10image003

BÀI THUYẾT PHÁP CỦA NGÀI THIỀN SƯ ZATILA TẠI CHÙA KỲ VIÊN

ngai zatila

 

Trong bài pháp thoại này tôi cũng muốn xóa tan đi mối nghi ngờ trong một số vị hành giả vì cũng nhiều người cho rằng khi hành thiền thì rất có thể dẫn tới tẩu hỏa nhập ma, tức là tinh thần của chúng ta sẽ trở nên không bình thường, một số ý kiến khác thì cho rằng hành thiền thì sẽ gây ra một số bệnh tật, chúng ta không có hoạt động. Chính vì những tin đồn như vậy thông qua bài pháp thoại này tôi muốn xóa tan đi mối nghi ngờ đó.
Quý vị biết rằng chúng ta có hai thế giới một là Hiệp thế Lokya. Lokya ở đây là chúng ta đang bị chia phối bởi các phiền não tham sân và si, khi hành thiền tức là ta đang thực hiện pháp gọi là pháp siêu thế lokuttara và hành thiền ở đây là để chúng ta diệt trừ , tịnh trừ các phiền não, diệt trừ tham , sân , si và hành thiền ở đây là để giúp chúng ta thấy được bản chất các pháp, thấy được cái gốc nhìn của tam tướng vô thường, khổ, vô ngã (Anicca, Dukkha, Anatta) chính vì thế mà chúng ta cũng cần hiểu về hai thế giới này.Một thế giới mà chúng ta đang sống và bị chi phối bởi tham sân si. Và việc hành thiền của chúng ta thực hiện là thế giới của pháp siêu thế, đó là chúng ta diệt trừ các phiền não tham sân si và thấy được bản chất của các pháp theo góc nhìn của tam tướng.
Bình thường chúng ta có rất nhiều những suy nghĩ, vọng tưởng, phóng tâm và dường như là chúng ta đang sống với các vọng tưởng, suy nghĩ như thế này. Khi chúng ta hành thiền, mới đầu những suy nghĩ vọng tưởng, phóng tâm như thế này xảy ra rất là nhiều, nhưng do sự quan sát thì sức định dần dần được thiết lập. Khi sức định dần dần được thiết lập thì chúng ta sẽ thấy rất rõ những kinh nghiệm bắt đầu hiện khởi rất rõ trên thân và tâm của chúng ta. Chúng ta thấy những hiện tượng như là đau, nhức, ngứa, mỏi v..v…và rồi chúng ta cũng thấy các trạng thái tâm tham, sân, si hay suy nghĩ của mình.Chúng ta sẽ thấy những hình ảnh hiện khởi, chúng ta sẽ thấy có những hình ảnh rất ghê gớm, những hình ảnh mà chưa thấy bao giờ trong tư duy của mình. Khi thấy những cảm thọ cho dù rất đau, rất khó chịu, hay những hình ảnh như thế, nếu chúng ta không có sự hiểu biết đúng đắn hoặc những thông tin đúng để đưa vào trong việc quan sát thì chúng ta sẽ lo lắng và hoảng sợ, thì ở đây do chúng ta thiếu những thông tin đúng để chúng ta quan sát , thứ hai do sức định của chúng ta chưa đủ mạnh và sự tinh tấn của chúng ta chưa được thiết lập vững vàng. Và như vậy khi chúng ta thiếu đi những yếu tố này thì ta trở nên rất lo lắng và hoảng sợ và suy nghĩ là do hành thiền mà thấy những hình ảnh như thế này, rất ghê gớm như máu, tử thi v.v….nhìn chung không phải như vậy chúng ta cần hiểu ở đây nếu như chúng ta biết cách quan sát đúng, có sự hiểu biết đúng thì chúng ta có thể quan sát bất kỳ hiện tượng nào cho dù nó là cảm thọ đau nhức hoặc là những hình ảnh ghê gớm và nó không ảnh hưởng về mặt tâm lý.
Có một số ý kiến khác nữa thì cho rằng việc hành thiền là để thấy được khổ đế hay bản chất khổ của các hiện tượng. Như vậy cuộc sống này đã là rất khổ rồi mà còn hành thiền để thấy khổ nữa thì họ rất e ngại không biết có nên hành thiền nữa hay không vì họ cho rằng hành thiền chỉ thấy khổ và khổ mà thôi ngoài ra cũng chẳng thấy gì có ích thì đây cũng là một ý kiến không đúng đắn khi mà người ta tiếp cận với thiền.
