BÀI KINH PHÁP MÔN CĂN BẢN

BÀI KINH PHÁP MÔN CĂN BẢN

Gs. Đại Đức Thiện Minh

coin

Hôm nay chúng ta đọc tụng Trung bộ kinh. Bài kinh số 1 gọi là Pháp môn căn bản. Tiếng Pali gọi là Mulapariyaya Sutta, dịch nghĩa tiếng việt: Pháp môn căn bản tức là kinh này được xếp lên hàng đầu trong số 152 bài kinh, cho thấy bài kinh này rất căn bản. Gọi là căn bản pháp môn kinh, vì nó chứa đựng những lời Phật dạy nòng cốt, Pháp môn tu hành có công năng giác ngộ, giải thoát khỏi sanh tử luân hồi.

Chúng tôi sẽ nói lại những lời Phật dạy, hiểu tới đâu nói tới đó. Vì kinh này ý nghĩa rất sâu sắc, mỗi người hiểu theo cách riêng của mình. Bài kinh này chưa có bản chú giải. Gần đây chúng tôi nghe tin ông Peter Masfield ở Úc Châu đã dịch xong bản chú giải kinh Trung Bộ bản dịch bằng Anh ngữ năm 2010. Tuy nhiên tới tận bây giờ vẫn chưa thấy Hội Thánh Điển Pali (The Pali Text Society) Luân Đôn xuất bản, hy vọng trong tương lai gần sẽ xuất bản quyển chú giải trên để cho Tăng Ni và Phật tử dễ dàng nghiên cứu Phật pháp.

Kinh căn bản pháp môn đề cập thái độ của bốn hạng người đối với các pháp. Trong Vi diệu pháp có phân ra 12 hạng người. Ở ngoài thế gian thì con người có mặt ở 5 châu. Theo kinh điển Pali, lấy núi Tu di làm chuẩn thì có bốn châu: Nam thiện bộ châu, Bắc cưu lưu châu, Tây ngưu hóa châu, Đông thắng thần châu. Ở các châu này tuổi thọ, phước đức, màu da, chủng tộc của con người hoàn toàn khác nhau. Chúng ta muốn biết thêm về vấn đề này, hãy xem quyển Chúng sanh và sanh thú, hoặc quyển Người và cõi.

Bốn hạng người trong kinh Pháp môn căn bản là:

1. Phàm phu: Trong kinh văn nói hạng người phàm phu là người không yết kiến các bậc chân nhân, các bậc thánh, không thuần thục, không tu hành với các bậc chân nhân, các bậc thánh. Hạng người phàm phu là người không học, tham sân si, chưa có tuệ giác.

Trong phàm phu có hai loại: phàm phu không thấy pháp và phàm phu thấy pháp. Ví dụ: phàm phu còn tham sân si, vô minh nên không thấy pháp. Còn quý vị đây có thể gọi là phàm phu thấy pháp, cầu pháp , học pháp. Biết chùa có những khoá tu thì mình tham gia tu học. Phàm phu học pháp và hiểu các lời dạy của các bậc chân nhân. Hôm nay chùa chúng ta có ba phật tử ở Nghệ An đến tu học. Họ đã bỏ nhà, bỏ gia đình, bỏ những thú vui thường ngày để đi tới đây tu một tháng. Đây là một sự từ bỏ để học pháp, cầu pháp. Chắc chắn những vị Phật tử này trước khi tới ngôi chùa Bửu Quang xa xôi nằm ở vùng ngoại thành của TP. HCM họ cũng đã nghe tiếng về Bửu Quang. Như vậy đây là những phàm phu học pháp, yết kiến các bậc chân nhân, hiểu được những lời dạy của bậc thánh. Đa số những người phàm phu sống nặng trong tham sân si, ái dục, không biết các pháp vô thường, khổ, vô ngã, không chiêm nghiệm được pháp, không thấy được lời dạy của các bậc chân nhân. Còn chúng ta là phàm phu nhưng thấy được pháp, nghe phật pháp bằng kinh điển, bằng những lời giảng dạy của chư tăng.

