Coi_nguon_cua_su_phan_no(1)

Cội nguồn của sự phẫn nộ

Coi_nguon_cua_su_phan_no

12 NÉT MẶT CỦA SỰ TỨC GIẬN

Có thể nói rằng hiếm khi chúng ta nhìn  một sự việc trên phương  diện rộng của  căn đế phiền não. Khi chúng ta  bực bội điều gì, chúng ta  chỉ đơn giản nhắm vào đối tượng A, đối tượng B, ai là kẻ làm mình bực.  Và nếu ai làm cho chúng ta  bực thì chúng ta qui trách lỗi cho người đó, và coi như xong chuyện.

Nhưng Ðức Phật thì lại nói đến những trạng thái tham,  sân. Trạng thái sân đến từ nhiều căn đế nếu chúng ta không hiểu Phật Pháp, chúng ta khó hình dung được.

Thật ra thì những phiền não trong lòng chúng ta không phải  tự phát mà  là do nhân do duyên và thông thường những phiền não này chúng cấu kết với nhau.  Việc chúng ta thích điều này, không thích điều nọ  là chuyện hết sức  bình thường,  tìm thấy ở mọi người.  Ví dụ khi xem  phim, chúng ta rất thích một nhân vật nào đó thì đồng thời chúng ta lại đâm ra ghét, bực bội hoặc không ưa thích những nhân vật  có hành động  đối nghịch với nhân vật  mà chúng ta yêu thích  đó.  Hễ có thương là có ghét, càng  thương người này thì lại càng ghét nguời kia, ít khi nào cái thương và cái ghét cùng đi  song hành với nhau mà thông thường chúng là mỗi   mặt của một đồng xu.

Ngài Budditasa là một trong những vị danh Tăng cận đại của  Phật Giáo tại Thái Lan, Ngài thường nói về trường hợp về một con chó hay cắn, ví như là hạnh phúc trong đời sống của chúng ta.  Có những thứ  chúng ta nghĩ rằng nó đáng cho chúng ta hoan hỷ đáng cho chúng ta  thỏa thích, nhưng  chúng ta lại quên rằng chúng cũng có những tác dụng phụ  mà những biến chứng này sẽ khiến chúng ta có sự căm ghét hoặc không ưa thích đối với một số thứ khác. Và cả hai trường hợp đều đưa chúng ta vào tình trạng là quá thích thứ này và quá ghét thứ kia.

Theo Ðạo Phật thì mỗi người chúng ta những sợi một dây xích, gồm những cái móc  phiền não  kiềng chúng ta lại, đạo Phật gọi là những kiết sử. Chúng ta hãy nhìn lại, có những lúc chúng ta rất lo sợ về một điều gì đó, sự lo sợ đè nặng trên vai của chúng ta, và chúng ta muốn vượt ra khỏi sự lo sợ nhưng bất lực;  Hoặc giả, bỗng nhiên nhất thời có ai nói một câu gì đó chạm tự ái của chúng ta,  chúng ta trở về nhà và  trăn trở trằn trọc với câu nói đó.  Đó chính là những lúc chúng ta thấy rằng có một sợ dây vô hình nó cột chúng ta lại. Kiết sử hay thằng thúc mà Đức Phật  đề cập đến  là những sợi dây  trói buộc xuất phát  từ nội tâm của chúng ta, và  phẫn nộ nó là một trong những cái giây trói buộc đó. Thể hiện của nó ra bên ngoài thì chúng ta có thể  thấy trong sự phẫn nộ có sự kiêu mạn, ở  đâu có sự phẫn nộ, ở đó có sự kiêu mạn. Chúng ta cảm thấy rằng mình như thế này, mình như thế kia, và mình phải được như thế này, mình phải được như thế khác, hoặc  mình là ai… chúng ta  thường tự nhận mình qua một nhãn hiệu nào đó và chúng ta  khổ với nhãn hiệu đó.

Con người ở trong xã hội ngày hôm nay vẫn thường cảm thấy tự hào khi mình có được một học vị, một địa vị nào đó , ví dụ mình thuộc giai cấp trung lưu, mình thuộc giai cấp thượng lưu, mình là vị trụ trì , mình là một người nhân sĩ trong xã hội, mình là một nhà lãnh đạo, mình là thế này thế kia v.v… đó chính là iềm hãnh diện. Nhưng chính niềm hãnh diện đó cũng làm thước đo cho sự phẫn nộ của mình. Khi chúng ta có quan niệm  càng cao trọng về bản thân của mình,  và khi chúng ta  bị xúc phạm thì cái quan niệm càng  cao trọng đó lại trở thành một giai tầng cao của sự phẫn nộ, bởi lẽ nếu chúng ta là một con người bình thường thì chúng ta đã không phẫn nộ vì chúng ta không được phép để phẫn nộ.

Trong cuộc sống chúng ta tự  thấy mình quan trọng  rồi bỗng nhiên chúng ta bị người khác chỉ trích, thế  là  chúng ta phẫn nộ,  rồi chúng ta khổ. Chúng ta càng đánh giá mình càng cao chừng nào  thì tự mình càng chuốc  lấy cái khổ càng nhiều  chừng ấy, hay nói cách khác chúng ta tự mãn với cái tôi, cái ta của mình,  coi nó hoàn hảo chừng nào thì  khi chúng ta  gặp những trái ý nghịch lòng  làm cho cái tôi, cái ta tổn thương, chúng ta sẽ cảm thấy rất buồn, buồn nhiều lắm.

Ai trong chúng ta đi vào trong cuộc đời cũng mong rằng mình sẽ được bước lên những nấc thang của xã hội, và mình được trở thành con người thế này,  con người như thế nọ, trong lúc chúng ta quên rằng những điều đó sẽ dẫn chúng ta đến việc phải  trả một cái giá vô cùng lớn.   Cái giá đó là sự đau khổ, chúng ta đau khổ  với hư danh nhiều hơn mà chúng ta lại coi  nó  như là những cái mà chúng ta được.  Theo quan điểm của đạo Phật,  thì những cái đó  không phải là cái mà chúng ta được, mà là khổ.

Đức Phật đã dạy rằng đau khổ của chúng ta là do chúng ta  chấp trước vào danh sắc. Danh sắc ở đây được nói là thân tâm. Khi đạo Phật nói chấp vào danh sắc có nghĩa  là chúng ta có thể chấp vào hình tướng của mình, và vì vậy chấp luôn vào những cái vui, cái buồn ở trong lòng mình,  cho rằng đây là ta, đây là của ta, đây là tự ngã của ta; và ở đâu có sự dính mắc thì ở đó có phiền lụy. Nếu chúng ta sống một  cuộc sống vượt ra ngoài sự đối đãi thì chúng ta cảm thấy thảnh thơi hơn nhiều.  Đây là bài học lớn của những vị Phật, của các bậc đại sĩ, của những bậc minh triết mà chúng ta những kẻ phàm phu rất  khó tiêu hóa.

Lời dạy của Đức Phật rất đặc biệt cho ta thấy  hết sức rõ ràng về ý nghĩa của  nguyên nhân sâu xa gây cho chúng ta khổ lụy ở trong cuộc đời này, về cái có, và về cái không có, về cái được, và về cái không được,  về cái đã làm cho mình phẫn nộ, mà phẫn nộ đến cực kỳ do chúng ta đã không đạt được cái mà mình nghĩ rằng mình xứng đáng có,  cái mà mình  nghĩ mình phải là và mình phải được.  Đó là nguồn gốc cái  khổ của chúng ta .

Chuyển biên: Minh Hạnh

Biên tập: Pañña Dīpa Tuệ Đăng