
Bạn đã “tu luyện” tới mức nào?
Hiểu biết giản dị nhất của chữ ‘’tu’’ là sửa chữa, sửa đổi, thay đổi từ điều ác sang lành, từ bất thiện sang thiện, từ có hại sang vô hại rồi đến có lợi ích. Chữ tu đi kèm chữ luyện ở mức ‘’tu luyện’’ là thể hiện mức độ nhuần nhuyễn, thuần thục trong việc tu tập hay tu sửa đó với ba mức độ bị động, chủ động, tự động.
Ta đang hút thuốc ta bỏ thuốc, ta đang uống rượu ta bỏ rượu tức là đang tu sửa những thói quen có hại cho bản thân để có thói quen vô hại. Bỏ thuốc hay bỏ rượu chỉ là quay lại cái thủa ban đầu ta chưa nghiện thuốc, nghiện rượu mà thôi. Cho rằng ta đã bỏ được thuốc, được rượu thì thật là oai nhưng kỳ thực ta chỉ trở lại điều ban đầu khi mà ta chưa dính mắc vào. Vì thế gọi là tu sửa tức là sửa chữa lại cái đã bị hỏng thành lành lặn, được như lúc đầu. Cũng vậy, khi tu tập, tu sửa kỳ thực là ta hành trình trở lại làm con người vô hại với chính mình và người khác, sau đó rồi mới có thể làm điều tốt đẹp với mình và với người khác. Khi ngài A-Nan hỏi Đức Phật truyền thống tu tập của chư Phật trong quá khứ, hiện tại và tương lai ra sao, Đức Phật đã trả lời (xem tích truyện kinh Pháp Cú) bằng bốn câu kệ:
Dừng làm các việc ác.
Gắng làm các hạnh lành.
Giữ tâm ý thanh tịnh.
Là lời chư Phật dạy.
Dừng làm các việc ác chính là trở lại làm con người vô hại cho chính mình và người khác. Với 5 giới của Phật tử: 1. Không sát sinh. 2. Không trộm cắp. 3 Không tà dâm. 4. Không nói ác. 5. Không uống rượu thì 4 điều đầu tiên là không gây hại trực tiếp đến người khác và điều thứ 5 là không gây hại đến chính mình. Mới nghe qua ta tưởng đơn giản nhưng kỳ thực để ‘’tu luyện’’ giữ giới trong sạch lại không đơn giản, có khi cả đời cũng không làm được. Ví dụ như ta có thể cố gắng không sát sinh nhưng dễ dàng đập chết con muỗi khi đang đốt vào má ta trong phản ứng bản năng tự nhiên hay bóp chết con kiến khi nó cắn vào gáy ta. Tất nhiên là ta có quyền tự vệ và bảo vệ mình nhưng như vậy trong khi phản ứng tự nhiên để chống lại cơn đau đột ngột, bất thình lình (sự bất toại nguyện) ta đã là kẻ sát sinh rồi. Qua đây thể hiện mức độ tu luyện của ta đến mức nào. Ta cảm thấy ta không có lỗi vì ta phản ứng để bảo vệ bản thân, và phản ứng này cố hữu từ trong sâu thẳm, kéo dài vô số kiếp để bảo vệ sự an tòan, sự hiện hữu của ta trong mỗi kiếp sống. Như vậy là ta chưa thành tựu về giới, ta đang trên con đường để trở nên ‘’vô hại’’ chứ chưa hoàn toàn vô hại trong một điều kiện nào đó nếu nó xảy ra. Tận sâu thẳm trong bản năng của tâm thức, ta có nỗi sợ hãi, sợ hãi về nỗi đau cho dù con muối hay con kiến căn hay đốt không làm ta chết được nhưng nó gây ra cho ta nỗi đau, bất thình lình, nhói buốt. Để thành tựu việc này cần phải tu tập quán Thọ niệm xứ trong thiền Tứ Niệm Xứ. Mọi cảm thọ khổ, bất toại nguyện trên thân và tâm phải được ghi nhận trước khi phản ứng, thực hành lâu ngày ta sẽ thấy có chỗ nhói đau khi muỗi đốt, kiến đốt, ta quan sát ghi nhận rất nhanh rồi từ từ xua đuổi con muỗi hay con kiến đốt mà không cần phải đập chết nó mà sự nhói buốt cũng sẽ được chấm dứt.
