Con đem hết long thành kinh

Con đem hết lòng thành kính

CON ĐEM HẾT LÒNG THÀNH KÍNH…

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa

Con đem hết long thành kinh

1-Hỏi: Tại sao tôi học thiền Tứ Niệm Xứ nhiều năm mà không thấy bớt phiền não?

Đáp: Bạn cần tính số thời gian mình chánh niệm thì sẽ đúng hơn là thời gian học Tứ Niệm Xứ. Vì Tứ Niệm Xứ chính là thực hành chánh niệm trên thân, thọ, tâm, pháp. Không có chánh niệm thì không có Tứ Niệm Xứ dù bạn học Tứ Niệm Xứ đến 100 năm.

2-Hỏi: Tôi cần thái độ gì khi thực hành chánh niệm?

Đáp: Bạn cần HẾT LÒNG thực hành chánh niệm với sự TRÂN TRỌNG đề mục và quan sát của chính mình. Đây chính là cách thực hành sự “nhiệt tâm” được dạy ngay từ đầu bài kinh Đại Niệm Xứ. “Này các Tỷ kheo, ở đây vị Tỷ kheo sống quán thân trên thân, sống quán thọ trên các thọ, sống quán tâm trên tâm, sống quán pháp trên các pháp, NHIỆT TÂM, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời.”

HẾT LÒNG là cách thể hiện sự nhiệt tâm, tinh tấn vượt qua mọi trở ngại để có thể thực hành chánh niệm.

TRÂN TRỌNG là cung kính và tri ân pháp hành. Pháp hành bao gồm liên hệ với 7 yếu tố liên quan là: trú xứ, vị thầy, bạn đạo, pháp môn, thời tiết, thức ăn, đề mục thích hợp. Bạn cần trân trọng và tri ân đẩy đủ cả 7 yếu tố này. Nếu chỉ 1 yếu tố như thức ăn làm bạn khó chịu dễ duôi, nếu không kịp quan sát tâm mình thì phiền não sẽ che lấp chánh niệm của bạn ngay lúc đó.

3-Hỏi: Xin giải thích rõ hơn về sự hết lòng và trân trọng pháp hành Tứ Niệm Xứ?

Đáp: Gặp được pháp hành Tứ Niệm Xứ chính là chúng ta đã gặp được kho báu khó gặp ở đời hội đủ 7 yếu tố hành thiền tốt đẹp để đưa tới sự giải thoát khỏi khổ đau trong luân hồi sinh tử của vô số kiếp. Đức Phật còn gọi việc thực hành Tứ Niệm Xứ là thực hành Thánh đạo. Nếu chưa giác ngộ thì sẽ là nhân lành giúp chúng ta tích lũy Minh và Hạnh cùng các Ba la mật để thực hành trong các kiếp vị lai. Vì thế khi gặp được pháp hành Tứ Niệm Xứ, nếu không hiểu đúng giá trị của Tứ Niệm Xứ thì sẽ không có thái độ hết lòng cũng như trân trọng. Như vậy, dù gặp được pháp hành Tứ Niệm Xứ thì cũng như “muôi với vị canh”. Tức là đạo lộ Tứ Niệm Xứ sẽ bị che khuất nơi hành giả. Còn nếu hết lòng và trân trọng pháp hành thì như “lưỡi với vị canh”. Chúng ta nên nhớ rằng tất cả các đề mục trong Tứ Niệm Xứ gồm thân, thọ, tâm, pháp được hiện lộ qua 7 yêu tố hành thiền là trú xứ, vị thầy, bạn đạo, pháp môn, thời tiết, thức ăn, đề mục. Đừng nghĩ rằng chỉ đề mục hơi thở hay oai nghi…mới là đề mục trong Tứ Niệm Xứ. Tất cả các loại tâm mà chúng ta phản ứng với 7 yếu tố hành thiền cũng là đề mục Tứ Niệm Xứ.

Sự TRÂN TRỌNG sẽ là thiện pháp làm duyên cho các tâm sở tịnh hảo đồng sinh lên dễ dàng, trong đó có tâm sở chánh niệm và tỉnh giác (trí tuệ).

