40160426 151452sm

Chuyện con muỗi

chuyen con muoi

Thưở xưa, khi vua Bramadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sống bằng nghề đi buôn. Lúc bấy giờ, trong một làng biên địa của nước Kàsi, nhiều người thợ mộc sống tại đấy. Có một thợ mộc sói đầu đang đẽo một thân cây. Một con muỗi đậu trên đầu của người ấy, cái đầu sáng chói như một cái bát đồng.

Với cái vòi như mũi tên, muỗi đốt vào đầu như kiếm đâm. Người ấy gọi đứa con đang ngồi gần và nói:

  • Này con yêu, con muỗi đốt vào đầu ta như bị kiếm đâm. Hãy đuổi nó đi.
  • Thưa cha, hãy ngồi im. Với một cái đánh, con sẽ giết nó.

Lúc bấy giờ, Bồ-tát đi tìm hàng hóa cho mình, đến tại làng ấy, đang ngồi tại cửa quán người thợ mộc. Người thợ mộc nói với đứa con:

  • Này con, hãy đuổi con muỗi này.

Đứa con nói:

  • Thưa cha, con sẽ đuổi con muỗi này.

Nó giơ cao cái búa lớn, sắc bén, đứng một bên lưng người cha nói:

  • Con sẽ đánh muỗi.

Nó chém vỡ đôi đầu người cha. Người thợ mộc chết ngay tại chỗ.

(Chuyện tiền thân Masaka, Jàtaka số 44)

Trong thành ngữ Việt Nam, chúng ta thường nghe đến câu “giết ruồi bằng dao mổ trâu” hay “giết gà bằng dao mổ trâu”. Khi một người dùng một phương pháp mạnh hay dụng cụ lớn để áp dụng cho các trường hợp nhỏ, không quan trọng, riêng biệt thì thường bị bình luận bằng câu này. Khi bình phẩm, mọi người thường đề cập đến khía cạnh dư thừa, lãng phí của việc sử dụng phương pháp, công cụ. Chẳng hạn, nếu giám đốc cử ông phó giám đốc thân tín của mình đi chấm công, thì có thể nói “ông giám đốc này dùng dao mổ trâu để giết ruồi”. Mọi bình phẩm dường như chỉ có ẩn ý như vậy.

Chuyện con muỗi không phải là chuyện “giết ruồi (gà) bằng dao mổ trâu” mà là “giết muỗi bằng cái búa”. Không biết câu chuyện Jàtaka cổ xưa này có liên hệ gì với thành ngữ nói trên không? Rất có thể có sự liên hệ mật thiết giữa câu chuyện và thành ngữ này vì Phật giáo đã có mặt tại Việt Nam từ hai ngàn năm nay, các chuyện Jàkata đã được ngài Khương Tăng Hội viết lại trong Lục Độ Tập kinh. Trong Jàtaka có nhiều chuyện tương tự. Chuyện Jàtaka 45 (Tiền thân Rohinì) kể về một cô nữ tỳ đuổi con ruồi trên đầu bà mẹ bằng cách dùng cái chày đánh mạnh vào đầu bà.

Dù là câu chuyện “ giết muỗi bằng cái búa” hay “giết ruồi bằng cái chày” thì nội dung của nó không chỉ ở chỗ dùng phương tiện sai hay phương pháp sai. Vấn đề đặt ra ở đây là việc dùng các biện pháp mạnh, công cụ mạnh đã gây ra hậu quả nghiêm trọng. Những người sử dụng các phương pháp không phù hợp đã làm hại cho người thân của mình. Những người này muốn làm điều tốt cho cha mẹ mình, nhưng lại sử dụng một biện pháp không đúng và do đó gây ra hậu quả nghiêm trọng. Như vậy, muốn làm điều tốt, chúng ta cũng phải suy nghĩ cẩn thận. Nếu không, chuyện muốn làm “lợi mình lợi người”sẽ thành chuyện “hại mình hại người”.

Câu chuyện giết “muỗi bằng cái búa”không chỉ dừng lại ở đó. Chuyện được kể tiếp như sau.

Bồ-tát thấy sự việc xảy ra cho người thợ mộc, suy nghĩ: “Một kẻ thù có trí còn tốt hơn, vì nó sợ hình phạt, sẽ không giết người”.

Câu bình luận này nói tới khía cạnh giao thiệp trong cuộc sống. Trông cuộc sống, nên dè chừng những người không có hiểu biết về nhân quả. Rất khó đề phòng, cả khi họ có ý tốt với chúng ta. Nếu gặp một kẻ thù có trí tuệ thì ta sẽ hết sức lưu tâm để đề phòng và kẻ thù ấy do biết hậu quả, sợ hình phạt nên có nhiều điều không làm mà ta có thể đoán được. Còn nếu người thân cận vô trí thì họ hành động không suy nghĩ nên mặc dù muốn làm điều tốt lại trở thành điều xấu, ta không thể đoán được hành động của họ. Vì thế Bồ-tát đọc kệ:

Tốt hơn là kẻ thù,
Nhưng có trí sáng suốt,
Còn hơn là người bạn,
Thiếu trí tuệ thông minh.
Đứa con ngu và điếc,
Định giết chết con muỗi,
Lại chém đầu người cha
Vỡ ra thành hai mảnh.

Trong Tiền thân Rohinì, bài kệ hơi biến đổi một chút:

Tốt hơn là kẻ thù
Có trí tuệ thông minh,
Hơn kẻ thương hại mình,
Nhưng ngu si vô trí.
Hãy xem Rô-hi-ni,
Giết bà mẹ khốn khổ,
Rồi than khóc hoài công.

Câu chuyện cũng cho thấy rằng trong việc cử người giữ các chức vụ, không phải chỉ có lòng trung thành hay nhân thân tốt là xong. Không thể bổ nhiệm cho một người giữ một chức vụ nào đó rồi về sau lý luận “mặc dù…nhưng anh X, chị Y có nhiều công lao nhân thân tốt…”hay “mặc dù chưa đủ năng lực nhưng anh X, chị Y rất nhiệt tình”. Việc xây dựng nguồn nhân lực là điều cực kỳ quan trọng. Mọi người thường nói: nhiệt tình +thiếu năng lực= phá hoại. Câu chuyện “giết muỗi bằng cái búa” là một bổ sung cho cách hiểu thành ngữ “giết ruồi (gà) bằng dao mổ trâu”

Nguồn: Tạp chí Văn hóa Phật giáo số 104/ vanhoaphatgiaoblog.com