2. Tỳ kheo hữu học: là những vị tâm chưa thành tựu đang sống tầm cầu vô thượng an ổn, đang học pháp, giống như người xuất gia (bỏ đời sống thế gian, từ bỏ tất cả để mong cầu quả vị) nên gọi đó là tỳ kheo hữu học. Tỳ kheo, theo Luật tạng Pali là những người xuất gia thọ 227 giới, đồng thời phải có tứ tác bạch tuyên ngôn tăng sự.

Trong chú giải kinh Đại niệm xứ, người nào có đầy đủ oai nghi, chánh hạnh, có chánh niệm tỉnh giác thì gọi là Tỳ Kheo. Trong kinh văn, Đức Phật nói: “Này các tỳ khưu, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ níp bàn, đó là Tứ niệm xứ”.

Tâm chưa thành tựu về thiền, giới, định, tuệ, nghĩa là đang học, đang hành pháp. Chúng ta là những người xuất gia đang hướng tâm đến bờ giác ngộ, tập sống đời sống cao thượng, đời sống viễn ly, mặc dù chưa thành tựu.

3. Vị tỳ kheo là bậc A la hán: là người không còn phiền não, lậu hoặc, vắng lặng tham sân si.

Trong kinh điển pali, Alahán chia 3 bậc:

a/ Alahán Thinh văn giác: là đệ tử của Phật Thích Ca tu 10 pháp độ. Thinh nghĩa là nghe. Có cả nam lẫn nữ, nghe pháp mà đắc đạo quả. Alahán thinh văn giác chia làm nhiều bậc:

  • Alahán Thinh văn thượng thủ như Mục Kiền Liên đệ tử tay trái của phật, Xá Lợi Phất đệ tử tay phải của phật.
  • Đại Alahán: được Phật ban cho mật hạnh. Mục Kiền Liên đệ nhất có thần thông, Xá Lợi Phất đệ nhất có trí tuệ, Kassapa đệ nhất có đầu đà. Tổng cộng có 75 vị Đại Alahán được ban tăng danh hiệu đặc biệt, chúng ta có thể xem trong quyển Trưởng lão Tăng kệ.
  • Alahán Lục thông và có tuệ phân tích
  • A la hán xuất gia theo hạnh Ehi bhikhu, thời đức phật có khoảng 1250 vị .
  • Alahán thinh văn bình thường: vị này đắc Alahán diệt trừ phiền não nhưng không có thần thông.

b/Alahán độc giác: tu 20 pháp độ, tiếng Phạn gọi là Pacceka Buddha chỉ thành tựu, xuất hiện khi không có vị Phật tổ, chỉ tiếp độ với vị nào gần gũi với ngài. Phật độc giác Chỉ có ở nam, không có ở nữ.

c/Alahán chánh đẳng chánh giác ( toàn giác): tu 30 pháp độ,
Sở dĩ 3 vị Alahán khác nhau là do thực hành pháp độ khác nhau đưa đến chứng đắc khác nhau. 10 pháp độ đó là:

  • Bố thí
  • Trì giới
  • Xuất gia
  • Trí tuệ
  • Tinh tấn
  • Nhẫn nhục
  • Chân thật
  • Quyết định
  • Tâm từ
  • Tâm xã

Trong Pali có câu: Iti piso bhagava dana parami, dana upaparami, dana paramattha parami. Nghĩa bố thí bờ kia, bố thí bờ trên, bố thí bờ cao thượng. Đức Thế tôn Ngài dạy:

Bố thí đến bờ kia: là bố thí tiền bạc, của cải, sự nghiệp, vợ con. Cho nên muốn trở thành Alahán Thinh văn giác thì phải thực hiện được hạnh bố thí như vậy, ai xin phải cho mới thành tựu, không cho không thành tựu pháp bố thí bờ kia. Đó gọi là tâm dứt bỏ. Ngày xưa, khi bồ tát quyết định cho hai con của mình cho một ông già, bồ tát đã cầm ly nước đổ xuống đất ý nói nước đã đổ không hốt lại được cũng như việc cho con không đòi lại. Điều đó ám chỉ tâm không luyến tiếc thì mới thành tựu hạnh bố thí bờ kia.

