Chấm dứt hoài nghi

Chấm dứt hoài nghi

Chấm dứt hoài nghi

Nhiều người có trình độ đại học, có bằng cấp tốt nghiệp và thành công trên đường đời, nhưng vẫn cảm thấy cuộc sống của họ thiếu thốn. Dầu có tư tưởng cao xa hay thông minh hoạt bát đến đâu đi nữa, tâm của họ cũng chứa đầy những thứ vô dụng và hoài nghi. Chim kên kên bay cao đấy, nhưng nó ăn những thứ gì?

Chân lý là sự hiểu biết vượt ra ngoài tính cách điều kiện, tổng hợp và giới hạn của khoa học thế gian. Dĩ nhiên trí tuệ thế gian có thể dùng vào những mục tiêu tốt đẹp. Nhưng trí tuệ của thế gian có thể đi ngược lại với tôn giáo và giáo dục. Cái hay cái đẹp của trí tuệ siêu thế là có thể sử dụng kỹ thuật của trí tuệ thế gian mà không bị dính mắc vào chúng.

Phải học phần căn bản trước. Đó là căn bản đạo đức, giới luật, thấy được sự giả tạm của cuộc sống, thấy được hiện tượng già và chết. Đó là nơi chúng ta bắt đầu. Cũng như trước khi biết đi, bạn phải biết lật, biết bò, rồi biết… lái xe, và sau đó, có thể lái máy bay du hành quanh trái đất.

Nghiên cứu sách vở không quan trọng lắm. Dĩ nhiên kinh điển là đúng, nhưng không diễn đạt hết chân lý. Kinh điển chỉ là ngôn từ, chữ viết, mà ngôn từ và chữ viết chỉ có khả năng diễn đạt giới hạn. Chẳng hạn như danh từ “sân hận” không thể diễn tả được trạng thái nóng nảy, giận hờn, cũng như nghe nêu tên một người nào đó, khác với gặp người ấy. Chỉ có kinh nghiệm của chính bạn mới đem lại đức tin thật sự.

Chấm dứt hoài nghi

Có hai loại đức tin. Loại thứ nhất là tin tưởng một cách mù quáng vào Phật, Pháp và vị thầy — thông thường là người đầu tiên hướng dẫn mình hành thiền hay cho mình xuất gia. Loại thứ hai là Chánh Tín — đức tin chắc chắn, không lay chuyển, phát sinh từ sự hiểu biết của chính mình. Mặc dầu vẫn còn những phiền não khác cần vượt qua, người thấy một cách rõ ràng sự vật bên trong chính mình, có thể dứt được hoài nghi, đạt được đức tin trong việc thực hành.

Việc thực hành của tôi không đặt nặng ở học hỏi hay nghiên cứu. Tôi lấy những lời dạy của Đức Phật làm căn bản và bắt đầu nghiên cứu tâm mình một cách tự nhiên. Khi thực hành, bạn hãy tự quan sát mình, cứ thế dần dần trí tuệ và tri kiến sẽ tự phát sinh. Nếu bạn ngồi thiền mà muốn được thế này, thế kia thì tốt hơn nên dẹp đi đừng ngồi thiền nữa. Đừng kỳ vọng hay mang thêm một ý tưởng gì vào việc thực hành của bạn. Hãy xếp vào kho mọi ý niệm hay tư kiến của mình.

Chris in Med sea

Khi thực hành bạn dẹp bỏ tất cả ngôn từ, biểu tượng, dự định, kế hoạch, v.v. Có thế bạn mới tự mình thấy được chân lý, vì chân lý không ở đâu xa, nó khởi sinh ngay tại đây. Tôi đã học giáo pháp qua kinh điển trong những năm đầu tiên. Lúc ấy, khi có thì giờ tôi thường đến nghe những học giả, những bậc thầy thuyết giảng, cho đến khi sự học hỏi này biến thành chướng ngại nhiều hơn là hỗ trợ, tôi mới ngưng học. Thực ra tôi đã không biết cách nghe giáo pháp, vì tôi không nhìn vào bên trong.