Quý vị thấy rằng khi Đức Phật của chúng ta Ngài đã đắc đạo quả thì lúc này Đức Phật có rất nhiều sự từ bi, Ngài có những phẩm chất rất đặc biệt nhất là sự từ bi của Ngài, chính vì vậy mà khi Đức Phật thành đạo thì Ngài không tách rời với cuộc sống này, Ngài vẫn sống với cuộc đời này và Ngài đã làm rất nhiều việc để tế độ cho chúng sinh, để giúp đỡ cho các hàng đệ tử của Ngài cũng như làm những điều giúp cho sự tiến hóa về tâm linh cho chúng sanh trong các cõi.Như vậy, Đức Phật chúng ta vẫn y bát, vẫn chấp nhận sự cúng dường của thí chủ, Ngài cũng giúp đỡ cho mọi người trong việc hành thiền, thuyết pháp, giảng pháp không chỉ cho loài người mà còn cho cõi trời. Như vậy khi Đức Phật chúng ta khi thành đạo Ngài trở nên là người rất đặc biệt nhưng không có nghĩa là Ngài tách rời với cuộc sống này, Ngài vẫn sống với cuộc sống này và hơn nữa Ngài vẫn có thể giúp ích cho các hàng chúng sanh trong tam giới.
Một vấn đề nữa mà nhiều người vẫn băng khoăn đặt ra câu hỏi là hành thiền như vậy, học thiền như vậy thì mất thời gian là bao lâu? Mọi người vẫn có sự tính toán một chút về thời gian khi hành thiền .
Để trả lời cho câu hỏi về vấn đề thời gian như thế này thì chúng ta thấy nó không có câu trả lời nhất định .Ở đây, nó tùy thuộc vào mỗi người chúng ta, tùy thuộc vào các phẩm chất mà chúng ta có được. Điều đầu tiên mà chúng ta thấy rất quan trọng là đức tin, kế đến là sự nhiệt tâm, cố gắng, sức định cũng phải được thiết lập, phải có sự hiểu biết để đưa được những thông tin đúng vào trong việc quan sát, như vậy tuệ cũng phải có mặt, hơn hết là chánh niệm. Tóm lại ở đây là ngũ căn, ngũ lực, tín, tấn, niệm , định tuệ cần phải được hội tựu. Nếu năm yếu tố này hội tựu được trong một thời điểm thì chúng ta cũng đã có được sự lợi ích rồi. Khi chúng ta hành thiền, được một tuần cũng đã thấy có được sự lợi ích rồi tiếp đến là một tháng, hai tháng, ba tháng v..v..một năm , hai năm.

Như vậy việc hành thiền nó tùy thuộc vào mỗi người chúng ta, tùy thuộc vào chúng ta có hội tựu đủ các tố chất hay các yếu tố tín,tấn,niệm,định,tuệ hay không?
Vào thời Đức Phật có những người chỉ cần nghe một chút thôi thì người ta đã chứng đạo, cũng có những người khác mất 1 tuần, 2 tuần, 3 tuần, 1 tháng v..v….và nếu như quý vị đạt đến kết quả hay đạt đến sự chứng ngộ của mỗi người xem việc người ta huân tập, tích tựu ba la mật đến đâu thì như vậy thời gian mà người ta liễu ngộ, người ta chứng ngộ thì cũng tương ứng với những ba la mật mà người ta đã tích tựu được.
Như vậy tôi cũng thấy rất rõ trong khóa tu tích cực 40 ngày ở Thiền viện Phước Sơn, có những thiền sinh người ta tham gia trọn khóa tu là 40 ngày, có một số những thiền sinh khác do thời gian eo hẹp họ chỉ có thể thu xếp 01 tuần hay 10 ngày thôi. Trong thời gian rất ngắn ngủi như vậy thì các thiền sinh cũng thu thập được những lợi ích đặc biệt là với sự tu tập của mình.
Qua đó quý vị sẽ thấy để chúng ta có thể hiểu được pháp thì chỉ với thông qua việc thực hành của mình và cũng chỉ thông qua việc thực hành của mình thì chúng ta mới hiểu được Đức Phật là ai? Ngài là con người như thế nào? Cũng có một câu nói đó là: “ Nếu hiểu được pháp thì sẽ thấy được Như Lai” chính vì vậy mà chỉ có qua việc thực hành pháp chúng ta mới hiểu được Đức Phật là ai? Ngài là con người như thế nào? Và giáo pháp của Ngài ra làm sao!
