
Bốn cách sống theo Chánh mạng để đạt đến cảnh giới tốt đẹp
Những ai được sinh ra làm người đều đã từng thực hành nhiều thiện pháp trong những kiếp sống trước của họ, và được sinh ra làm người là kết quả của những thiện pháp ấy. Họ muốn sống những kiếp sống tốt đẹp trong thế giới của loài người.
Chỉ khi họ có sống theo Chánh mạng, họ sẽ được tái sinh trong những cảnh giới tốt đẹp và cuối cùng sẽ đạt được đạo quả Giải thoát Níp-bàn cao quý nhất.
Trưởng lão Ashin in Kaccayana Thera, tiền thân của ẩn sĩ Kaladevila Hemit, đã nói về bốn cách sống theo Chánh mạng trong thế gian này:.
(1) Sống theo Chánh mạng bằng cách siêng năng tạo dựng tài sản.
(2) Sống theo Chánh mạng bằng cách phân chia và chia sẻ của cải có được..
(3) Khiêm tốn và không khoe khoang khi có nhiều của cải.
(4) Giữ cuộc sống an bình khi tài sản bị mất hoặc suy giảm. Không nên nản lòng và phiền muộn.
Bốn cách sống thiện lành này đã được ngài dạy cho người em của mình.
(1) Một người lười biếng không cố gắng tạo dựng tài sản sẽ sống không hạnh phúc vì thiếu thức ăn, quần áo và nơi trú ẩn. Cha mẹ, con cái, người thân và người làm công đang cùng sống với họ cũng không hạnh phúc do nhu cầu thức ăn, quần áo và nơi trú ẩn bị thiếu thốn. Đó là lý do tại sao, một người không tạo dựng của cải do lười biếng có một lối sống không được tán thán trong kiếp sống làm người này của họ.
Người cố gắng để tạo dựng tài sản không hề lười biếng sẽ được hạnh phúc vì anh ta có đầy đủ thức ăn, quần áo và nơi trú ẩn cho chính mình. Những người đang sống cùng với anh ta như cha mẹ, con cái, người thân và người làm công cũng sẽ được hạnh phúc vì có đủ thức ăn, quần áo và nơi trú ẩn. Đó là lý do tại sao tạo dựng của cải không hề lười biếng là một lối sống được tán thán trong kiếp sống làm người này của họ.
(2) Một người không phân chia và chia sẻ của cải của mình tạo dựng được với những người cần nhận được sự chia sẻ như cha mẹ, con cái, người thân, không hộ độ cho chư Tăng cũng như không giúp đỡ cho những người cần đến sự giúp đỡ của mình là một người dính mắc vào của cải . Mặc dù người ấy có thể giàu có, nhưng người ấy không có được sự lợi lạc trong kiếp sống này cũng như trong những kiếp sống tương lai. Vì vậy, người ấy sống một lối sống không được tốt đẹp trong kiếp sống làm người này.
Sau khi phân chia của cải kiếm được thành bốn phần bằng nhau, một phần phải được chia cho các con, cha mẹ, người thân, bố thí choTăng đoàn và giúp đỡ những người đã đến để xin được giúp đỡ, hai phần phải được đưa vào đầu tư trở lại cho công việc và phần còn lại phải được để dành cho trường hợp khẩn cấp. Người biết phân chia và sử dụng tài sản của mình có môt sống tốt đẹp trong kiếp sống làm người này.
(3) Những người trở nên giàu có thường có khuynh hướng khoe khoang, kiêu căng, ngạo mạn vì sự giàu có của mình và không quan tâm đến bạn bè cũ . Loại người này sẽ bị thoái hóa trong cuộc sống này cũng như những kiếp sống trong tương lai. Đó là nguyên nhân của sự bất hạnh, sẽ dẫn đến những kiếp sống không mấy tốt đẹp trên thế gian này.
Những người trở nên giàu có và có nhiều của cải, nhưng không khoe khoang và kiêu ngạo, biết yêu thương và trân trọng những người bạn cũ, những người này đang sống một cuộc sống tốt đẹp trong cuộc đời này và sẽ là nhân của hạnh phúc trong những kiếp sống tương lai.
(4) Do lũ lụt, hỏa hoạn hoặc cướp, đó là nguyên nhân này hay nguyên nhân khác khiến cho tài sản của một người bị mất hoặc suy giảm, và nếu người ấy bỏ ăn hoặc mất ngủ vì sầu khổ, người ấy sẽ đánh mất sự lợi lạc trong kiếp sống hiện tại cũng như các kiếp sống tới trong vòng sinh tử luân hồi . Đây là một cách sống không được tán thán trong sự tồn sinh của con người.
