chung ta tu hành đề làm gì

Chúng ta tu hành để làm gì ?

[responsivevoice_button voice=”Vietnamese Female” buttontext=”Bấm Để Nghe Đọc”]

 

Nếu được hỏi câu: “Chúng ta tu hành để làm gì?” với một người hiểu biết giáo lý sẽ trả lời rất lưu loát là để chứng ngộ Tứ Diệu Đế. Nghĩa là thấy biết (liễu tri) Khổ đế (danh sắc và ngũ uẩn chấp thủ là khổ), diệt trừ Tập đế (tham ái), tiến hành Đạo đế (Bát Chánh Đạo) và chứng ngộ Diệt đế (Niết bàn).

Kinh sách, lý thuyết đã được ghi nhớ, học thuộc như vậy, nhưng mỗi khi cần phải quan sát sự khổ đang diễn ra, thì chúng ta dễ trốn khổ tìm vui tức là tìm tham ái. Việc này là làm ngược với lý thuyết: Thay vì Tập đế (tham ái) cần diệt trừ thì chúng ta lại muốn xảy ra, muốn chứng kiến sự hiện hữu của tham ái. Khố để cần phải thấy biết, chứng kiến thì lại muốn loại trừ. Điều này giống như một người bệnh chỉ muốn tìm những món ăn sảng khoái cho cơ thể thay cho việc đi tìm căn bệnh gây ra đau đớn cho cơ thể.

chung ta tu hành đề làm gì

Đức Phật dạy quán Thân trên Thân để chúng ta có thể thấy biết Khổ để ở ngay trên thân tâm chúng ta. Những gì là đẹp đẽ và dơ bẩn đều có đầy đủ ở trên thân này. Nhưng chúng ta chỉ thích nhìn vào những gì đẹp đẽ và lờ đi những gì bẩn thỉu do chính thân này tạo ra. Khổ đế là thấy biết, chứng kiến những gì là bất tịnh, biến hoại gây đau khổ, nhưng chúng ta gần như không muốn nhìn vào sự thật này từ đầu vào đến đầu ra của thân. Chúng ta muốn diệt trừ thân kiến là sự chấp thủ thân tâm này là ta và của ta để chứng quả Thánh Dự Lưu, nhưng chúng ta lại mong muốn đẹp đẽ còn mãi và sự bất tịnh thì ra đi càng nhanh càng tốt trên thân này. Trong thân này, đây là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, xương, phân, đàm, mủ, mồ hôi, nước mắt, nước miếng, nước tiểu. Đây là những thành phần mà Đức Phật dạy chúng ta cần quan sát một cách trực tiếp vì bản thân chúng đã là đề mục thiền. Đức Phật không dạy chúng ta đi tìm loại đề mục có ánh sáng nimita để soi bất cứ thể trược nào cả, vì không thể lấy đề mục thiền này soi cho đề mục thiền khác. Một tâm không thể quan sát có 2 đề mục cùng một lúc rồi lấy chúng soi nhau. Nhưng chúng ta có xu hướng né tránh những gì là bất tịnh một cách trực tiếp mà muốn nhìn thấy chúng gián tiếp để “dễ chịu”, “cao siêu” hơn.

Tương tự như vậy, tử thi cũng là đề mục thiền nhưng không thấy ai đến nhà xác để nhập vào các tầng thiền rồi dùng ánh sáng nimita trong thiền để soi tử thi bất tịnh cả. Điều này là không thể xảy ra và không đúng trong pháp quán tử thi. Ngài Ajahn Chahn đã từng kể lại ngài đã từng đi tiểu ra máu khi nỗi sợ hãi tột cùng trong những đêm quán tử thi ở nhà xác gần lò thiêu.