Cũng như thế, rất nhiều việc trong cuộc sống ta có nỗi sợ hãi tiềm ẩn. Người nghèo có sợ hãi về thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, thiếu thuốc men…(các nhu cầu cơ bản). Còn người quyền quý thì sợ hãi vì sợ bị mất tiền, mất của cải, mất địa vị, mất danh vọng, ….Vì nỗi sợ hãi này nên con người mới giành giật của cải, quyền lực lẫn nhau cho nên con người khó mà dừng làm các việc ác lại. Đức Phật trao lại cho chúng ta trí tuệ về Luật Nhân Quả và pháp hành thiền Tứ Niệm Xứ để ta thực hành dần dần thoát ra hay tu sửa trở về làm con người vô hại. Luật Nhân Quả giúp chúng ta dễ dàng chấp nhận hoàn cảnh bất toại nguyện khi nó xảy đến. Tùy theo phước báu của mỗi người tức là thọ Quả hiện tại gây ra bởi Nhân đã gieo trong quá khứ, tùy theo Nhân đã gieo tong quá khứ mà Quả bất toại nguyện thọ nhận là lớn hay nhỏ. Cùng ví dụ con muỗi đốt hay con kiến cắn là Quả của sự bất toại nguyện nhỏ, khi Quả bất toại nguyện sinh lên, nếu Quả nhỏ sẽ diệt đi ngay bằng cách xua đuổi duyên tạo quả đó đi. Nhưng nếu nghiệp nặng hơn thì Quả mà ta thọ nhận có khi là một cái mụn to ở má hay gáy tùy theo nghiệp mà nó to hay nhỏ, nếu nặng hơn nữa ta có thể nhận một cái u bướu để ta phải thọ nhận Quả đó theo nghiệp của ta cho đến khi đủ duyên diệt đi hay sinh ra Quả mới. Thiền Tứ Niệm Xứ giúp ta thấy được sự thật của Thân, của cảm Thọ, của Tâm và của Pháp diễn biến trong nghiệp của ta mà ta không hoảng hốt, không sợ hãi, thọ nghiệp quả mà không tạo thêm nghiệp nữa. Dừng làm các việc ác từ chỗ có điều kiện đến vô điều kiện mà không rơi vào giáo lý, giáo điều, hô khẩu hiệu. Nếu thực hành thiền Tứ Niệm Xứ không thấy rõ chỗ này ngay trên thân và tâm, ở đây và bây giờ thì rất đáng tiếc vì mất đi cơ hội làm nhẹ nghiệp hiện tại và thoát dần khỏi nghiệp trong những kiếp vị lai. Đây cũng là con đường chư Phật trong quá khứ, hiện tại và tương lai đi qua để dừng làm các việc ác. Vì không thực hành Tứ Niệm Xứ đúng pháp và thành tựu nên phần lớn con người dễ thành kẻ ‘’có hại’’ hay kẻ ‘’làm việc ác’’ tiềm năng và tiềm ẩn mỗi khi có sự bất toại nguyện đến. Nếu bạn không làm các việc ác bạn đã trở thành ‘’bậc xuất gia’’ hay ‘’sa môn’’ đúng theo nghĩa như lời Đức Phật nói: ‘’Xuất gia không phá người. Sa môn không hại người.’’(Pháp Cú 184)
Gắng làm các hạnh lành. Khi các việc ác không làm nữa thì các hạnh lành của chúng ta mới có thể thành tựu. Nếu không chúng ta sẽ như dã tràng xe cát. Buổi sáng gom góp các công đức, hành 10 việc lành (1. Bố thí, 2. Trì giới, 3. Hành thiền, 4.Cung kính, 5. Phục vụ, 6. Hồi hướng, 7. Hoan hỷ, 8. Nghe pháp, 9. Giảng pháp, 10. Chánh kiến), đến chiều, tối ta làm các việc ác hay thiện ác lẫn lộn thì không có tác dụng gì đôi khi lại có hại nhiều hơn vì ta luôn nghĩ ta đã làm việc tốt đẹp ngay cả khi đang làm việc ác. Ví dụ đơn giản như có người làm từ thiện nhưng rồi lại chê bai người không làm từ thiện, người hành thiền lại chê bai người không hành thiền…Nhân bố thí, hành thiền sẽ được quả bố thí, hành thiền. Nhân chê bai sẽ được quả chê bai vì luật Nhân Quả vốn không sai chạy dù ta có muốn hay không muốn nó vẫn cứ xảy ra. Góp ý khác với chê bai. Chê bai là khen mình chê người. Góp ý là mong người ta làm việc tốt, tránh việc xấu. Tuy nhiên góp ý cũng phải đúng lúc, đúng chỗ nếu không tùy duyên thì sẽ xảy ra cãi cọ, tâm sân giữa hai bên nổi lên thì lúc này thiện thành bất thiện, việc lành thành việc ác.
