Có ai như tôi không

CÓ AI NHƯ TÔI KHÔNG?!

CÓ AI NHƯ TÔI KHÔNG?!

18ec9ae0 ba89 451f 81c8 7144b07bd158

Vài tháng trước, tôi đã sốc khi nghe tin một người bạn đang khỏe mạnh, bỗng bị sụt cân, đi khám và phát hiện bị bệnh K. Bạn ấy đang điều trị hóa trị và cố sức cân bằng để động viên gia đình và làm những gì có thể trong khoảng thời gian còn lại như dự đoán của bác sĩ.  Tôi đến thăm và hỏi bạn ấy đã chuẩn bị những gì cho mình chưa? Bạn ấy tự tin và nói rằng đã chuẩn bị tất cả những gì cần thiết cho người thân khi sống thiếu vắng bạn ấy. Tôi bảo ý tôi không phải vậy mà là bạn ấy đã chuẩn bị cho chính bạn ấy một khi nhắm mắt xuôi tay chưa?. Một thoáng ngạc nhiên bạn ấy hỏi, theo ý tôi thì chuẩn bị những gì? Tôi đã cố gắng sử dụng kiến thức Phật học có được trong những năm qua để giảng giải cho bạn ấy. Ví dụ như bạn ấy có thấy ân hận khi nghĩ đến ai đó mà mình đối xử sai quấy. Hoặc bạn nhớ nghĩ đến việc tốt gì ấn tượng nhất mà bạn ấy thường nhớ đến,vv… Bạn ấy bảo có chứ, nhưng bây giờ có thể làm được gì? Tôi nói ví dụ như với những người bạn đã chót gây thù oán hay sai quấy, bạn có thể gọi điện nói lời xin lỗi đế hóa giải oan kết với người đó. Với người không thể gọi điện hay gặp lại được, bạn có thể nhờ người nhắn hoặc chắp tay hướng tâm về người đó để xin lỗi. Làm như vậy lòng bạn sẽ nhẹ đi rất nhiều. Sau đó bạn nhớ nghĩ về những việc tốt mình đã làm mà lòng cảm thấy hân hoan, bạn sẽ có nhiều sinh lực và năng lượng lành. Nếu có niềm tin vào nhân quả, bạn nên nghe các bài giảng Phật giáo trên các trang mạng xã hội.(Bạn tôi là người không quan tâm đến Phật giáo, dù bạn ấy là người rất giỏi trong các công việc). Để lại quyển kinh tụng Tam Bảo, và hẹn bạn lần sau sẽ đến thăm. Vài tuần sau, tôi gọi điện hỏi thăm, bạn tôi giọng rất vui kể rằng Phật pháp rất hay và giá như bạn ấy biết sớm hơn. Và bạn ấy nói rằng nếu chia tay cuộc đời này, điều bạn ấy có lẽ chưa làm được và tiếc nhất là không gặp Phật pháp sớm hơn. Nghe xong cuộc điện thoại, lòng tôi bỗng ngỗn ngang với nhưng suy nghĩ tự nhiên ập vào…. Cảm giác sốc như lần đầu nghe tin bạn bị bệnh không còn nữa. Một chút vui, nhưng buồn và bất an nhiều hơn bởi vì tôi đang nghĩ đến chính tôi….

Biết Phật pháp đã lâu nhưng tôi coi đó như một thứ bảo hiểm cho tâm mình. Khi bất an đến tôi tụng kinh, đi chùa làm công đức, cố gắng hành thiền. Bất an qua đi, tôi lại lao vào những việc mà mình cho là quan trọng hơn mà quên đi làm những việc mà Phật giáo gọi là tích lũy Minh (tu thiền quán) và Hạnh (bố thí, trì giới, thiền định). Dù vẫn biết sinh tử là việc quan trọng nhất, nhưng tâm tôi luôn lờ đi. Tâm tôi luôn tự huyễn hoặc và tự an ủi cho mình nhưng lý do vô cùng hợp lý để trì hoãn, để lùi thời gian hành thiền, nghe giảng pháp hay đọc kinh sách, hoặc đi chùa làm công đức, vv…từ ngày này lùi qua ngày khác. Tôi đã chứng kiến việc những người thân, người bạn qua đời, nhưng tâm tôi thì vẫn cứ trơ trơ. Tôi nhớ lại lời dạy của Đức Phật nói về 4 hạng người hiền thiện có mặt ở đời (Kinh Gậy Thúc Ngựa) xin tóm tắt như sau:    

  1. Người thứ nhất là người nghe về sự khổ đau hay cái chết của người khác trong cùng làng hay thị trấn, làm người ấy bị dao động, kích thích suy nghĩ, như lý tinh tấn, dẫn đến việc thể nhập, thấy được sự thật tối thắng.
  2. Người thứ hai không nghe, nhưng thấy trực tiếp sự khổ đau hay cái chết của người khác, làm người ấy bị dao động và kích thích suy nghĩ, như lý tinh tấn, dẫn đến việc thể nhập, thấy được sự thật tối thắng.
  3. Người thứ ba không nghe hay thấy trực tiếp, nhưng khi thân người thân hay đồng huyết thống của người ấy gặp khó khăn hay cái chết, làm người ấy cũng bị dao động và kích thích suy nghĩ, như lý tinh tấn, dẫn đến việc thể nhập, thấy được sự thật tối thắng.
  4. Người thứ tư không nghe, không thấy trực tiếp, và không có ai thân thiết gặp khó khăn hay cái chết, nhưng khi chính người ấy cảm nhận sự đau khổ trong thân xác của mình, người ấy cũng bị dao động và kích thích suy nghĩ, như lý tinh tấn, dẫn đến việc thể nhập, thấy được sự thật tối thắng.

