Có nên lấy thêm dây buộc mình?
CÓ NÊN LẤY THÊM DÂY BUỘC MÌNH ?
Trong 13 pháp tục đế gồm 6 danh chế định (cách gọi tên các pháp) và 7 nghĩa chế định (cách đặt khái niệm, quy ước và ý nghĩa các phâp), thì pháp tục đế 13 làm tâm bị trói buộc nhiều nhất. Đó là hình tướng hay biểu tượng chế định được định nghĩa như sau: Hình tướng chế định (Nimitta paññatti): cũng gọi là Tiêu Biểu chế định, là những danh từ diễn đạt một sự vật tiêu biểu, tượng trưng như lá cờ, quốc gia, bảng hiệu, … hay các đề mục tu Chỉ Tịnh như Ðất, Nước, Lửa, Gió, xanh, vàng, …
Đây cũng là cách mà tâm luôn có thói quen ôm giữ và tự hào về hình tướng mà tâm ảo tưởng rằng nó có được. Khi tâm ôm giữ hình tướng trong thiền thì gọi là thiền chỉ (samatha). Khi tám ôm giữ biểu tượng như huân huy chương, bằng cấp, danh hiệu ngoài đời thì gọi là tâm tham dục giới. Tức là tâm luôn ôm giữ pháp tục đế mà không thấy pháp chân đế hữu vi (thực tại danh sắc hay năm uẩn luôn sinh diệt nơi thân tâm). Tích luỹ tục đế chính là cách lấy thêm dây buộc tâm mình, là tích luỹ sự vô minh và tham ái vì nó không giúp cho thấy được bản chất thật sự đang là của thân tâm. Khi tâm ta cầm nắm, ôm giữ biển hiệu, bảng hiệu, danh hiệu, uy tín, nổi tiếng,…là những pháp tục đế, để làm căn bản cho thực hành nơi pháp chân đế (thân, thọ, tâm, pháp) thì rất dễ đi đến ngộ nhận và sai lầm. Chúng ta không thể lấy tục đế soi rõ chân đế mà chỉ có thể đúng khi làm ngược lại. Tức là thực hành pháp chân đế nơi thân, thọ, tâm, pháp để thấy biết rõ cái chúng ta đang dính mắc trong tục đế. Cũng như không thể lấy vô minh để soi rõ minh, chỉ có minh mới soi rõ sự vô minh. Cũng như không thể lấy bóng tối chiếu sáng bóng đèn mà là ngược lại.
Trong kinh Kalama, Đức Phật đã nhắc đi nhắc lại 10 đấu hiệu của pháp tục đế mà chúng ta bị trói buộc, không đáng tin là:
1/ Chớ có tin vì nghe báo cáo,
2/ Chớ có tin vì nghe truyền thuyết;
3/ Chớ có tin vì theo truyền thống;
4/ Chớ có tin vì được kinh điển truyền tụng;
5/ Chớ có tin vì lý luận suy diễn;
6/ Chớ có tin vì diễn giải tương tự;
7/ Chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện;
8/ Chớ có tin vì phù hợp với định kiến;
9/ Chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền,
10/ Chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc đạo sư của mình..
Để cởi trói cho chúng sinh bị nhốt trong các pháp tục đế này, Đức Phật dạy “chớ có tin” vào những pháp đó.. Và ngay trong bài kinh Kalama, Ngài đã từ bi chỉ dạy chúng ta quan sát các pháp chân đế như: HÃY TỰ MÌNH BIẾT RÕ. KHI NÀO THAM KHỞI LÊN, SÂN KHỞI LÊN, SI KHỞI LÊN, HÃY TỪ BỎ CHÚNG. HÃY TỰ MÌNH BIẾT RÕ. KHI NÀO VÔ THAM KHỞI LÊN, VÔ SÂN KHỞI LÊN, VÔ SI KHỞI LÊN, HÃY CHỨNG ĐẠT VÀ AN TRÚ.
Đức Phật dạy chúng ta nên quan sát tâm mình hơn là dính mắc vào các khái niệm, biểu tượng ảo tưởng đó. Các tâm tham, sân, si, không tham, không sân, không si thuộc về chân đế hữu vi. Chúng luôn sinh diệt liên tục trong đời sống của chúng ta. Thực chất của đời sống chúng ta là đời sống của tâm chứ không phải những khái niệm chế định mà tâm đang thêu dệt để gói bọc nó vào trong những tâm thêu ấy. Ngày nào ta không thấy tâm mình đang sinh khởi và hoại diệt, ngày đó ta còn chìm trong phiền não và vô minh. Ta rất dễ tự hào ta thuộc nhiều kinh điển, tụng kinh hay, có nhiều bằng cấp, quen biết hay học tập với nhiều vị thầy nổi tiếng,…Xây đắp hình tượng, biểu tượng, quan điểm, tiêu chuẩn bên ngoài chưa đủ, ta còn miệt mài xây đắp những hình tượng, biểu tượng, quan điểm, tiêu chuẩn của chính ta. Xây xong rồi chán thì lại phá hay bỏ đi để xây cái tiếp theo, ngày này qua ngày khác, kiếp này qua kiếp khác. Những việc này nhốt ta trong vòng luân hòi bất tận, và đều là những pháp tục đế làm che mờ khả năng thấy biết các tâm tham, sân, si đang sinh khởi trong ta. Các pháp tục đế luôn là chướng ngại cho việc nhận ra pháp chân đế. Các biển hiệu, danh tiếng, uy tín hay 10 điều không nên tin ở trên có giúp ta nhận ra thực tại hay không thì Đức Phật đã dạy rõ rồi. Việc mở ra hay buộc thêm vào là tuỳ thuộc ở chính ta mà thôi.
(Thấy Biết)
You must be logged in to post a comment.