Tâm người làm việc lành bao giờ cũng kèm theo cảm thọ hỷ lạc sinh lên. Còn tâm của người làm việc ác bao giờ cũng kèm theo cảm thọ ưu phiền sinh lên. Chỉ có con đường thực hành Tâm niệm xứ và Thọ niệm xứ trong thiền Tứ Niệm Xứ mới có thể nhận ra dễ dàng trên thân, tâm pháp thiện và pháp bất thiện mà không phải qua tư duy, ý thức, giáo lý, giáo điều hay hô khẩu hiệu. Có ví dụ trong thực tế có đạo hữu ban đầu rất nhiệt tình tham gia việc nấu cháo từ thiện trong bệnh viện theo phong trào. Một thời gian, do quen dần với cảnh phát cháo từ thiện, và tâm chưa đủ từ bi hỷ xả nên mỗi lần tham gia là thấy mệt mõi, chán chường nhưng vẫn cố làm. Một thời gian người gầy ốm hay cáu gắt, sau đó nhờ gặp thiện tri thức trao đổi về thực hành thiền Tứ Niệm Xứ để thấy rõ về việc thiện đối với người khác nhưng bất thiện đối với thân tâm của chính mình, chỉ khi nào lợi mình lợi người thì hãy làm, chưa đủ từ bi và trí tuệ thì chưa thể hành pháp độ người được dù đó là hành động bố thí cháo. Việc quán sát trên thân tâm thấy mệt mỏi chán chường trong hoàn cảnh hay tiếp xúc đối tượng nào đó nhắc nhở ta đang tiếp xúc với pháp nghịch mà ta không cần ý thức phân tích lý luận việc này thuận, việc kia nghịch hay bất thiện theo kiểu giáo lý, giáo điều. Pháp nghịch hay bất thiện trong trường hợp bố thí cháo không phải là hoàn cảnh hay đối tượng được bố thí nghịch hay bất thiện mà là thân và tâm ta chưa tương ưng với hoàn cảnh và đối tượng nên đang bị pháp gây ra phiền não nên pháp này gọi pháp nghịch hay bất thiện đối với thân và tâm ta mà thôi. Nhờ đó ta áp dụng phòng hộ, né tránh…để không bị khổ ưu não do cảnh sinh lên, ta tránh né được pháp bất thiện hay pháp nghịch chưa phù hợp với thân và tâm ta. Như vậy, ngay cả việc làm tưởng là thiện pháp nhưng nếu không qua thực hành Tứ Niệm Xứ thì ta rất dễ bị tà kiến, đang trong pháp bất thiện mà tưởng là thiện, trong nghịch cảnh mà tưởng là tốt đẹp khi ta thiếu đi sự quan sát trên thân và tâm.
