bồ tát đản sanh có một đám mưa vàng rơi xuống khắp cõi Diêm phù để và nhân biến cố “vàng rơi xuống từ trên trời”, các nhà tướng số thông thái và quyến thuộc của Ngài đặt tên cho Ngài là Kanakagamana (kanaka nghĩa là “vàng”, āgamana nghĩa là ‘đến’). Do đó, Kanakagamana nghĩa là “cậu bé đem vàng đến”. Do tánh chất xưa cổ, tên Kanakagamana được đọc trại thành Koṇāgamana. Hoặc do cách biến đổi ngữ căn, vần ka đầu tiên được đổi thành kona thành ṇa và vần ka cuối cùng bị lượt bỏ.

      Đời sống ở vương cung

      Khi Bồ tát Koṇāgamana đến tuổi trưởng thành, Ngài sống trong ba cung điện Tusita, Santusita và Santuṭṭha, được hầu hạ bởi người vợ là thiếu nữ Bà-la-môn Rucigattā với tùy tùng gồm mười sáu ngàn thiếu nữ Bà-la-môn. Ngài hưởng cuộc sống thần tiên trong ba ngàn năm.

      Sự xuất gia

      Khi Bà-la-môn Koṇāgamana trông thấy bốn điềm tướng khi đang sống cuộc đời thế tục và sau khi người vợ Rucigattā đã hạ sanh một bé trai đặt tên là Satthavāha, thì Ngài từ bỏ thế gian, đi xuất gia cỡi trên con voi. Ba chục ngàn người noi theo gương Ngài cũng xuất gia làm sa-môn.

      Sự thành đạo

      Cùng với ba chục ngàn vị Sa-môn này, Bồ tát Koṇāgamana thực hành pháp khổ hạnh trong sáu tháng. Vào ngày rằm tháng tư, ngày mà Ngài sẽ thành Phật, Bồ tát độ món cơm sữa do Aggisonā dâng cúng, con gái của một người dân tên Aggisona và trải qua suốt ngày trong rừng cây keo của địa phương. Đến chiều, Ngài một mình đi đến cây đại bồ-đề và nhận tám nắm cỏ trên đường đi từ một người giữ ruộng lúa tên Jāṭatinduka. Khi Bồ tát Koṇāgamana vừa rải mớ cỏ xuống cội cây bồ đề Udumbara thì Vô địch bảo tọa cao hai mươi hắc tay xuất hiện. Ngồi kiết già trên bảo tọa, Ngài vận dụng bốn mức độ tinh tấn và chứng đắc Phật quả theo cách như chư Phật trong quá khứ.

      Ba Thắng thời thuyết pháp của Đức Phật Koṇāgamana (Dhammābhisamaya)

      Sau khi thành đạo, Đức Phật Koṇāgamana trú ngụ ở bảy chỗ quanh khu vực cây bồ-đề trong bốn mươi chín ngày. Nhận lời thỉnh cầu thuyết pháp của đại Phạm thiên, Ngài xem xét nên thuyết pháp đến ai
      trước, và trông thấy ba chục ngàn vị Sa-môn, là những người đồng tu với Ngài. Ngay lập tức, Đức Phật Koṇāgamana vận dụng thần thông xuất hiện nơi ngụ của họ ở khu vườn Nai Isipatana, gần thành phố Sudassana. Giữa hội chúng các vị Sa-môn ấy, Đức Phật Koṇāgamana thuyết giảng bài kinh Chuyển pháp luân như chư Phật quá khứ đã từng thuyết. Cuối bài thuyết pháp có ba trăm ngàn triệu chư thiên và nhân loại chứng đắc Đạo Quả giải thoát.
      (Đây là Dhammābhisamaya lần thứ nhất)
      Một dịp khác về sau khi Đức Phật Koṇāgamana thị hiện Song thông gồm nước và lửa gần cây Sala, cạnh cổng thành Sundara, Ngài đoạn diệt các tà kiến và thuyết pháp. Hai trăm ngàn triệu chư thiên và nhân loại đã chứng đắc Đạo Quả giải thoát lúc bấy giờ.
      (Đây là Dhammābhisamaya lần thứ hai)
      Sau khi thị hiện Song thông, Đức Phật Koṇāgamana đi lên cõi trời Đạo lợi thiên, ngồi trên tảng đá dưới cội cây Pāricchattaka và thuyết tạng A-tỳ-đàm đến chư thiên và Phạm thiên đã cu hội ở đó từ khắp mười ngàn thế giới. Lúc bấy giờ có một trăm ngàn triệu vị thiên chứng đắc Đạo Quả giải thoát.
      (Đây là Dhammābhisamaya lần thứ ba)

      Nhất kỳ đại hội Thánh Tăng – Sannipāta

      Chỉ có một kỳ Đại hội những vị Thánh Tăng đệ tử của Đức Phật Koṇāgamana. Khi Đức Phật đang ngụ ở vườn Surindadeva, gần thành phố Sundaravati, Ngài dạy pháp đến hai vị hoàng tử Bhiyyosa và Uttara, là những vị Thượng thủ Thinh văn tương lai cùng với ba chục ngàn tùy tùng và khi Ngài gọi “Hãy đến, này các tỳ khưu,” thì tất cả họ đều trở thành Thiện lai tỳ khưu và chứng đắc đạo quả A-la-hán.
      Vào ngày rằm tháng Magha, giữa hội chúng ba mươi ngàn vị La-hán ấy, Đức Phật tụng Ovāda Pātimokkha.

      Tiền thân Đức Phật Gotama là vua Pabbata và được Đức Phật Koṇāgamana thọ ký

      Lúc bấy giờ Bồ tát Gotama của chúng ta là vua Pabbata ở kinh đô Mithila. Nhà vua là một nhà cai trị hùng mạnh có sự thân giao với các lân bang cường thịnh. Nghe tin Đức Phật Koṇāgamana đến ở kinh đô Mithila, vua Pabbata bèn dẫn tùy tùng ra đón tiếp Đức Phật, cung thỉnh Ngài và tổ chức lễ bố thí to lớn. Nhà vua cũng thỉnh Đức Phật nhập hạ ở kinh đô của mình và phục vụ Đức Phật cùng chúng Tăng suốt ba tháng mùa an cư. Ngoài ra, đức vua cũng dâng cúng đến chư Tăng có Đức Phật dẫn đầu các loại vải như vải cotton, lụa , len, những đôi dép bằng vàng và nhiều vật dụng khác được làm ở xứ Pattunna và xứ Cina. Rồi Đức Phật công bố lời tiên tri về vị ấy: “Trong chính hiền kiếp này, vị vua Pabbata này nhất định sẽ thành Phật, danh hiệu Gotama.”
      Sau khi nghe lời tiên tri của Đức Phật, Bồ tát Pabbata rất hoan hỷ và nguyện thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật tinh tấn hơn.
      Vì đức vua Pabbata là người có chí nguyện cầu Nhất thiết trí, nên vị ấy đã cúng dường rất lớn đến Đức Phật Koṇāgamana, từ bỏ ngôi vị đế vương và trở thành vị tỳ khưu trước sự chứng minh của Đức Phật.

      Những chi tiết đặc biệt về Đức Phật Koṇāgamana

      Nơi sanh của Đức Phật Koṇāgamana là kinh đô Sobhavatī do vua Sobha trị vì. Cha của Ngài là Bà-la-môn Yaññadatta và mẹ là nữ bà- la-môn Uttarā.
      Ngài sống cuộc đời thế tục trong ba ngàn năm. Ba cung điện của
      Ngài là Tusita, Santusita và Santuṭṭha.
      Vợ là thiếu nữ Bà-la-môn Rucigattā với mười ngàn nữ bà-la-môn hầu hạ. Con trai là Satthavāha.
      Ngài đi xuất gia bằng voi sau khi trông thấy bốn điềm tướng và thực hành khổ hạnh trong sáu tháng.
      Hai vị Thượng thủ Thinh văn Koṇāgamana là trưởng lão Bhiyyosa
      và trưởng lão Uttara. Thị giả là trưởng lão Sotthiya.
      Hai đại đệ tử nữ là trưởng lão ni Samuddā và trưởng lão ni Uttarā.
      Cây bồ-đề là cây Udumbara.
      Hai cận sự nam bậc thánh là hai vị trưởng giả Ugga và Somadeva.
      Hai cận sự nữ bậc thánh là Ưu-bà-di Sivalā và Ưu-bà-di Sāmā.
      Đức Phật Koṇāgamana cao ba mươi hắc tay. Thân của Ngài được tô điểm bởi ánh hào quang như màu vàng ròng nguyên chất của thợ kim hoàn.
      Thọ mạng trong thời kỳ của Đức Phật Koṇāgamana là ba chục ngàn năm. Suốt bốn phần năm của thọ mạng, Đức Phật Koṇāgamana đã cứu vớt cho vô số chúng sanh gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên ra khỏi đại dương luân hồi và đặt họ trên miền đất Niết bàn.
      Để chúng sanh có thể trú ngụ và nương tựa trong lâu đài của trí tuệ (Vipassanā Ñāṇa Paññā), Đức Phật Koṇāgamana đã kiến tạo ngôi nhà chánh pháp gồm Ba mươi bảy pháp trợ bồ-đề (Bodhipakkhiya dhamma) , được tô điểm bởi ngọn cờ Tứ Thánh đế, và cũng tạo ra “vườn hoa chánh pháp”, sau đó Ngài cùng chúng Thinh văn đệ tử viên tịch đại Niết bàn.

      Kinh cảm quán

      Chư Thinh văn đệ tử của Đức Phật Koṇāgamana, những bậc có đại thần thông lực, và Đức Phật Koṇāgamana, Bậc thuyết giảng chánh pháp siêu thế gian – tất cả các Ngài đều biến mất. Tất cả các pháp hữu vi quả thật vô dụng và không thực chất!

      Bảo tháp

      Đức Phật Koṇāgamana, Bậc đã thông đạt Tứ Diệu Đế và những pháp khác cần được thông đạt, đã viên tịch đại Niết bàn ở vườn Pabbata. Xá lợi của Đức Phật đã phân tán theo đúng ý nguyện của Ngài, thấu đến khắp mọi nơi trong cõi Diêm phù đề và được nhân loại, chư thiên và Phạm thiên ngày đêm lễ bái, cúng dường.
      Kết thúc lịch sử Đức Phật Koṇāgamana

      Koṇāgamana Buddhavaṃsa

      

    24. Kassapa Buddhavaṁsa

(Lịch sử Đức Phật Kassapa)

Sau khi Đức Phật Koṇāgamana viên tịch trong chính Hiền kiếp này, thọ mạng của loài người giảm dần từ ba chục ngàn tuổi còn mười tuổi, rồi lại tăng lên đến A-tăng-kỳ tuổi. Khi giảm lại còn hai chục ngàn tuổi thì Bồ tát Kassapa tái sanh ở cung trời Đâu-suất-đà. Nhận lời thỉnh cầu của chư thiên và Phạm thiên để thành Phật, Ngài xuống cõi nhân loại và thọ sanh vào lòng của nữ Bà-la-môn Dhanavatī, vợ của bà-la-môn Brahmadatta ở kinh đô Barānasī, do vua Kikī trị vì. Mười tháng trôi qua, Bồ tát đản sanh ở vườn nai Isipatana.

Vào ngày đặt tên của Ngài, các nhà tướng số thông thái và quyến thuộc của Ngài đặt tên cho Ngài là Kassapa vì Ngài thuộc dòng họ mang tên ấy.

Đời sống ở vương cung

Khi Bồ tát Kassapa đến tuổi trưởng thành, Ngài sống trong ba cung điện: Haṁsa, Yasa và Sirinanda, được hầu hạ bởi người vợ của Ngài là thiếu nữ Bà-la-môn Sunandā, cùng với bốn mươi tám ngàn người hầu nữ. Ngài hưởng cuộc đời thế tục như thần tiên trong hai ngàn năm.

Sự xuất gia

Bồ tát Kassapa trông thấy bốn điềm tướng khi đang sống cuộc đời thế tục và người vợ Sunandā của Ngài đã hạ sanh một bé trai đặt tên là Vijitasena, Ngài khởi sanh sự động tâm (saṁvega) và nghĩ: “Ta sẽ từ bỏ thế gian ngay ngày hôm nay.”