Đức Phật dạy chúng ta tập quan sát chứng kiến sự thật Khổ để diễn ra trong từng hơi thở, từng bước chân, trong từng cái co tay, duỗi tay, trong từng chợp mắt, quay đầu, nhai nuốt,…Khổ để diễn ra trong 32 thể trược của thân và kể cả khi thân này không còn hơi thở lúc là tử thi. Tu tập như vậy, hành giả sẽ không còn chấp thủ thân này là ta, là của ta. Như ngài Ajahn Chahn nói rằng không ai muốn nhận đống phân này là của ta cả. Nếu không tu tập quán thân trên thân như vậy, để thấy biết Khổ để, diệt trừ Tập đế thì chúng ta tu hành để làm gì ?!

Trong quán Thân trên Thân, Chú giải còn nói một ý nghĩa đặc biệt là quán nội thân là quán thân mình, quán ngoại thân là quán thân người khác. Ví dụ quán thấy hơi thở của mình như thế nào thì nghĩ hơi thở của người khác cũng như thế gọi là quán thân trên ngoại thân. Tương tự quán thọ và quán tâm cũng như vậy. Đây là một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Vì không có nội thì không có ngoại và ngược lại. Nghĩa là thế giới này thân tâm của chúng ta chỉ là một nửa (nội), và mọi người bên ngoài (ngoại) là một nửa còn lại. Khi quán được như vậy, chúng ta sẽ không còn chấp thân này là ta, là của ta nữa vì nó chỉ là “một nửa” ta. Một nửa ta thì không phải là ta rồi, vì “nửa ta” không thể quyết định được gì cho ta cả. Đây cũng là cách quán để diệt trừ thân kiến trong sự chấp thủ thân là ta, là của ta. Nhưng trên thực tế, chúng ta không muốn có “một nửa ta” tý nào cả. Chúng ta chỉ muốn ta toàn phần hoàn hảo thôi. Ta toàn phần càng hoàn hảo bao nhiêu thì càng thấy tự hào, sung sướng bấy nhiêu.

Chúng ta có thể lấy ví dụ cho sự hoàn hảo của cái ta như thế này. Khi ta đi qua nơi phát qua từ thiện trong mùa dịch bệnh, ta thấy ta giỏi vì ít nhất là ta không phải là những người xếp hàng nhận quà từ thiện ở đó. Ta tự hào, ta phục ta quá. Ta đang bồi đắp cây “thân kiến” thành xum xuê cổ thụ cho chính ta. Vì không quán thân, quán tâm trên nội ngoại thân tâm, nên ta quên mất những người ngoài kia chính là “ngoại thân, ngoại tâm” của ta. Ta cũng quên luôn ngay cả Đức Phật khi nghiệp trổ quả cũng phải ăn lúa của ngựa trong ba tháng. Ta lấy gì ra làm đảm bảo ta sẽ “ngon lành” mãi trong các pháp hữu vi bị điều kiện duyên sinh duyên diệt này. Ta mải mê chứng kiến Khổ đế của người khác (chính là ngoại thân, ngoại tâm) bằng tham ái (Tập đế) của chính ta. Nếu quan sát như vậy, chúng ta đang tu cái gì?.

Đối diện với thân tâm mình không phải là dễ, vì chúng ta có thói quen đối diện với phần tham ái (Tập đế) và làm tăng trưởng thay vì diệt trừ chúng. Còn phần sự thật Khố đế không hề dễ dàng chút nào, trên nội thân rồi cả trên ngoại thân. Không có con đường vòng nào để tránh Khổ để hay nhìn Khổ đế qua lăng kính nimita ngay trên thân tâm này. Nếu chúng ta có lòng tin Đức Phật, hay tin lời Ngài nói: “Đây là con đường độc nhất, đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu bi, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh lý, chứng ngộ Niết bàn. Ðó là Bốn Niệm Xứ”. Sự tu hành chính là Bốn Niệm Xứ. Bốn Niệm Xứ chính là tu hành, là chứng ngộ chân lý Tứ Diệu Đế ngay trên thân tâm này mà không ở một nơi nào khác.

Thấy Biết

(www.tuniemxu.org)