Nhờ thực hiện mười việc lành này mà ta tích lũy được phước đức. Nhờ có phước đức mà che chắn bảo vệ ta trên con đường tu tập giải thoát khỏi nghiệp trong kiếp hiện tại và các kiếp vị lai. Cùng ví dụ muối đốt, kiến cắn ở ví dụ trên nếu phước đức ta mỏng thì có thể là một quả u bướu ác tính chen ngang trên con đường tu tập của ta. Thay vì hành thiền thì ta đến bệnh viện để trị liệu với phiền não trên thân và tâm. Vì thế ngoài giờ hành thiền ra, rất nên tích lũy phước đức. Có người nói rằng muốn bố thí thì cần phải giàu có. Thực ra không hoàn toàn như vậy. Tùy theo nghiệp và hoàn cảnh mà ta luôn có bố thí mọi lúc mọi nơi. Ta bố thí thân, khẩu, ý. Thấy người mang vác nặng, ta xách hộ đồ. Thấy người chưa có chỗ ngồi, ta đứng dậy nhường chỗ, thấy người đói khát, ta chia sẻ thức ăn…Đó là bố thí hành động về thân. (*Lưu ý bố thí thân mạng là bố thí ba la mật sẽ được viết trong một bài viết khác về 10 ba la mật). Bố thí về khẩu là né tránh không nói lời ác ý, nói lời hòa ái, động viên, an ủi hay chia sẻ với người trong từng hoàn cảnh thích hợp. Bố thí ý là tác ý đến hoàn cảnh hay đối tượng với tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả. Như vậy 10 việc lành này luôn có mặt trong ta giống như kho báu của mỗi con người và ta đem phân phát chia sẻ kho báu này cho mọi người xung quanh. Việc thực hành ở ba cấp độ là bị động (có người mời gọi, khuyến khích), chủ động, tự động trong hoàn cảnh có điều kiện sang vô điều kiện mà ta có thể tự biết cấp độ hay thành tựu tu luyện của mình đến đến đâu.
Nhờ hành 10 việc lành mà ta có phước đức trong hiện tại và tương lai. Khi có Quả bất thiện trổ ra trong cuộc đời của ta thì nó giống như vị mặn của nắm muối khi hòa vào cốc nước. Nếu ta có phước báu thì nó sẽ tự động hòa tan trong lu nước thay vì cốc nước, và phước báu lớn hơn nữa thì nó sẽ hòa xuống sông khi múc lên uống không còn mặn nữa. Điều này được nói đến trong Tăng Chi Bộ Kinh (Chương Ba Pháp, Phẩm Hạt Muối, 99.Hạt Muối):
Ví như, này các Tỷ-kheo, có người bỏ một nắm muối vào trong một chén nước nhỏ. Các Thầy nghĩ như thế nào, này các Tỷ-kheo, nước trong chén ấy có vì nắm muối trở thành mặn và không uống được phải không?
– Thưa đúng vậy, bạch Thế Tôn. Vì cớ sao? Nước trong chén nhỏ này là ít, do nắm muối này, nước trở thành mặn, không uống được.
– Ví như, này các Tỷ-kheo, có người bỏ một nắm muối vào sông Hằng. Các Thầy nghĩ như thế nào, này các Tỷ-kheo, sông Hằng có vì nắm muối trở thành mặn và không uống được phải không?
– Thưa không, bạch Thế Tôn. Vì cớ sao? Lớn là cả khối nước sông Hằng. Khối nước ấy không vì nắm muối này, nước trở thành mặn và không uống được.
– Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây, có người làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục. Ở đây, này các Tỷ kheo, có người làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tợ, và nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được (trong đời sau), nói gì là nhiều.