Vừa quyết định như vậy thì cung điện của Bồ tát tự quay tròn như bánh xe của người thợ gốm và bay bổng lên không trung. Giống như mặt trăng xuất hiện giữa các vì sao trong mùa thu và tỏa sáng lung linh, cung điện đem theo hàng trăm người bay trên không trung như tô điểm cho bầu trời thêm rực rỡ. Cuối cùng nó đáp xuống mặt đất nơi cây bồ-đề Nigrodha (cây đa) ở chính giữa.

Rồi Bồ tát bước xuống cung điện, Ngài mặc vào bộ y sa-môn do Phạm thiên dâng cúng. Vợ của Bồ tát và các nữ hầu cũng rời khỏi cung điện và đi một khoảng xa bốn chục usabha (bằng nửa gāvuta). Nơi đây, họ dựng lên những cái trại tạm thời giống như doanh trại của một đoàn binh. Theo gương Bồ tát, những người đi theo Ngài cũng xuất gia làm Sa-môn.

Sự thành đạo

Cùng với những vị Sa-môn đã đi theo Ngài, Bồ tát Kassapa thực hành pháp khổ hạnh. Vào ngày rằm tháng tư, ngày thành đạo của Ngài, Ngài độ món cơm sữa do người vợ Snandā của Ngài dâng cúng và trải qua suốt ngày trong rừng cây keo của địa phương. Đến chiều Ngài một mình đi đến cây đại thọ Bồ-đề và trên đường đi nhận tám nắm cỏ do một người giữ ruộng lúa tên Soma dâng cúng. Khi Ngài vừa rải mở cỏ xuống cội cây Bồ-đề thì Vô địch bảo tọa cao mười lăm hắc tay xuất hiện. Ngồi kiết già trên bảo tọa, Ngài vận dụng bốn mức độ tinh tấn và chứng đắc Phật quả.

Năm Thắng thời thuyết pháp của Đức Phật Kassapa (Dhammābhisamaya)

Sau khi chứng đắc Phật quả, Đức Phật Kassapa trú ngụ ở bảy chỗ quanh khu vực cây Bồ-đề trong bốn mươi chín ngày. Nhận lời thỉnh cầu thuyết pháp của Phạm thiên, Ngài xem xét nên thuyết pháp đến ai trước và trông thấy mười triệu vị Sa-môn, là những người đồng tu trước kia với Ngài, họ có đầy đủ phước quá khứ có thể chứng đắc Đạo Quả. Đức Phật vận dụng thần thông, ngay lập tức xuất hiện nơi ngụ của họ tại rừng Nai Isipatana gần thành phố Barānasī. Giữa những vị sa-môn này, Đức Phật thuyết bài kinh Chuyển pháp luân giống như chư Phật quá khứ đã từng thuyết, nhiều chư thiên và Phạm thiên cũng đến đó để thính pháp. Lúc bấy giờ có hai mươi triệu chư thiên và nhân loại chứng đắc Đạo Quả giải thoát.

(Đây là Dhammābhisamaya lần thứ nhất)

Về sau, khi Đức Phật Kassapa du hành về các thị trấn và làng mạc để thuyết pháp độ sanh, có một trăm ngàn triệu chư thiên và nhân loại chứng đắc Đạo Quả giải thoát.

(Đây là Dhammābhisamaya lần thứ hai)

Lại một dịp khác, khi Đức Phật Kassapa thị hiện Song thông gồm nước và lửa, và thuyết pháp gần cây Asana, cạnh cổng thành Sundara. Cuối thời pháp, có năm chục ngàn triệu chư thiên và nhân loại thông đạt Tứ diệu đế và chứng đắc Đạo Quả giải thoát.

(Đây là Dhammābhisamaya lần thứ ba)

Sau khi thị hiện Song thông, Đức Phật Kassapa lên cõi trời Ba- mươi-ba (Tāvatiṃsa) và tại giảng đường Chánh pháp (Sudhamma), Ngài thuyết bảy bộ Vi-diệu-Tạng (Abhidhammā) đem lại lợi ích cho chư thiên và Phạm thiên đã cu hội ở đó để thính pháp; đặc biệt để tế độ cho vị thiên trước kia là Mẹ của Ngài. Lúc bấy giờ có ba trăm ngàn triệu chư thiên và nhân loại thông đạt Tứ Diệu Đế và chứng đắc Đạo Quả giải thoát.

(Đây là Dhammābhisamaya lần thứ tư)

Một dịp nọ, có một dạ-xoa có quyền lực giống như dạ-xoa Naradeva trong thời của Đức Phật Kakusandha. Dạ-xoa này cũng có tên là Naradeva. Sau khi giả làm vị vua trị vì ở một kinh đô bên ngoài xứ Diêm phù đề và cũng giả giọng nói, cử chỉ và những đặc điểm khác của vua, dạ-xoa giết chết vị vua thật và ăn thịt vị ấy. Sau đó dạ xoa nắm quyền cai trị toàn vương quốc và giết chết rất nhiều người để ăn thịt. Hắn sống tà hạnh với các nữ nhân trong hậu cung.

Khi các hoàng hậu, công nương và các cung nữ thông minh nhận ra rằng: “Người này không phải là chủ của chúng ta, không là đức vua của chúng ta. Hắn đích thực là dạ xoa.” Biết rằng mình đã bị phát hiện, dạ xoa bèn giết và ăn thịt tất cả họ, rồi tiếp tục đi đến kinh đô khác và cũng giả làm vua tương tự như vậy.

Sau khi giết và ăn thịt nhiều người theo cách này, dạ xoa Naradeva đến tại kinh đô Sundara. Dân cư ở đó khi hay tin về sự cai trị đầy hãi hùng của hắn, vì sợ chết họ đã bỏ chạy khỏi kinh đô. Trông thấy cảnh

trạng hỗn loạn và hoang mang của dân chúng, Đức Phật Kassapa bèn đi đến và đứng trước mặt dạ xoa. Khi dạ xoa trông thấy Đức Phật đang đứng ngay trước mặt mình, hắn tấn công Đức Phật bằng cách phát ra âm thanh như sấm sét. Nhưng không thể làm cho Đức Phật sợ hãi, dạ xoa cúi đầu quy y Ngài. Trước đó hắn cũng thách thức Đức Phật bằng cách đặt ra những câu hỏi hóc búa và Ngài đã trả lời một cách thỏa đáng. Khi Đức Phật ban lời giáo giới và thuyết pháp đến dạ xoa Naradeva thì vô số chư thiên và nhân loại đến thính pháp và kết quả là họ thông đạt Tứ diệu đế và chứng ngộ Giải thoát.

(Đây là Dhammābhisamaya lần thứ năm)

Nhất kỳ đại hội Thánh Tăng – Sannipāta

Đại hội Thánh Tăng đệ tử của Đức Phật Kassapa diễn ra như vầy: Tại thành phố Bārāṇasī, khi Tissa- con trai của vị quốc sư, trông thấy ba mươi hai bảo tướng trên người của Bồ tát Kassapa, chàng trai nhớ lại lời dạy của cha rằng “Chỉ những người sẽ thành Phật mới có những hảo tướng như vậy.” Chàng trai Tissa hoàn toàn tin vào điều ấy và tự nghĩ rằng: “Vị Kassapa này sẽ thành Phật qua sự từ bỏ vĩ đại. Ta sẽ cố gắng để thoát khỏi đau khổ của luân hồi sau khi trở thành vị sa-môn trước sự chứng minh của Đức Phật Kassapa.” Do đó, vị ấy đi đến Hy- mã-lạp-sơn và xuất gia làm đạo sĩ ngay trước khi Bồ tát Kassapa từ bỏ thế gian. Các đạo sĩ trong hội chúng của vị ấy lên đến hai mươi ngàn người.

Về sau, khi nghe tin “Đức Phật Kassapa, sau khi từ bỏ thế gian, bây giờ đã thành Phật rồi,” vị ấy cùng các đạo sĩ đồng tu rời khỏi Hy-mã- lạp-sơn và tìm đến Đức Phật Kassapa, xin được xuất gia trong giáo pháp của Đức Phật. Đức Phật Kassapa bèn gọi: “Hãy đến, này các tỳ khưu.” Và đạo sĩ Tissa cùng với hai mươi ngàn đạo sĩ đồng tu của vị ấy đều trở thành ‘Thiện lai tỳ khưu” và chứng đắc đạo quả A-la-hán.

Vào ngày rằm tháng Magha, giữa hội chúng hai chục ngàn vị tỳ khưu này, Đức Phật Kassapa tụng Ovāda Pātimokkha.

(Đây là Sannipāta độc nhất)

Tiền thân của Đức Phật Gotama là chàng trai Jotipāla và được Đức Phật Kassapa thọ ký

Lúc bấy giờ Đức Phật đương lai Gotama của chúng ta là chàng trai Jotipāla nổi tiếng. Vị ấy tụng các bộ kinh Phệ đà một cách lưu loát, thuộc lòng tất cả những bài thánh ca, đạt đến sự toàn thông về các bộ Phệ đà và thành tựu về khoa tướng pháp, như giải thích các hảo tướng của bậc đại trượng phu, v.v… khoa truyện cổ và tất cả các nghệ thuật, các nghề thủ công mà đã được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bồ tát còn làu thông cả về khoa thiên văn và địa lý.

Jotipāla là bạn thân của chàng thợ gốm Ghatikāra, một cận sự nam bậc thánh của Đức Phật Kassapa, rất tận tụy với Tam bảo và nổi tiếng là bậc A-na-hàm. Ghatikāra dẫn Bồ tát Jotipāla đến yết kiến Đức Phật.

Sau khi nghe Đức Phật thuyết pháp, Jotipāla trở thành vị tỳ khưu trước sự chứng minh của Đức Phật. Đầy tinh tấn và thiện xảo trong các phận sự lớn nhỏ, không hề xao lãng đối với ba pháp tu Giới, Định và Tuệ, vị ấy có trách nhiệm hoằng dương chánh pháp.

Sau khi thông thuộc chín phần giáo pháp, Bồ tát tỳ khưu Jotipāla đã làm vinh quang giáo pháp của Đức Phật. Biết những đức tánh phi thường của Jotipāla, Đức Phật Kassapa bèn tiên tri về vị ấy: “Vị tỳ khưu Jotipāla này nhất định sẽ thành Phật, danh hiệu là Gotama ngay trong hiền kiếp này.”

Sau khi nghe lời tiên tri của Đức Phật, vị tỳ khưu cao quý Jotipāla vô cùng hoan hỷ và nguyện thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật tinh tấn hơn.

Vì ước nguyện duy nhất của Ngài là chứng đắc Nhất thiết trí nên Bồ tát của chúng ta, bậc sẽ thành Thế Tôn của ba cõi, tránh xa tất cả các ác nghiệp cần phải xa lánh trong suốt chuỗi dài luân hồi và tinh tấn không thối chuyển trong việc thực hành các thiện nghiệp – mà người bình thường hầu như không thể thực hành được – để thành tựu viên mãn các pháp Ba-la-mật.

Chú thích: Theo sự trình bày ở trên, xem ra người thợ gốm Ghatikāra đưa người bạn Jotipāla đến yết kiến Đức Phật mà không gặp khó khăn. Trên thực tế, vị ấy đã không dễ dàng thành công như vậy. Vị ấy đã thuyết phục Jotipāla đến nhiều lần và cuối cùng phải dùng đến áp lực, nắm tóc của Jotipāla mà kéo đi. Chi tiết này được nêu ra trong bài kinh Ghatikāra, Raja Vagga, Majjhima Paṇṇāsa.

Những chi tiết đặc biệt về Đức Phật Kassapa

Nơi sanh của Đức Phật Kassapa là kinh đô Baranasī do vua Kikī trị

vì. Cha là Bà-la-môn Brahmadatta và mẹ là nữ Bà-la-môn Dhanavatī.

Ngài sống cuộc đời thế tục trong hai ngàn năm. Ba cung điện là Haṁsa, Yasa và Sirinanda.