   Nghĩ đến điều này, tôi thấy mình chẳng nằm trong hạng người hiền thiện nào cả. Thật là tệ quá!. Tệ hơn nữa là mỗi khi nghĩ đến bản thân, tôi còn tự hào vì mình là người “biết” Phật pháp, là người có “tu tập”, là người có giới, định, tuệ nữa chứ (thật là hổ thẹn). Nhiều lúc tham gia bố thí, cúng dường hay tu tập, tôi còn ước nguyện cho mình được giàu sang, và may mắn. Có giáo lý, bài kinh nào tôi học được, tâm tôi cũng đem ra để bao biện cho chính những ước nguyện của mình. Mỗi khi gặp khó khăn hay va vấp trong công việc và cuộc sống, tôi luôn tự vấn hay mình chưa được “độ”?, hay bài kinh tụng đó?, vị thầy đó?, chùa đó?, nơi đó?, vv… mình đến tu tập, lễ bái không giỏi, không thiêng, vv…. Chằng có vô thường, khổ hay vô ngã nào được tôi nhớ lại lúc đó cả, mà chỉ đến lúc tôi bất lực, thì cái “ngã” của tôi mới chấp nhận là có vô thường, khổ, vô ngã, và cũng chỉ vì tôi không thể giải quyết được khó khăn ấy. Nhưng khi làm được chút ít gì vượt qua khó khăn, to tát, thì tôi cũng lại quên vô thường, khổ, vô ngã ngay, bởi chính cái “ngã” của tôi nó bảo thành công việc to tát đó là do chính nó làm ra, “mình thấy mình giỏi quá!”. Quả thật là rất tệ! Sự tu tập của tôi là như vậy đấy. Chẳng có cái gì gọi là samvega hay pesada ở đây cả.    

Saṁvega là chữ khó dịch vì nó bao trùm một lãnh vực vô cùng phức tạp, có ít nhất là ba chùm cảm xúc cùng một lúc:

  1. Là cảm giác kích động, buồn bã, bực bội xuất hiện khi nhận ra sự vô dụng và vô nghĩa của kiếp đời mình đã thường sống;
  2. Là cảm giác bị trừng phạt vì sự tự mãn và ngu dại của riêng mình sao đã sống mù quáng đến như thế;
  3. Là cảm giác lo lắng, thôi thúc, cố tìm lối thoát ra khỏi cái chu kỳ vô nghĩa này.

   Với người có cảm xúc saṁvega mạnh đến nỗi họ muốn từ bỏ bất cứ ràng buộc xã hội nào ngăn cản họ trên bước đường chấm dứt khổ đau, đó là sự phát triển từ saṁvega sang pesada.

   Tôi thật sự lo lắng vì nếu không có hai trạng thái saṁvega và pesada thôi thúc thì việc bước vào tu học Phật giáo của tôi luôn có xu hướng trở thành môn học luyện “bản ngã” từ thô tới vi tế. Ví dụ như  bản ngã tôi cho rằng tôi là người có công đức, có tu tập lâu năm, có ảnh hưởng, vv…. Nếu đến chùa nào, hội chúng nào mà ít người biết, không được quan tâm là tôi  thấy “tủi phận” lắm. Nếu tôi không là người tu thì tôi đâu có hình thành cái “ngã”như vậy. Rồi lý nhân quả cũng được bản ngã của tôi lấy ra phục vụ theo cái “ngã” của nó. Như mong rằng quả trổ ra trong hiện tại theo ý mình muốn bởi vì mình là người chuyên tu nên ước nguyện sẽ “linh ứng” hơn người khác, vv…  

   Với bảo hiểm ngoài đời, chúng ta có thể mua và đóng tiền theo năm. Còn với Phật pháp mà thật ra chính là sự dứt khổ đau mà chúng ta phải “mua” trong từng khoảnh khắc bằng thân, khẩu, ý của chính mình trong hiện tại. Rời những khoảnh khắc của thân tâm ra, là không có gì đảm bảo cho chúng ta được cả. Khi khó khăn, hoạn nạn xảy ra, lúc đó chỉ trông chờ vào nghiệp lành đã tạo nhân trong quá khứ (thân, khẩu, ý quá khứ đã tạo) cho quả hiện tại để cứu rỗi, chữa lành và thái độ ứng xử với hoàn cảnh hiện tại. Mỗi thân, khẩu, ý trong hiện tại, chỉ một búng móng tay trôi qua đã là quá khứ. Nếu ngay hiện tại, ở đây và bây giờ chúng ta không có thân, khẩu, ý thiện lành thì mong gì bảo hiểm cho chúng ta ở hiện tại và tương lai.

   Biết vậy mà tôi vẫn cứ giãi đãi, phóng dật dù đã thuộc lòng câu: “Này Tỷ-kheo, hãy tu Thiền, chớ có phóng dật, chớ có để về sau sẽ phải hối tiếc.” Nếu không thay đổi, hẳn tôi sẽ sẽ hối tiếc nhiều hơn người bạn của tôi, không phải vì không biết đến Phật pháp như bạn ấy, mà vì mình còn nhiều quá nhiều bản ngã, giải đãi, phóng dật trong tu tập cũng như trong cuộc sống. Tuy biết vậy mà sao tâm tôi vẫn cứ trơ trơ! Sao vậy hả trời!  Có ai như tôi không?!                          

(Ghi chép từ lời kể của một người bạn đạo)

Visits: 6381