Cùng là nghiệp ác nhỏ mọn mà có người phải vào địa ngục, có người chỉ chịu cảm thọ thoáng qua trong hiện tại, thậm chí một chút ít cảm thọ cũng không phải chịu đựng là do phước báu đưa tới. Luật Nhân Quả khiến ta phải thọ quả báo thiện ác khác nhau nhưng cũng do Luật Nhân Duyên mà ta sẽ chịu đựng ở mức độ nhiều hay ít. Ví dụ như gieo hạt lúa ra cây lúa có nhân là hạt lúa nhưng các duyên là đất, nước, không khí, nhiệt độ. Nếu ngập úng hay hạn hán thì hạt lúa không thể trổ ra Quả là cây lúa hay nói cách khác Quả cây lúa trổ ra còi cộc và sẽ chết. Cũng như vậy, do nhân quá khứ hay hiện tai gieo nghiệp ác, nhờ các duyên phước báu đưa tới sẽ làm cho Quả trổ ra yếu ớt, còi cọc gần như không phải thọ quả ác. Nhưng nếu ta không đủ phước báu thì Quả trổ ra khiến ta chịu đau đớn, nếu ta phản ứng mãnh liệt thậm chí sẽ sinh lên trùng trùng nhân nối tiếp nhau không bao giờ hết được. Thực hành 10 việc lành là vô cùng quan trọng trong cuộc sống của đời người. Hơn nữa việc hành việc thiện giúp ta ngăn ngữa các việc ác không có cơ hội chen vào để tạo ra các quả nghiệp xấu trong tương lai. Nếu ta đang đi làm từ thiện bố thí thì gần như ta không có cơ hội trộm cắp, ta đang nghe pháp hay giảng pháp thì không có cơ hội để nói ác…. Vì thế việc tu Phước và tu Tuệ hay Phước Tuệ song tu là cách nói khác của việc hành 10 việc lành (tích Phước) và thực hành thiền Tứ Niệm Xứ (Tuệ giải thoát).
Giữ tâm ý thanh tịnh. Sau khi đã đi qua hai bài thực hành trong thế gian pháp là ‘’Dừng làm các việc ác. Gắng làm các hạnh lành.’’ lúc này ta mới có cơ hội được tham dự vào cấp độ tu luyện bậc cao ‘’Giữ tâm ý thanh tịnh’’. Đây là con đường đi vào Thánh đạo, con đường xuất thế gian. Trong kinh Trạm Xe (Trung Bộ Kinh), ngài Xá Lợi Phất chỉ ra có 7 thanh tịnh mà chúng ta phải thực hành là 1. Giới Tịnh, 2. Tâm Tịnh, 3. Kiến Tịnh, 4. Ðoạn Nghi Tịnh, 5. Ðạo Phi Ðạo Tri Kiến Tịnh, 6. Ðạo Tri Kiến Tịnh, và 7. Tri Kiến Tịnh. Khi thực hành 7 thanh tịnh này là chúng ta đã đi vào Thánh Đạo và khi chúng ta đi đến trạm xe cuối cùng là Tri Kiến Tịnh là chúng ta có thể thành tựu với 1 trong 4 Thánh Quả như sau (trích dẫn từ Vi Diệu Pháp Toát Yếu:
Tu Ðà Huờn Ðạo, tận diệt tà kiến và hoài nghi, và thoát hẳn ra khỏi trạng thái phải bị sa đọa vào những khổ cảnh, hành giả trở thành bậc Thánh Nhập Lưu, còn tái sanh tối đa là bảy lần.
Phát triển Tư Ðà Hàm Ðạo, và làm giảm suy tham, sân, si, hành giả trở thành bậc Thánh Nhứt Lai, còn tái sanh trở lại thế gian chỉ một lần.
Phát triển A Na Hàm Ðạo, và tận diệt tham dục và sân hận, hành giả trở thành bậc Thánh Bất Lai, không bao giờ còn tái sanh trở lại vào thế gian.
Phát triển A La Hán Ðạo, và tận diệt tất cả mọi ô nhiễm, hành giả trở thành bậc Thánh ứng Cúng, hoàn toàn trong sạch, không còn mảy may chút bợn nhơ, xứng đáng thọ lãnh những vật cúng dường cao cả nhất trên thế gian.