Nếu như mà trong cuộc sống bận rộn của mình, quý vị dành ra mỗi ngày một đến hai nơi để chúng ta thực hành thiền thì chúng ta vẫn có được những lợi ích lớn lao của việc thực hành.Cũng chính vì vậy mà hôm nay tôi sẽ dành thời gian để hướng dẫn quý vị những cách cơ bản của kiểu thực hành ngồi thiền ra làm sao? Đi kinh hành như thế nào và cách chúng ta đi đứng, quan sát trong sinh hoạt hằng ngày.
Đầu tiên ở đây thì chúng ta phải hiểu về chánh niệm.Chánh niệm là chúng ta ghi nhận , ghi nhận cái gì ở đây? Ghi nhận về đối tượng, đối tượng ở đây là đối tượng gì? có phải là bất kỳ đối tượng nào không? Có phải chúng ta ghi nhận bất kỳ đối tượng nào cũng đều gọi là chánh niệm? Vậy thì chánh niệm ở đây là chỉ khi nào chúng ta ghi nhận hiện tượng sanh khởi trên thân và tâm của mình , thân người ta gọi một thuật ngữ là rupa và tâm là nama.Như vậy ở đây chúng ta quan sát về danh và sắc, quan sát các hiện tượng sanh khởi nơi thân và tâm. Nếu như chúng ta ghi nhận hay biết các hiện tượng sanh khởi nơi thân và tâm của mình thì tức là chúng ta đang có chánh niệm.
Thân là các hiện tượng sanh khởi trên thân của chúng ta còn trên tâm của chúng ta là liên quan đến những suy nghĩ, các tác ý trước mỗi khi hành động, khi hành thiền chúng ta quan sát các kinh nghiệm từ thân và tâm.Chúng ta thấy rằng tâm trí của chúng ta luôn bị chi phối bởi tham sân si, tâm luôn không tập trung, khi làm việc gì chúng ta thường không có sự ghi nhận hay biết, đầu óc chúng ta dường như hay bị lơ đãng, phóng ra bên ngoài mà không có thói quen là quay vào bên trong.
Tôi cũng có những câu hỏi mà tôi trắc nghiệm, kiểm tra các thiền sinh trong khóa tu tại Phước Sơn. Ví dụ như tôi hỏi quý vị là hằng ngày quý vị vẫn đi tắm, chúng ta vẫn đóng cửa, mở cửa, chúng ta có hay biết hay không? Ví dụ như chúng ta ăn, chúng ta nhai bao nhiêu lần trước khi chúng ta nuốt quý vị có hay biết hay không? Hay là như việc chúng ta vừa xỏ dép vào chân nhiều khi chúng ta lại hay làm chuyện này chuyện kia thì khi mang dép vào chúng ta có hay biết hay không? Nói tóm lại, rất nhiều những hành động trong cuộc sống hằng ngày,chúng ta đang làm từng giây, từng phút trong hiện tại nhưng liệu chúng ta có hay biết hay không? Mặc dù những hành động này dường như được lập đi lập lại mỗi ngày nhưng mà không biết liệu là chúng ta có để ý tới hay không. Ví dụ như việc nhai hay nuốt thì có vị đưa ra câu trả lời là một lần hoặc ba lần với sự suy nghĩ án định như vậy. Liệu trong đại chúng ở đây có ai có thể trả lời là hằng ngày ví dụ như ăn một ngày ba bữa thì mỗi miếng như vậy chúng ta nhai bao nhiêu lần trước khi nuốt? Ai có thể trả lời thì xin quý vị giơ tay…
Khi chúng ta đang đứng rồi chúng ta ngồi xuống thì liệu chúng ta có hay biết là mình đang ngồi xuống hay không? Rồi khi chúng ta mở cửa chẳng hạn, quý vị có hay biết hành động đó hay không? Để trả lời câu hỏi thì sau thời pháp này quý vị về nhà và thực hành suốt cả buổi tối thì quý vị sẽ có được câu trả lời . Mọi người biết rằng Phước Sơn đã có rất nhiều thiền sinh đã dành suốt cả thời gian dài cho khóa tu 40 ngày vậy thì đối với đại chúng ở đây nếu dành trọn đêm nay cho vấn đề thực hành này thì không có vấn đề gì lắm phải không?
Khi Đức Phật của chúng ta giảng bài kinh Tứ Niệm Xứ (Satipatthana) thì mở đầu bài kinh Đức Phật đã nói về bảy lợi ích của việc thực hành thiền tứ niệm xứ này.