Vợ là thiếu nữ Bà-la-môn Sunandā với bốn mươi tám ngàn thiếu nữ

bà-la-môn hầu hạ. Con trai là Vijitasena.

Phương tiện đưa Ngài đi xuất gia là cung điện. Ngài thực hành khổ hạnh trong bảy ngày.

Hai vị Thượng thủ Thinh văn là trưởng lão Tissa và trưởng lão Bharadvāja. Thị giả là trưởng lão Sabbamitta.

Hai đại đệ tử nữ là trưởng lão ni Anulā và trưởng lão ni Uruvelā.

Cây Bồ-đề là cây Nigrodha.

Hai cận sự nam bậc thánh là Sumaṅgala và thợ gốm Ghatikāra. Hai cận sự nữ là Ưu-bà di Vijitasenā và Ưu-bà-di Bhaddā.

Đức Phật Kassapa cao hai mươi hắc tay. Ngài rực rỡ như khối lửa lớn, như trăng rằm được vây quanh bởi các vì tinh tú.

Thọ mạng của loài người trong thời kỳ của Đức Phật Kassapa là hai chục ngàn năm. Suốt bốn phần năm của thọ mạng, Đức Phật Kassapa đã cứu vớt cho vô số chúng sanh gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên thoát khỏi đại dương luân hồi và đặt họ trên miền đất Niết bàn.

Đức Phật Kassapa tạo ra “hồ chánh pháp” vĩ đại dành cho nhân loại, chư thiên và Phạm thiên, cho họ xức dầu “Tứ thanh tịnh giới” để trang điểm cho cái tâm của họ, khiến họ mặc vào bộ y phục Tàm-quý, phân phát đến họ những bông hoa của Ba mươi bảy pháp trợ bồ-đề (Bodhipakkhiya dhamma), đặt chiếc gương trong suốt của Nhập lưu đạo tuệ (Sotāpatti magga ñāna) để họ có thể thấy rõ chính mình, phân biệt được những pháp bất thiện và những pháp thiện, giữa thiện nghiệp và ác nghiệp. Ngài đặt chiếc gương tựa như mời gọi những người đang lang thang tầm cầu Niết bàn đi đến “hồ chánh pháp”.

Đối với những người lắng nghe lời giáo huấn của Đức Phật, Ngài cho họ những chiếc áo giáp Ngũ giới, Thập giới và Tứ thanh tịnh giới để họ có thể chống lại kẻ thù phiền não; giúp họ mặc vào chiếc áo khoác Tứ thiền hợp thế và Ngũ thiền siêu thế. Cung cấp cho họ vũ khí tinh tấn cực mạnh gồm bốn mức độ và cho họ tấm khiên Tứ niệm xứ để họ có thể phòng thân chống lại các kẻ thù phiền não. Ngài còn cho các đệ tử những chiếc lao Minh sát tuệ rất bén nhọn và những cây gươm đạo tuệ được mài bén bằng viên đá mài tinh tấn. Ngài còn cho họ các Giới siêu thế để họ có thể đoạn diệt các phiền não ngũ ngầm. Rồi Đức Phật cho họ nhiều vật trang sức như Tam minh và Lục thông để họ gắn vào những bộ y phục Thánh quả ở trên người. Đức Phật còn tạo ra bó hoa chín Thánh pháp, thêm vào chiếc lọng A-la-hán quả để

họ có thể bảo vệ chính mình ngăn chặn sức nóng của các tội lỗi. Đức Phật Kassapa cũng tạo ra bông hoa Bát Thánh đạo to lớn dẫn đến hạnh phúc của Niết bàn. Rồi Đức Phật Kassapa và chúng Thinh văn đệ tử A-la-hán của Ngài viên tịch đại Niết bàn và chấm dứt kiếp sống cuối cùng.

Kinh cảm quán

Đức Phật Kassapa, Bậc có vô số ân đức. Pháp bảo được Đức Phật thuyết giảng là pháp hằng mời gọi những người có trí bằng những lời: “Hãy đến đây, hãy nhìn vào và cố gắng thực hành theo.” Tăng bảo, chúng Thanh văn đệ tử gồm những bậc Tối thắng, các Ngài đã khéo thực hành Pháp bảo. Tất cả đều đã biến mất. Tất cả các pháp hữu vi quả thật vô dụng và không thực chất!

Bảo tháp

Như vậy Đức Phật Kassapa, Bậc chiến thắng ngũ ma, Bậc đạo sư của chư thiên và nhân loại, đã viên tịch đại Niết bàn tại đại lâm viên Setavya, gần thành phố Setavya, trong nước Kāsi. Dân chúng khắp cõi Diêm phù đề đồng tâm xây dựng một bảo tháp, trong đó mỗi viên gạch lát ở bên ngoài trị giá mười triệu đồng tiền vàng, mỗi viên gạch lát ở bên trong trị giá năm triệu – bảo tháp được xây dựng để tôn thờ Xá lợi của Đức Phật Kassapa cao một do tuần.

Kết thúc lịch sử Đức Phật Kassapa

Kassapa Buddhavaṃsa



PHỤ LỤC

TÓM TẮT VỀ CÁC KIẾP SỐNG QUÁ KHỨ CỦA ĐỨC PHẬT GOTAMA

Theo bộ Chú giải Buddhavaṁsa đã kể lại ở trên, tiền thân của Đức Phật Gotama của chúng ta được thọ ký từ hai mươi bốn vị Phật, lần lượt từ Đức Phật Nhiên Đăng (Dīpaṅkarā) đến Đức Phật Ca-diếp (Kassapa). Những kiếp sống quá khứ của Ngài mà trong đó lời tiên tri thành Phật được công bố có thể được sắp xếp như sau:

Năm kiếp làm đạo sĩ

  1. Kiếp làm đạo sĩ Sumedha và được Đức Phật Dīpaṅkarā thọ ký.
  2. Kiếp làm đạo sĩ Jatila và được Đức Phật Nārada thọ ký.
  3. Kiếp làm đạo sĩ Susima và được Đức Phật Atthadassī thọ ký.
  4. Kiếp làm đạo sĩ Maṅgala và được Đức Phật Siddhattha thọ ký,
  5. Kiếp làm đạo sĩ Sujāta và được Đức Phật Tissa thọ ký.

Như vậy, Ngài làm thọ ký trong 5 kiếp làm đạo sĩ.

Kiếp làm Tỳ khưu

Sự thọ ký cũng xảy ra khi Ngài sanh:

  1. Làm Chuyển luân vương và xuất gia tỳ khưu trước sự hiện diện của Đức Phật Koṇḍañña.
  2. Làm Bà-la-môn Maṅgala và xuất gia tỳ khưu trước sự hiện diện của Đức Phật Siddhattha.
  3. Làm Bà-la-môn Uttara và xuất gia tỳ khưu trước sự hiện diện của Đức Phật Sumedha.
  4. Làm vua Chuyển luân và xuất gia tỳ khưu trước sự hiện diện của Đức Phật Sujāta.
  5. Làm vua Vijitāvī và xuất gia tỳ khưu trước sự hiện diện của Đức Phật Phussa.
  6. Làm vua Sudassana và xuất gia tỳ khưu trước sự hiện diện của Đức Phật Vessabhū
  7. Làm vua Khema và xuất gia tỳ khưu trước sự hiện diện của Đức Phật Kakusandha.
  8. Làm vua Pabbata và xuất gia tỳ khưu trước sự hiện diện của Đức Phật Koṇāgamana, và
  9. Làm Bà-la-môn Jotipāla và xuất gia tỳ khưu trước sự hiện diện của Đức Phật Kassapa.

Như vậy, Ngài được thọ ký trong 9 kiếp làm tỳ khưu.

Năm kiếp làm cư sĩ

Ngài được thọ ký trong 5 kiếp làm cư sĩ:

  1. Làm Bà-la-môn Atideva và được Đức Phật Revatā thọ ký.
  2. Làm Bà-la-môn Ajita và được Đức Phật Sobhita thọ ký.
  3. Làm trưởng giả Jatila và được Đức Phật Padumuttara thọ ký.
  4. Làm thanh niên Bà-la-môn Kassapa và được Đức Phật Piyadassī thọ ký.
  5. Làm vua Ariṇḍama và được Đức Phật Sikhī thọ ký.

Hai kiếp làm Long vương

Ngài cũng được thọ ký trong kiếp:

  1. Làm Long vương Atula, từ Đức Phật Sumana và
  2. Làm Long vương Atula, từ Đức Phật Vipassī.

Ba kiếp khác

Ngài nhận được sự thọ ký trong các kiếp sống khác nhau:

  1. Trong một kiếp làm Sakka, vua của chư thiên, Ngài tiếp nhận sự thọ ký từ Đức Phật Dhammadassī.
  2. Một kiếp khác làm nguyên soái dạ-xoa, Ngài tiếp nhận sự thọ ký từ Đức Phật Anomadassī, và
  3. Một kiếp làm sư tử vương và được Đức Phật Paduma thọ ký.

Cơ hội hy hữu được gặp giáo pháp của Đức Phật

Như chúng ta đã biết, suốt bốn A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp thực hành các pháp Ba-la-mật, chỉ trong hai mươi bốn kiếp từ Đức Phật Dīpaṅkarā đến Đức Phật Kassapa, Bồ tát Gotama của chúng ta mới được gặp giáo pháp của Đức Phật – hãy khắc ghi điều này trong tâm. Chúng ta nên nhận biết sâu sắc rằng được gặp Giáo pháp của Đức Phật không phải là chuyện dễ, rất hy hữu và đó cũng là một diễm phúc vô cùng to lớn. Biết vậy, chúng ta nên tận dụng triệt để cơ hội hiếm hoi này, không nên bỏ lỡ.

Được xuất gia trong Giáo pháp của Đức Phật là điều hy hữu

Ngay cả một chúng sanh vĩ đại như Bồ tát, bậc đã được thọ ký từ Đức Phật Nhiên Đăng, chỉ gặp được giáo pháp hai mươi bốn lần. Thật quá hiếm hoi, khi chúng ta xét đến thời gian dài như vậy. Lại nữa, trong hai mươi bốn thời kỳ giáo pháp của hai mươi bốn vị Phật ấy, Bồ tát của chúng ta chỉ xuất gia tỳ khưu có chín lần. Rõ ràng xuất gia làm một vị tỳ khưu là điều nan đắc, đúng như câu kinh “Pabbajitabhāvo dullabho – Làm tỳ khưu rất khó.” Đối với vị Bồ tát đã được thọ ký và hy hữu lắm mới gặp giáo pháp của Đức Phật để xuất gia làm tỳ khưu, thế thì đối với người bình thường còn bội phần khó khăn hơn.

Tỳ khưu tạm thời hay Tỳ khưu gieo duyên (Dullbha Bhikkhu)

Ngày nay ở các xứ Phật giáo, những người có sự suy xét thấu đáo – khi đang vất vả kiếm sống mà gặp những ngày nghỉ, không làm việc, họ đắp y xuất gia tạm thời để thời gian nhàn rỗi của họ không trôi qua một cách uổng phí. Họ muốn tận dụng thời gian ấy để làm lợi ích cho chính họ. Vị tỳ khưu như vậy được gọi là “Dullabha bhikkhu.” Ý nghĩa là: Dù họ không thể xuất gian làm tỳ khưu suốt đời, họ cố gắng

thực hiện thành tựu đời sống Sa-môn trong một thời gian ngắn ngủi, đó là cơ hội hiếm hoi và quý báu nhất trong cuộc đời.

Nếu không suy xét đúng ý nghĩa của nó, người ta chắc chắn sẽ quan niệm sai lầm rằng chỉ vị tỳ khưu xuất gia tạm thời như vậy mới là ‘dullabha bhikkhu’, còn người xuất gia sa-di khi còn nhỏ và đến khi đủ tuổi xuất gia tỳ khưu thì không phải là ‘dullabha bhikkhu’. Do quan niệm như vậy người ta có khuynh hướng bố thí cúng dường đến vị ‘dullabha bhikkhu’ nhiều hơn vị tỳ khưu tu lâu từ khi còn nhỏ. Nếu cho rằng xuất gia làm tỳ khưu tạm thời là hy hữu và quý báu, tại sao không nghĩ rằng sự xuất gia làm tỳ khưu tu lâu dài càng khó hơn.