Đức Thế tôn, Ngài thành tựu pháp bố thí đến bờ kia, bờ trên. Ví dụ ai xin mắt cho mắt, ai xin tai cho tai là ý nói không luyến tiếc thân. Đây cũng là ám chỉ trạng thái tâm . Bố thí một phần trong cơ thể là ý nói về bồ tát tu muốn trở thành Alahán độc giác.

Đức Thế tôn đã thành tựu pháp bố thí bờ cao thượng: nghĩa là cho cả mạng sống. Có những tiền kiếp Phật đã gieo mình từ trên núi xuống cho cọp ăn thịt. Điều đó cho thấy tâm lực của một vị bồ tát không màng chi mạng sống, thái độ đó, cử chỉ đó, chứng tỏ tâm của người sắp ngộ đạo là như thế .

Cho nên muốn trở thành 3 vị Phật này khác nhau do thực hành pháp độ dẫn đến quả vị khác nhau, thần thông khác nhau, trí tuệ khác nhau. Chỉ giống nhau đoạn trừ 10 kiết sử phiền não:

  • Thân kiến
  • Hoài nghi
  • Giới cấm thủ
  • Tham dục
  • Sân hận
  • Ái sắc
  • Ái vô sắc
  • Ngã mạn
  • Phóng dật
  • Vô minh.

4. Như lai là bậc Alahán toàn giác: còn gọi là Phật tổ. Trong sớ giải Phật sử Buddhavamsa có những quả địa cầu không có vị Phật tổ nào, nhưng có những quả địa cầu có bốn hoặc năm vị Phật tổ. Quả địa cầu ta đang sống có năm vị Phật tổ. Quả địa cầu của chúng ta có tuổi thọ như con người của chúng ta, cũng có 4 thời kỳ là thành, trụ, hoại, không. Trong kinh nói: mỗi lần quả địa cầu thành lập thời kỳ mới thì nó thường xuất hiện tại trung tâm điểm ở Ấn độ (Bodhgaya). Có hoa sen nở bao nhiêu cánh là có bấy nhiêu vị Phật tổ. Hình ảnh cánh hoa sen tượng trưng cho số lượng đức phật. Đức Thích ca Gotama là vị Phật tổ thứ 4 trong quả địa cầu đương đại có 5 vị phật tổ. Tuổi thọ giáo pháp 5000 năm. Đến 5000 năm thì sẽ hết tuổi thọ giáo pháp của Phật Thích ca. Khi ấy, tuổi thọ giáo pháp đi xuống, lúc đó Vi diệu Pháp hoại trước, rồi đến Tạng Kinh, rồi đến tạng Luật. Luật tạng bị hoại, đồng thời giáo pháp của phật cũng hủy hoại theo.

Các pháp được đề cập là 24 pháp: đất, nước, gió, lửa, sanh vật, chư thiên, sanh chủ, phạm thiên, quang âm thiên, biến tịnh thiên, quảng quả thiên, thắng giả, không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ, sở kiến, sở văn, sở tư niệm, sở tri, đồng nhất, sai biệt, tất cả níp bàn.

Ở đây, Đức Phật đề cập đến 24 pháp. Tất cả con người chúng ta xoay vòng trong 24 pháp. Phật giải thích thêm:

“Kẻ phàm phu tưởng tri địa đại là địa đại”. Tưởng tri địa đại là địa đại (kể luôn cả 24 pháp), do tưởng tri địa đại là địa đại, nghĩ đến địa đại, nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với địa đại, nghĩ đến tự ngã như là địa đại, nó nghĩ địa đại là của ta, hoan hỷ địa đại. Vì sao vậy? Đức Phật nói rằng: Vì nó không liễu tri địa đại (aparinnātam).
Còn người không phàm phu thì nhìn trái cam thấy trùng trùng duyên khởi. Họ có thể nhìn thấy nắng xuyên qua, thấy mưa rơi xuống, thấy người trồng, người chăm sóc, người bán, người mua, người chuyên chở, người ăn trái cam. Nhiều nhà bác học hiểu hạt bụi bèn nghiêng mình trước hạt bụi. Giống như Phương thượng và phương hạ hiện tại, so với bên kia bán cầu thì hoàn toàn khác biệt, phương thượng bên đây chính là phương hạ bên kia. Chúng ta nhìn hoàng hôn, có người bảo mặt trời lặng rồi, người kia bảo chưa! Trong thực tế, Khoa học giúp cho ta có một ý niệm: không có mặt trời trong hiện tại, chỉ có mặt trời cách đó 8 phút về trước, vì ánh nắng mặt trời chiếu xuống quả đất mất 8 phút. Khoa học giúp cho chúng ta bài học khiêm tốn, đôi khi cái hiểu của chúng ta chưa đúng. Do vậy người tu thiền: trước khi tu thấy núi là núi, sông là sông. Tu rồi thấy núi không phải là núi, sông không phải là sông. Tu được rồi thấy núi là núi, sông là sông. Phàm phu thấy núi là núi, sông là sông. Tỳ kheo tu thấy núi không phải là núi. Nói tóm lại, chưa tu thân này là của ta, đang tu thân này không phải của ta, tu thành thân này vừa của ta vừa không phải của ta.