Đức Phật đã nói một cách rõ ràng :”Đây là con đường duy nhất để đưa đến thanh tịnh hóa cho chúng sanh đó là lợi ích thứ nhất , để vượt khỏi sầu và bi là lợi ích thứ hai, thứ ba là dứt khỏi khổ và đau,khổ ở đây là khổ trên thân và ưu là khổ trên tâm đó là năm và sáu tiếp đến là thành tựu chánh trí và chứng ngộ Niết bàn. Như vậy các lợi ích đó là để thanh tịnh hóa chúng sanh, vượt qua sầu bi, dứt khỏi khổ ưu, thành tựu chánh trí và chứng ngộ Niết Bàn.
Mọi người biết rằng trong các lợi ích đó là dứt khỏi khổ và ưu, khổ ở đây là khổ trên thân , những bệnh tật trên thân và những đau khổ trên tâm, nếu chúng ta hành thiền tứ niệm xứ thì sẽ được tiêu trừ, đây là sự đảm bảo, sự xác chứng của đức Phật. Trong khóa tu vừa rồi thì có rất nhiều người vì những lý do có thể là do bệnh tật hỏi tôi rằng : “ Khi hành thiền như vậy thì con có dứt khỏi bệnh hay không?” . Tôi đã đề cập đến những lợi ích của việc hành thiền như vậy. Nếu thực hành đúng như những gì mà Đức Phật đã chỉ dạy thì Ngài đã bảo đảm xác chứng cho chúng ta đó là dứt khỏi khổ và ưu, tất cả những bệnh tật trên thân và tâm.
Đầu tiên Đức Phật hướng dẫn cho chúng ta cách ngồi thiền. Khi ngồi là xếp chéo chân, giữ lưng cho thẳng, mắt chúng ta nhẹ nhàng khép lại và tay nọ đặt lên tay kia và sau đó là chúng ta bắt đầu ghi nhận và quan sát đối tượng chính của mình. Nếu chúng ta nắm bắt được những điểm chính mà chúng ta cần áp dụng trong việc hành thiền này thì việc thực hành thiền không quá khó như là chúng ta tưởng. Điều đầu tiên mà chúng ta cần hiểu là khi chúng ta hành thiền tức là chúng ta đang quan sát các hiện tượng tự nhiên, điều đó có nghĩa là bất kỳ điều gì xảy ra trên thân và tâm của chúng ta thì đó là điều là hiện tượng tự nhiên cho dù nó là những cảm giác đau hay bất kỳ những gì xảy ra, chúng ta luôn luôn ghi nhận và quan sát mà không có sự can thiệp, không có sự kiên cưỡng. Vậy thì ở, điều đầu tiên ở đây cũng là điều mấu chốt đóng một vai trò tối quan trọng trong việc thực hành của chúng ta là luôn luôn ghi nhận các hiện tượng tự nhiên tức là bất kỳ những gì sanh khởi trên thân và tâm của chúng ta, chúng ta vẫn có thể quan sát được.
Ví dụ như ở đây các bạn thấy tiêu chuẩn của một thời thiền là 1 giờ thì đầu tiên khi bắt đầu ngồi thiền chúng ta phải có một nguyện lực là “Tôi nguyện sẽ ngồi một giờ đồng hồ cho dù có chuyện gì xảy ra, tôi vẫn không mở mắt” . Điều đó có nghĩa là khi ta hành thiền lần đầu tiên sẽ xuất hiện những cơn đau, nhức càng lúc càng tăng, chúng ta không hé mắt để xem hiện tượng gì sanh khởi trên thân và tâm của chúng ta, ví dụ như chân chúng ta có cảm giác đau nhức không thể chịu đựng được nữa thì chúng ta có thể từ từ thay đổi oai nghi nhưng không hé mắt, quan sát bất kỳ những gì sanh khởi và làm điều đó trong chánh niệm. Điều thứ hai ở đây là khi hành thiền, chúng ta sẽ bất động, rất nhiều những kinh nghiệm mà chúng ta chưa thấy bao giờ, chưa trải qua bao giờ do từ trước đến giờ vì trước giờ chúng ta chỉ có thói quen nhìn ra bên ngoài mà không có quan sát bên trong thân và tâm của mình.

