
Con đường thiền Tứ Niệm Xứ: Từ có điều kiện đến vô điều kiện.
CON ĐƯỜNG THIỀN TỨ NIỆM XỨ: TỪ CÓ ĐIỀU KIỆN ĐẾN VÔ ĐIỀU KIỆN.
Trong 7 điều kiện thích hợp để hành thiền như: trú xứ, vị thầy, pháp môn, bạn đạo, thời tiết, thức ăn, địa điểm đã nói lên các điều kiện để hành thiền cho dù thiền đó là thiền định (samatha) hay thiền tuệ (vipassana). Giống như đứa trẻ chưa biết đi, cần có người tập đi để rồi biết đi biết chạy. Giống như người chưa biết viết cần người hướng dẫn nhận mặt chữ a, b, c rồi tập viết chính tả, tập làm văn… Người hành thiền ban đầu rất cần các điều kiện hành thiền như vậy như một điều kiện bắt buộc để thực hành thiền. Nhưng khi đi sâu vào phương pháp thiền Tuệ (vipassana) hay thiền Tứ Niệm Xứ (satipatthana) theo thời gian thì các điều kiện sẽ không còn quan trọng nữa vì mục đích cuối cùng của thiền Tứ Niệm Xứ là để KHÔNG NƯƠNG TỰA, KHÔNG CHẤP TRƯỚC việc gì ở đời trong việc chế ngự tham, sân, si. Tức là hành giả phải tập dần với việc rơi rụng các điều kiện đó như đôi khi trú xứ không thích hợp, hay bạn đạo không thích hợp, thời tiết không thích hợp…. Sự không thích hợp sẽ tăng dần lên để hành giả tập dần với sự bất toại nguyện trong sự quan sát thân tâm với tâm quân bình hay tâm xả. Sống lâu với TÂM QUÂN BÌNH hay XẢ trong sự BẤT TOẠI NGUYỆN của đời sống chính là con đường dẫn tới sự chế ngự tham ưu trong đời một cách vô điều kiện (không nương tựa, không chấp trước việc gì ở đời). Đây chính là con đường Tứ Niệm Xứ: “Con đường độc nhất diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết bàn” đã được Đức Phật chỉ dạy trong kinh Tứ Niệm Xứ. Khi nào hành giả nhận ra và quan sát điều này là hành giả đang đi trên con đường Tứ Niệm Xứ. Còn chưa nhận ra, chưa chấp nhận thì dù chúng ta đến với thiền với đạo bao nhiêu năm tháng nữa thì vẫn chưa đi trên con đường Tứ Niệm Xứ, tức là phiền não vẫn y nguyên thậm chí còn tăng trưởng vi tế hơn nữa.
(Thấy Biết)
You must be logged in to post a comment.