“Thắng tri địa đại là địa đại”: Thắng tri địa đại là địa đại, do thắng tri địa đại là địa đại, không nghĩ đến địa đại, không nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với địa đại, không nghĩ tự ngã như là địa đại, không nghĩ: “Địa đại là của tôi”, không hoan hỷ địa đại, vì cớ sao? Đức Phật nói rằng vì vị ấy có thể liễu tri địa đại. Cũng vậy, đối với hai mươi ba pháp khác.
Quý vị tu học thấy thế gian là vô thường, khổ, vô ngã. Tu là phải quán chiếu chớ không khéo, mình càng tu bản ngã càng cao, càng to. Hễ người ta giới thiệu quên chức vụ, làm thí chủ giới thiệu thiếu tên cũng cảm thấy khó chịu, thậm chí sân si. Cho nên diệt bản ngã rất khó. Muốn diệt bản ngã phải tu tập thiền quán vipassana để thấy sự mong manh của cuộc sống. Vipassana có hai chiết tự: Vi nghĩa là nhiều. Passana nghĩa là thấy. Thấy nhiều góc độ, nhiều khía cạnh khác nhau. Qua đó quý vị sẽ có sự khiêm tốn, không tự ngã , tăng thêm lòng từ bi hỷ xả.

Ví dụ quý vị thử nhìn chúng tôi. Khi nhìn góc này thì thấy chúng tôi khó ưa, nhìn góc khác thấy chúng tôi khó chịu, nhìn mặt khác may ra thấy cười được chút chút. Hoặc quý vị có ông chồng. Người ta thường nói : “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở, đời mất vui khi đã vẹn câu thề”. Lấy nhau rồi thấy ổng bản ngã quá lớn, chồng chúa vợ tôi, gây oan trái cho nhau. Vậy hãy tập nhìn, tập quán để thấy nhiều mặt , mặt này mặt kia, thấy mặt tốt để thương nhau, thấy mặt xấu để hiểu và tha thứ cho nhau. Quý vị biết điện và gas rất hữu dụng trong đời sống hằng ngày. Nhưng nếu quý vị không biết sử dụng vô ý sẽ làm chết người như chơi. Thì những người chung quanh ta cũng vậy. Biết đóng và mở là một nghệ thuật sống, nghệ thuật tu, nếu không chúng ta sẽ bất an.

Vị tỳ kheo là Alahán, tức là chư vị vô tham sân si. Ái sắc, ái vô sắc, ngã mạn, phóng dật và vô minh không còn.Ví dụ: làm trụ trì thì ái chùa, ái đệ tử. Có hữu phải có thủ. Có một vị tỳ kheo do ái bộ y mới chưa kịp mặc trước khi chết mà đã tái sanh thành con rệp nằm trong bộ y.

