bạn đi đâu

Bạn đi đâu ?

bạn đi đâu
Đức Phật dạy chúng ta tầm quan trọng trong việc tìm kiếm phương hướng đúng trong cuộc sống này. “Ta là gì? Ta phải nhận ra được Chân ngã hoặc Tự tánh của mình là điều thiết yếu mà ta có thể làm”. Nếu bạn nhận ra Con Người Thật (Chân ngã) của bạn, tức thì bạn đạt được tính chính xác của bạn. Khi sanh ra, bạn từ đâu đến? Khi chết rồi, bạn đi về đâu? Ngay bây giờ, công việc chính xác của bạn là gì? Mọi người đều hiểu công việc của bản thân này biểu hiện danh phận bề ngoài, chẳng hạn như họ là luật sư, bác sĩ, y tá, công nhân, hoặc tài xế, sinh viên, hoặc công việc làm chồng, làm vợ và những công việc trẻ em…. Đây là những công việc cơ thể của chúng ta, công việc bên ngoài của chúng ta, còn công việc bên trong con người thật của bạn là gì?Đức Phật cũng dạy chúng ta đời đời phải thường thực hành hạnh Bồ tát để cứu độ tất cả chúng sanh thoát khỏi khổ đau. Muốn cứu độ tất cả chúng sanh, điều quan trọng trước nhất bạn phải tự cứu độ “chúng sanh tâm” của mình. Nếu bạn không thể tự cứu độ mình, thì làm sao bạn có thể cứu độ cho kẻ khác? Vì vậy, đây là lý do tại sao chúng ta cần phải thấu rõ Tự tánh, Chân ngã, hoặc Bản lai diện mục của chúng ta. Cái đó không thể tìm thấy trong kinh sách, hoặc tư duy, khái niệm. Một học vị tiến sĩ, không có gì là tuyệt vời, không thể đối kháng với sức mạnh vô thường, ngay cả trong khoảnh khắc của sự quán sát nội tại một cách sáng suốt vào Bổn nguyên Tự tánh của chúng ta. Và con đường trực tiếp, ngắn nhất để trải nghiệm điều đó chính là Thiền định. Đây là điểm quan trọng.

Thiền đúng có nghĩa là sự hiểu biết về Chân ngã, Tự tánh của mình. Con đường này bắt đầu và kết thúc bằng câu hỏi: “Ta là gì ?” Đó là cách giáo hóa rất đơn giản, và không có gì đặc biệt. Khi bạn khởi “Nghi tình” của câu này một cách mãnh liệt, với đáp án duy nhất là “Không Biết”. Tất cả mọi suy nghĩ hoàn toàn cắt đứt, và bạn quay về “Tâm ban đầu” trước suy nghĩ. Nếu bạn thấu đạt không-biết, bạn sẽ thấu đạt Chân ngã của bạn. Bạn đã trở về bản lai tự tánh của bạn, đó là “Sơ tâm” trước khi suy nghĩ phát sinh. Bằng cách này, bạn có thể biểu đạt và thấu tỏ Chân lý, và các chức năng sống của bạn một cách chính xác, để cứu độ tất cả chúng sanh khỏi đau khổ. Tên đó là sự Tỉnh thức, hoặc Chánh định.

