image1

Bài học vỡ lòng

image1
BÀI HỌC VỠ LÒNG

Tôi vẫn còn nhớ câu chuyện đã đọc được ở trên Facebook. Thầy giáo dạy toán bước vào lớp viết lên bảng. Hôm nay chúng ta học phép tính nhân với 9. Rồi thầy viết: 9 x 0 = 9
9 x 1 = 9
9 x 2 = 18
9 x 3 = 27
….
….
9 x 10 = 90

Khi thầy viết dòng thứ 2, thứ 3 đến dòng thứ 10 cả lớp liền ồn ào, rất mất trật tự. Có nhiều tiếng nói từ dưới lớp vọng lên: thầy giáo sai rồi, thầy giáo sai rồi.

Thầy giáo ra hiệu cho cả lớp im lặng và nói: Hôm nay, tôi muốn dạy cho các em một bài học với thông điệp là: Nếu các em làm được 9 việc đúng và chỉ có 1 việc sai thì đa số sẽ tập trung vào 1 việc sai mà quên di 9 việc đúng của các em. Khi ra đời, ai đó làm 10 việc mà có tới 9 việc đúng mà 1 việc sai thì các em đừng vì 1 việc sai đó mà quên 9 việc đúng kia nhé.

Tôi gọi đây là bài học vỡ lòng không chỉ trong cuộc sống mà trong cả việc thực hành giáo pháp. Chúng ta sinh ra khi Đức Phật Thích Ca đã vắng bóng hơn 2500 năm, là vào xế chiều của giáo pháp 5000 năm. Nghĩa là chúng ta sẽ không được nghe hay thấy một vị thầy hoàn hảo và không có lỗi lầm như Đức Phật nữa. Trong cuộc đời của chúng ta, khi tiếp xúc với giáo pháp, với các vị thầy, với các bạn hữu, nếu chúng ta tìm kiếm sự không lỗi lầm hay hoàn hảo là điều không thể có. Biết như vậy nên trong bài kinh Quyết Định Tánh Về Diệu Pháp, Đức Phật đã dạy:
“Nghe pháp với tâm chê bai, với tâm bị chê bai ám ảnh; nghe pháp với tâm cật nạn, tìm tòi khuyết điểm; trong khi pháp được giảng, tâm bị choáng váng, bị chai sạn; ác tuệ; đần độn, câm điếc, không tác ý hiểu biết đối với những vấn đề không hiểu biết. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một người nghe diệu pháp không có thể nhập vào quyết định tánh, chánh tánh trong các thiện pháp.” (Kinh Tăng Chi)

Trong cuộc đời mỗi người, nếu chúng ta gặp được những nơi, những người thầy, những người bạn mà trong 10 việc làm tới 6-7 việc đúng mà chỉ có 3-4 việc sai là chúng ta đã may mắn nhiều rồi. Nhưng khi chúng ta gặp các bậc thiện tri thức như vậy. Chỉ vì một câu nói nhầm, nói sai, chúng ta quên hết những điều tốt đẹp mà những vị ấy vốn có. Thậm chí sa đà vào khiển trách, chê bai. Tự mình đóng cánh cửa đến với các bậc thiện trí thức, thiện bạn hữu. Bài học vỡ lòng thuở nào ta vẫn chưa thuộc, vẫn chưa thi qua bài, chưa lên được lớp.

Khi ngài A Nan hỏi Đức Phật: Một nửa Phạm hạnh này, bạch Thế Tôn, là thiện bạn hữu (kalyàsamittatà), thiện bạn đãng (kalyànasahàyatà), thiện thân tình (kalyàsam-pavankatà).
—Chớ có nói vậy, này Ānanda! Chớ có nói vậy, này Ānanda! Toàn bộ Phạm hạnh này, này Ānanda, là thiện bạn hữu, thiện bạn đãng, thiện thân tình. Với Tỷ-kheo thiện bạn hữu, thiện bạn đãng, thiện thân tình, này Ānanda, thời được chờ đợi Thánh đạo Tám ngành được tu tập, Thánh đạo Tám ngành được làm cho viên mãn. (Kinh Tương Ưng Đạo)

Như vậy, để tu tập Bát Chánh Đạo được viên mãn, không chỉ nửa cuộc đời mà cả cuộc đời làm bạn với thiện bạn hữu. Nhưng trong hành trình đến với thiện bạn hữu, ta lại cật vấn, tìm tòi các khuyết điểm, chê bai trong khi nghiệp của ta sinh ra vào thời đã không thể cho ta gặp một vị nào hoàn hảo như Đức Phật và các bậc Thánh được ghi chép trong kinh điển. Giống như một cái bánh có hạt nhân đen, chì vì vết đen mà ta vứt cả cái bánh. Ví như quả dưa có 1 góc bị dập hỏng, ta bỏ cả quả dưa mà chịu khát. Bài học vỡ lòng thuở nào chưa trả được bài, chưa thi qua được vẫn y nguyên trong ta. Nói cách khác, ta vẫn giống như đứa trẻ ngày nào chỉ lớn lên về thân xác mà thôi.

(Thấy Biết)