Theo giới luật, tài sản của chư tăng, một khi vị đó viên tịch, tài sản đó nếu có chia thì sau 7 ngày mới được chia. Nếu mình có nhà, đô la hãy biết đó là phương tiện. Cõi đời là cõi tạm, tạm trú chứ không phải thường trú. Ngày nào đó ai rồi cũng sẽ chết. Nên cố dừng đính mắc, tham đắm, xem thường như bỏ một chiếc dép cũ. Ái cõi dục là vậy. Còn ái sắc tức là chứng đắc thiền sanh vào 16 cõi phạm thiên, ở đó dính mắc, tham đắm trú xứ, sẽ không có cơ hội chứng đắc đạo quả. Ái vô sắc là vị này thành tựu được 4 thiền vô sắc, tức là Không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ (Níp bàn của Bà la môn giáo là cõi vô sắc). Còn chúng ta ở đây là trong cõi dục, thân này do dục tạo nên. Vị Alahán không còn ngã mạn phóng dật và vô minh, luôn luôn tỉnh thức, chiêm nghiệm, tâm luôn tự tại đối với pháp thế gian, bất động trước khen-chê, có- không, được- mất, hạnh phúc- đau khổ, vinh – nhục.

Như lai – bậc chánh đẳng chánh giác liễu tri được tất cả các pháp. Có câu chuyện kể một hôm đức Phật đi ngang qua cánh rừng Chimpa, cánh rừng này ngày nay ở Nepal. Đức Phật nắm 1 nắm lá trong tay và hỏi Đại đức A Nan Đa, lá trong tay Như Lai và lá trong rừng lá nào nhiều hơn. Đức Phật nói: lá trong tay và lá trong rừng lá nào nhiều hơn, Đại đức trả lời lá trong tay thì ít hơn lá trong rừng. Những gì Như Lai giảng dạy cho các thầy giống như nắm lá trong tay, còn sự giác ngộ của Như lai nhiều giống như lá trong rừng. Những pháp Như Lai giảng dạy đó là Tứ niệm xứ, tứ chánh cần, Tứ như ý túc, ngũ căn, ngũ lực, thất giác chi, bát chánh đạo, vì những pháp đó, khi chúng ta áp dụng tu thì ngay lập tức chứng đắc đạo quả.

Ngài từng dạy: “trong biển cả mênh mông có một vị duy nhất là vị mặn. Trong giáo pháp Như Lai có một vị duy nhất là vị giải thoát”. Cho nên trong giáo pháp đức phật, chúng ta thấy có liên quan rất nhiều đến khoa học. Vì sự liễu thông của ngài là bất hủ, không hề mai một. Ngày xưa đức Phật có một bình lọc nước luôn mang theo cho thấy rằng thuở đó ngài đã nhìn thấy trong nước có vi trùng. Sau này khoa học đã chứng minh điều đó là có thật. Mục Kiền Liên thấy ngạ quỷ nhờ có thần thông, không phải ai cũng thấy được. Thế giới ngạ quỷ mà Mục Kiền Liên nhìn thấy, Như Lai đã thấy trước đó khi Như lai mới vừa thành đạo. Do vậy Đức Phật mới nói kinh Ngạ Quỷ sự có tổng cộng 24 loài ngạ quỷ. Trong đó chỉ có một loại ngạ quỷ hưởng được phước báu chúng ta hồi hướng. Sau Mục Kiền Liên bay lên trời, chuyển động thần thông, ngài gặp các tiên nữ. Sở dĩ họ sanh lên cõi trời nhờ tu Bát quan trai giới, bố thí, tham thiền. Nhờ có 3 pháp: tín, thí, giới nên họ sanh thiên.

Tóm lại: nội dung bài kinh Pháp môn căn bản đức Phật dạy có 4 hạng người: phàm phu, tỳ kheo hữu học, tỳ kheo là bậc Alahán và bậc Như lai Alahán chánh đẳng chánh giác. Các pháp được đề cập trong bài kinh là 24 pháp.

Trong sớ giải, kinh này không được 500 vị tỳ kheo hoan hỷ, vì họ ngu si không hiểu, họ tự cho đã hiểu biết như đức Phật. Sau khi đức phật giảng kinh này cho chư vị, lòng ngã mạn của họ được nhiếp phục. Cuối cùng đức phật giảng thêm bài kinh Gotamakakasutta (A.i,276) và chư vị chứng quả A La Hán.

Bài giảng đến đây vừa phải lẽ với thời gian, trước khi dứt lời, cầu nguyện hồng ân Tam bảo gia hộ cho quý vị luôn được an vui trong chánh pháp.