"Cú ngã" tỉnh thức về Khổ đế

“Cú ngã’ tỉnh thức về Khổ đế

[responsivevoice_button voice=”Vietnamese Female” buttontext=”Bấm Để Nghe Đọc”]

 

Tôi nhớ ngày mới tập đi xe đạp, cha mẹ tôi thường dặn hãy đi chậm thôi, kẻo ngã. Những lời nói ấy hiếm khi được nhớ vào đầu cho đến khi tôi bị ngã xe khi đang phóng thật nhanh. Lúc ấy lời cặn dặn thật sự xuất hiện trong đầu tôi. Sau này lớn lên, khi tiếp xúc với Phật pháp, tôi hiểu lời căn dặn đó còn được gọi là pháp Học và cú ngã được gọi là pháp Hành.

Thật sự nếu không có cú ngã, lời dạy sẽ không được nhớ đến. Tức là không có pháp Hành thì pháp Học không được nhớ đến hay có cũng như không. Cú ngã là sự tỉnh thức hay thực chứng trong pháp Hành, sự thực chứng về Khổ. Đức Phật đã dạy Khổ đế cần phải biết rõ thì Tập đế mới được đoạn trừ. Khi cú ngã xảy ra (Khổ đế) thì sự tham muốn phóng xe thật nhanh (Nguyên nhân của Khổ) không còn nữa. Cú ngã tưởng như là một thất bại nhưng thật ra chính là dấu mốc cho mới sự khởi đầu mới trong thực hành hay thoát khỏi ảo tưởng về “Lạc đế” và bản ngã.

Ví như một người tu hành thích chơi cây cảnh nói rằng bông hoa không có Khổ đế nên việc chơi cây cảnh, ngắm hoa đẹp không cần phải đoạn trừ. Cho đến một ngày, sau khi một cơn bão đi qua, những dàn cây cảnh đổ sập, trụi lá, hoa tàn. Người đó mới cảm thấy có gì đó đang thay đổi, đổ vỡ bên trong tâm và bên ngoài tâm (dàn cây cảnh). Lúc đó lời Đức Phật dạy trong Khổ Ngoại mới được nhớ đến: “Các sắc, các tiếng, các hương, các vị, các xúc, này các Tỷ-kheo, là khổ. Các sắc, các hương là khổ nên việc chơi cây, ngắm hoa giống như việc cầm hòn sắt nóng cho đến lúc bỏng tay mà thôi. Bất cứ cái gì Khổ mà cầm nắm, bám víu (Tập đế) vào chúng đều gây ra Khổ.

"Cú ngã" tỉnh thức về Khổ đế

Khổ đế có 3 loại: Khổ khổ, Hoại khổ, Hành khổ. Khổ khổ ví cho khổ thân và tâm khi quả của nghiệp xấu trổ ra. Hoại khổ là sự dễ chịu của thân và tâm, sự an lạc tạm thời (che khuất sự khổ) khi quả của nghiệp lành trổ ra. Hành khổ là không khổ không lạc nhưng thân và tâm vẫn bị sinh diệt liên tục bên trong và bên ngoài. Cây cảnh, cành hoa không có nghiệp vì chúng không có tâm nhưng chúng vẫn bị sinh diệt liên tục bên trong và bên ngoài chúng nên thuộc về Hành khổ. Mọi sắc pháp (28 sắc pháp chân đế) đều thuộc loại Hành khổ. Để trải nghiệm Hành khổ, hành giả cần thực hành thiền Tứ Niệm Xứ. Ví dụ như khi quan sát thọ xả (không khổ không lạc) hành giả cần quan sát: “Tâm tôi không có thọ khổ, không có thọ lạc”. Hành giả sẽ thấy thọ xả (không khổ không lạc) cũng liên tục sinh diệt và hành giả sẽ trải nghiệm về Hành khổ trong Khổ đế để không còn bám víu (diệt trừ Tập đế) vào Hành khổ nữa. Lúc đó hành giả sẽ nhớ đến bài Khổ Ngoại của Đức Phật đã dạy giống như thực chứng “cú ngã” xe rồi mới nhớ đến lời dặn của cha mẹ. Việc này sẽ chấm ảo tưởng về một cây thông đứng giữa trời mà reo bởi không còn khổ của kiếp người như trong một bài thơ đã viết: “Kiếp sau xin chớ làm người. Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.” Làm cây thông cũng khổ vì chúng thuộc loại Hành khổ (khổ bởi sự sinh diệt liên tục của pháp hữu vi).  Người thuần sắc uẩn (không có tâm) ở cõi Vô Tưởng cũng khổ bởi sự sinh diệt liên tục. Đức Phật đã dạy trong kinh Tương Ưng:

“Chỉ có Khổ sanh

Khổ tồn tại, Khổ diệt

Ngoài Khổ, không gì sanh

Ngoài Khổ, không gì diệt.”

Thấy Biết (tuniemxu.org)

Visits: 4632