Vương thần và sự xuất gia Tỳ khưu

Có một số người nói rằng vì có điều luật: “Na bhikkhave rājabhato pabbājetabbo – Này các tỳ khưu, các vị vương thần không được xuất gia làm tỳ khưu Tăng chúng”. Ngay cả họ có xin được xuất gia tỳ khưu trong thời gian rãnh rỗi công việc, Tăng đoàn không được phép đáp ứng yêu cầu của họ vì nó trái với điều luật, nên các quan chức ngày nay không được phép xuất gia.

Nói như vậy cũng không đúng. Trong phần Chú giải về Rājabhata vatthu, Mahā-khandhaka của bộ Chú giải Vinaya Mahāvagga Atthakathā có đoạn giải thích rằng : Dù xuất thân từ địa vị vương thần nhưng hiện tại người ấy đã không còn lãnh lương bỗng của vua; người ấy đã trao chức quyền của mình cho con trai hoặc em trai, đã xin phép đức vua được từ quan, người ấy đã làm đầy đủ các phận sự của mình và người ấy được phép xuất gia tỳ khưu. Tất cả những người như vậy thì hợp lệ để xuất gia làm tỳ khưu. Căn cứ vào lời giải thích này, các viên chức nếu muốn tu tỳ khưu trọn đời, họ có thể làm như vậy sau khi hồi lại tiền lương của họ cho nhà nước hoặc sau khi được nhà nước cho phép với lời phê chuẩn rằng: “Anh có thể xuất gia nếu anh muốn.”

Điều Luật: “Không nên thâu nhận các vương thần vào Tăng chúng,” được ban hành chỉ liên quan đến những người muốn nương vào Tăng chúng để trốn tránh nhiệm vụ được vua giao mà thôi (điều này có thể thấy rõ trong bộ kinh Rājabhata Vatthu). Các nhân viên nhà nước ngày này không có ý định trốn tránh công việc, thực tế thì họ còn sợ bị đuổi việc là khác. Do đó, những người xuất gia làm tỳ khưu tạm thời không đi ngược với điều Luật trong bộ Vinaya Mahāvagga, miễn sao họ được cấp trên có thẩm quyền cho phép.

Ngay cả người xuất gia có ý định trốn tránh nghĩa vụ nhà nước là phạm vào điều luật. Sự vi phạm này thuộc về những vị tỳ khưu cho xuất gia, vị tỳ khưu không vi phạm điều xuất gia. Điều này được đề cập trong văn bản Luật tạng.

Một cách suy nghĩ khác như thế này:

Ngay cả bậc đại sĩ như Bồ tát của chúng ta, được thọ ký rồi chỉ làm tỳ khưu được chín lần dù Ngài đã gặp hai mươi bốn vị Phật. Từ sự kiện này người ta có thể nói rằng: “Được thành tựu đời sống của vị tỳ khưu là hy hữu.” Nhưng nếu chúng ta xét qua những đoạn trong bộ Buddhavaṃsa: Bốn trăm ngàn vị A-la-hán đi theo Đức Phật Nhiên Đăng đi vào thành phố Rammavattī để khất thực, và có một trăm ngàn vị A-la-hán trong kỳ Đại hội Thánh Tăng lần thứ nhất, với số lượng các vị A-la-hán rất lớn nên người ta có thể nghĩ rằng không khó để xuất gia làm tỳ khưu.

Câu nói: “Được xuất gia làm tỳ khưu là hy hữu” có nghĩa rằng “Hiếm khi có được những hoàn cảnh thuận duyên như vậy.” Mỗi lần Bồ tát gặp giáo pháp của Đức Phật mà Ngài khó xuất gia làm tỳ khưu do hoàn cảnh không thuận tiện. Số đông những vị A-la-hán trong thời Đức Phật Nhiên Đăng là những bậc thuận duyên xuất gia và đắc đạo. Dù cố gắng thế nào chăng nữa, nếu hoàn cảnh không thuận duyên thì

cũng khó đạt được kết quả. Nói cách khác, kết quả có thể dễ dàng thành đạt khi hoàn cảnh thuận lợi.

Chính vì các Ngài đã viên mãn các pháp Ba-la-mật trong kiếp quá khứ và tất cả những yếu tố khác dẫn đến đạo quả A-la-hán nên các Ngài dễ dàng thành tựu pháp xuất gia và chứng đắc Đạo Quả.

Trong bài kinh Bālapaṇḍita, Suññata Vagga, Uparipaññāsa (Trung bộ kinh) có một ví dụ về con rùa mù liên quan đến câu nói: “Manussattabhāvo dullabho – Được làm người là điều khó.” Giả sử một người ném cái ách, trong ách có một lỗ xuống biển. Cái ách ấy gặp gió từ hướng Đông sẽ trôi dạt về hướng Tây và gặp gió Tây sẽ trôi dạt về hướng Đông. Gặp gió Bắc nó sẽ trôi về hướng Nam và sẽ trôi về hướng Bắc nếu gặp gió Nam. Con rùa mù ở trong biển cứ một trăm năm mới trồi lên mặt nước một lần. Cơ hội để cái đầu của nó lọt vào lỗ hỗng của cái ách quả thật rất hy hữu. Đối với chúng sanh bị đọa vào khổ cảnh, thì việc tái sanh làm người quả thật trăm lần khó khăn hơn.

Theo ví dụ trên thì sự tái sanh làm người là hy hữu. Nhưng trong các bộ kinh Apadana, Vimanavatthu, v.v… thì hạnh phúc của cõi người và cõi chư thiên có thể đạt được trong nhiều kiếp do quả cúng dường một bông hoa đến Xá lợi của Đức Phật. Điều này dẫn đến quan niệm rằng: “Sanh làm người là dễ chứ không khó.” Bộ kinh Apadāna và những bộ tương tự nói rằng những kẻ không thể tái sanh làm người là do thiếu những duyên cần thiết. Bài kinh Bālapaṇḍita và những bài kinh tương tự như vậy có nội dung liên quan đến khả năng tái sanh làm người trong nhiều kiếp do sự cúng dường chỉ một bông hoa. Sự hy hữu về đời sống tỳ khưu cũng được xem theo cách như thế.

Nói về kiếp sống làm người, dầu có quan điểm cho là (nếu người ta không suy gẫm thấu đáo) sanh làm người không khó vì sự kiện rằng dân số trên thế giới ngày một gia tăng, nhưng nên biết rằng số chúng sanh trong bốn khổ cảnh gấp nhiều lần hơn so với số người trên thế

giới. Ngay cả trong cõi súc sanh cũng có vô số chủng loại. Nếu chúng ta chỉ xét riêng số lượng của loài người thì vô số chủng loại súc sanh quả thật vượt xa hơn nhiều. Kết luận rằng, từ số lượng không kể xiết của chúng sanh trong bốn khổ cảnh cũng như số lượng có giới hạn của loài người, ta thấy rõ ràng là sự tái sanh vào cõi người quả thật rất hy hữu.

Tương tự, mỗi lần có Giáo pháp của một vị Phật xuất hiện trong thế gian mà được xuất gia vào Tăng chúng thật không dễ dàng. Những người có sẵn phước đặc biệt để trở thành tỳ khưu trong Giáo pháp của một vị Phật, các vị này không chỉ được trở thành tỳ khưu mà còn trở thành những vị A-la-hán nữa. Nhưng không vì thế chúng ta cho rằng xuất gia làm tỳ khưu là dễ dàng, chỉ vì họ được gặp Đức Phật trong những hoàn cảnh thuận tiện.

Nói cách khác, người có được hai yếu tố để có thể trở thành tỳ khưu là: (1) sanh trong thời kỳ giáo pháp của Đức Phật mà rất khó gặp (Buddh’uppāda dullābha), và (2) làm người rất khó xảy ra (manussatta dullābha). Dù được sanh làm người nhưng hoàn toàn không có khả năng thành vị tỳ khưu khi thiếu vắng Giáo pháp của Đức Phật hoặc không được xuất gia làm tỳ khưu trong Giáo pháp của Đức Phật. Lại càng không thể nếu sanh làm chư thiên, Đế thích, Phạm thiên hoặc chúng sanh ở đọa xứ cho dù có xuất hiện Giáo pháp của Đức Phật. Trong hai sự kiện này, sanh trong thời kỳ Giáo pháp của Đức Phật được gọi là Buddh’uppāda navama khó xảy ra hơn. Chỉ khi nào có xuất hiện một vị Phật mới có Giáo pháp của Ngài. Và để xuất hiện một vị Phật, Ngài đã phải trải qua ít nhất là bốn A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp ngay sau khi nhận được sự thọ ký thành Phật. Trong thời gian rất dài như vậy, vị Bồ tát bất thối ấy đã phải tinh tấn chuyên cần thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật. Cuối cùng một vị Phật xuất hiện và Giáo pháp của Ngài tỏa sáng, nhưng nếu ta không được tái sanh làm người hoặc được làm người mà gặp những chướng ngại khác thì ta cũng khó có thể trở thành tỳ khưu. Xét cho kỹ điều

này, chúng ta có thể nói rằng xuất gia làm tỳ khưu còn khó hơn được gặp Giáo pháp của Đức Phật.

Những người do quả phước đã gieo tạo trong quá khứ, họ có hai điều kiện là được gặp Giáo pháp và được làm người khó được – sẽ không gặp nhiều khó khăn trên bước đường xuất gia. Quan điểm rằng xuất gia làm tỳ khưu là điều đơn giản, căn cứ vào sự kiện hằng chục triệu vị A-la-hán trong thời kỳ của Đức Phật Nhiên Đăng có được hai điều kiện là làm người và gặp được giáo pháp của Đức Phật. Tuy nhiên có được hai cận y duyên này để trở thành vị tỳ khưu quả thật rất khó, cho nên Đức Phật mới dạy rằng: “Xuất gia làm tỳ khưu quả rất hy hữu.”

Đạo sĩ Sumedha, tức Bồ tát của chúng ta, trước khi gặp Đức Phật Nhiên Đăng và khi còn trẻ, đã chuyên tâm vào pháp bố thí bằng cách cho đi tất cả tài sản của vị ấy, đã thực hiện pháp xuất gia bằng cách từ bỏ đời sống gia đình sống không gia đình, đã chuyên tâm vào giới bằng cách thọ trì các giới của đạo sĩ, nỗ lực đạt thiền định và thần thông. Sau đó Ngài nhận được sự thọ ký từ Đức Phật Nhiên Đăng rồi Ngài suy xét về các pháp Ba-la-mật, nỗ lực và thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật bắt đầu từ pháp bố thí qua bốn cách tu tập trải qua bốn A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp cho đến kiếp sanh làm thái tử Vessantara.

Trong việc thực hành mười pháp Ba-la-mật (như đã được nêu ra trong bộ Atthasalinī và bộ Chú giải Pāthajātaka), nói về Bố thí ba-la- mật, những kiếp mà Ngài thực hành pháp Bố thí là vô số kể, đơn cử là những kiếp sanh làm Bà-la-môn Akitti, Bà-la-môn Saṅkha, vua Dhanañjaya, vua Mahā Sudassana, quốc sư Mahā Govinda, vua Nimi, thái tử Canda Kumāra, trưởng giả Visayha, vua Sivi và thái tử Vessantara, v.v… Những điểm đặc biệt được nểu ra trong những bộ Chú giải ấy là: Sự bố thí mà Bồ tát thực hiện trong kiếp làm thỏ của

Ngài là sự bố thí mạng sống, được xem là pháp Bố thí Ba-la-mật cao nhất (Paramattha dāna pāramī).

Về Giới Ba-la-mật, những kiếp mà Ngài thọ trì giới là vô số kể, đơn cử là những kiếp Ngài sanh làm long vương Campeyya, long vương Bhūridatta, voi chúa Chaddanta, thái tử Jayadisa, thái tử Alīnasattu, v.v… Đặc biệt, sự hy sinh mạng sống để thọ trì giới khi Ngài sanh làm long vương Saṅkhapāla là Giới Ba-la-mật cao nhất (Paramattha sila pāramī).