Khi tài sản bị mất do các trường hợp như lũ lụt, hỏa hoạn, trộm cướp, nếu giữ được bình tĩnh, không để cho cảm xúc rối loạn và tiếp tục làm việc bình thường như trước thì sẽ có được sự lợi lạc trong kiếp sống này và các kiếp sống tới trong vòng sinh tử luân hồi. Đây là một cách sống được tán thán trong sự tồn sinh của con người..
Chỉ khi chúng ta có thể sống theo bốn cách sống chân chánh này, có nghĩa chúng ta đang sống một cuộc sống thiện lành. Chúng ta sẽ được tái sanh vào những cõi giới tốt đẹp và cao quý cũng như sẽ đạt đến đạo quả Giải thoát Níp- bàn cao thượng nhất.
Bốn dịp may để chứng nghiệm Pháp
Do Giáo pháp của Đức Phật đã trải qua hơn 2.500 năm, một số người nghĩ rằng đây không phải là thời để cho chúng ta tu tập trở thành các bậc Thánh cao thượng (ariya puggala) chẳng hạn như bậc Dự lưu (sotapanna) v.v… và đạt đến đạo quả Giải thoát Níp-bàn. Tuy nhiên, một số người tin rằng mặc dù Giáo pháp của Đức Phật đã trải qua hơn 2.500 năm, vẫn có thể có các bậc thánh như Dự lưu (sotapanna) v.v… những người chứng nghiệm được Pháp cao thượng. Trong hai trường phái tư tưởng này, suy nghĩ nào đúng sẽ được làm rõ bởi các nhà chú giải.
Các nhà chú giải này biết tâm nguyện của Đức Phật nên đã chỉ ra bốn dịp may để chứng nghiệm Pháp:
1) Buddhuppādakkhaṇo: Sống cùng thời kỳ Giác ngộ của Đức Phật sẽ có dịp may để tiếp cận Giáo pháp (Sasana).
2) Majjhimadeseuppattikhaṇo: Được sanh làm người ở vùng giữa (trung tâm) (majjhimadesa), nơi giáo pháp đang hưng thịnh.
3) Sammādiṭṭhiyāpatiladdhakhaṇo: Có cơ hội để học hỏi và tiếp thu Chánh kiến.
4) Channaṃāyatanānaṃavekallakhaṇo: Là người có có các căn đầy đủ không khuyết tật, như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.
Đây là bốn cơ hội tốt để chứng nghiệm Pháp cao thượng đã được nói trên. (Dhammapadaṭṭha 2 / 304).
(1) Khi không có sự Giác ngộ của Đức Phật và như vậy sẽ không có sư ra đời của Giáo pháp (Sasana), và nếu mọi người muốn thực hành Pháp thì đây là điều không thể do bởi họ không có điều kiện để thực hành thiền Tứ niệm xứ để chứng nghiệm được Pháp cao thượng.
Châm ngôn: Gặp thời kỳ giác ngộ của Đức phật và Giáo pháp này là một dịp may.
Những ai được sinh làm người trong cùng thời kỳ giác ngộ của Đức Phật và Giáo pháp (Sasana) có thể lắng nghe những bài Pháp và có cơ hội để thực hành thiền Tứ niệm xứ, và như vậy họ sẽ trở thành các bậc Thánh như Dự lưu ( sotapanna ), v.v… và chứng nghiệm được Pháp cao thượng tùy vào ba-la-mật (parami) của họ. Đó là lý do tại sao sinh vào thời kỳ Giác ngộ của Đức Phật và Giáo pháp này là một dịp may để đạt được đạo quả Giải thoát Níp-bàn.
Châm ngôn: Gặp thời kỳ Giác ngộ của Đức phật và Giáo pháp này là một dịp may.
2) Mặc dù có sự Giác ngộ của một vị Phật và Giáo pháp của Ngài, những ai sinh ra ở một nơi Giáo pháp không hưng thịnh thì không có cơ hội để nghe Pháp và do vậy không thể thực hành thiền Tứ niệm xứ. Kết cuộc là họ không thể chứng nghiệm Pháp cao thượng.
Những ai sinh ở nơi Giáo pháp hưng thịnh thì có thể làm các công đức theo đúng lời dạy của Đức Phật. Họ có thể lắng nghe và thực hành thiền Tứ niệm xứ để đạt được đạo quả Giải thoát. Do đó, họ có thể trở thành bậc Thánh như Dư lưu (sotapanna) v.v… và chứng nghiệm Pháp cao thượng. Vì vậy, được sinh làm người ở một nơi Giáo pháp hưng thịnh là một dịp may để thành tựu đạo quả Giải thoát Níp-bàn.
Trong thời Đức Phật còn tại thế, Ấn độ được coi là một vùng giữa ( Majjhimadesa) là nơi mà Gáo pháp hưng thịnh.
