image1 6

Chạm bờ sinh tử

image1 6
CHẠM BỜ SINH TỬ

Ai cũng biết một người gọi là sống khi còn hơi thở và chết là sự chấm dứt hơi thở vào, hơi thở ra. Nhưng sự biết này rất yếu, nó không đủ sức mạnh để mọi người phải quan tâm, để ý đến hơi thở của chính mình. Hơi thở chỉ được quan tâm trong 4 trường hợp: khi đứa trẻ vừa sinh, một bệnh nhân cấp cứu, một người sắp chết và một người hành thiền với đề mục hơi thở. Nên có thể nói hành giả thiền Tứ Niệm Xứ là người chạm vào bờ sinh tử bằng việc khảo sát hơi thở của chính mình. Đó cũng là việc đầu tiên khi bước vào thiền Tứ Niệm Xứ là quan sát hơi thở.

Trong bài kinh Đại Niệm Xứ, Đức Phật dạy rằng ban đầu việc quan sát hơi thở phải ở trong tư thế ngồi khoanh chân (bán già hoặc kiết già), lưng thẳng và quan sát trước mặt, nơi mà luồng không khí được gọi là “hơi thở” đi vào, đi ra. Trong tư thế ngồi nhắm mắt, hành giả tập trung vào vùng trước mặt của mình để nhận ra luồng không khí vào ra qua hai cửa thường gọi là “lỗ mũi”. Hành giả cần TỈNH GIÁC khi quan sát hơi thở vào, hơi thở ra như sau: Hơi thở này không màu, không mùi, không vị. Nó không phải là đối tượng của mắt, của tai, của mũi, của lưỡi. Cho nên căn mắt, tai, mũi, lưỡi không có việc để làm. Ta không được nhầm tưởng hơi thở sang đối tượng các căn khác ngoài căn thân. Tức là biết rõ giới hạn của hơi thở chỉ nằm trong phạm vi thấy biết của thân thức và xúc chạm nơi thân căn mà không lẫn sang các căn khác. Tỉnh giác này gọi là giới vức tỉnh giác hay hành xứ tỉnh giác khi quan sát đề mục thiền.

Tỉnh giác thứ hai là sự đụng chạm của luồng khí với vùng da ở trước mặt (trong hay ngoài lỗ mũi) mới giúp cho thân thức sinh lên để biết sự đụng chạm này. (Thân thức là tâm biết của thân khi có đối tượng xúc chạm vào thân). Sự đụng chạm này mang theo hơi nóng của cơ thể khi thở ra và hơi lạnh của bên ngoài khi thở vào. Nếu không biết sự đụng chạm hay đụng chạm mờ nhạt thì không đảm bảo việc hành giả quan sát được hơi thở đúng. Tỉnh giác này giúp cho hành giả biết rõ Danh Pháp (tâm thức hay cái biết nơi thân khi có đụng chạm của hơi thở) và Sắc Pháp (sự đụng chạm, tính nóng lạnh của hơi thở). Tỉnh giác nào làm hành giả thấy rõ thực tại danh sắc chân đế gọi là chánh kiến tỉnh giác. Chánh kiến tỉnh giác này là tên gọi khác của tâm sở trí Tuệ khi bước vào hành thiền Tứ Niệm Xứ. Tâm sở trí Tuệ là chủ thể của pháp thiền Tứ Niệm Xứ và tâm sở này sẽ phát triển dần lên với các tên gọi như tuệ Danh Sắc, tuệ Nhân Duyên, tuệ Tam Tướng, Tuệ Sinh Diệt…khi hành giả đi sâu vào pháp hành thiền Tứ Niệm Xứ.

Tỉnh giác thứ ba là hành giả xem có thuận lợi hay bất lợi gì khi quan sát hơi thở như ta có bị ngồi trước hướng gió không? Ta có bị khó thở vì nghẹt mũi không? Thời tiết hôm nay khó chịu hay dễ chịu cho thân tâm…Tỉnh giác này bảo vệ hành giả trong suốt thời thiền lúc đầu, lúc giữa và lúc cuối. Tỉnh giác này gọi là thuận lợi tỉnh giác khi quan sát đề mục thiền.

Tỉnh giác cuối cùng hành giả luôn cần ghi nhớ là ta quan sát hơi thở để làm gì? Mục đích gì? Nếu quan sát hơi thở để tìm hiểu bản thân, tôi là ai thì có lợi ích. Còn để tìm sự hỷ lạc, nimita, đắc thiền hay chữa bệnh thì không có lợi ích cho việc khám phá hành trình tôi là ai, từ đâu đến và sẽ đi về đâu. Tỉnh giác này gọi là lợi ích tỉnh giác và giúp cho hành giả không lạc đường trong quá trình hành thiền Tứ Niệm Xứ.

Với bốn sự tỉnh giác này, gộp lại nói chung là TỈNH GIÁC trong khi quan sát hơi thở, mới đảm bảo cho hành giả có thể thành tựu trong việc quan sát hơi thở vào, hơi thở ra. Xuyên suốt pháp thiền Tứ Niệm Xứ, TỈNH GIÁC luôn dẫn đầu. Đây là điểm đặc biệt và khác biệt lớn nhất của thiền Tứ Niệm Xứ với các pháp thiền khác. Chúng ta cần nhớ rằng thiền Tứ Niệm Xứ chỉ có trong lời dạy của một vị Phật và không thể có trong thế gian nếu không có vị Phật nào ra đời. Đức Phật đã dạy “TỈNH GIÁC, vị ấy thở vô, TỈNH GIÁC, vị ấy thở ra.”. TỈNH GIÁC như là một điều kiện bắt buộc để hành giả quan sát đúng hơi thở trên hành trình khám phá tôi là ai trong thiền Tứ Niệm Xứ, khám phá hành trình giữa hai bờ sinh tử.

(Thấy Biết)