Tại sao cuốn sách này có tiêu đề Thiền Tông Chỉ Nam hay còn gọi là La Bàn Thiền? Đạo Phật chỉ ra cho chúng ta thấy rằng thế giới này là một đại dương đau khổ. Tất cả mọi người đều sanh ra, rồi già, bệnh và chết. Chúng ta được tái sanh, chúng ta đau khổ, và sau đó chúng ta lại chết. Mỗi chúng sanh được tái sanh đi, tái sanh lại nhiều lần và có khi bất tận. Bởi vì lòng ham muốn trói cột chúng ta từ vô thủy. Tên tiếng Phạn gọi là Samsara (Luân hồi). Tất cả mọi chúng sanh cứ mãi xoay vòng, xoay vòng trong“đại dương đau khổ”, mẫu tự Trung-Hàn gọi là “Go hae”(Khổ hải).Đức Phật dạy rằng chúng ta phải bơi thuyền vượt qua đại dương sanh tử này. Đó là “Thuyền trí tuệ”( Pràjnã-ship ) cũng giống như tất cả các con tàu đi biển, con tàu này cần có một la bàn. Chúng tôi có thể nói rằng, nếu bạn muốn thực hiện chuyến hải hành từ Los Angeles đến Hàn Quốc. Trên tàu, bạn đã tích chứa rất nhiều thức ăn, nước uống, quần áo và thuốc men. Đây là những đồ dùng cần thiết cho cơ thể của bạn được sống còn. Nhưng làm thế nào để bạn tìm thấy điểm đến của cuộc hành trình này? Điều quan trọng nhất phải nắm rõ phương hướng. Nếu phương hướng không rõ ràng, bạn sẽ đi lang thang nhiều năm trên các đại dương thăm thẳm. Bạn sẽ dễ dàng bị lạc mất hoặc chìm đắm giữa biển khơi. Trong khi đó, bạn sẽ hết thực phẩm, hoặc bị mắc kẹt trên một số hoang đảo. Vì vậy, không có bất cứ điều gì quan trọng hơn trên cuộc hành trình của bạn, đó là phương hướng.– “Làm thế nào tôi có thể tìm ra hướng đến Hàn Quốc? Làm thế nào để đạt được điều đó? Hàn Quốc ở đâu? ”

bạn đi đâuMuốn tìm hướng đi chính xác, bạn cần có một la bàn hoặc hải bàn. Nếu thủy thủ không có la bàn, mặc dù họ có sắm con tàu thật to, có bản đồ chỉ rõ và thời tiết tuyệt vời, nhưng họ sẽ không nhận thức được hướng đi chính xác của họ. Họ chắc chắn sẽ mất phương hướng và không đạt đến đích. Khi sử dụng la bàn của con tàu này một cách chính xác, bạn có thể tìm thấy Chánh đạo. Sau đó, bạn có thể cảm nhận thực tế trong hiện tại những gì luôn luôn ở ngay trước mắt bạn.

Do vậy, nếu bạn muốn hiểu con người thật của bạn, bạn phải thực hành thiền. Chỉ giữ câu hỏi này một cách miên mật: Ta là gì? Không Biết… Nhưng có nhiều loại Giáo lý bạn có thể mang theo dọc đường. Có Giáo lý Phật giáo Tây Tạng, Thiền Hàn Quốc, Thiền Nhật Bản và Liên Hoa Tông với câu niệm Namu myoho Renge-kyo, có Thiền Minh sát Vipassana, Thiền Siêu việt, và Thiền Tịnh quang. Có pháp môn Tịnh Độ, Phật giáo Mật tông, và Phật giáo bí truyền v. v…Đặc biệt ngày nay ở phương Tây, có rất nhiều, rất nhiều pháp môn, nhiều giáo lý. Nhưng một giáo lý sáng tỏ là gì ? Và chức năng của nó ra sao? Làm thế nào chỉ thẳng tâm người? Làm thế nào để giúp chúng ta tìm thấy Chánh đạo, thấu tột Chân lý và sống an nhiên tự tại, đầy lòng Từ bi cho tất cả chúng sanh? Đó chính là trọng tâm của La bàn này để giúp tìm xương tủy thực sự của giáo lý Phật đà trong ba bộ phận Phật giáo chính thống. Y lý phương Đông của người xưa từng bảo: “Nhiệt tắc hàn chi, Hàn tắc ôn chi”. Nghĩa là đối với bệnh sốt thì sử dụng thuốc hàn. Đối với bệnh cảm lạnh thì sử dụng thuốc ôn nhiệt. Con người phải chịu bệnh hoạn từ lời nói và suy nghĩ của mình, vì vậy đôi khi lời nói và suy nghĩ của y học có thể giúp họ. Đó là lý do tại sao chúng tôi làm ra La bàn Thiền. Nếu bạn không vướng mắc bởi lời nói và chữ nghĩa trong La bàn này, và chỉ giữ tâm không biết, hoàn toàn quét sạch mọi vọng tưởng, sau đó thuốc chữ nghĩa và lời nói trên các trang này có thể giúp bạn tìm ra Chánh đạo. Bạn có thể tìm thấy tinh yếu lời giáo huấn của Đức Phật. Nhưng nếu bạn vướng mắc, dù là lời Phật dạy, cũng sẽ đưa bạn thẳng đến địa ngục.