7 Thanh Tịnh được ví như 7 trạm xe mà người lái xe chính là hành giả, thân và tâm chính là chiếc xe, con đường để đi từ trạm này đến trạm khác chính là thiền Tứ Niệm Xứ. Vì thế trong phần đầu và phần cuối kinh Tứ Niệm Xứ, Đức Phật đã nói:
Này các Tỷ-kheo, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn. Ðó là Bốn Niệm xứ.
….
Này các Tỷ-kheo, vị nào tu tập Bốn Niệm xứ này như vậy trong bảy năm, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại, hay nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn.
Này các Tỷ-kheo, không cần gì đến bảy năm, một vị nào tu tập Bốn Niệm xứ này như vậy trong sáu năm, trong năm năm, trong bốn năm, trong ba năm, trong hai năm, trong một năm, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại, hay nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn.
Này các Tỷ-kheo, không cần gì đến một năm, một vị nào tu tập Bốn Niệm xứ này trong bảy tháng, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại, hay nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn. Này các Tỷ-kheo, không cần gì bảy tháng, một vị nào tu tập Bốn Niệm xứ này trong sáu tháng, trong năm tháng, trong bốn tháng, trong ba tháng, trong hai tháng, trong một tháng, trong nửa tháng, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại, hay nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn.
Này các Tỷ-kheo, không cần gì nửa tháng, một vị nào tu tập Bốn Niệm xứ này trong bảy ngày, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại, hai là nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn. Này các Tỷ-kheo, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu Chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn. Ðó là Bốn Niệm xứ.
(*Ghi chú: chứng Chánh Trí là quả A La Hán và chứng quả Bất Hoàn là A Na hàm quả)
Là lời chư Phật dạy.(trích từ tích Truyện kinh Pháp cú) Câu chuyện này được kể lại khi đức Phật đang ở Kỳ Viên, liên quan đến câu hỏi của Tôn giả A-nan. Ngày nọ, Tôn giả A-nan đang ngồi chợt nghĩ: “Ðức Thế Tôn đã dạy rõ về cha mẹ của bảy đời chư Phật, đã dạy về thọ mạng, cội cây của chư Phật ngồi thành đạo, đệ tử, vị thống lãnh Tăng đoàn và người ngoại hộ chính thức. Tất cả điều đó đức Thế Tôn nói rõ, nhưng Ngài không nói về phương cách giáo giới của bảy đời chư Phật trong ngày Bố-tát. Phương cách có giống như hôm nay hay khác?”.
Nghĩ thế, Tôn giả đến bạch Phật và thưa hỏi những điều như trên.
– Chư Phật tuy khác nhau về thời gian bố-tát, nhưng tương đồng về lời dạy khi giáo giới.
Ðức Phật Tỳ-bà-thi (Vipassì) bảy năm bố-tát một lần, nhưng lời dạy của Ngài trong hôm ấy áp dụng suốt bảy năm. Phật Thi-khí (Sikhì) và Phật Tỳ-xá-phù (Vessabhù) sáu năm bố-tát một lần. Phật Câu-lưu-tôn (Kakusandha) và Câu-na-hàm-mâu-ni (Konàgamana) bố-tát mỗi năm. Phật Ca-diếp (Kassapa) sáu tháng bố-tát một lần.
Ðức Thế Tôn đã giảng dạy cho Tôn giả A-nan về thời gian bố-tát của bảy đời chư Phật xong, Ngài giải thích rằng lời giáo giới của chư Phật thường nói trong ngày Bố-tát.
(183) Không làm mọi điều ác,
Thành tựu các hạnh lành,
Giữ tâm ý trong sạch,
Chính lời chư Phật dạy.
(184) Chư Phật thường giảng dạy,
Nhẫn, khổ hạnh tối thượng,
Niết-bàn, quả tối thượng,
Xuất gia không phá người,
Sa-môn không hại người.
(185) Không phỉ báng, phá hoại,
Hộ trì giới căn bản,
Ăn uống có tiết độ,
Sàng tọa chỗ nhàn tịnh,
Chuyên chú tăng thượng tâm,
Chính lời chư Phật dạy.
(Biên tập và viết bởi Thấy và Biết)
You must be logged in to post a comment.