Các bậc thiền sư này đã nói đến chân lý bên trong chính mình. Khi thực hành tôi bắt đầu hiểu rõ là nó nằm ngay trong chính tôi. Một thời gian sau, tôi thấy rằng các thiền sư này đã thực sự thấy rõ chân lý, và nếu tôi đi theo con đường của các ngài, tôi sẽ gặp những gì mà các ngài đã nói đến; và lúc đó tôi sẽ có thể nói, “Vâng, các ngài nói đúng. Còn gì nữa đâu?” Khi tôi kiên trì thực hành, tôi thấy quả đúng như vậy.

Nếu bạn thích ở trong Giáo Pháp thì hãy xả bỏ, hãy để mọi chuyện diễn biến tự nhiên theo nó. Chỉ thuần học lý thuyết mà không thực hành thì chẳng khác nào “bỏ hình bắt bóng.” Không cần học hỏi nghiên cứu nhiều. Nếu bạn dựa vào những điều căn bản và thực hành theo, bạn sẽ tự mình thấy giáo pháp.

Mặt Hồ Tĩnh Lặng (Ajahn Chah)


Kinh DHAMMADINNA thuộc Tương Ưng Bộ (Samyutta-Nikâya)

Phật lạy khuyên cư sĩ Dhammadinna nên tu học theo bốn pháp căn bản – thành tựu lòng tin không lay chuyển đối với

  1. Phật – bậc giác ngộ – giải thoát hoàn toàn.
  2. Pháp – chánh pháp trong sáng, thực tiễn, lợi ích.
  3. Tăng – những người tu hành đạo hạnh, đáng tôn kính và lợi ích cho chúng sanh.
  4. Giới – năm giới căn bản mà chủ yếu là tôn trọng sự sống, tài sản kẻ khác, hạnh phúc gia đình, sự thật và phát triển trí tuệ.

 

Chấm dứt hoài nghi

Sau đó, cư sĩ Dhammadinna trình bày sự thành tựu bốn pháp của mình và của các bạn đạo. Phật ca ngợi và chứng nhận Dhammadinna và 500 cư sĩ đã chứng đạt quả vị Dự lưu (Tu đà hoàn – Sotâpatti) trong khi tự những cư sĩ ấy không hề tuyên bố là họ đã chứng đạt quả vị Dự lưu.

Qua nội dung Kinh, chúng ta có thể thấy rõ rằng hạnh phúc an lạc lâu dài có thể thực hiện ngay ở đây và bây giờ bằng hai phương pháp. Lẽ dĩ nhiên, phương pháp có khác nhau thì kết quả không giống nhau :

  • Phương pháp thứ nhất gọi là Ðạt Ðạo, nghĩa là với khả năng thông minh, lanh lợi, và hoàn cảnh không ràng buộc, người tu hành có thể nhập đạo lý Không nhờ sự khai sáng của các bực giác ngộ hay kinh điển sâu sắc phù hợp với đạo lý Không – Vô Ngã; và như vậy chứng đạt quả vị A la hán, giải thoát mọi sự ràng buộc và đau khổ sau khi trừ sạch 10 kiết sử: 1) Thân kiến: chấp có cái ta (Samyojana); 2) Nghi: không tin chơn lý và người tìm ra chơn lý; 3) Giới cấm thủ: mê tín tà giới cho rằng những điều kiêng cử tà vạy có thể đưa đến giác ngộ-giải thoát; 4) Tham dục: đam mê dục lạc; 5) Giận dữ: tàn bạo, độc ác; 6) Tham sắc: đam mê hình sắc vi tế thuộc sắc giới; 7) Tham vô sắc: đam mê sự hiện hữu thuộc vô sắc giới; 8) Mạn: kiêu căng, ngạo mạn; 9) Giao động: náo động bên ngoài, không thanh tịnh trong tâm; 10) Vô minh: không hiểu khổ và khổ diệt.
  • Phương pháp thứ hai, tạm gọi là Tu Ðức, nghĩa là mặc dù khả năng phát triển trí tuệ bị hạn chế và phải sống trong hoàn cảnh có nhiều ràng buộc cá nhân, gia đình, xã hôi, người tu hành với sự thành tựu lòng tin bất động đối với Ba ngôi báu và có nếp sống quân bình lành ích, có thể chứng đạt quả Dự lưu (Sotâpatti : vào giòng, vào đạo) sau khi trừ sạch 3 kiết sử: (1) Thân kiến, (2) Nghi và (3) Giới cấm thử và lần lần chứng đạt quả vị Nhất lai (Sakadâgâmi : sanh lại một lần) sai khi trừ được phần thô kệch của kiết sử thứ 4 và 5, tức là tham dục và giận dữ, rồi chứng đạt quả vị Bất hoàn (Anâgâmi : không sanh lại trong cõi đời nầy) sau khi trừ sạch 5 kiết sử đầu, tức là từ kiết sử thứ 1 đến thứ 5 và cuối cùng là chứng đạt quả vị A la hán (Arahatta) – giải thoát hoàn toàn sau khi trừ sạch 10 kiết sử.