Về Xuất gia Ba-la-mật, những kiếp Ngài từ bỏ thế gian cũng vô số kể, đơn cử là kiếp Ngài từ bỏ vương quốc khi làm thái tử Hatthipāla, kiếp làm bậc trí tuệ Ayoghara, v.v… Đặc biệt, sự xuất gia sau khi từ bỏ vương quyền trong kiếp sanh làm Cūla Sutasoma, trong kiếp ấy Ngài cảm thấy ghê sợ dục lạc tựa như đó là bãi nước bọt không chút dính mắc. Đó là Xuất gia Ba-la-mật cao nhất (Paramattha nekkhamma pāramī).

Về Trí tuệ Ba-la-mật, những kiếp Ngài thực hành viên mãn Trí tuệ Ba-la-mật cũng vô số kể, chẳng hạn như kiếp Ngài sanh làm bậc trí tuệ Vidhura, Mahā Govinda, Kudāla, Araka, Mahosadha, v.v… Đặc biệt, trong kiếp sanh làm bậc trí tuệ Senaka, khả năng phán xét của Ngài rằng có con rắn trong cái bị da (không nhìn bằng mắt thường), là Trí tuệ Ba-la-mật cao nhất (Paramattha paññā pāramī). (Trong Bổn sanh Sattubhasita Jātaka)

Về Tinh tấn Ba-la-mật, những kiếp mà Ngài thực hành tinh tấn thì vô hạn, đặc biệt sự tinh tấn được thể hiện trong việc bơi qua đại dương ở kiếp Ngài sanh làm thái tử Mahā Janaka (Mahā Janaka Jātaka) là Tinh tấn Ba-la-mật cao nhất. (Paramattha viriya pāramī).

Trong Bổn sanh Khantivāda, kiếp Ngài làm đạo sĩ Khantivādī, sự nhẫn nại không sân hận của Ngài để cho vua Kalābu chặt rời từng bộ

phận của tứ chi là Nhẫn nại Ba-la-mật cao nhất. (Paramattha khanti

pāramī).

Trong Bổn sanh Sutasoma, kiếp Ngài sanh làm vua Sutasoma, sự chân thật và giữ lời hứa của Ngài đối với vị vua ăn thịt người Porisāda, là trở lại để giao nộp mạng sống của chính mình, đây là Chân thật Ba-la-mật cao nhất. (Paramattha sacca pāramī).

Trong Bổn sanh Mugapakkha ( hoàng tử Temiya) việc Ngài là giữ im lặng trong mười sáu năm dù phải hy sinh cả tánh mạng, Ngài nhẫn nại chịu đựng những thử thách, khi thì hòa hoãn và khi thì khắc nghiệt, sự quyết tâm không thối chuyển ấy là Chí nguyện Ba-la-mật cao nhất. (Paramattha adhitthāna pāramī).

Trong Bổn sanh Ekarāja (hay Suvannasāma), tâm từ của Ngài được rải đến vị vua độc ác cũng như đến các loài thú như sư tử, cọp, v.v… là Bác ái Ba-la-mật cao nhất. (Paramattha mettā pāramī).

Trong Bổn sanh Lomahaṁsa – Thái độ bình thản của Ngài trước cách xử sự của bọn trẻ trong làng như nhổ nước miếng, đàm, nước nhầy lên người của Ngài cũng như sự tôn kính của các vị bô lão trong làng đối với Ngài được thể hiện qua sự cúng dường hoa, vật thơm, v.v… thái độ bình thản ấy là Xả Ba-la-mật cao nhất. (Paramattha upekkhā pāramī).

Những câu chuyện được các nhà Chú giải kể lại liên quan đến sự thực hành mười pháp Ba-la-mật được rút ra từ bộ Pātha Jātaka. Ngoại trừ năm tích truyện ngoại lệ sau thì tất cả những câu chuyện đều xảy ra trong hiền kiếp hiện tại này.

Năm tích truyện ngoại lệ là:

  1. Seriva Vānija, Appaṇṇaka Vagga, Eka Nipāta. (Tích truyện này
    xảy ra cách đây năm kiếp, được chứng minh bởi câu Pāḷi sau đây
    trong bộ Chú giải: “Atīte ito pañcame kappe bodhisatto seriva raṭṭhe seriva-nāmako kacchaputavānijo ahosi. – Trong kiếp thứ năm, kể từ kiếp hiện tại này, tại xứ Seriva, Bồ tát sanh làm người bán rong, thường đi đây đó với những cái bị trên vai và rao bán vòng chuỗi hạt.”
  2. Lomahaṁsa Jātaka, Litta Vagga, Eka Nipāta. (Tích truyện này kể về biến cố xảy ra cách nay chín mươi mốt kiếp, được dẫn chứng bởi câu Pāḷi trong Chú giải sau đây: “Atīte eka navuti kappamatthake bodhisatto bahirakaṃ tapaṃ vīmamsissāmī ti ājīvaka-pabbajjam pabbajitvā acelako ahosi – Trong kiếp thứ chín mươi mốt kể từ kiếp hiện tại, Bồ tát sanh làm đạo sĩ loã thể Ājīvaka để tìm hiểu pháp khổ hạnh của ngoại đạo.”
  3. Araka Jātaka, Santhava Vagga, Duka Nipāta. (Tích truyện này kể về biến cố xảy ra cách đây bảy kiếp, được dẫn chứng từ đoạn Chú giải sau đây trong phần kết luận của Bổn sanh: Evaṃ bodhisatto aparihīnajjhāno brahmaloke nibbaṭṭitvā sattasaṃvaṭṭavivaṭṭakappe na imaṁ lokaṃ puna āgamāvi – Như vậy Bồ tát đã không bị hoại thiền và được tái sanh vào cõi Phạm thiên và không đến cõi nhân loại trong khoảng thời gian mà trong đó kiếp tiêu hoại bảy lần và tiến triển bảy lần.”
  4. Kesava Jātaka, Cūla Kunāla Vagga, Catukka Nipāta. Câu chuyện này kể về biến cố xảy ra cách đây năm trăm bảy chục kiếp.
  5. Baka Jātaka, Kukkura Vagga, Sattaka Nipāta. Câu chuyện này kể về biến cố cũng xảy ra cách đây năm trăm bảy mươi kiếp.

Hai Bổn sanh Kesava và Baka là những tích truyện mà giữa chúng không có khoảng thời gian xen kẽ của kiếp sống. Hai câu chuyện được nêu ra chi tiết trong bộ Chú giải có thể được kể lại như sau: Trong bổn sanh Kesava Jātaka, đầu tiên Kesava là một đạo sĩ và sau khi mạng chung trở thành Phạm thiên Baka. Phạm thiên Baka ấy, đầu tiên tái sanh vào cõi Vehapphala (Quãng quả thiên) và sống đến năm trăm đại kiếp (mahā kappa). Khi hết tuổi thọ, vị ấy tái sanh vào cõi Subhakinha (Biến tịnh thiên), sống sáu mươi bốn đại kiếp. Lại nữa, khi thọ mạng

của vị ấy kết thúc, vị ấy tái sanh vào cõi Abhassara (Quang âm thiên)

và sống ở đó trong tám đại kiếp.

Theo bộ Chú giải, vị ấy chấp tà kiến khi làm Phạm thiên. Điều này cho thấy rằng vị ấy sanh đến cõi Ābhassara chỉ sau khi trải qua năm trăm đại kiếp ở cõi Vehapphala. và sáu mươi bốn đại kiếp ở cõi Subhakinha, tổng cộng là năm trăm sáu mươi bốn đại kiếp. Tương truyền rằng Phạm thiên Baka chấp tà kiến khi vị ấy sanh vào cõi Ābhassara, và mặc dù không thấy đề cập là vị ấy khởi tà kiến trong đại kiếp thứ mấy của tám đại kiếp ở cõi đó. Tuy nhiên khi kết hợp hai bổn sanh, ta có thể ấn định rằng khoảng năm trăm bảy chục đại kiếp đã trôi qua trước khi vị ấy khởi tà kiến.

Các thế hệ của các vị A-xà-lê đều có niềm tin rằng bất cứ Bổn sanh nào mà trong đó nhà Chú giải không nói về thời gian bắt nguồn của nó ở đại kiếp nào (kappa) như “trong đại kiếp như thế tính từ kiếp hiện tại,” mà chỉ đơn giản là “atīte” (“vào một thuở nọ”) đều thuộc về đại kiếp này. Dựa vào niềm tin này thì những câu chuyện trong bộ Aṭṭhasālinī và bộ Chú giải Pāthajātaka đều khởi sanh trong đại kiếp hiện tại (kappa) vì chúng chỉ có từ đơn giản là “atīte” để nói về thời gian tái sanh của Bồ tát. Nhưng tất cả những câu chuyện thuộc về đại kiếp này không thể kể ra hết – chúng quá nhiều. Những câu chuyện được kể ra chỉ là những câu chuyện có liên quan đến các tình tiết trong hiện tại. Số câu chuyện không được kể ra thì nhiều hơn gấp bội.

Nếu chỉ một số ít câu chuyện thích đáng được thuyết giảng từ vô số câu chuyện ấy xảy ra trong đại kiếp này, thì ta có thể suy ra rằng những câu chuyện kể về sự thực hành các pháp Ba-la-mật của Bồ tát không được kể ra phải là vô số. Ngoài ra, xét thấy rằng những kiếp mà bồ tát thực hành các pháp Ba-la-mật suốt bốn A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp, không thể tính được bằng kiếp sống bình thường của con người, công việc thực hành các pháp Ba-la-mật của các Ngài quả thật quá mức tưởng tượng đối với người bình thường.

Nói cách khác, nếu người ta nghĩ về các vị Bồ tát rằng những bậc đại sĩ này, những bậc đã thực hành các pháp Ba-la-mật cao cả trong thời gian dài như vậy, phải công nhận rằng các Ngài đáng được kính trọng sâu sắc và đáng ngưỡng mộ vô cùng.

Trong nhiều kiếp sống mà trong đó Bồ tát của chúng ta đã thực hành các pháp Ba-la-mật kết thúc bằng kiếp Ngài sanh làm thái tử Vessantara. Bồ tát Sumedha đầu tiên hết đã thực hành Bố thí ba-la- mật bằng cách cho đi tất cả những vật sở hữu của Ngài khi còn là cư sĩ và trước khi xuất gia từ bỏ thế gian. Tương tự, khi Ngài đã xuất gia làm đạo sĩ và nhận được sự thọ ký thành Phật, Ngài suy xét về các nhân tố dẫn đến đạo quả Phật và nhận ra rằng Bố thí Ba-la-mật là pháp đầu tiên và nguyện thực hành theo. Tất cả điều này chỉ về sự thật rằng chính Bố thí Ba-la-mật mà chư Bồ tát bắt đầu trong sự thực hành các pháp Ba-la-mật của các Ngài và các Ngài cũng kết thúc sự thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật bằng pháp Bố thí như trong kiếp của thái tử Vessantara.

Bố thí Ba-la-mật cho kết quả là Bhavasampatti “sự thành tựu về đời sống phạm hạnh và của cải (bhogasampatti)” (Ba-la-mật này đi theo như bóng theo hình mà không thể bị ngăn cản cho đến khi hành giả chứng ngộ Niết bàn). Nó rất cần thiết đối với tất cả những ai còn tái sanh từ kiếp này sang kiếp khác trong luân hồi. (Như đã đề cập trong chương Bố thí Ba-la-mật ở bộ Anudīpanī) vì chư Bồ tát là những người dẫn dắt chúng sanh trong vòng luân hồi nên các Ngài đặc biệt thực hành Ba-la-mật này trong kiếp cuối cùng giống như của thái tử Vessantara. Sau khi thực hành pháp Bố thí Ba-la-mật viên mãn trong kiếp cuối cùng, chư vị Bồ tát kết thúc phận sự thực hành Ba-la-mật. Sự thực hành của các Ngài đã hoàn tất nên các Ngài từ kiếp cuối cùng sanh về cõi Đâu-suất-đà để đợi đúng thời gian thành Phật.