Sự HẾT LÒNG sẽ trở thành bố thí ba la mật để hành giả có thể sớm thành tựu pháp hành như ý nguyện. Ngược lại nếu chúng ta có thân, khẩu, ý bất thiện như chê trách, nói xấu vị thầy, bạn đạo, thức ăn, trú xứ…thì các tâm sở bất thiện sẽ sinh lên cản trở không cho tâm sở chánh niệm sinh lên. Khi đó, cho dù bạn đang trong khóa thiền nhưng vẫn không có khả năng có tâm chánh niệm sinh lên.

Ngay khi vào đầu mỗi thời thiền, các hành giả luôn đọc tụng 3 lần câu: “Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa”. Nghĩa là: “Con đem HẾT LÒNG THÀNH KÍNH làm lễ đức Bhagava đó, Ngài là bậc Araham cao thượng, được chứng quả chánh biến tri do ngài tự ngộ không thầy chỉ dạy”. Bốn chữ HẾT LÒNG THÀNH KÍNH luôn được nhắc lại 3 lần như vậy trước khi hành thiền để tâm kiên cố hơn và làm duyên cho các tâm sở thiện trong đó có chánh niệm, tỉnh giác sinh lên.

Đức Phật dạy rằng thấy pháp là thấy Đức Phật. “Này Vakkali, ai thấy Pháp, người ấy thấy Ta. Ai thấy Ta, người ấy thấy Pháp. Này Vakkali, đang thấy Pháp, là thấy Ta. Ðang thấy Ta, là thấy Pháp.” (Kinh Tương Ưng). Nghĩa là nếu chúng ta hết lòng thành kính thực hành Pháp cũng chính là hết lòng thành kính với Đức Phật. Ngài cũng dạy rằng Tứ Niệm Xứ còn thì Chánh pháp còn. Tứ Niệm Xứ mất thì Chánh pháp mất. Ngày nào chúng ta không HẾT LÒNG THÀNH KÍNH thực hành chánh niệm hay Tứ Niệm Xứ thì Chánh pháp đang mất ngay ở trong tâm của chúng ta ngày đó, và ngày đó phiền não cũng tràn ngập trong tâm chúng ta.

“Do bốn niệm xứ không được tu tập, không được làm cho sung mãn, này Hiền giả, khi Như Lai nhập Niết-bàn, Diệu pháp không có tồn tại lâu dài. Do bốn niệm xứ được tu tập, được làm cho sung mãn, thưa Hiền giả, khi Như Lai nhập Niết-bàn, Diệu pháp được tồn tại lâu dài.

Với những ai, này các Tỷ-kheo, bốn niệm xứ này được thực hành, đối với những người ấy, cũng được thực hành là Thánh đạo đưa đến chơn chánh đoạn diệt khổ đau.

Với những ai, này các Tỷ-kheo, bốn niệm xứ bị thối thất, đối với những người ấy, cũng bị thối thất là Thánh đạo đưa đến chơn chánh đoạn diệt khổ đau.” (Kinh Tương Ưng)

“Này các Licchavì, sự hiện hữu của năm châu báu khó tìm được ở đời. Và thế nào là năm?
1-Sự hiện hữu của Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác khó tìm được ở đời.
2-Hạng người có thể thuyết giảng Pháp và Luật do Như Lai tuyên bố khó tìm được ở đời.
3-Người hiểu được lời thuyết giảng về Pháp là Luật do Như Lai tuyên bố khó tìm được ở đời.
4-Người đem thực hành các pháp và tùy pháp được hiểu từ lời thuyết giảng về Pháp và Luật do Như Lai tuyên bố khó tìm được ở đời.
5-Người biết ơn, và nhớ ơn khó tìm được ở đời.
Sự hiện hữu của năm châu báu này, này các Licchavì, khó tìm được ở đời. (Kinh Tăng Chi)

Kinh Pháp Cú dạy rằng: Ra đời gặp Đức Phật là khó. Gặp Chánh pháp là khó. Phước lành thay! Hy hữu thay! Vi diệu thay! Khi chúng ta được gặp Chánh pháp Tứ Niệm Xứ cũng như là được gặp Đức Phật. Đó là lý do chúng ta cần HẾT LÒNG THÀNH KÍNH thực hành Tứ Niệm Xứ trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa

(Thấy Biết)