Ngày nay một quốc gia như Myanmar sẽ được xem như là một nơi Giáo pháp hưng thịnh.
Châm ngôn: Sống nơi nào Giáo pháp hưng thịnh là một dịp may.
3) Những ai không tin rằng việc tạo các thiện nghiệp như bố thí có thể giúp cho họ có một cuộc sống thịnh vượng và sẽ cho nhiều loại lợi ích trong mỗi kiếp sống; cũng không tin rằng các bất thiện nghiệp như sát sanh, trộm cắp v.v… sẽ dẫn họ đến đọa xứ ( apāya) và sẽ chịu đau khổ – họ nghĩ rằng chỉ có một kiếp, không có kiếp sau. Những người này, do tà kiến (micchādiṭṭhi), sẽ không bố thí hoặc tạo bất cứ thiện nghiệp nào. Họ cũng sẽ không thực hành thiền Tứ niệm xứ qua đó họ có thể chứng nghiệm được Pháp cao thượng. Như vậy, họ sẽ không bao giờ đạt được đạo quả Giải thoát Níp-bàn.
Những ai tin rằng làm các thiện nghiệp như bố thí sẽ giúp cho họ có một cuộc sống thịnh vượng và cho nhiều loại lợi ích trong mỗi kiếp sống cho đến khi họ chứng đạt đạo quả Giải thoát Níp- bàn, và rằng sát sanh, trộm cắp và các tà hạnh khác sẽ dẫn đến đọa xứ (apāya) và sẽ phải chịu đủ mọi loại đau khổ, sẽ thực hành các thiện pháp bởi vì họ có Chánh kiến. Để thành tựu Đạo quả Giải thoát, họ sẽ thực hành thiền Tứ niệm xứ. Như vậy, tùy theo Ba la mật của mình, họ sẽ trở thành các bậc Thánh nhân như Dự lưu (sotapanna ) v.v… và chứng nghiệm được Pháp cao thượng. Vì thế, Có chánh kiến là một dịp may để lãnh hội được Pháp cao thượng.
Châm ngôn: Có chánh kiến là một dịp may
4) Những ai mù lòa, không thể thờ phụng hình ảnh của Đức Phật và không thể ghi nhận chánh niệm “thấy, thấy” khi nhìn. Những ai điếc, không thể nghe Pháp thoại và không thể ghi nhận chánh niệm “nghe, nghe” khi nghe. Những ai mũi, lưỡi và xúc (giác) của họ bị khuyết tật và những kẻ tâm trí rối loạn không thể thực hành thiền. Những người này không thể thành tựu Đạo quả Giải thoát Níp -bàn .
Những ai mà sáu giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi, và xúc (giác) đều lành lặn và tinh thần lành mạnh, có thể thờ phụng hình ảnh của Đức Phật, nghe Pháp, thực hành thiền Tứ niệm xứ và như vậy tùy theo Ba-la-mật của họ, họ sẽ trở thành các bậc Thánh như Dự lưu (sotalanna) , v.v… và chứng nghiệm Pháp cao thượng.
Đó là lý do tại sao, có tất cả sáu giác quan lành lặn là một dịp may để đạt được Đạo quả Giải thoát.
Châm ngôn: Có sáu giác quan lành lặn thật sự là một dịp may.
Nếu những ai có được bốn dịp may này và thực hành thiền Tứ niệm xứ một cách đúng đắn chắc chắn họ sẽ chứng ngộ Đạo quả Giải thoát Níp-bàn.
Những ai thực hành thiền Tứ niệm xứ đúng phương pháp, mặc dù họ không thể thực hành toàn thời gian mà chỉ thực hành bán thời gian, cũng sẽ hiểu bản chất của Pháp. Những ai hiểu bản chất của Pháp sẽ quan tâm vào việc thực hành Pháp. Họ sẽ có sự tin tưởng nhiều hơn trước rằng họ có thể thành tựu Pháp tùy vào Ba la mật của họ.
Do tin rằng có thể lĩnh hội được Pháp trong chính đời sống này, họ sẽ quyết tâm, nỗ lực và tinh tấn nhiều hơn, và những điều này lại sẽ đưa đến chánh niệm. Chánh niệm càng được củng cố thì định (Samadhi) sẽ càng vững mạnh. Nếu định sâu sắc thì sẽ đạt được tuệ quán (vipassanā). Khi năng lực nội quán đủ mạnh và những gì cần làm đã được làm xong, họ sẽ chứng Đạo và Quả trí (magga phala ñāṇa) hay Pháp cao thượng nhất.
Sayadaw Ashin Kundalbhivamsaà
Theo: Dhamma Padetha
Chuyển ngữ: Supanna Thiện Trí
You must be logged in to post a comment.