Tám điểm khác biệt (Vematta)

Tám điểm khác biệt này được nêu ra ở cuối phần lịch sử Đức Phật Gotama trong bộ Chú giải Buddhavaṃsa. Trong tác phẩm này, vematta được nêu ra ở cuối lịch sử của hai mươi bốn vị Phật để chúng không quá xa với loạt lịch sử có liên quan, bắt đầu từ lịch sử của Đức Phật Nhiên Đăng.

Vematta là từ Pāḷi xuất phát từ chữ Vimatta (‘vi’ nghĩa là ‘sai biệt’ và matta nghĩa là ‘chiều dài’ hay ‘kích cỡ’). Chư Phật có những ân đức giống nhau và như nhau, nhưng các Ngài khác nhau về tám điểm đặc biệt.

Tám điểm đặc biệt ấy là:

  1. Ayu vematta – Thọ mạng sai biệt

  2. Pamāna vematta – Xích lượng sai biệt (sự khác biệt về chiều cao )

  3. Kula vematta – Tộc tánh sai biệt (sự sai biệt về dòng họ)

  4. Padhāna vematta – Tinh cần sai biệt (sự khác biệt về thời gian thực hành khổ hạnh )

  5. Rasmi vematta – Hào quang sai biệt (sự khác biệt về hào quang từ

    thân )

  6. Yana vematta – Xa thừa sai biệt (sự khác biệt về các phương tiện chuyên chở trong việc xuất gia )

  7. Bodhi vematta – Bồ-đề thọ sai biệt (sự khác biệt về cây giác ngộ )

  8. Pallaṅka vematta – Bảo tọa sai biệt (sự khác biệt về bồ đoàn giác

    ngộ )

    1. Ayu vematta (Thọ mạng sai biệt)

      Ayu vematta là sự khác biệt về tuổi thọ của chư Phật. Chư Phật Dīpaṅkarā, Koṇḍañña. Anomadassī, Paduma, Padumuttara, Atthadassī, Dhammadassī, Siddhattha và Tissa. Chín vị Phật này xuất hiện khi thọ mạng của loài người là một trăm ngàn tuổi.

      Chư Phật Maṅgala, Sumana, Sobhita, Nārada, Sumedha, Sujāta, Piyadassī và Phussa. Tám vị Phật này đều xuất hiện khi thọ mạng của loài người là chín mươi ngàn tuổi.
      Chư Phật Revatā và Vesabhū, hai vị Phật này xuất hiện khi thọ mạng là sáu ngàn tuổi.
      Đức Phật Vipassī xuất hiện khi thọ mạng là tám chục ngàn tuổi; Đức Phật Sikhī xuất hiện khi thọ mạng là bảy chục ngàn tuổi; Đức Phật Kakusandha xuất hiện khi thọ mạng là bốn chục ngàn tuổi; Đức Phật Konāgamana xuất hiện khi thọ mạng là ba chục ngàn tuổi; Đức Phật Kassapa xuất hiện khi thọ mạng là hai chục ngàn tuổi và Đức Phật Gotama của chúng ta xuất hiện thọ mạng là một trăm tuổi.
      Người ta có lẽ lý luận rằng những vị Phật này nên có thọ mạng bằng nhau vì các Ngài đều là những bậc đại sĩ đã thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật ở mức độ cao nhất.
      Về vấn đề này, một bài giải thích chi tiết được nêu ra của phần Chú giải về bài kinh Mahā Padāna của bộ Sutta Mahā Vagga Aṭṭhakathā được trích dẫn như sau: Thọ mạng của loài người trong thế gian tùy thuộc vào sự thọ trì đạo đức chánh pháp của người cai trị. Khi người cai trị tuân giữ đạo đức thì tất cả dân chúng trong nước cũng làm theo và chư thiên cũng vậy, sẽ làm cho có mưa và ban xuống nhiều điều lợi ích khác. Điều này dẫn đến mưa thuận gió hoà và rau trái ngon bổ, v.v… khiến dân chúng được khỏe mạnh và sống lâu. Khi người cai trị không tuân giữ đạo đức thì người dân cũng vậy và chư thiên cũng không quan tâm đến việc tạo mưa đầy đủ và những điều kiện thuận lợi khác. Hậu quả là rau trái xấu đi, thiếu dưỡng chất và khí hậu bất thường. Kết quả là dân chúng không được khỏe mạnh, và tuổi thọ ngắn đi.
      Như vậy, chư Phật xuất hiện trong thời kỳ có thọ mạng lâu dài sẽ trường thọ và chư Phật xuất hiện trong thời kỳ có thọ mạng ngắn thì cũng theo quy luật đó.
      Dù tất cả chư Phật có khả năng kéo dài tuổi thọ của các Ngài do kết quả của nghiệp quá khứ tác động đến sự thọ sanh, nhưng thọ mạng của các Ngài vẫn khác nhau. Theo bộ Chú giải Buddhavaṁsa, trong đó nói rằng: “Upacita puññasambhārānaṃ dīghāyukasamvattanika – kammasam-upetānaṃ pi buddhānaṃ yuga-vasena āyuppamānaṃ asamanaṃ ahosi – dù các Ngài có đầy đủ phước quá khứ có thể đem lại sự trường thọ, nhưng tuổi thọ của chư Phật vẫn không giống nhau tùy theo thọ kiếp (āyu-kappa) của các Ngài.”
      Lấy một ví dụ trong thế gian – cây gỗ tếch có khả năng sống đến một ngàn năm, nhưng nếu hạt của nó được gieo xuống trên vùng đất khô cằn sỏi đá thì nó không thể sống lâu đến thời gian ấy. Tương tự, tuy phước nghiệp của chư vị Bồ tát trong kiếp cuối tạo ra sự thọ sanh và có khả năng làm cho thọ mạng được lâu dài, nhưng nếu các Ngài chứng đắc Phật quả trong thời kỳ thế gian có thọ kiếp ngắn ngủi, giống như cây gỗ tếch mọc ở vùng đất khô cằn, thọ mạng của các Ngài cũng theo qui luật đó.

      Thọ mạng mà chư Phật xuất hiện

      Chư Phật không xuất hiện trong kiếp mà thọ mạng của loài người đang ở trong thời kỳ tăng lên. Vì nếu Đức Phật xuất hiện trong kiếp như vậy và thuyết pháp về vô thường, v.v… thì chúng sanh sẽ không hiều về các tướng vô thường, khổ và vô ngã của các pháp hữu vi vì tuổi thọ của họ quá dài, hết kiếp này sang kiếp khác. Vì lý do này, chư Phật không xuất hiện trong những kiếp tăng, các Ngài chỉ xuất hiện trong những kiếp giảm mà thôi.
      Ngày cả trong những kiếp giảm, chư Phật cũng chỉ xuất hiện trong những kiếp có thọ mạng cao nhất là một trăm ngàn năm. Các Ngài
      không xuất hiện trong những kiếp có thọ mạng nhiều hơn một trăm ngàn năm vì sự thuyết pháp của các Ngài về Tam tướng của các pháp hữu vi lúc ấy sẽ giống như nước đổ lá môn. Khi thọ mạng giảm từ một trăm ngàn năm đến mức thấp nhất là một trăm năm, trong khoảng thời gian ấy chư Phật mới xuất hiện. Khi thọ mạng giảm xuống thấp hơn một trăm năm thì chư Phật sẽ không xuất hiện, vì đặc tính của các pháp hữu vi hiển lộ rõ ràng, những ô nhiễm tham sân si ngày càng tăng, chúng sanh phiền não quá nhiều nên họ không thể chứng ngộ được Tam tướng – vô thường, khổ và vô ngã trong thọ mạng ngắn ngủi này. Do đó, những thọ kiếp thấp hơn một trăm năm đều không có chư Phật xuất hiện.
      Như vậy chư Phật chỉ xuất hiện trong những kiếp có thọ mạng cao nhất là một trăm ngàn tuổi và thấp nhất là một trăm tuổi. Tuy chư Phật xuất hiện trong khoảng thời gian ấy, nhưng các Ngài chỉ xuất hiện ở thọ kiếp nào có thọ mạng phù hợp với thọ mạng của kiếp mà các Ngài hoàn tất các pháp Ba-la-mật lúc còn là Bồ tát. Những vị Bồ tát hoàn tất phận sự thực hành các pháp Ba-la-mật trong kiếp có tuổi thọ là một trăm ngàn năm thì các Ngài sẽ thành Phật trong kiếp có thọ mạng ấy. Những vị Bồ tát chưa hoàn tất phận sự thực hành các pháp Ba-la-mật và không thể thành Phật trong kiếp có thọ mạng một trăm ngàn năm, mà chỉ xuất hiện thành Phật trong những kiếp nào có thọ mạng giống như kiếp mà các Ngài hoàn tất các pháp Ba-la-mật. Những kiếp như vậy có thể là những kiếp có thọ mạng chín chục ngàn năm, hoặc tám chục ngàn năm, bảy chục ngàn năm, sáu chục ngàn năm, v.v….
      Trong hiền kiếp Bhadda kappa này, Đức Phật Kakusandha xuất hiện trong kiếp có thọ mạng bốn chục ngàn năm (sau Ngài một trung kiếp (antara kappa) trôi qua), và Đức Phật Koṇāgamana xuất hiện trong kiếp có thọ mạng ba chục ngàn năm (rồi một trung kiếp trôi qua), và Đức Phật Kassapa xuất hiện trong kiếp có thọ mạng hai chục ngàn năm. Từ dữ liệu này, chúng ta có thể đoán ra rằng Đức Phật Gotama của chúng ta sẽ xuất hiện theo cách tương tự như thế, tức là
      trong thọ kiếp mười ngàn năm khi một trung kiếp đã trôi qua sau Đức Phật Kassapa. Nhưng Ngài không thể xuất hiện khi ấy vì các pháp Ba- la-mật của Ngài chưa đạt đến mức thành thục. Ngài cũng không thể xuất hiện trong thọ kiếp năm ngàn năm, hoặc một ngàn năm hoặc một trăm năm. Lý do là sự thành tựu viên mãn các pháp Ba-la-mật của Ngài chỉ xảy ra kiếp Ngài sanh làm thái tử Vessantara. (Chỉ trong kiếp ấy các pháp Ba-la-mật của Ngài mới thành tựu viên mãn). Kiếp Ngài sanh làm thái tử Vessantara xảy ra trong kiếp có thọ mạng là một trăm năm. Kể từ đó phận sự thực hành các pháp Ba-la-mật của Ngài đi đến chỗ kết thúc (các pháp Ba-la-mật đã được thành tựu viên mãn). Như vậy, Đức Phật Gotama chỉ xuất hiện trong kiếp có cùng thọ mạng là một trăm năm.

    2. Pamāṇa Vematta (Xích lượng sai biệt)

      Pamāṇa vematta là sự khác biệt về chiều cao của chư Phật.

