image1 3

Cánh cửa chỉ là lối vào

image1 3
CÁNH CỬA CHỈ LÀ LỐI VÀO

Hỏi: Trong những năm gần đây, có nhiều khóa thiền Vipassana và Tứ Niệm Xứ được mở với nhiều phương pháp khác nhau như Mahasi, Goenka, Shwe Oo Min, Mogok…. Là một người mới bắt đầu, tôi nên theo phương pháp nào?

Đáp: Trong chú giải về kinh Tứ Niệm Xứ có nói thiền Tứ Niệm Xứ như ngôi nhà có 4 cửa đi vào là quán thân, quán thọ, quán tâm, quán pháp. Mỗi thiền sư sử dụng một cửa như vậy để hướng dẫn thiền sinh bước vào Tứ Niệm Xứ. Ngài Mahasi dùng quán thân, ngài Goenka dùng quán thọ, ngài Shwe Oo Min dùng quán tâm, ngài Mogok dùng quán pháp. Hành giả đều có thể trải nghiệm tất cả các phương pháp. Sau khi trải nghiệm, thấy bản thân mình phù hợp phương pháp nào thì chuyên tâm với phương pháp đó để thực hành. Nếu phương pháp nào giúp cho hành giả thấy rõ nhất pháp chân đế trong tất cả đề mục thiền và việc hành thiền của mình, thì phương pháp đó là phù hợp nhất. Nhưng luôn nhớ rằng cánh cửa là để vào nhà chứ không phải dừng ở cửa. Bạn phải thực hành Tứ Niệm Xứ trọn vẹn (thân, thọ, tâm pháp) mà không phương pháp riêng rẽ nào giúp bạn được nữa. Bạn phải quán thân trên thân chứ không dùng được phương pháp quán thân để quán thọ. Tương tự cũng không thể dùng phương pháp quán thọ để quán thân, hay quán thọ để quán tâm,…Đức Phật luôn nhắc đi nhắc lại cuối mỗi phần quán trong kinh Tứ Niệm Xứ là quán thân trên thân, thọ trên thọ, tâm trên tâm, pháp trên pháp. Đây cũng là Giới Vức Tỉnh Giác của các đề mục thiền.

Như vậy, dù phương pháp nào thì cũng là CÁNH CỬA và CHỈ LÀ LỐI VÀO nhà. Hành giả cần phải khám phá căn nhà chứ không nên dừng lại nơi cánh cửa.

Hỏi: Xin cho ví dụ để hiểu thực tánh chân đế ?

Trả lời: Ví dụ về cái bình bằng sứ. “Cái bình” nếu nó tan vỡ thì nó là “mảnh sành” , “mảnh sành” đem xay nhỏ thì gọi là “hạt bụi”. Cái bình, mảnh sành và hạt bụi đều không phải là thực tại tột cùng hay thực tại chân đế mà là khái niệm, quy ước chế định về hình dáng nên gọi là tục đế. Nhưng tính nóng lạnh, cứng mềm của cái bình cho dù sau đó là mảnh sành hay thành hạt bụi thì nó vẫn là cứng mềm, nóng lạnh. Sự nóng lạnh, cứng mềm này là thực tại tột cùng của vật chất hay sắc pháp nên gọi là thực tại chân đế. Còn những gì gọi tên quy ước về hình dáng, khái niệm của nó như cái bình, mảnh sành, hạt bụi là tục đế. Dù phương pháp hành thiền của thiền sư nào thì phương pháp đó phải giúp hành giả thấy rõ thực tại chân đế trong đề mục hành thiền.
Lấy thêm ví dụ về hơi thở. Khi nói “hơi thở” thì tên gọi “hơi thở” là pháp tục đế nhưng thực tính chân đế của hơi thở xuất hiện nơi đầu mũi là nóng lạnh, là đụng chạm cứng mềm. Hay tính cứng mềm, co dãn của thân khi hơi thở vào ra trong thân (phần bụng).

Hành giả nên nhớ rằng 3 đặc tính Vô Thường, Khổ, Vô Ngã chỉ hiển lộ trên thực tính Chân Đế chứ không hiển lộ trên 13 pháp tục đế (6 cách gọi tên và 7 cách quy ước, khái niệm). Thực hành thiền Tứ Niệm Xứ là thực hành pháp chân đế với thực tại tột cùng của vật chất (sắc pháp) và tâm (danh pháp) qua các đề mục thiền trong Tứ Niệm Xứ. Xin nhấn mạnh rằng chỉ khi có một vị Phật ra đời thì các đề mục thiền chân đế mới có mặt trong thế gian. Các đề mục chân đế này được Ngài chỉ dạy đầy đủ trong kinh Tứ Niệm Xứ. Đó là lý do Đức Phật nói rằng đây là con đường duy nhất để nhận ra thân tâm và cách không bị ràng buộc bởi chúng. Khi chưa rõ đề mục nào là tục đế, đề mục nào là chân đế, hành giả nên thỉnh cầu thiền sư giảng giải cho rõ để thực hành. Nếu chưa hiểu mà thực hành thì sẽ bị nhầm lẫn, việc hành thiền không tiến triển được. Như vậy có thể nói hành giả cần có Chánh Kiến Tỉnh Giác khi bước vào hành thiền Tứ Niệm Xứ. Tức là biết rõ thực tại danh sắc chân đế của đề mục thiền. (Còn nữa)

(Thấy Biết)