Vì thế khi hành thiền quay trở vào bên trong thân và tâm, chúng ta sẽ thấy các hiện tượng như thế này. Quý vị sẽ thấy các trạng thái an định, trạng thái rất bình an làm ta lâng lâng như sắp bay bổng trên không trung trạng thái rất an lạc làm cho chúng ta thấy dễ chịu và thích thú với các trạng thái đó và như vậy chúng ta sẽ bị dính mắc vào trạng thái an lạc đó và thích thú với nó, một điều khác nữa chúng ta sẽ bắt gặp cái đau, nhức,mỏi…v.v… và khi có cảm giác như vậy thì chúng ta lại muốn xua đuổi, gạt bỏ đi đối tượng này. Vì vậy ở đây là chúng ta cần phải tránh xa hai thái cực đó cho dù là an lạc, dễ chịu chúng ta không bị dính mắc hay cảm thọ khó chịu chúng ta cũng không xua đuổi, bất kỳ những gì sanh khởi chúng ta đều có thể chấp nhận và quan sát được. Như vậy hành thiền ở đây là chúng ta quan sát ghi nhận bất kỳ hiện tượng nào sanh khởi tự nhiên, không kiểm soát hay không chế bất kỳ kinh nghiệm nào sanh khởi , cuộc sống đã có nhiều khó khăn vất vả chúng ta đã kiểm soát khống chế rồi nếu chúng ta đưa vào khi hành thiền thì sẽ làm cho thân và tâm của chúng ta càng thêm mệt mỏi.
Chúng ta thấy rằng trạng thái tâm của chúng ta luôn có những suy nghĩ, những vọng tưởng, phóng tâm buồn chán hay thích thú rồi thất vọng sanh khởi thì chúng ta vẫn có thể chấp nhận và quan sát được. Đặc biệt là cơn sân là chúng ta không thể nào kiểm soát được, những suy nghĩ tản mạn, phóng tâm v.v…khi thực hành thiền như vậy thì các trạng thái tâm sân đó của chúng ta sẽ từ từ giảm thiểu và những suy nghĩ vọng tưởng phóng tâm của chúng ta cũng bớt dần đi. Thông qua những việc luôn luôn quan sát những trạng thái như vậy thì dần dần chúng ta sẽ trở nên kiên nhẫn hơn, nhẫn nại hơn. Khi quan sát những trạng thái tâm sân như thế này nó đòi hỏi sự nhẫn nại rất nhiều. Khi chúng ta làm được những điều này thì sẽ giúp cho chúng ta tăng trưởng các đức tính liên quan đến việc nhẫn nại và ngày càng trưởng thành hơn về tâm và có thể ứng xử trong cuộc sống khi có trạng thái tâm sân xuất hiện.
Nếu như chúng ta hành thiền và quan sát các khoành khắc hiện tại nhiều hơn, không nhớ về những kinh nghiệm trong quá khứ đã không còn nữa hay hoài nghi , vọng tưởng về những điều chưa xảy ra trong tương lai chỉ quan sát trong khoảnh khắc thực tại thì mới giúp chúng ta có được sự bình an của tâm. Khi hành thiền như thế này tâm của chúng ta ngày càng trở nên rõ ràng, trong sáng hơn, luôn luôn có sự tĩnh thức, luôn luôn có sự tinh tấn, có sự tĩnh tâm và chánh niệm trong đó và trạng thái của tâm ngày càng trở nên tốt hơn và việc hành thiền như vậy là sự cần thiết đối với tất cả chúng ta, giúp chúng ta có được tâm trong sáng, giúp chúng ta có được tâm an định và bình an. Khi hành thiền như vậy sẽ giúp chúng ta có được trạng thái tâm tích cực vì thường thường thì chúng ta luôn có rất nhiều trạng thái tâm xuất hiện như buồn chán, thất vọng , giận dữ v..v.. làm chi phối tâm của chúng ta hoặc các cơn đau nhức, tê mỏi v.v…khi chúng ta duy trì sự quan sát ,hành thiền liên tục và đều đặn thì các cơn đau này cũng sẽ dần dần qua đi .

Bản thân tôi khi duy trì việc hành thiền như thế này thì tôi rất ít khi đi Bác sĩ, có những lúc tôi đau đầu choáng váng hay mệt mỏi hay oải thì khi các hiện tượng đó xảy ra thì tôi ngồi xuống nhắm mắt lại và hành thiền và dần dần cơn đau cũng giảm thiểu và qua đi vì vậy mà khi hành thiền thì cũng giúp cho ta giảm thiểu đi những cơn bệnh như vậy và qua đi. Những căn bệnh của chúng ta xuất phát do thân và tâm không quân bình, khi hành thiền ta thanh lọc tâm của mình làm cho nó tốt hơn và thân tâm trở nên quân bình, khi thân và tâm quân bình thì khi có những cơn bệnh nào đó tái phát trở lại thì với sự hành thiền như vậy cơn bệnh nó sẽ từ từ qua đi. Hay có những lúc ta ghét một người nào đó thì bất cứ gì liên quan đến người đó ta đều không thích và ngược lại.