      Chiều cao của sáu vị Phật Dīpaṅkarā, Revata, Piyadassī, Atthadassī, Dhammadassī và Vipassī là tám mươi hắc tay.
      Chiều cao của bốn vị Phật Koṇḍañña, Maṅgala, Nārada và
      Sumedha là tám mươi tám hắc tay.
      Chiều cao của Đức Phật Sumana là chín mươi hắc tay.
      Chiều cao của năm vị Phật Sobhita, Anomadassī, Paduma, Padumuttara và Phussa là năm mươi tám hắc tay.
      Chiều cao của Đức Phật Sujāta là năm mươi hắc tay.
      Chiều cao của ba vị Phật Siddhattha, Tissa và Vessabhū là sáu mươi hắc tay.
      Chiều cao của Đức Phật Sikhī là bảy mươi hắc tay.
      Các chiều cao của những vị Phật Kakusandha, Koṇāgamana và Kassapa lần lượt là bốn mươi, ba mươi và hai mươi hắc tay.
      Đức Phật Gotama cao mười sáu hay mười tám hắc tay.
      Cần chú ý rằng những sai biệt về chiều cao của chư Phật được tạo ra do bởi khí hậu và vật thực. Vì chư Phật xuất hiện từ cõi nhân loại mang hình hài của con người nên thọ mạng của các Ngài tự nhiên giống như thọ mạng của bao người khác trong thời kỳ ấy. Chư Phật xuất hiện trong thời kỳ có thọ mạng chín chục ngàn năm thì các Ngài cũng sống đến chín chục ngàn năm. Như vậy thọ mạng của chư Phật phù hợp với thọ mạng của loài người.
      Tuy nhiên, chiều cao của các Ngài không thể quyết định do thọ mạng của các Ngài dù các Ngài xuất hiện có cùng thọ mạng chẳng hạn một trăm năm, nhưng chư Phật Dīpaṅkarā, Atthadassī và Dhammadassī chỉ cao tám mươi hắc tay, còn Đức Phật Koṇḍañña thì cao tám mươi tám hắc tay; chư Phật Anomadassī, Paduma và Padumuttara thì cao năm mươi tám hắc tay, chư Phật Siddhattha và Tissa thì cao sáu mươi hắc tay. Điều này cho thấy rằng chiều cao của chư Phật không liên quan đến thọ mạng của các Ngài. Nếu chư Phật có cùng tuổi thọ mà khác nhau về chiều cao như vậy thì chư Phật xuất hiện trong những thời kỳ khác nhau cũng thế.
      Qua câu nói trong điều học Nanda Sikkhāpada, Ratanavagga, pācittiya Pāḷi, Vinaya Piṭaka, rằng người em trai của Đức Phật – đại đức Nanda, chỉ thấp hơn Đức Phật bốn lóng tay, có thể nói rằng những người khác cùng thời cao gần bằng Đức Phật. Do đó, có thể suy ra rằng chiều cao của Đức Phật bằng với chiều cao của những người cùng thời với Ngài. Nhưng nói vậy không có nghĩa là hai bên đều cao bằng nhau một cách chính xác.
      Sở dĩ Đức Phật với những người đồng thời có chiều cao gần bằng nhau là do hai yếu tố khí hậu và vật thực. khi người cai trị và dân
      chúng trong nước không gìn giữ đạo đức (ngoại trừ những bậc Thánh và các bậc hiền trí) thì xảy ra khí hậu bất thường và vật thực thiếu chất bổ dưỡng; nên thể chất của con người cũng bị ảnh hưởng theo, không thể phát triển hết mức. Ngược lại, thể chất sẽ phát triển tốt nếu đạo đức hưng thịnh trong dân chúng.

    3. Kula vematta (Tộc tánh sai biệt)

      Kula vematta là sự khác biệt về dòng tộc của chư Phật.

      Chư Phật Kakusandha, Koṇāgamana và Kassapa xuất thân từ dòng Bà-la-môn, trong khi đó hai mươi hai vị Phật còn lại đều sanh ra trong dòng Khattiya (Sát-đế-lỵ). Khi mọi người trong thế gian công nhận những vị Khattiya là cao quý thì chư Phật xuất thân từ dòng dõi Khattiya. Khi họ công nhận các vị Bà-la-môn là cao quý nhất thì chư Phật sanh ra từ dòng Bà-la-môn.

    4. Padhāna vematta (Tinh cần sai biệt)

      Padhāna vematta là sự khác biệt về thời gian tu khổ hạnh

      (dukkaracariyā)
      Bảy vị Phật Dīpaṅkarā, Koṇḍañña, Sumana, Anomadassi, Sujāta, Siddhattha và Kakusandha đều thực hành pháp khổ hạnh trong mười tháng.
      Bốn vị Phật Maṅgala, Sumedha, Tissa và Sikhī đều thực hành khổ hạnh trong tám tháng.
      Đức Phật Revatā thực hành khổ hạnh trong bảy tháng và Đức Phật Sobhita thực hành khổ hành trong bốn tháng.
      Ba vị Phật Paduma, Atthadassī, và Vipassī đều thực hành khổ hạnh trong nửa tháng (mười lăm ngày).
      Bốn vị Phật Nārada, Padumuttara, Dhammadassī và Kassapa đều thực hành khổ hạnh trong bảy ngày.
      Chư Phật Piyadassī, Phussa, Vessabhū và Koṇāgamana thực hành khổ hành trong sáu tháng.
      Đức Phật Gotama của chúng ta, bậc Thế Tôn của ba cõi, có những ân đức bất khả tư nghì, đã thực hành khổ hạnh trong sáu năm.
      Như có những lý do sự bất đồng về thọ mạng, v.v… ở đây cũng có duyên cớ sự khác biệt về thời gian thực hành pháp khổ hạnh (đặc biệt trong trường hợp của Đức Phật Gotama). Qua tìm hiểu có thể thấy rằng sự khác biệt này do bởi nghiệp quá khứ của Ngài.
      Nói rõ hơn – trong bài kinh Pubbakammavilotika Buddhapadāna, Avataphala Vagga, Apadāna Pāḷi, cuốn 1, chính Đức Phật dạy rằng (về ác nghiệp trổ quả trong sự thực hành khổ hạnh của Ngài, nên Ngài phải trải qua sáu năm khổ hạnh): “Avacahaṃ jotipālo sugataṃ kassapaṃ tada, v.v... – Trong thời Đức Phật Kassapa, ta là Jotipāla, một thanh niên Bà-la-môn. Khi ấy ta đã khờ dại mà xúc phạm Ngài bằng lời nói: “Làm sao kẻ trọc đầu này có thể chứng đắc A-la-hán và Nhất thiết trí được. Những điều ấy rất khó chứng đắc.” Do khẩu ác nghiệp ấy, ta phải trải qua sáư năm thực hành khổ hạnh trong kiếp cuối cùng.”
      Xét về vấn đề được nêu ra trực tiếp trong Kinh tạng rằng Đức Phật đã phải trải qua sáư năm để thực hành pháp khổ hạnh do bởi sự xúc phạm trong quá khứ của Ngài; chúng ta có thể hiểu rằng những vị Phật thực hành khổ hạnh chỉ trong bảy ngày, như vậy theo đúng với phước nghiệp to lớn của các Ngài.
      Do đó, có thể nói rằng sự khác biệt về thời gian thực hành pháp khổ hạnh là do ảnh hưởng của nghiệp quá khứ mà các Ngài đã gieo.
      Tuy các sự khác biệt về thời gian thực hành sa-môn pháp (padhana-viriya) ngay trước khi các Ngài thành Phật, nhưng khi các Ngài đã đạt được mục tiêu cứu cánh thì mức độ tinh tấn các Ngài đã thể hiện, là một trong sáu loại oai lực của một vị Phật, đều y như nhau.

    5. Rasmi vematta (Hào quang sai biệt)

Rasmi vematta là sự khác biệt về hào quang phát ra từ thân.

Hào quang của Đức Phật Maṅgala chiếu sáng khắp mười ngàn thế giới; hào quang của Đức Phật Padumuttara chiếu sáng xa mười hai do tuần; hào quang của Đức Phật Vipassī xa bảy do tuần; hào quang của Đức Phật Sikhī xa ba do tuần; hào quang của Đức Phật Kakusandha xa mười do tuần; hào quang của Đức Phật Gotama xa một sải tay, tức bốn hắc tay. Hào quang của những vị Phật còn lại không thường chiếu nhưng nếu muốn, các Ngài có thể làm cho chúng chiếu xa bao nhiêu cũng được.

Tatra rasmi vemattaṃ ajjhasayappatibaddhaṃ. Yo yattakam icchati tassa tattaka sarirappabha pharati. Maṅgalassa pana ‘niccam pi dasa sahassilokadhatum pharatu’ti ajjhasayo ahosi. (Chú giải kinh Mahāvagga, Chatthasangayana )

Trong các điều sai biệt, hào quang sai biệt có liên quan đến ước nguyện của Đức Phật trong thời gian Ngài đang thực hành các pháp Ba-la-mật. Vào lúc thực hành các Ba-la-mật, nếu vị Bồ tát ấy muốn hào quang từ thân sẽ chiếu xa đến bao nhiêu thì khi thành Phật hào quang ấy sẽ chiếu xa bấy nhiêu. Tuy nhiên, ước nguyện trong quá khứ của Đức Phật Maṅgala là: “Xin cho hào quang của tôi chiếu sáng khắp mười ngàn thế giới. (Trong bộ Tika của bộ Chú giải này, ajjhasaya được giải thích là lời nguyện được nói ra, trong khi Bồ tát đang thực hành các pháp Ba-la-mật).

Khi người ta tìm kiếm nguyên nhân về sự khác biệt giữa hào quang của các vị Phật, người ta nói rằng chính do các pháp Ba-la-mật mà các Ngài đã thực hành. Các nhà Chú giải đã giải thích trong câu chuyện về Đức Phật Maṅgala, bậc có hào quang chiếu sáng khắp mười ngàn thế giới.

Trong kiếp cuối cùng của Ngài, (giống như kiếp bồ tát Gotama sanh làm thái tử Vessantara) khi đang thực hành các pháp Ba-la-mật. Một thời Bồ tát Maṅgala đang sống với gia đình trên một ngọn đồi giống như đồi Vankapabbata. Một dạ-xoa tên là Kharadathika, trong hình tướng một vị Bà-la-môn, đã xin Bồ tát bố thí hai đứa con. Khi nghĩ rằng: “Ta sẽ hoan hỷ bố thí chúng,” Ngài thực sự đã làm thế. Khi đang đứng dựa vào cái hàng rào bằng các thanh gỗ ở cuối con đường mòn, dạ xoa đã ăn thịt đứa con trai và con gái ngay trước mặt Bồ tát, tựa như nó đang nhai những cọng sen. Khi Bồ tát nhìn vào dạ xoa, Ngài thấy những dòng máu bắn ra từ miệng của dạ xoa giống như những ngọn lửa. Nhưng Ngài không chút sầu bi “Ta đã thực hiện tốt việc bố thí.” Nghĩ như vậy, Ngài thực sự hoan hỷ với việc làm ấy. “Do kết quả của việc phước này, xin cho hào quang từ thân của tôi trong tương lai sẽ chiếu sáng như vậy.” Bồ tát đã nói lên lời nguyện như vậy. Do kết quả của lời nguyện này mà khi thành Phật, hào quang từ thân của Ngài chiếu sáng khắp nơi trong mười ngàn thế giới.

Từ bài giải thích này, chúng ta nên hiểu rằng sự khác biệt về hào quang tùy thuộc việc chư Phật đã nguyện hoặc không nguyện trong quá khứ. Khi nói về hào quang từ thân, người ta thường ám chỉ về hào quang tự nhiên của chư Phật. Nếu được tạo ra bằng oai lực của các Ngài theo đúng với ước muốn của các Ngài, thì bất cứ vị Phật nào cũng có thể phát sáng xa bao nhiêu tùy thích. Về vấn đề oai lực, hoàn toàn không có sự khác biệt. không thể nói rằng “Vị Phật này có oai lực ít hơn.” hay “Vị Phật kia có oai lực nhiều hơn.”

Ba loại hào quang từ thân

  1. Hào quang Byāmappabhā: loại hào quang này thường xuyên phát ra từ thân tự nhiên của Đức Phật, dài một sải tay, hào quang phủ quanh thân rất dày đặc đến nỗi người ta khó có thể nhìn thấy thân của Ngài. Khi người ta nhìn vào ánh sáng của bóng đèn điện cách xa khoảng một cây tre, họ sẽ nghĩ rằng đốm sáng là quả cầu lửa. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ và gần hơn người ta có thể nhìn thấy tim của bóng đèn đang cháy sáng. Y như vậy, thân của Đức Phật có hào quang bao quanh, mỗi chùm hào quang dài một sải tay. Những hào quang ấy dày đặc và rộng lớn được gọi là byamappabhā.
  2. Hào quang Asītiniccalobhāsa: Loại hào quang này là sự liên tục chiếu sáng của loại hào quang byāmappabhā và xa tám mươi hắc tay.
  3. Hào quang Disapharana: Loại hào quang này chiếu khắp vô số thế giới do bởi máu của Đức Phật v.v… và hào quang trở nên rõ ràng hơn khi Đức Phật quán về giáo lý Paṭṭhāna (một trong bảy bộ luận) hoặc khi Ngài thị hiện Song thông, hay những trường hợp khác.