Ðiều cần lưu ý là 4 đạo quả có thể chứng đạt ngay trong đời nầy. Song nếu chưa đủ khả năng chứng đạt 3 quả vị sau thì người tu hành sau khi chết, nếu đã chứng đạt Dự lưu, tái sanh 7 lần trong cõi đời nầy để tu hành thêm mới chứng đạt vô sanh (A la hán), nếu đã chứng đạt Nhất lai, tái sanh 1 lần…, nếu đã chứng đạt Bất hoàn, sanh về Tịnh Ðộ, gồm có 5 cõi thuộc sắc giới (rũpaloka): Vô phiền (Âvika), Vô nhiệt (Atappa), Thiện kiến (Sudassa), Thiện hiện (Sudassi), Sắc cứu cánh (Akanittha); và từ đó chứng đạt A la hán.

Như vậy bốn đạo quả Niết bàn có thể chứng một lần hay nhiều lần, trong đời nầy hay những đời sau.

HT. Thích Thiện Châu

Chấm dứt hoài nghi

Chánh Kinh

Một thời Thế Tôn ở Bârânasi, tại Isipatana, trong vườn nai. Bấy giờ cư sĩ Dhammadinna [1] cùng 500 cư sĩ đi đến Thế Tôn. Sau khi đến kính lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên rồi, cư sĩ Dhammadinna bạch với Thế Tôn :

  • Bạch Thế Tôn, xin Thế Tôn giảng dạy cho chúng con, xin Thế Tôn chỉ bảo cho chúng con để chúng con có được hạnh phúc, an lạc lâu dài.
  • Vậy thì, này Dhammadinna, các người cần nên tu học như vầy : Ðối với những kinh điển sâu sắc, nghĩa lý sâu sắc, siêu việt, phù hợp với đạo lý Không, [2] nên thường xuyên dốc lòng học hỏi. Như thế, nầy Dhammadinna, các người càng nên tu học.

  • Bạch Thế Tôn, thật không dễ gì cho chúng con, thích hương chiên đàn của Kâsi, [3] đeo tràng hoa, thoa hương phấn, cất giữ vàng bạc, thường xuyên dốc lòng học hỏi những kinh điển sâu sắc, lý nghĩa sâu sắc, siêu việt, phù hợp [đạo lý] Không. Vậy xin Thế Tôn giảng dạy cho chúng con, những kẻ an trú trong 5 giới [4] các giáo pháp khác.

  • Vậy thì, này Dhammadinna, các người cần nên tu học như vầy : chúng tôi sẽ thành tựu lòng tin bất động đối với Phật – Thế Tôn là bậc �ng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Ðiều ngự Trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Thế Tôn.

  • Chúng tôi sẽ thành tựu lòng tin bất động đối với Pháp – Pháp do Thế Tôn khéo giảng, thiết thực trong hiện tại, có hiệu quả tức thờ, cần đến mà thấy, có khả năng hướng thượng, chỉ người trí mới tự mình hiểu thấu.