Ta thường hay có câu nói: “ Ghét ai ghét cả đường đi, thương ai thương cả tông ty họ hàng”. Nó luôn luôn hiện khởi trong tâm thức của ta mà không thể nào tẩy bỏ đi được. Với các hiện tượng như vậy thì khi ta hành thiền với sự quan sát thân và tâm của ta thì việc đó chúng ta sẽ xử lý và thông qua được. Các vị biết đó, các vị A La Hán không khác gì với chúng ta, quý vị có thân ngũ uẩn nghĩa là các vị A La Hán cũng có thân ngũ uẩn, các vị cũng có sắc,thọ,tưởng,hành,thức. Nhưng khác ở chỗ là chúng ta thường hay bị dính mắc vào các hiện tượng xảy ra trên thân và tâm của chúng ta, chúng ta luôn bị phiền não chi phối, có những lúc chúng ta tưởng chừng như nó đã qua đi nhưng thật ra nó đã hằn sâu trong tâm trí của chúng ta và một lúc nào đó 20,30 năm sau do một lý do nào đó nó lại hiện khởi trong tâm thức của chúng ta còn các vị A La Hán thì khác , các vị ấy luôn có sự ghi nhận, quan sát không bị dính mắc vào bất kỳ một hiện tượng nào sinh khởi trên thân và tâm , nhìn chỉ là nhìn, thấy chỉ là thấy, nghe chỉ là nghe. Khi chúng ta bị dính mắc thì phiền não phát sanh, nó là chất keo dính chặt đối tượng trong tâm thức của chúng ta. Khi hành thiền chúng ta quan sát nhưng chúng ta không có chánh niệm để ngăn được các phiền não và các tâm tham, sân, si lại hiện khởi.

Ví dụ ta nhìn thấy một tai nạn nào đó rất là ghê gớm mà ta nhìn thấy xác người biến dạng đi, chúng ta bị ám ảnh trong tâm thức một vài tiếng sau đó hay cả một vài tháng sau, thực ra đó là do cái tường của chúng ta hoạt động, chúng ta không có cái nhìn đúng nhưng đối với các thiền sinh biết cách quan sát, thì cái nhìn chỉ là nhìn lúc đó , tưởng sinh khởi và chết đi ngay trong khoảnh khắc đó và tưởng này không giúp đem cái đối tượng đó từ hiện tại vào tương lai cho dù sau đó một vài ngày hay một vài tháng sau hiện tượng đó cũng không xen vào tâm thức của họ được nữa. Đó chính là sự khác biệt giữa người bình thường không có hành thiền và một thiền sinh hành thiền minh sát họ luôn có sự quan sát sít sao.
Khi hành thiền chúng ta sẽ ghi nhận được các hiện tượng trên thân của chúng ta đó là các đối tượng nó thuộc về thân , chúng ta cũng nhận ra được các trạng thái tâm của chúng ta , tâm của chúng ta có đủ các trạng thái tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến , các suy nghĩ vọng tưởng phóng tâm v.v…đó là các đối tượng thuộc về thân và rồi chúng ta cũng thấy ra được các cảm thọ của mình như cảm thọ khổ, cảm thọ lạc hay là cảm thọ không khổ không lạc đó là các đối tượng thuộc về thọ, và chúng ta cũng ghi nhận được thông qua cái nhìn, cái nghe, cái ngửi cái nếm, sự xúc chạm của mình và tất cả những cái nhìn cái nghe cái ngửi cái nếm sự xúc chạm đó là đối tượng của pháp. Như vậy, khi chúng ta quan sát tổng thể về thân,thọ,tâm, pháp này tức là chúng ta đang thực hành thiền tứ niệm xứ. Chúng ta đang thực hành quan sát liên quan đến bốn đối tượng thuộc về thiền tứ niệm xứ là thân, thọ, tâm và pháp.

(Sadhu Sadhu Chị Diệu Phương đã thực hiện đánh máy bài thuyết Pháp này)