    Hai loại hào quang

    Phẩm chất đặc biệt từ nước da của Đức Phật mà nhân loại, chư thiên và Phạm thiên có thể thấy được thì gọi là hào quang. Theo tạng Abhidhamma, hào quang byāmappabhā và hào quang asītiniccalobhāsa được gọi là hào quang phát sanh do phước nghiệp quá khứ; kammaja (hay hào quang phát sanh do thời tiết được tạo ra bởi nghiệp, utuja kammapaccaya), hai loại hào quang này có nghiệp quá khứ là nhân của chúng. Hào quang do tâm sanh (cittaja) (hoặc hào quang do thời tiết sanh, do tâm làm duyên sanh – cittapaccaya-utuja) vì nguyên nhân của nó làm tâm rõ ràng.

    1. Yāna vematta (Xa thừa sai biệt)

      Yāna vematta là phương tiện đi lại mà Bồ tát sử dụng trong lúc xuất

      gia.
      Đức Phật Dīpaṅkarā, Sumana, Sumedha, Phussa, Sikhī và
      Koṇāgamana đi xuất gia bằng voi.
      Đức Phật Koṇḍañña, Revata, Paduma, Piyadassī, Vipassī và Kakusandha đi xuất gia bằng xe ngựa kéo.
      Đức Phật Maṅgala, Sujāta, Atthadassī, Tissa và Gotama đi xuất gia bằng ngựa.
      Đức Phật Anomadassī, Siddhattha và Vesabhū đi xuất gia bằng kiệu
      vàng.
      Đức Phật Nārada tự mình đi xuất gia (đi bộ)
      Đức Phật Sobhita, Padumuttara, Dhammadassī và Kassapa đi xuất gia bằng cung điện bay bỗng lên không trung.
      Như vậy, sự khác biệt về phương tiện đi lại mà chư Bồ tát trong lúc
      xuất gia được gọi Yāna vematta.

    2. Bodhi vematta (Bồ đề sai biệt)

      Bodhi vematta là sự khác biệt về cây bồ-đề, nơi thành đạo của mỗi vị Phật.

      Sự thành đạo của Đức Phật Dīpaṅkarā xảy ra dưới cội cây nigrodha. Sự thành đạo của Đức Phật Koṇḍañña xảy ra dưới cội cây

      salakayanī.

      Sự thành đạo của chư Phật Maṅgala, Sumana, Revata và Sobhita
      xảy ra dưới cội cây thiết mộc nāga.
      Đức Phật Anomadassī thành đạo dưới cội cây ajjuna.
      Chư Phật Paduma và Narada thành đạo dưới cội cây mahāsoṇa.
      Đức Phật Padumuttara thành đạo dưới cội cây salala. Đức Phật Sumedha thành đạo dưới cội cây mahānipa. Đức Phật Sujāta thành đạo dưới cội cây mahāvelu.
      Đức Phật Piyadassī thành đạo dưới cội cây kakudha.
      Đức Phật Atthadassī thành đạo dươi cội cây campaka. Đức Phật Dhammadassī thành đạo dưới cội cây bimbijāla. Đức Phật Siddhattha thành đạo dưới cội cây kanikāra.
      Đức Phật Tissa thành đạo dưới cội cây asana. Đức Phật Phussa thành đạo dưới cội cây amalaka. Đức Phật Vipassī thành đạo dưới cội cây patali.
      Đức Phật Sikhī thành đạo dưới cội cây pundarika. Đức Phật Vessabhū thành đạo dưới cội cây mahāsala. Đức Phật Kakusandha thành đạo dưới cội cây sirisa.
      Đức Phật Koṇāgamana thành đạo dưới cội cây udumbara.
      Đức Phật Kassapa thành đạo dưới cội cây nigrodha.
      Đức Phật Gotama thành đạo dưới cội cây assattha.
      (Bốn thánh đạo được gọi Bodhi, bởi vì nó dẫn đến trí tuệ giác ngộ Tứ diệu đế. Nhất thiết trí được gọi là Bodhi bởi vì nó dẫn đến trí tuệ giác ngộ. Định nghĩa của nó là: Bujjhati’ ti bodhi – cái gì biết về Tứ Diệu Đế và cái gì biết điều cần biết thì cái đó là Bodhi. Cây mà nơi đó Bồ tát ngồi giác ngộ Tứ Diệu Đế và những pháp khác cần được thông suốt cũng được gọi là Bodhi. Định nghĩa ở đây là: “Bujjhati ettha’ti Bodhi – Dưới cái cây vị Bồ tát giác ngộ Tứ Diệu Đế và tất cả những gì cần được biết thì được gọi là Bodhi”).
      Sự khác biệt về cây Bodhi nơi chư Bồ tát chứng đắc quả vị Phật được gọi là Bồ đề sai biệt (Bodhi vematta )

    3. Pallaṅka vematta (Bảo tọa sai biệt)

Pallaṅka vematta là sự khác biệt về chiều cao của bảo tọa của chư Phật.

Bồ đoàn giác ngộ của chư Phật Dīpaṅkarā, Revata, Piyadassī,

Atthadassī, Dhammadassī và Vipassī cao năm mươi ba hắc tay.

Bồ đoàn giác ngộ của chư Phật Koṇḍañña, Maṅgala, Nārada và Sumedha cao năm mươi bảy hắc tay.

Bồ đoàn giác ngộ của Đức Phật Sumana cao sáu mươi hắc tay.

Bồ đoàn giác ngộ của chư Phật Sobhita, Anomadassī, Paduma,

Padumuttara và Phussa cao ba mươi tám hắc tay.

Bồ đoàn giác ngộ của Đức Phật Sujāta cao ba mươi hai hắc tay.

Bồ đoàn giác ngộ của chư Phật Siddhattha, Tissa và Vessabhū cao bốn mươi hắc tay.

Bồ đoàn giác ngộ Đức Phật Sikhī cao ba mươi hai hắc tay.

Bồ đoàn giác ngộ của Đức Phật Kakusandha cao hai mươi sáu hắc

tay.

Bồ đoàn giác ngộ của Đức Phật Koṇāgamana cao hai mươi hắc tay. Bồ đoàn giác ngộ của Đức Phật Kassapa cao mười lăm hắc tay.

Bồ đoàn giác ngộ của Đức Phật Gotama cao mười bốn hắc tay.

Hai loại bảo tọa

Về vấn đề này, nên lưu ý rằng có hai loại bảo toạ: ābhujana pallaṅka và āsana pallaṅka. Trong hai loại này, ābhujana pallaṅka nghĩa là thế ngồi kiết già như trong câu Pāḷi: “nisīdati pallankaṃ ābhujitvā” của bài kinh Mahā Satipatthāna, v.v…

Còn āsana pallaṅka nghĩa là một loại ghế ngồi. Āsana ppallaṅka có nhiều loại như seṭṭhi pallaṅka, rāja pallanka, nāga pallaṅka, deva pallaṅka, dhamma pallaṅka, bodhi pallaṅka, v.v….

Trong bài Chú giải của bổn sanh Mayhaka, Suci Vagga, Chakka Nipāta, có đoạn nói rằng: “Gaccha imaṃ amhakaṃ gharam ānetvā mama pallanke nisīdāpetvā amhākaṃ patiyattabhattassa pattaṃ dāpehi – Ngươi hãy đi thỉnh Đức Phật Độc giác về nhà ta. Hãy thỉnh Ngài ngồi trên chiếc ghế của ta và đặt vật thực dành cho ta vào trong bát của Ngài.” Đó là chiếc ghế của vị trưởng giả xứ Bārāṇasī, gọi là seṭṭhi pallaṅka – ghế của những người giàu có.

Các loại ngai vàng gồm có:

  1. Sīhāsana pallaṅka: Ngai vàng làm bằng gỗ có những hình sư tử ở dưới đế và được đặt ở chánh phòng của hoàng cung, nơi mà đức vua chủ tọa những cuộc họp triều.

  2. Haṃsāsana pallaṅka: Ngai vàng làm bằng gỗ thingan có hình thiên nga ở đế và được đặt ở giảng đường Jetavana, ở đó đức vua đến làm lễ Tam bảo.

  3. Saṅkhāsana pallaṅka: Ngai vàng làm bằng gỗ xoài có hình vỏ ốc ở đế và được đặt ở trong phòng để vua ngồi vấn khăn đầu.

  4. Bhamarāsana pallaṅka: Ngai vàng làm bằng gỗ karaway có hình con ong ở đế và được đặt ở phòng nghỉ của vua.

  5. Gajasana pallaṅka: Ngai vàng làm bằng gỗ saga có hình con voi ở đế và được đặt ở Byai Taik, nơi mà đức vua ban thưởng hoặc ra hình phạt.

  6. Mayurāsana pallaṅka: Ngai vàng làm bằng gỗ Pauk, có hình chin công ở đế và được đặt ở phòng phía bắc nơi mà vua tiếp nhận những con voi và những ngựa làm cống phẩm.

  7. Migāsana pallaṅka: Ngai vàng làm bằng gỗ cây sung có hình con nai ở đế và được đặt ở phòng phía nam nơi mà vua chủ toạ những buổi họp và

  8. Padumāsana pallaṅka: Ngai vàng làm bằng gỗ mít có hình hoa sen ở đế và được đặt ở phòng phía tây nơi vua ngồi để người ta bày tỏ sự tôn vinh.

Tám loại ngai vàng này dành cho vị hoàng đế hoặc tám mươi bốn ngàn cái ngai vàng dành cho vị Chuyển luân vương, Mahā Sudassana, được gọi là Raja pallaṅka.

Ngai vàng của Long vương thì gọi Nāga pallaṅka.

Loại ngai vàng được nêu ra trong bài kinh Janavasabha, bài kinh Mahā Govinda v.v… của bộ Sutta Mahāvagga như sau: “Phạm thiên Sanankumāra có thể ngồi vào chiếc ngai của vị thiên, nếu vị ấy thích.” và loại bảo tọa bằng hồng ngọc có kích thước một do tuần dành cho đại đức Mahā Moggallāna, được đề cập trong kinh Cula Tanhasankhaya được gọi là Deva pallaṅka.

Loại bảo tọa dành cho hai vị trả lời về Tam tạng, đại đức Upāli và đại đức Ānanda, trong cuộc kiết tập Tam tạng lần thứ nhất được giới thiệu trong bộ Chú giải Sutta Sīlakkhandha, v.v… và những bảo tọa dành cho các bậc đạo sư như chư Phật, v.v… được gọi là Dhamma pallaṅka.

Loại bảo tọa mà tất cả chư vị Bồ tát ngồi kiết già với chí nguyện bất thối: “Ta sẽ không bao giờ rời khỏi chỗ ngồi này chừng nào ta chưa chứng được A-la-hán đạo tuệ và Nhất thiết trí.” Thì được gọi là Bodhi pallaṅka. Vì đó là chỗ ngồi mà chư Phật chiến thắng ngũ ma nên bảo tọa ấy được gọi là Vô địch bảo tọa – Aparājita pallaṅka.

Bodhi pallaṅka là bảo tọa nằm ở hướng Đông cách cây bồ-đề bốn hắc tay, cây bồ-đề này mọc trên vùng đất thiêng Bodhi Mandala, cao một trăm hắc tay và rất xinh đẹp. Bảo tọa từ lòng đất xuất hiện ngay khi Bồ tát rải tám nắm cỏ tại chính chỗ ấy. Bảo tọa ấy có được là do kết quả của những phước nghiệp mà Ngài đã gieo tạo trong quá khứ khi đang thực hành pháp Ba-la-mật. Bảo tọa được trang trí bằng nhiều loại châu báu và rất lộng lẫy. Vì đó là nơi mà Bồ tát chứng đắc đạo quả A-la-hán và Nhất thiết trí, nên nó được gọi là Bodhi Pallaṅka.

HẾT CUỐN 1 CỦA BỘ ĐẠI PHẬT SỬ

<

p class=”s5″>12-9, Tân Tỵ (ÂL)

Visits: 17105