    Chúng tôi sẽ thành tựu lòng tin bất động đối với Tăng – Diệu Hạnh là đệ tử Thanh văn của Thế Tôn. Trực Hạnh là đệ tử Thanh văn của Thế Tôn. Chơn Chánh Hạnh là đệ tử Thanh văn của Thế Tôn, Hòa Kính Hạnh là đệ tử Thanh văn của Thế Tôn. Tức là bốn đôi và tám bậc thượng nhân. [5] Ðệ tử Thanh văn của Thế Tôn là đáng cung kính, cúng dường, tôn trọng, vái chào, là ruộng phước không gì hơn trong đời.

    Chúng tôi sẽ thành tựu Giới được các bậc Thánh ưa thích, không bị bể nát, dứt đoạn, lấm lem, nhơ nhớp, đưa đến giải thoát, được người trí khen ngợi, không bị chấp thủ và dẫn đến thiền định. Như vậy, nầy Dhammadinna, các người nên tu học.

    • Bạch Thế Tôn, bốn pháp dẫn đến Dự-lưu [Sotâpatti] [6] được Thế Tôn giảng dạy, có mặt nơi chúng con; chúng con đã thực hiện những pháp ấy. Bạch Thế Tôn, chúng con thành tựu lòng tin bất động đối với Phật, Pháp, Tăng và Giới [7].
  • Này Dhammadinna, lợi ích thay cho các người. Nầy Dhammadinna quả thật lợi ích cho các người. Nầy Dhammadinna, người đã tuyên bố về quả Dự lưu [8].

  • Chú thích sơ lược:

    [1] Dhammadinna: cư sĩ Dhammadinna là một trong bảy đệ tử tại gia có đến 500 bạn đạo.

    [2] Không [Sunnatâ]: Ðạo lý Không trong kinh nầy có nghĩa là Vô ngã [nhơn không, pháp không] do Phật Tổ thuyết minh, trong mục đích giúp chúng ta nhận rõ sự thật nơi con người và cuộc đời không chắc thật bền lâu, do đó không “chấp thủ” và tự tại an vui cuộc sống. Sự vật vốn không có chủ thể chứ không phải là không có. Bong bóng hiện hữu là nhờ có nước xà phòng, ống thổi và hơi người thổi, song không hề có chủ thể chắc thật thường còn của bong bóng. Do biết rõ bong bóng vốn là không thật nên khi bong bóng hiện ra với sắc màu long lanh chúng ta không vui mừng đến nổi điên cuồng, và khi bong bóng tan vỡ chúng ta cũng không buồn phiền đến nổi chết lịm. Chỉ người lớn mới biết sự thật của bong bóng. Thánh nhân mới hiểu sự thật của cuộc đời.

    [3] Kâsi tức là Varanasi [Bénarès] bây giờ. Ðây là một thành phổ cổ, nằm trên khúc sông Gange “linh thiêng” ở Ấn Ðộ mà cách đây 2500 năm, lúc Phật ra đời, đã có nền văn minh khá cao : dân chúng đã biết dùng hương phấn và ngay cả áo quần dệt bằng chỉ vàng thật.

    [4] 5 Giới: là không sát sanh, trộm cắp, tà hạnh, dối trá và uống dùng các loại rượu và thuốc làm say loạn tâm ý.

    [5] Bốn đôi đạo quả cũng là bậc thượng nhân : 1-2 : Dự lưu đạo-Dự lưu quả; 3-4 : Nhất lai đạo – Nhất lai quả; 5-6 : Bất hoàn đạo, Bất hoàn quả; 7-8 : Vô sanh đạo, Vô sanh quả.

    [6] Dự Lưu: Vào giòng Thánh hay vào cửa đạo. Ðã chứng đạt dự lưu thì chắc chắn không còn thối lui và thẳng tiến đến Niết Bàn.

    [7] Ðoạn nầy là dịch gọn lại : có thể xem ở đoạn trên và Phật Pháp Tăng

    [8] Người tu hành dù chứng đạt đạo quả cũng không tự khoe. Nếu khoe thì phạm lỗi Tăng thượng mạn. Nếu chưa chứng đạt mà nói la đã thì phạm tội Vọng ngữ, 1 trong 4 tội nặng phải bị ra khỏi Giáo Hội.

    nguồn: budsas.org

    Visits: 1720