Vì vậy, những gì được trình bày như dưới đây với nhiều loại ngôn từ giáo hóa tuyệt vời: có ngôn từ Tiểu thừa, ngôn từ Đại thừa, ngôn từ Thiền, tiếng Trung Quốc, tiếng Phạn, tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Mỹ, tiếng Ba Lan…. Có lời thật, lời hư ; có lời tốt, lời xấu. Có rất nhiều, rất nhiều loại từ. Đôi khi vô ngôn, không có lời nào. Nếu bạn muốn thấu đạt Chân ngã, liễu ngộ Tự tánh, thì không nên dính mắc bất kỳ những lời giảng thuyết nào. Nếu bạn cho rằng Tiểu thừa Phật giáo là giáo lý Đạo Phật Nguyên Thủy đúng nhất, bạn sẽ có vấn đề (câu nệ, bảo thủ ). Nếu bạn nói rằng Phật giáo Đại thừa là chính xác, bạn sẽ có vấn đề lớn hơn ( chấp trước, vướng mắc ). Và nếu bạn nói Thiền là trên hết, (thì bạn không thấu hiểu được Tâm Phật), bạn sẽ đi thẳng xuống địa ngục như tên bắn. Không giữ ngôn từ trong La bàn này. Chỉ có lãnh hội được những gì nó đang giúp cho bạn tìm ra phương hướng, và sau đó bạn chỉ thực hành.

Điều quan trọng nhất là làm cách nào bạn có thể giữ một câu hỏi lớn (Đại Nghi Tình) thật mãnh liệt.“TA LÀ GÌ?”Luôn luôn giữ mãi câu hỏi này với quyết tâm vĩ đại, những gì xuất hiện chỉ duy nhất “KHÔNG BIẾT”. Không có suy nghĩ. Không có bất kỳ chữ nghĩa hay lời nói, bởi vì tất cả mọi suy nghĩ, mọi vọng tưởng hoàn toàn được quét sạch. Tên “không biết” này còn gọi là Chân ngã hoặc Tự tánh. Đôi khi nó cũng được gọi là Tỉnh thức, Sáng tỏ, Ngộ (Satori) hoặc Kiến tánh (Kensho). Nhưng bổn lai vốn không danh, không tướng. Nếu bạn lãnh hội được điều đó, tất nhiên bạn thấu đạt được Phật giáo Tiểu thừa, thấu đạt được Phật giáo Đại thừa, và tỏ ngộ Thiền. Như vậy, Tiểu Thừa, Đại Thừa và Thiền tất cả cùng một điểm,“Ta là gì? –Không biết.”

Vì vậy, tôi hy vọng bạn đọc qua những lời này, nhưng không vướng mắc chúng, sau đó chỉ đi thẳng – không biết, cố gắng, cố gắng, cố gắng, mười ngàn năm không thôi nghỉ, được tỏ ngộ, và cứu độ tất cả chúng sanh khỏi khổ đau.

Sơn tăng Sùng Sơn,
Tổ đình Hoa Khê, núi Viên Giác
Thủ đô Seoul, Nam Hàn
Ngày 01 tháng 8 năm 1997

Trích:(Lời Tửa) ● Thiền Tông Chỉ Nam (sách)

nguồn: thuvienhoasen.org

Visits: 1458